BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77506)
(Xem: 63336)
(Xem: 40784)
(Xem: 32413)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tấm thiệp cưới thấm máu đào

15 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1691)
Tấm thiệp cưới thấm máu đào
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
2.73
Tình cờ tôi gặp lại Sơn sau hơn bốn chục năm.
Tuy cùng làng, nhưng Sơn và tôi phiêu bạt góc bể chân trời mỗi người một nơi, tình cờ tết năm nay về quê mới gặp lại nhau.

 

Chiều mùng 4 tết, Sơn rủ tôi và Ruỹnh ra bờ đê sông Hóa, nơi ngày xưa chúng tôi thường thả trâu, nhóm lửa nướng khoai ăn, và bơi thỏa thích trên bến sông quê.

 

Gần suốt mùa Đông mịt mờ ảm đạm, chiều nay trời hửng nắng, dòng sông ửng sắc phù sa. Ven sông, những ruộng cải ngồng trổ bông màu vàng chanh rực rỡ, hương thơm nồng nàn. Những con chim én vờn trên mặt nước, lượn trên bờ đê, thêu dệt bức tranh đầu Xuân sinh động, xóa đi gam màu đen xám những đông giá năm cũ.

 

Chúng tôi ngồi trên bờ đê, im lặng nhìn dòng sông trôi êm ả, tâm tư lắng về quá khứ. Tự trong sâu thẳm cõi lòng, câu hát cứ ngân nga: “Quá nửa đời phiêu dạt / Con lại về úp mặt vào sông quê / Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ / Chở che cho con khi chớp bể mưa nguồn...”.

 

Dòng sông Hóa chảy qua làng tôi, sang làng An Bài, làng Quảng Nạp, rồi xuôi ra biển. Làng Quảng Nạp có nghề chằm nón lâu đời. Sử sách còn ghi: Năm 540, Lý Bí khởi nghĩa chống nhà Lương, lập bản doanh ở Thái Hòa, luyện quân ở Quảng Nạp, đến thời nhà Trần, Quảng Nạp là Bát đụn trang, cung cấp quân lương. Thế kỷ 14, Phò mã Phùng Thế Kỳ cùng công chúa Thiên Hương, con vua Thuận Tông chiêu mộ quân sỹ 12 dòng họ về đây xây dựng lực lượng dẹp loạn do nhà Hồ gây ra, đề chống quân xâm lược Nguyên Mông...

 

Tôi, Sơn và Ruỹnh đã được thầy giáo Quỳnh, người làng Quảng Nạp bắt học thuộc lòng những trang sử đầy bi tráng của cha ông từ năm lớp một. Chúng tôi cùng học với nhau suốt 10 năm. Tốt nghiệp cấp 3, tôi đi bộ đội, Ruỹnh đi thanh niên xung phong, Sơn vào đại học mỏ - địa chất, trở thành kỹ sư địa chất. Ngày ấy ai cũng nói Sơn may mắn hơn tôi và Ruỹnh. Bây giờ gặp lại nhau, mới biết cuộc đời Sơn còn lận đận hơn tôi.

 

Sơn ra trường năm 1970, về đoàn địa chất 6, công tác cùng với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, sau chuyển về Đoàn 5, là bạn thân của Nguyễn Bá Lại, người làng Quảng Nạp, cùng tắm chung dòng sông Hóa với chúng tôi. Năm 1979, Sơn chuẩn bị cưới vợ thì Trung Quốc tràn sang xâm lược biên giới phía Bắc nước ta, và bi kịch cuộc đời Sơn bắt đầu từ đó.

 

Ba mươi tư năm đã trôi qua!

 

Ngày ấy Sơn mới 31 tuổi, giờ bước sang tuổi 65, nhưng Sơn già hơn tuổi nhiều. Mặt Sơn quắt lại, sạm đen, hai mắt sâu, miệng móm, mái tóc bạc trắng. Tôi chăm chú nhìn Sơn, muốn tìm lại một khuôn mặt của dĩ vãng, bầu bĩnh, với đôi mắt đầy háo hức, sôi động, nhưng bất lực. Khuôn mặt Sơn giờ như tấm gương phản chiếu một cuộc đời trải nhiều khổ đau, và thất vọng.

 

 Nhớ lại ngày 17-2-1979, Sơn nói với chúng tôi:

 

- Đến bây giờ, tôi vẫn không thể tin đó là sự thật! Một cơn ác mộng cũng không kinh khủng đến như vậy!

 

Chiều thứ sáu, ngày 20 tháng giêng năm Kỷ Mủi ấy, Sơn lên cơ quan sau hai mươi ngày nghỉ phép về quê Thái Bình ăn tết. Mấy ngày tết, Sơn thuyết phục bố mẹ cho phép cưới vợ, tạm ở rể trên Lào Cai trong thời gian công tác ở Đoàn địa chất 5. Bố mẹ Sơn lúc đầu vẫn không chịu nhưng nhờ bố mẹ Nguyễn Bá Lại nói thêm nên cũng xuôi. Trước khi trả phép, Sơn đạp xe sang Quảng Nạp, đưa thiếp cưới mời bố mẹ Lại. Bố mẹ Lại hứa sẽ lên Lào Cai dự đám cưới Sơn, nhân tiện thăm con trai. Hai ông bà để dành cặp bánh chưng để Sơn mang lên cho Lại.

 

Từ Thái Bình, Sơn hăm hở đạp xe lên Lào Cai, trong lòng vui hơn tết! 

 

Đêm ấy Sơn và Lại bóc bánh chưng ăn. Sau hai chục ngày chiếc bánh chưng gói bằng nếp cái hoa vàng làng Quảng Nạp, Thái Bình vẫn dẻo thơm. Hai anh em ăn bánh, uống trà, thức rất khuya. Nguyễn Bá Lại khoe mẫu quặng mới phát hiện được, có hàm lượng vàng rất cao. Hai anh em bàn kế hoạch khảo sát khu vực có mẫu quặng, sau đó sôi nổi bàn đến việc tổ chức cưới vợ cho Sơn vào chủ nhật tuần sau.

 

Sơn yêu Xuyến đã hơn hai năm, nhùng nhằng chưa cưới, vì bố mẹ Sơn dứt khoát cưới dâu, ngược lại bố mẹ Xuyến, có mỗi cô con gái nên đòi bắt rể. Trước tết in thiệp cưới xong, phải hoãn cũng vì chuyện rắc rối đó. Có lần Nguyễn Bá Lại khuyên Sơn: “Mày cứ đồng ý ở rể, cưới phắt cho rồi! Sau này thuyền theo lái, gái theo chồng !”. Lại kém Sơn một tuổi, cầm tinh con trâu, tính tình quả quyết, luôn xốc vác, Sơn rất nể.

 

Sơn định làm theo “sáng kiến” của Lại, nhưng hôm nay bố mẹ Sơn đã đồng ý cho “ở rể tạm” nên cả hai cùng rất vui.

 

Sơn thao thức chờ sáng. Khi tiếng gà rừng cất tiếng gáy, Sơn diện bộ sơ vin tươm tất, đạp xe ra thị xã Lào Cai, cùng Xuyến đi đưa thiệp cưới.

 

Xuyến vẫn mặc chiếc áo dài màu hoa đào như thường mặc khi lên lớp giảng bài. Hôm ấy trời mưa bụi, lạnh, nên Xuyến khoác thêm chiếc áo len xanh lá mạ, hài hòa với dáng thon thanh mảnh và khuôn mặt trái xoan rất dịu dàng, trắng mịn. Xuyến là giáo viên dạy văn cấp 2, có nét đẹp giản dị, trong sáng như những bông hoa đào thắm. Đối với Sơn, Xuyến là báu vật trời đã ban cho anh!

 

Thị xã Lào Cai được giải phóng trong chiến dịch Biên Giới 1950. Ba mươi năm kể từ ngày đó, thành phồ rất yên bình. Trong thời kỳ chống Mỹ, duy nhất một lần, máy bay phản lực lượn vài vòng bắn mấy quả Roket xuống gần nhà máy phân đạm Apatit .

 

Lào Cai có nhiều danh thắng và di tích lịch sử. Những cái tên Phố Lu, Cam Đường, Thác Bạc, Đền Thượng, đặc biệt làSaPađã nổi tiếng từ lâu và làm say lòng du khách.

 

Sơn đạp xe, chở Xuyến trên những con đưởng phố núi yên ả. Trời lất phất mưa bay, không gian lung linh màu sữa, những vườn mận hậu khai mùa hoa trắng muốt, những vườn đào rực lên sắc thắm như đôi má hây hây của Xuyến. Sơn Xuyến gặp bạn bè, cô bác đưa thiệp mời, ai cũng khen Sơn Xuyến đẹp đôi. 

 

Đường phố đông vui, yên bình. Người chở con tới trường, người đến nơi làm việc. Chợ Lào Cai nhộn nhịp hơn ngày thường vì hôm đó thứ bảy, và vẫn còn hương vị tết. Đầu chợ nồi thắng cố đang sôi trên ngọn lửa bập bùng, tỏa mùi thơm ngào ngạt, những người đàn ông trải chiếu ngồi xếp bằng uống rượu...

 

Bỗng tiếng còi báo động vang lên. Lần đầu tiên sau ba mươi năm, thành phố này xuất hiện cái âm thanh chát chúa ấy. Như một sự vô tình của một ai đó chạm phải một nút nhấn han gỉ, như trò chơi tinh nghịch của trẻ con! Không ai tin đó là tiếng báo hiệu tai họa, dù nó rú lên mỗi lúc một dữ dội. Rồi tiếng loa phóng thanh truyền lệnh sơ tán khẩn cấp của chính quyền, xác nhận tiếng coi báo động là thật, không phải giả.

 

Quân xâm lược Trung Quốc đã đánh vào thành phố Lào Cai!

 

Đó là 10 giờ 15 phút, ngày 17-2-1979.

 

Cùng lúc đó tiếng đại bác đã rít trên đầu, tiếng xe tăng đã vọng tới và tiếng nổ ầm ầm, sôi lên bốn phía.

 

Những người đàn ông bỏ chiếu rượu vùng chạy thục mạng. Nồi thắng cố đổ ụp xuống đống than bốc khói mù mit. Chợ vỡ náo loạn.

 

 Sơn kể:

 Tôi và Xuyến vội vã quay về. Tới nhà, Xuyến lo lắng hỏi tôi:

 - Thiệp gửi rồi làm sao anh ?

 Tôi đông viên Xuyến:

 - Không sao! Chắc qua nhanh thôi!

 Xuyến đẩy nhẹ vai tôi:

 - Anh về cơ quan, để em đưa bố mẹ đi sơ tán!

 

 Xuyến vội vã thu gom đồ tư trang. Tôi muốn ở lại giúp Xuyến, nhưng lo tài liệu ở cơ quan, nên dặn Xuyến cẩn thận rồi lao xe đi. Ngoài đường phố, mọi người nháo nhác trước biến cố bất ngờ. Những đụn khói bốc lên ở khu phố bên, một quả đạn đại bác nổ long óc ngay ngã ba rẽ vào nhà Xuyến.

 

Đường về Đoàn địa chất đã bị tắc. Tôi đang băn khoan không biết tính sao thì một người mặc bộ quân phục rách ấn vào tay tôi hòm đạn:

 

- Theo tôi vác đạn lên chốt!

 

Tôi vứt xe đạp, làm theo lệnh người mặc quân phục rách. Hòm đạn rất nặng, tôi rạp người, chạy thật nhanh theo người chỉ huy. Tiếng đạn chiu chíu trên đầu, nổ ầm ầm chung quanh.

 

Sau khi vác hòm đạn lên chốt công an vũ trang, tôi được ghép vào một đơn vị dân quân, do người mặc quân phục rách chỉ huy. Ông khoảng năm chục tuổi, nhìn rất hiền. Ông cho tôi biết, bọn Trung Quốc bắc cầu phao ở Quang Kim cho xe tăng vượt sông Hồng, chia thành ba mũi, một mũi đánh vào Đông Bắc thị xã, theo đường đi Hà Nội, một mũi đánh vào Bản Chuẩn, Bản Phiệt, một mũi đánh phố Lu, bến Đền...

 

Người dân thi xã Lào Cai ba mươi năm không nghe tiếng bom đạn, giờ hoảng loạn bỏ lại tất cả của cải, bồng bế nhau sơ tán. Dòng người gồng gánh, nứu kéo nhau, rời khỏi thị xã chạy vềCamĐường. Tiếng kêu la, than khóc tuyệt vọng chìm trong tiếng bom đạn .

 

Mỗi khi nghe tiếng bom đạn rít, những người cha người mẹ ấn con xuống rãnh nước ở vệ đường, nằm đè lên che chắn cho con. Những bà cụ không theo kịp, chỉ biết nằm úp mặt xuống đường lấy chiếc nón, chiếc khăn che đầu. Người bị thương giãy dụa rên la không kịp băng bó. Xác người chết chồng lên nhau, máu chảy thành suối trên dốc Đỏ , từ cầu số 4 đếnCamĐường.

 

Sơn kể tiếp: Người đàn ông mặc quân phục rách, lao lên lao xuống như con thoi, vác những người bị thương vào trạm cấp cứu. Bỗng tôi thấy ông đổ vật xuống đường, đè lên người bị thương ông vừa vác trên vai. Tôi chạy lại, cả ông và người bị thương đểu đã chết, máu xối ra đầy ngực.

 

 Trong khi tôi chưa biết người chỉ huy mình vừa hy sinh tên là gì, thì một người khác, mặc quần đùi, đội mũ cối chạy tới nắm áo tôi:

 

- Theo tao!

 

Tôi hoàn toàn không ý thức được mình đang ở đâu, làm gì, nghĩ gì nữa, cứ để mặc anh ta kéo đi. Tới một căn nhà kho bỏ hoang, người lố nhố, anh đội mũ cối nói với tôi:

 -

 Tao là Hòa, cựu chiến binh thời chống Mỹ, thất nghiệp. Nhưng bây giờ quên chuyện đó đi, đánh Tàu đã. 

 

Anh đưa cho khẩu súng AK , hỏi :

 

- Biết bắn chưa?

 

- Dạ biết!

 

- Tốt, theo tao!

 

 Anh kéo tôi chạy đứt hơi ra dốc Pháo Đài. Từ trên nhìn xuống thấy những chiếc xe tăng Trung Quốc sơn màu xanh lá cây bò về hướng nhà máy Apatit.

 

Anh Hoà chửi:

 

- Địt mẹ chúng nó ! Vào phá nhà máy đấy!

 

Anh mím môi, đưa khẩu B40 lên vai ngắm và bóp cò. Chiếc xe tăng đi đầu trúng đạn bốc cháy. Mấy tên lính bộ binh chĩa súng về phía chúng tôi bắn xối xả, rồi xông lên. Thấy tôi lóng ngóng, anh Hòa giật khẩu AK , quét một loạt đạn, rồi kéo tôi lăn mấy vòng sang mỏm đá khác. Anh ngắm bắn tiếp hai trái B40 nữa, cháy thêm hai chiếc xe tăng.

 

Anh chửi:

 

- Địt mẹ bọn Tàu! Mỹ bố mày không sợ, sợ đéo gì chúng mày!

 

Anh bảo tôi:

 

-Hết đạn rồi! Còn tao quất vài thằng nữa!

 

Anh Hòa dẫn tôi tới ban chỉ huy tiều đoàn Nam Cường. Chính trị viên tiểu đoàn cho biết, các đại đội trong tiều đoàn đã chặn đánh bọn Trung Quốc ở Bản Phiệt, Cầu Chui, Phong Niên, Phong Hải, Bắc Ngầm, Bến Đền, Phố Lu...tiêu diệt hàng trăm tên, bắn cháy hàng chục chiếc xe tăng. Chính trị viên tiểu đoàn xiết chặt tay anh Hòa, và phân công anh về đại đội mới thành lập, toàn cựu chiến binh chống Mỹ. Ông quay sang tôi hỏi:

 

 - Cậu ở đơn vị nào?

 

 - Đoàn địa chất 5!

 

 - Biết Nguyễn Bá Lại không?

 

- Dạ nó là đồng hương với em!

 

 - Lại hy sinh rồi ! Anh dũng lắm!

 

Tôi đứng lặng, không thốt lên được một lời. Mới đêm qua, mới sáng nay…, đột ngột và tàn nhẫn quá !

 

Chính trị viên tiểu đoàn nói cho tôi và những người có mặt nghe về sự hy sinh của Nguyễn Bá Lại. Bọn Trung Quốc đánh vào Đoàn địa chất 5, Lại chỉ huy trung đội tự vệ chống trả, tiêu diệt gần chục tên. Một trái lựu đạn của đối phương ném vào hang, Lại lao tới nằm đè lên, chấp nhận hy sinh cứu sống đồng đội và những người dân trú trong hang.

 

Đêm ấy lửa cháy ngùn ngụt thị xã Lào Cai. Vùng ven Phố Lu lửa cũng bốc cao. Hôm sau chúng tôi được biết bọn lính Trung Quốc đã phá nhà ga xe lửa, nhà Bưu Điện, nhà máy nước, nhà máy chè, nhà máy sứ, trại gà giống và trụ sở các cơ quan trong thành phố. Trường phổ thông cấp hai nơi Xuyến làm giáo viên chủ nhiệm lớp 8 cũng bị đốt cháy.

 

Tôi theo anh Hòa vào trinh sát thị xã. Ruột gan tôi nóng như lửa đốt, luôn tự hỏi giờ nay Xuyến và bố mẹ ở đâu?

 

 Trong đêm tối anh Hòa và tôi mò mẫm tìm tới nhà Xuyến. Căn nhà đã biến thành một đống gạch đổ nát, khói đang âm ỉ, vương vãi những tờ thiệp mời đám cưới của chúng tôi .

 

Hôm sau tôi đi tìm Xuyến nhưng bất lực. Tôi cũng không quay về được Đoàn địa chất, khộng biết xác Lại ai chôn, ở đâu.Cuộc chiến đấu kéo tôi đi hết chỗ này chỗ khác. Anh Hòa hy sinh, trên người anh chỉ mặc một chiếc quần đùi. Trước lúc tắt thở anh nói với tôi mấy câu: “Anh nộp đơn hai năm nay xin làm công nhân nhà máy Apatit mà không được em ạ! Bây giớ thì khỏi phài xin việc em nhỉ?”. Người khác lên thay anh Hòa cũng hy sinh...

 

Sơn lắc đầu: Lần đầu tiên tôi biết thế nào là chiến tranh. Những lúc im tiếng súng tôi lại nghĩ đến Lại và Xuyến. Thế là Nguyễn Bá Lại không được dự đám cưới của chúng tôi, không còn dịp khảo sát nơi tìm thấy mẫu quặng chứa hàm lượng vàng, điều làm Lại say mê đến quên chuyện vợ con! Còn Xuyến, giờ này ở đâu? Em và bố mẹ có an toàn không?

 

Tôi không nghĩ là trong cùng một ngày hôm ấy, ngày 17-2-1979, bọn xâm lược Trung Quốc đã cướp mất của tôi một người bạn đồng nghiệp, đồng hương thân thiết và cướp luôn người vợ sắp cưới của tôi!

 

 Nhưng đó là sự thật. Khi quân Trung Quốc rút khỏi Lào Cai, tôi mới được tin Xuyến cùng bố mẹ bị bọn lính Trung Quốc giết hại ở cầu Chui ngay trong đêm 17-2. Xuyến vẫn mặc chiếc áo dài màu hoa đào mà Xuyến thường mặc khi lên lớp giảng bài, trên vai vẫn đeo chiếc túi đựng những chiếc thiệp cưới của chúng tôi. Bà con đã trao cho tôi những tấm thiệp mời nhuộm đỏ máu vợ tôi. Tôi cầm những tấm thiệp nhuộm máu Xuyến ấp vào ngực muốn tìm lại hơi ấm của em. Tôi muốn đây chỉ là một cơn ác mộng, cơn ác mộng sẽ tan, ngày chủ nhật chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới, tôi sẽ sống bên Xuyến trên thị xã Lào Cai này suốt đời, nhưng cơn ác mộng đến bây giờ vẫn chưa tan, nó đeo đuổi suốt đời tôi!

 

Người dân Lào Cai gọi bọn lính Trung Quốc là thổ phỉ, gọi cuộc xâm lược chớp nhoáng của chúng là trận “B52 chân đất”. Chúng cướp hết, phá hết, biến thị xã Lào Cai thành một đống gạch vụn.

 

Tại xã Hưng Đạo, trước khi rút, chúng hãm hiếp 10 cô gái trẻ rồi chặt khúc vứt xuống giếng. Cũng tại đây, chúng giết 13 phụ nữ, trong đó 7 chị đang mang thai, và 20 em thiếu nhi .

 

Giọng Sơn nghẹn lại:

 

 - Chỉ trong một ngày tôi mất vợ, mất bạn, cuộc đời tôi từ đó không còn ý nghĩa gì nữa!

 

Tôi và Ruỹnh ngồi im lặng nghe Sơn kể. Nỗi đau của Sơn truyền sang chúng tôi .

 

Sơn nói :

 

- Năm nào ngày 17-2 tôi cũng về Lào Cai. Tôi lang thang tới cầu Chui, nơi Xuyến và bố mẹ bị giết hại, tới khu phố nhà Xuyến, tới nơi Nguyễn Bá Lại, anh Hòa và cả chỗ nhà báo Bùi Nguyên Khiết hy sinh, rồi lên đền Thượng, nơi thờ Đức Thánh Trần thắp nhang cầu nguyện. Tôi cầu cho hương hồn người chết siêu thoát, cầu cho tâm hồn tôi rộng mở, tha thứ cho kẻ đã chà đạp lên mình, làm mình thất vọng, và thầm cảm ơn những người đã đến với mình, chìa tay ra kéo mình ra khỏi cơn bão lửa khốc liệt.

 

Tôi biết dù cố gắng như vậy nhưng Vũ Đình Sơn, bạn tôi vẫn không nguôi ngoai được nỗi đau. Sơn không lấy vợ, không ở nơi nào cố định, ba mươi bốn năm qua anh lang thang trong kiếp mộng du.

 

Nguyễn Bá Lại hy sinh khi vừa bước sang tuổi 30, một kỹ sư địa chất đầy hoài bão, đã từng lặn lội khắp vùng rừng núi Lào Cai, Yên Bái tìm tài nguyên cho đất nước. Nhà báo Bùi Nguyên Khiết cầm súng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Lê Văn Hòa, một cựu chiến binh chống Mỹ đang thất nghiệp, lăn vào cuộc chiến đấu, hy sinh khi trên người chì mặc chiếc quần đùi... Biết bao nhiêu người con của nhân dân như thế, không tiếc thân mình, tin theo lời kêu gọi của Đảng cộng sản Việt Nam, ngã xuống trên mảnh đất địa đầu Tổ Quốc! Bên cạnh đó biết bao người dân gục chết dưới bon đạn, lưỡi lê quân Trung Quốc.

 

Vậy mà giờ đây người ta lại cố tình quên những đau thương trong khói lửa vùng biên 34 năm trước. Đó là những trái tim vô cảm, thậm chí có những kẻ cố tình bưng bít sự thật, bôi xóa lịch sử, xòe tay phủ bộ mặt đê hèn, quên oán thù, quên ơn!

 

Thành phố Lào Cai cũng như Phố Lu, Sa Pa không có một tấm bia căm thù, cũng chẳng có một tượng đài, một công trình văn hóa giáo dục mang tên những người anh hùng như Nguyễn Bá Lại, Bùi Nguyên Khiết. Ngược lại, ngày 1-10-2011 chính quyền còn kết hoa, treo đèn lồng rực rỡ, lập lờ đánh lận con đen giữa ngày Quốc khánh Trung Quốc với ngày tái thành lập thành phố Lào Cai.

 



Thị xã Lào Cai hôm nay



 

Trong những ngày qua trên TiVi, người ta tuyên truyền rất rầm rộ về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ “Trận Điện Biên Phủ trên không”, đến “Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân”, rồi “Trên bàn Hội nghị Paris”, nhưng không nhắc tới trận chiến thắng oai hùng của Quang Trung Nguyễn Huệ ở Đống Đa, kết liễu 20 vạn quân Thanh, và cuộc xâm lược bẩm thỉu gây tội ác “Trời không dung đất không tha” của Trung Quốc!

 

 Hình như người ta muốn thổi bùng lên một đám than đã lụi tắt từ lâu, đồng thời lại che đạy một “Hỏa diệm sơn” đang âm ỉ ?

 

Ý muốn của một bộ phận, dù là “ Một bộ phận không nhỏ” cũng không thể áp đặt lên cả dân tộc!

 

 Hàng triệu con tim Việt Nam đau đáu nỗi đau Hoàng Sa, Gạc Ma, Vị Xuyên, Mục Nam Quan..., chia sẻ nỗi đau với Sơn, bạn tôi, chỉ trong một ngày 17-2-1979, bị giặc cướp tàn sát người vợ chưa cưới, cùng những người bạn đẩy cuộc đời anh vào bi kịch.

 

Dù không mang nhị phách, Ruỹnh vẫn hát bài xẩm soạn theo lời thơ của Sơn. Dòng sông Hóa đang chìm dần vào ánh hoàng hôn khi tiếng hát của Ruỹnh lại vút lên dao cứa, như kim đâm vào da thịt tôi buốt nhói:

 

 Lại ơi, Xuyến của tôi ơi!

 Xuân này mưa lạnh trắng trời Lào Cai!

 Nhìn cành đào thắm gió lay,

 Rưng rưng nhớ lại ngày này năm xưa!

 Còn đây mẫu quặng bạn mơ,

 Còn đây tấm thiệp em chờ ngày vui!

 Mẹ nay tóc bạc trắng rồi,

 Vẫn nhìn đăm đắm mắt rơi lệ buồn!

 Ngoài kia chớp bể mưa nguồn!

 

Mùng 5 tháng Giêng, Qúy Tỵ 2013.

Minh Diện

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn