BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73321)
(Xem: 62233)
(Xem: 39421)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thằng bạn cũ

05 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1476)
Thằng bạn cũ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 Tôi có vô số là bạn, bạn café, bạn tán dóc, bạn nhậu, thôi thì hầm bà lằng. Trong số những bạn bè đó tôi thương nhất là thằng Mỹ, nó là thằng bạn quân trường mà tôi để tâm nhiều nhất.

 Tôi gặp lại Đoàn Ngọc Mỹ sau 35 năm ngày tàn cuộc chiến, nói tàn cho nó nhẹ nhàng và ít đau xót, thực ra là ngày thua trận. Cái thua tức tưởi, cái thua làm vô số bạn bè tôi phải vẫy vùng trong đống bùi nhùi của đời sống. Có thằng mở lựu đạn kết liễu đời mình vào giờ thứ 25. Có thằng chết oanh liệt ngày cuối cùng, tên tuổi không đi vào huyền thoại như những vị tướng, vị tá mà nhiều người biết. Thằng Cao-Trận bị đốn ngả tại Ngã năm chuồng chó vào 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi nghĩ nó là thằng lính tử trận cuối cùng của cuộc chiến tại Sài-Gòn, nó kéo trung đội chỉ còn chưa tới 10 mạng đào hố cá nhân tử thủ chỗ nầy, và chết oanh liệt trước đám giặc đang ùn ùn vào thành phố từ ngã Gò Vấp.

 Mỹ bạn tôi, bị thương từ cuối năm 1974, nó cùng khoá với thằng Trận, khoá 3/73 TĐ, khoá có cái tên rất là đi lên, khóa “Thẳng Tiến”. Một trái phá đốn nó gục trên bờ đê ở chiến trường Chương-Thiện bên kênh Vị Thuỷ. Mảnh phá cắt ngang lưng, nó gục xuống, cố hét trong ống liên hợp cho thằng trung đội phó “Tiến lên, chiếm cho được chốt đó.. tao bị rồi". Thằng bạn nó cũng đã chiếm mục tiêu thay nó và nó chiếm cái mục tiêu mà nó không bao giờ muốn “bán thân bất toại”.

 Nó nằm ở Phan Thanh Giản suốt cho tới ngày tan hàng. Đêm 30-04-75 tướng Nguyễn Khoa Nam tư lệnh quân đoàn vào thăm thương binh. Ông tướng đứng bên giường nó, sờ hai cái chân bất động của nó, giọt nước mắt lăn trên má vị tướng, nó muốn an ủi ông một câu mà không nói được. Chung quanh nó bạn bè của nó, lính của nó, cũng như thân phận của nó lúc này. Tan quân, rã hùn, mất thành, hết ... chỉ một từ lạnh lùng nhưng trong đó là một tỷ thứ không nói thành câu.

 Không có phương tiện gì cả, người dân chạy giặc, thành phố nhốn nháo mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy chạy. Nó lăn xe ra khỏi bệnh viện sau khi nghe tin ông tướng đầu đàn của quân đoàn IV đã tuẩn tiết. Qua khỏi cổng, nó nhìn lại cái nơi mà nó đã nằm mấy tháng liền, trong hoàn cảnh ngặt nghèo thiếu đủ thứ của một quân y viện vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến. Nó rời quân y viện cùng với bè bạn nó. Những thằng thương binh chia tay nhau trên sân, cả đám quay lại nhìn quân y viện trống hoang. Và nó, thằng cuối cùng lăn xe ra khỏi Phan Thanh Giản.

 Quốc lộ kẹt cứng người và xe, nó cứ lăn cái xe trên mặt nhựa dưới cái nắng trời tháng tư. Nó vẫn còn quan sát được là dọc quốc lộ mọi thứ như còn nguyên. Quân khu IV như còn nguyên, những nơi nó vượt qua không có dấu vết của một trận đánh nào. Vậy mà tan quân, vậy mà bỏ thành, vậy mà thất thủ. Dù sao nó cũng phải về nhà, về Sài-Gòn, về với chỗ dựa cuối cùng là gia đình khi tổ quốc đã không còn. Nó cứ lăn xe trên đường với trăm ngàn nhức nhối trong đầu. Cho đến chiều tối, nó đành ghé vào nhà một người dân xin tá túc qua đêm. Tội nghiệp, chủ nhà là một người đàn bà có chồng chết trận, giúp nó trong mấy ngày, chờ đến khi có xe lưu thông, đẩy nó ra đường cẩn thận gởi xe quen cho nó về thành phố. Cái ơn đó 35 lăm năm nó chưa có cơ hội quay về đáp trả. Nó rươm rướm nước mắt kể tôi nghe chặng đường nó trở về thành phố sau ngày đứt phim, ngắn, gọn và buồn hiu.

 - Mầy uống cà-phê nghen?

 - Ba mươi lăm năm nay tao đâu có rớ tới nó, tao nhịn và kiêng nhiều thứ để sống còn.

 Tôi nghe xót trong lòng, nhìn Mỹ chật vật trên chiếc xe lăn với hai cái chân lủng lẳng không người lái. Hai thằng gặp nhau trong cái quán cóc bên lề đường vào buổi chiều sau 35 năm từ ngày tan trận.

 - Mầy sinh hoạt ra sao?

- Mọi cái tao phải cần người thứ hai giúp chứ sao, mầy nghĩ đi phải như nó đứt ngang kiểu thằng Vàng thì mình còn khá hơn. Đàng nầy nó còn đó mà teo dần, không cảm giác từ ngang thắt lưng. Mấy chục năm nay tao chỉ làm khổ bà chị tao, người duy nhất không thèm lập gia đình, bỏ hết cuộc đời săn sóc tao. Nhiều khi tao muốn chết quách cho rồi...

 Tôi nhìn nó. Hai giọt nước mắt đang lăn trên má Mỹ.

- Mầy biết tao sống để làm gì không? Tao sống để chờ cái ngày tao nhắm mắt có lá cờ phủ trên quan tài, lá cờ mà tao vì nó, tao chờ cho tới bao giờ đây...

 Tôi nghe mình như chết đi, mỏi mòn đi, như cái chờ của Mỹ. Tôi cảm thấy mình hèn hạ hơn nó nhiều. Tôi vẫn còn đôi tay, hai cái chân. Chí ít là để quơ quào, lặn lội tìm phương sinh sống cho cái cuộc đời chó chết của mình. Còn bạn tôi, nó chẳng còn gì, vậy mà nó vẫn có một niền tin bất tử vào bạn bè nó, những đàn anh, đàn em nó một ngày nào sẽ mang lá cờ nó từng bảo vệ, trở về phủ lên quan tài nó. Trời, nó chỉ chờ chết và mong được chết dưới một màu cờ.

 Bạn tôi đó, cái thằng lì có tiếng. Lì thì được gì, trong hoàn cảnh một người bị tuột lại phía sau cuộc chiến. Mầy can đảm sống để đợi nhìn thấy một ngày mai huy hoàng, nhìn lá cờ mầy đã dâng hiến một phần thân thể để bảo vệ, một ngày phất phơ trong gió, để mầy hả lòng mà không tiếc thân mầy và một cuộc đời cay đắng.

- Có những bữa, tao lăn xe ra đường kiếm chút không khí sau một thời gian dài tù túng trong nhà. Mầy biết không, tụi nó nhìn tao như một thằng hủi thì tao không nói, nó nhìn tao như một thằng ác ôn chứa đầy nợ máu. Mầy hiểu tao nói điều nầy không?

 - Tôi chết dí trên ghế, nghe thằng bạn thương binh hỏi một câu, không thể gật đầu, không thể lắc đầu. Tôi nhìn Mỹ, tôi thấy được những cái nhìn về nó. Cái nhìn xót xa của bè bạn không thể cứu giúp cho một thằng bạn tật nguyền. Cái nhìn căm thù của đối phương, những người thắng trận, đã thắng trên xương máu của nó, giận dữ trút hết căm hờn lên nó khi họ nhớ tới đồng đội họ. Vậy mà nó cắn răng sống nhục, sống hèn, không dám chết, chỉ vì một màu cờ mà nó đợi, đơn giản là được chết dưới màu cờ đó.

 - Mỹ à, tao...

- Mầy đừng nói, tao biết mầy sẽ an ủi tao, mầy sẽ bảo tao cố quên đi, mầy sẽ bảo tao can đảm sống cho hết kiếp người, cái kiếp lỡ lầm của những thằng sinh sai địa chỉ, sinh lầm địa phương. Không, tao rất thản nhiên đón nhận nó, và tao nghĩ tao may mắn hơn tụi mầy. Tao đã có cơ hội trả đền nợ nước, tao chỉ tiếc nếu tao phải đi mà đi không có lá cờ xưa trên áo quan chắc tao buồn lắm, vậy thôi .

 Chia tay với nó, tôi đi bộ dọc theo kênh Nhiêu Lộc, nhìn dòng nước đen ngòm chảy chậm mang theo nhiều rác rưởi, tôi nghĩ đến mình. Quả là tôi hèn, hèn hơn thằng thương binh bạn tôi, nó mới thực sự là một chiến sĩ. Có lẽ từ sau nầy tôi sẽ không dám nhận mình là lính, từng chiến đấu và còn chiến đấu sau cái ngày tan quân. Tôi ngoái lại nhìn nó lăn chiếc xe đẩy quẹo vào con hẽm đầu nhà. ... Thằng Mỹ

 nguyễn thanh-khiết

tháng 05-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn