BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gặp gỡ ở Huế, thời nhỏ...

09 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 1286)
Gặp gỡ ở Huế, thời nhỏ...
52Vote
40Vote
33Vote
20Vote
10Vote
3.85
Vâng, tập ký Sống & Chết Ở Sài Gòn của Hoàng Hải Thủy đã cho tôi trở về một thời xưa. Thời sinh viên ở Sài Gòn, tất nhiên. Nhưng còn một thời xa hơn nữa, do những hồi ức về Trần Lê Nguyễn và Minh Đăng Khánh làm sống lại.

Nhà thơ Quách Thoại (tranh Đinh Cường).


Nhưng trước hết, xin bắt đầu bằng Quách Thoại. Cả ba người - Quách Thoại, Trần Lê Nguyễn, Minh Đăng Khánh - tôi đều gặp lần đầu tiên ở Huế. Trong những bài tản mạn của mình, có lần tôi đã viết về cuộc gặp Quách Thoại: Mùa Hè ấy - cách đây nửa/thế kỷ có hơn - tôi gặp Quách Thoại. Thoại từ Sài Gòn về lại Huế, định ẩn cư với đá và cây cùng chim muông trong vườn. Tôi gặp Thoại qua một người bạn. Thoại ăn mặc đẹp, dáng vẻ một dandy kiểu Baudelaire. Complet màu beige, mũ feutre. Tôi thì hãy còn là học sinh, đi chiếc xe đạp hiệu Saint Etienne sơn đen, có một cái chuông rất lớn, một porte-bagages rất chắc. Những bài thơ, một vài tùy bút và truyện ngắn đầu tiên, hãy còn non dại lắm, được đăng trên Đời Mới, Thẩm Mỹ...

Mùa Hè ở Huế nóng như một cơn điên màu đỏ, nhưng có lúc chợt lãng đãng trong màu tím trôi trên sông. Ngồi ở đây, thành phố miền đồng cỏ của nước Mỹ, mà tôi như còn thấy lại hình ảnh Quách Thoại. Dáng anh cao, nghiêng, chiếc mũ dạ cũng nghiêng theo chiều gió, bước đi trên đường Lê Thái Tổ, dưới hàng cây, đi qua cầu, nhìn những lá đò trôi trên sông và dãy núi xa, mờ.

Một buổi chiều, chúng tôi họp mặt ở nhà anh Thái bên An Cựu, uống trà và nói chuyện thơ. Lần đầu tiên tôi được nghe Như Băng Trường Tình của Quách Thoại. Như Băng, một thời là người Thoại yêu, sau ẩn mình trong tu viện. Như Băng ơi, vì đâu mà lệ ứa / Ta khóc than nghĩ tủi phận đời ta... Chúng tôi kéo nhau đi ăn bánh bèo dưới chân núi Ngự. Thoại vui, nói chuyện có duyên. Anh có vẻ xanh, gầy, nhưng trong và sáng. Cuối buổi đi chơi, tôi chở Quách Thoại về miệt Bãi Dâu, trên chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ của tôi. Thoại ngồi sau xe, lật tờ Đời Mới có đăng bài tôi, nói: “Văn anh viết như giọng văn Thạch Lam...” Thời trẻ dại ấy, được nghe lời khen đó, tôi sướng lắm. Tôi chở Thoại tới nơi anh ẩn cư. Giường anh nằm giữa hai dãy giường dài, chung quanh cũng là những người gầy xanh như Thoại. Thì ra đây là nơi cho những người bị lao dưỡng bệnh.

Sau 1956, gặp lại Quách Thoại ở Sài Gòn. Quán cà phê hè phố Kim Sơn. Trên đường Catinat. Anh trông gầy và xơ xác đi nhiều lắm. Nhưng đôi mắt lấp lánh. Đây là thời của anh và các bạn. Thời tạp chí Sáng Tạo. Rồi mấy năm sau, anh mất. Với tôi, hình ảnh đẹp nhất của anh không phải là trên hè phố Sài Gòn. Mà là bên bờ sông Hương ở Huế. Và trong thơ:

Quách Thoại đi

giữa lòng cuộc đời

còn sót

lẻ loi

một bông

thược dược.

Cũng những năm tháng còn là học sinh, tôi gặp Trần Lê Nguyễn. Dạo ấy, sau Hiệp Định Genève 1954, anh làm thư ký tòa soạn cho tạp chí Mùa Lúa Mới ở Huế. Một buổi sáng tôi đạp xe đến tòa báo trong Thành Nội, gặp Trần Lê Nguyễn. Anh gầy, râu ria, tóc bơ phờ. Tôi trao anh một bài thơ, bài Người Em Cách Một Nhịp Cầu. Có những câu như sau:

Em về bên kia nhịp cầu

Không hẹn ngày mai gặp lại

Vì dòng sông ấy còn sâu

Vì máu dân mình còn chảy

Chắc gì những chuyện mai sau

Biên thùy xây bằng non ải...

Chỉ có thế thôi, chỉ là những điều có thể nhìn thấy trước được, ấy vậy mà cũng bị ông Lam Giang đả kích nặng, cho là thân Cộng. Chuyện cũ tào lao, không kể lại dài dòng. Sau này, gặp lại Trần Lê Nguyễn ở Sài Gòn, anh nhớ ngay tên tôi và bài thơ. Một hai lần khác, gặp anh ở quán Chùa, bắt tay chào hỏi, không có thân tình gì đặc biệt. Cho mãi đến sau 1982, tôi đi tù cải tạo về, chúng tôi mới gọi là quen thân bởi mối giao tình trong cơn nạn nước khi đám nhà văn nghệ sĩ thời trước bị cướp mất giấy bút, cho ra lang thang lề đường góc phố. Thường, mỗi buổi sáng, trước giờ tới một nhà nào đó dạy học chui, tôi ghé quán cà phê của Hồ Hoàng Đài, ở ngõ hẻm đường Tự Đức. Ở đây, tôi gặp Đinh Cường, Trịnh Cung, Hồ Thành Đức, Đỗ Quang Em... Và Trần Lê Nguyễn. Anh cưỡi chiếc xe đạp tàng tàng, chở báo bán rao. Anh và tôi ngồi uống cà phê, nhắc tới Thanh Tâm Tuyền, và các họa sĩ Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Bùi Xuân Phái... Thỉnh thoảng, tình cờ kiếm được tranh những họa sĩ này, Trần Lê Nguyễn đem bán và cũng kiếm được ít tiền, đỡ khổ... Năm 1995, tôi bỏ nước ra đi, và sau đó được tin Trần Lê Nguyễn bị tai biến mạch máu não rồi qua đời. Bây giờ, đọc Hoàng Hải Thủy, tôi biết thêm là trong những ngày còn lại, Trần Lê Nguyễn nhớ bạn bè, ngồi xích lô đi thăm. Trông anh tội nghiệp, nói lắp bắp không ra lời.

Từ trái qua: Duy Thanh, Trần Lê Nguyễn, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng. (Hình: Internet)


Cũng ở Huế, thời nhỏ, tôi gặp Minh Đăng Khánh. Quách Thoại có dáng rất thi sĩ, Trần Lê Nguyễn thì hơi bụi và khắc khổ. Minh Đăng Khánh khác hẳn hai type người nghệ sĩ nói trên, anh hoạt bát, thần sắc tươi nhuần, cao lớn khỏe mạnh và yêu đời. Mái tóc trắng màu bạc, khuôn mặt đầy, da nâu, anh đúng là mẫu người trong phim (anh là diễn viên điện ảnh, sau này hoạt động trong ngành). Dạo ấy, Khánh đang làm tờ Thẩm Mỹ, và tôi có một hai bài thơ đăng trên đó (Nhịp Bước Mùa Thu, Tháp Nắng...), làm anh chú ý. Ra Huế, Minh Đăng Khánh nhắn các bạn muốn gặp tôi. Hình như cũng tại nhà anh Thái ở Bến Ngự, tôi được hội ngộ với Minh Đăng Khánh. Anh nói chuyện bằng giọng Huế rất giỏi. Gặp nhau, kéo nhau đi cà phê, dạo phố, rồi chia tay. Sau này, ở Sài Gòn nhiều năm tôi lại không có dịp tái ngộ Minh Đăng Khánh. Thời gian trôi qua trong cơn lốc chiến tranh, rồi miền Nam sụp đổ, rồi trại tù và những năm tháng oan khổ ở thành phố với đám chủ mới y trang xúng xính (thơ TTY). Đọc Sống & Chết Ở Sài Gòn của Hoàng Hải Thủy, tôi được biết Khánh đã chết. Tháng 3, 1976, anh đi tù cải tạo chừng non năm. Về được ít lâu, Minh Đăng Khánh cũng như Trần Lê Nguyễn, bị đột quỵ liệt nửa người, đi lại khó khăn. Mỗi lần đến thăm Hoàng Hải Thủy, anh lết lên thang gác nằm nói chuyện hằng giờ. Hoàng Hải Thủy thuật lại: “...Thang gác nhỏ xíu, Khánh lên thang bằng cách ngồi xoay lưng, nhấn chân nhổm đít lên từng bậc, lúc xuống cũng vậy. Vì Khánh lên xuống thang khó khăn như thế nên tôi giải quyết vấn đề tiểu tiện cho Khánh bằng cách lấy cái bô lên gác, tôi bưng bô cho Khánh đứng đái.” Ôi kiếp người, nhất là nghệ sĩ dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, sao nhọc nhằn và đầy oan khốc.

Nguyễn Xuân Thiệp

Theo http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=157439&zoneid=16
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn