BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73360)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chiến tranh, hiện thực và ký ức trong truyện Lê Thiệp

07 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 1120)
Chiến tranh, hiện thực và ký ức trong truyện Lê Thiệp
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 Cầm cuốn sách trên tay nhưng tôi đã có những ý niệm. Tôi đọc "Đỗ Lệnh Dũng" nhiều đoạn trên Hoa Thịnh Đốn Việt Báo và quả thật đã có nhiều ấn tượng từ những trang viết ấy. Một trận đánh được kể lại bằng chính người trong cuộc, mà nhân vật xưng tôi, hình như có nhiều chi tiết tương tự giống như những cảnh ngộ khác của nhiều người, tuy có một nét gì quen thuộc nhưng lại mở ra những cảm giác xa lạ nhưng gần gũi.

Tại sao? Bởi vì, qua những dòng chữ, thấy được cái mẫu số chung của một thế hệ, lớn lên và trưởng thành ở miền Nam, tham dự vào chiến tranh với một thái độ vô tư, của một điều tự nhiên, sống ở nơi chốn này thì phải bảo vệ quốc gia này. Họ đi học, đi lính, đi trận rồi bị đi tù, rồi đi Mỹ, rồi đi lập lại cuộc đời ở xứ sở định cư. Cái mẫu số chung ấy nhiều người chung mang, giống về đại thể, nhưng chi tiết thì khác. Có khi là những bản trường ca của hẩm hiu, khổ nạn. Nhưng có khi, lại là những thiên hùng ca, của những người hùng sinh lầm thế kỳ. Cái chuyện chung mà riêng, riêng mà chung ấy, có lẽ là của nhiều người trong chúng ta, như chúng tôi, hay như Lê Thiệp, hay như Đỗ lệnh Dũng. …

Đã có rất nhiều tác giả và tác phẩm về chiến tranh Việt nam, từ những góc độ khác nhau, vị trí khác nhau. Ở một vài trường hợp, nó đã là một thành phần của văn học đương đại. Phần đông các tác gỉa đều là những người đã tham dự vào cuộc chiến. Họ có thể là một GI, hoặc là một người lính vượt Trường Sơn với khẩu hiệu sinh Bắc tử Nam, hay là một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ cầm súng với tâm tư, thái độ khác nhau và vị trí địch bạn đã được xác nhận dù mơ hồ hay thực tế, dù gián tiếp hay trực tiếp. Với Bắc quân, cái nhìn địch bạn rõ rệt hơn và hầu như, nếu có chút gì suy nghĩ trệch hướng, cũng là những công thức có sẵn từ những người chỉ đạo cuộc chiến. Với người GI Hoa Kỳ, cái nhìn khá nhiều phức tạp, nhìn ngắm thực tại với nhiều góc độ có khi đối nghịch và mâu thuẫn với nhau. Còn với người lính miền Nam, cái hành động cầm súng có khi đẫm chất lãng mạn. Họ vào quân đội không một chọn lựa. Nhiều khi họ chẳng muốn làm người hùng nhưng họ cũng chẳng muốn làm kẻ hèn...

Có người nói viết về chiến tranh mà đứng ở một góc độ, một vị trí thì chỉ nhìn thấy được một phần sự thực. Nhưng, nhiều khi mục đích của văn chương không chỉ vỏn vẹn trong mục đích nêu lên được sự trung thực. Nhiều khi, cần phải có tính thẩm mỹ cao và lôi cuốn được độc giả. Cùng một sự kiện, nhưng với một nhà văn miền Nam thì nhận thức khác, mà người cầm bút miền Bắc lại có cảm nhận khác, và đến người Lính GI thì lại càng khác biệt, cả từ người lính tình nguyện chuyên nghiệp đến người lính bị động viên. Do đó, sự trung thực cũng được nhận thức ở nhiều khía cạnh. Và, một tuyệt tác văn chương về chiến tranh hình thành từ nhiều yếu tố, mà trong đó có cả những hư cấu bên cạnh những sự kiện hiện thực. Trong chiến tranh có nhiều "sự thực" chứ không phải chỉ có một. Và, những "sự thực" này nhiều khi lại tương phản, lại đối nghịch nhau.

Có phải như Tim O’Brien, tác giả của tác phẩm khá nổi tiếng viết về chiến tranh Việt Nam "The things they carried" khi nhận xét về những giới hạn của các tác giả khi khai triển đề tài này trong khi cầm bút vì "bị giam hãm trong chính những kinh nghiệm của mình. Và kết quả là trí tưởng tượng bị phong kín lại, cũng như độc giả dễ tiên đoán được cốt truyện từ kiểu cách kể chuyện kiểu melodrama, hay đề tài bị thu hẹp và phong cách không tận dụng những điều hư cấu để làm cho văn chương bay bổng hơn"? Viết văn. có phải là đơn thuần làm người kể chuyện và xử dụng bút pháp hiện thực chủ nghĩa truyền thống hay làm một người tạo dựng ra riêng một thế giới mà ở đó trộn lẫn giữa hư cấu và thực tại?

Với Lê Thiệp trong "Đỗ Lệnh Dũng", thực tại ngồn ngộn những sức sồng và theo cảm quan của người đọc như tôi, những thực tại ấy lôi cuốn và có tính thuyết phục nhiều hơn. Diễn tả một cuộc chiến, là phô diễn được những nét trung thực của hoàn cảnh khốc liệt, của những tình tiết có nét tư riêng nhưng phản ánh được tâm tư chung của một thời thế thật nhiều biến cố. Mô tả biến cố, có phải là làm độc giả tưởng tượng thấy được hoàn cảnh lúc đó và bị lôi kéo vào, tham dự vào. Nếu có hư cấu, nhiều khi chất trung thực bị giảm bớt.Nhưng, tác phẩm văn chương khác với những trang nhật ký được ghi chép. Tác phẩm văn chương phải có sự chọn lựa từ mô tả đến suy tư, từ nhận định đếm liên tưởng.

 

"Đỗ Lệnh Dũng" là một truyện ký. Và ở thể tự thuật này, một cuộc đời được kể lại, bắt đầu từ một trận đánh ở quận Đôn Luân (tức chi khu Đồng Xoài) vào năm 1974. Trung úy Đỗ Lệnh Dũng bị bắt sau khi quận lỵ này bị thất thủ. Và từ đó là một quãng đời kéo dài mấy chục năm đầy những gian truân đâỳ những khổ ải. Nhưng, chiến binh ấy, vẫn trong thái độ chấp nhận gian nan để đợi chờ những ngày tươi sáng. Cuộc đời ấy, đầy những biến cố nghiệt ngã. Từ lúc mặc quần áo lính đến khi qua Mỹ đoàn tụ gia đình, thời gian ấy là của chia ly xa cách, của những trận đánh dữ dội, của những ngày tù binh vượt Trường Sơn ra Bắc, là những ngày tháng mỏi mòn bị hành hạ đói khát trong các trại tù Cộng Sản.


Tác giả Lê Thiệp đã mang cái chất sống động của thời thế để kể lại một trong muôn ngàn những góc cạnh của "sự thực" với một chân dung người lính đầy chất nhân bản. Mỗi một sự kiện đều chuyên chở theo những thông điệp. Dù có khi chỉ là những ý tưởng vụn vặt nhưng nhiều lý thú.

Từ một viên keo mà người lính nghĩa quân và người sĩ quan chia sẻ với nhau trong khi mặt trận vẫn còn sôi lửa, là một nhận thức bất ngờ, là một cảm nhận trung thực của một người lính miền Nam:

"Chính lúc đang cố dùng lưỡi đẩy cái giấy lẹp nhẹp ra khỏi miệng, tôi chợt thấy sự hiện diện ở nơi đây có lý do của nó.

Tôi là sĩ quan-trung úy Dũng - nhưng suốt bao nhiêu năm trong quân ngũ, chưa bao giờ tôi để tâm tới khía cạnh vẫn thường được nói tới như lý tưởng bảo vệ tự do, như chiến tranh ý thức hệ, như tiền đồn của thế giới… Tôi bị động viên thì đi. Được huấn luyện thành sĩ quan. Giáo dục củ gia đình và học đường khiến tôi thấy những bổn phân đó là đương nhiên. Chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi với tôi về ý nghĩa của cuộc chiến cả.

Nhưng tôi yêu quân đội và có lẽ đã được sống và đã được chia sẻ với những người như anh nghĩa quân chia cho tôi cục kẹo. Trong cái ý nghĩ luẩn quẩn đó, tôi im lặng quan sát người lính dưới quyền. Anh ta khoảng hai mươi. Qúa trẻ. Dáng dấp cho thấy giống như bất cứ thanh niên quê mùa nào, anh đăng nghĩa quân để được gần gia đình.."

Hay, sau khi thất thủ quận, phải rút lui ra khỏi chiến trường, bị đuổi đánh và truy kích, nhưng vẫn không muốn làm người bỏ chạy một mình:

".. lên tới đồi, bố trí toán binh sĩ vào đám cây lớn nhưng thưa thớt tôi bàn với trung úy Hùng tìm cách đối phó.

Ông Hùng trầm ngâm:

- Cách duy nhất là tan hàng, tôi, ông đi với vài đứa may ra thoát. Lề mề thế này thì chỉ tới sáng mai tụi nó tóm cả lũ.

Cái chữ lề mề mô tả linh động cảnh đang diễn ra quanh tôi. Giải pháp thoát một mình không bao giờ là giải pháp tôi nghĩ tới. Không phải vì lý tưởng quốc gia. Không phải vì những danh từ đao to búa lớn của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Tôi chỉ nghĩ giản dị đã là sĩ quan chỉ huy thì không thể bỏ rơi binh sĩ dưới quyền. Thế thôi. Vả lại dù ô hợp, dù đám chúng tôi là một đơn vị không đồng nhất với lính nghĩa quân, địa phương quân, lính sư đoàn 5, lính thám báo, nhưng chúng tôi là quân nhân. Cho đến giờ phút này, họ vẫn tôn trọng chúng tôi vì tôi là sĩ quan cao cấp nhất của họ Tôi là người chỉ huy. Họ tin ở tôi. Họ chờ ở tôi…"

Trên đường đào thoát, rơi rớt dần dần, người thì bỏ đi lối thoát khác, người thì bị thương gục ngã ven rừng. Nhưng, không hề là sự bỏ rơi. Trong hoàn cảnh cùng khốn nhất, vẫn cư xử với nhau tình nghĩa. Tình nghĩa của những người lính chia sẻ sông chết với nhau. Một người lính, vết thương đã làm độc có mùi, nhất định không chịu đi, đòi nằm lại để không làm quẩn chân những người chiến hữu:

" -Tui không đi nữa.

Tôi nhỏ nhẹ:

- Anh cố lên. Nếu anh chậm lại thì cả đoàn phải chậm lại.

- Tui nói tui không đi.

- Tôi ra lệnh cho anh đứng dậy.

- Đù mẹ mày trung úy. Đù mẹ, không đi là không đi.

Tôi sững người, và có lẽ do phản ứng của người chỉ huy, tôi rút khẩu Colt, cầm tay

- Tôi có thể bắn anh vì tội bất tuân thượng lệnh.

Anh lính nhỏm người, dứt tung cúc áo vạch ngực:

- Đù mẹ mày, Ngon thì bắn đi. Ngon thì bắn đi…"

Và kết cuộc là :

"Tôi ra lệnh mọi người tiến về phía trước. Chừng mươi phút sau tôi quay trở lại chỗ người lính sư đoàn 5. Trông anh ta đã có vẻ dịu cơn thịnh nộ. Tôi nói :

- Anh cố được không? Tôi không đành lòng bỏ anh ở lại.

- Trung úy cố đưa anh em về. Vui chịu không nổi, trước sau gì cũng chết. Cố đi chỉ làm vướng bận anh em thôi.

- Anh cố tụi tôi dìu.

Anh lắc đầu, cởi chiếc đồng hồ đưa tôi cùng với chiếc bóp giấy tờ:

- Mai mốt về được đưa cho vợ con tôi mấy cái này. Nói xong anh nhắm mắt, lắc đầu ra kiệu không còn gì để nói. Tôi đứng lên lòng tê tái ra đi, không dám ngoảnh lại nhìn. Chúng tôi di chuyển độ nửa giờ thì nghe tiếng lựu đạn nổ phía sau.."

Câu chuyện kể như một thiên hùng ca bi thảm. Trong hoàn cảnh ấy, mới tỏ lộ được cái tình của con người với nhau. Trong cái sống và cái chết cận kề, con người là con người, không phải là con thú… Những thông điệp như thế, có rất nhiều trong truyện ký "Đỗ Lệnh Dũng".

Một cuộc chiến tranh, mà khi chấm dứt, đã hơn ba chục năm sau mà vẫn còn hằn dấu. Người Việt Nam nhiều khi còn khó hòa giải với nhau hơn là với người Mỹ.

Hãy coi trường hợpBảo Ninh, được coi là một người ít cuồng tín nhất trong chiến tranh và từ tác phẩm đã có những suy nghĩ chệch khỏi hướng của nền văn nghệ được chỉ đạo bởi chính trị. Với "Nỗi Buồn Chiến Tranh" một tâm lý của những người đi tìm lại những gì gọi là chân lý khi đi chém giết nhưng vô vọng. Nó nhắc nhở tới những người đã chết, đến bạt ngàn những ngôi mộ dọc Trường Sơn, đến những người "Bê Quay" đào ngũ trở về để trốn lánh những trạng thái vô vọng đen tối. Nhưng Bảo Ninh trong khi viết vẫn bị ảnh hưởng của lối viết cường điệu, mô tả địch nhất định phải là quỷ mà ta nhất định phải là tiên, là anh hùng. Cái đoạn mô tả người lính thám báo VNCH đã hãm hiếp tàn sát dã man ba cô gái thanh niên xung phong khi bị bắt thì hèn hạ van xin để tránh khỏi cái chết là một ví dụ. Dù trong phong cách dựng truyện vẫn bàng bạc những nỗi niềm, dù chiến tranh đã được nhìn khác đi với một chộc chiến tranh ái quốc thần thánh, nhưng những đoạn như trên chỉ minh chứng một điều. Cái tâm tư của người chưa quên được nỗi căm thù với người bên kia chiến tuyến. Đó là chuyện của mười mấy năm trước. Bây giờ thì phải đổi khác chứ ! Đã qua rồi sự phân biệt địch ta, đã đến rồi sự hòa giải dân tộc, có phải ?

Thế mà, trong tập truyện mới nhất của Bảo Ninh "Lan man trong khi kẹt xe" xuất bản năm nay, vẫn là những tâm tư cũ, những âm điệu cũ. Vẫn, ta là đẹp, là thiên thần. Địch là xấu, là quỷ dữ. Trong truyện "Ba lẻ một" được đăng trong tạp chí Văn Nghệ Quân Đội Xuân mậu dần năm 1988 sau được tuyển lại và in trong tập truyện kể trên, Bảo Ninh nhắc lại một thời kỳ hoảng loạn năm 1975 ở miền Nam. Sự cường điệu rõ rệt khi ông mô tả một nhân vật (cô chủ quán)sống ở miền Nam gặp gỡ một nhóm bộ đội trên chiếc xe tăng mang số hiệu "ba lẻ một" và trong đó mơ hồ một cái hẹn hò về sau. Trong khi người cha, người chồng, những người thân thiết nhất của cô lần lượt bỏ đi thì cô vẫn ở lại để chờ đón một ngày gặp gỡ lại người bộ đội mà cô cho rằng dễ thương và tất đẹp. Bảo Ninh muốn nói gì trong truyện ấy ? Có phải la gây một ấn tượng tuyên truyền về chân dung người bộ đội đầy tình người cao đẹp chứ không phải là hình tượng dã man của chế độ cũ đã tuyên truyền. Và, tình cảm sự kính phục ấy còn mạnh hơn cả tình nghĩa cha con, tình nghĩa vợ chồng. Những người ấy trốn chạy quê hương trong khi cô ở lại để chờ mong một cái gặp gỡ cực kỳ mong manh.

Trong khi cả triệu người vượt biển tìm tự do, và cả triệu người xác vùi ở biển Đông, thì Bảo Ninh lại viết như thế, ở thời điểm này, thời điẻm của đổi mới, của hàn gắn để xây dựng đất nước?Đã ba mươi năm rồi, đã chẳng còn tiếng súng… Đối tượng địch thù của Bảo Ninh không chỉ là những người lính bên kia chiến tuyến. Mà, còn là những người dân miền Nam được mô tả tàn tệ như người cha, người chồng của cô gái trong truyện. Họ "quyết lòng trốn chạy quê hương vì nuối tiếc kiếp xưa", bỏ lại người thân không thương xót. Chứ không như anh bộ đội lịch sự tình nghĩa và có lúc cao hứng hẹn sẽ về thăm lại trong tương lai…

Với Lê Thiệp và "Đỗ Lệnh Dũng", từ những ghi nhận trong cuộc sống cũng như trong cách diễn tả, chủ ý là để làm nổi bật được người và việc của một thời đại đầy biến cố bi thảm của dân tộc. Đọc, ít thấy những ý nghĩ căm thù, dù là mô tả một phiên tòa xử kiểu tòa án nhân dân của Cộng sản tử hình một người trung sĩ phát ngân viên cho chi khu. Kể, như một chứng liệu chiến tranh.

Trong những tháng ngày bị đấy ải từ lúc bị bắt đến cuộc di chuyển khốn khổ vượt Trường Sơn rồi những ngày tháng lao động khốn khổ đói khát, bao nhiêu là chi tiết lý thú, bao nhiêu là dữ kiện đặc biệt. Những nhân vật xuất hiện bên cạnh, ở bên này hay bên kia, đều có tính biểu tượng. Như ông lán trưởng coi người tù như " một món hàng giải trí để phát tiết chín năm ẩn ức : "Ông thí cho mỗi đứa một viên là xong đời nhà chúng mày. Vì chúng mày mà ông ở cái xó này chín năm chưa gần đàn bà. Ngữ chúng mày chỉ có đoàng một cái giống như ông giết con gà con chó vậy."

Hay hình ảnh của một người tù binh già cao cấp nhất của QLVNCH. Đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng Nhảy Dù. Đàng hoàng, tư cách, nhẫn nhục nhưng khí phách. Và, nhất là tấm lòng của một người chỉ huy lúc nào cũng thương yêu và nghĩ đến những người thuộc quyền : "Cuối cuộc trình diện, ông trầm ngâm bảo tôi: Cám ơn anh vẫn còn nghĩ đến tình đồng đội để đến thăm tôi. – Ông không dùng chữ trình diện - Điều duy nhất tôi mong mỏi ở tất cả anh em là phải thương yêu đùm bọc nhau, cố giữ lấy tinh thần của người lính quốc gia. Chỉ có thế anh em mình mới chứng minh được rằng mình khác họ và chỉ có thế mới minh giải những điều anh em mình đeo đuổi là đúng. Anh cho tôi gửi lời thăm tới tất cả anh em mới tới và bảo họ không cần tới thăm tôi nữa. Anh nói dùm với anh em là tôi luôn luôn cầu Trời Phật để mọi người mạnh khỏe."

Nhưng, nhân vật Đỗ Lệnh Dũng lại là một người may mắn. Ông có một gia đình thương yêu đùm bọc. Ông có những mối tình đẹp, có một đời sống lứa đôi hạnh phúc. Ông có nhiều người thương mến mính. Như những người dân người Stieng ở Bố Đức, mà hai mẹ con cô gái Thượng đi cả ngày đường để mang bắp trả lại cho ông "Hai Dũng". Hay là người cố vấn Hoa Kỳ năm xưa, Sam Graves, nay là đại tá đã nhớ ơn cứu tử và hết lòng giúp đỡ khi gia đình Đỗ Lệnh Dũng vừa mới tới định cư ở xứ người. Cái kết cuộc "happy- ending" ấy có phải là cũng là chung cuộc tốt đẹp của hàng triệu người tị nạn chúng ta?

Viết về nhân vật Đỗ Lệnh Dũng, tác gỉa Lê Thiệp phóng chiếu cái nhìn của mình vào một thời thế đầy những điều đáng ghi chép lại cho lịch sử dân tộc. Dù, chỉ là một góc cạnh của một người, một cá nhân trong muôn vạn khía cạnh khác nhưng vẫn là một bằng chứng hùng hồn về một thời đại bi thảm của những người phải bắt buộc lao vào lò lửa chiến tranh. Những người ấy, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã vẫn can đảm sống, vẫn vượt qua những bão táp của cuộc đời với một tâm tư không oán thù không hờn căm. Họ hiên ngang đứng dậy giữa những hoang tàn đổ nát của một đất nước điêu linh thống khổ như một nối tiếp cho truyền thống dân tộc Việt Nam tiềm tàng…

Nguyễn Mạnh Trinh
07/01/2007

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn