BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73234)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tức tưởi

28 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 1614)
Tức tưởi
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Một loạt đạn AK nổ vang đánh thức tôi dậy. Tôi lăn xuống khỏi giường, nằm sấp trên sàn nhà nghe ngóng. Có tiếng nhiều người la hét và tiếng chân chạy rầm rập ngoài đường.


 - Đứng lại! Đứng lại không tao bắn!


Rồi một loạt đạn AK nữa nổ gần hơn. Tiếng đạn rít trên mái nhà tôi nằm.


 - Bắt chúng nó lại! Bắt chúng nó lại!




Tác giả

Tôi trườn người lại gần vách lá nhìn ra đường. Trời mờ mờ sáng. Một toán công an CS năm bảy tên đang rượt đuổi mấy thanh niên mặc thường phục. Tôi thoáng thấy hai thanh niên hớt hải chạy quẹo vào một ngỏ hẻm. Mấy tên công an CS có súng đuổi theo họ bén gót. Hai thanh niên khác vứt chiếc xe gắn máy họ đang cỡi bên lề đường, chạy nhanh về phía căn nhà tôi đang trú ẩn. Chạy được khoảng ba bốn mươi thuớc, một trong hai người quẹo phải nhảy qua một hàng rào thấp, lẫn vào sau nhà dân. Người kia, mặc áo sơ mi trắng, quẹo trái, gặp ngõ cụt lúng túng không tìm được lối thoát đành đưa hai tay lên trời khi hai tên công an đuổi tới gần. Một tên công an mặt đằng đằng sát khí, tiến nhanh đến sát người thanh niên và dộng mạnh báng súng AK vào bụng anh. Tôi nghe một tiếng hự phát ra từ miệng người thanh niên. Anh gãy gập người, ôm bụng.


 - Chạy hã? Chạy hã? Tính trốn được các ông đấy à?


Tên công an vừa hét vừa tống thêm một báng súng nữa vào má trái của anh. Anh ngã nhào trên mặt đường. Máu mũi, máu miệng anh chảy tràn ra thấm đỏ chiếc áo trắng anh đang mặc. Anh thanh niên lồm cồm ngồi dậy, miệng lẩm bẩm nói gì tôi không nghe rõ. Tên công an thứ hai vừa đến, đá thốc vào hạ bộ anh. Anh thanh niên ngã ngửa, quằn quại trên đường. Một tên công an giận dữ hét:


 - Tại sao ông hô đứng lại mà mày không đứng lại?


 - Tôi nghe tiếng hô nhưng không thấy các ông đâu. Khi nghe tiếng súng sợ bị trúng đạn nên mới chạy.


Anh thanh niên thều thào đáp. Tên công an vẫn giận dữ quát tháo:


 - Mày ngoan cố. Mày không có mắt hay sao mà không trông thấy các ông ngồi ngay bên trong cửa sổ đồn công an đó?


 - Thật tình tôi không thấy.


Anh thanh niên đáp. Tên công an lại hét:


 - Quỳ xuống! Mày quỳ xuống đây.


Anh thanh niên còn ngần ngừ thì tên công an đã đá thật mạnh vào sau gối anh làm anh ngã quỵ trên hai chân.


 - Ông bảo mày quỳ xuống. Cứng đầu hã?


Đơn dộc, tay không trước họng súng AK, anh thanh niên đành làm theo lệnh của bọn công an. Máu vẫn tiếp tục chảy ra từ miệng và mũi anh.


 - Chúng mày chở nhau đi đâu lúc trời chưa sáng?


Một tên công an hạch hỏi:


 - Chúng tôi về quê thăm gia đình.


 - Gia đình mày ở đâu?


 - Ở cách đây mấy cây số.


Chỉ vào chiếc xe gắn máy nằm trên đường, tên công an hỏi:


 - Còn chiếc xe kia của ai?


 - Của em tôi cho tôi mượn.


 - Em mày ở đâu? Giấy tờ xe đâu đưa đây ông xem.


 - Em tôi ở Sài Gòn. Giấy tờ xe em tôi giữ. Tôi quên mượn đem theo.


Tên công an sừng sộ:


 - Mày khai man với Cách Mạng đó à? Mày ăn cắp chiếc xe nầy ở đâu, khai ra ngay.


 - Xe của em tôi thật mà. Tôi không có ăn cắp xe của ai hết.


Ngay lúc đó một tên công an khác trờ tới:


 - Các đồng chí mau đem hắn về đồn làm việc.


Anh thanh niên bị trói quặt tay ra sau lưng và bị dẫn về đồng công an.


 


Nghe tiếng súng và tiếng hò hét của toán công an, cả nhà em gái tôi và hàng xóm đều thức giấc len lén nhìn ra đường. Mấy cháu nhỏ con của em tôi sợ hãi ôm nhau ngồi trong một xó nhà. Em gái tôi lo âu:


 - Mấy hôm nay chúng nó đóng chốt khắp các ngả đường và chận bắt tất cả mọi người lạ mặt đến thị trấn nầy. Có mấy gia đình bị chúng xông vào nhà ban đêm bắt đàn ông dẫn đi. Chúng nó mà biết có anh ở đây chúng cũng không để mình yên đâu. Nhưng trong tình thế nầy, lộ mặt ra nguy hiểm lắm. Anh cứ ở liều đây mấy hôm rồi sẽ tính.


 


Tôi từ đơn vị về đến Sài Gòn thì cha tôi đã thúc giục:


 - Cha nghĩ con không nên ở Sài Gòn. Ở đây khác gì ở trong rọ. Con chưa vợ chưa con thì phải tìm đường thoát thân. Cha mẹ tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn tự lo được.


 - Cha nghĩ con phải làm gì bây giờ?


Cha tôi suy nghĩ lúc lâu rồi đáp:


 - Ngủ đỡ đêm nay ở đây rồi sáng mai tức tốc lấy xe gắn máy chạy xuống mấy tỉnh miền Nam tìm đường ra biển.


 - Cha nghĩ giờ nầy có trễ quá không?


 - Không sớm mà cũng chưa muộn. Còn nước còn tát. Ở đây thì vô phương. Con nên ghé em gái con xem nó có quen biết ai vùng biển có thể giúp được con. Cha mẹ không yên thấy con ngồi đây đợi chúng nó đến trói tay dẫn đi. Nghe cha tôi nói, mẹ tôi rơm rớm nước mắt, ôm tôi nhắc nhở:


 - Con nghe lời cha con đi con. Con thoát được là cha mẹ mừng lắm.


 


Sáng sớm hôm sau, tôi nhét túi chút tiền mẹ tôi cho và lên đường xuôi Nam. Cảnh hỗn loạn diễn ra khắp nơi trên đường tôi đi nên tôi may mắn đi trót lọt. Khi vừa nghe tôi bày tỏ lý do ghé thăm đột ngột, em tôi nói nhỏ:


 - Anh xuống hơi trễ. Cách đây hai bữa đã có một chiếc ghe nhỏ thoát được. Có mấy người như anh đã ra đi trong chiếc ghe ấy. Để em thăm dò xem động tĩnh ra sao. Còn nhiều người muốn vượt thoát lắm.


 


Đêm đó em tôi dặn dò tôi làm sao thoát ra khỏi nhà và trốn ở đâu nếu thình lình có công an soát nhà ban đêm. Tôi mệt mỏi nhưng nằm mãi mới nhắm mắt được. Tôi mơ thấy chiếc ghe nhỏ của tôi đang vượt sông ra biển thì bị ghe tuần của công an rượt theo bắn xối xả. Máu đổ, người chết, ghe sắp chìm. Tôi nhảy xuống nước chui vào núp dưới một lùm bèo lớn đang trôi trên sông. Nước phù sa đục ngầu và chảy xiết... Tôi giật mình tỉnh giấc, mồ hôi vã ra như tắm, tim đập loạn xạ.


 


Tôi ghé lại em tôi tại thị trấn nầy hôm trước thì hôm sau tôi chứng kìến cảnh công an CS chận bắt người lạ mặt. Ba giờ chiều ngày hôm đó thì công an vát loa kêu gọi dân chúng tụ tập tại trước đồn công an để chứng kiến cuộc xử án một tên ác ôn. Gọi xong không thấy ai hưởng ứng, công an đi đập cửa từng nhà lùa mọi người ra đường. Dân chúng lấm lét nhìn nhau lo âu chẳng biết ai đã làm gì mà bị gọi là ác ôn. Khoảng một giờ sau, công an đã lùa được khoảng trăm người trong đó có nhiều người già, đàn bà, con nít tụ tập trước đồn công an không xa nhà em gái tôi mấy. Tôi tò mò, men theo đàng sau mấy căn nhà kín đáo đối diện với đồn công an, núp sau một vách lá quan sát hiện trường.


 


Người sắp bị xử án chính là anh thanh niên bị công an đuổi bắt và đánh đập trong buổi sáng. Hai cánh tay anh vẫn còn bị trói quặt ra sau lưng. Mặt mũi anh bầm tím, hai mắt và môi sưng húp. Chiếc áo trắng đẫm máu của anh khi sáng đã được thay bằng một chiếc áo cũ màu vàng ố. Bọn công an bắt anh ngồi bệch trên đường. Trông anh rã rời, kiệt lực. Tôi biết là anh đã lãnh đủ trận đòn thù tập thể của bọn công an khi chúng khai thác anh trong đồn của chúng từ sáng đến trưa.


 


Tới giờ xử án, một tên công an lớn tuổi bước ra trước đám đông dân chúng nói lớn, giọng hằn học:


 - Sáng nay, lực lượng công an nhân dân thị xã T.N. đã chận bắt được một tên phản động và đã phát giác ra rằng hắn là một tên lính Ngụy thuộc loại ác ôn, nguy hiểm. Hắn ngoan cố không chịu ra đầu thú chính quyền Cách Mạng ở Sài Gòn mà đã cùng đồng bọn lén lút xâm nhập thị xã của chúng ta để âm mưu chống phá Cách Mạng. Hắn đã quen thói cướp giật của nhân dân một chiếc xe gắn máy và nhiều tiền bạc. Xét rằng tên Nguyễn Văn T. là một thành phần ác ôn, phản động, có nợ máu với nhân dân, âm mưu chống phá Cách Mạng. Toà án nhân dân thị xã T.N. quyết định tuyên án tử hình tên Nguyễn Văn T. để làm gương cho những tên phản động còn sót lại của chế độ Mỹ Ngụy. Đồng bào có ai muốn phát biểu ý kiến gì không?


 


Đám đông ngỡ ngàng, sợ hãi, im lặng. Người lính quốc gia sa cơ thất thế vẫn bất động. Trận đòn thù đã làm thể xác anh bầm dập, đau đớn nhưng anh vẫn cắn răng chịu đựng, không mở miệng xin tha. Tim tôi bỗng dâng lên một niềm thương cảm và mến phục. Tên công an lớn tuổi lại nói:


 - Đồng bào đã nhất trí. Đồng chí M. hãy thi hành bản án.


 


Từ đồn công an, một tên mặt mày lạnh lùng, hung tợn, tóc ngắn dựng ngược, hai mắt đỏ gay, tay cầm một con dao dài nhỏ bản và nhọn hoắt bước tới gần người lính quốc gia. Hắn lạnh lùng túm lấy tóc anh và kéo ngược đầu anh về phía sau. Có mấy em bé chợt khóc thét vì sợ hãi. Mấy bà cụ vội đưa tay che mặt khóc. Ai cũng ngỡ rằng tên đao phủ công an sẽ cắt cổ hay chặt đầu người lính quốc gia nhưng không. Hắn thản nhiên đưa mũi dao nhọn vào khoảng da thịt lõm giữa cổ và xương đòn gánh trái của anh. Bằng một động tác thật nhanh và mạnh, hắn thọc sâu lưỡi dao vào lồng ngực anh về hướng trái tim. Người lính quôc gia chỉ kịp nấc lên một tiếng lớn. Một vòi máu đỏ phụt cao lên quá đầu anh rồi rơi xuống nhuộm đỏ đầu mặt anh và chiếc áo anh đang mặc. Lại có mấy người đàn bà hét lên thất thanh rồi ngất xỉu. Nhiều người kinh hoàng chạy ra xa khỏi đám đông. Tên đao phủ ngoáy ngơáy mũi dao mấy bận cố đâm nát tim người lính quốc gia. Hắn buông tay khỏi đầu tóc anh. Thân anh ngã đổ xuống mặt đường. Hắn lật anh nằm nghiêng bên trái rồi đâm bồi một nhác dao nữa từ phía dưới lá gan xuyên lên hướng tim. Lưỡi dao xuyên suốt thân thể người lính ngập gần đến cán. Không thấy người lính cử động, hắn rút dao ra, lạnh lùng lau mũi dao vào thân anh lính rồi quay trở lại đồn công an. Đám đông tan nhanh dù bọn công an cố giữ họ lại. Mấy bà cụ, mấy phụ nữ vừa chạy vừa khóc tức tưởi.


 


Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cảnh hành quyết man rợ bằng dao "đâm hang cua" của những tên đao phủ CS. Hằng ngày cứu chữa thương binh tôi đã quen thấy máu nhưng vòi máu phụt lên cao từ tim người lính


quốc gia làm xương sống tôi ớn lạnh. Tôi như choáng váng. Tôi nhìn người lính quốc gia can đảm chấp nhận số phận sa cơ thất thế một lần chót rồi kín đáo quay lại căn nhà của em tôi. Tiếng súng cuối cuộc chiến đã ngưng nhưng anh đã không may lọt vào tay kẻ thù tàn ác quá sớm. Một loại kể thù đã nhiễm độc chủ thuyết CS khát máu, mất hết tính người, mất hết bản chất dân tộc.


 


Sau đó, bọn công an còn cột chân anh vào một chiếc xe jeep và kéo lê xác anh qua các dãy phố của thị trấn T.N. cho đến khi xác anh nát bấy mới vứt ở ngoài đường. Cảnh giết người quá dã man nầy làm cho dân chúng thị trấn T.N. kinh hoàng, chết lặng.


 Hai mươi lăm năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh hãi hùng của cuộc trả thù man rợ vẫn còn im đậm trong tâm khảm tôi. Cho đến giờ nầy những cuộc trả thù vẫn còn đang tiếp dìễn trên quê hương Việt Nam. Biển máu và rừng xương.


Nguyễn Trác Hiếu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn