BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73226)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bò sữa gặm cỏ cháy (2)

28 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1939)
Bò sữa gặm cỏ cháy (2)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trước hết, tôi nói tới cái Phòng Nhi Đồng trong Bộ Thanh Niên và Thể Dục Thể Thao của hai chế độ Cộng Hòa của miền Nam. Dù Bộ tụt xuống hàng Tổng Nha, dù di cư từ đường Đinh Tiên Hoàng đến đường Hiền Vương rồi lại dọn đồ nghề về đường Đinh Tiên Hoàng. Phòng Nhi Đồng vẫn chỉ là cái phòng … chứa đồ phế thải y hệt cái phòng cà là dỉ của một biệt thự lộng lẫy. Ở đó, trên tường treo vài cái bảng xanh ghim dăm bảy kiểu nút của Hướng Đạo. Chủ sự - nghe đã phát nãn cái danh từ này – thường là một nữ huấn luyện viên thể thao phốp pháp hay một ông công chức sắp về hưu ưa hút thuốc lào và bàn tán chuyện cờ tướng ! Nhân viên thì khỏi kể. Sinh hoạt của “trung ương” nhi đồng là may lót tã, đan áo cho con, cắt móng tay móng chân, ngáp vặt, tự học Anh ngữ và … chơi hụi. Và chỉ có thế. Nhà nước đã chiếu cố mầm non của tổ quốc, đã đầu tư tương lai dân tộc ở cái phòng méo mó, tồi tệ như thế đấy. Vậy đừng đòi hỏi một chính sách nhi đồng. Nước bốn nghìn năm văn hiến của ta rất hiếm hoi những chính sách ngọan mục. Giáo dục chưa có chính sách, đòi hỏi chính sách khỉ mốc gì! Ròng rã mười sáu năm đương đầu với Cộng sản, Bộ Thanh Niên chỉ được cung cấp những ông Tổng, Bộ trưởng ăn xổi ở thì, những ông làm việc nước chú ý cái cổng tư thất cho đúng lời thầy bói dạy. Những ông cố đánh vật với kiến thức, may mắn lắm, đọc được bài diễn văn chuông mõ không sót công thức thanh niên là rường cột của quốc gia. Những Cao Cầu của thời đại Thủy Hử hôm nay, sức mấy viết nổi chính sách.

Vậy thì, bổn phận của những cái gọi là Bộ, Tổng Nha Thanh Niên Thể Dục Thể Thao của miền Nam là, hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng tám, ngày Tết của nhi đồng, vội vàng viết vài khẩu hiệu trên vải trắng, treo la liệt quanh cơ sở của mình để vừa làm dáng vừa ăn điểm. Những khẩu hiệu cũ rích nhai lại. Ôi loài trâu bò nhai lại tẻ nhạt cũng đến thế là cùng. Thiếu nhi là mầm non của tổ quốc. Hoặc Ngày nay học tập ngày mai giúp đờI. Hoặc Tre già măng mọc, Hoặc Chăm chỉ học hành để phục vụ đất nước. Có vẻ thời trang thì Ăn bánh trung thu nhớ ơn chiến sĩ. Chưa có khẩu hiệu Giặc Cộng đến nhà, nhi đồng phải đánh! Hay Thiếu nhi tích cực bài trừ tham nhũng! Đệ nhị Cộng Hòa tiến bộ hơn Đệ nhất Cộng Hòa ở điểm không bắt tội nhi đồng hò hét: Nguyễn Tổng thống muôn năm! Nhưng khẩu hiệu nhai lại, có thể, ủ rũ, rách mướp nếu trước ngày trăng tròn trời đổ một cơn mưa vĩ đại. Bằng trời đẹp, vài hôm sau người ta gỡ xuống ném vào kho để sang năm xài nữa. Nghề của chàng chỉ có bấy nhiêu. À, thêm chút xíu. Là bắt con em công chức phục vụ tại Bộ tới nghe ông Tổng trưởng đọc “đít cua” long trọng rồi chờ phát đèn và bánh trái rẻ tiền.

Cây mùa thu của miền Nam đã trở thành truyền thống, thứ tuyền thống đợi ngày lãnh đồ phát chẩn bệ rạc. Chẳng ai “chế” nỗi một trò chơi nào cho nhi đồng khác hơn cái trò quyền tiền trồng Cây mùa thu . Thành thử, tôi có cảm tưởng, nhi đồng miền Nam được giáo dục … tư tưởng nhận quà. Tư tưởng này, chắc chắn không làm nên một Trần Quốc Toản, một Đinh Bộ Lĩnh, một Duy Tân … Trở về với những con bò sữa gặm cỏ cháy của tôi. Năm nay có Đại hội Thiếu nhi ở sân Tao Đàn – Sài Gòn. Khẩu hiệu tiến bộ đôi chút. Chỉ tiếc, sau ngày đại hội, không còn một khẩu hiệu nào treo trên con đường xuyên qua vườn Tao Đàn.

Tôi đã được sang Mã Lai Á một lần. Lần ấy, nhằm đúng ngày đại hội Thiếu nhi toàn Liên bang Mã Lai Á. Thủ đô Kuala Lumpur tưng bừng. Báo chí chiếu cố tận tình đại hội này. Có quốc vương chủ tọa. Một ngày thật quan trọng và cảm động của thiếu nhi Mã Lai Á. Bởi vì, trong ngày đại hội hằng năm, Mã Lai Á giới thiệu với quốc dân một anh hùng thiếu niên. Ngày hôm ấy, có thể, được coi là ngày của vị tiểu anh hùng. Vị tiểu anh hùng này đã lập được một thành tích có tính cách nhân dũng. Nghĩa là không phải nhiệm vụ của mình mà cứ làm và làm quên cả tính mạng mình. Mã Lai Á, từ mười năm nay, đã trở thành một nước độc lập trong hòa bình. Kể từ ngày ra tuyên cáo độc lập đến nay, nếu tôi không lầm, chưa có vị Thủ tướng thứ hai. Vẫn chỉ một “thần tượng” Abdul Rahman. Thủ đô Kuala Lumpur có đại lộ mang tên Thủ tướng Abdul Rahman. Đó là một vinh dự của Thủ tướng còn sống, đang cai trị. Đừng lạ lùng khi thấy báo đối lập, khuynh tả, thân cộng ở Mã Lai Á ế dài và báo ủng hộ Nhà nước thì chạy như tôm tươi. Và cũng đừng lạ khi thấy Mã Lai Á có ngày Đại Hội Thiếu Nhi. Một sảnh đường thật rộng, thật đẹp quy tụ hàng mấy ngàn thanh thiếu niên. Nơi ấy dùng làm nơi sinh hoạt của tuổi trẻ. “Đại biểu” thiếu niên, nhi đồng các tỉnh trong liên bang về đây chiêm ngưỡng anh hùng trong năm. Như tôi đã nói, Mã Lai Á đang hưởng thụ nền hòa bình… công chính và no ấm, nên dù được bầu làm anh hùng, thành tích của vị anh hùng chẳng đáng làm tôi khiếp phục. Đại khái chỉ là cứu em bé suýt chết đuối, phát giác được đám cháy, vân vân …. Quốc vương Mã Lai Á gắn huy chương cho vị tiểu anh hùng. Quốc hội và Nội các giới thiệu vị tiểu anh hùng. Thiếu niên, nhi đồng vỗ tay chiêm ngưỡng, thèm ước được trở thành anh hùng. Bắt buộc mầm non của tổ quốc Mã Lai Á phải cố sức học hỏi và tâm niệm sẽ làm được những việc đẹp cho quê hương, cho cuộc đời. Vị tiểu anh hùng là một hãnh diện cho cả liên bang.

Nước ta, vất đi không hết tiểu anh hùng cỡ anh hùng trong năm Mã Lai Á. Thời chiến, anh hùng xuất hiện khá nhiều. Hãy nói một Võ Trụ quên thân hình mình cứu người phi công Mỹ lâm nạn, đưa anh phi công Mỹ khỏi vùng tử thần. hành động của em bé Võ Trụ có tính cách nhân loại. Em chỉ biết cứu người lâm nạn và không cần biết người ấy da vàng, da trắng hay da đen. Võ Trụ được gắn Nhân Dũng bội tinh, thứ bội tinh mà tới nay, chưa ông tướng nào vinh dự được mang trên ngực trừ dăm bảy người quân, dân chính. Buổi lễ gắn Nhân Dũng bội tinh cho anh hùng Võ Trụ tổ chức tại Bộ Tổng Tư lệnh Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa với sự tham dự của nhiều vị tướng tá Việt, Mỹ. Báo chí có loan tin. Loan rất … tượng trưng. Thiếu nhi, nói riêng, và dân chúng Việt Nam nói chung, rất ít ai được nghe tên Võ Trụ. Nếu như tinh thần Võ Trụ không bàng bạc trong tâm hồn mỗi thiếu niên Việt Nam, đó chẳng phải lỗi tại Võ Trụ. Mà lỗi do những nhà lãnh đạo thanh, thiếu niên, nhi đồng của chúng ta. Thiếu nhi Việt Nam đã mất một thần tượng. Thần tượng Võ Trụ. Thần tượng có thật. Thần tượng không mơ hồ giống thần tượng Kim Đồng của Cộng sản. Cũng không phải thần tượng “chế sẵn” . Phải chi những nhà lãnh đạo thông minh và có lòng thì Võ Trụ, em bé phi thường đó, sẽ là cái nhân của một thế hệ thanh niên phi thường vài năm sau. Tiếc thay, Nhà nước và mấy ông lãnh đạo thanh niên đã để Võ Trụ chìm trong quên lãng. Mã Lai Á mà có một Võ Trụ nhỉ? Cộng sản mà có một Võ Trụ nhỉ? Tên Võ Trụ sẽ khắc rõ trong tâm hồn niên thiếu.

Hãy nói một Danh Kê cướp xuồng máy và súng của Cộng sản ở Kiên Giang. Hành động của em bé Danh Kê phi thường lắm chứ. Sống trong vùng địch, chờ địch ngủ say, Danh Kê liền vồ hai khẩu súng, cướp xuồng, cho chạy về đất tự do. Nhật báo Sống loan tin này. Biết Danh Kê được tưởng thưởng gì không? Vài ngàn đồng thân tặng của ông Tỉnh trưởng Kiên Giang với lời khen tặng. Chỉ có thế. Ai biết em bé Danh Kê giờ đây ra sao? Và mấy ai biết em bé Danh Kê phi thường? Tôi không muốn kể thêm tiểu anh hùng Biệt Động Quân Nguyễn Văn Mạnh …. Nước ta vô số thần tượng thiếu nhi. Mà chẳng hề thấy thần tượng thiếu nhi nào hiện diện ở những Đêm Trung thu tại Dinh Độc Lập. Tại sao thế? Tại vì những người ôm trong tay cái trách nhiệm đào tạo thanh niên chỉ có những cánh tay khô đét, da dẻ sần sùi như da rắn lột. Những cánh tay ấy, những con mắt kẻm nhẻm kèm nhèm, không thể nhìn xa và không thể ôm nỗi thiếu nhi, ghì mạnh với lòng thương. Muốn đoàn ngũ hóa thiếu nhi, muốn phong trào thiếu nhi không chết, mãi mãi hấp dẫn quyến rũ mà thiếu thần tượng của thiếu nhi, kể cả thần tượng mơ hồ; tôi rất e ngại sự thành công của những ai đang làm việc cho thiếu nhi, vì thiếu nhi, ở miền Nam. Thiếu tướng Trần Văn Trung nghĩ có nên chọn Võ Trụ làm thần tượng cho thiếu nhi quân đội, một đoàn thể thiếu nhi mà Thiếu tướng gởi gấm rất nhiều hy vọng? và Thiếu tướng đã nghĩ rằng cần có một Ngày thiếu Nhi Quân độI tổ chức như ngày Đại hội thiếu nhi bên Mã Lai Á.

Những con bò sữa gặm cỏ cháy của tôi thiệt thòi đủ thứ. Phải thấy tận mắt bò sữa gặm cỏ cháy trên cánh đồng hực lửa mới biết thương xót tuổi thơ Việt Nam. *

Đấy, hãy nhìn vào sách học của các em tiểu học. Hãy mở từng cuốn ra mà đọc, mà xem một cách thật bình tĩnh. Rồi thở dài buồn thảm. Bò sữa đã bị gặm cỏ cháy ngay từ ở học đường. Cỏ cháy là những cuốn sách giáo khoa ấn loát lem nhem. Tác giả của chúng, những vị giáo viên đầy uy tín nhưng liếc qua hình thức, người ta không khỏi ngậm ngùi cho uy tín của qúy vị ấy. Không hề có chuyện sửa chữa mỗi lần tái bản. Qúy vị giáo viên, tác giả của những cuốn sách giáo khoa tiểu học, đã cho sắp chữ, vỗ phông, đúc chì và chạy ào ào. Chạy bằng chữ xảy ra 2 điều bất tiện. Một là đắt quá, thu về ít lời. Hai là tái bản lại phải trả thêm công sắp chữ. Vậy thì cứ vỗ phông để dành, niên học tới ta tiếp tục đúc chì ấn loát, khỏi cần sửa chữa tốn công. Do đó sách của các em nó mới lem nhem như cái hiện tại của xứ sở. Giáo dục trẻ con người ta cũng tính toán. Tính toán thật kỹ. Giáo dục thanh niên thì khỏi kể. Một vị giáo sư trường Luật rất đáng ca ngợi về sự chịu khó sửa chữa “tác phẩm” của mình từng niên khóa. Mỗi năm vị này sửa chữa, viết thêm vài trang. Để “cua” của mình hoàn hảo? Không đâu. Để sinh viên mới không thể mượn hay xin hay mua rẻ “cua” của sinh viên cũ. Phải mua “cua” sửa chữa, nhuận sắc mà học. cái sự sửa chữa ở đây vẫn mang nặng tính chất tính toán. Nhưng chỉ nói tới bò sữa gặm cỏ cháy, tôi tưởng nên “ca ngợi” vị giáo sư đại học nọ chút chút rồi trở về với bờ sữa gặm cỏ cháy của tôi. Sách giáo khoa của các em ấn loát lem nhem, đóng gấp cẩu thả. Phần đông (có thể nói hầu hết) đóng bằng ghim lớn chớ không khâu bằng chỉ. Tôi không muốn đề cao ông Nguyễn Đình Vượng, song, so sánh báo “Văn” của ông với sách giáo khoa Việt Nam, báo văn ấn loát đẹp gấp trăm lần sách giáo khoa tiểu học. Tiểu thuyết của nhà Nguyễn Đình Vượng in ít mà người ta khâu bằng chỉ. Sách giáo khoa in nhiều lại đóng ghim. In nhiều tất bán nhiều. Bán nhiều thì lời nhiều. Những nhà giáo viết sách và xuất bản sách chỉ nghĩ lời nhiều chớ không nghĩ sách in đẹp. Thử tưởng tượng cuốn Việt Ngữ lớp 3 của tác giả X được các trường Công giáo ở Việt Nam dùng giảng dạy thôi. Bao nhiêu chục ngàn cuốn? Tôi nghĩ có in hình ảnh bốn màu, mỗi năm tác giả của nó cũng thu hằng mấy triệu lời. Buồn thay, sách chỉ một màu đen tối. Chữ in đen đã đành, hình ảnh cũng đen luôn. Tôi có đứa con học lớp năm. Năm ngoái giở cuốn Việt Ngữ của nó ra coi bài “Tinh tú” . Mở đầu như thế này: “Ban đêm, ta ngồi nhìn lên bầu trời, ta sẽ thấy những vì sao lấp lánh …” Cái hình in kèm với bài vẽ thằng bé ngồi trên ghế đá công viên nhìn lên bầu trời đen thui vì … bản kẽm hư. Chẳng thấy vì sao nào lấp lánh. Đứa con ngây thơ hỏi (vì nó không hiểu kỹ thuật ấn loát) : Sao đâu bố? Phải đáp: Chắc hôm nay nhằm đêm 30, sao đi ngủ sớm ! Ôi báo chí người ta đã ấn loát 4, 5 màu mà sách giáo khoa tiểu học Việt Nam vẫn một màu đen của hãng mực Song Long thì thật là một chua xót cho mầm non của tổ quốc ! Bao giờ trẻ em Việt Nam mới được cầm những cuốn sách giáo khoa bìa cứng,giấy trắng, in ốp sét 4,5 màu ? Bao giờ mới có những giáo sư thạc sĩ chỉ khiêm tốn soạn sách giáo khoa tiểu học? Từ nay đến bao giờ ấy, nhi đồng Việt Nam còn phải học những cuốn sách ấn loát lem nhem, những cuốn sách in thua gấp trăm lần tiểu thuyết của nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng (Tới đây tôi xin được phép mở ngoặc để được công khai ca ngợi thiện chí của nhóm giáo chức Lửa Việt và Nhà xuất bản Cành Hồng. Họ vừa làm một cuộc cách mạng sách giáo khoa tiểu học niên học 72 – 73. Tôi chúc họ thành công. Họ thành công, con em chúng ta sẽ được học những cuốn sách soạn thảo công phu và ấn loát đẹp với nhiều tranh màu dễ thương). Do đó, bò sữa vẫn tiếp tục gặm cỏ cháy… sách giáo khoa in sẵn từ năm não năm nào, và anh dũng bôi bỏ giá cũ dán giá mới đè lên (đôi khi dán giá mới đè lên mất công, tốn của, cứ phăng phăng đóng con dấu giá mới lên trên hay xuống dưới giá cũ) để phù hợp với giá sinh hoạt hiện tại dù rằng giá giấy, công in mình chịu đựng ở năm nảo năm nào.

Đây hãy nhìn kỹ đi, hãy cùng khổ sở với bò sữa gặm cỏ cháy khi cùng nó làm bài toán mà tác giả cuốn sách toán cho sai đáp số và lười biếng không sửa “mo rát” thành thử, không in đính chính. Đấy, người ta đã vắt cỏ cháy cho bò sữa ăn như vậy đấy. Ngay từ ở học đường. Tôi muốn nói thêm về những cuốn sách ấn loát tân kỳ do chính phủ và nhân dân Hoa kỳ viện trợ và do ông Mỹ này, bà Mỹ nọ sọan thảo chung với các chức sắc của Bộ Giáo dục nước tôi. Sách tặng không. Nhưng không ai dạy. Vì nó không thích hợp. Thí dụ cuốn “Dưỡng nhi” cuốn sách phát cho các em học trò nghèo là một sự buồn cười. Em bé gái săn sóc mẹ vừa sinh em bé. Sách bảo phải vắt cam tươi cho mẹ uống, phải pha sữa cho mẹ uống, phải … vân vân. Sách chỉ quên chưa bảo phải vặn máy lạnh cho mẹ ngủ và kê cái tủ lạnh trong buồng của mẹ, phải mua nhiều cam táo nho lê bỏ vô tủ lạnh. Chính phủ Mỹ viện trợ phương tiện cho bò sữa, tại sao bò sữa cứ bị gặm sách giáo khoa ấn loát lem nhem ? Tại sao Ban Tu Thư của Bộ Giáo dục không dùng cái phương tiện quý hóa, soạn sách và ấn loát thật đẹp như sách giáo khoa tiểu học Pháp, Mỹ, Nhật để bán rẻ cho bò sữa và đẩy loại sách giáo khoa đen tối vào bóng tối lãng quên ? Tại sao? Đó là một vấn đề khó hiểu. Phải chăng, trong giáo dục cũng có chủ trương tự do kinh doanh. Phải chăng, giáo dục cũng giống báo chí ? Có báo đứng đắn, có báo số đề số đuôi, dâm ô đồi trụy. Có báo in đẹp, có báo in bẩn. Sự thiệt thòi to tát vẫn là sự thiệt thòi mà bò sữa, tổ quốc, quê hương phải gánh chịu. Và ai chịu trách nhiệm đây? Đã có chỗ cho mọi người trong lãnh vực đổ lỗi: Chiến tranh.

Chiến tranh, ta thù mi phần nào vì mi gây chết chóc, đau khổ, đổ vỡ cho dân tộc ta nhưng những phần còn lại là vì những kẻ làm giàu do mi, đạt được địa vị cao nhờ mi, tạo đày lầm lẫn không dám nhận đành dùng mi để khỏa lấp tội lỗi. Những kẻ mang trọng trách với thế hệ mai sau cũng đổ vạ tại chiến tranh. Họ giả vờ đó. Họ chỉ ham cái hiện tại. Họ không nhìn rõ cái trống trải của thế hệ rường cột. Xã hội Việt Nam hôm nay, phần đông, người ta mãi mê hiện tại. Trái cây qúy thường trồng lâu năm, mất công chăm bón. Những kẻ ham hiện tại dại gì trồng cam trồng xoài cho dân tộc. Họ khoái tồng bí, trồng dưa để biết chắc thời gian thụ hưởng. Tương lai mơ hồ. Chết rồi, ai sống mà ngắm vườn xoài vàng ối mà vững dạ tin tưởng thế giới rường cột xâm mình chiến đấu chiến thắng Cộng sản. Tôi viết những giòng chữ này không phải để khoa trương. Đừng ngộ nhận, đừng nghĩ rằng tôi tự đề cao tôi là người có trách nhiệm với thiếu niên, nhi đồng. Người cầm bút có nhiều ưu tư. Nói lên được những ưu tư của mình mà mối ư tư đó cũng là ưu tư của nhiều người tức là y đã làm xong một bổn phận. Y không thể giải quyết những điều y nghĩ nên y phải viết. Và y viết với tất cả tấm lòng của y. Gọi là tâm bút. Thế thôi. Nhưng nếu người đọc tôi nghĩ tốt chút chút về tôi. Nghĩ là tôi đã tâm bút thật, tâm bút không toan tính, tâm bút không chuẩn bị cho một tương lai chính trị, hay một âm mưu nào đó, tâm bút để chấp nhận mọi thiệt thòi về mình thì tôi xin thú nhận rằng, suốt đời tôi, tôi chỉ loay hoay những vấn đề của tuổi nhỏ. Tôi đã thất bại. Vì không có quyền, không có tiền. Hai không tạo thành nỗi cô đơn. Khổ nỗi tôi lại chủ quan và mơ mộng. Tôi tin những giòng tâm bút của tôi sẽ được những người nhiều quyền, nhiều tiền và muốn đầu tư cái quyền và số tiền của họ vào tương lai của đất nước đọc và suy nghĩ. Tôi không ôm cái tham vọng ngớ ngẩn là họ sẽ tin và làm theo những gì tôi viết. Tham vọng của tôi nó giản dị như văn chương của tôi: Họ chợt thấy rõ nỗi trống trải của thế hệ rường cột nếu không lo đào tạo ngay hôm nay. Đào tạo cách nào tôi chẳng cần biết nhưng họ đặt vấn đề đầu tư vào thế hệ mai sau vào nhi đồng hôm nay, tôi tưởng như tôi đã làm xong bổn phận của một công dân tốt. Thế là đủ. Xã hội nuôi tôi, đãi ngộ tôi, tôi có ý kiến mà tôi nghĩ là hay thì tôi phải đóng góp. Tôi không bao giờ ngu xuẩn vỗ ngực tự coi những gì mình viết là khuôn vàng thước ngọc. Đã có những kẻ ngu xuẩn. Và họ đều bị mỉa mai. Tôi nặng lời với người này, bạo miệng với người nọ cũng chỉ là “tâm bút”, chỉ vì bò sữa. Vì muốn bò sữa được thả trên cánh đồng cỏ non, được thảnh thơi gặm cỏ và có sữa tốt để cho dân tộc trông cậy. Chứ, để bò sữa gặm cỏ cháy mãi, tội nghiệp quá.

Đấy, hãy nhìn trò chơi tháng tám của nhi đồng con nhà nghèo ! Chúng ta đã có Trung tâm Nguyên tử lực. Một vài người Việt Nam, thí dụ ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đang là một trong những bộ óc vĩ đại của những kẻ chinh phục không gian. Mà Nhi đồng Việt Nam thì cứ chỉ biết chế lon sữa bò, lon coca cola Mỹ làm trò chơi, tôi nghĩ không còn gì thê thảm hơn. Dân tộc bất hạnh của chúng ta, thỉnh thoảng, sản sinh ra một hai nhân tài, quá tài trước sự tiến bộ khoa học của xứ sở. Do đó, tài năng ấy đành phục vụ dân tộc thiên hạ. Và chúng ta thở dài: Họ làm việc cho nhân loại. Tôi không bằng lòng những thiên tài “lõi”. Hiểu theo nghĩ đãi hàng ngàn tấn cát mới có một cục vàng – Tôi thèm ước dân tộc ta có nhiều nhân tài bậc trung. Chỉ cần chế nỗi máy cày. Không cần chế nỗi phi thuyền hỏa tiễn. Chỉ cần chinh phục nỗi đất hoang bao la Cà Mau, Đồng Tháp. Khỏi cần chinh phục mặt trăng. Khi lúa vàng chói chang vùng Cà Mau, Đồng Tháp là khi dân tộc ta no ấm, thịnh vượng. Nhưng muốn thật đông nhân tài bậc trung, nhân tài có thể đào tạo ra, không một chế độ, một chính phủ nào chịu đầu tư vốn liếng vào nhi đồng. thành thử, thu hút nỗi nhi đồng, vẫn là “nghề” của Cộng Sản. Họ đầu tư vốn liếng để lấy lãi nuôi chiến tranh, gây căm thù. Trẻ con Cộng sản đã làm người lớn Quốc gia vất vả . Trước đám lau nhau, lương tâm người lớn Quốc gia mềm nhũn. Ai nỡ giết những đứa trẻ đáng tuổi con mình, em út mình? Những năm gần đây, lính Cộng sản địa phương và xâm nhập, đa số là con nít !

Tôi chợt nhớ bài tập đọc Con hổ và con chuột nhắt trong Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng của Trần Trọng Kim . Con hổ bị sa lưới. Hổ gầm thét, lồng lộn. Vô ích. Có con chuột nhắt đi qua. Hổ buồn tình đưa chân chộp, toan nuốt tươi. Chuột kể oán: “Thân con bé bỏng ông tha cho làm phúc”. Hổ tha. Chuột nhớ ơn hổ, về gọi cả họ hàng tới cắn nát lưới. Nhờ đó, hổ thóat thân. Bài tập đọc kết luận: Ở đời, ngay cả những kẻ hèn mọn, nhỏ bé cũng có thể giúp ta nên việc. Nhi đồng, dĩ nhiên quá nhỏ bé. Các nhà lãnh đạo miền Nam đã khinh bỉ những con chuột nhắt. Ở bất cứ một quốc gia nào, nhi đồng cũng là mối ưu tư của người lớn. Cây tre sắp già, phải lo cây măng sắp mọc. Măng không lọc, tre già tre chết là hết tre. Tuổi trẻ vừa dùng tới, phải nghĩ đến tuổi thơ sắp dùng tới. Thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia. Nhi đồng, do đó là vấn đề tối quan trọng của quốc gia. Tiếc rằng vấn đề quan trọng ấy đã ít được chú ý. Bởi vậy, ròng rã mười bốn năm, đành như con hổ mắc lưới.

Tôi cứ nghĩ, phải chi mười sáu năm trời, kể từ 1954 đến 1970, miền Nam biết giá trị của những cái răng của chuột nhắt, lưới Cộng sản, lưới tư bản dễ gì bủa xuống đe dọa số phận dân tộc ta. Chỉ cần săn sóc những con chuột mười tuổi, bây giờ chúng ta thừa răng nhọn cắn nát kẻ thù. Muốn có một thế hệ thanh niên dũng cảm, thuơng yêu quê hương, dám chết vì danh dự của tổ quốc, miền Nam đã bỏ rơi nhi đồng một cách tàn nhẫn. Y hệt những cây trà, những cây cà phê, trồng đại trên ngọn đồi trọc nắng cháy. Không hề được che chở bằng bóng mát của tàu lá chuối. Do đó, thế hệ thanh niên hôm nay ngơ ngác, đói khát lý tưởng. Kẻ thì đầu tóc rậm bù hò hét thác loạn, đốt tương lai như đốt thuốc lá đen. Kẻ thì phản kháng múa may để chết niềm tin tưởng. Kẻ thì an phận, cố giật cái mác khoa bảng mà làm dáng với đời. Nhà nước mãi mãi lo dẹp loạn … thành phố, truy nã du đảng sau khi đã thất bại một thiện chí kêu gọi tuổi trẻ đi hoang trở về ! Trại giáo huấn có, những phiên tòa xử thiếu nhi phạm pháp có. Chỉ thiếu “lò” đào tạo thế hệ bảo vệ quê hương. Nhà nước không dám đầu tư vốn liếng vào nhi đồng hay không biết cách đầu tư? Dầu gì đi nữa, mười sáu năm trời đằng đẳng, mật ong tuổi thơ miền Nam chỉ dành riêng cho loài gấu và phù thủy chính trị thưởng thức. Tôi chợt chớ cái Phòng Thiếu nhi trong Bộ Thanh niên. Và tôi quả quyết những chế độ miền Nam đã bất tài trong sứ mạng uốn nắn mầm non của đất nước. Tre già, măng không có để mọc. Ôi những cây măng nõn nà, vừa nhú khỏi mặt đất đã chứa đựng những con sâu buồn! Cộng sản đói rách thần tượng, phải tìm đến thứ sát nhân đê tiện Nguyễn Văn Trỗi mà phong làm liệt sĩ. Trong khi thần tượng nhi đồng bất hủ Võ Trụ miền Nam, thần tượng Danh Kê ,, vân vân bị chìm vào quên lãng.

Bây giờ, tôi tả cánh đồng cỏ cháy, ở đó những - con - bò - sữa - phải – cho - sữa – tương – lai đang gặm nhắm và nhai lại. trước hết là những khu vực giải trí của nhi đồng. Học đường không có. Nói chi những trường tiểu học cá hộp ngay giữa phố đông đúc hay trong con ngõ nhỏ tồi tàn. Tôi chưa được sang Châu Âu. Tôi cũng chưa được sang Hiệp chủng quốc. thành thử không hiểu thiên đường của tuổi thơ Disneyland ra sao. Nhưng tôi có thể tưởng tượng nỗi vùng Disneyland của vĩ nhân Walt Disney qua những cuốn phim bất hủ Bambi, Peter Pan hay Bạch Tuyết và 7 chú lùn…. Một lần thăm Disneyland rồi phải chết, cũng mãn nguyện chán. Vài người đã nói thế. Nói quá. Tôi chỉ mới một lần sang Nhật Bản nhân chuyến đi phước thiện một tuần lễ. Và tôi đã thấy một trong nhiều Children Farms của thủ đô Đông Kinh. Cái Children Farm mà tôi đã được đặt chân vào làm cho tôi tối tăm mặt mũi. Đó là thế giới của tuổi thơ Nhật Bản, là thiên đường mơ ước của tuổi thơ Việt Nam bất hạnh. Những phát minh khoa học tối tân nhất, đều đã biến thành đồ chơi, trò chơi cho nhi đồng. Vừa chơi vừa học. Óc sáng kiến nẩy nở từ cái Children farm này. Tôi nghĩ, những nhà bác học trứ danh trên thế giới, đều đã giải trí suốt thời thơ ấu ở những “thế giới tuổi thơ”. Trẻ con Nhật đã chán trò chơi ngồi trong phi thuyền Apollo 11 bay vút lên mà trẻ con Việt Nam còn đẩy cái lon sữa bò gắn cục nến thì không còn gì tội nghiệp hơn. Không dám so sánh Sài Gòn với Đông Kinh mà chỉ nói về những vườn trẻ công cộng của thủ đô Việt Nam vẫn được ca ngợi là viên ngọc trân châu của Á đông.

Sài Gòn có bao nhiêu vườn trẻ công cộng? Và những trò chơi gì trẻ con ưa thích? Ai săn sóc trẻ con tại những nơi này? Hãy đếm trên đầu ngón tay. Ngón tay còn thừa cho vườn trẻ công cộng. Trò chơi ư? Cầu tụt, xích đu ! Chỉ có thế. Cái vườn trẻ công cộng ở bờ sông, chung quanh còn rào kẽm gai. Nó nhỏ tí xíu, mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật riêng nhi đồng Khánh Hội kéo sang đã đông nghịt. Cực tả thì phải ví như đám nhặng bu kín đám xơ mít. Giành giật nhau leo cầu, đu xích, đánh nhau, chửi nhau. Phụ huynh bênh vực con em, cũng góp phần tích cực lời lẽ vào cuộc giải trí công cộng không hề có y tá túc trực đề phòng nhi đồng té ngã ! Người Đại Hàn mới tặng nhi đồng Sài Gòn một vườn chơi công cộng ở đầu đường Nguyễn Hoàng – Nguyễn Kim. Lại vẫn xích đu, cầu tụt. Thêm cái bồn xịt nước lâu lâu mới chịu phun mưa. Người Đại Hàn “cho” chưa hết lòng tốt của họ. Họ chừa cái sân, nắng bụi tung mù mịt, mưa nước đọng từng vũng. Hãy đến chơi và sẽ thương hại những con mắt trẻ thơ lao động Sài Gòn vướng đầy bụi. Có lẽ Toà Đại sứ Đại Hàn nên “cho” thêm thuốc nhỏ mắt mùa nắng, ủng và quần áo nilon mùa mưa. Không có người coi sóc những vườn chơi công cộng nên vườn chơi đầy bã mía, vỏ bánh, rác rưởi và trẻ con chỉ học hỏi … chửi thề, đánh lộn sau khi chán tụt cầu, đu xích. Rủi em nào đu hung hăng bị ngã vỡ đầu, chảy máu, sứt mặt. Em đó ráng mang vết thương đầy cát bụi vi trùng về nhà.

Đấy, những children farms mà nhà nước Việt Nam ưu ái tuổi thơ Sài Gòn ? cứ nhìn vào sự thật, tôi không thê thảm hóa hay bịa đặt. Nhi đồng Việt Nam mụ đi vì thiếu nơi giải trí. Không lẽ, mỗi năm một lần vào Dinh Độc Lập dự Đêm Trung thu nghe Tổng thống đọc diễn văn chúc các cháu ăn ngon ngủ ngon và coi văn nghệ Hội chợ Osaka là thông minh ra, lớn lên óc sáng kiến đầy ăm ắp, trí tuệ minh mẫn.

Tôi vẫn thèm những cái vườn trẻ gọi là những cái Vườn Trẻ mà không thấy khôi hài. Những cái vườn trẻ ở thủ đô Sài Gòn, ở trái tim Việt Nam chẳng hề có. Người ta đổ vạ tại chiến tranh. Lại chiến tranh ! Trong chiến tranh, rất nhiều công thự được xây dựng. Cho ngoại bang mướn. Trong chiến tranh vẫn còn cái quen lải nhãi mỗi tuần: Kiên Thiết Quốc Gia. Tôi tưởng chỉ cần “hy sinh” trọn vẹn bốn kỳ xổ số, đừng ai tơ hào một cắc, Sài Gòn sẽ có ít nhất năm mươi cái Vườn Trẻ ra hồn. Ở đó, ngoài cầu tụt, xích đu còn nhiều trò giải trí mở mang sự hiểu biết của nhi đồng. Tôi rất buồn chưa nghe ông nghị sĩ, ông dân biểu, ông nghị viên nào khuyến cáo, đề nghị hành pháp lo món ăn tinh thần nhi đồng. Mà chỉ bị nghe những lời tố cáo tham nhũng ồn ào và những chuyện không lấy chi làm đẹp của các ông. Phải chi Võ Trụ đủ tuổi ưng cử dân biểu. Thì nhi đồng Việt Nam có bổn phận “bắt” phụ huynh mình dồn phiếu cho thần tượng Võ Trụ. Vì, đã đến lúc phải có người đòi hỏi quyền lợi cho thiếu nhi, thiếu niên tại cơ quan lập pháp.

Nhân thể, tôi muốn đổ một chút ưu tư lên vai những chính đảng Việt Nam. Thực chất của các đảng phái hôm nay là … ma, là vơ bèo dạt tép. Không khi nào đảng phải có hậu thuẫn mạnh và thật nếu họ không biết ươm đảng viên. Năm ngoái có lần gặp ông Nguyễn Văn Hướng, nguyên Tổng thư ký Phủ tổng thống, ông Hướng hỏi tôi về Lực Lượng Tự Do Dân Chủ của ông. Tôi nói một câu ngắn hơi xấc. Ông Hướng thú nhận: toàn xoài, ổi, mận cả . Tương lai sẽ hết xoài, ổi, mận mà thay thế bằng lớp người trẻ trong sạch, nhiệt tình. Ông lại hỏi: “Làm thế nào để có lớp người tuổi trẻ mới?” Tôi đem “bửu bối” nhi đồng ra đấu và đấu luôn cách đào tạo nhi đồng thành thế hệ thanh niên mới của Cộng sản. Ông Nguyễn Văn Hướng thích lắm, ông hỏi: “Mình làm thế nào? Phương tiện đâu?” Tôi trả lời: “Phương tiện các ông thiếu gì?” Ông Hướng thú nhận qũy “đảng ta” rỗng tuếch, muốn xuất bản tờ báo cũng không có tiền. Chính đảng nào thích vững mạnh, lớn lao, trong tương lai có đủ võ công hoá giải áp lực các tôn giáo, hãy lo cho nhi đồng đi. Nắm được nhi đồng hôm nay là nắm được sức mạnh vĩ đại ngày mai. Cái sức mạnh ấy lại được giáo dục tốt, uốn nắn kỹ, chân nó sẽ xô đổ hết thành quách thối nát để tay nó xây dựng quê hương rực rỡ.

Trước khi nói về sự thiếu sinh tố của nhi đồng miền Nam, tôi xin phép được ca ngợi dự án của ông Nguyễn Văn Anh và bạn hữu ông đã xây dựng khu vực Crystal Palace sẽ được coi như children farm của thủ đô Việt Nam. Thượng tầng là “thế giới của tuổi thơ”, nơi đó có ít nhất là 200 trò chơi khoa học cho nhi đồng không phân biệt giàu nghèo. Nơi đó, có rạp chiếu bóng dành riêng cho nhi đồng, có sân khấu nhỏ phát triển khả năng tuổi thơ và đưa tuổi thơ trở về với những trang sử oai hùng của dân tộc. Nơi đó đôi tay êm ái của những người có lòng sẽ ôm ấp tuổi thơ Việt Nam bất hạnh. Dự án đã thành hình. Không lâu gì cuối năm nay là cùng. Vườn Trẻ Crystal Palace sẽ mở cửa cho bầy chim nhỏ Việt Nam đến đó để múa may, ca hát hồn nhiên. Giữa thời buổi nhà giàu lo chuyển ngân ra ngoại quốc, vẫn còn những người như ông Nguyễn Văn Anh và bạn bè của ông đầu tư bạc tỷ vào nhi đồng để không trục nỗi món lợi nhỏ, tôi tưởng rất đáng ngợi ca và khích lệ. Được tiếp xúc với ông Anh, được nghe ông phác họa nhiều chương trình phục vụ của nhóm ông, phục vụ âm thầm không cần khoa trương, tôi cầu chúc các ông thành công. Và trông đợi “thế giới tuổi thơ” của tuổi thơ Việt Nam bất hạnh của những bà tiên giàu lòng nhân từ **.

Bây giờ, tôi tiếp tục giải thích vì sao bò sữa của dân tộc gặm cỏ cháy. Thú thật, tôi đã bối rối vô cùng khi dẫn thằng con trai 7 tuổi của tôi đến một rạp chiếu bóng nhằm đúng ngày chiếu phim Cấm trẻ em dưới 16 tuổI mặc dù phim đó chỉ là phim chiến tranh. Cho con mình coi là láo. Mà đã dẫn đi, lại dẫn về, con mình nó mếu máo rất tội nghiệp. Vì thương con em, rất nhiều phụ huynh đã tặc lưỡi , kéo con em mình vào rạp. Và chủ rạp không từ chối. Tuổi thơ thành phố Việt Nam mất đi nhiều hồn nhiên, láu lỉnh vì đã được coi những phim cấm các em coi. Nhưng ở Sài Gòn có rạp chiếu bóng nào dành riêng cho thiếu nhi? Mười mấy năm trước, khi chưa có Hiệp định Genève, Hội Hướng đạo Hà Nội chủ trương rạp chiếu bóng Lửa Hồng ở Hàng Trống. Rạp này không hẳn dành riêng cho thiếu nhi song nhi đồng và học sinh đến coi thường trực. Giá rẻ. Rạp hơi bình dân. Phim thì toàn cao bồi hiền lành với Roy Roger, trên lưng con ngựa khôn ngoan, khi tay đàn miệng ca, khi tung dây bắn súng, cứu khổn phò nguy cùng con chó trung thành và người bạn gái hiền lành. Cao bồi Roy Roger không hung ác, tàn bạo như cao bồi Franco Néro hôm nay. Ngoài cao bồi, Lửa Hồng còn chiếu phim Zorro. Tôi đã “thả” rất nhiều Chủ nhật của rạp Lửa Hồng. Mỗi khi Roy Roger hay Zorro xuất hiện đi cứu khổn phò nguy. Khán giả nhóc con vỗ tay cổ võ nhiệt liệt. Tuổi thơ đã học được tinh thần mã thượng qua những nhân vật hiệp sĩ.

Đừng ngạc nhiên khi thấy phụ huynh Mỹ yêu nhân vật Batman, Robin. Người lớn chúng ta coi Batman, coi mãi thấy nhàm. Nhưng Batman, người vô địch đó, đã được lựa chọn chỉ vì trong phim Batman không hề có súng nổ, máu chảy, người chết. Người lớn có ý thức và trách nhiệm rất kỵ máu chảy, người chết diễn ra trước mắt con cái mình. Trẻ con rất dễ tiêm nhiễm thói hư, tật xấu. Câu chuyện mẹ Mạnh tử dạy con đủ minh chứng. Ở gần nhà người bán hòm, ông Mạnh tử tối ngày chỉ bắt chước phu đám ma, đắp mồ chôn cất. Ở gần nhà người đồ tể, ông Mạnh tử học tập giết lợn. Ở gần trường, ông Mạnh tử mới bắt chước học trò để học tập và trở thành thánh nhân.

Người vô địch Batman và bạn anh là Robin, sở dĩ được phụ huynh Mỹ và phụ huynh thế giới tin cẩn, bằng lòng để con em mình chiêm ngưỡng và phim Batman trên tuyến điện thị “ăn khách” nhi đồng chính vì phim này không ngợi ca tàn bạo, man rợ. Batman và Robin hành hiệp. Luôn luôn bị gian tặc giăng bẫy thộp cổ sau một trận đánh nhau bằng tay chân. Rồi gian tặc dọa nạt, đưa lên những cái máy giết người ghê gớm. Nhưng Batman không chết. Batman vô địch không bao giờ chết cả. Hoặc chàng tự giải thoát, hoặc chàng được Robin cứu. Cuối cùng mỗi phim, gian tặc bị bắt đem về “bót” để công lý phán xét tội lỗi. Batman và Robin không trả thù những kẻ toan giết mình bằng hơi ngạt hay máy chém. Không một ai chết cóc ở phim BATMAN. BATMAN là loại phim hoạt động không có máu đổ. Cao bồi Roy Roger cũng rất ít máu đổ. Nhưng cao bồi Ý Đại Lợi bây giờ thì chết hết. Đấm đá dã man, giết chóc tàn nhẫn. Bà già, trẻ sơ sinh đều phải chết. Con em chúng ta đã và đang được tẩm bổ bằng sinh tố tàn bạo, vô luân của những cuốn phim cao bồi Ý Đại Lợi và những phim chưởng Trung Hoa. Nước Mỹ là quê hương của cao bồi. Họ chỉ đề cao tinh thần công lý của người Shérif. Thí dụ phim GUNSMOKE. Hay tinh thần nghĩa hiệp của cao bồi. Thí dụ phim BONANZA (Trên truyền hình quân đội Mỹ ở Việt Nam).

Lucky Luke cũng là một cao bồi lý tưởng của nhi đồng thế giới. Đến với cô đơn. Hành hiệp cô đơn. Rồi ra đi cô đơn. Lucky Luke không giết người. Anh chàng cao bồi với con ngựa Jolly Jumper chỉ thích giễu cợt, đùa giỡn. Tiếc thay, khi phóng tác sang tiếng Việt, người ta đã xài hơi nhiều ngôn ngữ mất dạy, nên nói tới báo nhi đồng, y rằng, chúng ta miệt thị loại Batman, Lucky Luke. Cao bồi Roy Roger đã thành người hiệp sĩ lý tưởng xuất hiện hàng tuần ở rạp Lửa Hồng Hàng Trống, Hà Nội của tuổi thơ xa xưa. Tôi mong mỏi một rạp. Hãy chỉ cần một rạp Lửa Hồng ở Sài Gòn, nhỏ như rạp Vĩnh Lợi, mà không hề thấy. Năm 1962 tôi có viết một bài rạp chiếu bóng cho nhi đồng đăng trên bán tuần san chiến đấu của Tổng nha Thanh Niên thời ông Cao Xuân Vỹ. Bài báo không có tác dụng gì. Dến năm 1965, khi làm chủ bút tuần báo Chí trai của Bộ Thanh niên thời ông Nguyễn Tấn Hồng, tôi cho đăng lại bài báo này. Và sau đó Bộ Thanh niên đã lấy tạm Nhà Thanh niên ở góc Hồng Thập tự - Hai Bà Trưng làm rạp chiếu bóng dành riêng cho nhi đồng, chỉ chiếu vào ngày Chủ nhật. Vì thiếu chuẩn bị, vì không quảng cáo, vì ít phim hay, và nhất là vì hoạt động với tinh thần thư lại cơm nguội, rạp đã không hấp dẫn nhi đồng. Đóng cửa. Đóng cũng như mở. Rất âm thầm.

Phim hoạt họa, phim phiêu lưu, mạo hiểm hay những phim vui nhộn như The adventures of Tom Sawyer, The adventures of Huckleberry Finn, Le guerre des boutons của Âu Mỹ và Nhật không thiếu. Cứ thuê hay mượn phim cũ rích của họ cũng dư sinh tố cung cấp cho một thế hệ nhi đồng Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Nhà nước có muốn chích sinh tố cho nhi đồng hay không. Tôi nghĩ nếu Nhà nước chịu chi một kỳ Xổ số Kiến thiết Quốc gia nhi đồng thủ đô sẽ có một cái rạp tối tân. Nơi đó, vừa dùng để sinh hoạt, vừa giải trí lành mạnh. Ngoài Nhà nước không ai dại gì đầu tư đâu. Nhà nước để mặc nhi đồng thưởng thức phim cao bồi Ý Đại Lợi, chưởng kiếm Trung Hoa móc tim, chặt đầu máu chảy và máy chảy, nhà nước sẽ mất công bỏ tù thiếu niên bạo động. Cái nhân Nhà nước gieo sao thì cái quả Nhà nước hưởng vậy. Nhà nước bỏ bê nhi đồng ăn quà nhảm, Nhà nước đừng trách thanh niên không lành mạnh, không giúp ích xứ sở một cách thiết thực và hữu hiệu. Một rạp chiếu bóng cho nhi đồng, nhà nước không thực hiện nỗi thì nói chi đào tạo một thế hệ thanh niên hùng mạnh xâm mình bảo vệ quê hương.

Chắc hẳn Nhà nước trả lời đã có Vô tuyến điện thị băng tần số 9? Trước hết tôi xin thành thật khen ngợi anh Lê Văn Khoa, người chủ trương chương trình Thế giới của tuổi thơ trên vô tuyến điện thị Việt Nam. Với lòng mến yêu tuổi thơ (đôi mắt và khuông mặt anh toát ra lòng yêu mến đó), anh đã gắng sức vượt qua những phương tiện thiếu thốn của anh và vượt trên cả các món thù lao hà tiện, gần như bủn xỉn, hà tiện của Nhà nước để, mỗi tuần anh và đàn em nhỏ dễ thương của anh, đến với nhi đồng Việt Nam bất hạnh một chương trình Thế giới của tuổi thơ. Chương trình của anh Lê Văn Khoa hấp dẫn nhi đồng lắm. Vì anh có nhiều tài. Nếu đầy đủ phương tiện vật chất cho Lê Văn Khoa, tôi đoán chắc, chương trình Thế giới của tuổi thơ của Lê Văn Khoa sẽ là một chương trình lý tưởng. Ngoài Lê văn Khoa, còn có chương trình Học mà chơi, chơi mà học. Thiện chí rất nhiều nhưng nó vẫn không che giấu nỗi sự nghèo nàn, thê thảm. Người điều khiển chương trình phải nói quá nhiều. Mà truyền hình, nhất là truyền hình với nhi đồng, người điều khiển chương trình nói ít, càng ít càng tốt. để cho hình ảnh nó nói, nó đi vào tâm hồn thiếu nhi.

Những chương trình khác, tôi miễn kể. Bởi vì chỉ có hát xướng, kịch coọc ngớ ngẩn, và tập làm dáng cho những em bé gái xấp xỉ mười sáu tuổi. Không còn gì bực mình hơn bị nghe các em nhi đồng hát những bài ướt át tình ái rẻ tiền của mấy ông nhạc sĩ sáng tác trước tài năng mình. Điển hình là hai em Chí Hùng – Ngọc Hoa. Hai em hát những bài của Hùng Cường – Mai Lệ Huyền hát. Cử chỉ, dáng điệu, y phục cũng giống hệt. Nhìn em Ngọc Hoa giả vờ cầm chai rượu ngất như và nghe em lải nhải Say rượu như say ái tình, tôi muốn đập vỡ máy điện thị, muốn lôi cổ những anh cai thầu văn nghệ ra bợp tai và rồi muốn khóc. Có thể, ông Xuân Phát là một nghệ sĩ hữu hạng. Nhưng ông Xuân Phát đã cởi trần, mặc quần xà lỏn đóng vai Xia ra Ki vi nham nhở thì không thể điều khiển một chương trình dành cho nhi đồng. Tôi đã thấy ông hề Thanh Hoài lập đi lặp lại một câu chọc cười rẻ rúng “cống hiến” các em nhi đồng: “ Ba lần ba là ông cố nội”. Và nhiều vở kịch mà nếu quý vị có trách nhiệm với thiếu nhi “chiếu cố” hẳn qúy vị ấy sẽ phát điên. Tiếc thay, qúy vị ấy không “chiếu cố”. và những cái gọi là Hội Bảo vệ thiếu nhi, Hội Bạn Trẻ chưa hề một lần lên tiếng về thảm trạng giáo dục nhi đồng của vô tuyến truyền hình.

Giải trí nhi đồng tốt nhất, vẫn chỉ là phim hoạt họa. Bên Nhật (tôi chỉ mới đợc qua Nhật nên chỉ thí dụ truyện Nhật Bản) có rất nhiều đài truyền hình. Điểm tâm để đi học, nhi đồng mở bất cứ một băng tần nào vào giờ này cũng có phim hoạt họa. Ngắn thôi. Đủ để ăn xong bữa lót dạ. Buổi trưa, nhi đồng vừa ăn trưa vừa coi phim hoạt họa. Buổi tối cũng vậy. Người ta đã dành riêng giờ nhàn rỗi của nhi đồng để cho nhi đồng giải trí mà khỏi chiếm mất thì giờ học hành, thì giờ nghỉ ngơi của các em. Trước đây vô tuyến điện thị của quân đội Mỹ ở Việt Nam có chiếu nhiều phim hoạt họa. Nhi đồng Việt Nam xem ké và nhớ giờ giấc đúng boong. Những Combat, Wild Wild West, Voyage to the bottom of the sea cũng là những phim trẻ con hâm mộ. Hâm mộ và chiêm ngưỡng Vic Morrow, Jim West như anh hùng dân tộc mình. Mình không có anh hùng để hâm mộ, không có ai tạo cho mình những mẫu anh hùng, hiệp sĩ thì đành chiêm ngưỡng anh hùng … Mỹ vậy. Bây giờ, mỗi chiều chủ nhật, dù ham chơi cách mấy, nhi đồng thành phố vẫn không quên vặn máy coi Astroboy hay Kimba diễn giải tiếng Việt trên băng tần số 9. Làm thế nào chúng ta có nhiều phim hoạt họa ngắn thay thế những chương trình nhi đồng cải lương ẻo lả và hát xướng những bài tình ái vô tích sự?

Đó là trách nhiệm của Nhà nước, và Nhà nước chi rất khiêm tốn cho giáo dục, văn hoá. Ngân sách dành cho giáo dục chỉ bằng số tiền ăn cắp hằng năm của một tên đại tham nhũng. Có khi còn ít hơn. Ở Việt Nam, người ta ít chú ý tới trẻ con. Người ta chỉ ồn ào những chuyện vô tích sự. Sữa tăng giá, quyền lợi của trẻ con bị xâm phạm, không ai phản đối. Nhưng giấy báo tăng giá, quyền lợi của một số chủ nhật báo bị xâm phạm, lập tức người ta đấu tranh đến nơi đến chốn. Nào tuyệt thực. Nào cắt tóc. Nào đình bản. Và chính phủ đã nhượng bộ cuộc tranh đấu đó. Chẳng ai tranh đấu cho trẻ con cả. Vì trẻ con chỉ là trẻ con. Để nó lớn lên nó tranh đấu cho quyền lợi của chúng nó. Bởi thế, đừng lạ khi thấy các em nhỏ than vãn đài Vô tuyến truyền hình quỵt tiền “ca sê” của các em. Tới đây, tôi chợt nghĩ một người cả đời chỉ ôm mộng làm phim nhi đồng, tóc bạc phơ, già đi, nghèo đi, phải xoay nghề khác. Vì mộng của anh lơ lững trên mây. Phim của anh do Juspao thực hiện xong xuôi. Tưởng được mãn nguyện bằng một nụ cười. Nhưng người Mỹ bảo buồn quá, tuổi thơ Việt Nam không vui bằng tuổi thơ Mỹ. tại sao chỉ thèm đôi guốc mới trong khi kẹo Honey có chất độc ê hề ở Việt Nam? Phim làm rất công phu. Để bị vất vào kho. Trung Tâm Điện ảnh Việt Nam không thừa máy yểm trợ chăng? Có lẽ, Trung tâm Điện ảnh Việt Nam chỉ khoái yểm trợ những phim đấm đá, hãm hiếp ***. Biết ngày nào Trung tâm Điện ảnh mới dành riêng cho nhi đồng một đạo diễn của nhi đồng? Và biết bao giờ Trung tâm Điện ảnh Việt Nam mới có ý định thực hiện những cuốn phim ngắn cho nhi đồng?

Bộ Giáo Dục đã biết nghĩ rằng hằng triệu học sinh tiểu học thèm khát phim ảnh dành riêng cho các em không? Ôi, chỉ cần một cái rạp chiếu bóng của nhi đồng do người Việt Nam thực hiện. Rạp chiếu bóng nhi đồng hữu ích cho quê hương hơn là trụ sở quốc hội. Phải chi Thượng viện cất tầng lần nữa để dọn lên và rời Hạ viện về làm thành Quốc hội lưỡng viện, một nơi và lấy trụ sở hiện thời của Hạ viện làm nơi sinh hoạt thiếu nhi? Tôi đoan chắc, hai mươi năm sau, quê hương ta sẽ có nhiều khuôn mặt rạng rỡ. Một thế hệ nhi đồng được chăm sóc, giáo dục tốt đẹp, sẽ trở thành những công dân lương thiện. Một số công dân lương thiện sẽ trở thành lãnh đạo quốc gia. Và quốc gia không thể là bóng tối dầy đặc, nơi ẩn trú của những thằng đạo diễn mù đeo kính đen, của những thằng bất tài vô tướng, của sâu mọt, của ăn cắp, của vọng ngoại, của khoa bảng “for rent”, của trí thứ cho cả Cộng sản lẫn Tư bản thuê bản thân, thuê dân tộc mình….


* Từ đoạn này, theo lời yêu cầu của nhà xuất bản. tác giả đã viết thêm từ trang 37 đến trang 45, để thay thế cho những trang 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 mà nhà xuất bản cho là “hỏng” dù đã in xong. (Viết lại ngày )

** Bài này viết xong vào tháng 11 năm 1970. Cách đây vài tháng (khoảng 10-1971), ông Nguyễn Văn Anh, trong một thư gửi riêng cho tác giả, cho biết cái children fram của ông đã không thể thực hiện nổi với nhiều lý do.

*** Như mọi người đã thấy, những phim Việt Nam có đấm đá, hãm hiếp “sexy show”, me Mỹ, gái bán bar đều đã yêu cầu Trung Tâm Điện ảnh yểm trợ và đã được thỏa mãn.

(Xem tiếp) ---->




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn