BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về…

05 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 1923)
Về…
52Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.54
Mồ côi cha ăn cơm với cá

Mồ côi mẹ lót lá mà nằm

Tôi thuộc diện không có cá mà ăn, cũng không có lá mà lót khi tuổi thơ mất bố năm 9 tuổi, và mẹ giã từ ra đi năm 13 tuổi. Sống với chú, bác, nên người ta bảo:

 Giàu cha giàu mẹ thì ham. Giàu cô chú bác, ai làm nấy ăn.

Còn bé, chưa ý thức được sự đau khổ thiếu thốn tình thương như thế nào khi không còn bố mẹ. Nhưng tôi tự hiểu, chắc chắn rồi đây cuộc đời mình sẽ khổ, và khổ nhiều thứ vì thiếu thốn từ tình cảm cho đến vật chất. Ngày bố mất một cách bất ngờ, lúc thằng tôi 9 tuổi còn ham rong chơi, tay cầm cái cần câu, tay kia xách thùng đựng cá, tôi vừa đi câu về thì thấy mẹ ngồi khóc trước hiên nhà.

Bố tôi là một công chức của chính quyền đệ nhất VNCH, bị sát hại sau chính biến 1-11-1963 vào ngày 19 tháng 11 năm 1963. Là người hoạt động cộng đồng, bố tôi sống với tha nhân bằng tấm lòng nhân ái của ông. Thì giờ của ông dành cho sinh hoạt nhiều hơn cho gia đình, có lẽ vì vậy mà ông được tưởng thưởng huy chương của đức Giáo Hoàng John 23 từ tòa thánh Vatican với công trạng lớn ghi trên tấm huy chương vàng (mà tôi may mắn đang cất giữ, do bác tôi mang từ Việt Nam giao lại cho tôi) lúc ông mới 28 tuổi. Phải giỏi lắm, vì mới 28 tuổi mà bố đã có công trạng với Tòa Thánh Vatican do các hoạt động hy sinh cho tha nhân. Bố tôi làm thơ, viết văn, viết báo, dù không có tên tuổi gì cả. Những bạn của bố tôi sau này tôi gặp lại trên đất Mỹ, trong đó có bác Nguyễn Quang Cẩn đã cho biết bố tôi là người tài hoa, nhiều tài nên bị ganh ghét, và chính biến 1963, cuộc biến động chính trị và tôn giáo đã chấm dứt mạng sống của người đàn ông mới 32 tuổi ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Mẹ tôi, góa phụ 5 con lúc bấy giờ 28 tuổi. Chỉ biết khóc, mẹ cô độc vì không có ai. Một thân một mình di cư từ Bắc vào theo tàu há mồm, bế tôi trên tay lúc tôi chưa đến 2 tháng tuổi, giã từ bà ngoại, giã từ các cô chú để theo bố vào Nam tháng 7 năm 1954. Bạn nghĩ gì về người đàn bà góa khi chồng bị giết lúc mới 28 tuổi với một đàn con 5 đứa, lớn nhất 9 tuổi và nhỏ nhất mới 6 tháng còn nằm nôi. Tôi hình dung ra nỗi khổ ghê gớm mà mẹ gánh chịu, nỗi khổ tâm của một người đàn bà có chồng bị sát hại một cách tàn nhẫn với một đám người 9 tên dùng lưỡi lê, dùng súng bắn giết chồng mình, lại còn vứt xác bố tôi trong rừng sâu để đến mấy ngày sau, người Thượng trên núi đi bẻ măng thấy được, mang xác về tẩm liệm, còn thấy kiến bò lăng xăng trên xác của bố. Cái chết của bố là một mảng tối đổ ầm, sụp xuống trong tuổi thơ của anh em chúng tôi, như một vết cắt đau đớn, chia lìa vĩnh viễn.

Năm 2007, lần đầu tôi trở lại quê nhà sau 27 năm bỏ nước ra đi. Việc đầu tiên, thăm lại mộ của bố, đứng trước mộ ông dưới chân đèo Sông Pha của tỉnh Ninh Thuận, tôi không cầm được nước mắt. Không phải 27 năm chưa gặp mộ ông, mà phải tính từ 1963, mẹ tôi bồng bế anh em xuôi Nam vào sinh sống ở khu Bùi Phát, Sàigòn (xóm của người di cư Bùi Chu – Phát Diệm). Như thế tổng cộng là 44 năm dài, tôi chưa bao giờ đứng trước mộ của ông từ ngày ông giã từ chúng tôi ra đi. Thương bố quá! Bố mất rồi mà cũng không yên, mộ đầu tiên chôn cất gần chân núi Chóp Chài, Tuy Hòa bị dời, vì chính quyền đệ nhị VNCH bắt di dời để nới rộng làm sân bay. Lần thứ hai cũng bị dời vì khu vực mộ bị giải tỏa. Lần thứ ba nằm gần chân núi đèo Sông Pha, năm 2008 tôi nhờ người đưa bố về Sàigòn, ông yên nghỉ ở đấy.

Về Việt Nam đi tìm lại kỷ niệm của tuổi thơ trong nỗi ngờ vực, sợ hãi. Cái gì cũng làm tôi sợ, từ con người, cảnh vật và thú thực, thấy cái gì cũng buồn.Từ con đường, bóng cây và ngay cả khi thấy con chim trên cành cao, tiếng hót lạ tai có cái gì đó buồn ghê. Tôi đứng thật lâu nơi con đường ngày mẹ giã từ anh em chúng tôi ra đi, nước mắt rơi cho sự biệt ly, và mẹ ơi, con biết con sẽ thực sự mồ côi vì không còn mẹ. Con đường dài ngoằn ngoèo nhấp nhô trong ánh nắng trưa hè của Việt Nam. Tôi đứng yên, hồi tưởng lại tuổi thơ mình. Chung quanh vắng lặng, xóm nghèo ngày xưa nay lại nghèo hơn, hoang vắng hơn, tiêu điều như người ốm sắp lìa đời. Tôi ghi lại trong bài hát nhan đề “Về”:

“Bước chân tôi về lại đây quạnh hiu sao vắng lặng. Nắng trưa la đà đường xa, mắt tôi sao chói lòa. Có con chim buồn đậu cao, hót vang câu hót lạ. Bóng cây cúi đầu buồn thiu, bước chân tôi nhớ nhà”

Châu Đình An

08-02-2012

Theo Blog Châu Đình An
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn