BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thằng Viết Tay Trái

06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1610)
Thằng Viết Tay Trái
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cuối cùng thì tao cũng về đơn vị đó. Hãnh diện lắm như ngày trên núi, nhìn đèn thành phố, đứa nào nói một câu với tấm lòng: “Được học ở Phan Chu Trinh và lớn lên đi Nhảy Dù”. Không phải câu nói bốc đồng khi trà dư tửu hậu. Ở núi làm sao có những thứ quí phái đó. Nhìn tóc mày cắt ngắn, lúi nhúi trong tấm poncho làm áo ngự hàn, mặt hướng về những ngọn đèn vàng mờ mờ trên núi Sơn Chà xa xa, tao biết mày nói thật. Giọng trầm trầm buồn mày nhắc về trường cũ, về thành phố. Về Nữ Trung Học Hồng Đức bên tê, trung học Phan Chu Trinh bên ni. Hai bên cách nhau cái ngã tư nhưng tình xa hay gần tùy mùa mưa nắng.

Trường Phan Châu Trinh


Đến ngày đôn quân, mới thấy thằng nào chì. Đám ngày trước đi học, lạng Honda qua lại trước trường nữ tập tành tán gái, học đòi làm du đãng “được” cha mẹ lo cho đi thứ sung sướng, hay làm lính kiểng ở thành phố. Nhà thiên hạ có tiền! Nên con cái làm lính sáng, trưa, chiều, và tối ăn cơm nhà có người nấu, mặc đồ hồ có người ủi. Ba mẹ mày tao nghèo, “con nhà lính tính liền” nhưng học đâu có thua ai. Mày tình nguyện đi thứ dữ dằn cho thỏa chí tang bồng. Thầy giám thị chớp chớp mắt sau kiếng trắng dày cộm, đứng nghe những thằng học trò thân thương, học giỏi như mày cho biết đơn vị sẽ chọn. Thầy không nói nhưng biết đi là coi như mất. Đứa nào đứa nấy nói ra toàn Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù… Chết là cái chắc vì “các em chọn” toàn thứ gì dữ quá! Quê hương đang ở những ngày cuối mùa hè đại nạn, thầy còn tòng quân nói gì đến học trò.

Bạn bè cùng trường ra đi, “bỏ trường mà đi” như một bài hát của người thầy trưởng đoàn du ca một dạo. “Bỏ trường mà đi / Bỏ lại đàng sau ánh mắt hẹn hò…” Ông thầy tài hoa đang ở đây với căn bệnh nghiệt ngã. Thầy không nhớ vì không thể nhớ chứ đâu quên học trò, nhất là cái lớp học Pháp Văn sinh ngữ chính. Cái đám phá như quỷ, có trưởng lớp kéo “nguyên con 49 mạng” đi đánh lộn thì thương sao nổi!

Trước sau gì đứa nào cũng bỏ trường vào đời. Ngày đó, tuổi xanh mình đốt cháy với núi rừng, ba lô trên lưng đi đo đường dài khốn khó quê hương dầu lý tưởng mơ hồ thì cũng học được vài điều để sống. Cho đáng sống!

Cái thuở vừa qua mười bảy đó, nhìn lại hình thẻ học sinh, hình chụp căn cước thấy tội. Nhớ lại tao cứ thắc mắc hoài về tên một tờ báo học trò trong trường. Tờ đặc san quay ronéo của những anh chị lớn, học đệ nhị cấp ở Phan Chu Trinh: “Trả Lại Tuổi Trẻ”! Cái tên được chọn trong những ngày còn cắp sách đến trường mà nghe buồn thiu. Muốn trả lại hay đang đòi tuổi trẻ đây!

Ngày đó đi học là học. Tương lai có thấy gì đâu sau những tàng lá xanh của hàng kiền kiền. Tương lai! Chỉ là đường bay phản lực trong mắt đứa bé chiều tắm biển Thanh Bình, là tiếng hú kinh hồn của hỏa tiễn đêm giặc pháo kích về thành phố. Mẹ và dì ôm con ôm cháu nằm trên nền nhà xi măng lo sợ. Tiếng cầu Phật nho nhỏ. Tiếng xầm xì hàng xóm hỏi nhau là đạn pháo kích rớt nơi mô, lạy trời đừng có ai vô phước bị trúng.

Một lần còi hụ báo động. Pháo kích! Pháo kích! Ngày mai vào lớp, giờ điểm danh có tin buồn. Lê Đỡ không đi học. Nhà bác nó ở quận ba, bên kia sông Hàn dính nguyên trái hỏa tiễn của giặc. Nhà tôn vách ván chịu sao thấu. Thầy dạy Việt Văn mắt chớp chớp sau kiếng cận dày nghe lời kể. Lúc đó thầy đã có bài đăng ở Đối Diện nhưng bài viết nhắc đến cái chết của thân nhân Lê Đỡ đăng trên Khởi Hành. Vài đứa trong lớp đọc được nói nhỏ nhau nghe. Buồn! Sau ngày mất Đà Nẵng, biết thêm về thầy lại càng buồn. Buồn da diết!

Mới đó mà tóc đã lấm tấm vài ba sợi bạc. Anh em đứa bên này, đứa bên kia. Thằng du học, thằng du đãng. Ở đôi khi thật gần nhưng cũng xa, thật xa từ khi qua tuổi hai mươi.
Sáng ra tao thở những hơi vội vã. Chiều, chìm trong giòng xe cộ chồng vợ hấp tấp về đón con trở lại nhà. Bài thơ viết được nằm chênh vênh trên bàn. Khi vui hình như thơ cười. Khi buồn, bài thơ vất xó. Có khi thơ thở nhọc qua tháng qua ngày, qua bao lận đận. Và như người, thơ trằn trọc, ngã nghiêng, chới với. Sao thì sao miễn thơ đừng căng con mắt vội, đừng thở hắt ra hơi thở cuối cùng. Cũng như xưa thơ là niềm vui. Bây giờ vẫn tiếng cười nhưng câm lặng trong đêm tối. “Nhà còn yên giấc anh gõ lọc cọc nhẹ thôi”. Và em “Anh hiểu sao em không đi đường tôi.” Chắc chắn những chữ viết trên trang giấy không mang lại được ly cà phê ngày mai, khúc bánh mì nửa buổi. Nhưng anh vẫn cười. Anh không hối đâu. Thích thì làm và viết cho vui.

Mày và tao viết tay trái. Lúc nhỏ đi học bị ăn thước kẻ hoài vì cầm cây bút “ngó trái trái làm sao”. Cũng như bạn bè thuận tay phải, tất cả đều nơm nớp sống như nhau. Thuở bên nhà sợ đêm ăn hỏa tiễn, bạn bè anh em tan biến giữa đời. Sống quê người, có lại dịp học hành đàng hoàng, lại sợ mất việc; sợ không vợ, theo không kịp người ta. Thế đó xa dần… Nhịp banh bóng rổ không còn đủ sức kéo cả bọn lại gần nữa. Có chăng con mắt đăm đăm nhìn vào một điểm chung: màn ảnh tivi chiếu thể thao trong những ngày cuối tuần. Hay những lo âu đưa đến ào ạt với tốc độ chóng mặt. Chẳng trách sao đứa bé gặp trong trại tị nạn ngày xưa nay quá lớn. Và anh em mình không còn trẻ nữa.

Qua tháng mười một rồi, có được bài thơ mới nào nữa không bạn cũ? Còn “Ru em ngủ giấc đá vàng / Buồn anh gió chạy trên hàng cây nghiêng.” Hay giờ ở đâu đó trên cái lục địa mênh mông này:” Ru em một nửa giấc tiên / Chiều nghiêng rủ lá vàng bên hiên chờ.” Rủ nhau viết văn làm thơ nơi đây sao như hành hạ lẫn nhau! Một lúc nào gặp lại, bạn bè hốc hác mặt mày dăm ba đứa dầu viết để chơi. Thuở ngưỡng mộ người viết cũng qua rồi. Nơi đây một vài bóng dáng cũ, có thể như sao trời đêm mùa hạ trong hồn bỗng dưng vỡ vụn, đã khô hay bắt đầu khô như những trái kiền kiền trong thành phố mình đi học. Những quả tròn tròn bể ra như những đóa hoa năm cánh. Gặp gió rung cành rớt vỡ vụn trên đường học trò. Tao chợt nhận ra một điều đau lòng. Không viết thì “chết”. Viết xong nhìn tập bản thảo nằm chênh vênh trên bàn lại buồn. Sinh hoạt chữ nghĩa đôi khi vui nhưng ngẫm lại bùi ngùi lắm thằng thuận tay trái.

Đi chân không mười mấy năm rồi thôi tao mày đi tiếp. Có thể mày còn viết, ký với tên khác để được thong dong hơn với những bài thơ “tay trái”. Cầm cây bút lạ đời nhưng thơ có sức sống, có nụ mầm hy vọng của tháng giêng. Có lớn là bao những lời khen chê của những “ông bình vôi”. Làm thân kiền kiền bao giờ cũng vững chải hơn một loài tầm gửi phải không?

An Phú Vang
(14 tháng 11, 96)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn