BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trời mưa nhớ Huế

21 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 1104)
Trời mưa nhớ Huế
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Tùy bút viết trong thời chiến của Trần Hoài Thư
(tạp chí Văn Học số 182 năm 1974)


Lời nhập của tác giả:

(THT - thời sinh viên)


Những ngày hôm nay, tôi mang Huế vào lòng, vào giấc mơ, và vào những lúc đọc lại những trang sách cũ. Huế, thành phố của tuổi mới lớn, tuổi biết yêu, và tuổi nổi loạn. Và cũng là thành phố tôi không có một chỗ ở đó để mà nhớ về. Vậy mà tôi lại nhớ. Nhớ đến rưng rưng. Tôi không có gì ở đó, trừ những cơn mưa mùa đông quất ngược đau rát mặt mày. Tôi không có gì đó, trừ cái bóng mình mỗi lần qua cầu Trường Tiền, nhìn xuống dòng sông. Tôi không có gì ở đó. Phải, tôi chẳng có gì ở đó. Trừ những đêm đạp xe thui thủi qua nhà ai, mưa nhòa mắt hay lệ nhòa mắt.

 

Nhưng mà, đọc lại một bài văn cũ được gởi từ trong nước, tôi thấy lại những hạt mưa khó kiếm đã mất hôm qua. Những hạt mưa mà không bao giờ tôi có thể gặp lại ở đây. Những hạt mưa thời tuổi trẻ của tôi.

***


Những ngày hôm nay, vùng đất tôi về không có lấy một cơn mưa, dù là cơn mưa nhỏ. Đất trời như chìm trong một lò lửa. Lửa của trời, lửa của chiến tranh. Lửa đã làm trí não tôi điên cuồng, mê mệt. Lửa đã xuất hiện ở cuối tầm mắt tôi nhìn. Lửa hừng hực trên đầu trên tóc. Lửa chói lòa trên thị trên thành. Lửa muốn làm tròng mắt tôi muốn nổ theo. Những ngày hôm nay, chưa bao giờ tôi lại thèm một cơn mưa, một ngọn gió heo may hay một chút sương mù đến thế. Nhưng tôi chẳng tìm được gì giữa cõi hồng trần thiên địa này. Chiều hôm kia, xe tôi về đã thoát khỏi một loạt đạn bắn sẻ. Sáng hôm qua con tàu đưa tôi đến chiến trường hung bạo và chiều lại, con tàu tôi theo về... Lửa từ một mặt trời rực rỡ và lửa từ một thềm lục địa bốc lên. Lửa ngùn ngụt tứ bể, trên trời dưới đất, vần vũ loạn cuồng.

Trên đường ra bến sông, chiều hôm nay, tôi đã thấy, vô tình một màu phượng vĩ. Màu của khóm hoa lẻ loi từ một thân phượng cô độc của con đường lộ tráng nhựa. Tự dưng tôi lại chợt nhớ đến Huế. Bởi vì, riêng tôi, chỉ có Huế mới có một màu hoa yêu dấu cho một kẻ tha hương. Bởi vì, nói đến Huế, là tôi lại liên tưởng đến màu đỏ ngọc ngà ngập tràn cả những con đường tuổi trẻ. Nhưng bây giờ, ở đây, tôi chẳng có lấy một con đường như con đường 15, 16 mà tuổi học trò của tôi hay của bất cứ của một đứa con trai, con gái nào của Huế đều phải ghi nhớ mãi. Đó là con đường ven dòng Hữu ngạn, chạy qua hai trường Đồng Khánh, Quốc học. Đó là màu hoa phượng che ngợp cả những đám mây trắng lãng du. Và hơn nữa, là tiếng ve sầu vang lừng cả một thinh không mùa hè rực rỡ. Bây giờ, tôi đã không còn nhìn và nghe những điều thân thiết ấy nữa. Bởi vì tôi đã mất Huế, mất con đường, mất phượng hồng, mất tiếng nhạc ve. Bây giờ, chỉ có tôi, cổ khát bỏng, đầu óc loạn cuồng dưới một mặt trời nham thạch. Tôi thấy tôi như một người bơ vơ trên một sa mạc nóng bỏng. Và lửa tứ bề, tám hướng, dưới đất trên trời ngập lụt cả cõi xương rồng tôi.

Mục đích của tôi là đi tìm một chút gió. Những dãy nhà tôi đi qua, mái tôn nóng bỏng, chói lọi dưới ánh nắng mặt trời. Chừng như mỗi ngôi nhà là một quan tài cũng nên. Cả những hàng cây cũng im lìm chơ vơ những nhánh trơ trụi đen đúa kia nữa. Cả con đường nhựa chảy mỡ kia nữa. Cơn sốt của một ngày đầu tháng tư đã về như một cơn đại hồng thủy. Mồ hôi tôi ướt đầm áo, chảy dầm dề trên trán, mặt mũi, cổ ngực. Cả một thành phố như một con bệnh da vàng đang lên cơn nhiệt đới. Cơn sốt ấy đã hành hạ những đứa bé đến nỗi mực đỏ thủy ngân đã vượt lên con số 40. Cơn sốt ấy đã quật ngã vô số trẻ con, chẳng riêng gì ở đây, mà còn ở khắp toàn quốc.

Tôi đến bến sông. Tôi cởi lia lịa hàng cúc áo, đón thèm khát những cơn gió mới nổi. Mặt ngửa lên bầu trời, tôi lại ao ước được thấy một đám mây đen và tiếp đó là một cơn mưa ân sùng. Nhưng bầu trời vẫn trong và cao và hừng hực lửa. Lửa. Lửa... Tôi híp mắt tránh ánh nắng rực lửa. Bây giờ tôi chẳng khác một con chiên Hồi giáo bên bờ sông

Hằng, ngửa mặt nhìn trời cầu mong một nhưng giọt nước lạnh băng quí báu.
Tôi thấy tôi muốn quị.

Lửa. Lửa. Bên cạnh tôi là những lớp cao su xe bị đốt mùi tỏa khét lẹt. Khói bốc cay nồng cả mắt. T ự nhiên tôi muốn lợm miệng. Tôi nghe lại cái mùi vị nào rất ghê tởm, đến nôn mửa phảng phất lại bên mình vương theo từ những đụn khói khét nồng. Cái mùi được pha trộn từ những thanh gỗ bị cháy đen, từ những lớp xe bị cháy ngún, từ những đọn tóc bị thiêu rụi, từ những thân thể bị mất đầu mất tay, mất chân, hàm mở. Cái mùi hòa trộn bởi máu nước mắt, từ lầm than và nỗi bất hạnh được tỏa dậy từ những ngọn lửa hung tàn. Hôm kia, hôm qua, hôm nay, tôi đã chứng kiến những ngọn lửa ấy, tôi đã nghe cái mùi vị ghê tởm ấy. Đến nỗi nhiều lúc tôi cứ ngỡ trọn thân thể da thịt mình như được ướp phủ bởi lớp men tử khí từ một cõi u minh địa ngục nào. Ôi những ngày đầu tháng tư. Những ngày của lửa. Những ngày tiếp nối cho một thảm kịch triền miên. Những ngày tôi ngỡ sẽ nhìn thấy một màu mây trắng lãng du, và lòng thanh thản như một người biết hạnh phúc. Những ngày đợi chờ một cơn mưa, ngóng cổ những hạt lệ trời tê buốt, thèm thấy một con đường với những lá vàng sao... Nhưng, rõ ràng chính là những ngày nham thạch nhất trong đời tôi. Những ngày đầu tháng tư.

Có lẽ tôi nổi sốt. Đôi chân tôi rã rời như thể buông thả khỏi chân thân. Cổ tôi đắng ngắt. Trí não tôi cũng nóng bừng. Mặt trời cũng như lúc nào, nghĩa là vẫn là một khối lửa vĩ đại, hung bạo tiếp tục quất xối xả, thiêu đốt cả địa cầu. Hốt nhiên mắt tôi muốn hoa. Từ một trạng thái bình tĩnh, ung dung, tôi đã trở về một trạng thái mất bình tĩnh, mất hết cả nghị lực. Cơn gió nào quá tê tái, cay đắng vừa chạy qua sống lưng. Trước mặt, dòng sông như một tấm kim loại, và dòng nước thì như một giải nham thạch chạy cuồn cuộn, sôi sục. Lửa. Lửa. Cái ấn tượng ấy vẫn không buông tha, theo bám vào tôi như một hình phạt. Hình phạt gì? Chính tôi cũng vẫn chưa hiểu. Hay là, rõ ràng, tôi đã thấy dưới những dòng nước là những ngọn lửa đang bừng thành ngọn, những ngọn thủy triều hung bạo vừa cuốn những mái nhà, những ngõ vườn, những con đê, bờ làng, những thân cau, thân bưởi. Và trong dòng cuồng lưu ấy, rõ ràng là những con người thú, đôi mắt trợn tròng, in nét hãi hùng tột cùng bởi những ngọn lửa. Lửa. Tôi đã thấy lại những ngọn lửa hung bạo tự một ngày nào. Đôi mắt tôi phải nhắm chặt lại để khỏi thấy lại cảnh tượng bên một dòng sông. Nhưng, thật tội nghiệp cho tôi. Bởi vì, khi đôi mắt vừa nhắm lại, thì rõ ràng, một biển lửa lại bừng dậy, cuốn táp cả một vùng trời. Trong đó, những đôi mắt người thân đang mở tròng, tái ngắt, kinh hoàng. Những đôi mắt mà có lẽ suốt đời, tôi không bao giờ quên được.

Bây giờ, tôi biết mình sẽ không còn đứng vững. Một nỗi chán nản, chua chát, đầy ngập cả cõi lòng. Tôi cố gượng, lên xe. Nhưng chân tay tôi cơ chừng muốn run lên. Rồi tự dưng có một cơn gió bỗng nổi. Một cơn gió lạnh buốt như từ một cõi nào dấy lên. Khi ấy tôi mới bắt đầu nôn.

Tôi đã nôn ra mật xanh mật vàng. Nắng mùa hạ vẫn chan chan, vẫn càng lúc càng bốc khói. Đằng kia những xe phế thải tự ngày nào, trơ những dị tượng thảm thê. Bên tôi, là một đống rác hôi thúi.

Nhìn nó, tôi lại tiếp tục thốc. Lần này, không có một thức ăn nào mà là một bãi mật xanh ghê tởm.
Buổi chiều lại lên đường. Một thảm kịch tội ác vừa xảy ra tại một miền gần biên giới. Và bổn phận tôi, dĩ nhiên, là đến đó ghi nhận tất cả sự kiện, hình ảnh. Trời vẫn oi nồng mặc dù, buổi chiều đã xuống. Hơi nóng từ con đường nhựa, từ bãi đất phi trường vẫn còn bốc lên đến ngạt thở. Cánh chóng trực thăng quạt tít như cuốn phăng cả thân thể tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mệt mỏi yếu đuối như thế. Cơn sốt vẫn còn vương vít trong đầu óc, tôi bấu đôi bàn tay vào cửa trực thăng trèo lên. Tôi đã hành động như thế biết bao nhiêu lần, mà lần nào một chuyến lên đường cho lòng tôi một niềm vui nho nhỏ? Không, tôi không bao giờ có cảm giác say sưa của một kẻ khởi hành. Khởi hành đối với tôi, chỉ là những chuyến trở về cùng địa ngục. Cùng lửa. Cùng nước mắt, cùng máu chảy, cùng tang tóc. Khởi hành đối với tôi, thảm kịch vẫn mỗi lúc một chồng chất. Tôi yêu sự khởi hành. Nhưng sự khởi hành này ,buồn như một câu chuyện trong chiến tranh

Trực thăng đã rời bãi đáp, bốc mỗi lúc mỗi cao. Gió lộng vào lòng tàu, làm tôi cảm thấy đôi chút dễ chịu. Dưới kia những ô ruộng đã ngả màu vàng tươi, bên cạnh những ô nám đen như một lòng phi đạo. Con tàu trực chỉ về hướng biên giới. Cái hướng mà tôi đã về biết bao nhiêu bận. Cái hướng mà ngày xưa, con người lưu dân đã tìm đến để khai phá mở mang bờ cõi. Nhưng bây giờ, cái đường ra biên ải quả thật hung bạo ngậm ngùi. Đến để thấy lòng mình sa nước mắt.

Sau chừng nửa giờ bay, viên phi công đã báo hiệu tàu sắp đến quận lỵ Tân châu. Bằng mắt nhìn, tôi có thể thấy những ngôi lầu sừng sững, những cần anten truyền hình san sát. Dưới cánh tàu bay, chẳng có gì lạ. Nhưng thật sự đã có bao nhiêu thảm kịch thê thảm nhất đã xảy ra dưới đó. Và rồi, trời bỗng nhiên tối sầm. Gió bỗng nhiên nổi lớn. Và rồi, những giọt mưa đầu tiên bịn rịn nhòa nhạt trên vòm kính con tàu. Ôi những giọt mưa kỳ diệu đang rơi khoan nhặt trên tàu, thật êm ái, thật mời mọc, thật âu yếm. Đôi mắt tôi muốn chết trước những giọt mưa đan mỏng mỏng như màn nước mắt, đôi tai tôi căng rộng, như cố nghe thật rõ, thật sâu tiếng mưa. Đó là một cơn mưa đầu tiên tôi gặp sau hơn 7 tháng từ ngày đặt chân tại vùng đất mới. Đó là một cơn mưa ân sủng, mà tôi đã thèm khát ngóng đợi như một điều vô cùng quí báu. Lòng tôi hân hoan như mở ra cùng một niềm vui khó tả. Mắt tôi si dại. Mưa. Tôi muốn la lên thật vui mừng. Tôi muốn bày tỏ cùng những người đồng hành. Trước mặt, bên kia vòm kính, là một màn mây xả trắng sữa như một tấm khăn choàng thân ái nhất. Một niềm vui rực rỡ và kỳ bí khiến tôi phải chết lặng. Tôi đã quên những gì mà tôi đã trải qua trong buổi trưa mùa hạ. Tôi đã quên cái cơn sốt như đánh quật tôi xuống trên bến sông, cùng những bãi mật xanh mật vàng ghê tởm. Tôi đã quên lò lửa giam giữ hành hạ tôi đến ngất ngư. Giây phút hiện hữu, tôi có cảm giác như chìm trong cơn mê, xuất thần. Đến nỗi, con tàu bắt đầu đáp xuống bãi đáp, tôi vẫn không hay. Và khi tàu thật sự đáp, tôi vẫn còn ngần ngừ. Thật sự, tôi đang cố níu sát kéo niềm hạnh phúc lạ lùng ấy, như níu kéo một cơn mộng rực rỡ nhất trong đời.

Nhưng cơn mộng ấy đã bị cướp mất khi tôi đặt chân vào quận lỵ. Rõ ràng, tôi đang bước qua một bãi tha ma. Vẫn những ngôi lầu biểu tượng cho một thị trấn nổi tiếng trù phú bậc nhất ở biên giới nhưng sao tôi đã nhận ra mình đang bước đi giữa một cõi hoang lạnh. Bởi nhà đã đóng cửa. Bởi đường vắng ngắt. Có người nào đang nhìn tôi, sao đôi mắt vẫn còn in nét hãi hùng. Tôi đi qua một dãy nhà sụp đổ tự một ngày nào. Nền nhà phủ trổ, chơ vơ những cột đen đúa cháy nám. Cảnh tượng chẳng khác một nhà mồ vĩ đại. Dưới cơn mưa trắng xóa bóng vài người thoáng qua hối hả như những bóng ma. Có mùi thúi nồng nặc bốc lên đến nỗi tôi phải xây xẩm mặt mày. Tôi đang bước đi dưới cơn mưa đầu tiên nhưng, tôi đã không còn mang cái cảm giác như lúc ngồi trong con tàu trên cao nữa. Và người lính hướng dẫn dã nói về những ngày hãi hùng của quận lỵ. Bọn nó chơi trò dã man tàn bạo không kể gì lương tâm con người, là chỉ việc pháo bừa bãi bất kể lương dân vô tội. Từ tuần qua, gần một trăm người bị chết thảm dưới mảnh hỏa tiễn 122 ly. Nhà cửa cháy rụi, sụp đổ thì vô số. Người lính chỉ tay về bên kia sông. Bên kia là đất Miên, nơi bọn nó đặt súng. Chợt có 3 tiếng súng nhỏ nhoi văng về từ bên kia bờ. Người lính chợt nắm tay tôi kéo xuống, sát bờ tường. Người lính đưa đôi mắt hốt hoảng như ngóng đợi. Đó, chúng nó pháo đó. Ba tiếng súng là 3 phát báo hiệu của lính tiền đồn. Họ vừa nghe tiếng đạn đi. Tôi chợt lạnh mình. Sự sợ hãi bỗng dưng như một cơn bão rớt. Có lẽ mặt mày tôi tái xanh cũng nên. Bấy giờ, thị trấn nghẹt thở trong nỗi chờ đợi. Chỉ có 3 phát súng tiên tri. Nhưng sau đó là một cõi địa ngục. Người người đang hớt hải chui xuống hầm hoặc tìm chỗ ẩn núp. Cái cảnh tượng ấy đã tái diễn biết bao nhiêu lần trước khi đến đây cùng với cơn mưa ân sủng của tôi. Một người đàn bà núp bên cạnh tôi đang niệm Phật. Một người đàn ông đang nhắm mắt. Dễ chừng lúc này, ai cũng đặt một niềm tin vào tôn giáo, thần linh. Nhưng, cũng có một số trong bọn họ đã phải banh xác. Súng đạn đã thắng được thần linh.

Chờ đợi chừng 2 phút và chưa nghe đạn pháo địch. Có lẽ, 3 phát súng xa xôi kia là 3 phát súng lầm lẫn. Người hướng dẫn thở phào. Rồi anh ta dắt tôi về khu phố chợ. Ở đấy cách đây hai tiếng đồng hồ, đã xảy ra một thảm kịch của tội ác. Người lính kể có 2 quả hỏa tiễn 122 ly rơi trúng khu đó người chết vô số, chưa tìm hết được. Mưa bắt đầu nổi lớn. Bầu trời sậm tối lại. Dòng sông chỉ còn là một màu mờ nhạt hầu như hòa nhập vào cõi bờ xa. Mưa thi nhau xối xả trên đầu tôi. Tôi vừa vuốt mặt vừa bước hối hả. Bùn ngập cả đôi giày trận và đôi lúc tôi phải trượt té. Tôi đã đến cõi địa ngục. Khói từng cuộn vẫn còn bốc tỏa. Lửa vẫn còn âm ỉ dưới nền sâu, ngập đầy vật dụng và gạch đá vỡ vụn. Tiếng khóc tức tưởi đằng sau tôi. Tiếng gào xé đằng trước tôi. Tiếng khóc nghẹn ngào bên tai tôi. Và rồi, tiếng khóc đứt đoạn từng cơn. Tôi muốn nôn ra khi nghe lại cái mùi ghê tởm. Cài mùi phát ra từ những vỏ cao su bánh xe bị đốt. Mắt tôi lại bắt gặp một mảnh thịt đỏ lòm dưới đất. Vài người đã tìm ra được một thây ma dưới đóng gạch vụn. Một thây không còn hình tượng. Cơn mưa mỗi lúc mỗi lớn. Tuy vậy, nó cũng không thể chế ngự những ngọn lửa đang âm ỉ bên dưới cùng. Mà trái lại, nó càng làm tăng thêm cái mùi vị đặc biệt ghê tởm. Cơn mưa đã làm tôi lạnh như một người lên cơn sốt rét. Châu thân run rẩy lập cập, tôi chạy đi tìm một nơi trú mưa. Trong khi, cả miệng lưỡi tôi như lợm đi. Một cái gì đắng cay tê tái tê cả người, rồi một phút nào đó, đôi mắt tôi lại bắt bặp một vũng nước sền sệt màu máu ở phía dưới chân. Đó là lúc tôi run sợ lạ lùng. Khi đó, đôi mắt tôi đã mờ đi cùng cơn mưa. Mờ đi cùng một cơn mưa máu. Cơn mưa ân sủng ấy đâu rồi. Cơn mưa xứ Huế của tôi? Như một định mệnh, càng ngày tôi càng xa cách Huế.

Năm năm trước đây, vùng đất đầu tiên để làm quen với cuộc đời binh nghiệp là Bình định, là Tuy Hòa hay Pleiku, Kontum. Hai năm sau, tôi lại thuyên chuyển lên Ban mê thuột; và bắt đầu làm quen với rặng Trường sơn. Và sáu tháng nay, tôi lại lưu lạc xuôi mãi đến vùng đồng bằng châu thổ, một miền đất mà có lẽ tôi không bao giờ nghĩ tới. Hay định mệnh đã bắt tôi trở thành một đứa con xa hương, tha phương cầu thực. Hay cũng định mệnh đã bắt tôi sống để mà tiếc thương nhớ...

Vùng đất tôi về, hơn nửa năm nay, như một sa mạc. Cũng chẳng có một ngày gọi là gây lạnh, một đêm gọi là rét mướt để tôi sống lại một thời của quê hương. Vùng đất tôi về, vẫn là đất trời chừng mực, cuộc sống vẫn bình lặng, cảnh tưởng vẫn mỏi mòn quen thuộc. Như những cánh đồng bát ngát, như những kênh rạch chằng chịt, những sông ngòi hùng vĩ.

Và tôi phải thú thật, đất trời miền Nam đã khiến cho trí não tôi bị ru ngủ trong một nỗi lười biếng. Tâm hồn tôi cũng vậy, nó chẳng khác một dòng sông Cửu Long, mông mênh và phẳng lặng.

Nhưng chiều hôm nay, tâm hồn tôi đã nôn nao vô tả. Bởi vì, chiều hôm nay, có một người ở phương xa trở về, mang theo một xứ Huế của tôi. Bởi vì chiều hôm nay, có một cơn mưa bụi bỗng chợt về, như một màn nước mắt của một thiếu phụ, và cả đất trời kia nữa cùng chìm trong một cõi quá đỗi u hoài, buồn bã, lê thê. Một cơn mưa bụi. Dễ chừng lâu thật là lâu, tôi mới thấy một cơn mưa, và nghe được tiếng mưa êm ái ấy. Dễ chừng như rất lâu, da thịt tôi mới bắt gặp một điều gì quí báu nhất đã bị dánh mất.

Chúng tôi cùng ngồi trong một góc quán ven sông. Mưa rơi êm ái trên mái tôn, như một cung đàn buồn. Mưa nhòa nhạt một khúc sông chiều, làm buổi chiều về mau và một mặt trời hồng cũng biệt tăm trong màn mây xám. Mưa, mưa. Tôi vừa hút thuốc vừa ngây ngất trong cơn mưa ngà ngọc. Tiếng mưa dịu dàng, như dỗ dành tôi trong một cơn mơ. Và tôi bấy giờ chẳng khác một đứa bé, buổi sáng vẫn còn trùm chăn đang vòi vĩnh mẹ. Cơn mưa đưa tôi về một chân trời. Tôi đăm đăm nhìn cuối dòng sông. Những khóm lục bình đang thong dong trôi về phương nớ. Tôi cũng vô tình liệng xuống dòng nước kia một cánh lá, cánh lá từ một bụi hoa trong chậu. Tôi nhìn theo nó. Đôi mắt tôi mờ đi. Vâng, thật tội nghiệp cho tôi. Tôi đang liên tưởng đến một thằng học trò, buổi trưa mùa hạ, dựa vào gốc sung bên bờ Đập Đá. Tôi thấy tôi dầm mưa, qua phà. Tôi thấy lại khóm bèo trơ trọi giữa dòng, trong khi sông Hương bắt đầu lên cơn nước lớn. Giấc mộng đưa tôi về ngôi nhà của một người con gái sau bờ dậu, với con đường âm u đen tối. Và bên ni bờ sông tôi đang yêu trộm nhớ thầm. Tôi phải kể ra đây hàng ngàn trang giấy mới nói hết những ngày tôi sống cùng Huế. Và cả một kỷ niệm vui buồn, tôi xin gởi về tận cuối con sông chiều. Tôi xin gởi đến một dòng sông của riêng tôi, một bầu trời của riêng tôi, một thế giới của riêng tôi. Ở đó có rất nhiều điều đáng nhớ, và rất nhiều điều đáng quên, nhưng bởi vì nhiều quá, tôi đã không thể nào nhớ và quên hết. Tôi chỉ biết chiều hôm nay, có một cơn gió lạ từ một cõi nào thổi đến nơi chốn này. Một cơn gió của Huế cũng nên.

Phải , bây giờ tôi mới hiểu tôi là một đứa con bội bạc. Tôi đang tập tành nói giọng Nam, sinh hoạt như một người Nam. Và có thể, quê hương thứ hai của tôi cũng là miền Nam. Tôi đang tập hòa đồng trong một khung cảnh mới. Nhưng bạn ơi, hãy cho tôi tâm sự một điều. Khi sống cùng Huế ta cảm thấy buồn, nhưng khi xa Huế, thì ta lại càng cảm thấy buồn hơn. Bạn ơi không bao giờ ta thèm chắp cánh bay về Huế, bởi vì chính Huế là của riêng ta. Bởi vì chính Huế là một nơi cho một kẻ trở về.

Chiều hôm nay, bạn mang cho tôi một kinh thành cũ. Những hàng bông sứ, những hàng nhãn lồng, những cơn mưa ruột thịt, những buổi sáng sương mù, những... biết bao nhiêu điều đó để có một đứa con xa lìa quê hương nhớ lại mà sa nước mắt.

Cái giọng nói quen thuộc cũ đã vang lên dịu dàng bên tai tôi. Bạn nhắc đến quán cà phê bên cổng Đại nội. Bạn nhắc đến, những con đường ven bờ sông đầy bóng mát. Bạn nhắc đến cây hoa sứ trước sân thư viện. Bạn nhắc đến những ngày thứ bảy, chủ nhật trên các vỉa hè Trần hưng Đạo, Gia Long. Bạn cũng bùi ngùi kể lại những ngày tang thương của Huế, như chợ Đông Ba bị đốt, như dân chúng bỏ lên đường chạy nạn khi nghe tin Quảng Trị bị thất thủ. Bạn kể đến những người con gái Huế đã cắt tóc thề, bỏ Huế ra đi. Tôi muốn rưng rưng nước mắt. Đôi mắt tôi hướng về một khoảng trời ảm đạm xa xôi, và dễ chừng thấy lại tất cả một thành phố cũ. Từ những đường nét nhạt mờ đến một vùng bao la sương khói. Từ đây, tôi cứ ngỡ là tôi đang ngồi lại một chỗ ngồi quán nhỏ, đốt thuốc một mình. Hốt nhiên, tôi thầm thì rằng:
- Trời hôm ni như một ngày mùa thu xứ Huế.

Cơn mưa nhỏ vẫn tan từng sợi mỏng. Bầu trời trĩu nặng trên các ngôi nhà mái đỏ sậm. Những con đường nhựa buồn rầu đan nhau, và những chiếc xe lôi như những cỗ áo quan qua lại. Thành phố đã khoác một bộ áo tang. Huế cũng vậy. Huế cũng có những buổi chiều như thế. Huế cũng có màn mưa thiếu phụ như thế. Huế cũng có những ngọn gió hơi se sắt như thế. Tự nhiên, tôi lại nói một câu cùng bạn:
- Hình như chiều nay, có một người mang cả xứ Huế vào đây.

Vâng, bạn đã mang trọn một xứ Huế vào đây. Bạn đã giúp tôi thấy lại một cái gì đã mất. Những gì mà tôi đã ngỡ chìm trong ngày tháng quê người. Những gì quí báu nhất một đời. Tôi phải cảm ơn bạn. Tôi phải cám ơn bạn một trăm một ngàn lần hơn thế nữa.

Nhưng tôi là một đứa con bội bạc. Tôi đã bỏ rơi Huế. Tôi đã trốn chạy Huế. Mấy năm trời, tôi đã càng ngày càng rời xa Huế. Và bây, một chỗ ngồi này, tôi lại thấy rằng Huế của tôi đã quá chừng xa cách ngàn trùng. Ôi làm sao tôi lại có thể chắp đôi cánh thiên thần để bay về cùng một quê hương yêu dấu. Tôi không thể, vâng, không thể trở về để tạ lỗi cùng Huế được. Chỉ có những đám mây kia, tôi xin gởi nỗi niềm của một đứa con xa cách.

Cõi lòng tôi đâm chùn lạnh. Da thịt tôi cũng vậy. Nớ như được ve vuốt bởi một cơn gió chớm mùa. Mùa thu. Mùa mà một đứa con của Huế chắc chắn phải nhớ trọn đời. Như tôi đang nhớ, nhớ thê thiết đến độ thấy dòng sông chiều trước mặt là một dòng sông của quê người, với màu mây xám buồn, với những đợt khói hiu hắt thở từ một vài con thuyền ở bến đợi, với tiếng thở rất nhẹ của một mùa quạnh hiu. Và nhất là tôi đang bắt gặp lại những tiếng lòng đã mất. Tiếng lòng của một đứa con trai xứ Huế.

Tôi hỏi bạn về những ngày đã qua. Bạn vừa đốt thuốc vừa kể. Chẳng hạn đoàn người chạy loạn đầy ngập cả kinh thành cũ. Chẳng hạn những ngọn lửa tàn bạo như những ngọn lửa báo hiệu ngày tận thế bốc lên từ chợ Đông ba, để đánh dấu một tấm thảm kịch đau đớn nhất của một đế đô sau khi cầu Trường Tiền bị gãy đoạn chia lìa trong năm Mậu thân trước đó. Và những ngày, dân Huế dắt díu bồng bế nhau từ bỏ kinh thành trong khi cơn sốt của chiến tranh đã theo những đợt cát bỏng cháy từ Gio Linh Đông Hà càng lúc càng thổi xáp về kinh thành. Khi ấy, bạn nói. Mình như một người lạc loài nhất thế kỷ. Đi giữa đường, ban ngày, mà mình ngỡ như đi trong đêm tối, bởi Huế đã không còn thấy một bóng người. Tự dưng nước mắt mình lại trào ra. Thú thật, lúc nớ, mình có cảm giác mình là một hồn ma.

Giọng bạn bùi ngùi. Còn tôi, đôi mắt cay nồng. Tôi thương Huế, và khinh bỉ tôi
Tôi đã bội bạc Huế.

Cơn mưa đang nhòa lên bầu trời thành phố. Từng giọt mưa từng tiếng thì thầm khe khẽ, buồn bã như một cung đàn thân ái và vĩnh cửu. Huế của tôi ơi. Cơn mưa ân sủng của tôi ơi. Tôi phải nói ra đây những gì để chứng minh nỗi nhớ nhung thê thiết nhất và lời tạ lỗi chân thành nhất, về một quê hương yêu dấu suốt đời.

Tôi phải nói ra đây những ngày chờ đợi một cơn mưa ân sủng, hay một cơn gió heo may chớm mùa. Tôi phải nói ra đây những lần đi dưới một thinh không chói lòa nắng lửa, mà nhớ thê thiết cái gây lạnh của ngọn gió từ mạn sông, hay thèm thuồng được nhìn những ngọn lá sao, ngô đồng, trở vàng, cuống quít rụng dưới mặt đường. Tôi phải nói ra đây, về một con đường, 16,17, áo trắng rợp trời, trở về giữa hai hàng phượng đỏ trong khi tiếng ve sầu dội một lừng không. Tôi phải nói ra đây, những lần tôi đạp xe đi tìm một quán bún bò, cơm hến, nhưng cũng phải hoài công. Bởi vì, tuy vùng đất tôi về, cũng vẫn có những đám mây diệu vợi những dòng sông bạt ngàn, nhưng tôi cảm thấy mình không có một nơi nào tại đấy. Chỗ của tôi là một chỗ khác.Hồn của tôi cũng là tại một nơi khác. Cõi trú ngụ lưu luyến nhất của tôi ở một phương trời khác. Bên dòng sông sương khói, bên những con đường tình sử âm thầm bên những sáng sương mù, và hoàng hôn sương khói. Chỗ của tôi, có cay đắng ngọt bùi. Cay như trái ớt xiêm, ngọt như môi người con gái thành nội, đắng như trái vả, chuối chát, và bùi như củ khoai lang nướng. Những thứ đó, ở đây không có, hay có lẽ tôi chẳng tìm thấy chúng ở đây. Ở đây, cuộc sống vẫn phẳng lặng như dòng Tiền giang, Hậu giang, cuộc sống vẫn chẳng mảy may cay đắng ngọt bùi mà trái lại là một điều không bận tâm, thắc mắc.

Cuộc sống ở đây đã mở cửa. Như máu huyết của lớp người tiền phong đi tìm miền đất mới. Đất ở đây là thứ đất của người. Còn tôi, thú thật, tôi vẫn ưa cô độc. Lòng tôi vẫn ấp đầy sương khói. Bởi vì, tôi đã lớn lên tại Huế, thở cùng Huế; khóc cùng Huế. Buồn vui cùng Huế. Thành nội đã nuôi dưỡng tôi. Bóng tối, và những con dế mèn dưới bờ tường cổ đã ngập tuổi trẻ của tôi. Mơ mộng, lãng mạn của đất trời sương khói đế đô đã chiếm ngự tôi. Đắng cay ngọt bùi đã ăn sâu vào máu huyết của tôi. Tôi là Huế, Huế là tôi. Nhưng than ôi, bây giờ tôi lại xa cách Huế quá. Xa cách đến độ dưới chân mây kia, tôi cứ ngỡ có một dòng sông mờ nhạt đìu hiu và bốn bờ thành nội chỉ là một mái nhà cho những lũ chim sáo tìm nơi trú ngụ.

Bây giờ bạn mới nói về hoàn cảnh bạn. Hoàn cảnh bi đát của một người trẻ tuổi, khiến bạn phải bỏ Huế mà ra đi. Lòng tôi chợt nhói lên. Bởi vì chính tôi cũng như bạn. Bạn lại nhắc đến những thằng bạn quen thuộc cùng chung một số phận. Như Kh. đã lên miền cao nguyên. Như S. đã về SG. Như X., đã ra đi. Như con Đ., con L., ra ngoại quốc. Chúng đã bỏ Huê ra đi. Con trai con gái đã bỏ Huế ra đi.

Ra đi như những chuyến xe đò rú ga thả khói rời bỏ Huế dạo nào. Ra đi, khi đằng sau những ngọn lửa căm hờn, hung bạo từ mái chợ Đông Ba bốc lên ngùn ngụt. Tự nhiên tôi thở dài. Tôi liên tưởng đến một ngày trở lại Huế như một người Từ Thức. Tôi sẽ chẳng còn một gương mặt nào để mừng rỡ hàn huyên. Nếu có là một quán vắng bên bờ sông Hương, để tôi ngồi mà bật khóc. Vâng, tôi biết, tôi sẽ là một Từ Thức, trong ngày trở lại. Một đứa con trở về, theo con phà, để nhìn xuống dòng nước xanh gợn sóng mà thấy rõ cái thảm kịch của thời gian dâu biển. Và khi ấy, liệu tôi còn có dịp để nghe tâm hồn bâng khuâng như một thuở tình si:
Những chuyến phà chở anh về thành phố
Có chuyến nào anh mong gặp được em?

Cơn mưa chiều vẫn tiếp tục pha màu ngậm ngùi. Trí óc tôi bây giờ là cả một dòng sông xanh, dưới cơn mưa hoàng hôn sướt mướt. Tôi đang đọc lại vần thơ cũ, cớ sao, cõi lòng tôi không còn rung động như trước nữa. Mà trái lại là một cõi ngậm ngùi cay đắng.

Không, không có chuyến nào anh mong được gặp em. Dù có đốt trăm ngàn bao thuốc. Dù có tiếp tục qua phà suốt đời suốt kiếp. Dù có đợi chờ như tượng đá chinh phu. Chẳng có chuyến nào để mình mong đợi. Bởi vì người thi sĩ đã tiên tri: còn đâu cô gái nơi thành nội. Ai điểm trang mà em phấn son. Em cũng đã như anh em cũng bỏ Huế mà đi. Em cũng làm cánh chim không tổ. Mái tóc thề của em cũng đã cắt. Chiếc nón bài thơ của em cũng đã bỏ quên.

Cơn mưa đã làm buổi chiều rơi mau. Dòng sông bắt đầu thiếp ngủ trong màu sẩm tối. Màu nước phù sa đã biến mất, nhường lại là mầu đen nhạt. Những giọt lệ trời vang nhẹ trên mái quán và gió thì lộng vào lòng quán nhỏ nhiều hơn. Tôi nói với bạn:
- Mới đó, mà bây giờ chúng ta đã quá ba mươi. Sắp bước vào tuổi già rồi. Bạn cười:
- Có bao giờ mình nghĩ là mình như thế này không?
- Không bao giờ.
- Tôi nói mà chẳng cần nghĩ ngợi.

Vâng làm sao tôi lại biết có một ngày tôi có mặt nơi này, nghe mưa mà nhớ quê nhà tha thiết. Bạn cũng vậy, bạn làm sao ngờ một ngày bạn rời Huế để bỏ đi. Tôi nhìn gương mặt bạn. Bóng tối đã làm gương mặt đen sậm của bạn càng đen sậm già nua hơn. Mới ngày nào, hai đứa còn rủ nhau trần truồng tắm ở bến sông, hay rủ nhau về miền quê bắt dế mèn, bắn chim se sẻ. Mới ngày nào, gương mặt bạn còn hồng hào, đôi mắt bạn còn tinh nghịch. Bây giờ, hai gò má ấy đã bắt đầu lõm sâu, và đôi mắt kia đã pha màu u buồn. Tôi lại liên tưởng đến tôi. Thì ra, tôi cũng vậy. Tuổi thơ mộng của tôi đã bị thời gian đánh mất từ một ngày nào. Bây giờ, tôi đã thấy mình già. Vầng trán tôi đã thấy lộ vết nhăn. Hai gò má tôi đã thấy lõm. Râu tóc tôi đã mọc đầy và bạc trước tuổi. Tôi nghe tôi nói thầm: thời gian là một thảm kịch. Tôi nghe tôi trở thành một chàng Từ Thức, đi giầy rơm mặc áo khinh cừu, đứng giữa một bãi hiu quạnh mà sa nước mắt. Và mưa thì rơi xuống đầu tôi. Mưa dịu dàng, êm ái như một nhịp buồn vĩnh cửu. Chỉ có tôi, đứng giữa một kinh thành trơ trọi, những bờ thành sụp đổ, rêu phong, những hàng sứ trơ cánh đen đúa trên nền trời xám đục.
Tự dưng , bạn nhìn tôi rồi khẽ bảo:
- Cậu hãy ngồi yên nhìn ra dòng sông. Để tôi vẽ cho cậu một bức chân dung.

Tôi làm theo ý bạn. Lưng tôi khom xuống lan can quán. Trí tưởng tôi bây giờ chìm ngập hình ảnh quê nhà. Với cơn mưa chiều lướt thướt. Với những ngọn gió heo may. Với thành nội, với những con đường dầy bóng lá và thơm lừng hương trời đất. Dưới mắt tôi, nhánh sông trong giờ phút giao thoa đã trở thành một dòng sông khác, thật hiền lành, thật sương khói. Và chiếc cầu đúc kia đã trở thành 6 vành cầu trắng mập mờ dưới ánh điện đêm. Tôi như thể thấy lại những ánh đèn lửa vừa được thắp lên từ những con đò ngủ muộn về tiếng mái chèo khua nước róc rách. Và mưa, những giọt mưa tuyệt vời của một quê nhà mang lại, vĩnh cửu như một niềm ân sủng. Tôi thấy tôi đầu đội trần đội mưa qua nhà một người yêu dấu. Con đường không điện có tôi hồi hộp bước chân. Tôi thấy ánh đèn đằng sau khung cửa, mái tóc thề của ai lồ lộ như một niềm thân yêu mà tôi không bao giờ diễn tả nổi. Tôi thấy ánh đèn ấy. Vâng tôi đã thấy ánh đèn ấy. Tôi đã bắt gặp lại ánh đèn kỷ niệm ấy. Mắt tôi mờ đi. Tim tôi đập mạnh. Mái tóc thề đen nhánh dưới ánh đèn đã làm tôi hớp hồn. Và gương mặt nàng chợt ngẩng lên, khiến tôi phải cúi đầu xuống che dấu dưới hàng dâm bụt. Tôi sợ nàng bắt gặp. Tội nghiệp cho tuổi trẻ dại khờ của tôi. Rồi tôi lại ngẩng đầu lên, cố uống cho no mái tóc. Bởi vì chính mái tóc ấy đã làm tôi dệt được một cơn mơ tuyệt vời nhất.

Bạn đã vẽ xong. Giọng bạn vang lên làm tôi sực tỉnh cơn mộng. Tôi lấy bức tranh. Nhưng rõ ràng, đôi mắt tôi phải sững sờ. Một cảm giác ngậm ngùi, cay đắng nhất đã khiến tôi muốn há hốc miệng. Bởi vì tôi thấy tôi đã trở thành một người già xơ xác tiều tụy, râu tóc tua tủa mọc đầy. Nhất là hai gò má lõm sâu vào như một con người mang nhiều bất hạnh. Bây giờ tôi mới thấy được sự thật. Tôi nghe nói thầm Huế ơi, liệu ngày mai trở về, tôi còn đủ tâm hồn để sống cùng Huế không. Liệu tôi còn đủ nhạy cảm một thời nào đó không? Hay là về để chống gậy trúc, mặc áo khinh cừu làm một kẻ bơ vơ như một người Từ Thức!

Trần Hoài Thư
(nguồn : Blog Trần Hoài Thư)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn