BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đường Phan Đình Phùng Biên Hòa

14 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 1410)
Đường Phan Đình Phùng Biên Hòa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Con đường Phan đình Phùng (PDP) có địa danh đặc biệt là Dốc Sỏi (DS), mà ai nghe nói đến DS đều nghỉ đó là đường PDP, mà ai nói đến đường PDP là nghỉ ngay con đường có khu hành nghề của chị em ta nổi danh bao đời nay là DS. Mỗi lần có ai hỏi tôi “ở đâu?”, tôi trả lời “ tôi ở đường PDP”, họ còn ngần ngừ chưa xác định và khi nghe tôi nói DS là họ hiểu ngay. Nói nó là DS mà tôi có thấy sỏi đâu, kể từ ngả tư chợ lên đến nhà giảng Tin Lành (TL) mới có dốc thoai thoải lên đến đỉnh dốc là cổng kiểm soát ra vào phi trường Biên Hòa (PTBH), có lẽ ngày xưa con đường chưa có tráng nhựa nên mới có danh địa DS. PTBH thời Pháp thuộc do quân đội Pháp chiếm giữ, ở đâu có quân đội mà nhất là quân đội viễn chinh, ở đó quán liều mọc lên như nấm và các chị em ta nhởn nhơ mời gọi khách qua đường nên địa danh DS đã nổi tiếng qua bao thời đại mãi cho đến ngày nay.

Khi tôi có chút ý thức, gia đình tôi ở khu công nhân cạo mủ của nhà máy mủ cao su nằm giữa núi Bửu Long và Tân Phong. Năm 1945, lúc đó nhà máy mủ bị quân Nhật chiếm đóng, ngày ngày tôi hay theo mẹ ra chơi ở nhà kho trống trải, chiều chiều mấy chú lính Nhật hay bồng tôi đi tắm ở cái giếng lớn của nhà máy rồi cho tôi ăn cơm, quân Nhật ăn uống kham khổ nên mẹ tôi chiên trứng bán cho họ. Mẹ tôi sanh thêm thằng em trai, nhưng mà không hiểu sao nó cứ khóc hoài nhất là về đêm, ba mẹ tôi lo chạy chửa, nhưng được vài tháng thì nó mất. Thường ngày, một tên lính Nhật hay vào nhà tôi mượn cái thùng để xách nước, sau nhiều lần cái thùng bị móp méo, một hôm nó đến mượn nữa, mẹ tôi không cho, nó ngang nhiên vào nhà kế bên lấy, mẹ tôi đang đứng ở ngạch cửa, nó xô mẹ tôi té ngửa từ thềm cửa cao, phần yếu vì mới sanh xong nên mẹ tôi qua đời sau vài ngày bị chấn thương, sau đó ba tôi xách dao đi kiếm thằng Nhật đó, nhưng nó đã bị nhốt vào phòng rồi, cái chết đau thương của người mẹ yêu quý của tôi đã làm cho tôi câm thù quân phát xích Nhật.

Khi quân Pháp trở lại Đông Dương, những cuộc bố ráp Việt Minh (VM) xảy ra thường xuyên, mỗi lần như vậy mấy con gà chạy trối chết cũng không khỏi bị nhét vào túi-dết, chúng tôi được khuyên không nên ở trong nhà, phải ra ngoài ngồi giữa hai dãy nhà khi có cuộc bố ráp của Tây, nhiều lúc tôi nghe tiếng lẻng kẻng trên mái ngói. Không biết có ai điềm chỉ hay không mà một người đàn ông bị bắt đi sau khi cửa bị đạp tung và một vài báng súng vào người ông. 

Sau khi mẹ tôi qua đời không bao lâu, tôi thấy một vài người đàn bà đến sống với ba tôi một thời gian rồi đi, duy chỉ có người đàn bà dưới chân núi Bửu Long là mẹ kế của tôi suốt cuộc đời của bà, Dì thương tôi như con ruột, ngày tôi lên đường ra Huế làm việc ở Phòng Viễn Thông Thừa Thiên cuối năm 1964, mắt Dì đẩm lệ. Ba tôi cứ lâu lâu dẫn ba chị em tôi đi bộ xuyên qua xóm làng, đồng ruộng và rừng cây rậm rạp về quê nội ở Phú Văn, Thủ dầu Một, một hôm đi ngang một làng vừa bị Tây bố ráp, có vài căn nhà bị cháy, chi Hai tôi nhìn thấy một tờ giấy bạc 100 đồng của ai làm rớt (giá trị 100 đồng Đông Dương (bộ lư) lúc đó rất lớn), chị tôi chỉ cho ba tôi, ông ngần ngừ một hồi, móc túi lấy ra tờ bạc 50 đồng thế vào chỗ 100 đồng đó. Một lần lọt vào khu đóng quân của VM nên bị bắt, ba tôi nói “vợ tôi mới chết, bây giờ dẫn các con về quê nội của tụi nhỏ ở Thủ dầu Một”, sau đó chúng tôi được thả đi. Chị Hai tôi quảy đôi gánh, chị Ba đi theo để phụ còn tôi thì đeo trên lưng ba tôi, cứ thế mà băng rừng, lội suối về quê nội, nhưng ba tôi và bà nội không hợp tính nhau, chỉ vài ngày sau lại cụ bị trở về lại Bửu Long, và cứ thế không biết bao lần sau khi mẹ tôi mất và trước khi ba tôi tục huyền với đàn bà là Dì tôi sau nầy. Ông bà nội tôi trồng rất nhiều điều, nên sau mỗi mùa chúng tôi ăn hột điều nướng thoải mái, một hôm đang vui đùa với chúng bạn ngoài rừng cao su, một ông già quảy hai cái bị đệm no tròn đi ngang, vì ham chơi nên không để ý, chừng về nhà thấy ông nội đang ngồi trên bộ ván với hai bị hột điều đầy ấp. Làng Phú Văn của ông nội tôi có đường xe lửa chạy xuyên qua lên đến Lộc Ninh, mỗi lần xe lửa chạy qua làng nào là một đại họa cho làng đó, vì khi xe lửa chạy ngang hể thấy bóng người, bọn Tây trên xe xả súng bắn ngay. Một lần nghe tiếng còi hú đằng xa, ông nội la bảo chúng tôi hãy mau mau chạy ra các bụi mua trốn, mọi người đều lật đật chạy trốn, riêng chi Ba tui cứ chạy ra rồi lại chạy vào, chắc chị quên cái gì đó, thấy vậy ông nội dọng cho một bạt tay đáng nhớ, sau nầy mới biết chị đang nấu cơm và sợ nồi cơm bị khét nên chạy ra chạy vào để canh lửa. Ông nội rất nóng tính, mỗi lần đánh xe bò, mấy con bò chạy xì khói vì cái roi mây có cấm đầu đinh nhọn hoắt, một lần chị Hai tôi bị rớt cái nón lá mà không dám kêu nội ngừng lại. 

 Thương thay cho dân tộc Việt Nam đau khổ triền miên, hết 1.000 năm đô hộ giặc Tàu rồi đến 100 năm nô lệ giặc Tây, người dân sống trong lo âu, hồi hộp, nhân một chuyến về thăm quê nội, được lệnh mọi người trong làng phải di tản vì có tin làng sẽ bị oanh tạc, thế là tất cả dân trong làng gồng gánh, xách chạy vào rừng cao su ẩn nấp, sau độ một tiếng đồng hồ hai chiếc khu trục bay lên bắn phá làm cháy một vài căn nhà. Cô Tư tôi có hai người con, một bị bắn khi đang làm việc ngoài đồng và một khi đem đậu phọng đến chỗ thu mua để bán, nào ngờ trên bầu trời một chiếc đầm già (phi cơ trinh sát L.19) quần thảo bên trên thấy nhiều người tụ tập, tên phi công liền gọi hai chiếc khu trục đến xạ kích làm chết một số người trong đó có người con gái là chị em bạn cô cậu tôi. Có những lúc tôi không đi theo ba tôi về quê nội, tôi được gởi ở nhà người Dì thứ Bảy ở Tân Phong, Dì tôi có người con gái tên Long hơn tôi một hai tuổi gì đó, đêm đêm hai đứa ngủ hai bên Dì, khổ nổi Dì tôi không biết giữ gìn bộ ngực khi cho con bú, nên một cái thì lớn và cái kia thì nhỏ và tối nào người chị em bạn dì cũng giành cái lớn, cái ý tưởng giành đó đã ảnh hưởng tôi cho đến bây giờ.

Người dân sống ở Tân Phong, ngày xưa đi chợ Biên Hòa được phép đi xuyên qua căn cứ PTBH thoải mái cho đến khi phi trường được nới rộng mới không được đi ngang nữa, một lần đi ngang vọng gác gần ngả ba Tân Phong, hai thằng Tây nhìn tôi xí xô xí xào rồi cười ha hả, té ra tôi mang đôi giày bata ngược, một thằng ngồi xuống tháo giày và mang lại cho tôi.

Biên Hòa - 1970


Nhà máy mủ cao su rồi cũng bị ủi tan hoang vì an ninh cho phi trường ngày càng lớn rộng, lúc đó ba tôi xin được việc làm ở nhà thương trong phi trường và để có nơi chị em tôi trú ngụ ba tôi cất một căn nhà ngói âm dương ở Xóm Gò, đến bảy tuổi tôi mới đi học ở nhà thầy giáo Đằng, sau đó tôi lại xin vô học trường Sơ Cấp trong phi trường, được vài tháng tôi lại trở ra học ở nhà thầy giáo Đằng, cứ thế đôi ba lần nên lớp năm (tức lớp 1 bây giờ) tôi học 2 năm do thầy giáo Thủy dạy, lớp tư do thầy Bổ, thầy Bổ có món rất độc đáo là véo bấp vế non, cu cậu nào không thuộc bài hay nói chuyện, quậy phá trong giờ học bị kêu lên, tay thầy vổ bấp đùi rồi kéo từ dưới lên trên, thế là cu cậu miệng thì hít hà, mặt nhăn như mặt khỉ. Thầy Lâu dạy lớp ba, thầy rất nóng tính, dạy hay và rất thương học trò, tuy nhiên cuối năm học thầy lựa trò nào học giỏi, khá mới cho đi thi lớp nhì ở trường Tiểu học Nguyễn Du, tôi học lớp của thầy 2 năm. Ngày đầu tiên ra trường tỉnh Tiểu học Nguyễn Du gặp ngay thầy Lô, hết hồn vì xếp hàng không ngay ngắn lúc điểm danh.

 

Trong thời gian theo học trường Sơ Cấp, gia đình tôi ở khu nhà bồi, trong phi trường còn khu gia binh dành cho người Việt đi lính cho Pháp và khu nhà lá dành cho dân sự. Khu nhà bồi gồm năm gia đình: gia đình tôi; gia đình Vỏ văn Đương, dân Lực Lương Đặc Biệt, đang học lớp đệ tam trường Tiến Đức bỏ đi lấy vợ là chị Tâm cùng lớp, chị Tâm nhà ở dốc tòa án có em là Tánh, chị lúc nào cũng mặc quần áo trắng đi học, ngày nào mà chị vận đồ màu vào, mấy thằng quỷ trong lớp lấy sổ ra ghi. Ngày nay Đương là mục sư tại ấp mới phía sau ấp Thái Lạc, quận Long Thành Biên Hòa. Gia đình của Đương đông anh em nên có mướn thêm chị Lâm phụ việc, chị Lâm cũng đẹp người và cập bồ với một người Pháp, khi người bồ nầy có lệnh về xứ, Đương qua thu dọn những đồ lặt vặt bị bỏ lại, tình cờ tôi đi ngang, Đương gọi tôi vào làm sái nhì, nhưng tôi không lấy món gì cả vì còn cái gì để mà lấy. Đến chiều, tôi thấy Đương đi cùng với hai hiến binh mũ đỏ (gendarme), một trong hai người là thầy đội Nhược, có tiệm bán bia đá nước ngọt ở ngay ngã ba Thành Kèn, trên đường PĐP cạnh tiệm mộc Phan Thành, tôi đang đứng trên đống củi, thấy tôi thầy đội Nhược ngoắt xuống, nhìn bộ mặt của Đương là tôi biết có chuyện chẳng lành rồi. Tôi và Đương được dẫn tới căn nhà buổi sáng, tại đó có thêm hai đứa nữa mà tôi không nhớ tên, hiến binh Tây hỏi “Qui ouvre la porte?”, Đương trả lời “Tous les quatres”, tôi nói “Non, c’est lui”, hiến binh Tây đưa chìa khóa bảo tôi mở cửa, loay quay tôi mở không được, thật sự từ xưa giờ tôi có bao giờ mở cửa đâu, hiến binh Tây dọng cho Đương một bạt tay, rồi sau đó ai về nhà nấy. Đương tướng to con nên mỗi lần đánh nhau, tôi đành chịu thua hắn và anh chàng đầu quân vô Lực Lượng Đặc Biệt cũng xứng lắm. Năm học lớp nhì F, thầy Trình đang cộng điểm cuối tháng để xếp hạng ai được lên bảng danh dự, tôi không bao giờ có tên trên bảng đó, trong lớp 60 nhóc tì rù rì, rủ rỉ như ong vở tổ, mấy lần thầy nhịp roi mây lên bàn giấy, lên bảng, lớp yên lặng được một chút rồi đâu cũng vào đấy, cuối cùng không chịu được nữa thầy buông viết với chiếc roi mây trong tay, thầy đi từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, em nào cũng bị một roi, khi đến bàn tôi, Đương ngồi ngoài bị một roi, tới tôi, tôi liền nép sát vào Đương thế là cu cậu bị thêm roi nữa, Đương lầu bầu với tôi mãi chuyện đó. 

Trường Sơ cấp trong phi trường là một trong 4 dãy nhà kho, chiều chiều chúng tôi hay đùa giởn chung quanh và thổi ống thổi, một hôm, sau khi thổi Đương xong tôi chạy, Đương đuổi theo, Đương thổi xong còn vò viên đất sét ném tôi, tức giận tôi quay lại nện cho Đương một ống thổi bằng cây trúc trúng mép miệng, về nhà Đương mét, ba Đương tức giận sang nhà tôi quát mắng, thế là hai ông già ra đấu võ, sau đó hai người được điệu xuống phòng an ninh phi trường phân xử, tay quan ba Pháp xử ba Đương có lỗi vì sang phần đất nhà tôi gây sự và trên mặt ba tôi có dấu càu của móng tay, còn ba Đương không có vết tích gì rõ ràng mặc dù bị đấm và bị xô té, kể từ đó hai gia đình mất tình lối xóm với nhau, tuy nhiên hai đứa chúng tôi vẫn vui vẻ bình thường. Chúng tôi nói tiếng Pháp bồi cũng nhờ hằng ngày vui đùa với Jimmy và Jane, các con của một gia đình người Pháp ở gần nhà. Gia đình Nguyễn thanh Nhàn, đơn vị trưởng cầu Gành và cầu Rạch Cát Biên Hòa. Lúc còn nhỏ, một sáng mùa đông hơi lạnh, Nhàn bảo đứa em gái kế là Kiếm lấy giấy báo đốt hơ lưng cho ấm, chắc Nhàn nói không ấm lắm, nào ngờ Kiếm giở áo đút vô, áo cháy, Nhàn chạy ra đường la khóc inh ỏi, may nhờ có thằng Tây đi ngang liền xé áo và ẩm qua nhà thương băng bó, vết thẹo bằng bàn tay xòe bây giờ vẫn còn, hiện Nhàn đang sống tại San Antonio, Texas. Nhàn đang bị chứng bệnh tiểu đường hành hạ và phải tháo đi một ngón chân cái, đi đứng hơi khó khăn, thật tội nghiệp cho người bạn nối khố với tôi lúc nhỏ. Gia đình Nguyễn văn Na, Cảnh Sát Quốc Gia, hiện là chủ quán cơm ở ngã ba Dầu Giây, Long Khánh do người cha là ông Ba Cung để lại, Na là con một trong gia đình nên được cưng chiều tối đa, một lần Na qua nhà tôi chơi thấy đồ chơi thích lắm, về nhà mèo nheo cho bằng được. Gia đình sau cùng là Phạm quốc Duy, chỉ có Duy là tốt số hơn bọn tôi, được tuyển và khóa 16/ VBQG và phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH sau khi ra trường cho tới ngày cuối của miền Nam, bây giờ Duy đang sinh sống tại Mỹ (?), không liên lạc được vì không biết ở bang nào. Duy có người em gái tên Khanh hiền và đẹp, nàng học ở Phan chu Trinh, chuyên môn đi bộ, với chiếc cập da đầy ấp sách vở, từ nhà gần rạp Biên Hùng đến trường. Chiều chiều, sau khi tan học về, chúng tôi thường kéo lên phối hợp với đám nhóc nhà lá đánh nhau với đám nhóc khu gia binh bằng ná thun hoặc gậy gộc tại những dãy nhà đang xây cất bên cạnh tháp nước cao to trong phi trường, và đôi khi ngược lại vì quân số của bên tụi tui quá ít. 

 Đêm đêm, chúng tôi xem chiếu bóng miển phí ở rạp lộ thiên, hôm nào chiếu phim cao bồi, hiệp sĩ đánh kiếm hay Tarzan chúa sơn lâm thì chật rạp, còn ngược lại gặp phải phim tình cảm, ông Tây bà Đầm cứ nói chuyện hoài, sau nửa giờ chiếu, khán giả Tây ngồi phía sau thì không nói gì, còn phía trước dành riêng cho người Việt, lúc đó vắng hoe và trên băng ghế đám trẻ con nằm ngủ la liệt. Một hôm, sau khi phim chấm dứt, TS1 Phấn phụ trách chiếu phim, trước khi tắt đèn đi về nhà ở khu gia binh, ông quan sát “ụa! còn thằng nhóc nào nằm ngủ ở bậc thềm đây?”, ông đến lay nó dậy bảo về nhà, thằng bé còn ngây ngủ nói ú ớ cái gì không rõ, ông ta bèn xóc thằng bé lên vai cổng hướng về xóm nhà lá cách đó độ hơn nửa cây số. Khi đến nơi ông gỏ cửa hỏi xem có ai biết thằng bé nầy là con của ai không?. Mọi người nhìn kỹ nói rằng “thằng nầy ở xóm nhà bồi”, thế là ổng lại cổng tiếp về xóm nhà bồi cách đó độ 1 cây số. Khi vừa về gần tới nhà, thằng bé tỉnh ngủ tuột xuống chạy tuốt vô nhà, ông Phấn lầm bầm cái gì nghe không rõ, một kỹ niệm tôi không bao giờ quên và cũng không bao giờ quên ơn ông TS1.

Khi đã trụ tại trường Sơ Cấp tức là tôi vô PTBH ở với ba dì tôi, thỉnh thoảng ngày cuối tuần ba tôi chở tôi về thăm chị Hai tôi ở Xóm Gò bằng xe đạp, chị Hai tôi sống một mình nên rất thoải mái, ngày ngày hàng quán thì nhiều, cơm nhà thì ít, một hôm vô nhà, chị Hai tôi đi vắng, ba tôi ra sau bếp dở nấp nồi cơm bằng đồng có eo ở cổ, cơm trong nồi mốc meo nổi xanh um, ba tôi liền ném nó ra bụi tre bên hông nhà, lúc chị về bị một trận lôi đình đáng nể. Sau đó chị kết duyên với chàng thanh niên xóm trên và là anh rễ tôi hiện thời, một đại gia đình trên 30 người đang sinh sống tại Pháp. Chị Hai tôi tuổi Hợi có số sướng hơn chị Ba tôi tuổi Dần nhiều. Một hôm, chị Hai tôi đang đứng ở ngưởng cửa nhà bếp bên gia đình chồng, một quả đạn không biết từ đâu bay đến chạm nổ trên cành cây, một mảnh đạn ghim vào ngực, chị được đưa vào nhà thương trong phi trường chửa trị, sau đó anh rễ tôi được vào làm cho nhà bếp hạ sĩ quan Pháp. Khẩu phần ăn của người lính Pháp có rượu chát (vang đỏ), anh rễ tôi vô chai phần rượu dư và đặt ở hòm thơ chết, đêm đến mấy người bạn ở khu gia binh ra đó lấy hàng. Một lần tôi bị mấy thằng Tây ở nhà thương phục rượu say không biết đường về, chị Ba tôi phải qua rước về, tụi Tây đứng cười rũ rượi. Khi có dịp mộ lính mới, nhờ sự quen biết của ba tôi với các sĩ quan Pháp người Việt nên anh rễ tôi được tuyển mộ. Các tân binh tập diển hành (un-deux) thường bị các hạ sĩ quan hụấn luyện viên đá đít, hay phạt hít đất vì không nghe lịnh hoặc không biết tiếng Pháp. Sau hiệp định Geneve 1954, các quân nhân Việt Nam phục vụ trong quân đội Viển Chinh Pháp, nếu ai muốn đi Pháp thì làm đơn thỉnh nguyện, anh rễ tôi không bỏ lở cơ hội, nên gia đình anh chị đã lên đường sang Pháp từ 1961 cho đến nay.

Một người tên Lý có liên hệ với Việt Minh lúc bấy giờ nên bị Deuxième Bureau (Phòng Nhì) bắt, bị tra khảo ông ta khai ba tôi, ba tôi bị bắt và sau thời gian tra khảo, thấy ba tôi vô tội nên được thả ra, nhưng không được tiếp tục làm cho nhà thương nữa mà bị đưa lên khu vực sân bay làm nghề rèn, gia đình tôi hết còn ở khu nhà bồi mà phải dọn lên khu nhà lá. Thời gian sau, khoảng năm 1953, khu gia cư Mạc kỉnh Dung (MKD) được xây dựng dành cho nhân viên dân sự khu nhà lá và khu nhà bồi tập trung ra đó ở, sau nầy có cuộc di cư từ Bắc vô Nam sau hiệp định Geneve 1954, phần đông đi bằng tàu há mồm, nhưng một số ít đi bằng phi cơ C-47 đến phi trường Biên Hòa và được đưa ra định cư tại trại MKD, trong số đó có gia đình nữ văn thi sĩ của chúng ta ngày nay là Trịnh Kiều Oanh hiện đang cư ngụ tại Virginia, lúc đó cô nàng còn bé tí tẹo. Trại MKD gồm trên dưới 100 gia đình dân sự, trại sạch sẽ và ngăn nấp do thầy Sáu Trí làm trưởng trại. Thầy Sáu Trí có con trai lớn là Đáng nhập ngũ rất sớm, lúc Đáng là Thiếu úy Công Binh đóng ở Bình Dương có đến thăm tôi lúc tôi đang học lớp đệ nhị ở Khiết Tâm, tôi lấy quân phục của Đáng mặc vào và chụp hình kỹ niệm, sau nầy Đáng bị tử thương trên đường đi công tác. Em của Đáng là Thủy đẹp và hiền, trong chuyến cấm trại ở Vũng Tàu, tôi và Thủy thân nhau và lúc nào cũng bên cạnh nhau, nhưng Đương luôn kỳ đà cản mũi, tôi rất tức mà không làm gì được hắn vì hắn to con hơn tôi. Khi tôi đi thi TT2, ba tôi bảo tôi đến ở trọ nhà Thầy Sáu Trí ở Gò Vấp, gặp lại Thủy, Thủy bây giờ là một thiếu nữ đẹp và thùy mị, ngồi kể lại chuyện xưa để nhớ lại những kỹ niệm thời tuổi trẻ mà không bao giờ níu kéo lại được. Một buổi chiều đạp xe lên thăm chị Hai tôi ở trên khu nhà lá cũ một chút, lúc nầy gia đình chị đã dọn vào ở phi trường rồi, lúc về ngang chỗ kết nước cao lớn trời mưa râm râm, một tiếng ầm khô khan vang lên và tôi nằm bất tĩnh trên đường nhựa, nhờ nước mưa thấm nên tỉnh lại, lồm cồm đứng lên cảm thấy đau bên mặt trái, vuốt mặt, dưới ánh sáng lờ mờ của đèn đường tôi thấy máu đỏ ở bàn tay hòa lẩn với nước mưa. Nhìn sang bên thấy ba thằng Tây đang chạy vội lại đở một thằng khác ngã xe đạp đua, nhìn nó tôi thấy máu me đầy mặt, hoảng quá, tôi dựng xe lên và đạp miết về nhà ở MKD, vô nhà mọi người ai nấy đều hốt hoảng, ba tôi bảo chị Ba tôi mau lấy xe đạp chở tôi vô nhà thương, vừa đến bậc thềm nhà thương tôi đã nghe tiếng la hét của thằng Tây và khi mở cửa bước vào nhìn qua kính ở bồn rửa mặt tôi thấy mặt nó đầy những kẹp vết thương, hắn quay lại nhìn tôi chỉ lắc đầu không nói một lời, ông y tá Việt Nam nói “đây.. nạn nhân thứ hai”. Vết thẹo 3 kẹp trên chân mày trái là kỹ niệm khó quên suốt mấy chục năm.

Khi quân đội Pháp bắt đầu rút, ba tôi lo cất nhà để chuẩn bị mai sau không còn ở MKD nữa khi phi trường giao lại cho Quân Đội Cộng Hòa dưới triều đại cố Tổng Thống Ngô Dình Diệm, mọi gia đình dân sự cũng có dự định như ba tôi. Ba tôi chọn miếng đất mặt tiền trên con đường Phan đình Phùng, cách nhà giảng Tin Lành độ 200 mét về phía chợ. Nhà cất xong, đêm đêm tôi phải ra đó ngủ để giữ nhà và sáng hôm sau đi học ở Nguyễn Du cho nó tiện, nhưng trước khi đạp xe ra nhà, tôi phải chạy ngược vô xem phim ở rạp lộ thiên, đôi khi gặp phải phim ma hay phim kinh dị, thằng nhỏ cũng quíu khi ngủ một mình.

Con đường PĐP ngày xưa, ít xe cộ, chỉ vài cổ xe ngựa mà khách ngồi ở hàng ghế ngang, có hai vè gổ hai bên, cái bửng phía sau chứ không phải như xe mặt bằng như bên Thủ dầu Một, hàng ghế ngang nếu ngồi đâu lưng thì được 5-6 người, còn bác tài thì ngồi phía dưới hoặc một trong hai vè hai bên xe, bến xe ở chợ nằm ở trên đường rạp hát Vạn khánh Hưng, bến còn lại nằm ở Dốc Sỏi. Ngày cuối tuần chúng tôi thường hay thả bộ từ phi trường ra chợ rong chơi, sáng trời mát mẻ rất thích, nhưng đến trưa về thì than ôi! trời nắng chang chang, lúc đó chỉ mong đợi một chiếc xe ngựa chạy ngang là đu người bằng cách nằm mẹp trên cái bửng sau. Xe đang chạy thăng bằng bổng nhiên thấy nhẹ cổ, bác tài biết là mấy thằng nhóc trong phi trường đang đu phía sau, thế là ngọn roi làm bằng cặt ngựa vớt phía sau trúng ai nấy chịu, vậy mà tụi tui có thằng nào tởn đâu. Sau nầy có vài chiếc xe lam 3 bánh chạy suốt từ chợ đến phi trường, trong số đó có ông Ba Thao là một, nhà ông Ba ở cạnh nhà tôi, ông có con riêng là Hai và gái Ba, còn bà vợ sau có con riêng là Kim và một đám con chung. Hai không chịu nổi cảnh gia đình nên nhập ngũ sớm và lúc làm đại đội trưởng ĐĐ/ĐPQ ở Long Khánh, còn một ngày nữa Hai sẽ thuyên chuyển đi đơn vị mới thì bị tử thương vì quả lựu đạn của tên lính say trong đơn vị, lúc đó tôi mới ra trường đang chờ đợi lệnh bổ nhiệm đi Chi khu Long Thành, được vinh dự đứng gác quan tài cho người bạn xấu số và nghe nói em của Hai, gái Ba cùng các con đã chết trên biển cả khi đi tìm tự do, thật quá đau buồn. Nếu tính từ khúc quẹo lên đầu dốc là cổng ra vào phi trường ra tới chợ thì đường PDP không dài lắm, độ non 3 km thôi, nối tiếp nó là con đường không tên lót đá lởm chởm chạy tới đài Kỹ Niệm, Vườn Mít, trong vườn trồng rất nhiều mít, khi tôi được biết, cây mít đã quá tuổi và cằn cổi, sau nầy một tòa nhà 4-5 tầng trên có hồ tắm trên nóc được xây dựng dành cho nhân viên Phái Bộ Viện Trợ Mỹ (USAID) cư ngụ, ngày khai trương tất cả nhân viên dân sự làm việc cho USAID, cơ quan USAID tỉnh hay vùng III đều được mời, mọi vật liệu trang trí đều nhập từ Hong Kong rất đẹp và không có thấy một vết đinh. Những ngày trưa nóng nực, chúng tôi cả chục đứa ở trại MKD ra đó, đứa thì chạy giởn, đứa thí leo lên cây, thằng Cu Xanh leo lên cây mít nằm vắt vỏng trên cành, nó nghe cái “rắc” dưới lưng, ngó xuống thấy một con rắn đang khoanh tròn chổ bị nứt, nó buông mình rơi xuống đất la “rắn rắn”. Thằng Cu Xanh có em là Cu Đen, hai anh em đánh lộn không thua ai, năm 1965 tôi đang sống lưu vong ở Đà Nẳng gặp nó đang phụ việc cho tiệm buôn vật liệu xây dựng của người Tàu, hai anh em cùng xóm, cùng dãy nhà trong trại MKD, lâu ngày gặp nhau mừng rở, sau đó ra quán nước ngồi tâm sự, tôi hỏi “Xanh bây giời mầy ra sao?”, nó bảo “tao đang đào ngũ”, nó kể lúc đơn vị đóng ở miền Trung, một buổi sáng trời còn se lạnh, nó ra quán gọi beer uống, thanh niên quanh xóm thấy ngứa mắt bèn gây sự, thế là cuộc hổn chiến từ trong quán ra tới đường luôn, thật bái phục, từ ngày ấy trở đi, tôi không gặp lại nó nữa. Trại MKD còn có Tư Óm, tức Hồ thanh Lân, sau nầy không còn óm nữa mà là một thanh niên cao to và là Trưởng chi Thanh Niên quận Long Thành khi xưa; Luận mà một lần đánh nhau, tôi đã đấm trúng ngay mắt khóc mếu máo, chạy về nhà mét mẹ, sau đó xách gậy kiếm tôi làm tôi phải trốn trong nhà của Đương, sau nầy nghe nói Luận chết trận sau khi tốt nghiệp trường Bộ binh Thủ Đức; Thái ở sát nhà tôi mà nữ văn thi sĩ nhà ta khen là cô thiếu nữ đẹp nhất trại, và cho rằng tôi không biết giữ nên để tay Th/tá Không quân nào đó đáp xuống xớt bay mất, nhưng vì lúc đó tôi đang để ý cô Sáu Tý, em của Năm Đình bạn tôi, Tư Óm lúc nào gặp tôi cũng chu mỏ làm tiếng chuột kêu “chít chít” để chọc ghẹo tôi; cùng dãy với tôi còn có Tính, vì đi cà nhắc nên tụi tui đặt tên là Tính Xuộn, nhưng phần trên của Tính có bộ ngực nở nang đẹp; rồi đến Bé Tường đá banh rất hay chạy rất nhanh, nhưng bây giờ đi đứng khó khăn vì phong thấp, có em gái là Thủy chẳng những học giỏi mà còn đẹp nữa, Tính và Tường hiện sống ở San José, Cali; sau nầy thêm Đỉnh, thông dịch viên, ở đảo rất lâu bị trả về Việt Nam, nhưng vẫn còn ở Việt Nam, anh em của gia đình Đỉnh, tên đều bắt đầu bằng chữ Đ.., cũng ôm đuôi C-47 từ Bắc vào Nam như gia đình của nữ văn thi sĩ họ Trịnh, có em gái là Dư đã làm việc cùng với tôi ở Long Bình trong những năm 1966-67, như tôi đã nói nữ văn thi sĩ bé tí tẹo lúc ở trại MKD, đến nổi trong kỳ họp mặt đồng hương năm 2010 tại Virginia, do yêu cầu của Trưởng đoàn Lâm sĩ Đắt, tôi hướng dẫn vợ chồng cô nàng về lại hotel lấy quà vậy mà không nhận ra, sau nầy nhờ đọc câu chuyện nói về trại MKD, lúc đó tôi mới biết là chúng tôi cùng ở chung trại MKD khi xưa. Giữa thập niên 60, con đường không tên được tráng nhựa và kéo dài tới Cầu Mới, đặt tên là Phạm Phú Quốc, rồi sau 75 được nới rộng thêm và đổi tên là Nguyễn ái Quốc. Chùa“Cô Hồn” là ngôi chùa cổ được xây dựng từ xưa, nay được trùng tu lại khang trang. Xa xa phía dưới một chút, nơi đất hơi trũng là nhà giảng TL, nơi quy tụ những gia đình giàu có và những chủ tiệm vàng ngoài chợ. Phía bên kia đường nhà giảng xưa kia là cái bàu, có hàng cây sao to cao, mùa lụt năm Thìn nước lên gần mái nhà giảng, nước chảy xiết, nhờ những cây sao, người ta quấn vào đó một sợi dây to để mọi người vịn mà qua lại nơi nước chảy xiết, năm đó chi Hai tôi sanh cháu gái Gigi (Giỏi) ở nhà bảo sanh Kiện Khương, Dì tôi sau khi đi thăm mẹ con chị về tưởng đâu bị nước cuốn trôi ở trước nhà giảng TL, vì nước chảy quá mạnh. Cái bàu rộng hơn 2 mẩu tây, mùa khô sau cơn mưa chiều, tôi và Xuân (Không Quân, vợ là chị Hoa, nhà ở sau vòi nước công cộng), chúng tôi soi đèn pin bắt ếch, một con ếch nhảy trốn dưới một đống màu vàng vàng, Xuân liền chụp ngay đống màu vàng đó và chửi thề inh ỏi, bàu giờ nầy nay còn đâu, nó đã bị phủ kín bởi nhà cửa và cơ sở thương mại ven đường, phía bên nhà giảng TL cũng thế. Một nhánh đường xe lửa xuất phát từ ga Biên Hòa chạy lên đến chân núi Bửu Long chở đá về xây dựng đường xá và cầu cống, bây giờ nó đã bị bóc đi thế vào đó là con đường “chợ đêm”, bắt đầu phía hông Ty Cảnh Sát Quốc Gia Biên Hòa cũ vòng qua bên hông nhà giảng Tin Lành, buôn bán ì xèo suốt đêm. Dọc đường rầy từ đường Trịnh hoài Đức (THD) vào có nhà của Đỉnh, gia đình nữ văn thi sĩ họ Trịnh, nhà của Xuân gần đường THD và nhà của Khải ở hơi sâu vô trong. Trong thời gian tôi làm việc tại Long Bình, 46th Engineer Batallion, 159th  Engineer Group, tôi được cử về Saigon học một tháng, lúc trở về thấy có thêm cô thư ký mới là Xuân, Xuân có ý định chiếm đoạt tôi đang trong tay bà xã tôi lúc chưa cưới. Thay vì chiều tan sở về, mọi người đều được xe GMC đưa về, Xuân nhất định chờ và đòi tôi chở về bằng xe Goebel, làm bà xã tôi phải lên xe GMC về, lúc GMC chạy vượt qua mặt tôi, các bạn của bà xã tôi gồm cô Hoa Lôi (Lôi thị Hoa), cô Hóa, cô Minh và em là Anh ở chợ Biên Hòa nói đùa “coi chừng Oanh nhảy xuống xe kìa”. Rất may, thời gian sau Xuân bị thôi việc vì bị Trung sĩ Herbert bắt gặp thẻ ra vô cổng trong túi xách, thế là tôi thoát nạn và đở nhức đầu.

Khi quân đội Pháp rút về nước, DS trở nên vắng vẻ, thật sự ngày trước nó là miếng đất béo bở cho những ai có máu kinh doanh trên thân xác phụ nử, như ông bà Ba P., khi còn cư ngụ ở xóm nhà lá trong phi trường thì hoàn cảnh cũng như mọi người, nhưng khi gia đình ông bà dọn ra xóm DS độ vài năm, một ngày Tết, hai ông bà vào trại MKD đánh bài “xì dách”, chuyên chia bài “làm cái” với vòng vàng đỏ tay. Nhưng mà nghề nầy không bao giờ triệt tiêu được, dường như nó có từ thời con người còn ăn lông ở lỗ cho đến bây giờ, như xẹp chỗ nầy mọc lên nơi khác, cái nghề không vốn đó nó tiệm tiến từ DS qua khỏi nhà giảng TL rồi dừng lại đó và phát triển ngày càng mạnh do những ông bà tú như ông Sáu Cao, Sáu Lùn, bà Năm Đầm v..v.làm cái địa danh nổi tiếng và cũng mang tên Dốc Sỏi, khách làng chơi bây giờ không phải là da đen trắng như thời Pháp thuộc mà là da vàng mũi tẹt, chắc có lẽ phe ta bị lảng quên sau bao năm dài chịu lép vế, bây giờ được rộng đường tung hoành cho thỏa chí trai, mà đặc biệt khu nầy ít thấy quân đội Đồng Minh lai vảng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt, không phải như những khu bên cạnh vách tường Thành Kèn, vườn cao su Lò Than, Tam Hiệp v..v. Tôi nghiểm nhiên thành thổ địa khu nầy, nên mấy thằng bạn thỉnh thoảng đến thăm tôi không ngoài mục đích bắt tôi làm hướng dẫn viên bất đắt dĩ. “Ok, tụi mầy làm gì thì làm còn tao ngồi ngắm thôi”, ngắm đây là tôi ngồi ngoài phòng khách đợi, các em sau khi xong là cứ thế tỉnh bơ đi lên xuống nhà tắm phí sau.

Trường Trung học Đông Phương, nơi tôi trải qua 4 năm của thời đệ nhất cấp, năm đệ ngũ trai gái học chung, một hôm có một quyển vở, có lẽ tập vở ai bỏ quên, được chuyền từ trên xuống dưới, khi quyển vở được chuyền trở lại, đám con trai cười khúc khích, một em dở tập vở ra thấy có những cọng tóc đen nhánh xoăn xoắn nên thổi bay đi, đám trai cười ồ lên, còn đám gái ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Trong lớp có Hoa và Dung ở Bến Cá, mà Hoa sau nầy là phu nhân của Th/tá Lợi, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn ĐPQ/ Biên Hòa, Lan ở Lò Bò, Quyền ở giửa rạp Biên Hùng và Khánh Hưng…. Đám nam thì có Đẳng, Đương, Nghỉa ( một cây tếu, chọc cười), Thế cù lao Phố, Bùi quang Hiền, Đại/ Úy Phó Nội An một tỉnh ở vùng IV , lúc đang học đệ nhị ở Khiết Tâm, Hiền bỏ đi nhập ngủ khóa 13 Thủ Đức, bạn bè trong lớp đùa là “khi đụng địch mầy ra lịnh: bơ..bơ.. bắn bắn, địch nó có thì giờ chạy hết”, Toàn hiện là HLV vỏ thuật ở các trường,…Đi học đám trai tụi tui ít có đứa mặc quần tây dài, toàn là quần short hay tà lỏn, Toàn tướng người cao ráo trắng trẻo chuyên mặc tà lỏn đi học, khổ nổi lớp đệ ngũ học trò ngồi hướng mặt ra cửa vô, nên ai vào lớp đều đi qua những cặp mở to hoặc len lén quan sát với tiếng cười khúc khích. Ngày ngày đi học, tôi ngang qua nhà em sát bên cạnh trường, âm thầm vương vấn một mình để viết lên “Tình anh xách nước”. Đối diện trường là nhà của thầy giáo Khỏe, nơi có giếng nước rất tốt, có hai cô gái Cúc và Út dễ mến và hai người bạn Thượng và Nuôi bảnh trai là các con của thầy mà tôi được biết. Nhà thầy Huyện, chuyên bó tay chân bị trật khớp hay bị gảy. Một buổi chiều tôi đang đứng bên nầy của xà đơn trong sân chơi ở MKD, một thằng bạn cùng trang lứa đứng bên kia xà chọc quê, tôi dự tính nhảy lên chụp xà xong phóng người đá nó luôn, nhưng thiên bất dung gian tôi chụp hụt và té ngồi, tay trái chống đở thân người bổng chóc cùi chỏ tay trái sưng to lên, tôi đạp xe ra thầy Huyện thoa thuốc và bó cho tôi, ngày sau đi học tôi lòn cánh tay vào sợi dây choàng qua cổ, không ngờ cánh tay không duỗi ra một cách bình thường mấy năm trời. Tâm con thầy Huyện bây giờ là cháu rễ tôi gọi tôi bằng cậu. Đất Thánh Tây, nơi an nghỉ phần đông quân nhân Pháp, những thánh giá phết vôi trắng hếu, thỉnh thoảng ban đêm có những ánh đèn lấp lánh bay theo gió, người yếu bóng vía không dám đi ngang, ấy thế mà bây giờ người sống kẻ chết đã sống chung nhau, không còn một chỗ trống. Ngày xưa, phía sau đất Thánh là khu trống trải và bằng phẳng, đám thanh niên quanh đó chiều chiều ra đá banh, một buỗi chiều ra đến nơi thấy lá và cây chất đống của ai dự định dựng nhà, anh em ai nấy buồn tiu nghỉu ra về, không ngờ, ai đó đã đốt sạch cây lá vào ban đêm. Mấy ngày sau, chiều anh em đến đã thấy nhà đã dựng xong, và từ đó nhà cửa mọc lên như nấm mất trật tự, thế là anh em không còn nơi đá banh vào buổi chiều nữa. Khu Thành Kèn, từ lề đường PDP đến vách thành là đất trũng như cái hào, trong giai đoạn Mỹ đổ quân ào ạt vào Việt Nam, các sĩ quan có máu mặt đua nhau xây dựng quán bar buôn bán ì xèo và là nơi giải trí cho quân nhân Mỹ, rồi giờ đây với làn sóng di cư vô tiền khoáng hậu sau năm 1975, con đường PDP không còn đất trống, ngay sát hàng rào của thành quân cụ cũng thế. Trường Trung học Tiến Đức khai giảng từ lớp đệ thất cho đến đệ tam với thấy hiệu trưởng Lưu Trương dạy Pháp văn cho lớp đệ tam chúng tôi, bài nào thầy cũng analyse grammatical kỹ càng nên dù mấy chục năm qua tôi vẫn còn nhớ. Trong lớp có Đương vỏ Judo, còn Hải vỏ Thiếu Lâm, hai tay xích mích chuyện gì đó và hẹn nhau ở sân banh tỉnh ở Cây Chàm giải quyết, tới giờ ra chơi anh em chúng tôi liền chạy xe ra sân banh, Đương và Hải quần thảo một hồi , vì vô ý Hải vấp phải bụi cỏ lúc bước lui té ngữa, Đương lợi dụng cơ hội hiếm có chụp Hải và định vô đòn, anh em liền chạy tới can ngăn vì gần tới giờ vô lại lớp. Mặc dầu học đệ tam lúc 20 tuổi đầu, nhưng tôi nhát gái lắm, nếu anh em trong lớp không đề cử tôi đứng ra tổ chức tiệc Tất Niên và làm bích báo thì không biết bao giờ tôi dạn dĩ trước mặt các cô. Nhờ vậy mà tôi quen được Lê thị Tố cùng lớp, cô nàng lớn hơn tôi 3 tuổi, bằng tuổi bà chị kế tôi, không biết tại sao lúc đó tôi lại thích quen người lớn tuổi không ngoài mục đích để học hỏi.Trong mấy tháng hè để luyện thi lại bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, ngày nào cũng vào buổi trưa tôi phải đạp xe từ nhà đến Hóa An, phải qua hai Cầu Gành và Rạch Cát, lúc đó chưa có Cầu Mới, để cùng Tố luyện môn toán. Tố đang mở lớp hè tại nhà để dạy mấy đứa trẻ ở lối xóm, tôi đến phải đợi tan lớp rồi hai đứa mới bắt đầu làm toán thi. Mùa thi năm đó tôi đậu còn nàng thì rớt, sau đó tôi không có dịp để gặp lại nàng. Niên học sau, trường Tiến Đức không mở lớp đệ nhị, nên tôi phải qua học ở Khiết Tâm rồi đệ nhất Ngô Quyền, nhưng mãi tới 1965 tôi mới đậu TT2 tại Đà Nẳng, sau 6 keo đèn sách ôn bài từ ban B qua ban A. Ngay ngã tư chợ, phía bên phải của đường PDP là nhà hàng Hạnh Phước, trong thời Pháp thuộc nó là vũ trường mà mấy đứa trẻ hay đứng ngoài rào nhìn những cặp đang dìu nhau theo tiếng nhạc.

Bây giờ con đường PDP không còn nét đẹp và diệu hiền như ngày xưa nữa mà thay vào đó là cuộc sống náo động theo làn sóng di cư ào ạt từ Bắc vào Nam sau 1975, những gia đình sống hai bên đường đã bị áp đảo, một là đi kinh tế mới, hai là bán đổ bán tháo vì sự sống hằng ngày đang bị quẫn thúc, cuối cùng mặt tiền của hai bên đường đã thay da đổi thịt toàn là cơ sở thương mại mà chủ nhân đa số là dân di cư 75. Nhà của chị Châu nằm giữa nhà tôi và nhà may Ngọc Diệp, vì chị đi Mỹ trước ngày miền Nam mất vào tay cộng sản, tay Ba Cẩn muốn lập công nên điềm chỉ nhà chị Châu cho chính quyền địa phương trưng thu, mặc dù nhà còn hai đứa con trai của chị và bà ngoại đang ở, một tên cán bộ có chức quyền đến chiếm ngụ, đuổi hai đứa con và bà ngoại của chị Châu ra khỏi nhà. Kể từ đó cánh cửa sổ hông nhà tôi luôn đóng kín vì Ba Dì tôi thường hay bắt gặp những cập mắt cú dọ nhìn sang , vì nhà có người đang đi tù cải tạo, làm ba dì tôi lo lắng không yên tâm. Vào một buổi đi lao động về tại Suối Tre, Long Khánh, đứa cháu gái lớn của chị Ba tôi báo cho tôi biết là ông bà ngoại đã bán nhà rồi, nghe xong tôi rất buồn vì bao kỹ niệm trong thời thơ ấu chỉ còn trong ký ức, nhà bán với giá rẻ mạt. Sau ngày gọi là ngày đất nước được thống nhất, người dân miền Nam đã đổi đời và người dân miền Bắc cũng đổi đời, nhưng sau 38 năm nhìn toàn cảnh của đất nước, sự đổi đời đó được biểu diển bởi hai mũi tên nghịch chiều. Mọi người dân miền Nam không ai là không nếm niềm đau thương, khổ hận, nhưng vì thấp cổ bé miệng nên đành chịu nhục trước cái lý của kẻ mang danh là “người thắng cuộc”.

Con đường Phan Đình Phùng, mặc dù tên không thay đổi như bao con đường khác trên toàn cỏi miền Nam sau khi bị giặc phương Bắc xâm chiếm, mang danh một nhà ái quốc vĩ đại trong trong cuộc chiến chống ách đô hộ của thực dân Pháp của thế kỹ 20, tôi mạo muội viết lên những cảm nghỉ của mình về con đường mà tôi sống qua thời niên thiếu với bao kỹ niệm vui buồn, đường PDP là chứng nhân bao sự đổi thay của xã hội đương thời trong lịch sữ cận đại của đất nước Việt thân yêu.

Georgia, 01-10-2013  

THÔI HUỲNH 

Email: anhthoi4643gmail.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn