BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chút nắng chiều

15 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 1252)
Chút nắng chiều
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tác giả


 Chiếc xe tốc hành thả tôi xuống ngả ba con lộ tẻ đất thịt, gồ ghề, cùng với hai va li quà cáp, quần áo cho người thân nặng gần nửa tạ. Từ đây về đến nhà còn hơn một cây số.

Từ căn nhà lá xơ xác tồi tàn, cái chòi thì đúng hơn, đứng trơ vơ bên lề đường giữa cánh đồng mênh mông sau mùa gặt, một người đàn ông ốm teo, mặc cái quần lính xám tro vá đùm nhiều chỗ, mang giày bố cũ, mà mỗi lần bước đi ngón chân cái chui ra ngoài, gật đầu cười chào hỏi tôi:

- Ông đi về đâu? Có muốn tôi chở mấy va li này không?

Tôi mừng rỡ đáp:

- Vâng, nhờ anh giúp tôi.

Người đàn ông bước đi khập khểnh về phía căn nhà lá tồi tàn, vách phên tạm bợ tả tơi, trống trước hở sau, một nơi trú ngụ nghèo nàn mà không còn cỡ nào nghèo hơn được nữa, trong đó thấp thoáng bóng hình người đàn bà và mấy đứa nhỏ lam lũ.

Đẩy tấm liếp làm cửa che, bện bằng ruột tre, được chống lên bằng một khúc cây cong vòng, người đàn ông đẩy ra một chiếc xe lôi không vè, không cả dây hay cần thắng. Một chiếc xe trần truồng thổ tả, sàn xe để khách ngồi lót bằng những tấm ván thùng đạn Pháo Binh, một biểu tượng chiến tranh còn sót lại trong đời sống tơi tả của người dân, ghép vào còn mấy kẽ hở, hứa hẹn nhiều nhói đau cho khách.

Hai chiếc va li choán gần hết khoang xe, tôi đành mang túi xách vào vai leo ngồi cạnh phía sau. Anh nằm rạp xuống lấy thế đẩy xe về phía trước, vừa bắt trớn anh co giò nhảy phóc lên gọn gàng ngồi trên yên xe như những anh chàng kỵ mã lên lưng ngựa trong những phim «cowboy» miền Viễn Tây Hoa Kỳ.

Gió trên cánh đồng xa thổi ngược, anh nằm rạp xuống, gò mình nhấp nhô nhấn mạnh bàn đạp, chiếc xe di chuyển một cách lười biếng. Bất chợt tôi nghe một chút xấu hổ về vóc dáng «phì nhiêu» và nước da luôn ngồi trong phòng có máy điều hòa không khí. Trọng lượng thân thể cộng thêm hai chiếc va li, tất cả trên một trăm kí lô, đè lên thân thể gầy gò, nhấp nhô, lúc sàng sang trái, lúc sàng bên phải, trán đã đượm mồ hôi. Cố gắng hết mình nhưng chiếc xe trần truồng của anh vẫn nhởn nhơ, đôi khi đứng sững lại vì lọt xuống mấy «ổ trâu» trúng mùa, sung túc trên đường... chằng chịt lên nhau đầy dấu chân trần.

Mồ hôi rịn ra đẫm lưng áo trắng thâm kim đã ngã màu cháo lòng, anh phu xe cần mẫn, cố sức gò mình điều khiển chiếc xe lôi xương xẩu trống hốc, nhiều hứa hẹn gãy vụn cho bất kỳ lần nào đó quá tải.

Xe dừng trước nhà. Sau khi cho gót chân nhấn mạnh vào thành vỏ xe thay thắng. Anh quơ ngược chân phải đứng xuống. Chân làm bằng gỗ nhờn nhợt màu da người, cáu bẩn. Một dòng máu đỏ rỉ xuống thấm qua cổ chiếc giày bố đã buộc dây cẩn thận. Tôi sửng sờ hỏi nhỏ:

- Chân anh làm sao chảy máu vậy?

Cầm chiếc nón bèo nhèo xuống lau mồ hôi trán, anh phu xe với nụ cười méo sệt nói:

- Dạ, em bị thương ở trận Đức Cơ, vết thương cũ bị rách.

Thấy tôi ái ngại nhìn ống chân rỉ máu, anh phân trần tiếp:

- Chân phải bị cưa gần đến đầu gối, gió ngược xe nặng quá, em ráng đạp nên vết thương bị rách, vài bữa lành hà, rồi cũng quen.

Tôi nhờ cậu em đưa cho anh một trăm ngàn trong khi anh cho biết giá cuốc xe chỉ mười ngàn. Em tôi cho biết anh tên Sáu Tài vá xe ở ngã ba lộ tẻ, trung sĩ TQLC, thương binh chế độ cũ, hiên ngang chẳng «tè» thằng công an nào.

Cùng giống dân da vàng mũi tẹt! Có cuốn sách xuất bản cách nay nửa thế kỷ đã nói da vàng là một tai họa nhưng người Tàu và Việt Nam khác nhau hoàn toàn về tình hoài hương. Quẫy gánh trên vai mua ve chai lông vịt, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thấy chỗ nào làm ăn, mua bán được sẽ cư trú suốt đời. Người Việt Nam khác hẳn. Địa vị, thành phần xã hội cỡ nào, nỗi nhớ nhà, tình hoài hương luôn canh cánh bên lòng. Nỗi nhớ quê cha đất tổ, chốn chôn nhau cắt rún đã thành ca dao:

«Đói đến chết! Tết cũng lết về quê».

Trên mười năm rồi! Dù chưa đến Tết, tôi đã «lết» về quê thăm mồ mả, ông bà cha mẹ. Quây quần thăm hỏi, quà cáp cho người thân, tôi nghe lòng mình phơi phới và mãn nguyện lắm.

Không biết có phải cầm tinh tuổi ngọ hay không? Có chút đỉnh tiền cùng thời gian là tôi xách túi lên máy bay đi du lịch! Biết bao chuyến viếng thăm danh lam thắng cảnh, một số kiến trúc kỳ quan thế giới, những thành phố diễm lệ. Nhưng chuyến về thăm quê lần này, sách giáo khoa thư lớp đồng ấu đã ghi: «Chốn quê hương đẹp hơn cả.» Tôi thật xúc động, không đâu đẹp bằng quê hương mình. Xong nhiệm vụ mà lòng tôi mong muốn, đi thăm bà con xa gần, bạn bè. Nhứt là bạn tù còn kẹt lại nghèo khổ túng thiếu, bên tách trà và khói thuốc lào «nhìn những mùa thu đi».

Chiều nay, nhờ người em chở tôi ra ngã ba thăm Sáu Tài vá xe đạp. Tôi mang theo lít rượu trắng, con gà hấp rượu còn nóng hổi đựng trong bao nylon. Sáu Tài mừng rỡ đón tôi với tư thế nghiêm chào, tay vịn vào vành nón, lễ nghi đúng quân cách:

- Cảm động quá, hân hạnh quá! Ông thầy đến thăm đàn em.

Tôi khoát tay:

- Bạn bè chiến hữu thôi, thầy bà gì ông?

Quẹt, quẹt vào vạt áo, Tài siết chặt tay tôi:

- Nghe bà con cho biết, Captain mà.

Trao chai rượu và bịch gà, tôi vui vẻ:

- Chia nửa con gà cho thím và mấy đứa nhỏ. Phần còn lại anh và Sáu đã một bữa.

Tài rối rít gọi vợ và mấy đứa nhỏ lem luốc, có đứa ở trần, khoanh tay lễ phép chào tôi. Tài dẹp mấy thứ lỉnh kỉnh trên mặt bàn, được làm bằng mấy tấm ván thùng gỗ Pháo Binh đã lì mặt, trải lên một tờ báo cũ. Rượu, đồ nhấm, chén đũa, muối tiêu và đặc biệt một dĩa chùm ruột vàng ươm. Tôi với tay rót rượu đầy hai ly “xây chừng”, tự giới thiệu:

- Anh là Bảy Ánh, từ Mỹ về cụng ly với Sáu Tài, chiến hữu của anh đây. Mỗi đứa cạn nửa ly, độ cao rượu chạy tới đâu biết tới đó.

Khà một tiếng, đặt ly xuống bàn quẹt môi, ưỡn ngực, Tài chào tay:

- Trung sĩ nhứt Tài, số quân 67/174218, phụ tá ban 3 tiểu đoàn 5 TQLC, trình diện đại úy chờ lệnh.

Tôi xua tay:

- Ngồi xuống nhậu đi ông! Ở đó mà trình diện, chờ lệnh. Công an biết được chụp mũ anh em mình đi tù mút mùa đó.

Tài gắp nửa miếng gan gà bỏ vào chén cho tôi và nói lớn:

- Em đếch sợ đám bò vàng đó.

Vợ Sáu Tài đứng lấp ló qua tấm vách ngăn lên tiếng:

- Ảnh liều mạng lắm, anh Bảy ơi! Nhậu đã, lên võng nằm chửi tụi nó búa xua! Em năn nỉ thiếu điều quỳ lạy biết bao lần! Chứng nào vẫn tật nấy.

Thịt gà hấp rượu thơm ngọt! Đưa cay cạn hai ly, tôi nghe lâng lâng sảng khoái quá chừng.

- Chú nói bị thương trận Đức Cơ, chú còn nhớ chi tiết trận đánh đó không? Kể cho anh nghe coi!

Sáu Tài chùn giọng xuống:

- Làm sao mà quên được, đại bàng! Năm sáu mươi tư em bỏ lại một phần thân thể ở đó mà.

Với cuốn tập học trò vàng ố cạnh cuốn tròn, cây bút chì thỉnh thoảng đưa lên môi thấm nước miếng, Tài hí hoáy vẽ nhiều mũi tên trục tiến quân! Phóng đồ hành quân do ban 3 vẽ có khác. Nghiêng ngó, nheo mắt, rà đầu chì lên phóng đồ, Tài thuyết trình:

- Đoàn «con voi» GMC cả trăm chiếc chở chiến đoàn Dù, chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Thiết Giáp có tiểu đoàn BĐQ tùng thiết, đại đội Công Binh chiến đấu đi sau cùng, tất cả tập trung cách điểm xuất phát 5 km.

Theo tình báo, Việt Cộng chiếm xã Thắng Đức, một xã nhỏ, cư dân đa số là gia đình của năm trăm binh sĩ đồn trú trong căn cứ Đức Cơ do Mỹ thiết lập. Căn cứ có hệ thống phòng thủ kiên cố, hàng rào kẽm gai thẳng đứng, giữa hai hàng rào là concertina chồng kín! Chuột chạy còn vướng mìn claymore gài tự động, hầm hố che đậy và chống đỡ bằng nhiều lớp bao cát dầy.

Đêm xuống, Việt Cộng bắt vợ con, cha mẹ lên loa kêu gọi con em mình bỏ súng về với chúng, đồng thời gần ba tháng cộng quân bao vây, pháo kích quận Lệ Thanh đêm ngày.

Đoàn quân xuất phát gồm chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến bên trái, chiến đoàn Dù bên phải. Cả hai cánh quân bung cách con đường dẫn vào quận Lệ Thanh hai trăm thước. Trên lộ chiến đoàn Thiết Giáp và tiểu đoàn Biệt Động Quân tùng thiết, đi sau cùng là đại đội Công Binh chiến đấu có gắn đại liên 50 ly trên xe GMC.

Lúc đó, em mang lon trung sĩ phụ tá cho trung úy Hữu, trưởng ban 3 tiểu đoàn 5 TQLC. Thiếu tá Tính làm tiểu đoàn trưởng, trung tá Yên chiến đoàn trưởng. Chiến đoàn TQLC phá rừng thưa từ từ lục soát và tiến lên phía sâu trong hai ngọn đồi xanh rì. Hai chiến đoàn TQLC và Nhảy dù lục soát cẩn thận giữ khoảng cách trục lộ 200m dẫn vào chi khu Lệ Thanh.

Lúc đó em nghĩ thầm trong bụng cuộc hành quân nầy an toàn như diễn hành, hợp đồng liên binh chủng phối hợp cùng Thiết Giáp. Bài bản đúng binh thư, đề phòng địch tấn công.

Xuất phát độ hai giờ, Việt Cộng với quân số cấp trung đoàn, đội mồ gần trục lộ 100m thổi kèn xung phong đánh xáp lá cà. BĐQ chiến đấu bằng lựu đạn lưỡi lê. Pháo tháp Thiết Giáp xoay vòng tròn 360, di chuyển tới lui dồn dập không định hướng, xích sắt cán lên cả bạn thù.

Lực lượng Dù, TQLC quần thảo với lực lượng CS đông như kiến cỏ, vừa cận chiến vừa la “đầu sống chống chết”, hòa lẫn tiếng kèn xung trận. Đại đội Công Binh bị địch tràn ngập, chiếm khẩu đại liên đặt trên GMC khóa đuôi. Không còn chỉ huy, không còn liên lạc, phe bên ta lẫn địch dùng báng súng và lưỡi lê thanh toán nhau. Mùi thuốc súng khét lẹt, máu người tanh ói, tiếng rên la hấp hối khủng khiếp của ngày tận thế. Đôi bên tổn thất quá nặng! Địch rút đi bỏ lại trên trận địa hơn trăm xác, vũ khí đôi bên nằm la liệt, Thiết Giáp mấy ngày sau còn âm ỉ cháy trên đường. Công Binh ủi nhiều hố sâu chôn xác địch bỏ lại trận địa đã sình thối. Tụi em khát quá cúi xuống mấy vũng nước cạn uống, nghe tanh mùi máu.

Tôi góp ý:

- Trận địa hỗn mang và tàn khốc như vậy mà em vẫn còn sống. Em thật giỏi và may mắn lắm.

- Em có đai đen thái cực đạo, nhảy lên khỏi hố xoay người để né đường đâm của lưỡi lê AK, chụp súng kéo mạnh đánh một cái chỏ vào mặt đã đốn ngã thằng Việt Cộng giãy đành đạch. Em trả lưỡi lê AK vào ngực nó, xuyên thấu sau lưng, máu phun có vòi ướt đẫm mặt mày em.

Cầm cái chân gà lên gặm, hớp ngụm rượu, Tài tiếp:

- Ba ngày sau, tụi em giải tỏa được quận Lệ Thanh. Địch rút lực lượng chủ lực đi, võ trang địa phương tác chiến cầm chừng. Nhà cửa, doanh trại đều sập, cháy đổ nát điêu tàn.

Hôm sau giải tỏa căn cứ Đức Cơ bị pháo kích tan nát, tơi bời hoa lá, hầm, lô cốt sập rào kẽm gai cháy loang lỗ, cong queo nám đen. Lực lương đồn trú quân số năm trăm, đa số người Thượng do Mỹ huấn luyện trả lương và yểm trợ. Căn cứ không bị tràn ngập nhờ tinh thần chiến đấu gan dạ, phi cơ, Pháo Binh yểm trợ, về đêm có phi cơ C47 soi sáng.

Quân số năm trăm điểm danh chỉ còn một trăm ba chục tay súng. Trong ngày, xã Thường Đức cũng được giải tỏa. Màu tang trắng và tiếng khóc thảm thiết vì chồng, cha đã vĩnh viễn nằm xuống, tử thủ căn cứ Đức Cơ. Bên ta bắt được bốn mươi bảy tù binh, có hai tù binh bị Việt Cộng xích chân vào súng 12 ly 8 trước khi rút đi. Tất cả lực lượng tham dự, quân phục mũ nón giày còn tèm lem thuốc súng và lốm đốm máu thù, được lệnh tập trung ở sân banh Pleiku để gắn cấp bậc vinh thăng và ân thưởng huy chương. Tổ chức tiệc mừng chiến thắng!

Em được tướng Vĩnh Lộc vào bệnh viện gắn thăng cấp trung sĩ nhứt kèm anh dũng bội tinh ngôi sao bạc. Với tư thế nằm, em nghiêng chào và bắt tay tướng vùng vì một chân em để lại xã Thường Đức.

Tôi nói muốn nghe Tài kể lại trường hợp bị thương. Một chút xa xôi trên khóe mắt, Tài kể:

- Thật tình em không muốn nói lại cho ai nghe, kể cả vợ em, bị mất chân lảng xẹt! Một người có đai đen thái cực đạo không có cú nhảy sai như thế.

Nhai miếng da gà, cầm ly rượu mời tôi đưa cay, khà một tiếng, đưa tay chùi mép Tài kể:

- Khi chiến đoàn em vào đóng quân ở xã Thường Đức. Một đêm ngủ thật ngon trên nền xi măng trường học, trong khi cả tuần thức lòi con mắt ếch để tiếp đãi lũ người cuồng tín “sanh Bắc tử Nam”. Sáng, em lần ra mấy bụi cây đi tiểu, trước mặt em thấy một bụi cây héo lá chung quanh gốc được ngụy trang bằng một lớp lá khô. Khả nghi, em nhổ bụi cây thấy lòi ra một nắp hầm bằng gỗ to cỡ bằng miếng gạch tàu. Từ dưới hầm, một thằng Việt Cộng tốc hố nhảy lên quăng trái lựu đạn! Em té sấp xuống, nhanh nhẹn rút khẩu cold 12 ly lảy cò. Thằng Việt Cộng té nằm ngửa mặt nát bét, óc văng trắng xóa! Chân phải em và nửa ống quần còn dính miếng da đẫm máu lặt lìa! Em rứt miếng da, cầm khúc chân, một phần thân thể bị cắt lìa lên nhìn lần cuối, máu chảy thành vòi và em thấy một màu đen tối sầm rồi bất tỉnh. Phần cơ thể còn lại không bị thương tích nào cả. Với bốn trăm năm mươi hai mảnh bắn tung ra từ vòng lò xo bằng thép, tầm sát hại của lựu đạn bán kính mười lăm thước, bất kể bạn thù.

Em nằm bệnh viện Pleiku. Tuần sau máy bay đưa em về bệnh viện Cộng Hòa. Năm 1966 em giải ngũ, mang chân giả chạy xe lôi và mỗi sáng chở vợ em ra chợ cũ Mỹ Tho mua bán hàng bông.

Sau ngày cộng sản Bắc Việt xua quân tiến chiếm miền Nam, một món hàng người Mỹ đổi cho cộng sản để Đông Âu theo tư bản! Số phận của nước nhược tiểu phải đành nuốt hận thôi! Phải chăng nhân quả hận Đồ Bàn, Chiêm Thành, Chân Lạp của tổ tiên ta trên đường Nam tiến, mà ta phải trả?

Bị thương tật em không bị đi tù “cải tạo”. Đám cán bộ, công an địa phương bắt em trình diện nhiều lần và phải khai rõ ràng những việc gây nợ máu với chúng với lời mật ngọt chồn cáo «thành thật khai báo, “cách mạng” khoan hồng». Tập họp đám con nít khăn quàng đỏ cháu ngoan bác Hồ, cả xóm vỗ tay đánh nhịp, hát to mỗi khi em khòm lưng đạp xe chạy ngang:

- «Một! Hai! Ba! Thằng cha lính ngụy què giò. Còn một giò đi kéo xe lôi.»

Em đạp xe đi khá xa mà tiếng hát vẫn còn đuổi theo. Bám thành phố Mỹ Tho trong khu nhà sàn bến Tắm Ngựa được một năm, gia đình em bị đuổi, bắt buộc phải đi vùng kinh tế mới.

Về đây, bà già vợ cho hai công ruộng, lên liếp cất nhà, trồng rau cải một công, phần còn lại em cấy lúa, nếu ăn cháo suốt năm thì đủ! Mấy đứa nhỏ em dạy hằng đêm chứ không đủ khả năng đóng học phí và áo quần, sách vở đến trường.

Em vá xe đạp và tài sản quí nhứt của em bây giờ là chiếc xe lôi thổ tả này. Nay nó «bung ta long», mai gãy căm, bung vành. Tối em lấy dây xích khóa cẩn thận, vì nó tài sản quí giá nhứt của em đó! Nhờ nó, thỉnh thoảng chạy chở mướn, thồ lúa đến nhà máy, chở trấu... để sống đắp đổi qua ngày, tìm quên trong xị rượu cuối tuần. Phê! Chửi đời chó má, thương đất nước đến hồi mạt vận, chờ ngày ra đi đoàn tụ với ông bà cha me bên kia thế giới.

Tôi hỏi Tài muốn làm gì để gia đình có được một cuộc sống trung bình, ổn định không vất vả lắm. Khơi đúng mạch sầu, Tài hăng hái:

- Cách nay mấy tháng, em có thằng bạn chung tiểu đoàn ngày xưa, giờ khá lắm! Có ba chiếc xe tốc hành mười lăm chỗ ngồi, chở khách từ huyện Bình Đại lên Sài Gòn, Long Thành, Vũng Tàu, Bà Rịa khứ hồi. Nó cho em 100 đô la để cất trại, mở quán nước và đặt bàn ghế cho khách ngồi chờ xe, nó trả em năm ngàn cho mỗi người khách. Bán cà phê, thuốc lá, vá xe đạp, xe lôi, chở đồ, rước mối cho xe, tệ gì mỗi ngày em kiếm ít nhứt vài ba chục ngàn sống khỏe re và con cái có thể đi học được.

Cầm trong tay một triệu sáu trăm ngàn của thằng bạn cho, vợ chồng em mừng quá đỗi. Em khởi công đắp nền quán. Đất vừa khô, mặt nền đầm láng bằng phẳng thì vợ em ngã bệnh phải giải phẫu, cắt bỏ bướu độc trong người. Xuất viện, tụi em trắng tay phải mượn hai chục giạ lúa của bác vợ, bán bù vào thanh toán viện phí. Tiền anh tặng cuốc xe vừa rồi em đem trả cho người bác và năn nỉ ông đừng buồn vì sự chậm trễ. Tôi ngồi lặng thinh thở ra nhè nhẹ. Cánh đàn ông Việt kiều đa phần về Việt Nam tìm vui qua bia ôm, bia võng, cà phê nằm ngồi, tẩm quất để phụ nữ đi đứng trên lưng quay đầu ngó lên. Rượu ngoại mỗi người một chai mấy trăm đô chất đầy bàn, tiền tip lột đậu phộng nhét vô mồm bằng môi cả trăm đô, tour du lịch Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo, Huế, Nha Trang, Hà Nội, Chapa, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Mã Lai, Nhật Bản, Nam Dương.? Họ làm như vậy để bù lại những ngày «cày như trâu», mỗi sáng tinh mơ xách thùng cơm đến hãng bấm thẻ vào ca, mặc thời tiết bao nhiêu độ, mưa rơi, tuyết đổ, đường đóng băng trơn trợt cũng phải cày thôi.

Sáu Tài, một thương binh anh hùng, dũng cảm trong trận Đức Cơ đẫm máu, mưu sinh đi cày bằng chiếc xe lôi đến đổ máu vẫn phải nợ nần! Con thất học, biết bao mảnh đời rách nát còn tệ hại hơn. Sống âm thầm, buồn tủi túng nghèo trên khắp quê hương miền Nam Việt Nam. Tôi nghe mình mắc nợ đối với thương binh Việt Nam Cộng Hòa dù họ cắn răng chịu đựng, chẳng một lời hé môi đòi.

Trời vừa sụp tối, cậu em đậu xe trước cửa chờ. Chào vợ chồng Sáu Tài, còn một tháng nữa tôi mới trở về Mỹ, tôi hứa sẽ đến thăm vợ chồng Sáu Tài một lần nữa. Tôi ngồi đàng sau xe, úp mặt vào lưng chú em. Sáu ly rượu nếp cùng với tâm sự của trung sĩ nhứt Tài đã làm tôi ngây ngất.

Những ngày tới tôi phải về Trà Vinh - chiến trường xưa - Mỹ Tho, Long An, Sài Gòn và ra Quảng Ngãi xem cơ ngơi vừa mới tậu được ba năm thuộc huyện Núi Thành. Tôi nhìn thấy căn cứ Chu Lai một thời quân đội Mỹ đồn trú, cách ga xe lửa sáu cây số cạnh con suối đổ. Ngọn núi Bà trắng xám, hòn Rơm mờ mờ bên cạnh hồ Sen trồng khuyng diệp, trầm hương bán cho Nhật Bản làm giấy và dầu thơm.

Trước khi đi, tôi để tiền lại và bàn bạc với vợ chồng Sáu Tài cất trại, sắm bàn ghế để mở quán cà phê, một tủ kiếng lớn bán thuốc hút, băng ghế ngồi cho khách chờ xe cho nhiều tuyến đường mới được mở thêm: Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc.

Ba tuần sau, chú em gọi cho tôi biết tổng cộng chi phí là ba triệu năm trăm ngàn, tương đương hai trăm đô la. Ngày khai trương thật đông, ngày nào cũng có khoảng chục khách uống cà phê chờ xe, rộn ràng học sinh vào quán.

Chiều nay, một chiếc xe du lịch chở người dì thứ mười, vợ chồng cậu em lên Long An qua đón để mười hai giờ trưa hôm sau lên phi trường Tân Sơn Nhứt tiễn tôi về Mỹ. Xe đến ngã ba, mọi người ngồi yên, một mình tôi bước xuống, cầm theo cái áo veston đen, vào quán từ giã vợ chồng Sáu Tài. Vợ chồng chủ quán mừng rối rít, cầm tay gặt gặt, ngỏ lời cảm ơn. Tài khoe:

- Em mới mua xe nước mía trả góp, mỗi ngày mười ngàn trả hai tháng là xong. Mía vùng này có quanh năm. Ly giấy có nắp đậy và ống hút, nước mía được ép chảy ra thau làm bằng sứ trắng, tất cả để trong lòng kính không có ruồi bu, vệ sinh tuyệt đối. Suốt ngày hôm qua em bán được năm chục ly! Ý là mới mở chưa ai biết, còn khách trên xe đò nữa. Nếu trời phật phò hộ vợ chồng em sẽ vô mánh. Em đặt thêm bàn bán vé số, bàn cờ tướng, domino. Năm tới đủ vốn em nối trại rộng ra để mấy bàn bi da. Ôi! Sung sướng quá trời, mấy đêm nay vợ chồng em ngủ không được.

Vợ Sáu Tài xen vô:

- Bận lu bu quá xá, nay anh đi không đãi anh được bữa cơm. Vợ chồng em tệ quá mong anh tha thứ đừng giận.

Tôi làm mặt ngầu:

- Giận chứ sao không giận! Anh và thân nhân đến quán nước mười lăm phút rồi mà không ai được mời ly nước mía nào cả! Thử hỏi có giận không?

Vợ chồng Sáu Tài ngỡ ngàng cùng phóng nhanh. Vợ cho mía ăn, chồng quay bánh trớn, cử chỉ như hồi nhỏ đá banh bàn. Vài phút sau, nước mía trắng xóa bọt, vàng ươm chảy xuống nửa thau tráng men. Hai trái cam sành mọng nước được cắt đôi hòa vào thau nước mía. Vợ Tài bưng bốn ly mời người nhà. Riêng tôi xin một ly thủy tinh, tôi chúa ghét đựng thức uống trong ly bằng giấy.

Tôi vừa hớp, vừa lắc nước đá chạm vào thành ly kêu leng keng vui tai. Dốc ngược ly uống đến giọt nước mía pha cam sành cuối cùng, bỗng dưng tôi thấy nắng chiều xuyên vào ly khúc xạ qua mấy thỏi nước đá vụn, hiện lên một chiếc cầu vòng ngoạn mục rực rỡ. Tôi trao cái áo veston và bắt Sáu Tài mặc thử liền, lùi mấy bước nghiêng nghiêng ngắm nhìn:

- Tặng đàn em áo này. Mỗi lần xỉn nằm võng chửi đời, mặc vào cho ấm.

Từ giã vợ chồng chủ quán, tôi quay mặt đi chỗ khác, thoáng thấy Sáu Tài rơm rớm nước mắt. Xe chạy đi một đoạn, qua kính chiếu hậu, tôi thấy Sáu Tài mặc áo vest, quần xà lỏn, tay lau nước mắt, tay kia vẫy vẫy tôi chào từ biệt.

Trưa hôm sau, máy bay cất cánh, giữ cao độ bình phi, bỏ lại quê hương bè bạn, người thân phía dưới. Sửa thế ngồi, trước khi vào giấc ngủ, tôi mỉm cười khi hình ảnh Sáu Tài mặc quần xà lỏn với áo vest nhảy tưng tưng chào, lòng tôi thật vui sướng vì đã giúp được một chiến hữu từ nay không còn phải đổ máu để tìm miếng cơm, manh áo nữa! Máu thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã đổ biết bao lần, hòa cùng nước mắt, có còn ai thấu?!

Tường Lam
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn