BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39400)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đà Nẵng – Miền ký ức hoa niên…

20 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1402)
Đà Nẵng – Miền ký ức hoa niên…
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32

Thương vô biên những con đường Đà Nẵng


Buổi học về im bóng lá Quang Trung…


 Ký –Thùy An




Học sinh Phan Châu Trinh


 

 Tôi là người “Huế lưu vong”. Bởi từ nhỏ, tôi đã là công dân Đà Nẵng, thích Mì Quảng hơn Bún Bò, ưa bánh đập mắm nêm, bánh tráng cuốn rau muống cá ngừ hơn bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm.

Trường Phan Châu Trinh


 Năm 1957, tôi thi đậu vào đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường trung học Phan Châu Trinh, học ở đây cho đến khi đậu tú tài 2 (1964). Ngôi nhà 23 Nguyễn Thị Giang (góc đường Nguyễn Hoàng) –Đà Nẵng là chiếc nôi ấm êm, ngập tràn bao kỷ niệm…

 Từ nhỏ, tôi ca hát suốt ngày và nuôi giấc mơ làm … ca sĩ. Thần tượng của tôi không phải là những nhà văn, nhà thơ, nhà bác học… mà là những ca sĩ lừng danh thời bấy giờ như Thái Thanh, Anh Ngọc, Thúy Nga, ban hợp ca Thăng Long (Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc), ban hợp ca Hạc Thành (Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo)… Thế giới nghệ sĩ đối với tôi thật lung linh huyền ảo, lấp lánh hào quang nhưng cũng đầy rẫy chuyện thị phi, nên chỉ dám đứng xa xa mà… chiêm ngưỡng.

 Hồi đó, vào năm 1956 đến 1960, Ty Thông Tin Đà Nẵng hoạt động rất hăng. Tuần nào cũng có chương trình của các công sở trong thành phố. Xen giữa những bài diễn thuyết, những bản báo cáo khô khan, là một chương trình văn nghệ khá xôm tụ được diễn ra trên cái balcon nhỏ xíu nhìn xuống một khoảng đất rộng được gọi là vườn hoa Diên Hồng (mặc dù đốt đuốc cũng không tìm thấy một bông hoa nào). Ca sĩ nghiệp dư là các cô chú công nhân viên và lũ nhóc “cây nhà lá vườn” là tôi và các bạn đồng trang lứa. Tuy hát không hay nhưng nhờ thời đó, nhạc phẩm nào cũng tươi vui, cũng rộn ràng cuốn hút như Ô Mê Ly, Trường Làng Tôi, Reo Vang Bình Minh, Bức Họa Đồng Quê… nên mỗi cuối tuần, các “fan” đứng chật cả vườn hoa, vỗ tay đến rát bỏng.

 Theo phong trào di cư, một số bài hát mang tâm sự buồn, nói lên nỗi lòng “kẻ ở người đi” như Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Hận Ly Hương, Bắc Một Nhịp Cầu, Xuân Tha Hương… cũng được phổ biến rộng rãi, hay nhất là bài Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương… Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi, biết người còn nhớ nhung chi, hết rồi giây phút phân ly… Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về… đã làm rung động biết bao trái tim người yêu nhạc.

 Năm lớp nhất trường Nữ, tôi học cùng lớp với Nguyễn thị Mùi. Mùi hát rất hay, giọng trầm trầm giống hệt ca sĩ Thúy Nga hồi đó. Rồi 2 đứa cùng thi đậu vào đệ thất Phan Châu Trinh. Ngay năm đầu tiên, tôi và Mùi cùng tham gia vào ban Văn Nghệ, theo thầy Nguyễn Trung Hối, thầy Hoàng Bích Sơn đi hát nhiều nơi: Mỹ Khê, Tiên Sa, Sơn Chà... có khi còn leo lên xe GMC đến hát tại các trại gia binh nữa.

 Trường Phan Châu Trinh có nhiều người hát rất hay, như anh Đỗ Toàn, chị Tuyết Ánh, chị Thanh Thảo…, học trên tôi 2, 3 lớp gì đó. Nhớ năm 1959, có cuộc thi hát tổ chức giữa các trường trong thành phố, Mùi rủ tôi tham gia, đúng là điếc không sợ súng. Mùi ghi danh bài “Về Bến Xưa” của Nguyễn Hiền, tôi lựa bài nhịp 3/4 cho dễ hát: “Trường Làng Tôi” của Phạm Trọng. Hai đứa cùng lọt vào top ten. Kết quả xếp hạng, hai người đứng đầu bảng cùng chọn hát bài Tiếng Dương Cầm của Văn Phụng… Nhớ khi nào mùa Xuân mới sang, muôn bầy chim ca hát vang, tung cánh nhẹ bay nhịp nhàng… anh Đỗ Toàn giải nhất được cây Guitare, Liên Mai (Mùi) về nhì được cây Banjo, tôi xếp hạng 8 được một xấp nhạc khoảng 30 bản.

 Hội chợ diễn ra khắp nơi. Các gian hàng buôn bán, các khu vui chơi mở nhạc hết volume từ sáng đến tối, nhiều bài hát rất hay như Khúc Ca Ngày Mùa, Nhạc Rừng Khuya, Vui Đời Nghệ Sĩ, Bức Họa Đồng Quê… làm không khí càng tưng bừng rộn rã. Đặc biệt đôi song ca Ngọc Cẩm –Nguyễn Hữu Thiết hát lui hát tới bài Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu,… Vì đâu ô hay sao trăng rụng xuống cầu???... khiến ai đi hội chợ cũng nghe đến thuộc nằm lòng.

 Nhạc “chế” bắt đầu xuất hiện, lâu quá tôi chỉ còn nhớ vài bài như trong Dứt Đường Tơ, bắt đầu là “Khói mây chiều buồn vương theo gió, sáo êm ru hiu hắt lời thơ…” được hát “Tóc em dài sao em không uốn? Uốn bao nhiêu anh trả tiền cho…”, bài Gạo Trắng Trăng Thanh có câu “Ai đang đi trên đường đê tai lắng nghe muôn câu hò đê mê”… thì bị sửa thành “Ai đang đi trên cầu Bông rớt xuống sông ướt cái quần nylon…”, bài Nhạc Rừng Khuya có câu “Nhạc đêm tàn hòa cùng rừng cây trầm lắng…”thì hóa thành “Mặt xấu òm mà còn làm duyên làm dáng…”, hay trong bài Trăng Sáng Trong Làng “Đêm nay trăng sáng soi làng tôi một vài cô thôn nữ xay lúa cho ngày mai, vầng trăng soi sáng trên đầu thôn, bên ven hồ mờ thắm…” thì được hát trong các kỳ thi “Em ơi em cứ yêu thầy đi mặc dù thầy xấu xí, em cứ yêu thầy đi, một mai em có vô trường thi, em lo gì trợt gót…”

 Mấy ông bầu Sô ở Sài Gòn cũng bay ra Đà Nẵng tổ chức Đại Nhạc Hội, tôi thường không bỏ sót đêm nào. Thích nhất là xem Túy Phượng mặc mini jupe vừa hát vừa nhảy bài Mambo Italiano và nghe Cao Thái đội mũ cao bồi ca bài Mexico hay nhức nhối. Hồi đó không có nhiều nhóm tam ca tứ ca như bây giờ, chỉ có ban hợp ca Thăng Long (Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc) rất điêu luyện với những bài Sáng Rừng, Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, Đoàn Lữ Nhạc, Hội Trùng Dương…, ban hợp ca Hạc Thành (Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo) tan rã rất sớm, ban tam ca Sao Băng gồm 3 anh chàng Duy Mỹ, Phương Đại, Thanh Phong, hát không hay nhưng được cái cao ráo đẹp trai, nên khán giả ủng hộ nhiệt tình. Đặc biệt là chương trình ca múa nhạc Maxim’s do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm đạo diễn, sân khấu rực rỡ hoành tráng, ca sĩ hát có múa minh họa, nghệ sĩ múa đẹp như tiên … thích nhất là vở nhạc kịch “Bạch Tuyết và 7 chú lùn” do ca sĩ Bạch Yến đóng vai Bạch Tuyết, khuôn mặt xinh tươi, chiếc áo đầm trắng lả lướt xoay tròn, giọng hát ngọt ngào điêu luyện… khiến ai được xem một lần khó thể nào quên.

 Nhớ năm học đệ tam, tôi được xem một chương trình nhạc thính phòng ở rạp Lido gần Ngã Năm gồm những tình khúc nước ngoài được các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương… viết lời Việt như Giòng Sông Xanh, Sóng Nước Biếc, Khúc Hát Thanh Xuân, Chủ Nhật Buồn… và được hát bởi những giọng ca nổi tiếng như Bạch Yến, Thái Thanh, Khánh Ngọc… tuyệt vời đến nỗi tôi ra ngẩn vào ngơ suốt một ngày, học bài không thuộc, làm bài không xong.

 Có rất nhiều dòng nhạc, từ dân ca đến nhạc trẻ, nhạc thính phòng… khán giả có nhiều tầng lớp, “gu” thưởng thức nhạc cũng khác nhau, trăm hoa đua nở rộn ràng. Vườn nào cũng có hoa đẹp, ca sĩ không thượng vàng hạ cám như bây giờ, mà ai hát cũng hay, cũng có chất giọng riêng… Lúc bấy giờ chưa có băng cassette, càng chưa có Ti Vi, dĩa nhựa cũng hiếm hoi, lâu lâu mới phát hành một vài dĩa khiến những người thích nghe nhạc như tôi chỉ biết làm bạn với cái Radio to đùng, bắt đài Sài Gòn thường bị nhiễu sóng, nhưng vẫn trung thành với các chương trình ca nhạc như Dạ Hương, Tiếng Thời Gian, Tiếng Tơ Đồng…

 Nhiều nhạc sĩ trẻ nổi lên bởi một loạt ca khúc được khán thính giả nhiệt tình đón nhận như Trịnh Công Sơn, Trúc Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Cung Tiến, Lâm Tuyền… thích nhất là nhạc Văn Phụng, ca từ hay, giai điệu tươi đẹp và rất tình tứ như Yêu Và Mơ, Tiếng Hát Với Cung Đàn… Nhiều ca sĩ bỗng trở thành hiện tượng khi gặp một bài phù hợp với chất giọng của mình như Thanh Thúy (Ướt Mi –Trịnh Công Sơn), Phương Dung (Nỗi Buồn Gác Trọ –Trúc Phương), Bạch Yến (Đêm Đông –Nguyễn Văn Thương), riêng Nhật Trường tự hát nhạc của mình (Trần Thiện Thanh), phần lớn nội dung ca ngợi lính như Tuyết Trắng, Rừng Lá Thấp… khiến mấy cô có người yêu đi lính cảm thấy như viết riêng cho mình nên càng có cảm tình với anh ca sĩ này.

 Từ năm 1960, xuất hiện dòng nhạc chiêu hồi, bài Ngày Về của Hoàng Giác được chọn làm nhạc hiệu của chương trình trên Đài Phát Thanh, trên Truyền Hình Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm…nghe rất thấm thía, có nhiều bài viết theo đơn đặt hàng nhưng thật xúc động như Em Chờ Anh Trở Lại (Hoàng Nguyên), Từ Đó Em Buồn (Trần Thiện Thanh), Xa Vắng (Y Vân)…

 Nhớ mãi một kỷ niệm đẹp, đó là đêm lửa trại ở Mỹ Thị năm tôi học đệ lục trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng (1958 -1959). Giữa phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi đã nắm tay nhau, hát những lời rất phóng khoáng …Lửa hồng cháy, cháy trong đêm dài, lửa là hồn trai soi vào đêm vui, ta còn vui mãi… Bập bùng trước mắt là ánh lửa soi, chập chùng sau lưng là non là núi, lửa hồng ơi. Đời người thanh niên là ánh lửa soi, lửa đời đốt cháy buồn bã sầu ai… 

 Bây giờ muốn nghe lại bài hát này nhưng không nhớ tên bài hát. Tôi đã nhờ cô học trò phụ trách trang nhạc yêu cầu trên website của trường, nhưng em trả lời: “Phải biết tên bài mới tìm được cô ơi.”

 Các bạn của tôi ơi, ai biết tên bài này, hãy chỉ dùm tôi. Xin cám ơn.

 Houston tháng 2 năm 2012

Thùy An
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn