BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73174)
(Xem: 62202)
(Xem: 39377)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ghé thăm Hàn Quốc

28 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 1048)
Ghé thăm Hàn Quốc
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Mới đó mới đây, vậy mà đã năm năm kể từ ngày về thăm mẹ lần trước. Ở tuổi ăn tiền già - mà còn mẹ thì có gì quí cho bằng. Thương biết bao những đứa trẻ mới chào đời đã không nhìn thấy mặt mẹ; hoặc vừa mới lớn lên đã bị mồ côi; hoặc chiến tranh; hoặc nghèo đói... Suy ra... trời đất cũng không có hoàn hảo chút nào.

 Lần về thăm mẹ lần trước vợ chồng tôi cũng phải chi tiêu dè xẻn bỏ ống heo mấy năm trời mới có "số vốn" kha khá! - Kha khá có nghĩa là "liệu cơm gắp mắm" chứ có phải "đại gia" đâu mà về quê - làm... "việt kiều yêu nước"! Áo mão xênh xang! Tiền hô hậu ủng, "pháo nổ" rầm trời...! Muốn về vào tháng tết thì vé máy bay quá cao. Nhờ con gái mua dùm - mua trước sáu tháng thì giá rẻ hơn nhưng khổ nỗi cứ trông chờ từng ngày không khác gì án treo ở trên đầu, trên cổ. Về lần nầy cũng chỉ đi được trong vòng một tháng, đi quá thời hạn quay trở về bị cắt trợ cấp làm hồ sơ xin lại không phải dễ dàng. Còn phải chứng minh khoản tiền ở đâu có để mua vé máy bay đi... "du lịch" nữa chứ?

 Về quê thăm viếng chẳng lẽ đi tay không? Cũng phải có chút ít quà! Anh em đông, con cháu cũng bộn... Chưa kể hàng xóm, bạn thân... Bởi có thời gian dài chờ đợi đến sáu tháng. Nên vợ chồng tôi chờ những ngày cuối tuần, ngày lễ lớn hàng hóa giảm giá rất rẻ, hoặc đợi ngày giảm thuế cho những người già đi mua hàng - vợ chồng tôi dắt nhau đi mua. Góp gió thành bão...! Gần đến ngày đi chúng tôi mới soạn ra - tính theo đầu người mà đóng gói, bên ngoài ghi tên người nhận quà rõ ràng...

 -Về thăm bà nội kỳ nầy cha mẹ thích đi hãng hàng không nào nói cho con biết để con mua trên máy cho nhanh? Hay là tiếp tục đi hãng Eva như lần trước? Đứa con gái của tôi gợi ý như vậy. Tôi nói: Thôi các con ơi - cha mẹ không muốn đi hãng Eva nữa đâu! Kỳ nầy cha mẹ muốn đi qua Hàn Quốc, con chọn cho cha mẹ đi cái hãng nào cũng được miễn là đến Hàn Quốc thì tốt! - Hàn Quốc chỉ có hãng "Asiana" nhưng qua đó cha mẹ phải "transfer" đợi đến... sáu bảy tiếng đồng hồ mới có máy bay về Việt Nam... Lâu lắm! Hơn nữa về đến Sài Gòn đã mười hai giờ đêm - khuya như vậy bà con đi đón cũng mệt mỏi, phiền phức!. Tôi ngồi im lặng suy nghĩ một lúc rồi nói: - nhưng cha mẹ ghé qua Hàn Quốc lần nầy - mục đích là khi quay trở về sẽ xin đi “tour" ngắm thành phố Seoul - luôn tiện ghé thăm anh chị "sui" luôn thể...". Tôi nghe đứa con gái lớn quay lại nói thì thầm với hai đứa em gái của nó mà tôi nghe thoáng qua... - Không biết cha bị... cái gì rồi đó? Ba chị em mình còn đang đi học mà cha nói - có sui bên Hàn Quốc nghĩa là sao? Đứa con gái lớn quay lại nói: - Chúng con chưa có chồng mà cha! Ai là sui gia ở bên bển vậy?. Tôi quay lại nói: - Các con sống ở Mỹ lâu quá thành ra bị "bưng bít thông tin" hết ráo, thành ra chẳng hiểu mô tê gì! Bên quê nhà báo “Thanh Niên - tuổi trẻ" cho biết: Nhà nước "gả" qua Hàn Quốc – hơn năm mươi nghìn cô dâu, còn Đài Loan - một trăm hai mươi mấy nghìn cô dâu chưa kể các quốc gia khác... Vậy cha là người Việt cao niên chẳng phải sui gia bên đàng trai thì là cái gì? Đứa con gái tôi lắc đầu cười: - Cha là thi sĩ nên sức tưởng tượng quả là phong phú thật đấy! Chúng con biết tỏng ý cha - cha thèm ăn" kim chi" và uống rượu "Soju" chính gốc bên Hàn Quốc cho nên muốn sang bên đó ăn thử, uống thử - vậy mà còn bày đặc thăm sui với gia! Tôi cười vang... Đúng là không ai hiểu cha bằng con gái, nhưng chỉ đúng có một phần thôi! Cảm ơn các con! Đứa con gái tôi nó nói tiếp: - Cha xuống phi trường "Incheon" vào mùa đông lạnh ngắt ngồi co ro mấy tiếng đồng hồ chán chết...! Tôi cười và nói với mấy đứa con gái rằng: - Các con ở Mỹ lại bị "bưng bít thông tin" nữa rồi...! Cha nghe mấy ông bạn của cha đã từng đi qua Hàn Quốc về nói - sân bay incheon (nhân xuyên) lớn nhất Hàn Quốc. Thuộc "top" năm thế giới. Cung cách phục vụ cũng đứng đầu thế giới. Sân bay cách thủ đô Seoul bảy chục cây số. Tại sân bay có nhiều nhà hàng khách sạn, phòng nghỉ...Nhiều gian hàng với hàng hóa đa dạng, có sòng bạc cho những ai thích trò chơi đỏ đen, có sân golf, có khu công viên vui chơi giải trí, khu ăn uống rộng lớn. Khu mua sắm với đầy đủ các chủng loại hàng cao cấp trên thế giới. Một bảo tàng văn hóa Hàn Quốc... Nghe nói mà "ham"!

 Từ San Francisco ngồi mười sáu tiếng đồng hồ mới đến phi trường incheon lúc mười giờ sáng (giờ Hàn Quốc). Bánh máy bay vừa chạm xuống đường băng - mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài thấy một màu tuyết trắng xóa, tuyết được cào ra hai bên đường băng chạy dài trông như những con sóng. Sau khi làm thủ tục quá cảnh chúng tôi tìm cái số cổng chờ chuyến bay buổi tối để bay về Việt Nam - ngồi nghỉ chân. Đúng như lời bạn tôi nói. Sân bay rộng lớn hơn sân bay quốc tế San Francisco, các khu vực phục vụ hành khách thật tuyệt vời nhất là khách quốc tế quá cảnh rất đông. Tất cả các khu - vui chơi, ăn uống, mua sắm đều rộng rãi, sạch sẽ! Chúng tôi ăn một tô bún "Kim chi" với giá chín đô la. Nói chung tất cả hàng hóa kể cả rượu... hầu như đều bằng giá như ở San Francisco.

 Chúng tôi để ý nhưng không thấy cô gái bán hàng hay nhân viên phục vụ tại phi trường là "cô dâu" Việt Nam. Họ ở đâu, nơi nào trên đất nước Hàn Quốc lạnh lẽo nầy? Trước giờ chờ lên máy bay về Sai Gòn chúng tôi mới thấy một người phụ nữ nói giọng tiếng Việt ngồi ôm đứa con gái khoảng ba tuổi. Đứa bé gái nói tiếng Việt với mẹ nó đôi khi chen lẫn tiếng Hàn. Vợ chồng tôi lân la làm quen và được biệt chị là người Hải Dương - ba mươi sáu tuổi lấy chồng Hàn được năm năm. Chúng tôi không dám hỏi han về đời sống của những cô gái người Việt "làm dâu" ở xứ Hàn như chị, chúng tôi sợ bị xúc phạm, tổn thương đến hoàn cảnh của chị - cho dù là lấy chồng ngoại với bất kỳ lý do nào cũng làm cho những người ở trong trường hợp như chị thêm tủi thân. Chúng tôi chỉ nói về thân phận ly hương của chúng tôi từ ngày "giải phóng"! Nỗi cơ cực bơ vơ nơi xứ người trong những ngày tang thương đó...! Dần dần chị cũng hòa nhập và tự nói ra những điều u ẩn của lòng mình:

 "Hầu hết những cô dâu Việt như chúng con đều xuất thân từ vùng nông thôn Miền Nam, một số ít Miền Bắc. Văn hóa thấp lại không có nghề nghiệp trong tay cũng như ngoại ngữ. Chỉ có chút nhan sắc và tuổi trẻ. Khi lấy chồng Hàn Quốc hay Đài Loan - những quốc gia nầy là những "con hổ" kinh tế đang trên đà phát triển mạnh. Những người con gái Việt như chúng con kết hôn với những người đàn ông nước ngoài - luống tuổi, không có trình độ học vấn – đa phần họ ở nông thôn , hoặc những người tàn tật không có tiền để cưới vợ! Chính những cô gái thất học như chúng con là một thứ "hàng hóa" rẻ - rất vừa túi tiền của họ! Chỉ có một số ít có được sự may mắn – gặp được người chồng có học, có gia đình ở thành phố và gia đình chồng thương yêu. Thân gái dặm trường bơ vơ như chúng con lúc nào cũng nhớ cha mẹ, anh chị em, nhớ quê hương nhiều lắm. Nhín nhịn chút tiền gửi về nhà trong những ngày đầu. Sau khi sinh con và vật lộn với cuộc sống nên cũng... thưa dần. Khổ nghèo và thất học – có con đường nào khác đâu để cho chúng con lựa chọn. Dù sao chúng con cũng tự nguyện mà!".

 Chị ấy nói một hơi và ngưng lại khi đứa con gái "lí nhí" một câu tiếng Hàn... Hình như nó đòi uống nước. Tôi thấy bà nhà tôi móc bao lì xì ấn vào tay cho đứa... "cháu ngoại"của bà! Tôi hiểu tâm trạng vợ tôi - bà ôm nó vào lòng như ôm trái tim của chính mình với giòng máu Việt Nam chảy trong tim bà và đứa bé - cùng rung lên, cùng thổn thức...! Một nỗi buồn mênh mông xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi quay qua hướng khác mà đôi mắt có lẽ mờ mờ trong đôi kiếng lão! Vợ chồng tôi có ba người con gái, chưa "cô" nào chịu lấy chồng dù có cô đã gần ba mươi tuổi! Ngồi nơi sân bay "Incheon" nầy mà cứ ngỡ mình là "sui gia bên đàng gái nghèo khổ bị sui da bên đàng trai giàu có khinh khi" ! Bởi không "môn đăng hộ đối"! Không một ai tiếp đón, hỏi han hay mời một ly nước! Tôi nghĩ quê hương Việt Nam - có: "Rừng vàng, biển bạc" Người phụ nữ Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ được vinh hạnh có tám chữ vàng: "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"! Vậy mà tại sao hàng nghìn người con gái - thế hệ sau chiến tranh - con cháu của họ phải "làm vợ khắp người ta"? Những người con gái cớ làm sao phải mang một "sứ mạng" quá nặng: “Phải lấy chồng giàu, lấy chồng ngoại quốc để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ?". Có phải đây là một cái lý do quá “hàm hồ” để đẩy hàng nghìn những người con gái tuổi đời còn quá ngây thơ vào con đường hôn nhân có tính cách mua bán bất chấp thuần phong mỹ tục. Bất chấp danh dự của một quốc gia dân tộc. Họ lột trần truồng các em ra trước ống kính và những người ngoại nhân (chồng) săm soi như lựa cá. Những đồng tiền gửi về cho cha mẹ xây nhà tường, chữa bịnh...! Đánh đổi bằng nước mắt, bằng sự nhục nhã thậm chí bằng máu với những cái chết tức tưởi. Hoặc sống dở, chết dở trong các động mại dâm mà báo chí, xã hội từng lên tiếng.

 Có người than phiền: "Sao lại là con gái mới đền ơn dưỡng dục cha mẹ? Vậy, bọn con trai ở đâu? Bộ con trai không phải con hả? Sao không làm lụng giúp đỡ cha mẹ mà trút trách nhiệm lên đám con gái?". Hỏi vậy cũng hay! Những lớp thanh niên "dũng sĩ diệt Mỹ". Sau chiến tranh, trở về cầm cày, cầm cuốc, nay cũng đã già. Hơn nữa chữ nghĩa không có! Cho dù trên ngực đeo đầy huân huy chương cũng không nuôi nổi gia đình. Chưa nói bệnh hoạn thương tật, với số tiền trợ cấp hằng tháng thử hỏi có đủ sống hay không. Nói gì đến con cái thường dân. Như vậy, con trai hay con gái sau chiến tranh cũng khổ cả. Những người con trai cũng tìm mọi cách chạy ra nước ngoài làm thuê kiếm từng đồng gửi về cho gia đình. Họ còn khổ hơn con gái vì muốn được "xuất khẩu lao động" họ phải cầm nhà thế đất cho ngân hàng hay chạy vạy vay mượn khắp nơi để đóng cho cơ quan môi giới việc làm. Nhưng ra nước ngoài công việc làm chưa chắc đã ổn định. Tay nghề không có chỉ toàn làm bằng nghề tay chân. Luôn phập phồng lo sợ bị đuổi về nước!

  Lần quay trở về vợ chồng tôi ghi danh đi "tour"! Từ sân bay Incheon lên xe bus chạy thẳng đến Seoul khoảng bốn mươi lăm phút. Mùa đông - nhìn ra hai bên đường rừng cây trụi lá. Tuyết rơi nhưng chưa đọng lại trắng toát như ở sân bay. Thời tiết đang là hai mươi dưới không độ. Dòng sông nước lừ đừ trôi nhưng chưa đóng thành băng. Thời gian cho một chuyến thăm thành phố chỉ có một giờ - quá ít, và mùa đông, nên chủ yếu đi vào các trung tâm mua sắm và ăn uống. Vợ chồng tôi để ý nhưng không gặp một "cô dâu" Việt nào. Trong lòng rất mong muốn gặp đồng hương nơi xứ người để nói tiếng Việt cho thoải mái. Nhưng thất vọng! Nhìn chung thành phố seoul với kiến trúc tân kỳ, tráng lệ và sạch sẽ. Hệ thống giao thông công cộng không khác gì ở San Francisco. Trở về lại sân bay cảm thấy ấm áp và thoải mái hơn bởi không ràng buộc thời gian và sự "lo lắng" của hướng dẫn viên. Cho nên đi "tour" vào seoul cũng không khác gì - người mù tả voi...!


 Trở lại sân bay tôi nhìn đồng hồ còn hơn hai giờ mới đến chuyến bay đi San Francisco. Rất may vợ chồng tôi gặp một người thanh niên Việt khoảng bốn mươi tuổi. Cậu ta cho biết hiện ở bang Colorado, qua Mỹ lúc còn nhỏ. Cậu ta về quê cưới vợ! Cậu ta giới thiệu cô vợ người Huế còn trẻ, lần đầu đi xa nên trông cô ấy có vẻ buồn. Cậu ta nói tiếng Hàn rất giỏi ngược lại tiếng Việt cậu ta nói lọng ngọng. Vậy là bốn chúng tôi kết thành một đoàn đi chơi vòng vòng trong những khu mua sắm, khu ăn uống và khu vui chơi giải trí trong sân bay. Cậu ta tự nhiên trở thành người thông dịch tiếng Hàn miễn phí cho tôi.

 Cậu ta nói với tôi "mấy cô gái Hàn chỉ đẹp ở trên phim, chứ ngoài đời thường không đẹp bằng gái Việt chúng ta". Tôi nói - cháu dựa vào tiêu chuẩn nào để so sánh? - Cậu ta nói: Gái Hàn "mắt một mí" và kém yểu điệu thục nữ như gái Việt - nhất là gái Việt ở nông thôn. Tôi hỏi nhỏ: - Vậy cô vợ cháu cũng ở nông thôn chứ gì? Tôi không ngờ cậu ta hãnh diện khoe: "Thưa bác, cô ấy người Huế nhưng vào Nam sau ngày "giải phóng". Ở Bạc Liêu, mần ruộng với cha mẹ. Gia đình cô ấy là gia đình "cách Mạng" thứ thiệt. Cha cô ấy là "cựu chiến binh" chống Mỹ cứu nước! - Vậy cha cháu... tôi bỏ lửng câu nói. Thật nhanh nhẹn cậu ta nói: - Cha cháu là sĩ quan "ngụy" di tản trong ngày ba mươi tháng tư năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm. - Cháu cũng gọi cha cháu là "ngụy" sao? - Cha cháu may mắn di tản kịp trong ngày tang thương ấy, nhưng bác và nhiều người khác trong quân đội và chính quyền miền Nam còn ở lại thì phải đi "học tập cải tạo'! Bản thân bác cũng gở lịch gần mười năm! - Cậu ta quay nhìn tôi sững sờ và muốn nói... Nhưng tôi cười và nói tiếp: Ngụy hay Chân cũng như bàn tay - ngữa và sấp. Thời gian là câu trả lời chính xác - đó là lịch sử. Chẳng phải bây giờ cha cháu và ông già vợ cháu trước kia khác chiến tuyến nhưng nay đã là thông gia là gì? 
 
 Bất hạnh của dân tộc đã dẫn đến tương tàn... Người lính cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận lúc nào họ cũng luôn tuân phục mệnh lệnh cấp trên. Đúng hay sai là ở "chủ thuyết hay tham vọng của ngoại bang". Họ lúc nào cũng là người chiến binh bị đẩy ra chiến trường. Họ là con tốt trên bàn cờ. Ai ở miền nào thì phải chấp hành mệnh lệnh theo vùng đó. - Con hiểu tấm lòng của bác cũng như cha con. Cha con cũng hay nói với con rằng: - Hãy về thăm quê hương, chúng ta không thích chế độ độc tài nhưng người dân và đất nước vẫn tồn tại mãi mãi. Lẽ nào chúng ta từ bỏ quê hương sao? Chính quyền thì nay còn mai mất, nhưng nước Việt Nam không bao giờ mất. 

 - Uống một ly "Soju" với cháu được chứ bác? - Tốt thôi! - Bác thích hai món soju và kim chi của người Hàn. Hai món nầy họ đã xuất cảng ra nước ngoài và thế giới rất ưa chuộng. Ở San Francisco bác hay đi vào phố Hàn để ăn món kim chi và uống rượu soju nhưng giá đắt hơn ở đây. Bác cũng thích rượu đế của Việt Nam nhưng không thấy bán.

 Chúng tôi ngồi ăn uống và nhìn những chiếc xe cào tuyết trên sân bay – tuyết vẫn rơi... xa xa những ngọn đồi chung quanh sân bay tuyết phủ trắng. Tôi nói vui! - Phải chăng vì quá lạnh cho nên bắc Hàn không thể xẻ núi đi:


   “giải phóng” nam Hàn? Đành chịu cảnh chia đôi đất nước lâu dài và Hàn Quốc bị “Đế quốc Mỹ xâm lăng mấy chục năm nay, chính quyền Hàn Quốc cũng giống như chính quyền Sai Gòn xa xưa - làm tay sai bán nước cho đế quốc Mỹ?”.

  Nhưng dù gì... họ cũng là anh hùng. Miền Bắc tự hào có vũ khí nguyên tử thường xuyên hăm dọa làm cho bọn “Đế Quốc” khiếp sợ! Còn Nam Hàn tự hào là con hổ Châu Á với nền kinh tế đứng hàng thứ mười trên thế giới. Những tập đoàn xe hơi, điện tử nổi tiếng khắp năm châu: Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries, Kia Automotive Group, Deawoo, LG... Giàu có nhưng còn bị 'xâm lăng” chưa thống nhất, hai bên còn hận thù và hằm hè nhau như vậy cuộc sống cũng chưa ổn. Việt Nam chúng ta:

  “May mắn có chủ nghĩa mác lê nin bách chiến bách thắng! Đã tiêu diệt ba đế quốc hùng mạnh: Pháp, Nhật, Mỹ! Nhất là tiêu diệt đế quốc Mỹ xâm lăng tàn ác để cứu nước và đã thống nhất trong vinh quang vào ngày 30.4.1975. Những thế hệ con cháu hiện nay tiếp nối truyền thống cha ông trên con đường diệt Mỹ, diệt chủ nghĩa tư bản bóc lột đang giãy chết. Với lòng nhân đạo..., hiện nay đất nước đã gác bỏ quá khứ nghìn năm nô lệ xa xưa để vun đắp tình hữu nghị - xây dựng quê hương giàu mạnh quang vinh muôn năm”!

 -Công nhận Bác nói hay, đúng bài bản giống y chang như ông bố vợ “cựu chiến binh” của cháu nói! - Gần mười năm cải tạo dù nhiều hay ít bác cũng có “giác ngộ...” mà! Bốn chúng tôi nhìn nhau cười...! Chúng tôi ra cổng để làm các thủ tục về Hoa Kỳ. Trên chuyến bay - cũng như lần trước tôi vẫn yêu cầu được uống rượu Soju - uống thoải mái không hạn chế, ăn kim chi và một vài món ăn xứ Hàn kèm theo.

 Về đến sân bay San Francisco - ba đứa con gái ra đón và hỏi kháy: - cha có gặp “cô dâu” nào không? - Có! Cha mẹ có... gặp một cô dâu lấy chồng Hàn tại sân bay Incheon. Vòng trở về Hoa Kỳ cũng tại sân bay Incheon có gặp một “cô dâu” lấy chồng người Việt Nam! - Lấy chồng người Việt Nam có gì phải đáng nói đâu? - Đáng nói lắm chứ! Bởi cô dâu nầy là con của một người “cựu chiến binh” (việt cộng) lấy con trai của người “cựu sĩ quan ngụy”. Hai “cô dâu” nầy đều lấy chồng ngoại quốc nhưng ý nghĩa là hoàn toàn khác nhau.

 Chúng con cũng là “con của sĩ quan ngụy”! Nếu cha thích, sau khi tốt nghiệp chúng con sẽ lấy chồng - là con của mấy ông việt cộng. Mấy ông việt cộng ngày nay họ giàu lắm! Con cái của họ qua đây học hành rất đông, và trong số họ cũng có người không muốn về nước. Việt kiều làm sao mà bì kịp sự giàu có của các ông việt cộng phải không nà?

 - Sao con chạy vô phố Hàn làm chi vậy? - Hôm nay là ngày sinh nhật của cha - cha quên rồi sao? - Chúng con muốn đãi cho cha ăn “BBQ” món thịt bò kiểu Hàn và uống rượu Soju - chúng con cũng uống nữa! -Vậy ai lái xe? - Cha khỏi phải lo, con đã chuẩn bị đâu vào đấy rồi. Như vậy là cha được tiếp tục được uống rượu Soju! Cảm ơn các con!

 Chuyến đi về thăm quê hương bằng hãng hàng không Asiana để ghé thăm Hàn Quốc - (tôi không quãng cáo không công đâu nha) nhưng nếu ai chưa đi qua Hàn quốc cũng nên đi thử một lần cho biết đất nước Hàn Quốc đã hóa hổ, hóa rồng như thế nào! Đất nước với những bộ phim tình cảm mang đầy tính nhân văn - với những ca sĩ, diễn viên xinh đẹp đã làm say mê hàng triệu triệu người trên thế giới. Say mê đến nỗi một số ít giới trẻ tại việt nam “hãnh diện” hôn lên cái ghế ngồi của thần tượng mà mình yêu thích đủ nói lên sự thành công về phương diện văn hóa và con người của xứ “kim chi”. Một chuyến đi để nhìn thấy sự thật của một đất nước sau chiến tranh tan hoang nay đã vươn lên mạnh mẽ; để biết sự trỗi dậy của một dân tộc với lòng yêu nước nồng nàn đã làm cho cả thế giới phải khâm phục! Người Hàn có khoảng năm triệu người định cư ở Hoa Kỳ. Họ gắn bó với quê hương của họ. Bởi vì đất nước quê hương họ có một chính quyền trong sạch do chính lá phiếu người dân bầu chọn và chính quyền của họ luôn luôn - đặt tổ quốc lên trên mọi quyền lợi cá nhân, hay phe nhóm.

 Trang Y Hạ

Incheon, tháng 2,2012

Theo http://trangyha.blogspot.com/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn