BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73235)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đức : Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương

24 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 2119)
Đức : Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương
53Vote
42Vote
30Vote
211Vote
12Vote
2.618

Tác giả: Uwe Siemon-Netto
Dịch thuật: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền


Mở Đầu

Đức, Đức & Đức


Đức là một thủ lãnh mảnh khảnh của một băng trẻ bụi đời vẫn thường lang thang trên vỉa hè nơi góc đường Tự Do "của tôi" tại Sài Gòn. Chúng tôi gặp nhau vào năm 1965 khi con đường Tự Do, hoặc Catinat cũ, còn mang dấu vết quyến rũ của thời thực dân Pháp với hàng me xanh tươi rậm rạp mà sau này là nạn nhân do khói thải của hàng chục ngàn chiếc xe gắn máy động cơ hai thì, và những chiếc xe hơi cổ lỗ sỉ như chiếc Citroen màu xám đời 1938 "15 mã lực Trắc-xông A-văng" của tôi. Chiếc xe này gần bằng tuổi tôi, đúng một tấn thanh lịch có bánh xe - và luôn luôn khát xăng; nó cho tôi được tối đa 8 dặm một ga-lông xăng. Đó là nếu bình xăng không bị rò rỉ, một điều mà anh thợ máy của tôi vẫn thường giải quyết mau mắn bằng cách dán kín lại với miếng kẹo cao su Wrigley móc từ trong miệng ra.

Như bạn sẽ thấy liền bây giờ, tình bạn giữa tôi với Đức và tình yêu của tôi dành cho chiếc xe được gắn bền chặt với nhau. Sự thật thì chiếc xe cũng không hẳn là của tôi. Tôi đã thuê nó từ Josyane, một cô gái người Pháp khả ái nguyên là chuyển nhượng viên hãng cho thuê xe Hertz. Sau này tôi khám phá ra cô ta đồng thời cũng là điệp viên của một nhóm tình báo Tây Âu, trong đó có BND, một cơ quan Đức tương đương với CIA của Mỹ. Tôi vẫn thường tự hỏi tại sao Josyane hay lén lút lục lọi những bản thảo trên bàn giấy của tôi mỗi lần cùng bạn bè đến dự những buổi "trà dư tửu hậu" tại căn phòng thượng hạng số 214 của khách sạn Continental Palace nơi tôi trú ngụ. Tôi đã mơ mộng phải chăng cô ta mê cái mã Đức trẻ trung thanh mảnh và những ly rượu mạnh Dry Martini của tôi? Josyane không hề lộ ra là cô biết tiếng Đức, thế tại sao cô cứ muốn dán mắt vào những bản viết của tôi? Sau này thì tôi rõ ra. Josyane là một con ma sói, theo lời viên xếp bộ phận Hòa Lan, có thể là một trong những người tình của cô. Nhưng thế thì đã sao? Tôi mê cái xe, và cô ta mê những ly Martinis của tôi mà cô trao cho mọi người với một vẻ đáng yêu tuyệt vời. Josyane có thể đọc những bản thảo của tôi bất kcứ lúc nào, vả lại những mẩu tin này cũng là dành cho công chúng ai cũng có quyền đọc được.

Nhưng tâm trí tôi lại đi lang thang rồi. Chúng ta hãy cùng trở về với Đức. Em là một đứa bé tinh ranh 12 tuổi đầu với một nụ cười tinh nghịch làm tôi nhớ lại bản thân mình khi tôi cùng tuổi hay nhỏ hơn em. Tôi cũng từng là một cậu nhóc trong một thành phố lớn trong thời chiến. Sự thực tôi không bụi đời như Đức, mặc dù những chiếc phóng pháo cơ Lancasters của Anh quốc cùng những pháo đài bay Mỹ ngày đêm thi nhau dội bom Leipzig trong những năm cuối cùng của Thế Chiến Thứ Hai, đã cố hết sức kéo tôi vào con đường đó. Giống như Đức, tôi từng là một thằng bé tinh quái làm xếp sòng những đứa khác trong xóm. Tuy nhiên, Đức có những nét khác tôi. Em là một đứa trẻ bụi đời có tinh thần trách nhiệm rất cao. Đức trông nom bảo vệ một nhóm trẻ mồ côi còn nhỏ hơn em sống trên con đường Tự Do giữa đại lộ Lê Lợi và đường Lê Thánh Tôn và báo cáo lại với một phụ nữ trung niên gọi là "bà Má" đóng đô trên lề đường bên ngoài quán La Pagode lừng danh với những món bánh Pháp và là điểm hẹn nổi tiếng của đám "trẻ nhung lụa" thân cộng vùng Sài Gòn. Bà Má là "trùm sò" mạng lưới phân phối báo chí của phần đất đó trong thủ đô Sài Gòn. Bà ngồi chễm chệ trước cửa quán La Pagode bao quanh là từng chồng báo chí Anh, Pháp, Việt, Tàu; người Việt rất ham đọc báo. Đức và đám trẻ mồ côi cùng các nhóm lâu la khác được bà giao đi phân phối báo trong các khu vực lân cận.

Theo những gì tôi nhận xét được, Đức là đàn em đắc lực nhất của bà Má, là xếp sòng giao báo của góc đông đúc nhất này trong khu vực của em. Giang sơn của Đức là vỉa hè giữa quán Givral, một tiệm ăn nổi tiếng với món mì Tàu và món súp hành Tây chánh hiệu nhất toàn vùng Đông Nam Á, và cổng ra vào thông qua khu buôn bán Eden, hồi đó là nơi đặt trụ sở bộ phận lãnh sự của Tòa Đại Sứ Tây Đức và văn phòng hãng thông tấn AP. Tôi đã tưởng tượng rằng tôi là một trong những khách ưa thích nhất của Đức, bởi vì mỗi ngày tôi mua của em tờ Saigon Daily News , rồi tờ Saigon Post và tờ Journal d'Extrême Orient; thỉnh thoảng tôi còn để em dụ mua một vài tờ báo tiếng Việt, chẳng phải vì tôi có thể đọc nổi nhưng vì tôi bị hấp dẫn bởi những khoảng trống đục bỏ thường xuyên xuất hiện trên những tờ báo đó, trò thủ công của nhân viên kiểm duyệt trong chính phủ.

Trong một buổi chiều muộn khởi đầu của mùa mưa, tôi và Đức trở thành bạn hợp tác kinh doanh. Những đám mây nặng nề trên bầu trời nhiệt đới đang sửa soạn vỡ tung ra. Từng mảng nước đe dọa giáng xuống tôi với sức mạnh của lưỡi dao máy chém và biến con đường lưu thông chính của thành phố Sài Gòn thành một dòng sông chảy siết. Tội vội vã lái ép chiếc trắc-xông vào một khoảng đậu chật hẹp bên ngoài quán Givral, một bài tập thể dục thật cực nhọc vì chiếc xe với động cơ điều khiển bánh trước không có hệ thống lái trợ lực, được quay bởi một động cơ sáu máy bằng gang nặng nề. Kiệt sức, tôi tắt máy xe và vào lúc tôi đang mơ tưởng đến một chai bia Larue trong sân lộ thiên của khách sạn Continental Palace thì Đức chận tôi lại.

Cánh cửa chiếc Trắc-xông cũ kỹ mở ra phía trước, tức là ngược chiều với tất cả những chiếc xe hiện đại. Trong lúc tôi đang cố gắng lách mình ra khỏi xe, Đức đứng trước mặt tôi chỉ vào miếng giấy phép dán nơi kính chắn gió mới được tòa đại sứ cấp sáng hôm đó. Nó có mang màu cờ quốc gia Đức, đen, đỏ và vàng, chứng nhận tôi là "Báo Chí Đức" tức phóng viên người Đức. Điều này nhằm bảo vệ tôi trong trường hợp đụng độ với Việt Cộng chặn đường trong những lần cuối tuần thỉnh thoảng vù đi chơi Cap Saint-Jacques, nay gọi là Vũng Tàu, một khu nghỉ mát ven biển được biết đến như St Tropez của vùng Viễn Đông. Mảnh giấy nhỏ đã thực sự cứu tôi trong những ngày đó. Lần nào đụng vào toán tuần tiễu mặc đồ đen của dân quân Cộng sản, họ đều bắt tôi đóng thuế nhưng vẫn cho tôi đi, sau khi cấp cho tôi một biên lai có đóng dấu hẳn hòi.

"Ông Đức!" Em khoái chí la lên. "Tên tôi là Đức! Cả hai người mình đều là Đức, giống như anh em với nhau!"

Chúng tôi bắt tay nhau. Bây giờ tôi đã có một thằng em tại Sài Gòn. Sau này tôi học được là câu nói đó còn có ý nghĩa sâu hơn. Đó là một cách chơi chữ. Đức tiếng Việt còn có nghĩa là Đạo Đức.

Sau khi thiết lập mối giao hảo, Đức vẫn chưa cho tôi đi. Em nói: "Ô-kê, Ô-kê. Ông Đức ơi, mưa tới bây giờ. Mưa năm bờ ten." Tôi biết tiếng lóng dân Sài Gòn vừa đủ để hiểu là đứa em mới thân này không ám chỉ đây là cơn mưa thứ "mười." Không, "năm bơ ten" có ý nghĩa là tồi tệ nhất, những hầm hố, những cái gì đó phải tuyệt đối tránh xa.

"Ô-kê, Ô-kê," Đức tiếp. "Ông Đức, ông năm bờ oanh (khá nhất). Tôi với ông làm ăn chung, Ô-kê?"

Sau đó thì em phác họa sự hợp tác giữa chúng tôi: Tôi cho phép em và đám trẻ mồ côi được ẩn náu trong chiếc Trắc-xông. Nó sẽ thành chỗ ngủ của bọn họ, và chúng hứa sẽ giữ gìn thật sạch sẽ. Nếu tôi có muốn để lại trong xe thứ gì quý giá trong xe, chúng sẽ giữ an toàn tuyệt đối dùm. Vả lại khóa xe không còn dùng được nữa, điều này Đức đã chúng minh rõ ràng rồi.

"Ô-kê, Ô-kê, ông Đức?" Đức bồn chồn khẩn khoản.

Tôi gật đầu. Đức liền huýt gió và tức thì có tám đứa bé chạy túa ra từ những cánh cửa chung quanh và chen chúc chui vào chiếc Trắc-xông của tôi. Ba đứa cuộn vào băng sau, hai đứa khác thì nhẩy vào hai cái ghế phụ nơi chỗ để chân, mỗi đứa một bên, một bé gái chiếm ngay cái ghế trước bên phải, một đứa nữa thì chui vào khoảng trống phía dưới, còn anh chàng Đức thì đương nhiên ngồi chễm chệ vào đàng sau tay lái.

"Chúc ông Đức ngủ ngon, ông là năm bờ oan!" Đức nói, vừa đóng xầm cửa xe lại và vặn kính lên. Ngay lúc đó, cơn mưa đổ ụp xuống tôi và chiếc xe. Những đứa trẻ đã an toàn rồi. Tôi thì ướt đẫm thấu xương chỉ trong vòng vài giây đồng hồ. Tôi vội vã chạy về khách sạn Continental, mình cần phải có một cái gì đó khá hơn là một chai bia Larue rồi. Đầu tiên tôi chui vào phòng tắm, rồi sau đó nhấm nháp một ly uýt-ky trong sân mái hiên. Khi màn đêm buông xuống tôi ngóng qua đường Tự Do về phía chiếc xe Trắc-xông kềnh càng với những cửa kính mờ hơi nước bên ngoài tiệm Givral. Điều làm tôi hài lòng là những đứa trẻ đã được khô ráo và ấm áp. Trong tất cả những năm tháng sống tại Việt Nam, hiếm khi nào tôi cảm thấy hạnh phúc như trong buổi chiều hôm đó, một cảm giác không thường thấy trong cuộc đời của một phóng viên.

Tôi xin được dành cuốn sách này cho Đức bởi vì trong thâm tâm tôi, em đã tượng trưng cho những đặc tính tạo ra những tình cảm và lòng ngưỡng mộ của tôi đối với người dân miền Nam Việt Nam, và sự cảm thông với họ sau khi bị bỏ rơi bởi những người đáng lẽ phải bảo vệ họ, lại còn đôi lúc bị phản bội bởi một số đồng nghiệp của tôi, mặc dầu không phải là tất cả. Giống như Đức, họ rất năng động và giỏi chịu đựng; họ không than vãn mà tự vươn lên được và chăm sóc cho nhau. Khi bị thất bại, họ lại trỗi dậy nữa và thực hiện nhiều điều đáng kinh ngạc. Tôi rất ngạc nhiên trước những thành tựu của hàng trăm ngàn người Việt đang sống và làm việc gần nơi tôi cư ngụ tại miền Nam California. Tôi hết sức khâm phục những cựu thuyền nhân và những người sống sót qua những trại tù cải tạo cộng sản, các cựu chiến binh đã âm thầm đau khổ vì chứng rối loạn tâm thần sau chấn thương và các bệnh tật nghiêm trọng khác gây ra bởi tra tấn và bị đánh vào đầu trong thời kỳ chiến tranh.

Tôi mong mỏi tuổi thơ và thời trưởng thành của Đức cuối cùng sẽ là một câu chuyện thành công, nhưng tôi không được rõ. Vài năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi mất liên lạc với nhau. Có khi nào em đã gia nhập quân đội miền Nam Việt Nam và có thể đã tử trận trong cuộc chiến? Hay là em đã theo Việt Cộng và mất mạng trong khi làm công tác cho họ? Em có trong số hàng ngàn thường dân bị Việt Cộng thảm sát trong đợt tấn công Tết Mậu Thân 1968 hay không? Hay đứa trẻ tinh quái này đã xoay sở trốn khỏi quê hương được sau chiến thắng của cộng sản năm 1975? Có thể em còn sống trong lúc tôi viết những dòng chữ này và đang là một doanh nhân 58 tuổi thành đạt tại thị xã Westminster, California, hoặc một chuyên viên thành công đang sống ngay đầu ngõ nhà tôi? Có lẽ em đang đọc cuốn sách này?

Tôi nghĩ về Đức khi một cặp vợ chồng bạn Việt Nam tuyệt vời đã mời tôi phát biểu trong một buổi hội nghị của những cựu sĩ quan Quân y Quân đội miền Nam Việt Nam. Lâu nay họ vẫn thúc giục tôi viết lại những hồi tưởng của tôi thời chiến tranh. "Ông phải làm điều đó cho chúng tôi," họ nói. "Cho những thế hệ con cháu của chúng tôi. Chúng muốn biết những gì đã xảy ra. Ông có sự uy tín đặc biệt vì là người Đức và không liên quan với phía nào trong cuộc chiến." Sau đó, sau khi nghe tôi kể lại những giai thoại, chẳng hạn như câu chuyện gặp gỡ của tôi với Đức, một số các vị bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ đã nghỉ hưu trong số khán giả cũng thốt lên điều tương tự, và phân tán bài nói chuyện của tôi trên mạng Internet.

Tôi không mong viết lại lịch sử của cuộc chiến Việt Nam hoặc thậm chí tổngkết toàn bộ thời gian sau gần năm năm sống tại Đông Dương, trước hết với tư cách là phóng viên cho tập thể Axel Group của báo chí Đức và sau đó là biên tập viên không thường trực của Stern, một tạp chí nổi tiếng có trụ sở tại Hambourg. Tôi xin các độc giả đừng trông đợi tôi đứng về phe nào trong những xung đột nội bộ của những thành phần trong miền Nam Việt Nam, phần nào vẫn còn tồn tại trong những cộng đồng khổng lồ của các lưu dân Việt Nam. Khi tôi nhắc đến cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ chẳng hạn, điều này không có nghĩa là tôi ủng hộ ông ta hơn là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, hoặc ngược lại. Tôi chỉ có ở đây để kể chuyện, trong đó bao gồm cả một số về ông Kỳ và một số khác về ông Thiệu, mà không có nhu cầu phê phán ai cả. Định mệnh họ không đáng để người khác ham muốn, nhưng họ đều đáng được tôi trân trọng vì đã dám nhận lãnh những trách nhiệm nặng nề.

Nhưng có một điều mà tôi muốn xác định rõ ràng là tôi không hoan nghênh chiến thắng của người cộng sản năm 1975. Tôi không tin là họ xứng đáng để chiến thắng. Tôi đã từng là nhân chứng những hành động tàn bạo ghê tởm mà họ đã thực hiện như là một chính sách chung, là chứng nhân cho những vụ giết người hàng loạt và thảm sát của cộng sản mà bên cạnh đó, những vụ vi phạm qui luật chiến tranh của phe Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam - rõ ràng không phải là một vấn đề chủ trương hay chiến lược - thật mờ nhạt khi so sánh với nhau. Tôi biết là các phương tiện thông tin đại chúng Hoa Kỳ và quốc tế, các trường đại học đã bất công, tùy tiện và ngạo mạn khi nói xấu người miền Nam Việt Nam, và họ vẫn còn đang làm như vậy. Tôi giận đến cứng người khi nghe Bill O'Reilly, chắc chắn không phải là một người tự nhận là phe cấp tiến, đã nhắc đến cấp lãnh đạo của Sài Gòn trên đài truyền hình Fox như là "những chú hề tham nhũng." Tôi đã ghê tởm về cách đối xử của những đồng hương của tôi đối với các cựu chiến binh Mỹ khi họ trở về ,và bàng hoàng trước sự kiện là những sự đau khổ liên tục của các cựu quân nhân miền Nam Việt Nam đã không được các báo chí Mỹ đánh giá một cách xứng đáng.

Tôi biết ơn một số người: Đức, người em vắng mặt, gia đình người Việt của tôi tại Quận Cam là Quý và Quỳnh Châu, được biết đến là Jo, cùng bà chị ruột tên Trân với người chồng là Tôn Thất Di, và vô số bạn Việt Nam, Mỹ, Pháp, Anh và Đức tôi đã gặp tại Việt Nam. Tôi cũng muốn cảm ơn các cựu chiến binh Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà tôi đã phục vụ họ trong cương vị một giáo sĩ tập sự tại Trung Tâm Y Tế VA ở Saint Cloud, Minnesota, và những bác sĩ tâm lý, những mục sư mà tôi đã cùng làm việc mục sự chung để giúp đỡ phần hồn cho các cựu chiến binh đó. Ngoài ra còn có người bạn biên tập viên Peggy Strong và, đầu tiên và quan trọng nhất, Gillian, người vợ 50 năm của tôi đã luôn sát cánh bên tôi và đã từng chịu đựng những khoảng thời gian dài chia lìa vì công vụ của tôi tại một xứ sở huyền diệu bị chiến tranh tàn phá mà tôi rất yêu thương.

Uwe Siemon-Netto
Laguna Woods, California, tháng 10 năm 2012

Chương 1


Như biển cả, như bầu trời.




Chỗ tôi ở trong hầu hết thời gian tại Việt Nam từ đầu năm 1965 cho đến cuối năm 1969, và sau đó một lần nữa vào năm 1972 là căn suite số 214 của khách sạn Continental Palace. Nơi đó thật tiện nghi dễ chịu, chẳng hạn như cung cách hai anh hầu trên tầng thứ hai đối với những đòi hỏi bất chợt của tôi. Họ biết tôi thích dùng quạt trần hơn là cái máy điều hòa không khí đã hư rồi, tuy có thể đuổi muỗi mòng không cho vào phòng nhưng lại làm tôi ngủ không được suốt đêm vì tiếng ồn lọc cọc, và lại còn không điều chỉnh được nhiệt độ nữa. Với ý tưởng đó trong đầu, hai anh chàng đầy tớ dễ mến đã bắt thằn lằn ngoài hành lang bỏ vào phòng tôi cho chúng ăn hết các loại côn trùng gây bệnh sốt rét.

Tôi không thể nghĩ ra một nơi nào thích hợp cho một phóng viên ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn hơn là căn phòng số 214 đó. Các cửa sổ dọc căn phòng trông ra hướng Tây Nam. Bên dưới là con đường Tự Do, trước đây là đường Catinat , trải dài từ Nhà Thờ Đức Bà xuống bến cảng sông Sài Gòn, lúc nào cũng ồn ào hòa âm hỗn loạn của tiếng xe gắn máy, xe tắc-xi Renault 4 mã lực màu xanh trắng, tiếng chuông xe đạp, xe du lịch sang trọng và xe vận tải nhà binh . Giữa hai cánh cửa sổ đó là cái bàn giấy của tôi. Về chiều thì nó biến thành cái quầy rượu, chỗ tôi pha những ly rượu mạnh Dry Martini cho những người khách như anh bạn Peter Heller, phát ngôn viên của chính phủ Hoa Kỳ, sau khi anh ta "sống sót" ra khỏi các cuộc họp báo gọi là "Những câu chuyện điên rồ lúc 5 giờ" thường làm anh kiệt sức. Anh ta xứng đáng được thưởng cho một ly rượu mạnh sau khi kể lại tôi nghe những bản tóm tắt dí dỏm các cuộc họp báo đó mà anh phải điều khiển mỗi ngày trong một văn phòng gần đó, gần một bức tượng mà giới báo chí chúng tôi mệnh danh là "Tượng đài thô tục" vì nó diễn tả hai người lính đang xung phong với cái tư thế không đẹp chút nào.

Tôi ít khi muốn mất thời giờ vào cái nghi thức này vì nó thường bị khống chế bởi những anh chàng "nổ" như Joe, một tay biên tập viên của một tờ lá cải lớn của Mỹ lúc nào cũng hung hăng và hay bắt bẻ. Hắn ta hiếm khi nào dám vào vào những vùng nội địa, nơi mà sự nguy hiểm của chiến tranh sẽ đi ngược lại quan niệm về lối sống an toàn của hắn. Theo Richard Pyle của hãng thông tấn AP, 75% "đoàn quân" báo chí ngoại quốc đã tường thuật cuộc chiến bằng cách ở ngay trong thành phố Sài Gòn, giống như anh chàng Joe vậy. Tôi thấy họ là những tay chỉ trích đường lối tiến hành cuộc xung đột một cách cố chấp nhất, [1] trong khi đó thì những phóng viên chiến trường thật sự chạm mặt với thương tật và tính mạng còn đang mải lo bảo toàn mạng sống để mang thông tin ra ngoài, còn thời giờ đâu mà tranh cãi nữa.

Những cánh cửa sổ lớn theo kiểu Pháp phòng tôi nhìn ra hướng Đông Nam, nhìn ra ngã tư giữa đường Tự Do và đại lộ Lê Lợi, một khu vực bận rộn nhất của thành phố. Công trường Lam Sơn, mà trước kia gọi là Nhà Hát Lớn nằm ở phía dưới. Đây là một tòa kiến trúc thời thực dân Pháp theo mẫu mực "Tòa Cung Điện Nhỏ" tại Paris, nằm bên trái của công trường. Trong thời kỳ tiền cộng sản, đó là chỗ họp của Quốc Hội nhưng nay đã trở thành Nhà Hát Thành Phố. Bên kia công trường Lam Sơn tôi thấy có khách sạn Caravelle mà sở hữu chủ là giáo phận Công giáo địa phận Sài Gòn. Tôi cảm thấy chỗ này khá khô khan, mặc dù có một số người khác thì ca tụng đó là một nơi ẩn núp an toàn bởi người lạ và các phụ nữ "kém đức hạnh" bị cấm không được vào. Khách sạn Caravelle là chốn ưa thích của hạng người mà Pyle mệnh danh là "các nhà bình luận tiếng tăm và tiên lượng gia chính trị." Khi họ xuất hiện tại Sài Gòn để ở tạm, họ tìm thấy sự thoải mái trong không khí trong lành của quán ăn và quầy rượu của khách sạn Caravelle, nơi mà họ bàn cãi về hiện trạng của cuộc chiến với những nguồn tin đáng tin cậy và đặc biệt là trao đổi lẫn với nhau. Sân thượng của khách sạn cho một tầm nhìn rộng rãi qua lãnh thổ của "đối phương," là những vùng đầm lầy ngập mặn trên bờ xa của sông Sài Gòn. Khi chiến tranh lan rộng, cái sân thượng này đã trở thành vị trí hàng đầu để quan sát cái mà chúng tôi gọi là "Âm thanh và Ánh sáng," theo cách gọi những cuộc trình diễn ngoài trời ban đêm tại những di tích lịch sử của nước Pháp. Sài Gòn "Thanh Sắc" là những cảnh tượng chết người trình diễn bởi những con rồng huyền thoại "Puff." Đây là những chiến đấu cơ AC-47 Spooky của Không lực Hoa Kỳ. Với hàng loạt đạn bắn ra mãnh liệt, giống như tiếng đánh "rắm" khủng khiếp cùng với các tiếng động khác bùng nổ ra, những chiếc máy bay này có thể tưới lửa các vị trí của cộng quân với nhịp độ 100 viên đạn một giây.

Mặc dù an toàn, tôi không màng đến cái sân thượng đó mấy vì nó gây ấn tượng xấu đối với tôi như một địa điểm vô hồn trong một vùng đầy màu sắc. Giống như các phóng viên Âu Châu và những người chiến binh siêng năng với tật uống rượu như hũ chìm, dũng cảm nhưng không được vinh danh trong số những đồng nghiệp người Mỹ của tôi, tôi thích không khí gay gắt của quán mái hiên của khách sạn Continental hơn. Khung cảnh nơi này thanh lịch ngang hàng với những sân ngoài trời của những khách sạn Carlton tại Cannes, Shepheard ở Cairo hay Raffles tại Singapore. Nơi đây có thể tìm thấy trọn vẹn "toàn giới Sài Gòn" với những tướng tá, viên chức cao cấp dân sự và các nhà ngoại giao; các thành viên của giới thượng lưu Sài Gòn cùng nhóm trẻ hơn khao khát địa vị đó; những tàn dư của cộng đồng Pháp cũ, các lãnh chúa thuốc phiện người đảo Corse, các nữ nhiếp ảnh gia tự do dâm đãng nhưng liều lĩnh bụng ghim đầy miểng lựu đạn , hệ quả tất nhiên của thói quen cứ xông lên phía trước những toán tiền sát để săn những tấm ảnh giật gân nhất; những tay nhà thầu béo phị đi chung với những tên lại cái ăn mặc lập dị, những phần tử bất hảo trong nghề mại dâm, các chuyên gia, gián điệp, những nhà mạo hiểm, những tên lười biếng bất lương đủ mọi loại, những tay bác sĩ và y tá thuộc bệnh viện địa phương Seven Day Adventists, vì tôn giáo cấm uống rượu nên chỉ nhâm nhi những ly chanh vắt; và không nghi ngờ gì là có lẫn một số cán bộ cộng sản nằm vùng mà sự hiện diện đã tránh cho chúng tôi không bị khủng bố Việt Cộng đặt mìn nổ tung.

Nơi đây đã từng là quán "mái hiên" của Graham Greene. Có lẽ nó không khác biệt gì mấy so với thập niên 1950s, thời mà ông đã ở đó trong lúc tường thuật cuộc chiến Đông Dương Pháp, ngoại trừ trước kia phong cách có thể kiểu cách hơn. Quán vỉa hè Continental rất đặc trưng cho cuộc xung đột Đông Dương trong cuốn sách của ông với tựa đề Người Mỹ Thầm Lặng. [2] Cuốn sách này là cuốn gối đầu giường của tất cả các biên tập viên đúng đắn, cùng với cuốn Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân, [3] một tập cẩm nang chiến tranh du kích viết bởi tướng Bắc Việt Võ Nguyên Giáp, và kiệt tác của Bernard B. Fall, cuốn Hai Đất Nước Việt Nam[4] một bản phân tích chính trị và quân sự về bản chất và nguồn gốc cuộc chiến "ủy nhiệm" nóng bỏng của Chiến Tranh Lạnh toàn cầu. Sau này tôi mới chiêm nghiệm ra sự thất bại khó hiểu của các nhà phân tích về thảm kịch Việt Nam để rút ra những kết luận cụ thể từ công trình của Giáp và Fall.

Đọc Graham Greene, tôi không thể không sặc cười đoạn ông viết về người phụ nữ Việt Nam trong cuốn Người Mỹ Thầm Lặng:

"Mang người phụ nữ An Nam lên giường giống như mang một con chim vậy: họ líu lo và hót trên gối của bạn."

Tôi tưởng tượng căn suite 214 của tôi đã từng là căn phòng của Greene; có thể tại đây, trên chiếc giường bây giờ là của tôi, ông đã đưa ra nhận xét đầy tính thuyết phục này. Mặc dù vậy, cảm giác riêng của tôi đối với những sinh vật tuyệt diệu này được tạo hình thông qua nhãn quan nhiều hơn là thính giác. Mỗi buổi sáng, tôi điểm tâm bằng bánh sừng bò, xoài, đu đủ, măng cụt và cà phê đen trong một chiếc ghế bành da thời thuộc địa đặt trước một trong những cửa sổ đàng trước, và rất sung sướng trước cảnh tượng kỳ diệu nhất mà một người say mê vẻ đẹp phụ nữ có thể mơ đến được. Ngay sau 6 giờ sáng khi hết giờ giới nghiêm, từng đoàn người dáng dấp đẹp đẽ đổ dồn xuống các đường phố trung tâm Sài Gòn: hàng chục ngàn người đàn ông lẫn đàn bà đi bộ, đi xe đạp, lái xe gắn máy, hoặc ngồi trên những chiếc xe gọi là xích-lô đạp, và cả xe hơi nữa. Trong những phần đất còn lại của thế giới, cảnh tượng con người lưu thông trên đường đi đến sở làm hay trường học chẳng thú vị chút nào.Tuy nhiên, lạy Chúa Tôi, ở đây phụ nữ quá sức yêu kiều làm tôi không bao giờ biết chán! Xin các bạn nam giới người Việt tha thứ cho tôi cái tội chỉ muốn ngắm giới phụ nữ đầy khiêu khích trong bộ trang phục quốc gia gọi là Áo Dài, một kiểu áo khêu gợi không hề có trong bất cứ văn hóa nào; đúng như câu nói "chiếc áo dài bao phủ tất cả mọi thứ nhưng không che dấu một cái gì cả."

Chiếc áo dài có lẽ là một trong những ví dụ hay nhất của một sự pha trộn Đông-Tây hoàn toàn thành công về nét thẩm mỹ và sự cảm thụ. Áo dài có nguồn gốc từ văn hóa Việt Nam, nhưng dưới ảnh hưởng của thời trang Paris, đã được thiết kế lại trong thập niên 1920 và 1930 bởi các nghệ sĩ của trường đại học Hà Nội. Sau đó các nhà may mặc của Sài Gòn thập niên 1950 còn sáng chế ra, tạo thêm phần quyến rũ nữa. Chiếc áo dài gồm một giải lụa bó sát phần ngực chặt hơn là chiếc áo sường xám của Trung Hoa, và tách ra vùng trên thắt lưng thành hai cánh tà dài, một ở phía trước và một ở phía sau.

Bên dưới, người phụ nữ Việt mặc một chiếc quần dài nhưng để lộ ra một vài phân phần da thịt ở hai bên phía trên chỗ cắt của chiếc áo. Nếu là chiếc quần màu trắng và mỏng, như trong đa số các trường hợp, người mộ điệu chăm chú ngắm kỹ có thể nhận ra ẩn hiện chiếc quần lót bên trong. Sự kết hợp của bộ chân phụ nữ được chiếc quần dài bao phủ và được xỏ vào đôi giày cao gót đưa đẩy tà áo lụa về phía trước khiến cho bước chân trở nên duyên dáng vô cùng. Không một nhà làm phim "đồi trụy" của thế kỷ 21 có thể có nổi óc tưởng tượng và ham muốn đủ để tạo ra một cảm xúc như vậy được. Thêm vào đó nữa là mái tóc đen dày trên đôi mắt lá răm là bạn đã say đắm với cả một quốc gia rồi. Hoặc ít nhất đó là trường hợp của tôi.

Đó là những gì tôi nhớ lại khi bác sĩ nhãn khoa Anna Phuong Nguyen ở Costa Messa, California, với ánh mắt tinh nghịch, yêu cầu tôi khai ra những cảm xúc lãng mạn trong cuộc sống tại Sài Gòn, thành phố quê hương của cô.
"Vậy thì, hi hi, ông có bỏ lại cuộc tình lớn nào tại Sài Gòn hay không?" Cô ta hỏi tôi.

"Có cả trăm ngàn người," tôi đánh trống lảng, "Tôi yêu tất cả những người đẹp tôi ngắm từ của sổ phòng tôi tại khách sạn Continental."

Rắn mắt thật! Bộ cô ta muốn biến cái cửa hàng tại Quận Cam này thành một nơi tôi xưng tội hay sao? Trung tâm mua sắm ở Costa Mesa chứ nào phải là nhà thờ? Tuy nhiên tôi lại mến cái tính tò mò bộc trực của Anna, giống như lần tôi rất thú vị cái lối dò xét trắng trợn của một chục phụ nữ người Việt trong một tiệm làm móng tay tại Irvine.

"Ông muốn uống cái gì?" Cô tiếp viên hỏi tôi sau khi đưa tôi vào ghế ngồi.

Tìm được trong đầu một chút tàn dư của vốn ngữ vựng Việt văn nhỏ bé của tôi , tôi bật nói: nước!

"Ông này nói tiếng Việt!" Cô gái đang tẩm ướt cái tay trái của tôi hét lên.

"Ông ta nói được tiếng Việt!" Một cô gái xinh xắn khác đang ngồi trên cái ghế đẩu phía bên chân trái tôi và sửa soạn ngâm nó vào cái bồn nước ấm phụ họa theo.

"Ông nói tiếng Việt! Ông đã sang Việt Nam đánh trận? Ông có con rơi ở Sài Gòn, đúng không?" Một cô đồng nghiệp khác đang làm móng chân cho một cô khách tóc vàng với vẻ rầu rĩ ở ghế bên mặt mừng rỡ nói chen vào.

"Mọi người lắng nghe đây! Ông này có con ở Việt Nam. Ông có con gái, đúng không? Chắc chắn rồi, ông có con gái. Con gái ông tóc vàng giống Mỹ còn mắt như Việt Nam, đúng chứ?"

"Tôi không phải là người Mỹ, tôi là người Đức," Tôi sửa cô ta. Đúng lúc này, ngay cả cái cái cô khách tóc vàng đang ủ rũ cũng phải chú ý bật cười to lên. Và cả cái bà Ấn độ trên cái ghế bên trái tôi cũng vậy, bà cười rú lên. Chẳng bao lâu sau, nửa tá các cô thợ móng tay, móng chân, và cả người phụ bán hàng nữa rúc rích vây quanh tôi.

"Ô-kê, Ô-kê," cô gái đang hỏi cung tiếp tục, "Ông người Đức, cao này, có tóc vàng này. Ông có đứa con gái tóc vàng với cặp mắt Việt Nam, Ô-kê?"

Một thoáng Im lặng.

"Nó đây này," cô ta kêu lên, chỉ tay vào một cô khác có vẻ là con lai. "Kelly. Nó đây này. Mọi người nghe đây! Chúng ta đã tìm ra bố của Kelly. Ông ta là Đức."

Đến lúc này, chúng tôi đã đạt đến mốc thời điểm mà sự vui mừng náo loạn trong cái tiệm làm móng tay ở Irvine đã dẹp đi hết những điều hợp lý liên quan đến tuổi tác và thời gian. Khỏi cần biết là Kelly sinh vào cuối năm 1973, một năm sau khi tôi rời bỏ cái thành phố đó lần cuối cùng. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, tôi đã có được một cô con gái, cộng thêm một đại gia đình các cô gái vui vẻ. Cái cô đã khám phá ra "mối phụ hệ" với tôi còn ôm chặt lấy tôi lúc tôi ra về.

Vở kịch ngắn đó tại Irvine làm tôi nhớ lại những đức tính trái ngược nhưng lại làm tôi rất thích ở người phụ nữ Việt Nam một nửa thế kỷ về trước. Một mặt thì họ có vẻ dịu dàng, mảnh mai, thật đúng với tiếng hót ngọt ngào líu lo bên gối người đàn ông mà Graham Greene đã mô tả. Mặt khác thì họ có thể tầm thường và thẳng thừng, thậm chí vô cảm đầy ác ý, ngay cả trong vấn đề chăn gối, như bất kỳ phụ nữ nào đầy tự tin người Đức mà tôi đã từng gặp. Là người Đức, tôi cảm thấy sự kết hợp này cực kỳ hấp dẫn, nhất là khi so sánh với cái bề ngoài cứng rắn của quan niệm nữ quyền chỉ biết đến mình mà tôi thấy có đà gia tăng trong thế hệ "trẻ em bùng nổ" tại Hoa Kỳ trong những thập niên 1960. Tôi luôn luôn coi đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Người đàn bà Việt Nam không tỏ ra là mạnh mẽ. Họ thực sự rất mạnh. Đó là sự khác biệt.

Tôi không phủ nhận là đôi khi đặc tính nàycó thể vượt quá giới hạn cho phép. Tôi nghi là lòng ác cảm của một số ký giả Mỹ đặc trách theo dõi chính quyền Sài Gòn và trú ngụ trong khách sạn Caravelle đã bắt nguồn phần nào từ sự ngộ nhận của những người mà họ gọi là những "con rồng cái" trong phủ Tổng thống. Ác liệt nhất trong số này là bà Trần Lệ Xuân đã quá cố, được biết đến như bà Nhu, mà cái miệng ong óng có vẻ như không phù hợp với sắc đẹp gợi cảm, nhất là nếu xét theo tiêu chuẩn của một nền văn hóa khắt khe . Bà thường tuôn ra những lời độc địa ghê tởm được gọi là sửa sai về chính trị.

Là em dâu của Tổng thống Ngô Đình Diệm, một người độc thân, bà đương nhiên trở thành đệ nhất phu nhân bởi vì chồng là Ngô Đình Nhu, người em đầy quyền lực của Tổng thống Diệm với chức vụ cố vấn trưởng về chính trị. Cả hai người đều theo đạo Công giáo và đã bị giết chết trong một cuộc đảo chánh vào tháng 11 năm 1963, sau hàng loạt vụ biểu tình bởi Phật giáo chống lại cái gọi là kỳ thị tôn giáo. Cơn khủng hoảng này đã lên cực độ với vụ tự thiêu cúng dường của nhà sư Thích Quảng Đức, một Thượng tọa Phật giáo tại ngay trong trung tâm thành phố Sài Gòn. Bà Nhu đã bình luận biến cố này với một thái độ rõ ràng là thiếu hòa nhã. Người nào phải có tính khí châm biếm và chua chát lắm mới chịu nổi những lời phân trần của bà bằng tiếng Anh với âm sắc tiếng Pháp trong một buổi truyền hình. Bà vừa phe phảy quạt một cách quý phái bên dưới cái cằm không chút tì vết, vừa nói:

"Những người (ngừng lại với một vẻ hùng biện) lãnh đạo Phật Giáo đã làm gì...? Họ đã 'nướng sống' chính một nhà sư của họ, sau khi đã thuốc ông ta - và đã lợi dụng niềm tin của người ta. Đó không phải là 'nướng sống' thì là cái gì?"

Bà ta còn châm vào sự xúc phạm bằng cách nói thêm:
"Lại còn không xài các phương tiện tự túc nữa vì đã sử dụng xăng nhập cảng."

Thật là vô cảm, hãi hùng, và không “đẹp mặt”chút nào. Tuy nhiên, khi cặp môi đẹp đẽ "đáng chú ý" của bà thốt lên những điều tàn nhẫn "đáng chú ý" đó, bà vẫn tỏ ra yêu kiều một cách "đáng chú ý." Phải công nhận rằng: Với bà Nhu, chúng ta biết bà đang đứng ở vị trí nào.

Nói xong điều đó, tôi phải kể thêm một nhận xét riêng trong "bài thơ" ca ngợi người đàn bà Việt Nam của tôi. Thẳng thắn ra, tôi tự nghĩ không nên nói dối Anna với một lý do chung chung nào đó. Không phải vì tôi đang thú nhận điều gì đâu, nhưng là vì chuyện Josephine.

Một buổi sáng thứ bẩy tôi lấy chiếc xe Citroen Traction 15 mã-lực để đi chơi biển trong một ngày với một anh bạn mà tôi sẽ gọi là Fabian Fuchs cho mục đích của câu chuyện này. Fabian đại diện cho một tổ chức phi-chính-phủ Tây Đức đang giúp đỡ chính phủ Sài Gòn trong những vấn đề xã hội. Anh ta vừa kiếm được một cô bạn gái mới rất xinh đẹp gọi là Monique mà cha là một người Pháp kết hôn với một người Công giáo di cư từ Hà Nội. Cô ta mang theo một người bạn khác, cũng lai như cô, hay gọi là "nửa giống" cũng vậy. Cô này là một người phụ nữ lộng lẫy nhất mà tôi từng gặp tại Sài Gòn: Cao ráo với đôi môi như bà Nhu, mắt ướt và mái tóc đen dày dài xuống quá hông. Và tên cô là Josephine.

Tôi cũng mời cả Đức, người trông nom cái xe và thủ lãnh của băng trẻ bụi đời trên đường Tự Do đi theo chơi cho vui. Tôi còn đề nghị trả lại cho bà Má, bà chủ của Đức, số tiền lỗ vì Đức đi chơi với tôi. Nhưng bà ta xua tay: "Không, không, nó cần nghỉ ngơi một chút! Đi đi, Đức, đi chơi cho vui con!" Tuy nhiên thằng bé từ chối: "Mấy đứa kia không đi, con không đi. Đi về an toàn nhe, tụi con cần cái xe tối nay." Chiếc Traction, nói cho cùng, chính là cái "phòng ngủ" của bọn nhỏ. Đúng là Đức của tôi, một đứa bé tinh quái nhưng đầy tinh thần trách nhiệm.

Chúng tôi lái về hướng Đông Nam dọc theo quốc lộ 5 đến Biển Đông. Chiếc xe của tôi chắc đã thực hiện cái chuyến 80 dặm dài này không biết bao nhiêu lần rồi: Từ thời trước Thế Chiến Thứ Hai, trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam, thời gian trước khi Pháp bị thất trận tại Điện Biên Phủ, và sau khi Việt Nam bị chia đôi năm 1954. Chúng tôi lái lượn qua giữa những chiếc xe vận tải, xe jeep, xe bọc sắt và xe kéo trọng pháo. Chúng tôi lái qua mặt những chiếc chở hành khách phun đầy khói đen, những chiếc xe gắn máy chở cả gia đình năm người, xe Lam ba bánh chứa cả hai chục người nông dân trong đó, những chiếc xe du lịch sang trọng gắn máy lạnh của giới thượng lưu Sài Gòn và cả các kiều dân Âu và Á Châu, tất cả đều dán những tấm giấy thông hành từ tòa Đại sứ của họ trên kính chắn gió như: Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada, Úc, Nhật. Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Do Thái. Vào thời kỳ đó của cuộc chiến, không ai nghĩ là du kích cộng sản sẽ chận đường trong ngày thứ bẩy thành thử những người ngoại quốc thường lánh cái oi bức của thủ đô để tìm chút không khí trong lành của vùng "Riviera" Đông Dương.

Dù vậy, chúng tôi phải trở về Sài Gòn trước ban đêm vì khi màn đêm buông xuống, con đường quốc lộ 5 sẽ thuộc quyền kiểm soát của cộng sản. Khi trời vừa trở nóng vào lúc gần trưa, chiếc Trắc-xông bị chết máy nằm ụ, may mắn thay chỉ cách một trạm xăng khoảng 500 mét. Monique, Fabian và tôi ra khỏi xe; Josephine, mà chồng cũ đã từng dạy cô lái xe, thì ngồi cầm lái. Chúng tôi vất vả đẩy cái "tấn thép" từng thước một vào cái ga-ra. Một tay thợ máy nói được tiếng Pháp trong đó ra tiếp.

"Hết xăng rồi," anh ta nói (bằng tiếng Pháp), "tội nghiệp cái xế này."

Anh ta chui xuống dưới gầm xe, tìm ra chỗ nứt của cái ống dẫn xăng từ bình vào máy xe và chỉ cho tôi cách chữa: chỉ việc dán một miếng kẹo cao su ẩm ướt là sẽ giữ được xăng. Sau đó tôi có dạy lại cho anh thợ máy của tôi ở Sài Gòn cái trò luôn luôn hiệu nghiệm này. Từ đó, cái lỗ trong cái ống nối đó không bao giờ được hàn lại một cách đàng hoàng.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trong nắng trưa và ướt đẫm mồ hôi khi đến được Cấp St. Jacques. Do đó chúng tôi lái thẳng đến bãi biển đầy cát trắng Vịnh Hàng Dừa, còn gọi là Bãi Trước theo tiếng Việt, và tung mình vào những làn sóng của biển Nam Hải . Khi chúng tôi bơi khá xa ra khỏi bờ và không có ai bên cạnh, Josephine bắt đầu bơi chung quanh tôi, càng lúc càng gần hơn nữa. Nàng bám lấy tay tôi nói: "Mình cùng nhảy nhé anh." Chúng tôi ôm nhau nhảy trên biển, tiếng nhạc trong đầu, và mái tóc dài của nàng nổi trên sóng thành một tấm thảm đen bao quanh lấy chúng tôi.

"Em yêu anh như biển cả, như bầu trời." Nàng nói bằng tiếng Pháp.

Chúng tôi nhảy với nhau một chốc rồi quay trở lại bãi biển. Sau đó chúng tôi về lại Sài Gòn trước khi màn đêm nhiệt đới đổ xuống.
________________________________________________________________________

[1]Richard Pyle and Horst Faas, Lost over Laos (Cambridge, MA: Da Capo Press, 2003), 86.
[2]Greene, Graham. The Quiet American. London: Heinemann, 1955.
[3]Giap, Vo Nguyen. People’s War, People’s Army. Hanoi: Foreign Languages Publishing House, 1961.
[4]Fall, Bernard B. The Two Viet-Nams. London: Paul Mall Press, 1955

Hồi tưởng 1


Khi người chiến binh rơi lệ


"Chúng ta đã quá quen thuộc là những người chết đều là đàn ông cho nên cảnh tượng xác chết của một người phụ nữ thật là khủng khiếp." (Ernest Hemingway).

Người chiến sĩ không khóc lóc một cách dễ dàng, nhất là khi trong lúc chiến đấu. Vậy mà khi tôi đã chứng kiến chuyện này vào đầu tháng 2 năm 1968 khi tháp tùng một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từ phi trường Phú Bài tiến dần vào Huế, lúc đó còn đang nằm trong tay Cộng quân. Khi chúng tôi tiến vào ngoại ô của cái thành phố đã từng một thời là kinh đô của Đế chế Việt Nam, xác chết đầy ngập trên đường và những người lính TQLC phải khiêng họ qua một bên dưới lằn đạn bắn tỉa của kẻ địch để mở đường cho đoàn quân đang tiến lên.

Một số xác chết là những ông già với bộ râu trắng mỏng nhưng hầu hết đều là phụ nữ và trẻ em ăn mặc đồ đẹp trong dịp lễ Tết. Qua những vết thương và tư thế nằm của họ, chúng ta có thể nhìn ra là họ bị giết không phải vì mảnh bom hay đạn lạc vô tình. Không, những người thường dân này đã bị bắn chết ngay trước mặt, đã bị tàn sát bởi Việt Cộng, giống như hàng ngàn người khác mà sau này thân xác mới được tìm ra.

Hemingway đã chưa nói đủ khi ông viết hồi tưởng về thời gian ông làm tình nguyện viên Hồng Thập Tự trong Thế Chiến Thứ Nhất: "Hình tượng của một người phụ nữ bị giết thật là kinh hoàng." Đối vời người bình thường - nhất là các chiến binh - cảnh tượng này quá sức chịu đựng của họ. Bởi vậy, phản ứng tự nhiên là những người lính trẻ Hoa Kỳ đã rớt lệ vì họ là những người bình thường, những người đàng hoàng, và luôn luôn có niềm tin sâu sắc là Chúa đã tạo dựng nên người phụ nữ để được thương yêu, không phải để bị tàn sát.

Có một cái gì đó đặc biệt kỳ lạ về cảnh tượng này - kỳ lạ một cách huyền diệu. Ngay trong cái chết, những người đàn bà đã gây xúc động phi thường vì thân xác họ vẫn còn ôm siết bảo bọc những đứa con nít. Những xác chết này còn ăn vận những bộ đồ sạch sẽ, những chiếc trang phục quốc hồn quốc túy Áo Dài để đón mừng Năm Mới. Tôi còn thấy cả là họ đã làm móng tay và trang điểm cẩn thận để chuẩn bị cho một ngày lễ lớn nhất trong năm.

Thật là nhục nhã khi có một số những người Mỹ bênh vực cho chế độ Hà Nội, chẳng hạn như triết gia Noam Chomsky và nhà sử học Marilyn P. Young vẫn tuyên bố cho rằng vụ thảm sát Huế không bao giờ xẩy ra. Đối với tôi đó là một thái độ không trung thực về mặt tri thức, chẳng khác gì những người đã không tin vào sự kiện Holocaust thảm sát người Do Thái, hoặc những nhà trí thức Tây phương thật đáng xấu hổ khi thăm viếng Liên Bang Sô Viết trong lúc Stalin đang giết hại hàng trăm ngàn người kulaks, tên gọi của những người tiểu nông, mà cho rằng những tội ác này không hề có.

Tôi xin xác nhận ngay tại đây và sẽ nhắc lại sau này trong suốt cuốn sách là: Tôi đã chứng kiến những gì Cộng sản đã làm tại Huế, và tôi đã đứng trên mép những mồ chôn tập thể sơ sài, nơi bọn chúng đã vùi lấp các nạn nhân. Điều hiển nhiên là một số còn đang sống. Vài địa điểm kể trên đã được tìm ra nhờ những bàn tay của những người phụ nữ đang dãy chết trồi lên khỏi mặt đất trong một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi tử thần. Những bàn tay này có các móng tay đã được cắt tỉa cẩn thận.



Chương 2


Yếu tố Gillian


"Em yêu anh như yêu biển cả, như yêu bầu trời," Josephine đã nói với tôi như vậy.

Câu nói này đã xác định sự gắn bó của tôi với đất nước Việt Nam nhưng cuối cùng lại không thành đối với Josephine, mặc dù không phải do lỗi của nàng. Sau lần cùng nhau "nhảy múa" dưới biển, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn khi tôi không phải xa thành phố theo chân những cánh quân Việt Nam Cộng Hòa hay các toán Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đi hành quân. Vẻ yêu kiều của nàng đã tô thắm cho những buổi cơm chiều tại nhà hàng ưa thích Le Royal của tôi trên con đường Nguyễn Huệ. Nhà hàng Le Royal là một tiệm ăn phục vụ theo lối Tây thời xưa với khăn trải bàn trắng được giặt hồ. Jean Ottavi, chủ nhân người đảo Corse là một người rất hoạt bát, ốm nhom, khoảng ngoài 70 tuổi với cái tài chọc cười cô vợ mà số tuổi sống trên trái đất này bằng số lần ông ta hút thuốc phiện mỗi ngày - 35 cho mỗi thứ trong thời gian tôi gặp ông ta, hoặc được người ta kể lại như vậy.

Tôi đưa Josephine đi dự những buổi hòa nhạc và vui chơi. Thỉnh thoảng vào ngày thứ bẩy, chúng tôi lái xe đến Câu Lạc Bộ Trên Nước để trượt nước trên sông Sài Gòn. Vào năm 1965 điều này còn thực hiện được nhưng sau này thì trở thành hết sức nguy hiểm vì tình hình chiến sự tiến gần vào thành phố.

Có lần tôi giúp Josephine làm một chuyện có thể kể là "hy sinh hết mình." Nàng yêu cầu tôi mang về một chai nước mắm quý hiếm nhân một chuyến đi công tác làm phóng sự tại Phú Quốc. Vì chiến tranh, loại nước mắm này không còn bày bán nữa trong các tiệm tạp hóa tại Sài Gòn. Nhiệm vụ này đã biến thành một cuộc hành trình xuống "tầng địa ngục thứ nhất Dante" của tôi. Tôi dùng ẩn dụ chẳng qua là thế này: từ nhỏ tôi mắc chứng bệnh dị ứng với đồ biển. Tôi có thể chết nếu ăn trúng thịt cá hay ốc biển. Chứng này không làm đời sống tôi dễ dàng chút nào khi phải sống tại một xứ mà văn hóa về ăn uống có món gia vị quan trọng nhất là nước mắm, một loại nước chấm chứa nhiều chất đạm làm ra từ cá lên men. Điều này không có nghĩa đây là một cái gì quái dị đặc biệt của Đông phương vì dưới thời Đế chế La Mã, mỗi bàn ăn đều có một lọ chứa một loại nước mắm tương tự gọi là garum. Thật cảm ơn Đế chế La Mã đã sụp đổ lâu rồi cách đây một ngàn năm trăm năm, để lại cho những người Tây phương chúng tôi còn lại vỏn vẹn một chút tàn tích của loại nước chấm garum dưới dạng con cá cơm thối trong nước chấm Worcestershire.

Mỗi khi được mời dự ăn tối tại tư gia người vùng Đông Nam Á, tôi thường báo trước chủ nhà là tôi ăn chay. Tôi phải nói dối vì họ thường dễ chấp nhận hơn là nếu nói bị dị ứng, hơn nữa điều này đã giúp tôi được xếp cùng hạng với các vị tu hành áo nâu thuộc Phật giáo Đại Thừa, tôn giáo chính của Việt nam, họ cũng ăn chay vậy. Tuy nhiên, nguyện vọng của Josephine là một sự hy sinh lớn cho tôi trong chuyến đi Phú Quốc để viết bài tường thuật về trại giam tù binh cộng sản tại đó.

Đối với những người mê nước mắm thì Phú Quốc thật sự là Médoc của những người yêu rượu vang Bordeaux. Trên cái đảo lớn đó trong Vịnh Thái Lan, nước mắm được xếp tương đương với rượu Château Margaux hay Château Latour và được sản xuất trong những thùng gỗ với những phương tiện máy móc giống như để ép dưa bắp cải vậy. Ngày đầu tiên tôi trên đảo đã có một sự khởi đầu thú vị. Trong lúc tôi đi dạo trong trại giam, một tù binh mặc đồ đen đọc thẻ tên tôi trên bộ áo trận và nhận ra tôi là một phóng viên người Đức.

"Ông là người vùng nào của nước Đức vậy?" Anh ta hỏi tôi bằng tiếng Đức với giọng Saxon, một tiếng dân địa phương kỳ cục nhất của những thổ ngữ Đức.

"Nơi mà bạn đã học được tiếng Đức," Tôi đáp lại với cùng một giọng.

"Leipzig?"

"Đúng, Leipzig, tôi đã thoát từ Leizig đến Tây Đức khi còn nhỏ."

"Tôi học tiếng Đức tại viện Herder," anh tù binh nói. Anh ta là một sĩ quan Quân y Bắc Việt đã từng đi học tại Đông Đức.

"Thật là trùng hợp! Trước kia đó là trường Gaudig-Schule, một trường nữ tốt nhất nước Đức trước Thế Chiến Thứ Hai. Bà nội tôi đã tốt nghiệp trường đó ra. Không chừng bạn có thể đã ngồi trong phòng học của bà." Tôi bảo anh ta.

Chúng tôi tán dóc một lúc bằng tiếng Saxon, làm cho hai anh chàng hướng dẫn Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đi theo hơi khó chịu vì nghi ngờ chúng tôi trao đổi tin tức bằng tiếng ngoại quốc. Do đó họ hối tôi đi cho mau.

Phần tiếp theo không được vui lắm. Vào buổi trưa tôi phải chịu cực hình đi thăm cả hai mươi trại sản xuất nước mắm nhỏ, chịu đựng một cách dũng cảm quang cảnh và mùa vị của hàng lớp cá đang thối rửa xen kẽ với từng lớp muối. Thật là một phép lạ là tôi đã không bị té xỉu bởi mùi hôi thối và tránh được khỏi phải nếm những mẫu chất lỏng, sản phẩm cuối cùng của qui trình sản xuất, mà không làm mích lòng chủ nhân đang tỉm tủm cười.

Tuy nhiên tai họa đã xảy ra trên đường tôi về Sài Gòn. Tôi lên chiếc Air Vietnam DC-3 khiêng theo một thùng quà tặng chứa sáu chai nước mắm chính hiệu. Tất cả các hành khách khác, quân nhân cũng như thường dân, mọi người đều như vậy cả. Hầu hết cất gọn các chai nước mắm trên giá dành cho hành lý xách tay, riêng tôi thì kẹp cứng chúng vào giữa hai chân. Chẳng bao lâu sau khi cất cánh thì máy bay đụng phải vùng nhiễu loạn không khí. Lập tức nó lắc dữ dội từ bên này qua bên kia, gầm hú nhào xuống rồi vọt lên như những chiếc Stuka Đức thời Thế Chiến Thứ Hai. Phi công VNCH thật tài tình! Tôi vội vàng núp xuống khi chai lọ nước mắm bắt đầu rơi lả tả trên đầu chúng tôi, có cái thì nẩy dội trên ghế, cái thì đập vào cửa kính và vách máy bay, rồi rớt xuống sàn vỡ tan, bắn tung tóe lên các tiếp viên phi hành và hành khách, kể cả tôi luôn. Nước mắm tràn khắp nơi, chảy từ vách xuống người chúng tôi, từ khoang đựng hành lý, từ trần máy bay và tràn ra ngoài hành lang.

Cuộc hành trình trở về thật là dài và đầy...mùi vị! Sau khi tạm dừng tại Rạch Giá, một thị trấn ven biển, và Cần Thơ, thành phố lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất Sài Gòn trong một tình trạng khốn khổ. Đầu tóc tôi, bộ đồ trận mới tinh và đôi giầy bốt rừng đều ướt nhẹp, nhưng kỳ diệu thay những chai nước mắm đều còn nguyên vẹn. "Hôi quá, hôi quá," anh chàng tài xế tắc xi Rờ Nôn trên đường đưa tôi về khách sạn Continental than lên. Ông Lợi, quản lý khách sạn người Hoa thì quay mặt đi kín đáo bịt mũi khi tôi đi ngang qua ông trong phòng sảnh. Tôi phải đem vứt bỏ tất cả các bộ đồ trận, quần áo lót và đôi giày rừng đi. Đau đớn nhất là đôi giầy mắc tiền này vì tôi mới mua nó ngoài chợ trời. Đó là kiểu giầy trận mới nhất được lót thép nhằm bảo vệ chống mìn cá nhân. Chưa có một chiến binh Hoa Kỳ nào được cấp phát loại giầy này, vậy mà tôi phải vất nó đi.

Tôi đi tắm và gội đầu sáu lần, và sau đó lái đến nhà Josephine với thằng bé Đức. "Hê hê, ông thúi mùi cá quá," nó vừa nói vừa quay cửa kính xe Trắc xông phía bên nó xuống. "Anh ngửi không được thơm rồi, anh bạn của tôi ơi," Josephine nói với tôi bằng tiếng Pháp, vừa tránh xa tôi ra trong lúc tôi đặt những chai nước mắm trước ngưỡng cửa nhà nàng. Tôi lái xe về khách sạn Continental, lại tắm táp gội đầu lần nữa, và xức từ đầu đến chân bằng nước hoa Hermes và sau đó tự thưởng bằng một bữa ăn tối tại tiệm Royal, lòng tự nhủ Kipling đã có điểm đúng khi tuyên bố: "Đông là Đông, Tây là Tây, hai điều này sẽ không bao giờ gặp nhau." Tuy nhiên mọi điều rồi cũng trôi qua. Josephine và tôi rất tâm đầu ý hợp và có thể sẽ trở thành một cặp đẹp đôi nếu không có một điều tối quan trọng: Yếu tố Gillian.

Gillian là vị hôn thê của tôi. Bởi ân sủng của Thiên Chúa - Điều này tôi xin xác nhận với một ý nghĩa thần học nhất - hôn nhân chúng tôi đã tồn tại được 50 năm đầy sóng gió nhưng nhiều hạnh phúc trong thời điểm tôi đang viết những dòng chữ này. Và cũng bởi ân sủng của Thiên Chúa, tôi đã thoát khỏi chuyện này và những nhiệm vụ đầy hiểm nguy khác một cách toàn mạng và không bị thương tích lâu dài nào trong thân thể giống như cha tôi đã bị mù trong Thế Chiến Thứ Nhất. Vì vậy tôi có mặt ở đây để viết về điều này.

Tôi đã gặp Gillian ba năm trước tại London, nhiệm sở đầu tiên tại ngoại quốc của tôi với tư cách một nhà báo, và chúng tôi đã cưới nhau tại New York sau một thời gian quen nhau khá ngắn. Sau đó, cũng như bây giờ, nàng là một người phụ nữ đầy sức sống, thông minh và thương chồng một cách mãnh liệt. Nàng rất đẹp, khuôn mặt bầu bĩnh lúc nào cũng tươi cười và một nước da hồng hào mà các cô gái trời Âu lục địa vẫn thèm muốn có được ở các thiếu nữ người Anh. Tuy nhiên và có lẽ quan trọng nhất là Gillian có cá tính chịu đựng cao mà một phóng viên cả đời lang thang như tôi rất cần ở một người bạn đồng hành, nếu không thì hôn nhân sẽ đổ vỡ như đã từng xảy ra quá thường xuyên trong nghề của tôi.

Để chứng minh, tôi không tin là có cô dâu nào lại có thể chấp nhận hoãn lễ cưới không một chút phàn nàn vì phải thích ứng với nghề nghiệp của hôn phu mình. Gillian đã làm được điều đó. Lễ cưới đã dự định sẽ tiến hành tại Nhà Thờ Chelsa Old Church tại London. Ngày hôm sau, thay vì đi tuần trăng mật, chúng tôi sẽ lên tàu Queen Mary qua New York để tôi nhận nhiệm sở mới. Ngày cưới đã được đăng trên các báo Daily TelegraphThe Times. Ông bố vợ tôi đã đặt mua hàng trăm chai champagne. Mẹ tôi, một nghệ sĩ nhạc kịch tôn giáo, thì đã mua vé may bay đi London và thậm chí đã tập dượt hết những bài bản mà bà sẽ phải trình diễn trong dịp lễ cưới.

Trong một buổi chiều tà, khoảng một tháng trước ngày đám cưới, viên trưởng biên tập tại Hambourg Julius Hollos gọi tôi vào trình diện tại tòa báo Daily Telegraph trên con đường Fleet Street:

"Anh xin visa Mỹ chưa, Uwe?" Ông ta hỏi tôi bằng tiếng Đức với giọng Hungary.
"Xong rồi, Julius."
"Có vé máy bay chưa?"
"Không, chúng tôi định đi tàu Queen Mary tháng tới. Ông biết rồi mà?"
"Không kịp đi tàu thủy đâu. Anh phải lên đường ngay bây giờ thôi. Có đọc báo không đó? Khủng hoảng thế giới tới nơi rồi. Cú này lớn lắm! Thằng Henk nó muốn về lại Đức. Nó hãi lắm rồi."

Dĩ nhiền là tôi biết rồi. Thế giới đang ở trong cơn khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962 và mọi tin tức qua đường điện cáp từ New York về tổng hành dinh tại Hambourg đều phải qua văn phòng London, tức bàn giấy của tôi. "Henk" mà Hollos nhắc đến là Henk Ohnesorge, biên tập viên về chính trị tại Liên Hiệp Quốc mà tôi sẽ phải đi thay thế. Cái họ của anh ta tiếng Đức có nghĩa là "vô tư."

"Gì mà nó gấp quá vậy?" Tôi hỏi.

"Nó sợ bị bom nguyên tử. Nó không muốn bị bom lần nữa. Nó bảo nó chán cái đồ quỷ đó lắm rồi sau kỳ chiến tranh vừa qua."

"Ai mà chẳng vậy, Julius. Tôi sẽ đi tháng sau, nhưng tôi phải cưới vợ cái đã."

"Anh làm cái gì, Uwe?" Hollos sủa lại, "Anh muốn làm nhà báo hay làm chú rể tương lai?"

"Dĩ nhiên là nhà báo chứ Julius."

"Vậy thì cho tôi gởi lời xin lỗi Gillian. Cho cô ta đi theo nếu thích nhưng anh phải trả tiền máy bay. Tôi chỉ trả lại chi phí nếu anh cưới cô ta ở New York. Tôi không khuyến khích lối sống đồi trụy."

Julius thật là tay độc ác!

Chiều hôm sau ngày 25 tháng 10 năm 1962 nhằm sinh nhật thứ 26 của tôi, chúng tôi đáp chiếc phản lực của hãng British Overseas Airways VC-10 tới phi trường Idlewild tại New York. Chuyến bay gần như hoàn toàn trống trải vì mọi người đều đi chiều ngược lại, hầu tránh xa hỏa tiễn nguyên tử của Khruschev đặt tại Cuba. Bố của Gillian, ông Sidney, thì rất vui vì không phải trả tiền đống champagne mà ông đã đặt mua. Mẹ của cô, bà Ethel, tiễn chúng tôi đến ga phi trường Knightsbridge, vừa đi vừa khóc. Bà cho là cái thằng ngoại quốc này đã bắt cóc cô con gái duy nhất của bà. Sau này chúng tôi thân thiết với nhau hơn nhưng cho tới khi bà qua đời, bà không hoàn toàn tin tưởng vào cái giấy chứng nhận hôn nhân do giáo hội Immanuel Lutheran Church, góc đường 88 và đại lộ Lexington đã cấp cho chúng tôi 6 tuần lễ sau ngày cưới. Theo ý bà, tờ chứng nhận xấu quá. "Không có một tờ giấy chính thức nào giống vậy cả!" Bà sì môi. Tay trưởng biên tập Julius thì giữa lời hứa. Tôi nhận được tấm chi phiếu trả lại tiền vé máy bay.

Tuy nhiên đây chỉ là khởi đầu cho những ngày tháng khổ đau của Gillian. Không đầu hai năm sau, chúng tôi phải xa cách nhau thật lâu vì cuộc chiến tại Việt Nam. Năm 1966 chúng tôi xa nhau những tám tháng trời. Nhiều tuần lễ liền chúng tôi mất liên lạc với nhau. Điện thư thời đó chưa có. Bưu điện thì không tin cậy nổi. Điện thoại thì phải mất hàng giờ, hay thậm chí cả ngày để gọi về, mà khi gọi được thì giá điện thoại mắc khủng khiếp và đường dây tệ hại đến mức chẳng nghe được gì cả. Chúng tôi thường liên lạc với nhau qua thư từ và quà tặng mà bạn bè đồng nghiệp mang tay đi ra vào trong xứ. Thoạt đầu Gillian ở lại căn phòng thuê ở New York, nhưng sau đó thì về lại Anh quốc để gần với cha mẹ hơn, hy vọng một ngày nào đó rốt cuộc tôi sẽ trở về lại trong cuộc đời của nàng.

Tôi đã từng nói: chỉ nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng tôi không chịu chung số phận hôn nhân tan vỡ của quá nhiều các phóng viên và chín mươi phần trăm các chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam đã từng phải chịu. Không phải chỉ vì thời gian quá dài chia cắt mà vì những gì người chồng trải qua trong cuộc chiến đã để lại trong họ những tác hại tâm lý mà người vợ không thể nào tưởng tượng nổi. Khi chúng tôi tái ngộ với nhau trong những lần nghỉ phép, tôi đã làm nàng thương tổn vô cùng vì không thể nào gần gũi được vợ trong những ngày đầu, không phải vì tình yêu tôi đã suy giảm nhưng vì tôi tự cảm thấy khổ sở và ô uế, vì đã chứng kiến hàng trăm người phụ nữ Việt Nam bị tàn tật hay mất mạng chỉ vài ngày trước đó. Khi tôi nắm tay nàng, tôi sợ làm nhơ nhuốc nàng vì trong trí tưởng tượng hoang mang của tôi, bàn tay nàng đã trở thành bàn tay của những người lính bị trọng thương nắm chặt lấy tôi kêu lên Mẹ ơi trước rồi Chúa ơi sau đó - luôn luôn với thứ tự như vậy.

Có một phóng viên đài BBC, một tay gốc Wales mà tôi không muốn nêu tên ra, đã mách với Gillian về chuyện tình của tôi với Josephine. Trước khi hắn trở về nước Anh, tôi đã tin tưởng hắn và nhờ chuyển giao một gói quà có thư và một chuỗi ngọc tôi đã mua được nhân một chuyến ghé ngang Hồng Kông trước khi qua Sài Gòn. Hắn hứa sẽ trao lại cho Gillian, lúc đó đang sống với bố mẹ trong một tửu quán của họ gọi là The Ham and Blackbird tại Farnborough, Hampshire.

Chuyện gì xảy ra sau đó tôi biết được qua lời kể trung gian vì Gillian không bao giờ nói lại với tôi. Tay người Wales đã đến và ở lại quá giờ trưa của tiệm rượu. Hắn ngồi uống với Gillian trong phòng sảnh, trao cho nàng gói đồ và bắt đầu mách lại là "với sự tín nhiệm giữa người Anh với nhau," là nàng đừng trông mong tôi trở về vì tôi đang dan díu tại Sài Gòn với Josephine, một phụ nữ trẻ đẹp ngườiViệt Nam. Hắn còn tìm cách hẹn tái ngộ với vợ tôi một ngày nào đó tại London. Lúc đó Gillian chận hắn lại, đứng dậy mở cửa quán ra và nói với hắn với một giọng lạnh lùng:

"Ông đi ra khỏi đây ngay! Ông là một người độc ác. Ông không có quyền hại tôi với những điều đồn đãi. Hơn nữa, ông là một người xấu và bất nghĩa với chồng tôi. Thật là xấu hổ! Ông đi đi!"

Nàng đẩy mạnh làm hắn gần té ra ngoài đường. Điều này làm hắn sửng sốt đến nỗi buổi chiều hôm đó hắn kể lại cho một đồng nghiệp khác tại tòa nhà Bush House, tổng hành dinh của BBC tại London. Anh chàng này đang sửa soạn lên đường đi Việt Nam thay thế hắn. Ba ngày hôm sau, chúng tôi gặp nhau tại quán Aterbéa's, tiệm ăn Tây khá nhất Sài Gòn mà một nhóm nhỏ các phóng viên Âu Châu thường tụ tập mỗi tuần để thưởng thức một bữa ăn thật mắc tiền với một mục tiêu duy nhất: Không bàn cãi về chiến tranh, chính trị, Việt Nam hay Hoa Kỳ. Mục đích chúng tôi là để tẩy sạch đầu óc về những vướng bận của cuộc chiến Việt Nam, dù chỉ trong một đêm duy nhất.

"Vậy anh chính là cái tay người Đức đó," anh ta nói khi được giới thiệu với nhau, "Cẩn thận đấy! Vợ bạn đã biết về Josephine rồi." Phần sau câu chuyện tôi được mẹ vợ kể lại vì bà ta đã nghe lóm được cuộc đối thoại giữa vợ tôi và tay người Wales đó.

Một vài tuần sau đó, tôi gặp lại vợ trong một khách sạn tại phi trường Orly Pháp. Sáng hôm sau, nàng bảo tôi một cách nhẹ nhàng, "Anh đã kêu tên Josephine nhiều lần tối hôm qua trong giấc ngủ. Em không muốn nghe lại một lần nào nữa!"

Tôi gặp lại Josephine một lần ngắn ngủi nữa trong những hoàn cảnh đặc biệt của cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Nhưng đó là một câu chuyện khác cho một lần khác và trong một chương khác.






Chương 3


Để tỏ lòng tôn kính đến Đại úy Ngữ.


Tôi chỉ gặp được ngài Robert G.K Thompson có một lần ngắn ngủi trong những năm tôi sống ở Việt Nam.Chuyện này xảy ra vài tuần lễ trước khi Phái bộ Cố Vấn Anh Quốc do ông cầm đầu hết nhiệm vụ vào năm 1965 và chuyên viên nổi tiếng nhất thế giới này về chiến tranh chống du kích phải rời bỏ Sài Gòn. Một phóng viên người Anh đã giới thiệu tôi với ông. Tôi rất thắc mắc về niềm tin vững chắc của ngài Robert khi ông cho rằng hỏa lực hùng hậu, ưu thế về nhân sự và trang thiết bị tối tân hoàn toàn không hiệu quả bằng lòng quyết tâm tiếp đón và đánh bại đối phương bằng chính những điều kiện của họ.

Chiến lược này đã được người Anh áp dụng thành công tại Mã Lai Á nhưng lại không thuyết phục được chính quyền Kennedy cũng như Johnson tại Washington. Theo tờ Times của London, ngài Robert nghĩ rằng các cán bộ nằm vùng quan trọng hơn là những du kích quân trong rừng rậm và phải là mục tiêu ưu tiên để tấn công trước. Các lực lượng cảnh sát và tổ chức tình báo hữu hiệu (hoặc yếu kém) là những yếu tố quyết định cho sự thành bại. Các binh sĩ, nhân viên cảnh sát và nhân viên chính phủ phải hoạt động trong phạm vi luật pháp. Ngoài ra, các viện trợ để phát triển chỉ có hiệu quả nếu xây dựng được một nông thôn lớn mạnh với những người có khả năng điều hành giỏi, thay vì bị hoang phí đi trong những công trình màu mè chắc chắn sẽ sụp đổ một khi nguồn tài trợ để duy trì chúng từ bên ngoài bị cạn đi.

Khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975, ngài Robert Thompson tuyên bố: "Người Mỹ không bao giờ có thể nhận thức được Việt Nam trong bối cảnh Mã Lai Á vì họ không có lòng nhẫn nại cho loại chiến tranh như vậy."

Đã có quá nhiều người viết về sự khác biệt giữa những đề nghị của Thompson và chiến lược quân sự vội vã của Hoa Kỳ nhằm nhanh chóng đi tìm kết quả rồi. Đó không phải là mục đích của cuốn sách này cũng như không thuộc thẩm quyền của tôi để xét xử những vấn đề có tính cách chiến lược như vậy. Đây chỉ là câu chuyện của một phóng viên luôn khát khao tìm hiểu và đã có cơ may được giải đáp trí tò mò: tôi muốn biết chiến lược của ngài Robert Thompson đã thành công như thế nào sau bốn năm liên tiếp làm cố vấn cho chính quyền Sài Gòn. Do đó, tôi chụp ngay cơ hội này.

Tôi hỏi ngài Robert rằng ông có thể chỉ cho tôi một nơi nào mà khái niệm chiến lược "tát nước bắt cá" của ông đã thành công không? Nói cách khác, một vùng nào đã được ổn định sau các cuộc hành quân, ngăn ngừa kẻ địch không trở lại được, và chính quyền đã giành lại được lòng dân như là một hệ quả tất yếu?

Một thành viên trong đội ngũ nhân sự của ông đã đề nghị tôi hãy ghé thăm địa danh Long Khốt gần biên giới Cambodia. Long Khốt là một làng bụi bậm của chi khu Tuyên Bình thuộc tỉnh Kiến Tường và chỉ huy trưởng là Đại úy Ngữ. Tôi đã thích ngay người sĩ quan đầy cá tính này, một người từng trải, dũng cảm và dẻo dai nhưng lại có một tính tình khôi hài rất thực tế. Ông ta cũng là một người đầy mưu lược về quân sự và hay thích mang tôi ra làm trò đùa với những con thú kỳ lạ của ông.

Tuy nhiên, đến được chỗ của Đại úy Ngữ không phải dễ mặc dù Long Khốt chỉ cách Sài Gòn có 150 dặm về hướng Tây. Đường bộ đến Long Khốt khá nguy hiểm và hàng ngày có quá nhiều những vụ du kích tấn công dọc theo con lộ chạy quanh co đến đó. Với tư cách một biên tập viên chính thức tôi được phép bay bằng máy bay quân sự tới hầu hết bất cứ chỗ nào trong miền Nam Việt Nam miễn là còn chỗ. Ngoài ra các phóng viên thường được mang cấp bậc quân sự đồng hóa với cấp Thiếu tá hoặc Trung tá nên có khá nhiều ưu tiên. Vả lại một chỗ ngồi trên máy bay dạo đó chưa đến nỗi khó khăn như vài tháng sau này khi chiến sự lan rộng hơn. Vào đầu năm 1965 khi tôi đi thăm Đại úy Ngữ mới chỉ có 27 ngàn lính Mỹ đồn trú tại miền Nam Việt Nam và trong số đó gần 4 ngàn là cố vấn, phi công, phi hành đoàn trực thăng và nhân sự tiếp vận. Số còn lại thì thì sống thoải mái ở Sài Gòn, được mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông" hoặc "Ba-Lê của phương Đông."

Tương tự, lực lượng báo chí Sài Gòn khi đó cũng còn khá mỏng. Vì vậy, quân đội Mỹ đối xử với chúng tôi rất hào phóng, đưa đón chúng tôi cẩn thận bằng xe cơ quan từ khách sạn đến phi trường Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên đến đó thì diễm phúc thường chấm dứt vì sự rườm rà của thủ tục hành chánh quân sự được tiếp nối theo, đúng như phương châm "Nhanh lên và chờ đó."

Vào 3 giờ sáng, một chiếc xe hơi 4 cửa có gắn máy lạnh của Không Lực Hoa Kỳ (USAF) đến đón tôi trước cửa khách sạn Majestic sang trọng, nơi tôi sống trong những tuần lễ đầu tiên tại Việt Nam để đưa tôi đến trạm máy bay quân sự hai mươi phút sau. Tuy nhiên, trong suốt 11 tiếng đồng hồ sau đó, tôi đã phải ngồi chờ dưới sàn để đón chuyến bay 7 giờ rưỡi sáng bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Nóng quá, tôi đổ tháo mồ hôi và đói vã cả người. Có ai đó đưa cho tôi một khẩu phần chiến đấu, thường được gọi là "C Rats," và tôi ăn hết một hộp xúc xích nấu đậu, một món chẳng thích hợp chút nào trong vùng nhiệt đới.

Cuối cùng thì chiếc máy bay tôi đi cũng xuất hiện. Bay đến Mỹ Tho trong vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ mất có 20 phút đồng hồ, nhưng cũng đủ để gây trong tôi sự ác cảm với chiếc C-123 vận tải cổ lỗ sĩ đang là phương tiện di chuyển chính của Không Lực Hoa Kỳ trong thời gian đầu của cuộc chiến. Chiếc máy bay này lúc nào cũng run lên bần bật, lạng qua lạng lại và thực sự là một phòng tra tấn trên không vô cùng hiệu quả với hai cái động cơ điếc cả tai. Vì vậy khi đến Mỹ Tho, tôi thật sung sướng được chuyển qua một chiếc Caribou, nhẹ, êm và nhỏ hơn của Quân Đội Hoa Kỳ do Úc sản xuất với động cơ phản lực cánh quạt. Tuy nhiên nó chỉ đưa tôi đến được Mộc Hóa mà không xa hơn nữa. Trời chiều đã đổ xuống. Thật là liều lĩnh nếu phải đón một đoàn xe quân sự nhỏ để bắt đầu một chuyến dài 3 tiếng đồng hồ đến Tuyên Bình bằng đường bộ. Đại úy Ngữ phải chờ thôi.

Hóa ra lại may mắn cho tôi khi buổi tối bị mắc kẹt tại Mộc Hóa. Tại đây có toán B-41 thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đang đồn trú. Lực Lượng Đặc Biệt, hay "Mũ Nồi Xanh" đóng một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực chống du kích mà tôi đang nghiên cứu, bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ngài Robert Thompson. Các nhân viên tình báo Pháp cùng với các nhóm tình báo Mỹ, Úc và Việt Nam, thường xuyên gặp gỡ nhau tại "hang động của điệp viên," nơi mà giới báo chí chúng tôi đặt tên cho cái quán rượu Cheval Blanc trong một con hẻm chật hẹp tại Sài Gòn, đã hết lời ca tụng các chiến sĩ Mũ Nồi Xanh này: "3 Mũ Nồi Xanh còn giá trị hơn cả một đại đội bộ binh," họ thường nói như vậy.

Những tay tình báo Pháp này so sánh họ giống như lính nhẩy dù trong đoàn quân Lê Dương Pháp qua tính cách chuyên nghiệp, trang thiết bị và thành phần "quốc tế" của họ. Họ cũng đội mũ nồi xanh vậy. Hơn 35 ngàn lính Lê Dương, trong đó có 70 phần trăm là người Đức đã chiến đấu trong cuộc chiến Đông Dương vừa qua; đất Việt đã đẫm máu của 10.483 người lính đánh thuê này, trong đó một nửa là người Đức, thường là cựu chiến binh của quân đội Đức Wehrmacht trong Thế Chiến thứ 2.

Xét trên nhiều khía cạnh, Lực Lượng Đặc Biệt tại Mộc Hóa khá giống lực lượng tinh nhuệ Pháp nói trên. Họ cũng là lính nhẩy dù và cũng đại diện cho tầng lớp tinh hoa của lính ngoại quốc phục vụ cho Hoa Kỳ. Đầu tiên là Đại úy Sully H. de Fontaine, một người quý tộc gốc Bỉ. Anh ta đã trở thành một trong những sĩ quan chống du kích nổi tiếng nhất của chiến trường này. Sau đó có hai người gốc Đức là các thượng sĩ Hans Koch và Walter Rübel. Sau này trong cuộc chiến, tôi gặp lại nhiều đồng hương tương tự trong các sắc phục quân đội Hoa Kỳ, Úc và Tân Tây Lan. Một số trong họ là lính bộ binh, hạ sĩ quan, chỉ huy trưởng tiểu đoàn, hoặc là phi công trực thăng và chiến đấu cơ. Khi tôi viết về toán B-41 trên tờ nhật báo Đức Die Welt, tôi đã so sánh họ như một tổ chức Liên Hiệp Quốc thu nhỏ. Ngoài những người gốc Âu Châu, tôi đã gặp cả người Phi và Mỹ Châu La Tinh, người gốc Cambodia và đặc biệt là người bộ lạc Nùng. Họ là một dân tộc thiểu số thượng du Bắc Việt nhưng có nguồn gốc từ Trung Hoa và nổi tiếng về khả năng truy lùng Việt Cộng một cách hung hãn bất kỳ nơi nào, đặc biệt là trong rừng rậm.

Buổi tối trong trại Lực Lượng Đặc Biệt đã mang lại cho tôi một nguồn tin tức hết sức phong phú. Sau một vài chầu rượu tôi đã được nghe kể lần đầu tiên các chi tiết về một trong những công tác nguy hiểm và hiệu quả nhất mà sau này biến thành chiến dịch Phụng Hoàng đầy tranh cãi. Đặc trưng là những kỹ thuật ám sát các cán bộ Cộng sản trong lúc họ đang ngủ trong các ổ trú ẩn ban đêm. Khi nắm được tin tình báo cung cấp bởi người địa phương, một yếu tố quyết định trong nỗ lực chống du kích, từng đơn vị nhỏ LLĐB không quá một chục mạng sẽ lẩn vào trong rừng cả vài tuần lễ mỗi lần. Trang bị với một vũ khí gồm một sợi kẽm gắn vào hai đầu tay cầm bằng gỗ, họ lẻn vào lều của cán bộ Việt cộng chỉ huy, vòng sợi dây kẽm quanh cổ nạn nhân đang ngủ, giựt mạnh và thế là cắt đầu họ.

Khi những hoạt động ám muội này, sau đó được thực hiện bởi nhân viên tình báo CIA, bị lộ ra vào cuối thập niên 1960 thì người Mỹ và phong trào hòa bình thế giới đã phản ứng rất dữ dội. Nhiều buổi điều trần trước Quốc Hội đã được triệu tập và hàng loạt những bài xã luận đã được viết ra để lên án hành động đó. Là một trong những người đã trải qua một số năm thời thơ ấu trong những hầm trú ẩn để tránh bom Anh và Mỹ, tôi cảm thấy sự kích động này không mấy trung thực. Phải chi quân Đồng Minh đã tìm ra cách thức tương tự để loại trừ cho thế giới những quan to Đức Quốc Xã, các quan chức độc ác địa phương, mật thám Gestapo và sĩ quan SS, thì có lẽ rất nhiều mạng sống thường dân đã được cứu vớt rồi.

Các ký giả thuộc trường phái cũ được những quân nhân chuyên nghiệp rất tin tưởng vì họ luôn luôn hành động theo một nguyên tắc sắt đá là không bao giờ để lộ nguồn tin tức đã thu thập được. Giữ bí mật là một đức tính của người phóng viên tương tự như khả năng tìm bới tin tức vậy. Đấy là lý do tôi chưa bao giờ viết về chuyện này mãi cho đến bây giờ, mặc dù tôi đã được nghe rất nhiều chi tiết sốt dẻo đêm hôm đó. Chẳng hạn tôi được kể là nếu muốn đi theo một toán công tác như vậy thì phải được chuẩn bị cho bản thân mình ít nhất là ba tuần trước đó: không hút thuốc lá, không uống sữa, không dùng nước hoa cạo râu hay thuốc khử mùi. Tại sao không được ăn bơ hay uống sữa? Tôi tự hỏi. Những tay Mũ Nồi Xanh giải thích tại vì bọn Việt Cộng rất thính mũi, chúng có thể đánh hơi được mùi khai từ cơ thể tiết ra khi tiêu thụ các thức ăn có sữa. Mùi này có thể tồn tại nhiều ngày trong cái không khí bí đọng của tàng cây bốn tầng trong rừng sau khi một người phương Tây đã nhổ trại vài tiếng đồng hay có khi cả vài ngày trước đó. Điều này sẽ tiết lộ sự hiện diện của họ đối với những tay Việt Cộng dày dạn kinh nghiệm và có thể nói trên thực tế là họ có thể "đánh hơi" ra bạn.

Tuy nhiên tôi không phải hy sinh bơ sữa hay bỏ thuốc lá mãi cho đến khoảng một chục năm sau, bởi vì không có gì vô lý hơn trên phương diện nghề nghiệp là phải tháp tùng một chuyến công tác đầy nguy hiểm mà lại không có quyền tường thuật lại.

Sáng sớm hôm sau có một đoàn xe nhỏ rời trại Mộc Hóa để đi Long Khốt. Tôi đi theo xe jeep của Trung úy Kenneth Crabtree thuộc LLĐB. Cabtree khoảng chừng 24 tuổi, người gốc bang Colorado, và tự giới thiệu mình là Cố vấn của Đại úy Ngữ. Tuy nhiên anh ta nhanh chóng cười vui vẻ thêm vào: "Thật là tức cười. Đại úy Ngữ gấp đôi tuổi tôi và kinh nghiệm hơn tôi cả trăm lần. Ông ta đã đánh nhau với Việt Minh từ thời là lính chuyên nghiệp trong quân đội Pháp. Trên thực tế ông là thầy tôi và tôi là học trò của ông. Tuy nhiên chúng tôi đã trở thành bạn thân với nhau."

Crabtree đưa cho tôi một khẩu súng lục Colt 0.45, chỉ cách mở chốt an toàn và nói: "Tôi biết phóng viên không mang vũ khí trong khu vực chiến tranh. Nhưng trong tình huống bị phục kích, anh phải tự bảo vệ lấy thân vì có thể tụi nó đông hơn mình nhiều."

"Phục kích ở đây? Vùng này phẳng lì như tờ giấy, núp ở đâu được?" Tôi hỏi lại, vừa nhìn quanh quất quang cảnh đầy bụi bậm và khô ráo trong mùa khô.

"Anh sẽ ngạc nhiên đấy," Crabtree trả lời. "Những người nông dân bên đường, mấy đứa trẻ đang cưỡi trâu kia kìa - Họ đều có thể là Việt Cộng, hay ít nhất là trinh sát của chúng đó. Tôi sẽ không cảm thấy an toàn cho đến khi vào được lãnh thổ của Đại úy Ngữ. Ông ta nắm vững được tình hình, ở đây thì không chắc ăn chút nào."

Địa hạt của Đại úy Ngữ vào khoảng 80 ngàn mẫu tức 309 dặm vuông. Bộ chỉ huy và chỗ ở của ông là một căn biệt thự màu trắng xây theo kiểu Tây thực dân chỉ cách biên giới Cambodia độ chừng 500 thước. Lúc chúng tôi đến gần, hàng đoàn người Cambodia đang quẩy gánh mang ra chợ Long Khốt các loại trái cây, rau cỏ, cá, vải vóc, rượu dứa Trung Hoa và thuốc lá Gauloises của Pháp - Nhãn hiệu ưa thích của tôi lúc đó.

"Phần lớn là hàng buôn lậu đấy nhưng chuyện này không lo," Trung úy Crabtree nói. "Tụi tôi chỉ để ý những tên vượt biên giới vào ban đêm. Chúng mới là kẻ địch - bọn Việt Cộng đấy. Cambodia thực sự là khu ẩn nấp của tụi nó, mặc dù Sihanouk có nói gì đi chăng nữa."

Trở lại năm 1965, mười năm trước khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ sát hại hai triệu người dân, một phần ba dân số Cambodia, vương quốc này là một chốn thần tiên huyền hoặc. Đó là phần đất hòa bình cuối cùng của vùng Đông Dương thuộc Pháp cũ, là một quốc gia trung lập mà người cai trị, Thái tử Norodom Sihanouk đã chứng tỏ được sự sáng suốt của mình trong nhiều lãnh vực: như là một chính khách, một biên đạo múa, một tài tử và đạo diễn điện ảnh, một nhà thơ, nhà phê bình văn học, một đầu bếp, một nhạc sĩ saxo, nhạc sĩ dương cầm, nhạc sĩ phong cầm và nhà soạn nhạc hòa tấu gợi nhớ đến giai điệu lãng mạn của Charlie Chaplin. Nhưng có một điều mà ông ta thiếu sót: đó là sức mạnh quân sự. Đội ngũ 34 ngàn người của ông không kiểm soát nổi khu vực phía Đông của Cambodia mà Việt Cộng đã sử dụng làm nơi trú ẩn an toàn và cơ sở hậu cần. Ngay từ năm 1965, tôi đã thấy Việt Cộng vượt biên giới qua lại như chỗ không người. Để đối phó lại thì Đại úy Ngữ, một tay chi khu trưởng Việt Nam Cộng Hòa tầm thường, đã cài được người phía bên kia biên giới để mật báo về khi nào bọn Việt Cộng di chuyển và chuyên chở những thứ gì. Đây là trường hợp xảy ra trong cái ngày mà tôi gặp ông ta.

Lúc tôi và Trung úy Crabtree bước vào văn phòng thì Đại úy Ngữ còn đang mặc cái quần đùi và áo thun.

Đứng trước một tấm bản đồ lớn, Ngữ nói, vừa hào hứng chỉ vào một điểm bên kia biên giới chỉ cách nhà ông ít hơn một dặm: "Đây này, chúng ở đây này, Người của tôi đã khám phá ra cả một đại đội Cộng quân với 2 ngàn bao gạo. Điều này chứng tỏ chúng đang sửa soạn di hành xa. Để mình sẽ chào mừng tụi nó với pháo bông. Tôi đã báo động bên BTT rồi."

BTT là ký hiệu quân sự của Bình Thành Thôn, một căn cứ gần đó, nơi đồn trú của hai đại đội Việt Nam Cộng Hòa (ARVN) và toán Lực Lượng Đặc Biệt A-413 khoảng 12 sĩ quan và hạ sĩ quan. Họ có đủ hỏa lực để chận đứng Việt Cộng xâm nhập.

Hầu hết những người đàn ông Việt Nam tôi quen đều nói với một giọng mũi khá cao, nhưng Ngữ thì không như vậy. Ông có một giọng trầm, khàn như Jean Gabin, có lẽ do truyền thống nhiều năm phục vụ trong quân đội Pháp mà đa số là nhiệm vụ chiến đấu.

Đại úy Ngữ mặc quân phục vào định dắt tôi đi thăm chi khu nhưng trước đó ra hiệu cho tôi ngó kỹ vào tấm bản đồ:

"Chúng tôi có 10.295cư dân và trong đó 6.834người sống trong vùng tôi kiểm soát. Phần còn lại sống dưới chế độ Cộng sản. Tuy nhiên nó đã khác rất nhiều so với 5 năm trước khi tôi về đây. Lúc đó bọn Cộng sản nắm hơn hai phần ba dân số trong chi khu này."

"Cái gì đã làm thay đổi điều đó?" Tôi tò mò muốn biết.

Đại úy Ngữ chỉ vào 13 khu định cư. "Lấy mấy cái ấp chiến lược này làm thí dụ nhé. Đây là những chỗ chúng tôi đưa dân về theo kiểu người Anh đã làm tại Mã Lai Á khi ông Robert Thompson còn ở đó."

Trước khi dẫn tôi đi chung quanh bằng chiếc tàu đổ bộ của quân đội Hoa Kỳ đang đậu neo ngay sát căn nhà ông bên một nhánh của dòng sông Cửu Long, Đại úy Ngữ bắt đầu giở một trong những trò đùa thực tế của ông, có lẽ để thử sức tôi. Ông đưa tôi ghé vào một tiệm tạp hóa, giả tảng là để mua một ít vật dụng. Vừa vào tới cửa thì một con trăn to từ đàng sau cái quầy bò ra quấn vào người tôi và đặt cái đầu của nó trên vai phải tôi. Mọi người phá ra cười, Ngữ, Cabtree, chủ quán, cả nhà và khách chung quanh nữa.

Tôi liếc vào khẩu Colt 0.45 trong bao của Trung úy Cabtree, tự nhủ có thể nào chụp lấy bằng tay trái và nổ vào đầu con trăn nếu nó định quấn chặt tôi thêm hay không. Nhưng tôi nhấc không nổi cánh tay vì con trăn trói chặt quá. Con vật to lớn này may quá thôi không siết tôi nữa mà bò về chỗ cũ đàng sau cái quầy sau khi thấy chủ nhân ra hiệu.

"Thế đó, điều này chứng tỏ chúng tôi biết làm thế nào để duy trì an ninh tại đây." Ngữ cười lớn. "Đố thằng trộm nào lẻn được vào đây ban đêm. Nếu dám làm như vậy, con trăn này sẽ bóp cổ và nuốt sống nó. Nhìn đây nè, còn một con nữa sau quầy nè. Con này nhỏ hơn nhưng chẳng mấy chốc sẽ sẵn sàng để hành động."

Sau vụ đó thì chúng tôi lên đường đi thăm một vài cái ấp chiến lược của Đại úy Ngữ bằng tàu thủy.

"Tại sao anh không mang súng theo?" Tôi hỏi ông ta.

"Người Pháp đã dạy tôi là một người lịch sự phải bỏ súng ra khi vào nhà riêng của một người khác."

"Nhưng...?"

"Không có nhưng gì hết. Những ngôi làng này là nhà riêng của dân. Do đó tôi không được phép mang vũ khí vào nhà họ. Mọi người rất trân trọng điều này."

Lẫn trong tiếng động cơ nổ dòn của chiếc tàu , Đại úy Ngữ chỉ cho tôi ba ngôi làng trên tấm bản đồ: "Trong ngôi làng này, một phần ba dân là thân cộng. Cái này thì chỉ có ba tên, còn cái làng kia gần đó thì chỉ còn có hai tên theo Việt Cộng thôi."

"Sir Robert Thompson cho là cán bộ nằm vùng trong làng còn quan trọng hơn là du kích quân Việt Cộng trong rừng," tôi nói.

"Ông Thompson nói trúng phóc. Nhưng tôi biết hết bọn cán bộ nằm vùng ở đây. Tôi biết từng tên một làm chúng không làm ăn gì được. Dĩ nhiên tôi có thể tóm cổ chúng bất cứ lúc nào," Ngữ nói. "Nhưng để làm gì? Cứ mặc kệ bọn nó lại còn theo dõi được hoạt động của kẻ địch, ai là liên lạc viên và chúng định dở trò gì. Tôi còn biết cả tên của hai tên Việt Cộng đang nằm vùng trong một đại đội VNCH ở BTT. Nhưng chúng tôi để yên tụi nó. Thực tế bọn nó đang giúp chúng tôi mà không biết. Một mạng lưới chỉ điểm chặt chẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thắng chiến tranh du kích và tôi đang có một mạng lưới hiệu quả như vậy."

Chúng tôi vào một trong những ấp chiến lược và đến thẳng trạm y tế mới toanh trong một chòi đất. Thượng sĩ William Nichols, tay y tá thuộc Lực Lượng Đặc Biệt đi chung với chúng tôi lập tức bắt tay vào việc cùng với một y tá quân đội Việt Nam. Họ phát thuốc, chích thuốc, săn sóc phụ nữ mang thai, băng bó vết thương, khám phổi với ống nghe, và cố gắng an ủi một ông lão bị lao phổi nặng.

"Nichols này giỏi lắm," Trung úy Crabtree nhận xét. "Tôi đã từng thấy hắn mổ cả những trường hợp khó khăn nữa."

Chúng tôi ra ngoài và tôi sửng sốt thấy nhiều người đàn ông mặc đồ đen mang súng trường M-1 đứng đầy trong làng.

"Trời đất ơi, Đại úy," tôi thốt lên. "Việt Cộng không hà!"

"Bình tĩnh lại," Ngữ thản nhiên trả lời, "Không sao đâu, đây là người của tôi. Họ trông giống Việt Cộng đấy nhưng là lực lượng nhân dân tự vệ. Họ sống chung với gia đình ở đây. Nhiệm vụ họ là bảo vệ xóm làng, nhất là ban đêm để đừng bị rơi vào tay Việt Cộng lúc trời tối. Khi cần thiết, họ sẽ được tăng cường yểm trợ nhanh chóng từ những đơn vị đang đóng ở BTT."

"Như vậy họ là một thành phần quan trọng cho chương trình chống nổi dậy à?"

"Đúng vậy. Nhìn bề ngoài tưởng không quan trọng nhưng trên thực tế họ rất hiệu quả. Chúng ta phải đánh cuộc chiến này theo lối của Việt Cộng. Thật là ngu nếu phải đánh nhau với những phương cách qui ước, và càng ngày càng có nhiều người cứ muốn làm như vậy. Chiến tranh qui ước không mang lại cảm giác an toàn cần thiết cho người dân. Cách của chúng tôi tốt hơn, ông thấy đấy."

Trên đường trở về Long Khốt, Ngữ nói với tôi với vẻ mặt bí ẩn: "Anh là người Đức, anh thích ăn thịt ngỗng, đúng không? Tôi từng có nhiều bạn bè người Đức trong đội lính Lê Dương, thằng nào cũng thích thịt ngỗng cả."

"Vâng, chúng tôi ai cũng thích hết, nhất là vào dịp Giáng Sinh: ngỗng quay với cải đỏ và bánh khoai tây. Một món ăn khoái khẩu mùa đông nhưng tôi nghĩ sẽ không thích hợp cho khí hậu nhiệt đới ở đây."

"Tối nay sẽ có món thịt ngỗng lạnh trộn xà lách," Ngữ tuyên bố với vẻ mặt tinh quái.

Tôi lại phải sửa soạn cho một trò đùa thực tế nữa rồi. Khi chiều xuống, chúng tôi ngồi trước một bàn ăn phủ một tấm vải trắng bên cạnh các cánh cửa kiểu Pháp dẫn ra khu vườn của nhà Đại úy Ngữ. Có một con khỉ bị xích lại cứ nhảy tưng tưng từ trong nhà ra cái cây ngoài vườn. Bà vợ Đại úy Ngữ tiếp cho chúng tôi rượu Beaujolais trong những hộp thiếc, có lẽ mua từ những tay buôn lậu Cambodia.

Một người làm dọn lên một tô thủy tinh chứa đầy một chất lỏng màu đỏ trong đó có lẫn những miếng thịt bầy nhầy.

"Thịt ngỗng nè," Ngữ cười vang lên. "Gỏi ngỗng tươi. Ngon lắm."

Tôi thật tình không biết có phải là thịt ngỗng hay không. Tuy nhiên cũng múc một ít vào đĩa và độn vào một đống cơm với ý định chỉ ăn một chút phần trên thôi. Nhưng cái chất lỏng màu đỏ từ thấm ra khỏi đống cơm và đúng lúc đó con khỉ đu vào trong phòng ăn và "hạ cánh" chễm chệ trên đầu tôi.

Tôi nhìn vào đĩa cơm đẫm màu máu trong khi con khỉ nắm tóc tôi. Mọi người cười vật vã ra và đột nhiên tôi thấy muốn bịnh. Ngữ chỉ cho tôi đến phòng vệ sinh. Tôi tìm không ra công tắc bật đèn nhưng đoán đây chắc là loại nhà vệ sinh ngồi xổm kiểu Pháp mà tôi biết. Tôi bước lên hai cái bệ mà tôi cho là bệ nhà cầu và đi tiểu, cũng như nôn tháo về cái hướng mà tôi đoán là cái lỗ cầu tiêu.

Bỗng nhiên mặt đất dưới chân tôi bắt đầu di chuyển, đưa hai bàn chân tôi dạng ra lúc càng xa hơn. Tôi tìm ra cái bật lửa Zippo và nhận thấy ra là tôi đang đứng trên hai con rùa khổng lồ đang cố bò thật nhanh đến hai con khác. Đã đến lúc phải về thôi. Nói cho cùng, tối hôm đó tôi đã có dự tính tháp tùng Trung úy Crabtree và toán hỗn hợp quân lính Việt và Mỹ trong một cuộc hành quân ngăn chận Việt Cộng xâm nhập. Do đó tôi từ giã Đại úy Ngữ và bà vợ anh ta.

"Hẹn gặp ngày mai để anh nhẩy dù nhé."

Tôi, nhảy dù? Lại giỡn chơi nữa hay sao?

Đêm hôm đó, Trung úy Crabtree và tôi nằm sấp trong một cái mùng cách biên giới hai trăm thước, mắt chăm chăm vào bóng đêm. Chẳng thấy ai tới cả. Tuy nhiên một chốc sau, có lẽ khoảng nửa dặm về phía tay mặt của chúng tôi, trời đất bỗng nổi cơn thịnh nộ. Tiếng súng nhỏ, súng liên thanh, tiếng bích kích pháo nổ rền trời. Tôi thấy trời đêm rực sáng lên.

"Phe ta chắc đang đột kích tụi đại đội Việt Cộng với 2 ngàn bao gạo mà Đại úy Ngữ đã nói tới," Crabtree nói.

Sáng hôm sau chúng tôi lái xe đến Bình Thành Thôn. Một chiếc Caribou của Quân đội Hoa Kỳ vừa đáp xuống cái phi đạo đất để cho các sĩ quan và binh lính Lực Lượng Đặc Biệt nhẩy dù bồi dưỡng để tiếp tục được đeo huy hiệu bằng Dù. Đại úy Ngữ đã có mặt sẵn tại đó, miệng cười toe. Phi hành đoàn lập tức đeo một cái túi dù trên lưng tôi. Tôi không phản đối. Tôi chưa bao giờ nhẩy dù trong đời cả nhưng không muốn bị mất mặt với Đại úy Ngữ. Vả lại theo như lời Crabtree kể, anh ta là một người hùng mà. Trong thời gian đó, tôi hết sức ngông cuồng, tuổi thì trẻ và rất dẻo dai, chỉ cân nặng có 140 pounds, lại không có gió mạnh nữa. Tôi tự nhủ chẳng có gì mà lo lắng cả.

Điều tiếp theo tôi biết là chúng tôi đã bay lên trời rồi. Tôi đứng dậy theo mọi người và làm theo họ móc dù vào sợi giây cáp phía trên. Tôi nghe người phụ trách nhẩy dù hô toáng lên. Mọi người nhanh chóng nhẩy ra theo từng đợt từ phía sau chiếc Caribou. Tôi chưa kịp suy nghĩ bao giờ đến phiên mình thì đã bay ra ngoài chiếc máy bay và rơi xuống rồi. Chiếc dù mở ra như dự tính. Có ai đó đã từng mách với tôi là khi nhẩy dù chạm mặt đất thì phải lăn mình ra phía trước. Tôi làm y như vậy. Thế là xong. Tôi còn sống sót và toàn mạng. Chúng tôi rơi xuống một cánh đồng khô ráo. Tôi cuốn dù lại với sự giúp đỡ của một anh lính và đi theo những người khác. Chúng tôi đến một trạm nghỉ chân.

Bỗng nhiên mặt đất dưới chân tôi sụp xuống. Tôi vội vàng nhẩy qua một bên. Chỗ tôi vừa đứng lại trồi lên lại. Tôi dùng hết sức mình nhẩy mạnh lên chỗ đó và nghe thấy một tiếng rên. Tôi lại bước qua một bên, hiểu ra là có ai đó đang núp bên dưới. Tôi cẩn thận moi đất chung quanh để lộ ra một cái nón cối ngụy trang, cái kiểu mà lính Việt Cộng hay đội vậy. Tiếp theo là tôi thấy một mũi súng thò ra. Tôi cẩn thận nắm lấy ngay và kéo nó ra khỏi mặt đất. Tôi đã có trong tay một khẩu súng M-1 cổ lỗ sĩ từ thời Đệ Nhị Thế Chiến. Tôi gọi một anh Lực Lượng Đặc Biệt lại và hè nhau lôi ra một gã ốm yếu, trạc tuổi trung niên và ăn mặc toàn đồ đen. Hắn đứng run lẩy bẩy.

"Can đảm lên anh bạn, đối với anh cuộc chiến đã chấm dứt rồi," Tôi nói với hắn bằng tiếng Pháp. Anh ta nhìn tôi nhăn nhó.

Những người Mỹ giữ khẩu súng và trao tù binh cho các sĩ quan VNCH. Tôi giữ lại cái nón cối làm kỷ niệm. Nó nằm hàng chục năm trên một cái kệ đàng sau bàn giấy trong thư viện ngôi nhà của tôi tại Pháp. Tôi thường ngắm cái vật đó và tư lự: Đại úy Ngữ, bây giờ anh đang ở đâu? Anh quả là một người hùng, một người cương trực với tính khôi hài một cách dữ dằn. Đâu rồi những con trăn, con khỉ, đĩa xà lách ngỗng tươi và những con rùa khổng lồ của anh? Anh có sống sót nổi qua những trận đánh mãnh liệt những năm sau đó đã tràn ngập vào Long Khốt và chi khu của anh? Anh còn sống nổi sau chiến thắng của Cộng quân năm 1975 không? Liệu bọn Cộng sản có thắng nổi nếu lý thuyết của Sir Robert Thompson và của anh đã được áp dụng?

Vâng, anh là một người tốt. Một người giỏi nhất. Chương này đã được viết ra để vinh danh anh, Đại úy Ngữ, và những ai muốn tỏ lòng tôn kính anh có thể đến Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam tại Garden Grove, California. Đó là nơi mà chiến tích của tôi, cái nón cối của gã Việt Cộng mà tôi đã bắt được sau chuyến viếng thăm anh đã tìm được chốn dung thân cuối cùng.

Tác giả: Uwe Siemon-Netto
Dịch thuật: Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền


Theo Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn