BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77652)
(Xem: 63367)
(Xem: 40814)
(Xem: 32447)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Huyền thoại chiến sĩ Mũ Xanh

06 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 2247)
Huyền thoại chiến sĩ Mũ Xanh
54Vote
40Vote
30Vote
22Vote
10Vote
46
Tháng 3 năm 1971, LĐ 147/TQLC tham chiến trận Hạ Lào (Lam Sơn 719).



Trong cuộc hành quân lần này tôi không còn là một Âm Thoại Viên (ATV) nữa sau hơn 3 năm dài mang máy PRC25 cho các ĐB. Nhận chức vụ trưởng ban hiệu thính viên (HTV: tích tích tè tè lãnh lương) vậy là tôi đã thực sự giã từ chiếc máy nặng trĩu, cứng ngắc khó thương (khó thương nhưng không có thì không được) trên cái lưng còng. BCH/LĐ đổ quân xuống ngọn đồi Delta (còn có tên khác là đồi Yên Ngựa, hay đồi 550 vì hình dáng giống cái yên ngựa nằm trải dài từ hướng Nam đến hướng Bắc), bên kia ngọn núi cao ngất ngưởng xa xa là đường mòn HCM. Hướng Bắc ngọn đồi là BCH/LĐ đóng quân, hướng Nam là vị trí đóng quân của Pháo Binh và ĐĐVT.



Xin ghi thêm một chi tiết bên lề là nơi ĐĐVT đóng quân, sau khi nhảy khỏi trực thăng chân vừa đạp đất là chúng tôi phải lủi ngay dưới gốc những cây rừng cổ thụ 1 vòng tay ôm không hết để tránh pháo. Mãi khoảng 30 phút sau VC tạm ngưng -chỉ tạm ngưng thôi- tình hình xem ra yên ổn, chúng tôi di chuyển lên đỉnh đồi, thì gặp 1 căn lều khoảng 2m vuông vức chỉ có mái tranh đơn sơ, không vách che chung quanh, trong đó duy nhứt có một anh chàng người Thượng Lào bị thương cụt mất nguyên cả một bàn tay còn lại trơ trọi cái khủyu với máu khô đọng, vết thương bị sao để vậy không băng bó (năm 1971 chưa có cell phone nên không thể gọi 911!) Anh ta ngồi yên lặng không rên la hay có cử chỉ đau đớn, có thể vết thương đã cũ nhiều ngày rồi. Đứng nhìn người đàn ông Thượng Lào tuổi độ có lẽ xấp xỉ như tôi (21) rồi nhìn vết thương mà lòng xót thương cho thân phận 1 con người không may mắn. Tôi đến gần anh đưa tặng 2 bịch gạo sấy rồi tiếp tục di chuyển theo đoàn quân, và từ giây phút bước chân đi rồi tôi không biết sau nàyanh sống chết ra sao? (nhắc lại chi tiết này có lẽ anh Hùng Pháo Thủ thành Oregon còn nhớ rõ).

Quay trở lại địa thế của đồi 550, khoảng giữa ngọn đồi dùng làm bãi đáp trực thăng tiếp tế, tải thương nhưng thật ra nào có tiếp tế, tải thương gì hơn, chỉ được 2 lần rồi im lặng vô tuyến (vì cường độ pháo kích, phòng không dầy đặc như màng nhện, kể cả VC bắn 75 ly sơn pháo trực xạ trúng mục tiêu không trật một inch!). Chúng bắn tới tấp, bắn theo “quyết định” của chúng, thích thì bắn, không thích thì nghỉ giải lao, hay nói cách khác ngọn đồi 550 là địa điểm tập bắn của pháo binh VC!



Cứ thế ngày này sang ngày khác chúng tôi nằm bó gối trong những căn hầm tránh pháo, đúng là thân phận bị ‘đem con bỏ chợ”! Sang tuần thứ 3, sau nhiều lần VC vừa pháo kích vừa tấn công bằng bộ binh liên tục (ban ngày pháo kích, ban đêm tấn công) nhưng thảy đều bị những chàng Trâu Điên bảo vệ BCH/LĐ đẩy lui (tôi nhớ không lầm lúc đó phạm vi tuyến ĐĐ5/TĐ2 cuả TQ Tiền Giang chịu nặng nhất). Sáng sớm ngày 22/3/1971 VC bắt đầu tấn công có cả xe tăng T54 đi đầu, nhưng chúng cũng bị các anh Trâu Điên chận đứng, tuyến vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có vài thằng đặc công VC lọt vào sau tuyến của Trâu Điên và đang bị Trâu Điên truy lùng tiêu diệt. Lúc đó tôi từ hầm của ban Hiệu Thính Viên (HTV) chạy sang hầm TOC trình công điện khẩn vừa nhận được từ BTL/SĐ/HQ thì gặp ngay TQ Hà Nội (Đại Úy Hợp TĐP/TĐ2) đứng dựa lưng bên cửa hầm TOC. Ông la thật to "không có bắn, lính của tao còn ngoài tuyến!". Tôi nhìn theo hướng chỉ tay của ông thì trời ơi... tôi nhận ra ngay B1 Tân (trong ban HTV) của tôi đang khom lưng, tay cầm khẩu M16 chạy thẳng ra tuyến của Trâu Điên trong tư thế sẵn sàng bóp cò sung. Tôi vừa bàng hoàng, vùa sửng sốt: chuyện không thể tưởng tượng được, một anh lính truyền tin chuyên viên quay Đầu Bò (máy phát điện) nổi Điên chạy ra tuyến đầu để thành Trâu Điên. Tôi phản ứng không kịp đắn đo là vội chạy rượt theo B1 Tân ra tận tuyến nắm lưng hắn kéo chạy trở vô hầm HTV (kể từ khi đó cái tên Tân "mát" gắn liền với anh và mới đây ngày 11/9/2011, tôi nhận được tin là Tân “mát” đã qua đời cách nay 5 năm!) Tân "mát" ơi, tao sẽ giữ mãi những kỷ niệm êm đềm giữa mày và tao, với tấm chân tình anh em mà những năm, tháng, ngày rong ruổi hành quân khắp 4 vùng chiến thuật đã từng sống chết,vui buồn có nhau, bên nhau cả lúc hiểm nguy lẫn lúc an bình, khi gian khổ của đời lính chiến (ngoài cái tình huynh đệ chi binh đã có sẵn).

Khoảng 30 phút sau tôi lại mang 1 công điện khẩn khác vừa nhận được vào TOC trình lên ĐB Thăng Long và cũng là lúc cái nghiệp cũ (ATV) lại trở về gắn liền với cuộc đời làm lính của tôi (sau trận Hạ Lào tôi đi học khóa chuyên môn máy GRC106 do quân đội Hoa Kỳ huấn luyện ở Long Bình và sau khi mãn khóa ra hành quân tiếp tục, để rồi trở thành ATV cho Lạng Sơn, coi như cái nghề HTV bỏ quên luôn). Trong TOC lúc bấy giờ chật kín người, hệ thống truyền tin tiếng gọi phát ra từ 7 chiếc PRC25, tiếng trả lời vang dội như lễ hội chùa Hương. Tôi trình công điện cho ĐB Thăng Long xong vừa mới quay lưng đi thì một anh ATV (không nhớ tên) kéo tôi lại nhờ điều chỉnh hệ thống truyền tin bị trở ngại âm lượng. Đang điều chỉnh chiếc máy rè rè trở ngại chết tiệt thì ĐB Phúc Yên vỗ vai tôi "cho anh nói chuyện với Kình Ngư".



Thưa quý ĐB, NT, CH, đây là lần đầu tiên trong đời tôi có cái duyên mặt tận mặt với một cấp chỉ huy có rất nhiều huyền thoại này, không như những lần trước xa xa đứng nhìn (núp bóng từ bi). Nói thật, ông không đẹp trai như ĐB Thái Dương, không cao to như ĐB Cao Bằng. Thân hình ông vừa tầm với gương mặt không thể gọi là xấu trai, mà nói là đẹp trai thì không đúng sự thật (thôi, xấu đẹp tùy người đối diện...) Thế nhưng ông có một giọng nói trong, mạnh và rất rõ với giọng Bắc Kỳ. Đặc biệt hơn tất cả là tài điều binh thao lược xuất chúng, chỉ cần có mặt chứng kiến khi ông làm việc, không cần phải là quan (HSQ như tôi cũng có đủ kiến thức về bản đồ), theo dõi ngòi bút mỡ ông chấm, gạch, điều động khu trục đánh bom) mới thấy rõ cái tài của ông. Chắc hẳn quý vị đã từng đọc hay nghe kể lại câu chuyện ông điều khiển khu trục đánh bom với phi công Mỹ “I'm Crazy Buffalo Battalion Commander, please give me all you have at XXXX ….” Vâng, chính tôi và rất nhiều người trong TOC lúc đó chứng kiến sự kiện lịch sử: một TĐT/TĐ2 Trâu Điên tự nhiên trở thành một LĐT/LĐ điều động từ trái sang phải, từ nội bộ LĐ đến đơn vị bạn. Thật tuyệt vời, quá tuyệt vời hình ảnh người chỉ huy đôi mắt mệt mỏi sau hơn 2 tuần chiến trận với quân thù ngồi đó, ngồi hẳn trên mặt bàn (đóng bằng thùng gỗ đựng đạn pháo binh) đặt giàn máy PRC25, thao thao bất tuyệt, điện đàm với Hùm Xám xong, bỏ ống liên hợp xuống, bốc vội cái khác điều động Pháo Binh, rồi lại với BTL/SĐ/HQ v.v. cứ thế tiếp tục ông làm việc không ngưng nghỉ. Chắc chắn là tôi không thể nào quên được những hình ảnh mà tôi đã chứng kiến. Tôi đứng kế bên ông để trao vội ống liên hợp khi ông cần. Đêm đến, màn đen như mực bao trùm cảnh vật, tiếng súng, tiếng nổ long trời của đạn pháo kích 130 ly càng lúc càng dồn dập, ác liệt hơn, nhiều hơn ngày hôm qua, ngày hôm qua nhiều hơn ngày hôm trước.Có lẽ đạn pháo được Tàu Cộng, Nga Sô cho không nên tụi VC này bắn thả dàn không tiếc của! Nhưng Trâu Điên vẫn giữ vững tuyến, vẫn còn những anh hùng mặt đối mặt với quân thù. Lệnh cho "chó ăn chè" vào lúc 8 giờ tối hay sớm hơn tùy tình hình từ 2 công điện khẩn tôi nhận được lúc sáng sớm, nhưng vào khoảng 5 giờ chiều, tuyến phòng thủ báo cáo xe tăng, có quân VC tùng thiết đã đến gần. 100m rồi 70m, 50m... Phúc Yên quay sang bảo tôi "chú mang máy hệ thống thằng Sói Biển đi với ĐB Thăng Long và nhớ bám sát anh”. (Phần sau đó thì chắc chắn quý ĐB,NT,CH đều đã rõ về câu chuyện lui binh nên tôi không cần phải kể thêm )
Đại Bàng Phúc Yên ơi! Tất cả những hình ảnh, giọng nói, dáng dấp, và nhứt là tài điều binh, chỉ huy xuất thần của anh sẽ mãi mãi trong trí nhớ của tôi đến cuối cuộc đời. Xin nghiêm chào vĩnh biệt!
*
Tôi xin được kể tiếp một huyền thoại khác (dĩ nhiên cũng chính tôi có mặt là nhân chứng).

Đơn vị Truyền Tin của chúng tôi, từ Đại Đội - chuyển thành Tiểu Đoàn lớn dần theo bước chân của Sư Đoàn, được chỉ huy bởi những sĩ quan quá hiền từ mà chúng tôi thường gọi là “Phật sống”. Chưa bao giờ tôi nghe các ông dùng tiếng "Đức" dù là khi chúng tôi sai phạm bất cứ lỗi lầm gì đi chăng nữa. Tr/tá Hoàng Ngọc Bảo, Th/tá Nguyễn Như Chữ, Th/tá Trần Văn Đông là những vị thay phiên chỉ huy đơn vị theo thời gian và hoàn cảnh. Vì thế cho nên chúng tôi có được những tháng, năm làm việc rất thoải mái (dĩ nhiên là kỷ luật quân đội vẫn phải áp dụng). 1 toán HSQ chúng tôi là những người lính Truyền Tin chuyên nghiệp "âm thoại viên" khoảng 8 tên đảm nhận mang máy PRC25 cho các ĐB Lữ Đoàn Trưởng, Lữ Đoàn Phó (LĐP) dù nghề chuyên môn có qua thụ huấn ở trường Truyền Tin khác nhau. Chẳng hạn như tôi, có bằng cc1, cc2 hiệu thính viên, ừ thì “bằng cấp” có đầy đủ, đã tốn không biết bao nhiêu cơm, gạo để đào tạo nhưng rồi cũng bỏ quên một góc nào đó trong kho của đơn vị, để cõng chiếc máy PRC25 theo bước các ĐB. Phải nói đúng là cái nghiệp có lẽ Thượng Đế dành sẵn cho tôi, như cụ Nguyễn Du đã dạy “ Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa …”

Năm 1969 (không nhớ rõ ngày tháng), những thằng lính độc thân, ham vui, không thích sống trong 4 bức tường của trại Lê Thánh Tôn nên tranh nhau tình nguyện đi hành quân, tôi và Tr/Sĩ Nguyển Xuân Hương tình nguyện mang máy PRC.5 đi theo ĐB Sài Gòn trong cuộc hành quân U Minh Thượng, thay vì phải ở Hậu Cứ làm HSQ trực Đại Đội (cái nghề tôi không ưa, nhưng không dám nói ghét), tuổi trẻ năng động, thích tung hoành đó đây, cho thỏa chí tang bồng (xin lỗi, hơi cải lương một tí). Có thể nói chắc chắn là lần chọn lựa này không giống như những lần trước vì tôi đã học được nhiều cho bản thân từ đạo đức, tánh nết hành xử, và quan trọng nhứt là bài học “can trường, bình tĩnh” trong mọi tình huống xảy ra chung quanh mình. Thưa, đó là những bài học làm vốn cho tôi trưởng thành theo tháng năm dài làm lính. Đến bây giờ lúc mái tóc đen đã điểm chiều cọng tóc trắng (coi như mình đã già!), xin cám ơn ĐB Sài Gòn, ông không trực tiếp chỉ dạy nhưng ông đã dạy dỗ chúng tôi bằng tư cách, cử chỉ, hành động, và nhứt là sự bình tỉnh khi đối diện với hiểm nguy. Đặc biệt hơn hết là cung cách của ông đối xử với chúng tôi, những người lính dưới quyền của ông, không bằng lon lá, địa vị mà bằng cái tình giữa người với người.

Tháng 11/1969, Lữ Đoàn B/TQLC, phối hợp với Lực Lượng Đặc Nhiệm (LLĐN) 211/HQVN, cộng 1 Pháo Đội 105/TQLC mở cuộc hành quân vào U Minh Thượng. BCH/LĐB đặt tại ngã ba Kinh Rạch, nằm dọc theo bờ sông U Minh Thượng, con sông không to lắm, khoảng 30m chiều ngang, thượng nguồn dẫn đến Rạch Giá, hạ nguồn ra tận mũi Cà Mau, đêm 5/11/1969 BCH/LĐ B vừa bị TĐ Tây Đô VC tấn công rồi sau đó chúng còn gởi thông điệp nói là tối 6/11 sẽ tao ngộ chiến.



Sáng sớm ngày 6/11/1969 tại xã Đông Hưng, ngã ba Kinh Rạch, ĐB Sài Gòn triệu tập cuộc họp với các ĐB Thái Dương (Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng, TĐT/TĐ 6), ĐB Kình Ngư (Thiếu Tá Võ Kỉnh, TĐT/TĐ 4) cùng BTM/LĐ để soạn thảo kế hoạch chào đón TĐ Tây Đô VC. 2 đơn vị Kình Ngư và Thần Ưng báo cáo là đã sẵn sàng, và “rất hiếu khách”.

Căn lều BCH/LĐ một đầu hướng ra bờ sông cách chừng 15m, còn đầu căn lều kia hướng ra tuyến cánh B của TĐ 6 (đơn vị bảo vệ BCH/LĐ) khoảng cách chừng 50m. Mặt trời lặn dần về hướng Tây, cơn gió mát thổi nhẹ giữa cánh đồng hoang, lác đác vài cây dừa gãy gọn ngay giữa thân còn đứng trơ trọi (vì đêm qua bị đại liên 50ly từ những chiếc tàu Hải Quân vùng 4 sông ngòi bắn đứt đoạn). Sau bữa cơm chiều tôi đang ngồi dựa lưng vào gốc cây dừa cận bên lều BCH/LĐ để phòng hờ khi ĐB Sài Gòn cần đến tôi và cũng để tận hưởng cơn gió mát sau một ngày nắng nóng oi bức của vùng nước mặn U Minh, thì anh Tất (Tr/S 1Tất, cận vệ của Sài Gòn) mang 1 chiếc ghế xếp bằng sắt ra đặt kế bên tôi và thì thầm vào tai tôi là “Sài Gòn sẽ ngồi đây đêm nay chờ khách quý!”. Tôi tự hỏi không biết mình có nghe lầm hay không? Từ đây, nơi cái ghế anh Tất vừa đặt xong nhìn ra tuyến đầu của đơn vị TĐ 6 chỉ chừng có 50m mà thôi!. Thế này là thế nào? Vì rồi, tôi cùng anh Tất cũng phải ngồi kế bên Đại Bàng... Ái cha! Tôi thầm hy vọng là chỉ một khoảng thời gian ngắn thôi chứ không phải suốt đêm.



Khoảng 1 giờ sáng quả lựu đạn chiếu sáng của mấy anh TĐ6 gài bung kíp, tiếng nổ vang lên và ánh sáng chiếu đủ để thấy đặc công VC bắt đầu tấn công toán tiền đồn. Tiếng súng AK, M16 bắt đầu tranh nhau nổ rộ cả một góc trời, tôi và Hương ngồi bên trái Sài Gòn, anh Tất bên phải. Trao ống liên hợp cho Sài Gòn lien lạc với TQ Chương Thiện (Đại Úy Nguyển Văn Cảnh TĐP/TĐ6) tôi vòng qua anh Tất đề nghị anh nói với Sài Gòn là nên di chuyển vào TOC an toàn hơn (an toàn cho ông và cho cả chúng tôi!) nhưng anh Tất đáp “Mày ngon thì nói đi...” rồi nheo mắt cười… tình! Tôi đành quay trở về chỗ cũ ngồi nhìn Sài Gòn vẫn ngồi yên trên chiếc ghế. Cử chỉ ông vẫn khoan thai, từ tốn, không hề có một chút gì hấp tấp, giọng nói ông vẫn nhẹ nhàng đàm thoại trên hệ thống truyền tin, trong lúc tiếng súng tấn công, tiếng súng chống trả thi nhau nổ vang … Tôi có cảm giác bồn chồn lo sợ, nói cho thật đúng là tôi “lạnh cẳng…” vì là một thằng lính Truyền Tin chưa một lần trực diện đối mặt với với quân thù, dù rằng cũng có thời gian hơn 3 tháng biệt phái vác máy theo ĐB Sông Hương TĐT/TĐ3 nhưng tham gia chiến trận trong khoảng thời gian đó thì không có, chỉ đôi ba cuộc chạm súng lẻ tẻ cấp Trung Đội mà thôi. Còn lần này thì vừa bị tấn công suốt đêm qua, đêm nay lại ngồi chờ "khách" VC đến, rồi chúng đến thật như lời hẹn! Đạn tránh người chứ làm sao người tránh đạn được... tự trấn an như thế để rồi tôi có một suy nghĩ hiện lên ngay trong đầu: “LĐT như Sài Gòn không nao núng, không lo sợ, ông vẫn bình tĩnh xem như không có chuyện gì xảy ra thì một thằng ATV như tôi lại run sợ như vậy thì còn mặt mũi nào nhìn đồng đội … Thụy ơi, bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó, ông Thầy còn ngồi đây thì tôi phải làm giống như ông Thầy, chết sống đều có số mạng cả!”.

Đó là bài học tôi tiếp nhận từ cung cách của ĐB Sài Gòn (cấp chỉ huy tài giỏi thì không có thuộc cấp tệ!). Trận tao ngộ chiến kéo dài đến sáng, LLĐN 211/HQVN, Pháo Đội 105/TQLC, TĐ4/TQLC, TĐ6/TQLC, và Không Quân vùng 4 phối hợp chặt chẽ đã đập tan ý đồ VC muốn ‘làm gỏi” trọn BCH/LĐ. Đó cũng là bài học để đời cho Tiểu Đoàn Tây Đô VC, chúng dứt khoát không còn dám hăm he hay cả gan làm phiền LĐB/TQLC cho đến ngày cuối cùng của cuộc hành quân vùng U Minh Thượng.

Ghi lại tại Indianapolis
16 tháng 9 năm 2011
Tiểu Cần Nguyển Thế Thụy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn