BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyến tàu đời

07 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 1148)
Chuyến tàu đời
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Thời gian còn ở bậc tiểu học, chúng tôi đã thuộc lòng bài “Những Chuyến Tàu” của thi sĩ Tế Hanh và dù ngây thơ chưa biết gì về cuộc sống, cũng vướng víu theo cảm xúc của người thi sĩ này để “tôi thấy tôi thương những chuyến tàu,” và bỗng dưng tâm hồn bị những “nỗi đau xa” ám ảnh.



Lớn lên được biết thêm người ta ví cuộc đời này như một chuyến tàu chạy trên đường sắt, và như mỗi giai đoạn của cuộc đời, con tàu sẽ dừng lại ở mỗi sân ga, mà trên chuyến tàu này, nỗi buồn thường nhiều hơn chuyện vui.

Một này nào đó khi chúng ta sinh ra đời, cất tiếng khóc đầu tiên, như người bước lên một toa tàu đang dừng lại ga. Lên tàu, chúng ta gặp được nhiều người đã có mặt sẵn, trong gia đình đó là mẹ cha, các anh chị ra đời trước, hay bà con, lối xóm bạn bè. Trên toa tàu có những người ruột thịt thân quen, bạn bè cùng trang lứa, nhưng cũng có những người xa lạ, cùng đi chung một đoạn đường. Họ có chung với chúng ta một không gian là toa tàu đang chạy và thời gian là đoạn đường giữa nhà ga này đến nhà ga kế tiếp.

Rồi con tàu rời sân ga ra đi, chạy qua những nhịp cầu, những bến nước, những cánh đồng, qua những ngày mưa nắng, như những niềm vui, nỗi buồn trong từng giai đoạn cuộc sống. Lúc con tàu đừng lại một ga khác, trong gia đình chúng ta có thêm những đứa em, trong trường học chúng ta có thêm bạn bè và trong cuộc đời có thêm một người yêu mến thề nguyện, hứa đi chung với chúng ta suốt trong cuộc hành trình. Đó là những cuộc gặp gỡ tình cờ của định mệnh, trong toa tàu có thêm một người và một gia đình khác, có khi xa lạ chưa hề quen biết bước lên, trở thành người bạn đồng hành của chúng ta. Đó là người vợ hay người chồng mà chúng ta hứa kết hợp trọn đời, nhưng có một điều mà chúng ta khó biết trước, là rồi ra, cả hai người đều không thể nào cùng xuống một sân ga.

Cũng có người xem cuộc hành trình là một gánh nặng, cũng có người xem đó là cuộc rong chơi. Cũng có người mới gặp gỡ trong giây lát rồi, bỗng dưng ra đi biền biệt, như người khách đi tàu xuống một sân ga nào đó mà chúng ta không hề hay biết.

Có ai đi một chuyến tàu dài ngày mà không có một người bạn đồng hành để chuyện trò hay một người để cho chúng ta ngưỡng phục và yêu mến, và mỗi người trong chúng ta ai cũng phải có một người bạn như thế. Họ có thể đi với chúng ta qua nhiều ga, hay bất chợt xuống một ga nào đó để lại những niềm luyến tiếc cho riêng chúng ta, mà cho cả những người hiện diện trong toa tàu. Chúng ta cũng vậy, làm thế nào để khi chúng ta xuống một ga nào đó trên đường tàu mà không ai tiễn chúng ta bằng những chiếc dép hay bằng những lời nguyền rủa ném theo.

Chuyến tàu đời là chuyến tàu đi một chiều không có lần trở lại. Những nhà ga chúng ta đã ghé qua, dù vui buồn cũng chỉ một lần, khi con tàu đã kéo còi đi về phía trước, không bao giờ để cho chúng ta có cơ hội trở lại những nhà ga cũ, nói ví von là chúng ta không thể nào tắm lại trong dòng sông xưa. Đó là những nhà ga của tuổi thơ dịu dàng, đó cũng có thể là những nhà ga của muộn phiền đau đớn, đó có thể là những nhà ga đem lại cho chúng ta niềm vui hạnh ngộ mà cũng là những nhà ga của xót xa cách biệt mà chúng ta đã để lại ở đó những người thân yêu, mà giờ đây vui buồn “chở mấy toa đầy nặng khổ đau.” Con tàu đời đã dừng lại hàng trăm nhà ga, mỗi nơi ghi nhận thêm những nỗi chia xa. Những người khách mới lên tàu thì xa lạ, chúng ta chưa hề quen biết, nhưng bạn bè và những người thân yêu của chúng ta lại lần lượt từ giã chúng ta, xuống ga. Có những buổi sáng mai thức giấc mới thấy trong toa vắng bóng một người quen, vì đêm qua, họ đã xuống tàu, mà trong cơn say ngủ chúng ta không hề hay biết.

Tuổi già rồi sẽ đến như con tàu sẽ dừng lại ở những nhà ga cuối cùng nào đó của riêng ta. Tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray mỗi lúc mỗi nặng nề, làn khói tàu theo gió vật vã, phì phào như nghẹn ngào hơi thở và tiếng còi tàu rền rĩ vang xa. Bạn bè mỗi lúc rời toa tàu càng đông, mới hôm qua cười cười nói nói đó, hôm nay đã khuất dạng, tan biến trong không gian, ẩn hiện trong niềm nhớ, nỗi quên của mọi người. Và con tàu vẫn hăm hở, băng băng, vô tư nuốt quãng đường dài, hết ga này rồi đến ga kia, từ một ga nhỏ heo hút, tăm tối ở một ven rừng nào đó, rồi đến ga lớn trong vùng đô thị đầy ánh sáng, và... ga nào là ga cuối cùng của tôi?

Mọi người, không trừ ai, trước hay sau đều phải xuống ga.

Tiếng còi tàu đã cất lên, con tàu giảm tốc độ, thở những hơi thở dài, chậm rãi vào ga.

Nào, có ai dưới ga kia, chờ đợi tôi. Nào có ai trên toa tàu này đưa tiễn, bịn rịn cầm lấy tay tôi hay không? Tôi sắp xuống ga rồi, quy luật của chuyến tàu là chỉ có thể xuống một mình và không thể mang một thứ hành lý nào theo.

Xin vẫy tay chào người ở lại, và xin bạn bè, thân thuộc, quen biết hay xa lạ, xuống ở những ga sau.

Biết đâu, ở một nơi nào đó, chúng ta sẽ gặp lại nhau!

Huy Phương

Theo Người Việt
Ý kiến bạn đọc
11 Tháng Tư 20127:00 SA
Khách
Triết lý nhân gian, quá đúng!! Đọc xong muốn khóc. xin cảm-ơn Tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn