BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73219)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vợ người lính chiến VNCH: Một cuộc đời

15 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 1449)
Vợ người lính chiến VNCH: Một cuộc đời
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nhiệm vốn là một sĩ quan dưới quyền Tướng Liên Minh Trình Minh Thế và được Quốc Gia hóa vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa năm 1955. Sau đó, để tránh sự nghi ngại, đơn vị Nhiệm được phân tán mỏng cho tham gia các chiến trường khắp Bốn Vùng Chiến Thuật.

Cũng như những binh sĩ khác, Nhiệm đã dâng hiến một thời tuổi trẻ của mình cho những trận địa miền Trung để giành từng tất đất cằn cỗi, từng ngọn đồi lẻ loi hiểm trở và cả dải Trường Sơn chằng chịt sốt rét cấp tính thật kinh hoàng. Để bảo vệ từng nhơn mạng nghèo nàn nơi cô thôn tịch mịch và từng làng quê hẻo lánh xa xôi được an toàn, muôn dân có cuộc đời an vui hạnh phúc, đáng sống...

Năm 1965 Thiếu Tá Lê Thành Nhiệm được chuyển về miền Nam với nhiều chiến tích. Huy chương óng ánh đầy trên ngực, chàng chiến binh dũng cảm này đã nhờ đơn vị chủ hôn và mang theo cô học trò Thùy Nga mới tròn 18 tuổi, nàng hãy còn ngây thơ trong trắng mà chàng đã dày dạn ngót 40.

Từ lúc hồi quê cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, không ai có thể ngờ, gia đình một sĩ quan cấp tá mà vẫn nương náu dưới mái tranh vách ván ọp ẹp nghèo nàn, bên cạnh nghĩa trang Cực Lạc Cũ, thuộc xã Long Thành, quận Phú Khương, Tây Ninh.

Tây Ninh


Nhiệm bị bắt đi tù “Cải Tạo” để vợ và 5 con ở lại nhà với đôi tay trắng, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình Nhiệm không có cách nào hơn câu: “Tiền lính tính liền”.

Thùy Nga trõm lơ đôi mắt, tiễn chồng đi tù “cải tạo” mà không còn một giọt nước mắt, không thoáng nỗi nét cười, nàng im lìm cắn răng dìm tiếng nấc âm thầm chịu đựng.

Sau khi hôn các con, Nhiệm rụng rời nắm đôi tay lạnh ngắt của vợ, giọng run run:

Nga, anh là người bại trận, mất sạch rồi, từ giờ em và con hãy tự sanh! Vĩnh biệt em và các con...!

Nhiệm cắn môi chảy máu mà không hay, nước mắt không ngăn nổi, tuôn rơi dầm dề, thật chẳng giống tính khí khi chàng lâm trận đối địch, sống chết với kẻ thù! Chàng biết lần nầy đi là vĩnh biệt! Không bao giờ gặp lại người thương yêu nhất trên đời! Vợ con là núm ruột, là tất cả sự sống của chàng. Trước nay dù hẩm hút nhưng cũng do tay chàng dang rộng chở che. Giờ đây, vợ con phải sống ra sao? Không một đồng một chữ, cha mẹ qua đời, các em túng quẫn khó nuôi được mình có đâu giúp cháu! Nhiệm không dám nghĩ nữa, chân lê từng bước thẫn thờ...

Mỗi bước đi lòng nghe nức nở,

Trái tim đau trăn trở nghẹn ngào.

Sợi buồn chất ngất trời cao,

Khối sầu e ấp lệ trào khôn vơi...

Nhiệm u uất lên đường như người thực vật, Thùy Nga cố trấn tĩnh trong phút chia tay để chồng an tâm ra đi. Bây giờ còn lại một mình, nàng nhìn 5 đứa con thơ, nước mắt tự nhiên tuôn dầm như dòng suối cực đại mới sa, như ngọn thác Cam Ly rơi ầm ầm xuống vực...! Nàng làm sao nuôi nổi bầy con đây? Trước nay nàng chỉ là người nội trợ, bản tánh không đua đòi, se sua, không quan tâm đến tiền bạc, mỗi tháng chồng đưa bao nhiêu chi xài bấy nhiêu, liệu cơm gắp mắm, có nhiều cho con ăn nhiều, có ít gia đình kham khổ rồi cũng qua ngày. Nàng không mượn nợ bao giờ, theo phương châm: “Tri túc, tiện túc, hà thời túc...” Bao nhiêu tiền đối với nàng cũng đủ cho mấy mẹ con no cơm ấm áo. Thùy Nga tuyệt đối tin cậy khả năng bảo dưỡng của chồng, nay lâm cảnh ngặt nghèo nàng chết điếng trong lòng, không biết giải quyết cuộc sống gia đình ra sao đừng nói chi đến việc các con học hành!

Tục ngữ có câu: “Bụng đói đầu gối phải bò”. Trước hoàn cảnh chẳng đặng đừng, nàng đành để 3 đứa con trai lớn, buổi sáng đi học, buổi chiều xin cho Trung, thằng con trai đầu lòng 10 tuổi, đi bán cà rem, hai đứa kế: Nam và Hùng 8 và 6 tuổi vô lò nhang, học xe nhang. (Xe tay, từng cây nhang một) Hai cháu hãy còn quá ít tuổi, nhưng nàng năn nỉ quá chân tình, hơn nửa trước trạng huống đáng thương, chủ lò cầm lòng không đậu, chẳng những chấp nhận dạy dỗ tay nghề còn cho mỗi đứa chút quà sáng, Thùy Nga quá đỗi vui mừng chỉ còn 2 bé gái: Hoa 4 tuổi, ở nhà chơi với em Tâm 2 tuổi. Phần các con sắp xếp tạm ổn, giờ chính bản thân nàng. Thùy Nga vội sang bà Bảy hàng xóm:

- Bà Bảy ơi! Anh Nhiệm đi tù “cải tạo” rồi, giờ còn 6 mẹ con tôi thật bơ vơ, không nơi nương tựa, một mình khó nuôi nổi mấy đứa nhỏ. Tôi đánh liều sang đây, nhờ bà Bảy thương tình cho tôi mướn chịu 2 đám ruộng để trồng rau muống, làm phương sinh sống qua ngày. Xin bà rộng lòng giúp đỡ cho.

Bà Bảy nhìn Thùy Nga với ánh mắt dịu dàng:

- Là láng giềng tôi hiểu cô và chú Nhiệm lắm lắm, tôi rất quí cô chú. Nhưng cô thấy đó, gia đình tôi cũng sống nhờ vào ít ruộng nương này, nếu chia cô 2 miếng, tôi còn lại chẳng là bao, e cũng khó sống trong thời buổi này!

- Tôi cũng hiểu vậy, nhưng đến nước cùng, xin bà Bảy bao dung cứu giúp gia đình khốn khổ như tôi.

- Đời thay đổi, đổi thay tựa bức tranh vân cẩu đượm màu tang thương. Kiếp người tuy mỏng manh ngắn ngủi như đóa phù dung sớm nở tối tàn mà mấy ai tròn vẹn an nhàn hạnh phúc đâu? Bà thấy con dâu mình lo nuôi bầy cháu nội, nếu không có bà, bầy cháu sẽ khốn đốn biết chừng nào! Nghĩ vậy nên bà tương cảm cho hoàn cảnh Thùy Nga:

- Nói thì nói vậy, nhưng thôi, tôi đành nhường cơm xẻ áo với cô, cô muốn sử dụng mấy miếng và miếng nào tùy ý. Gắng lo nuôi mấy đứa nhỏ.

- Đội ơn bà Bảy, bà là Bồ Tát cứu độ gia đình tôi, tôi nguyện ghi ơn bà suốt kiếp.

Bà Bảy lắc đầu nhè nhẹ, thở dài:

- Thật tội nghiệp, nhưng rất tiếc, tôi không có gì giúp cô hơn nữa.

Được bà Bảy cho thuê chịu mấy mảnh ruộng trồng rau, làm kế sinh nhai, Thùy Nga thấy hơi vững dạ. Để bắt đầu nghề buôn bán trong đời, chiều hôm đó nàng xách liềm, quảy gánh băng đồng vượt suối Cạn, đi tìm các ruộng rau muống người ta trồng sẵn quanh vùng. Nàng không quen đi đường bờ qua cánh đồng ruộng trải dài từ đầu xóm này sang đầu xóm khác, Thùy Nga trợt chân té không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần trợt té, nàng gắng gượng đứng lên, nàng chưa tìm và mua được rau muống mà mồ hôi ướt đẫm mình mẩy. Mặt trời đã ngả về Tây, làm nàng bồn chồn lo lắng trăm bề, nàng không thể thối bước nản lòng được, phải tìm mua cho được tối thiểu một gánh, để sáng hôm sau đem ra chợ Long Hoa bán kiếm chút lời, mua gạo cho con. Trong đầu lúc nào nàng cũng nghĩ đến gạo, phải có gạo để nuôi con, phải có gạo 6 mẹ con nàng mới sống được! Vì không kinh nghiệm, hỏi thăm người ta chỉ dẫn, nhưng khi lặn lội đến nơi, chủ đã bán mất rồi chỉ còn đám gốc rau muống xanh lơ trơ trọi dưới ánh chiều tà...

Trước tình huống kém may, Thùy Nga tối tâm mặt mày, vì chưa từng bôn ba nên sức cùng lực kiệt, dầu vậy nàng phải lê từng bước, cố thu ngắn đoạn đường đến ruộng rau khác. Bây giờ, đối với nàng mỗi bước đi là một cực hình, vì bàn chân trần trụi mềm mại phải giẫm lên những cục đất khô cằn nhọn hoắt như chông, trải dài trên bờ đê, chúng lạnh lùng đâm toạc vô chân như mũi kiếm vô tình của người sát thủ...!

Sự đau đớn về thể xác vẫn không làm băng hoại tinh thần, nàng nhẫn nại, cương quyết giữ vững niềm tin và hy vọng mua được một gánh rau đầu đời; với đôi vai mỏng manh của người mẹ hiền từ đây phải đảm đang nuôi bầy con dại bằng gánh rau muống...!

Thời gian thấm thoát có chờ ai, thoáng chốc ráng chiều chỉ còn thoi thóp vài đóm vàng hoe, đọng lại trên chót vót của đầu chòm cau trong xóm và đỉnh núi Bà Đen.

Sự kiên tâm trì chí của Thùy Nga gần như rã rời tơi tả, sức dường cạn kiệt, miệng khô cằn đắng nghét, nàng lê đôi chân trĩu nặng, một bước rồi một bước, nàng tự nhủ: “Mình không thể ngã quỵ được, các con đang đợi chén cơm bát cháo...”

Trời không phụ lòng người, cuối cùng nàng cũng gặp may, khi nhìn dáng vẻ và sự trình bày gia đình lâm cảnh bi thương của Thùy Nga, ông bà chủ ruộng rau muống, xúc động từ tâm nên đồng ý bán chịu đám rau cho nàng. Để cứu nguy khẩn cấp, gia đình chủ ruộng đốt mấy cây đèn dầu, bưng ra tận nơi phụ cắt nên chẳng bao lâu đã chất đầy một gánh rau tươi tắn, lập lòe dưới ánh đèn mờ ảo giống hai pho tượng phật Di Lạc, đang ngồi bệt dưới đất, im lìm cười te toét giữa đêm đen chập chờn...

Bây giờ Thùy Nga có đôi phần hởi dạ, nàng nhìn hai ân nhân mà rưng rưng nước mắt, không nói nên lời, chỉ khắc sâu vào tâm khảm:

“Tình người đáng quí kính!”

Thùy Nga quảy gánh rau về đến nhà đã 9 giờ đêm, hai bàn chân bị đất khô châm chích, loang lổ đến đổ máu và sần sùi như da mít, làm đau nhức thấu xương...! Hai vai nổi phồng bong bóng, rờ tới đâu đau tới đó.

Tuổi xuân hơ hớ nõn nà,

Vai vàng gót ngọc đóa hoa mỹ miều!

Đổi đời chìm nổi trớ trêu...!

Mẹ con ngơ ngác trăm chiều ngổn ngang.

Dầu lâm nghịch cảnh phũ phàng,

Thiếp xin trọn kiếp vì chàng vì con...!

Thấy mẹ về Trung hối hả giúp, đem gánh rau vô nhà, lấy dầu Nhị Thiên Đường xức chân và vai cho mẹ rồi lộ nét vui mừng:

- Má ơi, sáng nay sau khi má đi rồi, ông chủ cà rem, dạy con cách mang bình, rao và bán làm sao cho khách hàng vui vẻ mua nhiều. Con học mau, ông chủ khen và cho con đi bán liền. Con hăng hái mang thùng cà rem lên vai, ra đi không ngần ngại, may mắn con bán hết thùng rất sớm. Trên đường về gặp người ta đang nhổ mì, con vô xin làm phụ, người ta cho con gôm cây chất đống, thấy con làm tích cực, họ cho một rổ củ mì, con đem về rửa sạch chờ má đó, giờ làm gì hả má?

Thùy Nga trìu mến ôm con, vò đầu:

- May quá, con tôi thật giỏi, lấy nồi, nhóm lửa, bắc lên nấu đi con, nhớ cho một ít muối nha, các em con đói lắm rồi đó.

Nam thấy Trung có củ mì và mẹ cũng mua được một gánh rau muống, lòng vui lây:

- Má, má nầy, Hùng và con cũng có phần nữa nè, hôm nay chưa đi học xe nhang, tụi con đi móc hang, được bốn con cua đồng và nhổ được một rổ rau hẹ nữa nè.

Thùy Nga nhìn con trâng tráo, nàng thở khì ra thật mạnh, nghe lòng tê tái, chua xót, đắng cay khôn cùng! Nàng thương con không bờ bến, nỗi đau cấu xé buồng tim như muôn ngàn mũi kim đâm nát bấy trong lòng. Con nàng hãy còn quá ngây thơ khờ dại, đáng lẽ chúng phải được đùm bọc trọn vẹn trong vòng tay của cha mẹ như Đấng Thượng Đế ôm bầy con cưng yêu quí nơi cõi trần hồng. Nước mắt Thùy Nga lại rơi lả tả, nghẹn ngào trong tiếng nấc:

- Tội nghiệp con tôi! Đừng mò hang cua nữa nghe con, rắn cắn chết đó!

Nước mắt nào dành trọn cho con,

Nước mắt nào tha thiết héo hon bên chàng.

Nước mắt nào thiếp mãi cưu mang,

Nước mắt nào rai rứt kinh hoàng anh ơi...!

Nước mắt nào liệt sĩ rạng ngời,

Nước mắt nào dân tộc thảnh thơi sau này...!

Dầu đói và mệt lả, nhưng chưa ai ngơi nghỉ được, Trung phải nấu nướng, các em phụ mẹ chọn lựa sắp xếp gánh rau, bó lại từng bó nhìn qua rất tươm tất, rau tươi mơn mởn mượt mà ai cũng hảo cảm.

Trong nhà chỉ còn vài lít gạo, phải để dành, mỗi ngày nấu cháo lấy nước và không có đường nên bỏ muối măn mẳn cho bé Tâm uống cầm hơi thay sữa.

Bữa ăn chỉ có khoai mì nấu và lá hẹ chấm mắm đậu lều bều lõng bõng mà cả nhà ăn ngấu nghiến, vì từ sáng chưa ăn gì nên bụng đói cồn cào, sôi ồn ột.

Nỗi lòng da diết héo hon,

Trăm ngàn cay đắng mỏi mòn tái tê!

Thấy con quần quật ê chề,

Miệng còn hôi sữa ngô nghê tội gì!

Đổi đời đời đổi mà chi?

Để con từng bữa củ mì thay cơm...!

Sau buổi chợ, Thùy Nga suy tính kỹ lưỡng, nàng chỉ dám mua nửa lít gạo rẻ nhất, phần còn lại để trả tiền rau. Khi Thùy Nga về đến nhà, mặt trời đã xế bóng, ánh nắng chói chang, nàng xắn quần lên khỏi gối, ra ruộng hì hục phát cỏ bờ và xới đất chuẩn bị trồng rau muống, nàng cặm cụi làm mãi đến hơn 4 giờ chiều lại bươn bả quảy gánh đi cắt rau lo cho buổi chợ ngày mai.

Tối hôm đó, 6 mẹ con quây quần bên nồi cháo độn khoai mì với mắm ruốc do Trung mua được nhờ tiền lời bán cà rem cây.

Rồi hơn hai năm qua, mấy mẹ con hui húc bên nhau, bữa cháo bữa khoai mì, khoai lang, khoai môn rồi bắp, bắp đá (dùng xay cho gia súc), bo bo, v.v. Dù vậy, nàng cố gắng dành dụm để đi thăm chồng. Nhưng, khốn khổ thay, lớp ăn, lớp mặc, lớp đau yếu mỗi ngày một thêm gay go khốn đốn, nàng chạy tờ mờ tối tâm mặt mày mà không dành dụm được tiền và không sao thoát khỏi cảnh khốn cùng mạt rệp...!

Ước vọng thăm chồng lúc nào cũng hừng hực trong tim, Thùy Nga khao khát có dịp muôn dặm tìm chồng, nhìn nhau tạng mặt cho thỏa nỗi nhớ nhung da diết trong lòng. Quanh nàng từ chỗ ngồi, cái bàn, cái chỏng, lối đi đầy âm ấp kỷ niệm của chồng, càng nhìn càng gợi nhớ thêm thương:

Này đây lối cũ đi về,

Chỗ năng dạy trẻ a ê sớm chiều

Sao giờ trống vắng tịch liêu,

Càng thương nhớ bạn càng hiu hắt buồn...

Những đêm dài dằn vặt, nàng nhớ thương chồng ray rứt không sao chợp mắt được, gối chiếc chăn đơn lạnh lùng khó tả, đôi khi nàng trốn con, len lén ôm chiếc áo sờn vai của chồng mà hôn hít, hơi hướm của chồng còn tồn đọng trên đây, làm nàng ngất ngây như tình điệu buổi đầu muôn ngàn cung bậc, rồi nàng thiếp đi trong nuối tiếc vì sợi tơ chùng, phím lệch dở dang! Nàng hãy còn mơn mởn đào tơ, đời còn dài, khúc ân ái đang nồng, tình hương lửa đang đượm, sao đành phân thúy rẽ duyên...!

Mấy mẹ con cật lực lầm lũi làm việc quên mệt mỏi, chét mót từng xu, từng cắc, từng củ khoai, từng cọng rau muống, tất cả đều dành cho cái ăn cái mặc. Nhưng, đau đớn thay, mỗi ngày sáu người càng tiều tụy võ vàng, đầu tóc chơm bơm to tướng như đầu khỉ, mắt sâu hoắm như giếng trên đồng thăm thẳm không thấy đáy. Dáng người gầy gò tong teo như bộ xương “Cách Trí” biết di động lêu khêu lỗng khổng thật đáng thương tâm. Áo quần rách nát te tua, chằm khíu tứ tung như đệ tử của “Khất Cái Bang”, ai thấy cũng xót dạ, nhất là những người có lòng Bồ Tát hằng nghĩ đến tha nhân.

Nhà nghèo, chén cơm manh áo đã bi đát mà đau ốm lại càng thảm não hơn! Bé Tâm hơn 4 tuổi mà còm cõi đau yếu quanh năm vì suy dinh dưỡng, nhìn qua chẳng khác con mèo già trơ xương biếng động.

Một hôm Trung mang thùng cà rem, vừa đi trên đường vừa dí dỏm rao:

“Cà rem cây, Cà rem cây,”

“Vừa thơm vừa béo kem này thật ngon”

“Ông bà cô bác tiền còn”

“Xin mua một ít cho con cháu mừng”

“Con cháu mừng”

“Là con cháu mừng”

Bỗng có tiếng gọi:

- Cà rem.

- Dạ Thầy mua bao nhiêu?

Thay vì trả lời mấy cây, ông khách lại hỏi:

- Sao không đi học mà bán cà rem?

- Dạ nhà con cần tiền, nên buổi sáng đi học, buổi chiều bán cà rem.

- Em con ai, nhà ở đâu?

- Dạ, con Bảy Nhiệm, nhà Cực Lạc cũ.

- Em là con anh Bảy Nhiệm?

- Dạ, con Bảy Nhiệm và má Thùy Nga.

- Vậy hả? Ngồi đi em, ăn hủ tiếu nghe.

Không đợi trả lời, Thầy Tú gọi thêm tô nữa.

- Ăn đi em.

Trung ngồi châm chú ngó tô hủ tiếu có vẻ thèm thuồng mà không động đậy:

- Ăn đi, đừng ngại, Thầy biết ba em mà.

- Thưa Thầy... thưa Thầy...

Rồi Trung nghẹn lời, không nói được. Thầy Tú hơi ngạc nhiên:

- Sao vậy? Thầy đã làm gì em buồn?

- Thưa Thầy không, con muốn xin Thầy cho con đem tô hủ tiếu nầy về cho em con, nó đang đau mà không có gì ăn.

Thầy Tú nhìn Trung với ánh mắt ái ngại nhưng dịu hiền, Thầy ôn tồn nói:

- Em ăn đi, Thầy cho em tô khác.

- Thôi đi Thầy, tốn tiền Thầy lắm!

- Không sao, ăn đi em.

Trung kính cẩn nhìn Thầy:

- Thầy cho con đem về cho em con là đủ rồi. Cảm ơn Thầy!

- Thầy sẽ cho em tô khác mà, ăn đi.

Trung áy náy:

- Thưa Thầy cả nhà con đang đói, con không muốn ăn một mình, xin Thầy thông cảm.

Tú nhìn đứa học trò nghèo mà ngán ngẩm, xót xa cho thế hệ tuổi xanh, mỏng manh...!

- Thôi em mượn tô bưng đi, theo Thầy.

- Con đội ơn Thầy, nhưng con phải đi bán hết thùng cà rem này mới được.

- Thầy biết rồi, Thầy sẽ mua hết thùng kem cho em, chịu chưa?

- Thôi Thầy ơi! Tốn tiền Thầy lắm!

- Không phải thầy giúp em đâu mà thầy muốn khen thưởng cho học trò của thầy đó. Em đừng ngại! Em ghé vô tiệm gạo bên đường đó đi:

- Bà chủ, cho tôi 5 ký gạo tốt.

Trung lẩn thẩn đứng chờ.

- Dạ, gạo của ông đây.

Thầy Tú thì thầm bên tai Trung:

- Gạo nầy Thầy biếu cho gia đình em, gọi là chút tình quen biết. Em nhận và mang về, Thầy chúc em của em mau lành bịnh.

Trung sửng sốt, nước mắt đoanh trồng:

- Gia đình và con xin ghi nhớ ơn Thầy.

- Không gì đáng đâu em, đừng ngại.

Trung hâm hở về, lòng bồi hồi cảm xúc, em nghẹn ngào lệ rơi theo từng nhịp bước trước tình người khả kính.

Ngót 3 năm qua, Thùy Nga chỉ gởi được ba lần quà cho chồng, nói quà mà thật ra một ít muối sả ớt, vài cục đường táng, nửa gam bột ngọt. Một ít tỏi, vài viên thuốc chống sốt rét rừng, nhiều lắm là một gói mắm ruốc nho nhỏ. Hy vọng có một ngày nàng sẽ đi miền Bắc để thăm chồng như nhiều vợ chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa khác. Nhưng cảnh nghèo nàn cùng khổ, dù niềm hy vọng có chánh đáng cũng khó đạt thành!

Thật vậy, gia đình Thùy Nga vừa mới ngoi lên đôi chút, rau cháo nhiều hơn bắp khoai, nàng và các con hơi mơn mởn trở lại thì được thơ bạn từ trại “Bò” gởi về.

Trại “Bò” là hỗn danh do những người tù “Cải Tạo” đặt ra. Sở dĩ trại này được mang “hỗn danh Trại Bò” là do cái thực tế và lắm phũ phàng của nó. Vì nó nhốt tất cả những người yếu sức, nói rõ hơn, đa phần người tù “cải tạo” nào thuộc miền Bắc, khi suy nhược đến độ không còn khả năng lao động và sẵn sàng rời thế gian bất cứ giờ giấc nào, thì thường họ được chuyển về trại “Bò”. Những người này không bao lâu họ chẳng còn đi đứng nổi nữa và không thể dậy mà đi, phải bò mà tới nên gọi là trại “Bò”.

Từ khi Nhiệm bị chuyển ra Bắc rồi từ trại này sang trại khác, cuối cùng Nhiệm cũng bị đưa đến trại “Bò”. Rồi chuyện gì đến sẽ đến, Nhiệm lặng lẽ ra đi trong một đêm rét mướt thấu xương, chàng tự mình giải thoát, tự mình lìa khỏi gông cùm của bọn vô thần và không biết tôn trọng nhân quyền. Những chiến hữu thân thương của Nhiệm, hằng tin chàng đã hết nợ trần gian và được về thiên đàng tiên cảnh.

Đám phát tang cho Nhiệm mới ảm đạm thê lương làm sao! Thùy Nga được bạn đạo mua tặng mấy thước vải trắng, nàng xé làm khăn tang cho con và cho mình. Trên bàn thờ trơ trọi một tấm hình, vài cánh hoa, một lư hương và vài chén cháo loãng. Láng giềng, ai nhìn cũng mủi lòng rơi lệ, thương người đồng cảnh mà không khả năng giúp đỡ mới xót xa nhiều.

Sáu mẹ con nàng quì sụt sùi, khấn vái:

Hiến từng sơ, hề hiến từng sơ,

Tử biệt sanh ly quá bất ngờ.

Vân ám đảnh hồ long viễn tựu,

Chàng qui tiên cảnh thiếp bơ vơ.

Bể ái tình thâm nghĩa mặn nồng,

Ngỏ chiều vắng bạn luống vời trông.

Đôi vầng nhật nguyệt soi lòng thiếp,

Bao tóc gìn duyên vẹn chữ tòng.

Bầy con quạnh quẽ chốn trần gian,

Thiếp những bơ vơ quá ngỡ ngàng.

Dế khóc năm canh đau đớn dạ,

Con sầu sáu khắc phạt phờ gan.

Nguyện cầu hồn bạn được thong dong,

Cõi thọ đường Tiên lướt ánh hồng.

Bạch Ngọc mơi chiều chầu lễ Phật,

Xin chàng đạt vị thiếp hoài mong.

Đôi lời thỏ thẻ bạn thân thương,

Cứu giúp bầy con vượt dậm trường.

Cuộc sống hanh thông đời sáng sủa,

Cho bầy con trẻ ngạt ngào hương.

Sáu mẹ con Thùy Nga ngoi lên từ vũng sình rau muống, vun xới từng tấc đất, gieo trồng từng ngọn rau, sâm soi chăm sóc mỗi ngày. Các con nàng lớn dần theo năm tháng, chúng chuyển nghề cho thích hợp tùy theo tuổi tác. Nay 4 đứa lớn đã làm phụ hồ và thợ hồ, đứa nhỏ còn se nhang. Riêng nàng nhờ bán rau muống, có chút ít lợi tức, giữ sự sống cho gia đình trong lúc cam go khắc nghiệt nhất nên nàng vẫn giữ gánh rau muống, chỉ mong các con có cơm cháo qua ngày...

Là tù chết trong trại “Cải Tạo”, nhưng gia đình Nhiệm không đủ điều kiện để xuất ngoại theo diện H.O. Hiện tại vẫn chỗ cũ, vẫn mái tranh nghèo xơ xác, vẫn vách ván xiên xẹo, mục rữa, lỗ hang giống bức hí họa của Bé Ký, vẫn còn những luồng gió Bắc quái ác như cưa da xẻ thịt, năm nào cũng viếng thăm đều đặn để hành hạ những người túng bấn nghèo khổ.

Cái rét căm căm dùi cốt tủy,

Nào ai có thấy lạnh lùng không?

Đêm nay July Four, người viết đang ghi lại thực trạng này, bên ngoài pháo bông đua nhau nổ đì đùng không ngớt. Khắp bầu trời sáng rực như ánh hỏa châu. Có những cây pháo thăng thiên cao ngất như chọt thủng vòm mây bàng bạc, có những cây pháo nổ liên tiếp 2, 3 tầng, kết thành những trụ bông muôn màu muôn sắc, thật lạ và đẹp mắt vô cùng. Ở xứ tự do, đủ đầy vật chất thiên hạ vui hưởng ngày công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập rầm rộ không thể tả hết. Người Việt Nam lưu vong nhưng hãy còn may mắn như chúng ta, có mấy ai ước lượng mình và thiên hạ đã đốt mấy triệu, mấy tỷ cho ngày vui mừng này?

Giá những chiến hữu chúng ta và các nhà hảo tâm, vui cũng vui, nhưng hoan hỉ trích ra một phần nhỏ nhặt trong chi phí hằng ngày: Một vài giọt cà phê, đôi điếu thuốc, một bát cơm, vài lát thịt hay vài lon la ve, một cây pháo bông hay một hộp pháo chà cũng cứu giúp nhiều gia đình chiến hữu chúng ta qua cơn đói rách thảm thê nơi quê Mẹ, như gia đình Bảy Nhiệm Thùy Nga chẳng hạn, họ sẽ hạnh phúc biết bao...!

Những người kém may và khốn cùng nầy đang cần lòng thương yêu chân thật để xoa dịu phần nào nỗi thống khổ mà họ đeo đuổi. Họ cật lực bươn chải nhưng hoài công vì làm nhiều hưởng ít nên con họ phải chịu dốt nát, không được mở mang kiến thức.

Các chiến hữu ơi, xin cùng nhỏ một giọt nước mắt chân tình và triệu bàn tay nắm lấy bàn tay thể hiện tấm tình nhân đạo mà ca dao tục ngữ ta đã nói đến là “Lá lành đùm lá rách” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Minh Hoàng

Viết trong mùa July Four

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn