
Nắng xuân trong vắt, rạng rỡ, mà sao thấy đường sá vắng hoe. Đợi hoài không thấy bóng xe ôm. Tôi cảm thấy lo lắng, lòng như linh tính điều chi...? Con bạn chép miệng:
- Đúng là “xuân là xuân quạnh quẽ” mi hí!
Rồi nó kêu tôi: “Thôi mình đi bộ, tới mô gặp xe đi nấy.” Đành đi bộ vậy. Chúng tôi lúp xúp băng qua đường. Đi tới cửa Đông Ba thấy hai ông xích lô nằm chèo queo trên xe. Nghe tiếng động, một ông mở mắt hỏi:
- Xe, chi ơi?
- Dạ, đây vô An Hòa mấy?
- Mười ngàn.
Con bạn tôi la lên:
- Chi dữ rứa! Bốn ngàn được không?
Ông kia choàng dậy, vừa cười vừa nói:
- Xưa rồi “Diễm” ơi! Bốn ngàn là năm ngoái. Bữa ni năm mới rồi.
Tụi tôi tiu nghỉu... tiếp tục đi. Lòng hoang mang. Con bạn càm ràm:
- Giá cả răng mà tăng vọt. Tụi mình ở trường lên mô có biết chuyện chi ở thành phố. Năm ni tiền thưởng cũng khất luôn. Chi lạ mi hí. Nghĩ mà ớn...
Quày quả cả mấy mạng cũng lết tới ngã tư Anh Danh. Trên đường xe cộ thưa thớt. Một vài người đi “du xuân” với vẻ mặt bơ phờ, thiểu não. Lũ nhỏ vô tư cười đùa dành nhau lượm pháo đẹt, bong bóng xì. Như một gió thổi buốt qua lòng, tôi nghĩ thầm:
- Vì đâu nên nỗi! Ngày xưa tụi tôi cững con nhà công nhân viên chức, tuổi thơ đâu đến nỗi như tụi nhỏ bây giờ. Chưa kể, cả một thế hệ thanh thiếu niên vừa bước chân xuống cuộc đời thì như những chú gà con mới chui ra khỏi vỏ trứng lại gặp phải mùa dịch... Thế mà lên lớp tôi cứ phải nói những điều trái với thực tế, vẫn phải tô son điểm phấn cho xã hội chủ nghĩa... Tội nghiệp cho cả cô lẫn trò.
Mãi nghĩ miên man. Tới lúc qua nhà sách Khánh Quỳnh mới biết trời đã ngã chiều. Ngang qua cổng trường Thành Nội, giọng con Hà lanh lảnh:
- Mấy đứa con nhìn đi. Ngày xưa mẹ và dì học trường ni đây.
Rồi hắn quay qua tôi:
- Mi hí. Bao nhiêu là kỷ niệm của tụi mình nơi đây. Bà Tiểu Bích, tau nhớ bà quá. Nhớ mấy ông Thủy Quân Lục Chiến tập thể thao thể dục cho tụi mình ở trong Đại Nội. Nhớ quá mi hí! Rứa mà chừ, đi qua trường cũ lòng tau lạnh tanh.
Tôi ừ à, rồi nói:
- Tan hoang hết rồi mi ơi! Một thời mơ mộng. Ước chi thời gian quay ngược lại, mi hí!
Vừa dứt câu, như có một động lực vô hình nào níu đầu tôi xoay về phía trường cũ. Sân trường lá rụng đầy. Mái ngói, vách vôi rêu phong phủ mờ. Ánh nắng chiều vàng vọt đổ xuống từng vũng quạnh hiu.
Rồi Hà lẹ làng chia tay tôi:
- Thôi, tau về. Nhật Lệ đường nhà tau đây rồi. Sau 75 ngày mô cũng khóc hết. Mi đừng lo, thế nào cũng gặp xe. Dì về nghe mấy con.
Hắn tới bến bờ rồi. Còn tôi bồn chồn, như bị lạc giữa chốn xa lạ. Hai tay tôi mỏi nhừ theo hai giỏ lương thực xã hội chủ nghĩa. Đứa con gái nhìn tôi, hỏi:
- Mẹ mệt không? Vài năm nữa con mới giúp mẹ được.
Đứa con trai túm trái túm phải cái bong bống để thổi. Nhìn tụi nhỏ lòng tôi quặn thắt. Cũng may hai đứa con tôi đang có niềm vui từ những cây pháo, cái bong bóng. Những thứ lẫn lộn với rác rưởi trên đường.
Nhà tôi còn xa quá. Tôi vái trời giúp tôi. Đang miên man, chợt nghe tiếng huýt gió: “Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người...”
Tự dưng tôi bồi hồi, nghĩ bụng “Ri là gặp dân thứ thiệt rồi.”
Một chiếc xích lô từ bên kia đường trờ tới.
- Xe không, chị?
Tôi hồi hộp hỏi:
- Đây ra An Hòa mấy, chú?
- Bảy ngàn.
Tôi giật mình:
- Đắt quá! Bốn ngàn chở cho hai đứa nhỏ giùm. Còn tui chạy bô theo cũng được. Nói thiệt hết tiền rồi. Trời sắp chạng vạng tội hai đứa nhỏ quá.
Thình lình chiếc xe phanh cái két rồi quày trở lại bên ba mẹ con tôi.
- Ở mô tới mà nói nghe tội nghiệp rứa? Lên đây. Mấy ngàn cũng chở. Rứa thì ông xã mô rồi?
Tôi dạ hối dạ hả rồi lụp chụp đẩy hai đứa nhỏ lên xe. Chú xích lô nhanh nhẹn đưa mấy giỏ xách phụ tôi.
Thế rồi câu chuyện đầu xuân bắt đầu:
- Chị từ mô tới
- Đại Lộc chú ơi!
- Tội quá! Đừng gọi tôi bằng chú.
- Không. Chú tức là chú mấy đứa nhỏ.
- Coi bộ chị nhỏ hơn tôi á nghen. Con tôi lớn bộn rồi đó.
- Rứa à, thôi tôi xin lỗi.
Anh lại hỏi tiếp:
- Chị ở Đại Lộc ngoài Kim Luông vô hay Đại Lộc trong xứ Quảng ra?
- Dạ không. Đại Lược – Kim Luông, bên kia phá Tam Giang.
- À, “thuyền về Đại Lược, duyên ngược Kim Luông” phải không? Lấy chồng chi mà xa rứa?
- Ai biết anh ơi! Duyện phận mà.
- Rứa chị làm chi dưới nớ?
- Làm đủ việc. Sáng việc, chiều việc. Nghỉ hè còn giúp ông xã cấy hái nữa. Đủ thứ mà vẫn không đủ cho bốn miệng ăn.
- Làm chi dữ rứa?
- Anh thử đoán coi?
- Tui chịu. Đoán tuổi tôi còn tàm tạm. Đoán tên, đoán nghề hơi khó, mà tui nhìn bộ dạng của chị thì không phải là dân cấy hái rồi.
Đang trò chuyện, bỗng tôi giật mình nhìn quanh, dường như có một cơn gió xoáy đang rượt đuổi. Không phải, chỉ một làn gió nhẹ thôi, nhưng trong gió có mang theo một mùi hương kỳ diệu. Thì ra, bên trái tôi, những búp sen trong hồ Tịnh Tâm đang nở rộ. Mùi hương quá khứ ấy vây chặt lấy tôi như trách tôi ăn ở vô tình. Mới ngày nào, từng buổi chiều đi học về, tôi đứng lặng câm nhìn sen. Sen nở rồi tàn. Nở hay tàn vẫn trong cái dáng ung dung, tự tin của tâm hồn Huế. Cuộc biển dâu đã nhận chìm biết bao hình ảnh thân thương của Cố Đô. Sao sen vẫn cố ngoi lên giữa mặt nước đầy váng bèo và không ngừng trang trải cái hương sắc lộng lẫy ở giữa đời? Trong hoàn cảnh nầy, tôi chỉ biết thì thầm: “Hẹn ngày tái ngộ nhé. Sen ơi!”
Chạy một lát. Xe cũng leo tới dốc cống Sư Đoàn Mang Cá. Tôi nhìn về 2 dãy lầu bệnh viện Nguyễn Tri Phương tự dưng tôi nghĩ đến khuôn mặt hao gầy của tướng Ngô Quang Trương mà lòng tôi dâng lên một nỗi ngậm ngùi nuối tiếc... rồi tôi nhớ lại những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan”.
- “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Đền cũ lâu đài bóng tịch dướng”
Anh xích lô dường như cũng đồng cảm với tôi, anh và tôi cùng im lặng. Tôi lên tiếng nói:
- Anh dừng lại, tôi phụ anh đẩy xe lên.
Anh cười to làm đôi người đi đường ngoái nhìn.
- Thôi được rồi người đẹp. Cả ba mẹ con cột lại cân chưa tới 100 ký.
Nghe anh nói tôi phì cười. Đi thêm một đoạn nữa thì đèn nhà hai bên đường vừa bật sáng. Tôi dạn miệng họi anh:
- Coi bộ anh không phải dân xích lô chính hiệu?
- Dị chi nữa chị ơi! Dân lái máy bây giờ thất cơ lỡ vận đạp xích lô kiếm ăn đây.
Tôi nghĩ thầm “hèn gì ông ta cao dữ.” Rồi bật ra lời:
- Anh vẫn còn may hơn ông xã tôi nhiều. Còn có xe mà chạy, chứ chồng tôi đạp xe thồ riết không xong phải khăn gói quả mướp về làng làm ruộng. Mẹ con tôi khăn gói theo ông luôn.
Anh xích lô than thở:
- May chi, chị ơi! Xích lô mướn.
Một lát, anh lại hỏi:
- Còn chị, làm chi hè?
- Anh đoán đi. Đoán trật cho đoán lại. Ai phạt, ai khẻ tay chi mà anh lo.
Anh bật cười hì hì:
- Đoán hí. Ngó điệu bộ chị là tôi biết cô giáo rồi.
Tôi cười không dấu diếm:
- Cô gái trường làng, đó anh.
Tụi tôi tiếp tục cười vang. Mấy đứa nhỏ không biết chuyện chi cũng cười. Trong khung cảnh đất trời đầm đìa buồn bã, những nụ “cười ra nước mắt” ấy quả thật là lạc lõng, đau lòng.
Anh hỏi tiếp:
- Thời nữ sinh chị học ở mô?
- Nữ Thành Nội. Còn anh?
- Tui Hàm Nghi xong chuyển qua Quốc Học.
- Rứa à. Con quan mới học Quốc Tử Giám đó nghe.
- Quan quân chi nữa chị ơi! Lưu lạc nổi trôi hết rồi.
Bất giác tôi buột miệng:
- Kệ, anh ơi! Wait and see!
- Cha! Xổ English nữa ta.
- Chút chút. Tôi biết anh là dân không quân mà.
- Trời!
Anh la lên. Tôi cũng la lên:
- Dừng lại, dừng lại. Tới nhà tôi rồi.
Ba mẹ con xuống xe trong ánh đèn mù mờ. Tôi móc ví trả tiền cho anh. Anh “lì xì” lại cho hai đứa một nửa. Tôi xúc động cảm ơn anh và mời anh vào nhà uống ly trà đầu năm. Gia đình tôi toàn bộ cũng là lính. Anh từ chối phải về vì trời tối rồi bà xã đợi. Tôi chúc anh năm mới bình an sức khỏe. Chúng tôi chia tay nhau. Anh vội vã quay xe đi. Tôi đứng nhìn theo. Hai đứa con không hiểu gì, hối hả dục “Mẹ vô nhà mau đi.” Chúng tôi chập choạng bước từng bước rã rời vào ngõ. Chung quanh thôn xóm vang lên những âm thanh vời vợi của đêm đen. Dường như đàn dế từ trong những bụi cỏ đẫm sương chờ con tôi về mới cất lên tiếng hát. Thì ra, ở đời, trong cảnh ngộ nào, cũng còn có những tấm lòng tử tế. Từ đó, tôi đi về không biết bao nhiêu lần trên tuyến đường nầy, nhưng chẳng bao giờ gặp lại anh xích lô trẻ tuổi hào phóng ấy nữa.
Nhà chị tôi ở cuối hẽm. Nghe tiếng, mấy đứa cháu ùa ra ôm lấy hai em, ríu rít:
- Răng dì về trễ rứa?
Tôi kể chuyện xích lô năm mới lên giá, rồi gặp “quý nhân phò trợ.” Chị tôi lắng tai nghe, cũng xúc động:
- Trời thương mình. Tội nghiệp anh xích lô. Mấy ông cải tạo về dù chi họ cũng là người có ăn có học ngày trước.
Nói xong, chị tôi nhanh chóng lấy cơm cho hai con tôi ăn. Nhìn chúng cắm cúi ăn ngon lành tự nhiên nước mắt tôi chực trào ra. Ai cũng có một thời vàng son của tuổi thơ. Tuổi thơ của những đứa kẻ khi nước mất nhà tan đều như thế.
***
Năm mới nói chuyện cũ. Tôi mong rằng, giờ phút nầy, anh bạn xích lô năm xưa sống sót qua cơn lầm than, cũng đang có mặt đâu đó trên mặt đất nầy, ở một xứ sở tự do rất gần chúng tôi.
Mi Sa
Gửi ý kiến của bạn