BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thương tiếc một con người

30 Tháng Sáu 200612:00 SA(Xem: 929)
Thương tiếc một con người
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Ông không phải là người đa chữ nghĩa, đa triết lý, ông không để lại cho phong trào dân chủ một dấu ấn nào bằng ngôn ngữ văn bản, thế nhưng, với anh chị em hoạt động dân chủ Hải Phòng ông là một người không thể thiếu…

Ông tên là Dương Đức Cần, sinh năm 1939 tại huyện Vĩnh Bảo -Tp Hải Phòng; cư ngụ tại phường Quán Trữ, quận Kiến An –Tp Hải Phòng; là thân nhân gia đình có công với chính quyền. Em trai ông là liệt sỹ, bố mẹ ông có công nuôi giấu cán bộ Việt Minh hoạt động chống thực dân Pháp.

Chúng tôi cư trú chung một phường, người ở đầu này, người ở phía kia, cách nhau hơn một cây số. Vào một ngày của tháng 4 năm 1999, ông đã đến nhà tôi. Lúc bấy giờ tôi là cộng tác viên của một vài tờ báo có trụ sở tại Hà Nội. Bằng chất giọng khoẻ khoắn của một con người thẳng thắn trung thực, ông kể tôi nghe những bức xúc của ông và một tập thể công dân bị chính quyền địa phương “lừa đảo”. Số là chính quyền địa phương thông báo sẽ san lấp một khu đầm rồi chia lô bán cho những hộ dân có nhu cầu đất ở. Ai có nhu cầu xin đăng ký và nộp tiền trước để chính quyền có kinh phí san lấp. 130 hộ dân đăng ký và nộp tiền, trong đó có hộ của ông. San lấp xong, chính quyền trả lời những hộ dân kia là quy hoạch đã thay đổi, khu đất phải dùng làm chợ. Những ai đã nộp tiền mua đất chính quyền sẽ trả lại. Tất cả các hộ dân đều nhận ra thủ đoạn của mấy “ông phường” . Thì ra họ đã “ mượn khéo” tiền của dân để san lấp khu đầm cho một dự án khác. Thế rồi năm lại năm trôi qua không ai trong số họ nhận được tiền hoàn trả của chính quyền. Đơn từ, đi lại đã nhiều từ cấp thấp đến cấp cao nhưng câu trả lời vẫn chỉ có một: “ Sẽ giải quyết,..sẽ giải quyết dứt điểm”. Không biết ai mách ông, cực chẳng đã ông tìm đến báo chí.

Chắc chắn không phải nhờ bài báo của tôi mà ông và những đồng cảnh kia được chính quyền phường hoàn trả lại tiền. Dù có trơ tráo đến mấy chính quyền cũng không thể ăn cướp của dân kiểu đó.

Rồi mỗi người một việc, một lo toan, chúng tôi không có điều kiện thường xuyên gặp nhau nữa, có chăng chỉ là những nụ cười và những cái gật đầu mỗi khi gặp nhau ngoài đường, mà cũng thật là hy hữu. Cho đến một hôm cách đây 7 tháng, sau cái ngày tôi đến thăm bác Vũ Cao Quận, một nhân vật trong nhóm đấu tranh cho dân chủ, một nhân vật “cộm cán” đối với công an và chính quyền sở tại, ông Dương Đức Cần xuất hiện trước cửa nhà tôi. Ngoài các bài viết dân chủ kẹp giữa một tờ bóo cũ cho kín đáo, ông mang theo cái nụ cười chất phác, đôn hậu như ngày nào trên khuôn mặt đã nhăn nheo đi khá nhiều vì tuổi tác.

Tôi nhận thấy tâm trạng ông không chỉ ở trường độ dị ứng với những bất công trong xã hội mà đã ở trường độ nhức buốt- nhức buốt vì những ung nhọt không còn khả năng chưa trị của nó. Ông không có nhiều lý luận như những học giả chống Max, phủ định CNXH, nhưng quả thật ông có một kho thực tiễn sau hơn nửa thế kỷ trải nghiệm dưới chế độ độc tài. Những con người có tính cách bộc trực, thẳng thắn như ông rất dễ để lộ mình. Sau buổi gặp gỡ lần ấy, tôi đã biết ông là người giao liên của những nhân vật hoạt động dân chủ Hải Phòng, người truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ, pháp quyền đến những ai chưa biết, tất nhiên là bằng cách và khả năng của bản thân mình.

Rồi tôi biết rất nhiều, rất nhiều người dân trong khu vực cư ngụ của ông, bạn bè đồng lứa, đồng môn, đồng hương của ông nhờ có ông mà được tiếp cận với những tư tưởng của tiến Sỹ Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín,… những bài viết hữu danh và khuyết danh của nhiều tác giả trong và ngoài nước phê phán thực trạng đen tối của xã hội Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, đạo đức…,.., các vụ đàn áp, xử tù bác sỹ Phạm Hồng Sơn, thầy giáo Nguyễn Khắc Toàn, luật sư Lê Chí Quang, ký giả Nguyễn Vũ Bình…, những tin tức về phong trào đấu tranh cho dân chủ ở trong nước và hải ngoại… các bài viết thuộc loại tư liệu như vụ án tổng cục 2, thâm cung bí sử trong đảng CSVN…. Tuổi đã cao, đồng lương hưu ít ỏi, tự nguyện bỏ ra một một khoản lớn trong ngân sách lúc nào cũng thiết hụt của gia đình cho việc nhân bản tài liệu “phản động”; với chiếc xe đạp cà tàng, cần mẫn và lặng lẽ, tâm thế lúc nào cũng vui vẻ, ông coi thường nguy nan, sáu bảy năm nay, mang nó từ người này đến với người khác, từ nội thành ra ngoại thành, không đi được thì gửi người tin cậy về tận quê trao tay những người cần đến nó. Thử hỏi nếu không có những người như ông làm sao những tư tưởng dân chủ, chống độc tài đến được với người dân một khi hơn 600 tờ báo hình, báo nói đều của chính quyền và không phải người dân nào cũng được tiếp cận internet.

Không phải lúc nào công việc của ông cũng trôi chảy. Phần lớn nhân dân đã bị biến thành con sâu cái kiến, cam phận ươn hèn để lo cho cái dạ dày, không có cơ hội ngẩng mặt nhìn trời; nghe nói đến tài liệu “phản động” là sợ. Một số khác thì không mấy quan tâm. Từ khi đầu thai làm kiếp người Việt Nam, họ đã bao giờ có tự do, dân chủ đâu mà mất, mà đòi???… Dù sao trao tài liệu vào tay họ cũng không nguy hiểm như trao nhầm tài liệu vào tay những kẻ “quyết tâm ngu”. Có lần, tại một quán cóc vỉa hè, khi ông cho một khách vãng lai xem một bài viết dân chủ, ông đã gặp một thái độ đối kháng và quy kết. Đó là một trong những kẻ mà hai bán cầu não đã bị đông kết vì những ngôn ngữ của hệ thống truyền thông trong nước cùng những chỉ thị, nghị quyết “chống diễn biến hoà bình”, “bảo vệ an ninh chính trị…” của đảng cầm quyền. Ông bị dồn vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tự do ngôn luận, tự do thông tin là những ngôn từ đóng băng trong Hiến pháp chứ đâu ra được ngoài đời sống! Người viết ra những tài liệu kia bị hệ luỵ đã đành, nhiều khi người truyền bá những tài liệu kia còn hệ luỵ nặng hơn. Giữa chốn ba quân thiên hạ, hỗ trợ cho người kia có công an, có toà án, có nhà tù. Tranh luận đến cùng, to tiếng ở đây, nghĩa là chuốc vạ vào người… Mang theo những uất ức dồn nén vì bị bịt miệng mà thua cuộc, ông kể chuyện này cho tôi nghe; và một lúc sau, bằng chất giọng suy tư, cam chịu, ông có nói thêm rằng: làm việc này, ông biết trước và luôn chấp nhận những sự cố như vậy.

Ông chưa thuộc loại nguy hiểm đến độ phải khám nhà truy tìm tài liệu, nhưng được “ nhắc nhở” “ khuyên bảo thì đã có nhiều lần… Có lần công an cử hai người đến “thăm” ông. Họ coi ông như một người “lầm đường lạc lối”, vì bất mãn cá nhân mà không thấy sự đơm hoa kết trái của thời kỳ đổi mới, sự lãnh đạo sáng suốt của đảng. ông phủ định tất cả, dùng ngay cái thực tiễn tham nhũng, lộng quyền, sa đoạ đạo đức, nhân cách của giới chức cai trị và bằng cũng cái thực tiễn tụt hậu của đất nước, sự lưu manh hoá xã hội để chống chọi lại những nguỵ luận giáo điều của họ. Khi họ ướm hỏi: sao trên bàn thờ nhà ông chỉ có ảnh ông Trần Độ mà không có ảnh Bác Hồ ? Ông khảng khái rằng: ông chỉ kính trọng tướng quân Trần Độ… Em vợ ông là trung tá công an tại chức, thường xuyên nhắc chị phải khuyên bảo chồng dừng ngay hành vi “phát tán” tài liệu “ phản động”. Ông dứt khoát rằng tôi sẽ li dị cô nếu cô về “phe chúng nó”.

Tóm lại; ông là đối tượng của hai phe gồm 4 lực lượng. Với cơ quan an ninh: ông là đối tượng cần “ quan tâm”; với chính quyền địa phương: ông là đối tượng bất trị; với những người hoạt động dân chủ Hải Phòng: ông là đồng chí; với những người ủng hộ và có cảm tình với phong trào dân chủ: ông là người đưa thư cần mẫn và tự nguyện.

Vậy mà con người kia đã không còn nữa…

Vòng hoa viếng linh hồn ông của anh chị em dân chủ Hải Phòng đề dòng chữ: “ Vô cùng thương tiếc “ người đồng hành

Đúng vậy! Ông đã đồng hành cùng họ trên con đường gian nan vì lý tưởng dân chủ Pháp quyền, cho đến tận ngày định mệnh bắt ông đi vào cõi vĩnh hằng.

Thương tiếc lắm thay !

Hải Phòng, ngày khai mạc hội nghị APEC
Ng. X. Ngh.


 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn