BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cổ Thi Việt Nam Cảm Dịch

17 Tháng Giêng 20196:48 SA(Xem: 1273)
Cổ Thi Việt Nam Cảm Dịch
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
* Cổ Thi VN Cảm Dịch gồm 13 danh nhân lịch sử xếp theo trình tự thời gian. Kính mời thưởng lãm.

nguyenminhthanh
Nguyễn Minh Thanh

1 - Lý Thường Kiệt  : 1019 – 1105

NAM QUỐC SƠN HÀ
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẵng hành khan thủ bại hư
                   LÝ THƯỜNG KIỆT

SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Nước Nam sông núi vua Nam ngự
Phân định rõ ràng tại sách trời
Hỡi giặc cớ sao sang chiếm cứ
Lũ bây bị đánh ắt tơi bời
     Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Lý Thường Kiệt : ( 1019 – 1105 ) Là hoạn quan. Ông tên thật là Ngô Tuấn, biểu tự Thường Kiệt, sau được ban quốc tính nên có tên là Lý Thường Kiệt. Con ông Ngô An Ngữ. Lý Thường Kiệt là hậu duệ của vua Ngô Vương Quyền.

2 - Trần Quang Khải : 1241–1294

TÒNG GIÁ HOÀN KINH
Đoạt sáo Chương Dương độ*
Cầm Hồ Hàm Tử Quan**
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
                TRẦN QUANG KHẢI

* Đốt và đoạt nhiều chiến thuyền của giặc Nguyên
**  Toa Đô bị bắt

THEO XE VUA VỀ KINH ĐÔ
Bến Chương Dương đoạt giáo
Cửa Hàm Tử bắt Hồ
Thái bình rèn trí xảo
Muôn thuở vẹn cơ đồ
      Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

PHÚC HƯNG VIÊN
Phúc Hưng nhất khúc thủy hồi hoàn,
Trung hữu bình viên sổ mẫu khoan.
Mai ổ tuyết tiêu châu bội lỗi,
Trúc đình vân quyển bích lang can.
Thử lai yêu khách kiêu trà uyển,
Vũ quá hô đồng lý dược lan.
Nam vọng lang yên vô phục khởi,
Đồi nhiên nhất tháp mộng thiên an
                         TRẦN QUANG KHẢI

VƯỜN PHÚC - HƯNG
Phúc - Hưng dải nước chảy quanh vòng
Một mảnh vườn xinh gió thoáng thông
Nõn trắng hoa mai khi tuyết tán
Mượt xanh khóm trúc lúc trời trong
Pha trà nắng ấm mời thân hữu
Phơi thuốc mưa qua nhắc tiểu đồng
Tin báo ải Nam không lửa khói
Giường con yên giấc cuộc thong dong.
                    Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Xuân Nhật Hữu Cảm (1)
Vũ bạch phi mai tế nhược ty
Bế môn ngột ngột toạ thư si
Nhị phần xuân sắc nhàn sai quá
Ngủ thập suy ông dĩ tự tri
Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện
Ân ba hải khoát túng lân trì
Sinh bình đỡm khí luân huân tại
Giải đảo đông phong phú nhất thi
                                   Trần Quang Khải

Ngày Xuân Cảm Xúc (1)
Mưa bụi hoa mai lấm tấm sương
Lặng yên nghĩ ngợi chốn thư đường
Nửa phần Xuân quá người phai sắc
Năm chục tuổi rồi tóc nhuốm sương
Nước cũ cánh chim giờ đã mỏi
Nguồn xưa tâm cá hãy còn vương
Bình sinh hào khí ngâm sang sảng
Át gió thơ vang mấy dặm trường
               Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Ngày Xuân Cảm Xúc (1) - lục bát
Giăng tơ mưa bụi hoa mai
Thư phòng nghĩ ngợi những ngày đã qua
Sắc xuân phí nửa phần gìa
Tới năm mươi tuổi hiểu ra suy rồi
Nước non mỏi cánh chim trời
Nguồn xưa sông chảy cá bơi ngược dòng
Bình sinh hào khí còn phong
Ngâm thơ át ngọn gió đông ào ào…
               Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Xuân Nhật Hữu Cảm (2)
Nguyệt sắc vi vi dạ hướng lan
Đông phong đặc địa khởi xuân hàn
Phiên không liễu nhứ niêm cao các
Giác mộng Tương quân bốc họa lan
Bị vật nhuận tòng thiên ngoại vũ
Kinh tâm hồng thoái tích thì nhan
Khử sầu lại hữu tam bôi tửu
Phủ kiếm du du ức cố san
                     Trần Quang Khải

Ngày Xuân Cảm Xúc (2)
Bảng lảng đêm Xuân ánh nguyệt tà
Gió Đông lạnh lẽo buốt xương da
Ngoài hiên trúc gõ cành đưa đẩy
Trên gác liễu vờn lá thướt tha
Mưa đến mượt mà khơi cỏ thắm
Ngày qua tàn tạ xót thân già !!
Giải sầu ba chén nghêu ngao hát
Vỗ kiếm nhớ thời chinh chiến xa
               Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Ngày Xuân Cảm Xúc (2) - lục bát
Trăng mơ mờ bóng đêm tan
Đông phong lành lạnh Xuân đang trải dài
Gió dìu bông liễu cao bay
Lay cành trúc biếc hiên ngoài âm ba
Chuyển dần thời tiết mưa qua
Ngẫm ra xót dạ tuổi già hư hao
Giải sầu ba chén nghêu ngao
Vỗ gươm nhớ thuở ra vào quan san / tử sinh …
                                 Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Trần Quang Khải: (1241–1294) con vua Trần Thái Tông và Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị.  Ông là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, làm đến chức Tể tướng đời Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, coi cả mọi việc trong nước.

3 - Phạm Ngũ Lão : 1255 –1320

THUẬT HOÀI
Hoành sáo giang san cáp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
                              PHẠM NGŨ LÃO

THUẬT HOÀI
Huơi giáo non sông trải bấy lâu
Ba quân hùng hổ nuốt tươi trâu
Công danh chưa phỉ nam nhi chí
Thẹn mặt khi nghe chuyện Vũ Hầu
                   Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

VÃN THƯỢNG THƯỢNG TƯỚNG QUỐC CÔNG
HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG
Trường Lạc chung thanh hưởng nhất trùy
Thu phong tiêu táp bất thăng bi
Cửu trùng minh giám* kim vong hĩ
Vạn lý trường thành thục hoại chi
Vũ ám trường giang không lệ huyết
Vân thê phức đạo tỏa sầu mi
Ngưỡng quan khuê tảo tứ phi dật
Ngư thủy tình thâm kiến vịnh thi
                                 PHẠM NGŨ LÃO

Minh giám: cái gương sáng, người kiến thức rất cao ( T.Đ.  Đ.D.A. )

THƠ ĐIẾU HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG
Trường Lạc hồi chuông cấp báo vang
Gío thu hiu hắt cảnh thu tàn
Chín tầng minh giám vừa siêu thoát
Muôn dặm trường thành bỗng vỡ tan
Máu lệ sông khơi mưa điệp điệp
Mây sầu đường vắng phủ mang mang
Văn chương trác tuyệt hằng hâm mộ
Cá nước tình thâm kính mấy hàng..!!
                      Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

PHẠM NGŨ LÃO: (1255–1320) người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương. Ông là hậu duệ cuả tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. Là con rễ cuả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công hiển hách...

4 - Vua Trần Nhân Tôn : 1258 - 1308

 Xuân Cảnh
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.
                              TRẦN NHÂN TÔN

Cảnh Xuân
Ngân nga chim hót liễu xanh dày
Chiều ngã thềm hoa mây trắng bay
Khách ghé vào chơi không hỏi chuyện
Lan can cùng tựa ngắm trời mây
                       Nguyền Minh Thanh cảm dịch

Trần Nhân Tôn: ( 1258 - 1308 ) Tên húy Trần Khâm  con Trần Thánh Tôn và Nguyên Thánh hoàng hậu
Trần Khâm có chí hướng xuất gia theo Phật. Ông đã nhiều lần xin nhường ngôi Thái tử cho em.
Là ông vua nhân từ, có trí lược, thương dân.
Quân Nguyên hai lần xâm phạm bờ cõi đều thảm bại dưới thời trị vì cuả Ông: 1278  -  1293
Sau khi nhường ngôi vua. Ông đi tu ở núi Yên Tử rồi mất ở am Ngọa Vân.    

5 - Đặng Dung : 1373  -  1414

Cảm Hoài
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu* thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà**
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma
                           ĐẶNG DUNG

Đồ, điếu: chỉ Phàn Khoái, Hàn Tín
Thơ Đỗ Phủ:An đắc tráng sĩ vãn thiên hà; Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng. Dịch nghĩa: Ước gì có tráng sĩ kéo nước sông Ngân xuống (dịch chữ thiên hà); Rửa sạch khí giới, mãi mãi không dùng đến nữa.
Dịch nghĩa:
Cảm hoài: trong lòng có điều cảm khái ( T.Đ. Đào Duy Anh )
Sự đời dằng dặc mà ta già rồi, biết làm sao đây!
Trời đất mênh mông thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao.
Khi gặp thời thì anh hàng thịt, người câu cá cũng dễ lập công,
Nếu thời vận đã qua thì anh hùng cũng chỉ uống hận.
Muốn giúp chúa, ôm hoài bão nâng trục trái đất mà xoay chuyển lại,
Mong rửa sạch giáp binh nhưng không có lối để kéo Ngân Hà xuống.
Thù nước chưa báo được, mà đầu thì đã bạc rồi,
Bao lần mang kiếm Long Tuyền ra mài dưới bóng trăng.

Nỗi Lòng
Sự thế miên man, tuổi hắt hiu
Rượu nghiêng trời đất hát ngao nghêu
Gặp thời đồ điếu nên công dễ
Lỡ vận anh hùng nuốt hận nhiều
Xoay trục phò vua mong chuyển hướng
Khơi sông gột giáp chẳng thông chiều                            
Bạc đầu thù nước buồn chưa trả
Mấy bận gươm mài dưới nguyệt xiêu..!!
               Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Nỗi Lòng ( lục bát )
Việc đời dằng dặc, tuổi cao
Rượu nghiêng trời đất nghêu ngao giải sầu
Gặp thời toại chí chàng câu
Anh hùng lỡ vận gẫm sâu đoạn trường
Phò vua vạch đất tầm phương
Khơi sông gột giáp không đường tiến lui
Bạc đầu thù nước nào nguôi
Dưới trăng mài kiếm ngậm ngùi... non sông..!!
                        Nguyễn Minh Thanh  cảm dịch

Đặng Dung: ( 1373 - 1414 ),Ông là con của Đặng Tất. Giận vì cha bị Giản Định Đế giết oan, Đặng Dung theo phò Trần Quý Khoáng tức Trùng Quang đế tiếp tục khởi nghĩa.
Sau cùng binh ít thế cô, chuá, tôi đều bị giặc bắt.
Trên đường giải về Tàu, chúa, tôi đều nhảy sông tuẫn tiết!!

6 - Thi Hào Nguyễn Du : 1766–1820

Xuân Dạ
Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm
Tiểu song khai xứ liễu âm âm
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm
Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim)
                                NGUYỄN DU

Đêm Xuân
Đêm đen nào thấy ánh xuân hồng
Rặng liễu mơ màng trước chấn song
Bịnh trải đường dài xao xuyến dạ
Xuân về đêm quạnh xót xa lòng
Bao năm đất khách bên đèn khóc
Nghìn dặm quê nhà dưới nguyệt trông
Ngoài xóm Nam Đài Long thủy chảy
Cổ kim sóng lạnh cuốn chung dòng..!!
                     Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Trấn Nam Quan
Lý Trần  cựu sự yểu nan tầm
Tam bách niên lai trực đáo câm (kim)
Lưỡng quốc bình phân cô lũy diện
Nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm
Địa thiên mỗi vị truyền văn ngộ
Thiên cận tài tri giảng trạch thâm
Đế khuyết hồi đầu bích vân biểu
Quân thiều nhỉ bạn hữu dư âm
                         NGUYỄN - DU
                      ( 6 - 5 -  1813 )

Ải Nam Quan
Lý Trần chuyện cũ mịt mờ thay
Năm tính ba trăm đã bấy chầy
Hai nước phân ranh cô lũy đó
Một quan trấn giữa vạn sơn đây
Ở xa tin nhảm nên nghi hoặc
Sống cận ơn cao mới rõ bày
Mây biếc chập chùng trông Đế khuyết    
Nhạc vua còn vẳng ở bên tai.
          Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Ải Nam Quan ( lục bát )
Lý Trần việc cũ nằm im
Ba trăm năm trước nay tìm hoang sơ
Bắc Nam cô lũy chia bờ
Ải quan trấn giữa mịt mờ trùng sơn
Xa xăm nào thấu nguồn cơn
Cận kề mới thấm thâm ơn Cửu trùng
Trông vời mây biếc Hoàng cung
Nhạc vua còn đọng bập bùng bên tai.
              Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Qủy Môn Quan
Liên phong cao sáp nhập thanh vân
Nam Bắc quan đầu tựu thử phân
Như thử hữu danh sinh tử địa
Khả liên vô số khứ lai nhân
Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ
Bố dã yên lam tụ quỷ thần
Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt
Kỳ công hà thủ Hán Tướng* quân    
                                    NGUYỄN DU
 *Mã Viện

 Ải Quỷ Môn
Mây xanh áp núi đỉnh chơi vơi      
Nam, Bắc ải chia tự đất trời
Tử địa dội vang nghe khắp chốn
Thương tâm qua lại biết bao đời..!!
Rình mò cọp rắn chen rừng rậm
Tụ họp quỉ thần nương khói khơi
Gió lạnh hồn oan xương trắng ởn
Công gì Hán tướng noí nghe chơi ?!
     Nguyễn Minh Thanh  cảm dịch

Nguyễn Du (1766–1820) hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ thời Lê Trung Hưng. Người làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tỉnh.
Ông để lại nhiều tác phẩm, nổi bật là Truyện Kiều. Trải qua nhiều quan chức triều Gia Long. Chức vụ cuối cùng cuả Ông là Hữu Tham Tri  Bộ Lễ sau khi đi sứ Trung Hoa về năm 1814.

7 - Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa : 1807 - 1872

Thu Cảm
Thu vũ liên hà giáp ngạn phồn,
Ngư ca ái ái náo tiền thôn.
Thiên biên nhất nhất hoành không lộ,
Giang thượng song song phá lãng đồn.
Cao thọ loạn dao phong tự chiến,
Lạc hoa bất tụ thuỷ như bôn.
Biên chu nhất trạo tri hà vãng,
Tháp thượng đàm tâm tửu mãn tôn.
                                 THỦ KHOA NGHĨA

Thu Cảm                             
Mưa Thu sen nở rợp  bờ sông
Đầu xóm ngư dân hát rộn ràng
Lũ nược hai con đua dưới nước
Đàn cò một dải lượn trên không
Liêu xiêu cây cối nghiêng trong gió
Lả tả lá hoa giạt giữa dòng
Thong thả thuyền chèo đi đủng đỉnh
Trên mui chuốc rượu chuyện long bong
                     Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Vĩnh Thông Đồn Trấn
Độc toạ cao lâu tứ tiễu nhiên,
Thiên không, dã khoáng, thảo thiên nhiên.
Giang biên phàm quá cô thôn vũ,
Lĩnh ngoại xa hồi viễn thọ yên.
Mộ sắc sổ gian ỷ trúc luỹ,
Ca thanh nhất đạo tái bồ thuyền.
Tu mi tự đắc bá phu trưởng,
Tái thượng sa đà niên hựu niên.
                       THỦ KHOA NGHĨA

Giữ Đồn Vĩnh Thông
Nhàn tãng lầu cao ngắm bốn bề
Chân trời tăm tắp ruộng nhiều ghê
Ven sông bườm chạy mưa nho nhỏ
Chân núi xe về khói ủ ê
Dưới xóm bờ tre chiều bảng lảng
Trên ghe tiếng hát giọng lê thê
Phận trai nghĩ cũng hơn nhiều kẻ
Ngặt đã bao năm chẳng được về !
                        Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa (  1807 - 1872 ): Ông còn có tên Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi, người quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cha là Bùi Hữu Vị, có chỗ ghi là Bùi Hữu Đá, dân chài.Thuở nhỏ, Bùi Hữu Nghĩa ( BHN ) rất thông minh, theo học chữ Nho, nhưng nhà nghèo, nghỉ học. May nhờ người nói giúp, lên Biên Hoà ở nhà ông Nguyễn Văn Lý là phú gia trong làng, đi học với thầy đồ Hoành. Và rồi được ông Lý hứa gả con cho.
Năm  1835, đời vua Minh Mạng, BHN thi đỗ Giải Nguyên ( Thủ Khoa  ), kỳ thi Hương ở Gia Định, nên thường gọi là Thủ Khoa Nghĩa. Lúc ấy Ông 28 tuổi.

8 - T. Khoa Nguyễn Hữu Huân : 1830-1875

Tuyệt Mệnh Thi
Hãn mã nan kham vị quốc cừu,
Chỉ nhân binh bại trí thân hưu.
Anh hùng mạc bả doanh thâu luận,
Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu.
Vô bố dĩ kinh Hồ lỗ phách,
Bất hàng cam đoạn tướng quân đầu.
Đương niên Tho thuỷ ba lưu huyết,
Long đảo thu phong khởi mộ sầu.
                                        Thủ Khoa Huân

Thơ Tuyệt Mạng
Gian nan vó ngựa diệt thù chung
Chỉ tại thua binh mạng phải cùng
Hãy lắng nghĩa trung lưu vũ trụ
Chớ đem thành bại luận anh hùng
Nổi xung giặc dữ kinh hồn khắp
Liều thác thân tàn rạng tiếng chung
Sóng nước Mỹ Tho pha máu đỏ
Gío Thu chiều úa lộng cồn Rồng..!!
                    Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Thủ Khoa Huân tức Nguyễn Hữu Huân ( 1830 - 1875 ), người Định Tường, nay tỉnh Tiền Giang.
Ông đổ đầu khoa thi Hương dưới triều Tự ̣Đức năm 1852 nên thường gọi : Thủ Khoa Huân. Là sĩ phu yêu nước đã chiêu mộ nghĩa binh kháng Pháp. Binh bại, bị giặc bắt.
Giặc Pháp dùng bả vinh hoa dụ hàng. Ông khẳng khái từ chối, bị giặc hành hình. Ông bình thản, trước khi mất  đã để lại Tuyệt Mệnh Thi...

9 - Nguyễn Trung Trực : 1838 - 1868

TUYỆT MỆNH THI
Thư kiếm tòng nhung tự thiếu niên
Yêu gian đảm khí hữu Long Tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên
                       NGUYỄN TRUNG TRỰC

Thơ TUYỆT MỆNH
Niên thiếu binh nhung đã luận bàn
Long Tuyền kiếm báu quyết trừ gian
Anh hùng mạt lộ cam đành thác
Thề chẳng chung trời với sói lang
                     Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Ngoài ra, Ô Huỳnh Mẫn Đạt, sĩ phu chống Pháp cùng thời, có bài Thơ Điếu Ô. N.T.T. như sau:

ĐIẾU NGUYỄN TRUNG TRỰC
Thắng phụ nhung trường bất túc luân
Đồi ba chi trụ ức ngư dân
Hoả hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa*
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần**
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân !
                      Cử Nhân HUỲNH MẪN ĐẠT

*Năm 1861, Nghĩa binh Ô.NTT đã đốt cháy tàu chiến
 Espérance  của giặc Pháp tại vàm sông Nhựt Tảo.
**Năm 1968, Nghĩa binh Ô.NTT đã đánh úp đồn Kiên Giang
của giặc Pháp và toàn thắng.

Thơ ĐIẾU NGUYỄN TRUNG TRỰC
Súng gươm thắng bại chuyện thường tình
Ngư phủ cũng rành việc chiến chinh
Nhựt Tảo lửa bừng trời đất khiếp
Kiên Giang gươm tuốt quỷ thần kinh
Hai đường gói trọn niềm trung hiếu
Một sớm giương cao tấm nghĩa tình
Cứng cổ anh hùng thơm mãi mãi
Cúi đầu siểm nịnh lũ hèn khinh...!
                        Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

 Ngư dân Nguyễn Trung Trực ( 1838 - 1868 ) người Long An, mộ quân đánh giặc Pháp với Lãnh Binh Trương Công Định, năm 1861 đốt tàu giặc L`espérance trên sông Nhựt Tảo.
 Năm 1868 Ông đánh úp đồn giặc ở Kiên Giang. Đạo Nghĩa Binh của Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Nhưng sau vì binh yếu thế cô, khoảng cuối năm 1868, trong tình thế ngặt nghèo, giặc bắt mẹ của Ông, làm áp lực. Để cứu Mẹ và bảo toàn lực lượng, Ông tự nạp mình. Chúng dụ hàng phong quan. Nguyễn Trung Trực quyết liệt từ chối, và còn dõng dạc nói tạt vào mặt chúng :"Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây"  .Trước khi bị giặc chém đầu Ông đã để lại :Tuyệt Mệnh Thi!!

10 - Phan Đình Phùng : 1847 - 1895

Lâm Chung Thời Tác
Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,
Võ lược y nhiên vị tấu công.
Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong.
Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung.
Trách vọng dũ long ưu dũ trọng,
Tướng môn thâm tự quý anh hùng.
                           PHAN ĐÌNH PHÙNG

Thơ Viết Lúc Sắp Mất
Mười năm phụng mệnh cuộc tranh phong
Dẹp lũ thù chung vẫn chập chồng
Khốn khổ dân lành tan tác nhạn
Nghênh ngang giặc dữ rộn ràng ong
Chín tầng lận đận nơi rừng thẩm
Trăm họ lao đao chốn lửa hồng
Trách nhiệm cao vời lòng nặng trịch
Gẫm sâu riêng thẹn tiếng anh hùng
                  Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Phan Đình Phùng: (1847 - 1895) Người làng Đông Thái, huyện La Sơn Hà Tĩnh, Cha ông là Phó bảng Phan Đình Tuyến.
Người cương trực, và lãnh đạo phong trào Cần Vương Suốt mười năm (1885-1896), Phan Đình Phùng đã đánh với Pháp nhiều trận, và đã gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề, tiêu biểu nhất là trận Vụ Quang năm 1894.

11 - Phan Bội Châu : 1867 - 1940

An Mai Quân
Phiêu bồng ngã bối các tha hương
Tân khổ thiên quân phận ngoại thường
Tính mạng kỷ hồi tần tử địa
Tu mi tam độ nhập linh đường
Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú
Bất thế phong vân đế chủ trương
Giả sử tiền đồ tận di thản
Anh hùng hào kiệt giã dung thường.
                                       PHAN BỘI CHÂU

An Ủi Mai Quân
Đất khách lạc loài mới biết nhau
Đắng cay phận bác quá lao đao
Tử sinh mấy bận thần pha sắc
Lao lý ba phen tóc đổi màu
Trời muốn giao công: cần tập luyện
Chúa mong mưu sư:̣ gắng dồi trau
Đường đời giả sử luôn bằng phẳng
Hào kiệt thường nhân chẳng khác nhau.
                   Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Khốc Chân Tướng Quân
Dị chủng sài lang mãn địa tinh
Độc tương chích thủ dữ cừu tranh.
Trấp niên thương kiếm sơn hà khí,
Bách chiến phong vân phụ tử binh.
Quốc thế dĩ trầm, quân thượng phấn,
Tướng đầu vị đoạn tặc do kinh.
Anh hùng bản sắc chung năng hiện,
Vạn lí thời văn hổ khiếu thanh.
                            PHAN BỘI CHÂU

Khóc Tướng Quân Hoàng Hoa Thám
Sói Lang cướp nước giống hôi nồng
Thù giặc sức mềm vẫn tấn công
Phụ tử chi binh liều chiến đấu
Sơn hà duy khí quyết tranh phong
Thời suy quốc nhục người ra sức
Tiếng dội Hùm thiêng giặc ớn lòng
Chung cuộc anh hùng càng rạng tỏ
Hổ gầm vang vọng... trải non sông...!!
           Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

I - Lược sử Phan Bội Châu: 1867 - 1940 ) con của Ông Phan Văn Phổ và Bà Nguyễn Thị Nhàn, người huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Chính tên là Phan Văn San. Song, vì phạm húy Vĩnh San ( tên của vua Duy Tân ) nên đổi là Phan Bội Châu.
Ông có nhiều biệt hiệu, Sào Nam là phổ thông nhứt. Chữ Sào Nam lấy ý từ câu " Việt điểu sào nam chi ", ( Chim Vịêt làm ổ trên cành phía Nam ).
Thiên bẩm thông minh đỉnh ngộ, mới 6 tuổi PBC đã học hết Tam Tự kinh. Năm 1900 Ông đậu Giải Nguyên ( đầu khoa )  khoa thi Hương.
Sau khi đổ Giải Nguyên, Ông sống bằng nghề dạy học và đi khắp nơi giao du, mưu đại sự cứu nước, giành độc lập từ tay người Pháp.

12 - Phan Chu Trinh : 1872 - 1926

CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương tuý mộng trung.
Trường thử bách niên cam thoá mạ,
Bất tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thỉnh hướng tư văn khán nhất thông
                                         PHAN CHU TRINH

Lòng Thành Cảm Thánh
Thế sự quay nhìn vẫn thấy không
Núi sông mờ mắt đợi anh hùng
Muôn dân nô lệ đời tâm tối
Tám vế văn chương mộng viển vông
Ví mãi cúi đầu nghe chửi mắng
Bao giờ ngẩng mặt thoát xiềng gông?!
Anh em đâu phải vô tâm huyết
Mời đọc thơ nầy đồng cảm thông...
                  Nguyễn Minh Thanh cảm dịch

Vô Đề
Luy luy thiết toả xuất đô môn
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn
                         PHAN CHU TRINH

Không Đề
Xích tay ra khỏi chốn đô môn
Khẳng khái ngùi ca lưỡi vẫn còn
Tổ Quốc đắm chìm dân khốn đốn
Làm trai há sợ ngục Côn Lôn
                       NMT cảm dịch

I - Sơ lược tiểu sử: Phan Chu Trinh, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã; con ông Phan Văn Bình và bà Lê Thị Chung, người Quảng Nam.Thuở nhỏ theo nghiệp Võ, sau theo học Văn, chữ Nho. Rất thông minh.
Sau khi tìm đọc những tác phẩm có tư tưởng cách mạng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire ... , Phan Chu Trinh  ( PCT ) ngộ ra Chế Độ Dân Chủ Tây phương với tam quyền phân lập rõ ràng. Ông ao ước  nước nhà được cải cách như thế.
Cùng lúc, nhận thấy triều đình Huế vừa thối nát và bất lực trước bọn thực dân Pháp, PCT từ quan. Ông bắt đầu hoạt động chính trị với quý Ông: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp ... mưu sự cho nước nhà...

13 - Phó Đức Chính : 1907 - 1930

Tuyệt Mệnh Thi
Chung cô huyên thuyền cấp
Hoàng hôn ánh dĩ tà
Cửu tuyền vô khách điếm
Kim dạ đáo thùy gia?
                   PHÓ ĐỨ́C CHÍNH

Thơ Tuyệt Mạng
Chuông chùa kêu giục giã
Chiều hôm bóng ngã dài
Suối vàng không quán xá
Đêm nay ghé nhà ai !?
                   NMT  cảm dịch

Phó Đức Chính: ( 1907 - 1930 )  người tỉnh Hưng Yên, con của cụ Duy Chân nhà Nho nổi tiếng làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang.
Sau khi tốt nghiệp trường Công Chính, PĐC được bổ nhiệm sang Lào làm việc.
Năm  1927 Ô. tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng ( VNQDĐ ) cùng với Ô. Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí khác
Cuối năm 1928, PĐC giữ chức Phó Chủ Tịch VNQDĐ.

GA 2018
Nguyễn Minh Thanh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn