BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77651)
(Xem: 63367)
(Xem: 40814)
(Xem: 32447)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tuyến phòng thủ phía Bắc

25 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 2703)
Tuyến phòng thủ phía Bắc
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52
Lời nói đầu: Trong mùa hè năm 1972, Cộng quân đã mở ra 3 cuộc chiến trên toàn miền Nam tại 3 chiến trường : An lộc, Kontum và Quảng trị. Cựu Trung tướng Trưởng đã có một loạt bài viết cho Ban Quân sử thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ vào năm 1985 về 3 mặt trận này. Tài liệu này có nhan đề: The Easter Offensive of 1972, đã được bạch hóa, nhưng cuộc chiến VN vẫn còn đó... . Chúng tôi xin dịch lại một phần, để chúng ta có cái nhìn rõ ràng, chuẩn xác hơn về cuộc chiến, về những người lãnh đạo, những điều kiện khách quan và chủ quan,v...v..

Sau 4 ngày đầu chiến đấu đầy khó khăn và những đợt rút lui quá nhiều bi thảm do những đợt pháo kích dữ dội của địch, những vị trí của ta ở tuyến đầu Quảng trị vẫn còn nhiều nguy khốn. Tuy nhiên, người ta có quyền hy vọng ở tuyến phòng thủ mới sẽ được bảo vệ một cách vững chắc. Mặc dầu áp lực của đối phương hết sức nặng nề, những lực lượng chính qui và thành phần diện địa đã ổn định được đội ngũ và bảo vệ được kháng tuyến chính một cách mạnh mẽ.

Đến giờ phút này, tất cả đều tin rằng sẽ chận đứng được sự xâm lăng của Bắc quân. Họ thực hiện tốt những trách vụ của mình bằng tất cả phương tiện của chính mình, mà không hoàn toàn trông đợi ở sự không yểm của Hoa kỳ. Trong những ngày này, thời tiết quá xấu kéo dài, làm cho những phi vụ không yểm không thể thực hiện được, ngay cả những tác xạ bằng trực thăng võ trang cũng bị giảm thiểu. Tuy nhiên Hải pháo của Mỹ ở ngoài khơi phía đông vẫn còn giúp đỡ được và những phi vụ trải thảm B52 vẫn trút xuống những vùng tập trung và những đường tiến sát của địch từ 5 đến 6 lần mỗi ngày.

Sự thất thủ của căn cứ Tân Lâm và Mai Lộc cùng với sự thiệt hại nặng nề về người, những quân trang, quân dụng và nhất là hậu quả tâm lý bất lợi cho miền Nam VN, nhưng nó cũng chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến tinh thần và sự tự tin trong chiến đấu của những lực lượng phòng thủ. Trong tuần lễ sau đó niềm tự tin này đã được thể hiện một cách mạnh mẽ trên những kháng tuyến chính của Quân lực VNCH. Những cuộc tấn công liên tục của Cộng quân đều bị bẻ gãy hay đánh bại. Theo báo cáo của những đơn vị tham chiến cho biết, nhiều đội hình của CSBV (Cộng sản Bắc Việt) đều bị đẩy lùi, chia cắt hay phải hoảng loạn tháo chạy trước hỏa lực của bộ binh, thiết giáp hay pháo binh của ta, khiến chúng phải rút về sau để tái tổ chức và bổ sung, và chỉ mở ra những cuộc chạm súng hay tấn công bằng những cuộc pháo kích vào vùng trách nhiệm của SĐ3/BB. Mặc dầu thời tiết tiếp tục gây trở ngại cho những cuộc không yểm của Hoa kỳ, tuyến phòng phủ phía Bắc vẫn được bảo vệ một cách chặt chẽ.

Đến lúc này thì 3 Liên đoàn BĐQ (1,4,5) được điều động tăng cường cho Mặt trận Quảng Trị. Khi thời tiết có dấu hiệu sáng sủa hơn thì vị Tư lịnh QĐI đã cho nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh kế hoạch phản công phải được phát động càng sớm càng tốt, để xử dụng không yểm chiến thuật ở mức tối đa của nó. Mối bận tâm của ông là khi kế hoạch sắp được Ban Tham Mưu Quân đoàn soạn thảo thì tướng Giai, Tư lịnh SĐ3/BB (Đơn vị tham chiến và hướng tấn công của CSBV trong giai đoạn mở đầu ), kiêm Tư lịnh mặt trận phía Bắc, đề nghị một cuộc tái tổ chức phòng thủ chiều sâu, một cố gắng phải làm ưu tiên trong bất cứ tình huống nào. Sự khác biệt căn bản về quan điểm chiến thuật này là một sai lầm nghiêm trọng dẫn đến sự thất thủ của thành phố Quảng trị sau này.

Rõ ràng tướng Lãm đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự hiện diện của những lực lượng tăng cường do Bộ TTM điều động. Đầu tiên là cuộc không vận của BTL/SĐ/TQLC cùng Lữ đoàn 369/TQLC, kế đến là BCH/BĐQ cùng với 3 Liên đoàn 1,4,5/BĐQ , không kể BCH/Thiết Giáp cùng với Thiết đoàn 18 Kỵ binh được từ Sài gòn đưa ra sau đó. Tướng Lãm tin tưởng rằng với những lực lượng tăng cường đó ông không những giữ được hai tỉnh phía Bắc mà còn có thể chiếm được những lãnh thổ đã mất trong một thời gian ngắn.

Với sự tin chắc đó, tướng Lãm đã nhiều lần bác bỏ lời yêu cầu của tư lịnh SĐ3 là xử dụng những lực lượng tăng viện đó để củng cố sự phòng ngự của Quảng Trị. Nhưng tướng Giai cứ nhất mực đòi cho được và cuối cùng thì Tư lịnh /QĐI phải miễn cưỡng gửi cho ông ta một LĐ/BĐQ đầu tiên, rồi đến các LĐ/BĐQ khác. Cuối cùng 3 LĐ/BĐQ đều có mặt tại vùng I Chiến thuật, được khai triển ở Quảng Trị và đặt dưới quyền điều động của SĐ3/BB.

Sự có mặt đông đảo của các đơn vị này đòi hỏi tướng Giai và Ban tham mưu của ông phải có một sự kiểm soát về mặt hành quân và nhất là một sự thống nhất về chỉ huy.

Tuy nhiên, mặc dầu được tăng cường một quyền hạn rộng rãi, SĐ3 chưa bao giờ nhận được một sự yểm trợ dồi dào về Hậu cần và những thông tin đáng kể về mặt xử dụng những quyền hạn và chỉ huy trên thực tế. Điều rắc rối này đã được ghi nhận khi BTL/QĐ thông báo cho tướng Giai rằng, những trách nhiệm đè nặng trên vai ông sẽ được chia phần gánh vác khi QĐI quyết định đặt BTL/SĐ/TQLC và BCH/BĐQ dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân đoàn, bằng cách giao phó cho 2 lực lượng này những vùng trách nhiệm riêng biệt. Nhưng những thông báo này đã bị dẹp qua một bên. Lý do thì chỉ có tướng Lãm biết mà thôi. Dĩ nhiên tướng Lãm phải nhớ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 ( năm 1971 tại Hạ lào), vị Tư lịnh SĐ/TQLC đã không thi hành lịnh của ông mà cho đến bây giờ chẳng bị chế tài bởi một hình thức quân kỷ nào hết. Và cũng để chứng tỏ quyền hạn của BTL/QĐI, Đ/tá Trần công Liểu CHT/BĐQ đã tự ý rời Đà Nẵng mà chẳng có một lịnh lạc hay một thông báo nào hết. Còn BTL/SĐ/TQLC thì không nhận một sự chỉ huy nào của QĐI. Tình trạng càng rắc rối hơn khi vị Tư lịnh SĐ3 nhận thấy những lịnh của ông ban ra cho những đơn vị liên hệ, sẽ không được thi hành tức khắc, mà phải đợi hỏi lại đơn vị gốc để đưọc kiểm tra và hướng dẫn. Nhất là trong những cuộc hành quân có phần khó khăn.

Nhưng tướng Lãm đã không quan tâm đến những khó khăn mà tướng Giai gặp phải. Thái độ của ông luôn luôn lạc quan. Ông vẫn tin tưởng QĐI có đủ lực lượng để chận đứng những đơn vị VC tại tuyến phòng thủ hiện nay, cho nên ông ra lịnh cho bộ Tham mưu chuẩn bị một kế hoạch phản công.

Thái độ lạc quan của tướng Lãm lại được thể hiện rõ nét qua biến cố ngày 9/4. Cái ngày mà địch quân phát động một cuộc tấn công thứ nhì từ hướng Bắc và hướng Tây. Nhưng lại một lần nữa, lực lượng phòng thủ đã đẩy lui mọi cuộc tấn công. LĐ1 Kỵ binh, LĐ258/TQLC và LĐ5/BĐQ đều báo cáo những thành quả tốt đẹp. Nhiều chiến xa địch bị bắn hạ do những quả M72 từ những người lính TQLC, BĐQ và những khẩu đại bác gắn trên Chiến xa M48 của LĐ1 Kỵ binh. Căn cứ Phượng Hoàng (Pedro), trước đây do SĐ3 trấn giữ đã bị tràn ngập, đến đầu năm 1972, được giao lại cho TQLC và đơn vị này đã bẽ gảy 3 cuộc tấn công dữ dội của địch. Gần đây nhất, nội trong ngày 9/4, TĐ6/TQLC bảo vệ căn cứ đã được tăng cường 2 Đại đội của TĐ1/TQLC và một Chi đội M48, đã tiêu diệt 30 tăng T54 của Trung đoàn 203 và khoảng 700 tên địch thuộc Trung đoàn 66, thuộc SĐ 304. Cho đến buổi chiều cùng ngày, chu vi phòng thủ của SĐ3 và các lực lượng tăng phái, từ bờ biển phía Đông, chạy dọc theo bờ Nam của sông Đông Hà, đến tận hướng Tây và Tây Nam tới căn cứ Phượng Hoàng và sông Thạch Hãn vẫn còn nguyên vẹn.

Ở thời điểm này, trách nhiệm và quyền hạn của tướng Giai đã vượt xa hơn vị trí của một vị tư lịnh. Ông đã chỉ huy 2 Trung đoàn Bộ binh cơ hữu (Tr/đoàn 2 và 57), điều động hành quân 2 LĐ/TQLC, 3 LĐ/BĐQ, 1 LĐ/Kỵ binh và những lực lượng diện địa của tỉnh Quảng Trị. Như vậy ông ta có đủ quyền hạn trên 9 LĐ bao gồm khoảng 23 TĐ và những lực lượng diện địa. Trách nhiệm của ông còn giám sát và bảo vệ những đơn vị Pháo binh và Tiếp vận đang hành quân tại Đông Hà, cũng như phải theo dõi những hoạt động của Chính quyền cấp Tỉnh và quận hạt. Ông ta rất bằng lòng và rất được khích lệ khi Tư lịnh QĐI đã hoàn toàn tin cậy và giao trọn quyền hạn cho ông ta.

Nhưng có một điều cần lưu ý ở đây là tướng Lãm không tự cảm thấy phải vội vàng đến thăm viếng những vị chỉ huy dưới quyền của ông ở tại mặt trận, hay những đơn vị ở tại tuyến đầu của QĐI. Ông chỉ nghe thuyết trình về những diễn biến của trận đánh qua các bản báo cáo và ban hành những chỉ thị, những huấn lịnh cho ban Tham mưu của ông. Tự bản thân ông không bao giờ đi thị sát tuyến phòng thủ của SĐ3, để hiểu rõ những trở ngại mà các đơn vị trưởng phải đối mặt. Rõ ràng trong suy nghĩ của ông thì tình trạng hiện nay không đủ để cần có sự hiện diện của ông. Quân đội miền Nam đã chiến thắng trong những ngày 9 và 10/4 càng làm tăng thêm sự lạc quan của ông và dẫn đến một quyết định là chính thời điểm này, phải mở ra một cuộc phản công. Những người trong ban Tham mưu của ông nhận được lịnh thảo ra một kế hoạch băng qua sông Đông hà để chiếm lại quận Gio linh và toàn bộ lãnh thổ phía Bắc đến tận vùng phi quân sự. Ông ta nhận định rằng một cuộc hành quân như thế nằm trong khuôn khổ của QĐI và sẽ chận đứng mọi cuộc xâm lăng của quân CSBV. Nếu cuộc phản kích thành công thì toàn bộ lực lượng địch sẽ bị đẩy về phía bắc vùng phi quân sự.

Mặc dầu kế hoạch phản công được tranh luận rộng rãi và cân nhắc cẩn thận, nhưng cuối cùng đã bị loại bỏ. Chỉ vì một điều, nếu tập trung mọi lực lượng tấn kích về phía bắc thì sườn phòng thủ về phía tây trở nên yếu ớt và lỏng lẻo, trong khi trên thực tế thì địch ở đây mạnh hơn nhiều. Nếu sườn phía tây bị chọc thủng ở nhiều đoạn, thì thành phố Quảng trị trở nên nguy khốn. Cho nên tướng Lãm sau đó quyết định hướng cuộc phản công về phía tây thay vì phía bắc. Ông dự trù tái lập tuyến phòng thủ cũ ở phía tây bằng cách tung toàn bộ lực lượng tái chiếm theo từng giai đoạn, nhắm vào các căn cứ cũ Mai Lộc, Tân Lâm. Cùng thời gian đó, ông ra lịnh cho các đơn vị tham chiến phải làm sạch các đơn vị địch trong vùng trách nhiệm của họ trước rồi tiến sang giai đoạn kế tiếp. Cuộc phản công này mang tên là Hành quân Quang Trung 729, lấy một biểu tượng cùng một nhân vật lịch sử mà VC đã lợi dụng để đặt tên cho cuộc xâm lăng của bọn chúng. Cuộc hành quân dự trù khởi diễn vào ngày 14/4/1972.

Tướng Giai đã ban lịnh cho SĐ3 và những đơn vị tăng phái. Cuộc Hành quân Quang Trung 729 bắt đầu. Tuy nhiên chẳng có cuộc tiến quân nào băng qua Tuyến xuất phát. Trái lại những cánh quân mệt mõi ở sườn phía tây không sẳn sàng tiếp cận với địch. Và như thế hai tuần lễ trôi qua, những người lính đã không sẳn sàng và không thể tiến lên phía trước. Trong khi đó Cộng quân đã mở nhiều đợt pháo kích cả ngày lẫn đêm vào tuyến đóng quân của quân đội miền Nam, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về thương vong. Đến ngày cuối cùng của cuộc hành quân đầu tiên, không đơn vị nào tiến xa hơn 500m từ Tuyến xuất phát. Bị giới hạn trong chỉ huy và những phương tiện giám sát, tướng Giai cảm thấy không thể phối hợp được một cuộc hành quân đủ mạnh, trong bất cứ một vùng hoạt động nào. Hơn thế nữa trong giai đoạn này, ông ta cũng không nhận ra, tinh thần chiến đấu đã giảm sút giữa các cấp chỉ huy tăng phái và các đơn vị của họ. Các cấp chỉ huy này không mấy tin vào một cuộc phản công vào kẻ địch, bởi vì tướng Giai cũng không đủ khả năng chỉ huy các đơn vị phân tán này, và những thuộc cấp của ông thường trì hoãn sửa soạn những cuộc tấn công viện lý do trở ngại về Tiếp vận, quân số bổ sung chưa kịp, đơn vị mệt mỏi và nhiều lý do khác nữa. Mặc dầu họ có gửi cho tướng Giai những báo cáo hằng ngày về mức độ tiến quân, nhưng chạm tuyến vẫn không có gì thay đổi. Những lịnh bắt buộc họ phải quét sạch địch trong vùng trách nhiệm trước khi đến giai đoạn kế tiếp, đòi hỏi một cuộc chuyển quân cẩn thận trong bất cứ trường hợp nào và cung cấp cho họ những sự biện hộ rộng rãi cho việc đơn vị của họ không thể tiến nhanh được.

Theo bản báo cáo mà tướng Giai nhận được từ những đơn vị trưởng của mình, họ đều báo cáo là sẽ cố gắng dọn sạch địch trong khu vực trách nhiệm, cần rất nhiều không tập vào những khu vực tập trung của địch, cần rất nhiều không tập để làm tiêu hao lực lượng địch, trước khi những Tiểu đoàn tác chiến của ta tiến về phía Tây. Trong những ngày tiếp theo sau đó, tại BTL/SĐ3 tràn ngập những báo cáo chạm địch với nhiều thương vong. Cuộc Hành quân Quang Trung 729 không còn được xem là một cuộc phản công, mà tệ hại hơn nữa là một cuộc chiến tiêu hao, trong đó các đơn vị của ta bị những đợt pháo kích khủng khiếp của địch làm mất dần đi sức mạnh và tính hiệu năng. Tinh thần chiến đấu của binh sỉ tiếp tục xuống thấp mà tướng Giai không thể nào khôi phục lại được. Bây giờ thì ông không thể thúc đẩy những Tiểu đoàn của ông rời khỏi hầm hố và giao thông hào để tiến vào một cuộc tấn công phía trước được nữa. Những cấp chỉ huy dưới quyền của ông cũng đều biết rằng những đơn vị của họ đã mất hết sức mạnh để bẻ gẫy đội hình của địch đang đối diện, họ cũng biết rằng pháo binh địch có thể mở ra bất cứ lúc nào để tàn sát họ, họ cũng biết rằng những đạn dược và tiếp liệu cần thiết để bảo đảm cho cuộc tấn công này đã đi quá khả năng cung cấp của SĐ3 và QĐI.

Trong những ngày này, những cố gắng của tướng Lãm để tái lập lại hệ thống kiểm soát và chỉ huy có hiệu quả đã thất bại lại còn gây ra nhiều vấn đề khá trầm trọng. BTL/SĐ/TQLC và BCH/BĐQ, mà những đơn vị cơ hữu của họ được đặt dưới quyền điều động của QĐI, lại đứng ngoài những hoạt động chiến đấu và từ chối không nhận bất cứ một sự chỉ định hay vùng trách nhiệm nào. Là những vị chỉ huy cao nhất của TQLC và BĐQ, nhưng họ càng làm cho sự chỉ huy thêm rắc rối và sự kiểm soát càng phức tạp hơn, như về những lịnh lạc của tướng Giai, bằng cách đặt ra những câu hỏi và phê bình về những vấn đề có liên quan đến đơn vị của họ. Tuy nhiên, không những chỉ có những vị này, mà cả tướng Lãm nhiều khi ban hành những lịnh lạc trên những hệ thống truyền tin và trên điện thoại đến từng cá nhân Lữ đoàn trưởng, nhất là vị Lữ đoàn trưởng LĐ1 Kỵ binh (là người cùng trong binh chủng Thiết giáp với tướng Lãm).

Tướng Giai thường chỉ biết những lịnh này sau khi các đơn vị trưởng đã thi hành. Những sự kiện này thường làm suy giảm nghiêm trọng đến quyền hạn của ông ta. Không tin cậy và không phục tùng dần dần trở nên gay gắt, cuối cùng đưa đến sự đổ vỡ hoàn toàn không thể tránh được về mặt chỉ huy và kiểm soát tại tuyến đầu của Vùng I Chiến thuật.

Sau 2 tuần lễ mưa gió liên tục và tầng mây nặng trĩu làm trở ngại rất nhiều việc xử dụng không yểm chiến thuật, thời tiết bắt đầu quang đãng, những phi vụ không trợ của Không quân Mỹ đã gia tốc nhịp độ, như để bù đắp lại thời gian đã bị mất mát. Hằng ngày đủ loại phi vụ xuất hiện từng đàn trên bầu trời Quảng trị. Những đợt trải thảm của B52, những phi vụ chiến thuật, những yểm trợ cận phòng của trực thăng võ trang gia tăng hằng ngày để đổ lửa đạn xuống những mục tiêu nghi ngờ. Sự gia tăng không yểm này làm lên tinh thần binh sỉ và niềm tự tin của những người lính bộ chiến. Ngày 18/4 những hoạt động của địch gia tăng một cách đáng kể bằng những cuộc "tiền pháo hậu xung", bộ binh và chiến xa địch cùng xuất hiện. Đây là lần thứ ba địch mở cuộc tấn công lớn nhằm đánh chiếm thành phố Quảng trị. Những đơn vị Bộ binh và TQLC đều báo cáo chạm địch và bị pháo kích. Lúc 1830 G một đơn vị địch có phối hợp bộ binh và thiết giáp đã mở ra một cuộc tấn công vào phía tây của SĐ3/BB. Tại mọi vị trí các đơn vị đều báo cáo có sự xuất hiện của tăng địch. Trong vòng 3 giờ đồng hồ, không lực Mỹ đã đáp ứng một cách tích cực với những phi vụ chiến thuật và những đợt B52 trãi thãm nhiều nơi, khiến cuộc tấn công của địch bị bẻ gẫy hoàn toàn. Sự không yểm này tạo cơ hội cho những đơn vị VNCH vùng lên phản công, ít nhất cũng vượt qua bước tiên khởi của cuộc Hành quân Quang Trung 729.

Nhưng chẳng có điều gì xảy ra. Các cánh quân vẫn còn dính chặt dưới giao thông hào và chẳng có dấu hiệu nào tiến lên phía trước. Trước những nỗ lực tấn công của địch quân không thành công và trước những cơ hội vùng lên chiếm lại những phần đất đã mất, nhưng quân ta lại bỏ lỡ, đã không làm cho vị tư lịnh QĐI phải suy nghĩ. Và tình trạng ù lì đang trải ra trên khắp các đơn vị, đã phải báo động cho ông ta phải tìm hiểu lý do tại sao và nguyên nhân sự kiện nào, để rồi tái tổ chức những đơn vị và hoán chuyển những vị trí yếu kém. Nhưng những điều cần thiết này đã vượt ra ngoài suy nghĩ của ông ta. Trước những áp lực đè nặng của đối phương, những đơn vị VNCH phải tự động chống đỡ và phải phối hợp phòng thủ để bảo vệ thành phố Quảng trị. Nhưng những nổ lực này cũng chẳng được bao lâu.

Tuần lễ sau đó, tuyến phòng thủ Đông Hà và dọc theo sông Cửa Việt bị tan vỡ do một sai lầm về chiến thuật hết sức ngớ ngẩn. Điều này dẫn đến những bản báo cáo mà BTL/QĐI nhận được cho biết Cộng quân đã xâm nhập từ phía tây và đe dọa sẽ cắt đứt con đường tiếp tế từ Đông Hà đến căn cứ Ái Tử trên QLI. Trong ý nghĩ đầu tiên vị LĐT/LĐ1 Kỵ binh đã ra lịnh cho Thiết đoàn 20 Chiến xa đang bố trí trên tuyến Cửa Việt , lui về phía nam, dọc theo QLI để chận đứng những đơn vị địch sẽ xuất hiện tại đây. Khi thấy các Chiến xa di chuyển về phía nam, những đơn vị đang phòng thủ đâm ra hoảng loạn, bỏ hàng ngũ và tiến từng đàn theo sau mà không có gì ngăn cản nỗi. Trước khi vị Tư lịnh SĐ3 biết được những gì đang xảy ra, trong khi ông đang điều động những đơn vị sẳn sàng đến căn cứ Ái Tử và tuyến phòng thủ Cửa Việt, một trong những tuyến phòng thủ mạnh nhất đã nhiều lần bị VC tấn công gần một tháng qua vẫn giữ vững, bởi những người lính can đảm, kiên trì nhất, bây giờ đã bị bỏ đi. Ta đã trao cho địch một phần đất quan trọng chỉ vì vị chỉ huy chiến thuật này đã không tính hết được cái ý nghĩ tiên khởi đó, về một cuộc chuyển quân mà không báo cáo lên cấp trên của ông ta và cũng không tiên liệu hết hậu quả hành động của mình.

Lại một lần nữa bằng sự can thiệp hết sức tự nhiên, vị Tư lịnh SĐ3 đã cố gắng đưa ra những đặc lịnh tái thiết lập, mặc dầu cũng chẳng được bao lâu. Nhưng thời gian quí báu đó đã đi qua mất rồi. Cuối cùng trong lúc này ông ta cố gắng duy trì sự kiểm soát tình thế, nhưng không có cách nào để đẩy các đơn vị của mình trở lại bờ sông Cửa Việt, để tái lập những vị trí đã mất. Ông ta bắt buộc phải tập họp họ lại ở phía tây của thành phố Quảng trị và khai triển một tuyến phòng thủ mới về phía bắc của sông Thạch Hãn. T uyến mới này bao quanh và bảo vệ căn cứ Ái Tử rất quan trọng vì được coi như một trung tâm yểm trợ tiếp vận thu nhỏ lại tại đây.

Ngày 22/4/1972 LĐ147/TQLC đã trở lại căn cứ Ái Tử sau một thời gian dưỡng quân và bổ sung quân số, để thay thế cho LĐ258/TQLC được luân chuyển ra Huế. Tuy nhiên TĐ1/TQLC vẫn còn ở lại để trấn giữ căn cứ Phượng Hoàng và đặt dưới sự điều động của LĐ147. (Những vị trí phòng thủ của QL/VNCH trong cuộc vây hãm thành phố Quảng trị )

Trong những ngày sau đó, tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống thấp một cách nhanh chóng. Họ luôn luôn bị đe dọa bởi những đợt pháo kích và những cuộc tấn công có tăng yểm trợ. Cộng quân đã chuyển qua những cuộc chiến tranh qui ước. Binh sĩ đã qua nhiều đêm không ngủ, căng thẳng và lo lắng cái viễn ảnh bộ binh địch sẽ mở ra các cuộc đột kích bất cứ lúc nào mà họ chọn. Cho nên trong thời gian ngưng đọng giữa các cuộc tấn công, thì đó là lúc địch quân có thể nghĩ ngơi , còn hầu hết binh sĩ ta bị pháo kích cầm canh, nên luôn luôn ở trong tình trạng báo động, căng thẳng ngày và đêm, sức khỏe của họ bị đào mòn vì lo sợ và bất định, trong thời gian phòng thủ tại một căn cứ chiến đấu mà giá trị chiến thuật trở nên mờ nhạt.

Căn cứ Ái Tử, phía bắc sông Thạch Hãn, là một chọn lựa không thích hợp về mặt chiến thuật. Trong suốt tháng tư, đây là điểm được chọn là điểm tiếp vận và đây cũng là điểm mà pháo địch gửi đến hằng ngày, đêm với một mức độ dữ dội. Cho nên Tư lịnh SĐ3 đã quyết định dời Bộ tham mưu về phía nam của con sông Thạch Hãn, trong cổ thành Quảng Trị. Ông ta chỉ hỏi ý kiến của vị Cố vấn SĐ. Tướng Giai sợ rằng những cấp chỉ huy dưới quyền của ông biết được kế hoạch này, họ sẽ tìm cách phá hỏng bằng những hành động vội vàng nào đó. Ông ta cũng không thông báo kế hoạch này cho vị Tư lịnh QĐI. Đơn giản là ông ta muốn cẩn thận, muốn đặt mọi việc trước một sự đã rồi. Nhưng đó là một hành động gây tức giận cho tướng Lãm và sự bất tin cậy bắt đầu lớn dần giữa họ, khoảng cách càng lúc càng lớn cho đến những biến cố dồn dập xảy ra dẫn đến sự thất thủ của thành phố Quảng Trị.

SỰ THẤT THỦ CỦA THÀNH PHỐ QUẢNG TRỊ.

Những cuộc tấn công trong những ngày cuối tháng tư của Cộng quân gây ra sự thất thủ của thành phố Quảng trị. Ở thời điểm này, hậu quả của những sự căng thẳng và sự khích động trong bốn tuần qua trong cuộc chiến tranh qui ước đã làm tinh thần kỷ luật và chiến đấu của những người lính miền Nam đã đến hồi báo động và nguy hiểm. Sự liên kết và niềm tự tin trong chiến đấu chỉ còn là những mảnh vụn, cũng sẽ sẳn sàng ra đi. Những đơn vị của SĐ3 chiến đấu mà không nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng và hầu như họ chỉ biết chống đỡ. Những vị trí cuối cùng ngày càng co cụm lại.

Trong lúc này Cộng quân mở ra nhiều đợt tấn công từ hướng tây, gần ranh giới của tỉnh Thừa Thiên, cắt đứt QLI ở phía nam và ngăn chận tất cả những đoàn xe tiếp tế của đơn vị bạn trên một đoạn đường dài hơn 7 Km. Ý định của chúng là cô lập những lực lượng của QĐI ở Quảng Trị và cắt đứt hoàn toàn con đường giao thông huyết mạch mà ta phải giữ bằng bất cứ giá nào. Phản ứng đầu tiên của vị Tư lịnh QĐI trong trạng huống này là đưa ra một loạt những lịnh lạc cho các đơn vị tiếp vận, thúc đẩy những đoàn quân xa chở tiếp liệu băng qua những đoạn đường đang bị địch phong tỏa. Kế tiếp vị tư lịnh SĐ3 lặp lại cái lịnh khai thông QLI từ phía bắc. Những lịnh lạc này bắt buộc tướng Giai phải thay đổi nhiệm vụ của Thiết đoàn kỵ binh đang giữ vai trò bảo vệ tuyến phòng thủ để chuyển sang nhiệm vụ khai thông QLI về hướng nam. Cuối cùng đích thân Tư lịnh QĐI đã điều động một TĐ/TQLC đang giữ nhiệm vụ bảo vệ Huế phải khai thông QLI từ phía nam. Những cuộc chuyển vận này làm tiêu hao khá nhiều nhiên liệu và đạn dược đáng lẽ phải được ưu tiên ở Quảng Trị và việc tái lập con đường huyết mạch đó đã không thành công,

Thời tiết rất xấu trong ngày 27/4 và địch đã chiếm được ưu thế hơn. Trong những ngày này, những hoạt động của địch cho thấy dấu hiệu bọn chúng muốn đẩy mạnh việc tiến chiếm những phần đất còn lại của quân đội miền Nam tại Quảng Trị. Tuyến phòng thủ mới của SĐ3 cũng dần dần thâu ngắn lại từ vùng phụ cận Quảng Trị đến phía đông, phía bắc, phía tây. Những đơn vị ta báo cáo chạm địch rất đông đảo và bị pháo nhiều. Suốt ngày địch tấn công dai dẳng, biển người và những đợt pháo cày nát những vị trí phòng thủ khiến một số đơn vị phải rút lui. Đến cuối ngày, LĐ1 Kỵ binh đã đẩy lui địch được khoảng 2, 3 Km trên QLI, trong khi đó pháo tập trung mạnh vào căn cứ Ái Tử của LĐ147/TQLC.

Để đáp lại lời kêu gọi khẩn cấp của SĐ3, không quân chiến thuật Hoa kỳ và pháo đài bay B52 đã can đảm bất chấp mọi thời tiết quyết chận lại không cho địch tiến vào thành phố Quảng Trị. Đến ngày kế tiếp, thiết giáp địch đã đến gần cầu Quảng Trị, cách thành phố khoảng 2Km về hướng tây nam, đây là vùng trách nhiệm của Tr/đoàn 2. Thiết đoàn 17 đã gửi một Chi đoàn M41 đến tăng cường cho Tr/đoàn 2, nhưng đơn vị này đã rút lui. Những Chi đoàn của LĐ1/Kỵ binh đã có kinh nghiệm đẩy lui địch trong ban ngày, nhưng phải rút lui về hướng bắc của căn cứ Ái Tử khoảng 1Km, để có bộ binh bảo vệ. Không may, Đại tá Nguyễn trọng Luật đã bị thương và được tải thương khẩn cấp. Khi ông đi rồi thì những quân nhân trong LĐ đã không thể nào kiểm soát nỗi và họ đã bỏ đi về phía nam bằng qua con đường do LĐ147/TQLC được lịnh chận lại.

Tr/đoàn 57 cũng không còn khả năng tác chiến nữa. Vị Trung đoàn trưởng không còn biết được tình trạng của 2 Tiểu đoàn ở gần thị trấn Đông Hà như thế nào nữa. Chung quanh và để bảo vệ ông chỉ có Trung đội Thám báo của Tr/đoàn. Suốt ngày đêm làn sóng người tiếp tục đổ về phía nam. Chỉ có một đơn vị còn đủ khả năng bảo vệ căn cứ Ái Tử là LĐ147/TQLC, mặc dầu họ bị tấn công liên tục bằng bộ binh và những đợt pháo dữ dội.

Ngày 29/4 tình cảnh thành phố Quảng Trị đã trở nên bi thảm. Địch đang mở những hướng tấn công mới. Mặt khác, đến lúc này những vị đơn vị trưởng của ta rất quan tâm đến sự thiếu thốn về nhiên liệu và đạn dược. Những khẩu pháo 105 và 155 ly sau khi bắn hết đạn đều bị phá hủy. Những cố gắng để mở lại một vài đoạn đường trên QLI diễn tiến hết sức chậm chạp vì thiếu sự phối hợp và những hành động tích cực. Viễn ảnh đó gần như vô vọng. Quảng Trị đã được tái tiếp tế bằng trực thăng. Đó là những chuyến bay của những phi công đầy can đảm và chấp nhận hy sinh khi bay dọc theo QLI.

Trước khi đối mặt với một tai vạ sau cùng, tướng Giai đã mở một cuộc họp với các đơn vị trưởng của ông, tại bộ chỉ huy ở trong cổ thành Quảng Trị và trình bày một kế hoạch rút lui về phía nam sông Thạch Hãn. Trên căn bản thì kế hoạch xử dụng một LĐ/TQLC để bảo vệ thành phố Quảng Trị, thiết lập một tuyến phòng thủ mới tại bờ nam sông Thạch Hãn với lực lượng Bộ binh và các LĐ/BĐQ, xử dụng lực lượng Chiến xa và Thiết kỵ để mở con đường QLI về phía nam. Tất cả các đơn vị sẽ di chuyển vào sáng hôm sau tức là ngày 1tháng 5.

Được thông báo về kế hoạch rút quân này, tướng Lãm chỉ ngầm đồng ý, mặc dầu ông chưa bao giờ xác nhận sự đồng thuận của ông. Cũng như ông chưa bao giờ ra một cái lịnh như thế với tư lịnh SĐ3/BB.

Tuy nhiên trong buổi sáng ngày 1/5, tướng Lãm đã gọi cho tướng Giai và nói rằng ông không chấp thuận cái lịnh rút quân. Ông yêu cầu tướng Giai ra lịnh cho tất cả các đơn vị ở lại tại chỗ và giữ vững vị trí mình với "bất cứ giá nào". Ông cũng nhấn mạnh rằng cá nhân ông không cho phép bất cứ đơn vị nào rút lui. Tướng Giai phải đưa ra cái phản lịnh ở giờ thứ 11. Đó cũng chỉ là một sự lặp lại một mệnh lệnh mà tướng Lãm đã nhận được từ TT Thiệu ở Sài gòn. Quyết định này được coi như là xác nhận bởi vì tại cuộc Hội đàm Paris, phái đoàn VNCH đã tẩy chay hội nghị kể từ ngày đầu tiên quân CSBV tràn qua sông Bến Hải và xâm lăng miền Nam.

Một sự kiện thật dễ dàng khi cầm điện thoại lên và hủy bỏ một mệnh lệnh. Ở tại chiến trường và dưới áp lực nặng nề của địch, những lịnh lạc xung khắc nhau như thế này sẽ dẫn đến một hậu quả không tránh được, là tạo nên một sự bối rối và hỗn loạn. Ngay cả tướng Giai cũng không có đủ thì giờ để hủy bỏ cái lịnh mà chính ông ta ban hành và cùng một lúc phải phổ biến những lịnh mới cho từng cấp chỉ huy qua một loạt những điện đàm dài dòng. Hơn nữa tất cả các LĐ trưởng và Tr/đoàn trưởng cũng không có mặt tại chỗ để thi hành những lịnh lạc mới. Một vài người thông báo là đơn vị của họ sẳn sàng đi đến vị trí mới, một số khác từ chối thẳng thừng. Sự thay đổi lịnh đã được ban ra. Tướng Giai kiên nhẫn thuyết phục họ nên tuân theo những chỉ dẫn mới nhận được từ Quân đoàn. Ông ta lặp lại lịnh mới và nhấn mạnh mỗi một đơn vị phải thi hành. Ông ta cũng hủy bỏ cái lịnh mà ông ta vừa ban hành và tái thiết lập BCH của ông. Tất cả đều trụ lại tại thành phố Quảng Trị.

Nhưng trong vòng 4 giờ sau đó, những tuyến phòng thủ của quân đội miền Nam đã đổ vỡ hoàn toàn. Những đơn vị từ phía bắc đóng chung quanh căn cứ Ái Tử đã đổ xuôi như một dòng thác băng qua sông Thạch Hãn và tiếp tục chảy xuôi về phía nam như một chiếc đập đang bị vỡ. Những đơn vị cơ giới khi đến cầu Thạch Hãn thì không thể qua được, vì cây cầu đã bị phá hủy hoàn toàn. Họ bỏ lại toàn bộ xe cộ và những trang bị rồi lội qua sông và tiếp tục xuôi nam. Ở bờ nam của con sông, những đơn vị bộ binh cũng không muốn giữ cái kháng tuyến mới. Khi họ nhìn thấy những Chiến xa rút lui, họ đã bỏ trống tuyến ngay và phóng theo đoàn người. Nhưng đoàn người ấy cũng không đi được xa lắm. Chiến xa, thiết giáp hết nhiên liệu, rồi chiếc này nối đuôi chiếc khác thành hàng dài trên QLI. Chỉ có một đơn vị vẫn còn giữ được sự phối hợp và liên kết chỉ huy trong suốt thời gian hỗn loạn này là LĐ147/TQLC, vẫn bình tĩnh bảo vệ thành phố Quảng Trị. Nhưng cuối cùng chính vị LĐ trưởng cũng thấy tình trạng này là vô vọng và ông cũng ra lịnh cho các đơn vị của ông rời khỏi thành phố lúc 1430G, để lại tư lịnh SĐ3 và ban Tham mưu của ông trong Cổ thành, mà không có một đơn vị nào bảo vệ.

Sau cùng khi biết được những gì đã xảy ra, tướng Giai đã cùng ban TM lên 3 chiếc M113, trong cố gắng bắt kịp đoàn người phía trước. Lúc đó những chiếc trực thăng Mỹ đã đến để di tản những toán cố vấn và những nhân viên người VN của họ.

Tư lịnh SĐ3 muốn nhập vào đoàn người phía trước nhưng thất bại. QLI đầy cứng những người dân chạy loạn và những toán quân ô hợp và mọi loại xe cộ, quân đội và dân sự. Tất cả hốt hoảng tìm đường về Huế dưới những bức tường lửa dã man hung bạo của các loại pháo địch. Tướng Giai bị bắt buộc phải quay lại Cổ thành và sau đó ông ta và ban TM được trực thăng Mỹ bốc đi. Khi chiếc Chinook cuối cùng bốc lên khỏi mặt đất lúc 1655 G, mang theo các cố vấn của SĐ3, thì VC đã bắn theo bằng những loạt súng nhỏ. Những toán quân CSBV đầu tiên đã tràn vào Cổ thành. Quảng Trị đã thuộc về kẻ thù: đó là tỉnh lỵ đầu tiên của VNCH rơi vào tay CS trong cuộc chiến.

Trên QLI, cả một dòng thác người chạy loạn, dân sự và binh lính tiếp tục xuôi nam. Con đường đã diễn ra một cảnh tượng tàn sát không thể nào tưởng tượng nỗi. Những chiếc xe đủ loại bốc cháy dữ dội. Những chiếc thiết giáp, GMC, xe nhỏ của quân đội và dân sự đầy cứng cả con đường, không tài nào lưu thông được. Trong khi đó pháo binh địch mở ra một cuộc tàn sát đẫm máu không nương tay. Cho đến xế trưa hôm sau, cuộc thảm sát mới chấm dứt. Hàng nhiều ngàn người dân vô tội đã được tìm thấy trên đoạn đường dài của QLI và sau đó báo chí đã đặt cho cái tên là "đại lộ kinh hoàng". Sự khích động và sự thảm thương của thảõm cảnh này, cũng giống như cuộc tàn sát tập thể tại Huế hồi Tết Mậu thân ( 1968) đã ám ảnh người dân phía bắc của Vùng I Chiến thuật một khoảng thời gian lâu dài.

Nhiều đơn vị miền Nam và LĐ147/TQLC vẫn giữ được kỷ luật giữa sự hỗn loạn đó và chiến đấu trên đường di chuyển ngoài vùng phụ cận của quận Hải Lăng. LĐ5 và theo sau đó là LĐ1 và LĐ4/BĐQ vừa di chuyển vừa đánh tan những đơn vị địch cản đường. Họ đã bắt kịp LĐ1 Kỵ binh đang đóng quân đêm khoảng 4 Km tây nam Hải Lăng. Đến khuya hôm đó, những thành phần còn lại của SĐ3/BB đã đến gần căn cứ Hòa Mỹ, nơi mà tướng Giai và ban TM của ông cũng đã đến đây. Ông đang chuẩn bị để tái lập lại BCH và tái tổ chức lại đơn vị.

Ngày 2/5, LĐ1 Kỵ binh tiếp tục xuôi nam theo QLI dưới cơn mưa pháo liên tục của địch. Cuối cùng đơn vị thiết giáp này cũng đến được căn cứ Hòa Mỹ, khoảng 25 Km phía tây nam Quảng Trị, vào lúc xế trưa.

LĐ147/TQLC là đơn vị đoạn hậu, nên chấp nhận mọi cuộc tấn công tương tự khi bắt đầu rời căn cứ Ái Tử để đi vào quận lỵ Hải Lăng và bắt đầu xuôi nam vào lúc rạng đông. Với sự yểm trợ của không quân chiến thuật Mỹ, cùng một số chiến xa, LĐ này đã băng qua hành lang an toàn từ cầu Bến Đá đến cầu Mỹ Chánh trên QLI. Cầu Bến Đá đã được TĐ9/TQLC trấn giữ và cầu Mỹ Chánh đã được LĐ369/TQLC đang thành lập tuyến phòng thủ mới tại đây với TĐ2 và TĐ5/TQLC.

Toàn bộ thành phố Quảng Trị giờ đây đã rơi vào tay giặc. Điều này giúp cho CSBV có cơ hội đẩy mạnh tấn công đến tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.

.............

Anaheim ngày 20/5/2006

Người dịch: Kiều Công Cự
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn