BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

"Chiến tranh Việt nam & Tôi", một đời, một thuở …

29 Tháng Mười Hai 200612:00 SA(Xem: 1066)
"Chiến tranh Việt nam & Tôi", một đời, một thuở …
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Nguyễn Bắc Sơn


 Có người đã hỏi: Thơ thế nào là thơ hay? Câu hỏi cũng dễ trả lời tuy khó cho rốt ráo. Và, cũng có người trả lời ngay, không do dự. Hãy đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn. Nhưng muốn đọc, làm sao có? Thơ Nguyễn Bắc Sơn, như "Chiến tranh Việt Nam & Tôi" - do nhà xuất bản Đồng Dao năm 1972 đã tuyệt bản. Sau năm 1975, thơ đã bị đốt cháy tiêu hủy. Thi sĩ, bị dày vò hành hạ xóa tên trong tờ phướn văn chương. Thế mà, thơ không chết và hồi sinh bây giờ …Đọc "Chiến tranh Việt Nam & Tôi", tôi có cảm giác ấy.

Nhà thơ Trần Hoài Thư, cùng các bạn trong Thư Ấn Quán đã in lại tập thơ để tặng bạn bè trong văn giới và những người yêu thơ trân trọng thơ. Cầm tập thơ, xiết bao cảm khái. Một thời đã qua. Một thuở sống lại. Một đời trôi nổi theo khói lửa chiến tranh, thơ là những trang nhật ký viết bằng máu và mồ hôi, có buốt xót nhưng cũng ngang tàng hào sảng.

Tôi không thể không nhắc đến và tri ân những công việc đã hoàn thành của Thư Ấn Quán với các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Cao Vị Khanh, Trần Bang Thạch. Chúng tôi đã đọc được nhiều tác phẩm, có khi của ngày xưa, có khi của bây giờ, nhưng đều là những "quý thư" của những người “quý sách". Đọc truyện Y Uyên, đọc thơ Phạm Ngọc Lư, đọc tùy bút Cao Vị Khanh, đọc truyện ngắn Trần Hoài Thư, Phạm văn Nhàn,… xưa và nay, cũ và mới, tất cả trộn lẫn để thành những tác phẩm tồn tại với thời gian. In lại tập thơ " Chiến tranh Việt Nam & Tôi", và thực hiện "Thư Quán Bản Thảo" tập 20 tháng 7-2005 chủ đề nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn là công việc phác họa một chân dung thi ca đặc biệt của văn học Việt Nam. Một đời văn chương. Một thời văn học… Nguyễn Bắc Sơn có thể được coi như một trong những nhà thơ của 20 năm văn học Miền Nam tiêu biểu nhất. Thơ cũng phiêu hốt như cuộc đời thi sĩ phiêu bồng. Trong lửa đạn chiến tranh, thi ca vẽ lên những phác họa hằn dấu của một thế hệ bị lao vào cuộc chơi một cách bất đắc dĩ. Tâm tư tuy riêng một người nhưng có nét của nhiều người và tần số cộng hưởng đã có biên độ rộng lớn.

Trong lời mở, nhóm chủ trương "Thư Ấn Quán" viết :

“… Sau tháng tư một chín bảy mươi lăm, tập thơ "Chiến tranh Việt nam và Tôi" của anh cũng cùng chung số phận như những tác phẩm khác đã xuất bản ở miền Nam là : không còn hiện diện trên những kệ sách nữa.

May mắn trong chuyến viếng thăm nhà thơ Lê Văn Chính (tức Sương Biên Thùy) mới đây, anh Trần Hoài Thư đã dược anh Chính trao tập đánh máy tập thơ của Nguyễn Bắc Sơn mà trước khi rời Việt Nam qua Mỹ theo diện HO, anh đã cố công đánh máy lại và gìn giữ suốt cả mười năm nay. Anh Chính đề nghị Thư Ấn quán tái bản và phổ biến đến những người yêu thơ NBS.

Với chủ trương in lại những tác phẩm cũ có nguy cơ bị mai một để độc giả hải ngoại có cái nhìn về một nền văn học thời chiến, lẫy lừng, hừng hực lửa lẫn sống và chết, chúng tôi xin được gửi đến quí bạn thi phẩm được nhắc nhở rất nhiều nhưng cũng rất khó kiếm này. Sách chỉ được biếu tặng, được in bằng loại giấy đặc biệt. Ngoài ra để bảo đảm sự chính xác của tác phẩm, chúng tôi đã nhờ anh em trong nước dò kiểm lại qua bản gốc.

Chúng tôi muốn chứng tỏ sự trân trọng của chúng tôi đối với những công trình tim óc, nhất là những công trình được khơi dậy từ đống tro tàn của lãng quên cũng như từ "im lặng của hố thẳm" (chữ của Phạm Công Thiện)…"

Tôi đọc bài thơ "Mật khu lê hồng phong" lần đầu trên tạp chí Khởi Hành vào khoảng năm 1969 khi đang ở quân trường Nha Trang. Những câu thơ làm tôi nhảy dựng khỏi giường trong cái cảm khái bừng bừng của một phút giây liên tưởng mà bây giờ tôi vẫn còn mường tượng được. Thơ như không phải của một ai khác mà như từ cõi thiên thu lồng lộng vọng về. Thơ có máu xương tủy cốt thực, có linh hồn thực theo từng ngôn ngữ chở chuyên. Bài thơ, không có nỗi bi ai của phụ nữ thường tình. Mà, có hào sảng của một người lính đã quen tử sinh gần cận. Thơ dù chưa phải là tiếng thét xuất quân nhưng cũng là cảm tưởng của người coi khinh sống chết

"Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
còn ngại hành quân động Thái An
cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
mùa khô thiếu nước lính hoang mang
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng mấy quận
Che mưa giùm những nắm xương tàn."

Tôi nghĩ, đây là một bài thơ tuyệt mỹ. Có phong vị của bài hành nhưng cũng có nét lãng mạn của một thời kiếm hiệp cổ xưa của hình dáng những chàng hiệp khách thời nay. Một điều nữa, trong cái thăm thẳm buồn của thi ca có cái hoành tráng của bước chân lịch sử. Chiến tranh, là bức tranh của nỗi niềm muôn thuở giống hệt nhau. Có người đã viết, những câu thơ ấy chẳng phải của Nguyễn Bắc Sơn mà chàng thi sĩ chỉ là người thư ký ghi chép lại những tâm tư đồng vọng từ trời đất. Dường như, đó là tặng phẩm của trời dành riêng và ban tặng. Nếu những chàng lính trận mà nghe đọc những câu thơ như : Mai ta đụng trận ta còn sống. Về ghé sông Mao phá phách chơi. Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm. Đốt tiền mua vội một ngày vui… thì làm sao mà tránh được chuyện vỗ vế cả cười. Tâm trạng ấy, chắc hẳn là mẫu số chung của rất... rất nhiều người. Kệ mẹ đời, hãy biết ngày hôm nay. Ngày mai, ra trận, chắc gì còn sống ?

Một bài thơ khác, bây giờ sau mấy chục năm, đọc vẫn còn thấm thía. Nỗi đau binh lửa vẫn còn, dù ổ chỗ này chỗ kia vẫn đầy những tiếng kêu gọi hãy quên lãng cho lành vết thương. Lúc chết chóc hằng hằng, lúc bom đạn giăng giăng, mà, vẫn khơi khơi nói những lời không một chút hận thù.

“… Kẻ thù ta ơi các ngài du kích
Hãy tránh ra xa đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh ra xa ta xin xí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi…"

Nội chiến? Chống ngoại xâm đế quốc? Bảo vệ tự do chống Cộng? Chiến tranh ủy nhiệm của hai bên cường quốc? Tới bây giờ, vẫn còn tranh cãi từ những góc độ quan sát từ vị trí hai bên chiến tuyến. Nhưng, chỉ chung mang một điều là nỗi đau lòng của một thế hệ bất lực giữa trò chơi chém giết. Đâu có ai muốn giết người, đâu có ai muốn nhắm cò súng vào người đồng bào cùng giòng giống mình.

"chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
lũ chúng ta sống một đời vô vị
nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
và máu xương làm phân bón rừng hoang."

Những câu hỏi cứ hoài hoài trong trí. Những phi lý của một cuộc chiến mù mờ duyên cớ. Ta ? là ai giữa một thế thời kỳ lạ, đóng những vai kịch của những tay thảo khấu bất đắc dĩ …

“… Vì sao ta tới đây hò hét
học trò bẻ bút tập mang gươm
tập uống máu người thay nước uống
múa may theo lịch sử điên cuồng
vì sao ngươi đến đây làm giặc
đóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
giận đời ghê những bàn tay bẩn
đưa đẩy ngươi trong cát bụi mịt mù
Buổi chiều uống nước đồng Ma Hý
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình…"

Viết về chiến tranh thì trăn trở như thế nhưng thơ tình Nguyễn Bắc Sơn lại ngọt ngào. Viết cho người tình người vợ, lẫn lộn giữa thương yêu và hối hận, thơ như tiếng thở ngấm trong trái tim những nỗi hoài nhớ khôn nguôi. Tình cảm ấy, có nét chân thực của một đời sống nhiều gai chông của một htời thế nhiều biến cố ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời. Thơ, là lời tỏ tình muộn màng của những đời lứa đôi nhiều bất toàn cay đắng

“.. khi lơn khôn nhiều đêm anh hối tiếc
đã bao ngày mê mải với văn chương
song bất tài không viết nổi tình thương
của người mẹ tóc dài đang nhuốm tuyết
em cũng biết tình yêu anh bát ngát
và ngây thơ như đồng mía lau say
biết ngày xưa anh là ngọn gió tây
thổi quanh quẩn con đường nhà em mỗi tối
ta trở về với nhau vợ chồng không đám cưới
khi em thành sương phụ áo màu đen
anh bán đi chồng sách quí nuôi em
cuộc tình hai ta sao cũng buồn quá đỗi…"

Thi sĩ cũng là người hay nghĩ ngợi xa xôi. Tự họa chân dung mình, thơ là những nét phác của một khuôn dáng mà những người đọc thơ soi vào để tưởng ra chính mình.

"Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du
trôi qua tháng trôi qua ngày trôi trên cuộc đời huyễn mộng
Trôi từ chiếc nôi ra đến nấm mồ.
Trên trái đất có rừng già núi non cùng sông biển
Trong người Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc nhà thơ theo khí hậu tứng mùa.
Bạn bè đã chia xa ta khề khà cùng sách vở
Mất bảy năm trời ta hiểu Thích ca
Ôi nụ cười đã từng đêm ta mất ngủ…"

Viết về một thi sĩ như Nguyễn Bắc Sơn không phải trích dẫn vài bài rồi khai triển theo suy nghĩ của mình như trên không phải là phác họa đầy dủ được vóc dáng của một trời biển thi ca. Dù sao, cũng chỉ là những chia sẻ vụn. Có một lúc nào, bình tâm và rảnh rỗi hơn, tôi sẽ đi sâu vào một thế giới mà, ngôn ngữ và vần điệu đã như hai đường tàu để bánh xe lăn về cùng một hướng. Một mà hai, hai mà một, thơ như một tâm cảm muôn thuở ngậm ngùi.

Nguyễn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Tác phẩm đã xuất bản gồm hai tập thơ, một trước 1975 "Chiến tranh Việt Nam và Tôi", và một sau 1975, "Đời như một nhà thơ Đông Phương". Nhưng có rất nhiều bài thơ được in trên các tạp chí văn chương tại Sài Gòn khi miền Nam chưa sup đổ.

Nguyễn Mạnh Trinh

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn