BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62213)
(Xem: 39391)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Điều Muốn Nói

04 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1367)
Một Điều Muốn Nói
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trên đường đến trường, cảnh vật chìm trong màn sương dầy đặc. Không gian tĩnh lặng, mênh mang. Trong cái tĩnh lặng ấy, dòng xe ngược xuôi trên freeway, như bừng lên sức sống. Màn đêm tan dần, sương trắng loãng đi, và phía downtown các tòa cao ốc lóng lánh ánh mặt trời.

Seattle vừa vào Thu, mà sao tiết trời lại băng giá, như mùa Đông đang giành đường đến vội. Lá thu đã nhuốm mầu. Đó đây sắc Thu rực rỡ. Từ bất cứ góc cạnh nào, trời Thu nơi đây mới đẹp làm sao!

Từ cửa sổ phòng, tôi nhìn thấy một cây “hoa gạo” ở góc parking-lot của trường. Chẳng biết cây “hoa gạo” ở quê nhà như thế nào, nhưng mỗi lần nhìn ra cái cây ở góc sân, tôi đều nghĩ đến cây “hoa gạo”; hình như tôi đã “thấy” trong một đoạn văn chương nào đó. Cây hoa gạo gốc thật lớn, lá không nhiều, và hoa gạo với những cánh to, nở đó đây trên những nhánh thưa, có đúng thế không? Nhưng cây “hoa gạo” ở góc sân trường, luôn làm tôi nghĩ đến Việt Nam.



Tôi lại miên man nghĩ đến quê nhà, đến quá khứ, đến những người thân quen. Và như có điều gì muốn nói.

Quê tôi giờ đây sao nhỉ? Quê tôi có còn những buổi sáng, nôn nao đến trường, trong ánh nắng ban mai rộn rã? Quê tôi có còn tiếng ríu rít của đám học trò áo trắng, mỗi lúc ra chơi? Quê tôi có còn những cô học trò tuổi mới lớn, e ấp dưới vành nón, mỗi khi tan trường, chợt nhận ra một ánh mắt ai? Quê tôi có còn những lần cắm trại, ở một bãi biển nào đó, thi đua cắm lều nhanh, trang hoàng lều đẹp, những trò chơi kéo co, hay đi tìm mật thư, và ca hát bên ánh lửa khuya? Quê tôi có còn những chuyến đi xa, phần thưởng của một năm học, với tiếng còi tàu và các bến đỗ, rộn ràng hàng quán? Quê tôi có còn những buổi “về làng”, quê một người bạn nào đó, với những dãy mận, bên những con mương. Ôi, mận mới ngon làm sao, và những con kiến mới to làm sao! Mận hồng đào, mận da người, mận xanh,… mận nào cũng ngon, dù chua, dù ngọt, dù thanh hay không. Tôi đã từng mê mải vớt mận. Tôi yêu vùng quê miền Tây hiền hòa ấy. Quê tôi có còn thanh bình, với đồng lúa mênh mông ngút ngàn, với những cô thôn nữ hiền hòa, với mấy chú trâu thong thả gặm cỏ, và mây lang thang ở phía trời xa? Quê tôi có còn những ngày gần Tết với chợ hoa đó đây? Có còn tiếng pháo đì đùng, trước Giao Thừa? Hay từng tràng pháo đua nhau nổ ròn rã, trước thềm Năm Mới? Và áo quần xênh xang, đi chúc Thầy Cô? Nhắc đến Tết, tôi không thể nào quên, cậu em tên Phát, dạy môn thể thao cùng trường. Qua chơi với chúng tôi trước lúc Giao Thừa, mải vui, khi nghe tiếng pháo, vội vã ra về. Nghe tiếng xe máy đỗ, từ ban công nhìn xuống, mẹ Phát, một tay vái Trời Phật, một tay “xua đuổi” ông con đi cho!



Tôi cũng còn nhớ, các cậu em trai tôi, ngày Tất Niên, rủ nhau đi chùa hái lộc. Ngày ấy các cô đi lễ chùa nhiều lắm, nên chẳng có nơi nào “lý tưởng” hơn, là sân chùa đêm 30. Khi mọi người, với tâm hồn rộng mở, rộn ràng đón chờ Năm Mới.

Rồi chiến tranh đến gần. Nhiều người bạn trẻ ra đi, để lại những góa phụ tuổi dôi mươi. Làm sao để sống những ngày còn lại? Nhưng cô bạn tôi vẫn phải sống, sống với đứa con thơ, giờ cũng đã làm mẹ. Thương quá, những bà mẹ trẻ, một mình nuôi con, khắc khoải nhớ chồng!

Năm 1975, chiến tranh đến tận nhà, xé nát từng mảnh hồn, mỗi con người Việt Nam. Và tôi, trong những ngày tàn cuộc chiến, mất Mẹ giữa rừng già, giữa tiếng đạn bom. Nỗi đau này, quặn thắt trái tim tôi, khiến tôi liệt nửa người, suốt một tuần, nằm lăn lóc dưới những gốc cây, trong nước lũ, mùa mưa 1975, nơi cao nguyên đất đỏ. Chiến tranh đã đến, với những loạt đại bác, với máu đỏ sông Pa, với xác chết chất chồng, trải dài trên con đường, từ Phú Bổn đến Tuy Hòa. Tôi ngẩn ngơ như người mất trí. Chiến tranh đến thật rồi! Chiến tranh đã cướp đi Mẹ tôi. Chiến tranh đã khiến tôi bỏ Mẹ lại, giữa buôn Thượng xa lạ, bên con đường đèo heo hút ấy!

 

Rồi những ngày sau chiến tranh, những ngày đói khổ. Một cuộc chiến khác bắt đầu, cuộc chiến với miếng cơm, manh áo.

Một mình với đàn con dại, với đám em thơ, và cha già, đang tan nát tâm hồn vì mất người tri kỷ. Và một ông chồng… đang tù tội nơi xa. Hoàn cảnh đổi thay quá bất ngờ, tưởng chừng như không thể nào xoay trở được. Rồi Trời thương, thân cò lặn lội, nước mắt hòa nước mưa. Ngày tháng cũng qua đi, dù tâm hồn vật vờ, như bèo trong nước lũ, tôi vẫn sống giữa giòng đời, nhiều đổi thay, bất ngờ, và nhọc nhằn khuya sớm. Các em trưởng thành tốt đẹp, các con ngoan ngoãn học hành, và rồi… chồng tôi cũng trở về, sau 10 năm tù tội.

Trong những năm tháng ấy, bên tôi, còn những mảnh đời không may mắn. Những bà vợ trẻ ngày xưa. Rời mái nhà trường, đi làm vợ lính, khi tuổi chưa tròn đôi mươi. Bỗng chốc, như trở thành “góa phụ” với đàn con thơ, giữa cảnh đời nhốn nháo, đổi thay, với muôn vàn khó khăn trước mắt. Họ chưa bao giờ “vào đời”, chỉ mới “vào nhà chồng” thôi. Họ chưa bao giờ đi làm, để kiếm miếng ăn. Vốn, sống dựa vào chồng, nay cây cổ thụ bỗng bị bứng đi, tróc gốc, cành lá rụng rơi, khiến người vợ trẻ lao đao. Mẹ nào chẳng muốn đùm bọc đàn con. Xoay trở kiếm ăn. Nhờ vả. Ân nghĩa. Rồi khi người chồng trở về, hay không bao giờ về nữa. Có mấy ai được cảm thông, được chia sẻ, những đắng cay, kéo dài năm này, tháng nọ? Và không ít, những kết cục nghiệt ngã, đã làm tan nát tâm hồn của cả đôi bên, những nạn nhân của cuộc chiến. Một người mất trắng, từ cõi chết trở về. Một người tàn tạ, rã rời, ngay trong cõi sống.

Tôi không đủ lời, để nói lên những đắng cay, của những bà vợ trẻ, đã trải qua, khi chồng tù tội. Tôi cũng không thấu hiểu hết những cực nhọc, nhớ thương, và tuyệt vọng, của những người chồng mòn mỏi trong ngục tù, nơi rừng thiêng, nước độc. Tôi chỉ tiếc những mối tình đẹp, thương cả đôi bên, thương cả những đứa cháu nhỏ, đã phải sống trong không khí gia đình đày lạnh lùng, ngờ vực, và phũ phàng. Tôi tiếc cho những người đã từng yêu nhau thắm thiết.

Vũ Thị Bích
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn