BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nửa đời chum vại

31 Tháng Mười 200012:00 SA(Xem: 851)
Nửa đời chum vại
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
“Người đi ừ nhỉ người đi thật”
Thâm Tâm

Anh không thật sự tập trung. Túi đồ nằm kềnh càng trên gác ba ga xe đạp rơi đánh phịch xuống đất, ngay mép vỉa hè, nơi có một rãnh nước đen ngòm chảy rí rách. Đó là một chiếc túi cỡ lớn. Màu xanh thẫm, mới tinh, dưới đáy có gắn ba bánh xe bằng nhựa để kéo chạy trên nền phẳng. Chị rảo đến xuýt xoa. Vừa sợ nước bẩn ngấm qua túi vào đồ, vừa sợ một chiếc túi không được sạch sẽ giữa nhà ga hàng không choáng ngợp và bóng lộn từ con người đến hành lý.

Anh đã kịp nhấc chiếc túi đặt lên vỉa hè, chỗ sạch nhất, hi sinh chiếc khăn bông nhỏ quay vào nhà thấm nước kì cọ sạch bong chỗ bị dính đất. Mặt anh ngờ nghệch nụ cười hối lỗi. Chiếc túi khá nặng. Toàn bộ tài sản cá nhân của chị nằm trong đó. Chị ít may sắm. Đã may là bền và đẹp. Vài ba năm nay, kinh tế gia đình sa sút, chị không may sắm được gì. Bù lại, cô em ruột, hai em họ và vài người bạn coi chị là kho chứa đồ siđa. Thứ họ bỏ đi, vào người chị bỗng đẹp và sang, khiến có lần họ muốn đòi lại. Anh bảo chỉ nên mang theo vừa đủ. Sang bên ấy phải sắm thêm cho đúng cách ăn vận của người ta. Chị nói, ở nước ngoài quần áo rất đắt. Không nên làm hao hụt tiền lương vì chuyện may sắm. Túi đã căng, chị cố nhét thêm bao nhiêu thứ nữa: lược to, lược nhỏ, lược tròn, vài lọ son, phấn, một máy sấy tóc, cùng một vài đồ nữ công gia chánh khác. Anh tìm chỗ đặt vào hai quyển sổ ghi chép. Một cuốn có bản đồ Trung Quốc và đảo Đài Loam. Một cuốn sổ túi trong đó anh đã chép sẵn các số điện thoại, các địa chỉ chúng bạn chị cần. Một tập giấy trắng, ít bút bi, hai chục chiếc phong bì để đến nơi chị có thứ viết thư ngay. Anh còn nhét được cho chị hai chục túi mì ăn liền. Cô em cho chị hai cân ruốc thịt, phòng chưa quen cơm thịt cứ người chị có đồ ăn bổ sung. Giúp chị thu xếp quần áo đâu vào đấy, nhìn chiếc tủ rỗng huếch, rỗng hoắc, chỉ còn dăm thứ đồ của ba bố con ở lại, anh lặng đi một giây.

Chị không dám nhìn vào tủ. Nếu chị có thể mở chiếc túi, treo lại quần áo cho đầy tủ như cũ? Không! Chị phải đi! Cuộc đi này là con thuyền Noel của gia đình chị. “Nhất tội nhì nợ”. Nếu quần áo của chị được treo vào cho đầy tủ như cũ... Đã nợ biết đâu còn thêm tội!

Chị phải đi, dù đã tìm gặp hai người đi đợt đầu tiên phải khứ hồi: “Không chịu nổi đâu chị ơi...” Tim chị nhói lên khi nghe lời cảnh báo. Rồi chị hy vọng. Biết đâu, xác suất sẽ cho chị vào giúp việc một gia đình tử tế.

Mà dù không được như thế chị cũng phải cắn răng chịu. Đường quay về không có cho chị như hai người kia. Lương cơ bản 500đô/tháng. Trừ đi 12% cho công ty môi giới phía Việt Nam, 36% cho công ty môi giới và thuế thu nhập phía Đài loan, 100đô/tháng chủ nhà giữ lại để khấu trừ nếu bị người ở đánh hỏng vỡ đồ vật, chị vẫn còn 130đô/tháng. Sau 10 tháng được gần gấp đôi. Nếu được làm cả chủ nhật thì còn hơn. Đó là giấc mơ của mọi giấc mơ với đa số người như anh chị ở VIệt Nam. Cho nên chị phải cắn con mồi, không cần biết phía trong có ngạnh hay không. Ba lăm triệu chi phí cho chuyến đi làm Ô-sin-xuyên-lục-địa đã đặt lên quân bài cuối. Trước đó anh chị nợ nần 100 triệu vì kinh doanh thua lỗ. Luật trong và luật ngoài, nghị định và chỉ thị, chiếm dụng vốn và lãi suất vay... mọi con đường đều dẫn đến thua lỗ. Đêm đêm trong căn nhà nhắm mắt đi từ đầu đến cuối không chạm phải vật gì, anh chị mơ thấy đám khủng long chủ nợ đang há mồm chực ngoạm di từng bức tường. Tấm biển bán nhà trưng lên thừa nhận “bước đường cùng” của chủ nhân. Thừa nhận sự hạ nhục không thể che đậy. Trần, tường không buồn quét, nhện tha hồ chăng lưới bắt mồi. Ti-vi bị bắt nợ, cột ăng-ten đổ xiêu vẹo. Nhìn tư xa căn nhà như phế tích. Tiếng dao thớt trong bếp thưa dần. Nhặt dần, to dần tiếng khóc của đứa con trai út đòi tiền đóng học. Anh chị dúm dó như sâu trước mỏ chim mỗi khi nghe tiếng xe gắn máy tạp vào cửa. Nếu may mắn không phải chủ nợ mà là bạn hữu ghé thăm, họ cố bằng được nụ cười, nhìn kĩ như đang mếu “Nửa đời ngơ ngần văn chương/Bây giờ phố chợ hè đường ngu ngơ”. Đã ngu ngơ còn ham “xoá đói giảm nghèo”. Anh thừa nhận đó là hai cái ngu. Bây giờ sa cơ lỡ vận đến nước này rồi. Anh đầu hàng rồi! Bất khả kháng rồi. Từ bỏ vai trò làm đàn ông trong gia đình rồi! Nếu ở Việt Nam có người chịu tự tử khi vỡ nợ thì anh cũng làm theo họ. Gánh nặng bốn miệng ăn, học, điện, nước, ma chay, phúng viếng, cỗ, đám, tu bổ đình chùa, công nhận di tích lịch sử, văn hoá... đè nặng lên vai mình chị. Cửa hàng cho thuê băng viđeo không còn vốn cho đầu vào, đầu ra cạn kiệt. Không tiền làm đăng kí kinh doanh, không tiền nạp thuế... không tiền nạp bản quyền... là thứ mật đối với những chú ong chức trách. Lúc chị bị phạt năm bảy trăm, lúc bị tịch thu dăm bảy chục cuốn băng... Bây giờ cái tủ băng chỉ còn làm vật đỡ trống nhà. Một dạo anh xoay sang làm thợ sắt xây dựng. Được bốn tháng thì công trình lên đến tầng sáu. Nhìn một gã trung niên lẻo khoẻ vác những cây sắt nặng lập bập đi ngả nghiêng trên giàn giáo cao tít như con chim không biết bị bắn hạ lúc nào chủ công trình phải bảo: “Anh đã có tuổi “bay” từ trên đó xuống, chết em”. Anh bạn nhiếp ảnh mách trường X đang cần bảo vệ. Anh mừng như mở cờ. Ba trăm một tháng là được rồi! Hai trăm anh cũng chơi! Hai người đạp xe mười lăm cây số. “Có người đứng tuổi như anh, hiểu biết như anh... như anh. Hèn nỗi anh không đến sớm hơn người ta...”. Đang lúc không còn một phần nghìn tia hy vọng thì cô dì ở HD xuống thì thầm với vẻ mặt của vị cứu rỗi:

- Trên em đang tuyển người đi Đài Loan làm Ôsin. Không ai dám cho chị vay tiền trả nợ. Nhưng có thể cho vay xuất ngoại làm ăn. Mình làm công ăn lương. Được đồng nào chắc đồng ấy. Nếu chị chịu đi, em vận động họ hàng cho chị vay mỗi người một ít.

Chị chấp nhận cái phao của cô em. Chị gặp một ít cơ may ban đầu. Người ta thông báo chỉ tuyển ô-sin đến tuổi 40, chị đã 44, phải khai rút tuổi để được vào dự tuyển. Hai ông môi giới người da vàng Đài loan thành hai ông chủ da trắng ở chợ da đen thế kỉ 16. “Hảo! Hảo!”** Thế là chị không phải nợ thêm năm trăm nhìn phát sinh từ khoản gian lận tuổi trong chứng minh thư và hộ khẩu. Chị vừa học tiếng Trung Quốc, học chăm sóc y tế, nấu cơm, lau nhà... theo cách Đài Loan ở HD, vừa tất tưởi đi tàu về nhà cùng anh làm các thủ tục. Xin công chứng uỷ quyền chuyển nợ từ chị sang anh: tiền! Xin giấy chứng nhận có hộ khẩu ở địa phương: tiền! đơn xin cấp hộ chiếu: tiền! (Trời ơi! Một bản án vu khống nếu cứ kể lể mãi thế này). Anh tỏ ra chán chường. Chị động viên:

- Đã đâm lao phải theo lao anh ạ!

Cũng có lần chị không cho anh đi cùng. Anh không biết tuỳ cơ ứng biến. Anh là người xứ Nghệ “ki bo”. Anh lại có thẻ Hội viên Hội nhà văn. Liều mạng chìa ra là hỏng hết việc của chị. Vừa nặng trĩu tâm lí vì mớ bòng bong thủ tục, giấy tờ, vừa nặng trĩu vì tình cảm. Chị cố tỏ ra cứng cỏi:

- Quay đi quay lại, ba năm đánh cái vèo!

Chị biết,anh biết. Họ phải dối lòng. Không gì trớ trêu hơn kẻ giả vờ tin lời nói dối. Thời gian chỉ nhanh với người vô tâm, vô sự. Không còn ở tuổi hương đậm lửa nồng, anh chị vẫn là một cặp có trái tim vàng đá với thời gian. Những năm hoạn nạn gắn kết họ thêm trên bình diện lương tâm và trách nhiệm. Anh đã năm hai, chị bốn bốn. Đây là những năm cuối cùng của tuổi làm đàn ông, đàn bà mà tạo hoá xót thương, bố thí thêm cho những đôi uyên ương chưa chịu mãn chiều xế bóng. Vào tuổi này người đàn bà đang hồi xuân. Nhu cầu yêu và được yêu hoàn nguyên. Vả lại, đời chị gọn trong bốn chữ: yêu chồng, quý con. Chị chỉ xa nhà một lần khi vào Sài Gòn thăm nuôi chú em rể bị hạn. Thế mà lần này chị phải xa chồng xa con ba năm. Phải khổ sai nơi đất khách quê người, làm một thứ nghề nói thẳng ra là đi ở. Thứ nghề cha anh chị đã đổ bao nhiêu xương máu để triệt tiêu ở Việt Nam, lại còn hô hào triệt tiêu trên toàn thế giới. Chị nói:

- Từ ngày lấy nhau mình chưa bao giờ hết khổ. Thời bao cấp khổ đường ăn, đường mặc. Đến thời mở cửa khổ đường nợ nần.

Anh nói:

- Từ vị trí chủ nhà rơi xuống vị trí người đi ở, lại ngôn ngữ, tập quán bất đồng...

- Vậy thì em ở nhà để anh lo. Chị dỗi và chực oà khóc. Cái nhà này bán đi chỉ đủ giả nợ. Lấy tiền đâu mua nhà khác! Lại không cảnh vợ chồng con cái mỗi người một phương, đi ở tuốt tuột.

Anh im lặng. Chị im lặng. Hai đứa con im lặng. Anh lo cho chị. Công ty Sesucô nào đó trong Sài gòn đưa đi một trăm Ôsin phải đưa về năm mươi người. Không lẽ tỉ lệ phụ nữ Việt Nam lười biếng, vụng về, vô học cao đến thế? Thêm nữa anh buồn vì câu đùa sắc như dao của một thị hàng xóm dậu đổ bìm leo: ‘Bà này sang dấy ông chủ chỉ có mê tít. Ai nhìn thấy ma ăn cỗ? Ông chủ dấm dúi với con ở đời nào, nơi nào chẳng có!” Chị không đối lời sợ rách việc. Anh cười “vô tư” cho trôi cục cơm đang phình lên trong thực quản.

***


Phụ xe, một thanh niên mới ngoài ba mươi, da đen, ria mép con kiến nhìn lướt qua những vị khách đưa tiễn đã yên vị trên ghế, vẻ mặt cau có, hách dịch:

- Trung tâm chỉ hợp đồng thuê chúng tôi chở bốn Ôsin. Ai đi tiễn xin mời xuống!

Chủ xe, người lớn tuổi hơn và nhã nhặn hơn:

- Các vị nói gì thì nói với nhau bây giờ đi! Lên sân bay cũng chuyện ấy mà thôi.

Xe tám chỗ ngồi. Bốn Ôsin, bốn người đưa tiễn. Tất cả đưa mắt nhìn nhau đun đẩy. Là người nhiều tuổi nhất trong xe, anh phải lên tiếng:

- Hai chú thông cảm, chúng tôi sắp xa nhau ba năm, hàng ngàn, hàng vạn cây số. Không lẽ không cho chúng tôi đưa nhau được đến Nội Bài.

Ai cũng biết công ty môi giới thuê xe cả gói. Mỗi Ôsin được hưởng tiêu chuẩn một người đưa tiễn. Vậy mà nhà xe, ngày cuối cùng, khi họ đang cần những điều đẹp đẽ về tổ quốc, quê hương để ba năm dài đằng đẵng mà nhớ, mà thương, mà kính trọng lại gợn bẩn lên vì phải chi tiếp những đồng tiền vô lý. Lời cầu khẩn của anh giúp nhà xe thức tỉnh. Cả lái và phụ xe lụng bụng làm nốt công việc chuẩn bị. Anh bắt đầu thấy lạ. Ngoài anh ra, trong ba người đi đưa tiễn còn lại, có hai người đàn ông, lại đều không phải là chồng. Thế chồng của hai người Ôsin kia đâu? Sao không đi tiễn mà để anh trai của vợ đưa đi? Từ ngoài cổng, một cô gái hớt hải chạy vào, tay bế một đưa bé độ hai tuổi. Cô nhấc cao đứa bé để nó nhìn vào xe:

- Mẹ kìa! Cháu chào mẹ đi!

Thằng bé bé ngả người vào xe mếu máo gọi: “Mẹ ơi!”. Cô Ôsin trẻ ngồi trước anh chị cuống quýt đứng bật dậy đỡ con. Cả khối hai mẹ con suýt ngã nhào xuống lối đi. Hình hài và cách ăn vận của thằng bé chứng minh nó thiếu sự chăm sóc. Hai cánh tay gầy, xanh xao của nó ôm riết cổ mẹ, miệng vừa nấc vừa khóc như đang chịu nỗi oan uổng ghê gớm. Người bác trai ngồi phía sau vỗ về: “Nín! Nín! Mẹ đi rồi mai mẹ về với cháu”. Tiếng “đi” khiến nó khóc thê lương hơn. Nó biết điều gì xảy ra nếu để ông bác gỡ được tay ra khỏi cổ mẹ.

- Khổ quá! Người phụ nữ đưa tiễn nói- Đã không có bố, giờ lại không có mẹ.

Anh tò mò hỏi chị. Hai ôsin cùng bay chuyến vợ anh đều có hoàn cảnh như nhau. Không công ăn việc làm. Một người chồng bỏ. Một người chồng chết. Gạt chuyện công nợ sang bên, anh chị còn đỡ khổ hơn. Đứa út của anh chị đã mười hai tuổi. Vắng mẹ còn bố, còn anh, còn trường lớp. Nó đủ khôn để không khóc nếu được đi tiễn. Anh không hiểu thằng bế này đã biết thế nào là ba năm chưa mà vật vã đến như vậy? Người bác mắng cô gác đứng tẽn tò dưới đất:

- Đã bảo mày đừng bế nó ra!

Mắt người mẹ mọng nước. Cô giấu mặt vào ngực con. Những giọt nước nặng trĩu rơi xuống đùi. Không ai nghe tiếng máy xe đã nổ. Không ai nhìn thấy khuôn mặt của người lái, phụ xe quay xuống cau có. Anh nhìn sang chị. Chị nhìn ra ngoài. Sao cuộc xuất ngoại của họ không được giống của người khác: bụng phệ, mông to, nụ cười mãn nguyện, lên xuống xe nhẹ tênh, thư thái, tự tin, không bìu ríu người đưa tiễn, như chỉ đi công chuyện chốc lát rồi về. Anh nhớ lại câu chuyện của chị:

Phòng tuyển. Từng người một được gọi theo số báo danh lên bàn vấn đáp. Công ti môi giới muốn cho đám đàn bà Ôsin thấy cuộc dự tuyển khắt khe, dẫn đến cuộc xuất ngoại cũng không kém phần vinh hạnh. Người hỏi là một vị phó giám đốc tuổi đã trung niên Người được hỏi là một phụ nữ nửa tỉnh, nửa quê. Không biết bạn nào xui mà lông mi phơn phớt đen, môi phơn phớn hồng.

- Cô làm nghề gì?

- Em bán hàng quà!

- Hàng quà hay karaoke?

Tiếng cười rộ lên(?). Người dự tuyển cắm mặt xuống bàn. Thế đấy! Ngay ở cố hương họ đã bị hạ nhục rồi. Đồng loại đã hạ nhục họ rồi, nói chi ở xứ người. Họ không có cơ hội để nói rằng tôi sang đây để nghiên cứu khoa học hoặc để kinh doanh chứ không phải đi ở. Không phải để dùng mồ hôi (và có thể cả phẩm hạnh) đổi lấy Đài tệ khả dĩ có thể vén được một khoảng trời nho nhỏ cho quãng đời còn lại của họ, của con cái họ...

Xe chạy. Tiếng máy như từ quá khứ vọng lại, âm u, buồn nản. Tiếng khóc của đứa trẻ đã trôi về phía sau. Đã bị đóng đinh vào kí ức. Đã bị đào sâu, chôn chặt vào đáy lòng người đi. Phía trước họ là Hà Nội. Là Nội Bài. Là Đài Loan sau ba giờ rưỡi bay. Trời đổ mưa. Thứ mưa nặng hạt cuối xuân. Không gian đặc quánh hơi nước. Người đàn ông ghế bên hỏi bâng quơ.

- Không biết bên họ chênh với bên ta mấy giờ?

Anh cầm tay chị nhấc cao để nhìn đồng hồ. Mười bốn giờ. Vậy là anh còn nhìn thấy chị hai giờ nữa. Hai mốt năm lẻ họ đã gần nhau. Đã lặn vào nhau thành hình hài, tiếng khóc, tiếng cười của hai đưa trẻ. Hai giờ đồng hồ còn lại chẳng là bao so với hai mốt năm. Hai mốt năm chẳng là gì so với ba năm phía trước. Ngày mai vợ mình ra sao? Chồng mình ra sao? Mình ra sao? Tuổi trẻ chỉ có nhu cầu yêu đương. Vợ chồng còn nhiều nhu cầu khác: nhu cầu được biết người bạn đời của mình đang làm gì, nghĩ gì. Nhu cầu được chia sẻ lo toan. Bây giờ cả anh và chị thấy sợi dây giữa họ đang căng dần theo bước giật vô cảm của kim đồng hồ để hai giờ nữa sẽ đứt, thả mỗi người về một góc trời.

- Em vào nhà có người bại liệt đã sáu mươi tuổi. Chị vào nhà nào?

- Chị vào nhà có cửa hàng kim khí.

- Em sợ vào phải nhà chủ khó tính. Người Đài Loan có tốt không nhỉ?

Họ hỏi nhau, hỏi mình không biết đã bao nhiêu lần. Câu trả lời thuộc ngày mai, không có ở hôm nay.

“Bạn có đòi chủ thanh toán tiền lương khi chưa đến hẹn không?”. “Bạn có tiếp khách của bạn khi chưa được chủ đồng ý không?”. “Bạn có tự ý sử dụng điện thoại của chủ không?”. “Bạn có...”. Có thể vẽ chân dung người Đài Loan qua những câu họ trắc nghiệm mình không? Trí não chị trồi lên tụt xuống những dòng chữ trong thư của người ôsin đi trước: “Ngày làm việc của em bắt đầu từ 5giờ 30 phút. Kết thúc lúc 10 giờ đêm. Có lần đến tận 12 giờ đêm. Ông bà chủ của em có một biệt thự ba tầng. Biệt thự có hai phòng khách, sáu phòng riêng, bốn toa-let. Tất nhiên có cả nhà bếp. Họ sạch lắm! Yêu cầu vệ sinh của họ rất cao, Không biết giới thượng lưu của nước ta có nhà nào cao như thế không? Chắc là không! Cho nên không thiếu gì thứ phải giặt giũ, lau chùi. Chỉ sợ làm được như ý họ thì thời gian còn lại không đủ cho việc khác. Một ngày em chỉ được ngồi ba lần. Mỗi lần trên dưới năm phút vào ba bữa ăn. Luôn chân, luôn tay. Thay băng vệ sinh cũng phải vội. Họ rất căn cơ. Họ bảo Đài Loan giàu nhờ làm nhiều mà chi tiêu ít. Chị sang, nhớ khi đong gạo và dọn cơm đừng để rơi, dù chỉ một hạt. Bà chủ của em rất khó tính. Giữa bữa trưa 12 giờ và bữa tối 10 giờ họ ăn trái cây hoặc uống sữa, ca cao kèm bánh ngọt. Mình bận làm họ chẳng gọi (hoặc không cho) mình ăn. Đến 10 giờ tối em đói hoa cả mắt. Nếu ở nhà với chồng con, em phải ăn được bốn bát cơm đầy. Ở đây chỉ dám ăn hai. Bà chủ bảo tập ăn một bát như họ cho quen bụng. Khốn nỗi bốn giờ chiều họ đã ăn trái cây bánh ngọt no căng rồi chị ạ!

Một bữa nhà ăn bánh bao. Em cũng cầm cả cái như họ. Đang đưa vào mồm thì bà chủ giật phắt xuống, ra hiệu phải bẻ đôi. Em gượng cười bẻ đôi đưa vào mồm thì bà chủ giật phắt xuống lần nữa. Em rất ngạc nhiên và lo sợ. Em thấy em không có sơ suất gì! Đến nay em vẫn chưa hiểu.

Hôm nay chủ nhật cả nhà họ đi pic-nich, bảo em không nấu cơm trưa cho họ. Mười hai giờ em ăn gói mì tôm mang từ Việt Nam sang. Ăn xong bụng còn đói và thèm cơm. Em đong nửa bò gạo nấu cơm. Họ về. Bà chủ đi ngay xuống bếp. Bà thấy trong sọt rác có vỏ gói mì tôm em vừa ăn. Thế là không cho em nấu cơm nữa, bảo ăn gói mì là đủ rồi. Em lên phòng nằm khóc. Khóc chán viết thư cho chị. Từ sáng đến giờ là bốn giờ chiều, em chỉ được ăn một gói mì. Mà là gói mì của mình...”

Có nên tin cả vào những lời của cô bạn Ôsin đi trước không? Chị nhìn lén chồng. Rời khuôn mặt nhợt nhạt khổ hạnh của anh, chị hướng lên phía trước. Con đường nờ mịt trong mưa. Mờ mịt trong mắt. Và mờ mịt ở trong đầu.

***


Chiếc Huyndai cỡ lớn nặng nề táp vào sát bậc thềm ga hàng không Nội Bài. Túa xuống từ hai cửa một đám đông thanh niên nam nữ tuổi hai mươi, mười chín. Tất cả đều mặc áo Jacket trắng, mũ lưỡi mèo trắng in hàng chữ Vietracimex. Họ là những người sang Đài Loan làm nghề dệt may, điện tử. Nhìn họ mà thèm. Những chàng trai nhanh nhẹn vui tươi. Những cô gái xinh xắn trẻ trung. Hành lý được gỡ xuống. Va ly to. Túi du lịch lớn. Va ly, ca táp xách theo người. Chưa đến giờ làm thủ tục Hải quan,. Họ túm tụm dọc hành lang, nói cười ghi chép, bắt tay nhau, bắt tay người đưa tiễn, đi lại như mắc cửi.

Khoảng mười phụ nữ tuổi 30-40 bước xuống sau cùng. Họ lặng lẽ nhận hành lý. Lặng lẽ đứng riêng một góc. Người đưa tay vuốt tóc, gài lại cặp. Người lấy lược chải. Người mở túi xách tay lấy gương, mỹ phẩm trang điểm qua quýt. Họ là những Ôsin Công ty môi giới tuyển trực tiếp, là F1, không như bốn người F2, phải qua một chiếc cầu nữa, chịu thêm một khoản môi giới nữa.

Bốn Ôsin được phát đồng phục. Nhà ga toàn màu trắng. Anh đi toa-let trở ra ngỡ mình lạc mất vợ.

Hành lý được đặt vào xe đẩy. Tất cả thứ tự xếp hàng.

Nhóm thanh niên điện tử dệt may xếp đầu. Trước mắt họ có thể là tương lai. Nhóm Ôsin xếp sau cùng. Phía trước họ chắc chắn là những năm tháng bị bứt khỏi cuộc đời chồng con đang liên tục.

Hàng người chậm dần, chậm dần đi vào phía trong. Chị đi gần sau cùng.

Nhìn phía sau ai chẳng giống ai: áo trắng, mũ trắng, tầm vóc thấp bé Đông-Nam-Á. Có lúc anh lẫn chị. Đó phải chăng là bước chuyển tiếp từng khoảnh khắc đến ba năm vô tận?

Chị quay lại lần cuối cùng. Giơ tay lên lần cuối cùng. Khuôn mặt nhợt nhạt trắng dần, Tấm lưng chị nhoè đi trong khối màu trắng mờ ảo.

Hỡi những nhà văn mang cái gu cố hữu khi tả cảnh tiễn biệt: Người đứng dưới cầu thang, người đứng trên cầu thang cùng giơ tay vẫy. Máy bay rời đường băng. Máy bay thành một chấm nhỏ. Máy bay mất hút trên bầu trời. Không! Không phải thế đâu! Ít ra là ở Nội Bài. Không người đưa tiễn bình dân nào được bước qua cửa sau phòng đợi.

Nghĩa là người ra đi dù đang ở cố hương đã xa cách người thân rồi.

Anh hụt hẫng bước ra sân. Tuổi trẻ chia ly như tảng thạch cao đang mềm xẻ đôi. Có thể vo tròn thành hai khối. Anh chị đã bị nung thành chum vại rồi. Mãi nguyên si hai nửa thiếu. Chờ cuộc đời đặt lại bên nhau.

Anh nghĩ đến nửa khối cầu vừa bị vỡ đang văng vun vút về phương bắc sau cú va đập số phận. Anh thấy một mặt nước bao la, mờ mịt:
Nỗi khổ lớn như biển
Em là con thuyền con.
Cứ bồng bềnh như thế.
Cánh buồn ơi, cánh buồm!**

Và anh quả quyết bước lên xe...

Nguyễn Xuân Nghĩa




* Tốt! Tốt!
** Thơ: Trịnh Hoài Giang.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn