BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chiến Đoàn A/TQLC Tại Mặt Trận Đức Cơ

15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 2496)
Chiến Đoàn A/TQLC Tại Mặt Trận Đức Cơ
53Vote
40Vote
30Vote
28Vote
10Vote
2.811
Viết để tưởng nhớ cố Đại Tá NguyễnThành Yên và các anh hùng TQLC đã hy sinh trong trận Đức Cơ.


Vào đầu năm 1965, lo ngại trước việc Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam Việt Nam và oanh tạc miền Bắc, và để đối phó với tình hình mới, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở miền Nam hầu phân tán các lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Mở đầu trọng điểm là các trận đánh ở Đồng Xoài ở tỉnh Phước Long. Tiếp theo là chiến dịch Ba Gia ở tỉnh Quảng Ngãi. Xa hơn về phía Bắc, họ cắt đứt các trục lộ chính ở Nam Tây-Nguyên và cuối cùng là bao vây tấn công trại Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) Đức Cơ trong tỉnh Pleiku.

TRẠI LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT ĐỨC CƠ

Được thiết lập trên một sườn đồi, trại Lực Lượng Đặc Biệt này có tiết diện hình tam giác và nằm kế cận một phi đạo dã chiến với rừng rậm bao bọc cả ba phía. Đức Cơ nằm trong tỉnh Pleiku, cách biên giới Việt-Miên khoảng 13 cây số về hướng Tây và cách thành phố Pleiku 55 cây số về hướng Đông-Bắc. Từ đây, các toán tuần tiễu của Việt Nam Cộng Hòa có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo và ngăn chặn sự xâm nhập của quân Bắc Việt từ phía Cam Bốt, đồng thời bảo vệ khúc đường cuối cùng của Quốc Lộ 19.

Lực lượng đồn trú tại Đức Cơ gồm một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam với trại trưởng là Trung Úy Trần Tự Lập. Trung Úy Lập là sĩ quan thuộc Khóa 17 Võ Bị Đà Lạt. Về phía Hoa Kỳ, vị sĩ quan trưởng toán A-215 là Đại Úy R. B. Johnson. Trong trại có khoảng 400 binh sĩ Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ). Đa số là người Thượng cùng một số người Nùng.

Sau đây là những biến cố đã xảy ra quanh vùng Đức Cơ:

- Ngày 31 tháng 5/1965, Tiểu Đoàn 952 Việt Cộng tấn công và chiếm quận lỵ Lệ Thanh nằm cách Đức Cơ 8 km về hướng Đông-Bắc.

- Ngày 30 tháng 6/1965, Trung Đoàn 32 CSBV được lệnh bao vây trại Đức Cơ với mục đích lôi cuốn và tiêu diệt viện binh trên Quốc Lộ 19. Do vị thế bất lợi vì nằm ngoài tầm yểm trợ pháo binh, trại này đã bị hỏa lực pháo binh Bắc Việt khống chế ngay từ đầu.

- Ngày 4 tháng 8/1965 lúc 8 giờ sáng, Chuẩn Tướng Vĩnh Lộc (Tư Lệnh Quân Khu 2 VNCH) cho trực thăng vận Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù do Trung Tá Ngô Xuân Nghị làm Chiến Đoàn Trưởng vào Đức Cơ để giải tỏa áp lực địch. Chiến Đoàn 2 gồm Tiểu Đoàn (TĐ) 3 Nhảy Dù do Thiếu Tá Trương Kế Hưng và Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù do Thiếu Tá Đào Văn Hùng làm Tiểu Đoàn Trưởng. Cuộc đổ quân trực thăng vận xuống phi đạo dã chiến trước trại Đức Cơ hoàn tất lúc 16 giờ cùng ngày. Tình hình yên tĩnh trong đêm.

 - Ngày 5 tháng 8/1965, Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù bắt đầu mở cuộc hành quân tảo thanh về phía Bắc trại Đức Cơ. Đến 15 giờ, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù bắt đầu chạm địch tại phía Nam đồi Chu Kram. Sau đó, các khu trục cơ Skyraider của Không Quân Việt Nam (KQVN) xuất hiện để oanh tạc và bắn phá các vùng tập trung quân của địch. Các trực thăng võ trang Hoa Kỳ cũng bay đến để yểm trợ Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù. Thiếu Tá Trương Kế Hưng bị thương nặng. Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù cũng bị chạm địch. Trong lúc yểm trợ tiếp cận, trực thăng võ trang Mỹ đã bắn lầm vào đội hình của Đại Đội (ĐĐ) 83 Nhảy Dù đang bố trí tại bìa rừng, khiến Trung Úy Lâm Đôn (đại đội trưởng) bị thương nặng cùng với một số binh sĩ khác. Trung Úy Bùi Quyền, sĩ quan thuộc Khóa 16 Võ Bị Đà Lạt, từ Đại Đội 81 được tạm thời đưa sang chỉ huy Đại Đội 83.


- Ngày 6 tháng 8/1965 lúc 2 giờ sáng, bộ đội Bắc Việt tấn công trại Đức Cơ tại hai hướng Tây và Tây-Nam. Pháo binh địch bắn xối xả vào trại. Từ bên ngoài trại, địch quân chĩa mũi dùi vào tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù tại hướng Tây-Nam. Phi cơ C-47 từ Pleiku bay đến thả hỏa châu soi sáng trận địa. Càng gần sáng, cuộc chạm súng thưa dần. Nhưng cường độ pháo kích của quân Bắc Việt càng gia tăng. Đạn súng cối nổ gần như liên tục vào khu vực trại Đức Cơ, phi đạo và vào vị trí của hai tiểu đoàn Nhảy Dù. Dưới hỏa lực phòng không quá mạnh, các phi cơ vận tải phải bay thật cao để tránh đạn, nên phần lớn dù tiếp tế đã bay lạc ra ngoài nên thực phẩm và đạn dược ngày càng kham hiếm. Trại Đức Cơ hầu như đã trở thành địa ngục dưới các cơn pháo dữ dội của quân Cộng Sản.

- Ngày 9 tháng 8/1965 từ 7 giờ sáng, dưới sự yểm trợ hỏa lực mãnh liệt của các oanh tạc cơ Việt-Mỹ, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do Thiếu Tá Hồ Trung Hậu chỉ huy đã được trực thăng vận xuống đầu phi đạo. Đơn vị này tiến chiếm các vị trí trong khu vực nằm về phía Bắc trại. Sau đó họ liên lạc được với hai Tiểu Đoàn 3 và 8 Nhảy Dù.

HÀNH QUÂN DÂN THẮNG 7

Cùng ngày 9 tháng 8/1965, một lực lượng đặc nhiệm gồm hai chiến đoàn được thành lập để mở cuộc hành quân Dân Thắng 7 nhằm khai thông Quốc Lộ 19 và tiếp tế cho trại LLĐB Đức Cơ. Cuộc hành quân này do Chuẩn Tướng Cao Hảo Hớn, Tư Lệnh Biệt Khu 24 (vùng đất thuộc hai tỉnh Kontum và Pleiku) trực tiếp chỉ huy.

Chiến đoàn Thiết Giáp do Trung Tá Nguyễn Trọng Luật chỉ huy gồm có:

  1. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 3 Thiết Giáp

  2. Chi Đoàn 1/5 Chiến Xa do Đại Úy Trần Văn Thoàn làm chi đoàn trưởng

  3. Chi đoàn 2/6 Thiết Quân Vận do Đại Úy Dư Ngọc Thanh làm chi đoàn trưởng

  4. Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân (BĐQ) do Đại Úy Nguyễn Văn Sách làm tiểu đoàn trưởng

  5. Một pháo đội đại bác 105 ly

  6. Một rung đội Công Binh Chiến Đấu

  7. Một chi đội Thiết Giáp M-8

  8. Các thành phần Vận Tải và Tiếp Vận


Chiến Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) do Trung Tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy gồm có:

  1. Bộ chỉ huy Chiến Đoàn A/TQLC với Thiếu Tá Cổ Tấn Tinh Châu làm tham mưu trưởng và các ban Tham Mưu Chiến Đoàn.

  2. Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 2 TQLC gồm Thiếu Tá Hoàng Tích Thông (tiểu đoàn trưởng), Đại Úy Nguyễn Văn Hay (tiểu đoàn phó và kiêm nhiệm đại đội trưởng Đại Đội 2), Đại Úy Phạm Nhã (đại đội trưởng Đại Đội 1), Đại Úy Nguyễn Văn Hay (đại đội trưởng Đại Đội 2), Đại Úy Nguyễn Năng Bảo (đại đội trưởng Đại Đội 3), Trung Úy Nguyễn Xuân Phúc (đại đội trưởng Đại Đội 4)


Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 5 TQLC gồm có:

  1. Tiểu Đoàn Trưởng: Thiếu Tá Dương Hạnh Phước (tiểu đoàn trưởng)

  2. Đại Úy Nguyễn Kim Phương (tiểu đoàn phó)

  3. Đại Úy Nguyễn Văn Nho (trưởng ban 3, không phải Thiếu Tá Nguyễn Văn Nho của TĐ4)

  4. Trung Úy Võ Trí Huệ (đại đội trưởng Đại Đội 1)

  5. Thiếu Úy Nguyễn Văn Phán (đại đội trưởng Đại Đội 2)

  6. Trung Úy Nguyễn Đình Thủy (đại đội trưởng Đại Đội 3)

  7. Trung Úy Nguyễn Kim Đễ (đại đội trưởng Đại Đội 4)

  8. Pháo đội 75 ly sơn-pháo TQLC với Đại Úy Đoàn Trọng Cảo làm pháo đội trưởng.


CHIẾN ĐOÀN A/TQLC VÀ CUỘC CHUYỂN QUÂN

Trong thời gian này, Chiến Đoàn A/TQLCđang được tăng phái hành quân cho Biệt Khu 24, hoạt động ở Kontum. Thỉnh thoảng họ được về nghỉ quân ngắn ngày ở một doanh trại hậu cứ của một trung đoàn Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 22 gần thành phố Kontum. Để chuẩn bị cho cuộc hành quân tiếp ứng và khai thông Quốc Lộ 19 đi vào Đức Cơ. Ngày 6 tháng 8, toàn bộ Chiến Đoàn A/TQLCđược không vận bằng vận tải cơ C-130 từ phi trường Kontum đổ xuống phi trường Cù Hanh ở Pleiku. Sau đó được quân xa chuyển vận đến nơi đóng quân qua đêm tại một làng Thượng ở phía Bắc Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2 để dưỡng quân và túc trực ứng chiến trực thăng vận.

Ngày 7 tháng 8/1965, Chiến Đoàn A/TQLC được di chuyển bằng quân xa về ngược lại thành phố, rồi rẽ vào Quốc Lộ 19 nối dài, và đóng quân túc trực tại đồn điền trà Catecka. Nơi đây có một phi trường nhỏ, dành cho loại phi cơ quan sát L-19, sẽ được dùng làm bãi đáp trực thăng vận cho cuộc hành quân.

Trại LLĐB Đức Cơ đã bị bao vây từ hơn một tuần qua và hoàn toàn bị cô lập. Phi cơ suốt ngày đêm oanh tạc sát hàng rào phòng thủ. Các tiểu đoàn của Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù cũng bị chận đánh và chia cắt. Tình hình chiến trường không sáng sủa hơn chút nào.

Ngày 8 tháng 8/1965, Đại Đội 3/2 (đọc là Đại Đội 3 thuộc Tiểu Đoàn 2) của Đại Úy Nguyễn Năng Bảo nhận lãnh một nhiệm vụ mạo hiểm là trực thăng vận đổ xuống một bãi đất trống cách Đức Cơ một cây số về hướng Tây-Bắc. Mục đích là thăm dò phản ứng của quân Bắc Việt và bắt liên lạc với đơn vị bạn đang phân tán trong vùng hành quân. Đến trưa Đại Đội 3 đã sắp xếp đội hình, lên trực thăng xong và chờ trực thăng cất cánh đúng giờ. Chuẩn Tướng Cao Hảo Hớn đi xe Jeep ra tận bãi bốc ở đầu phi đạo để căn dặn các chỉ thị quan trọng lần chót và chúc Đại Úy Bảo hoàn thành nhiệm vụ nguy hiểm giao phó.

Tuy nhiên, vì thời tiết vùng Cao Nguyên thay đổi đột ngột, phi hành đoàn KQVN cho biết là sẽ có một trận cuồng phong ập đến trong vùng Đức Cơ, nên cuộc trực thăng vận đươc hủy bỏ. Qua ngày hôm sau, Đại Đội 3/2 được đưa trả về nhập chung với Tiểu Đoàn 2 để kịp vượt tuyến xuất phát ở ngay "cầu cạn" gần ngã ba Lê Thanh trong ngày N, tức là ngày khở hành 9 tháng 8/1965.

Yếu tố thời tiết và những diễn biến về các hoạt động của địch quân đã khiến cho Bộ Chỉ Huy Hành Quân phải chấp nhận chiến trường do địch quân chọn lựa và đương đầu với chiến thuật "công đồn, đả viện" của địch. Để phù hợp với địa thế dọc Quốc Lộ 19, Chiến Đoàn Thiết Giáp phối hợp cùng Biệt Động Quân mở đường tiến trước. Chiến Đoàn TQLC đi cách sau khoảng 3 cây số, để làm lực lượng tiếp ứng khi Chìến Đoàn Thiết Giáp và Biệt Động Quân bị địch phục kích, đồng thời lục soát rộng hai bên đường trên trục tiến quân.

Cuộc hành quân của Chiến Đoàn Thiết Giáp và Biệt Động Quân trong ngày 9 tháng 8/1965 được khởi hành với các đơn vị sau đây:

  1. Chi Đoàn 1/5 Chiến Xa (trừ 1 chi đội di chuyển đoạn hậu) và một Đại Đội BĐQ tùng thiết

  2. Chi đoàn thiết quân vận gồm các thiết vận xa M-113

  3. Tiểu Đoàn 21 BĐQ (trừ một đại đội tùng thiết cho chi đoàn chiến Xa đi đầu) và một chi đội chiến xa

  4. Công Binh, Pháo Binh, và Quân Vận

  5. Chi đội thiết giáp M-8


Trên đường vào Đức Cơ, rải rác có các xóm làng định cư, quy tụ đồng bào miền Bắc di cư tỵ nạn Cộng Sản cũng như đồng bào từ các tỉnh Nam Ngãi, Bình Phú đến lập nghiệp. Dân chúng, kể cả một vị linh mục địa phương cho biết về tin tức của các đơn vị cộng sản ẩn nấpp, phục kích về phía Đức Cơ. Để đề phòng chiến thuật "công đồn, đả viện" của địch, Chi Đoàn 1/5 Chiến Xa đi đầu di chuyển theo lối chân vạc. Mỗi Chi Đội luân phiên tiến chiếm các điểm trọng yếu trên địa thế và trong tầm yểm trợ trực tiếp của đại bác 75 ly trên các chiến xa để chi đội kế tiếp tiến dần về phía trước.

Khoảng 14 giờ, chi đội đầu tiên vừa đến ngã ba đi vào quận lỵ Lệ Thanh thì bị khoảng một tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 32 Bắc Việt khai hỏa phục kích. Hai Chiến xa đi đầu bị trúng đạn chống chiến xa của địch, đại đội Biệt Động Quân tùng-thiết bị tê liệt và thiệt hại nặng. Hai chiến xa trong phân đội chỉ huy tác xạ đạn chống "biển người" vào hai bên quốc lộ để đề phòng bộ đội Bắc Việt xung phong. Một trong hai phi cơ F-100 bay đến yểm trợ đã bị phòng không địch bắn hạ. Phi công nhảy dù ra và được cứu thoát.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc phục kích bị đánh tan. Trong khi đang lục soát thu dọn chiến trường thì quân Bắc Việt đã tấn công vào đoàn xe thuộc thành phần yểm trợ và tiếp vận đi đàng sau. Vị sĩ quan chi đoàn trưởng Chi Đoàn 1/5 Chiến Xa đã bị thương trong khi điều động các chiến xa đến tiếp ứng. Cuộc chạm súng thưa dần vì thời gian gần tối.

CÁC DIỄN TIẾN CỦA CHIẾN ĐOÀN A/TQLC TRONG NGÀY 9 THÁNG 8/1965

Là lực lượng tiếp ứng, Chiến Đoàn A/TQLC nhận được lệnh vượt qua mặt Chiến Đoàn Thiết Giáp và Biệt Động Quân để tiếp tục tiến quân và giải tỏa áp lực phía trước mặt. Vì địa thế hiểm trở, bên phải là thung lũng, bên trái là một đường đỉnh khó di chuyển. Chỉ có một trục lộ hẹp để tiến vào Đức Cơ, nên Chiến Đoàn A/TQLCdàn quân theo thứ tự sau đây: 1) Tiểu Đoàn 2/TQLC dàn quân theo đội hình. 2) Đại Đội 4 phối hợp với Chi đoàn Chiến xa đi đầu. 3) Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2 và Đại Đội 1 đi tiếp sau. Cánh quân B gồm Đại Đội 2 và Đại Đội 3 đi cánh trái theo sườn đỉnh.

Xế chiều, khi Tiểu Đoàn 2 TQLC vượt qua một đoạn đường lên dốc, thì bị địch tấn công vào bên hông của tiểu đoàn. Chi đội chiến xa đi đầu dồn hết tốc lực tiến lên sườn đồi, khai hỏa mọi hỏa lực trên chiến xa phối hợp với các lính TQLC theo đợt xung phong. Cuối cùng đã chiếm được vị trí súng của địch. Địch bị thiệt hại một số, phần còn lại tháo chạy về thung lũng hướng Ia Drang.

DIỄN TIẾN TRONG CUỘC HÀNH QUÂN CỦA TIỂU ĐOÀN 5 TQLC

Tiểu Đoàn 5/TQLC dàn quân theo đội hình sau đây:

  1. Đại Đội 2 đi đầu, nối tiếp theo Tiểu Đoàn 2

  2. Đại Đội 3 đi kế tiếp

  3. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn A, pháo đội 75 ly sơn-pháo TQLC và đơn vị Công Binh Cơ Giới.

  4. Đại Đội 1 đi sau cùng

  5. Đại Đội 4 cùng vị sĩ quan tiểu đoàn phó tiến quân dọc theo đường đỉnh để bảo vệ sườn trái cho trục tiến quân của tiểu đoàn.


Khi cánh quân đi đầu của Đại Đội 4/2 bị địch phục kích, thì quân Bắc Việt cũng cũng đồng loạt tấn công vào đoàn quân đi chót của Tiểu Đoàn 5 TQLC. Từ bên bờ đỉnh bên trái, Đại Đội 4 nhìn xuống thấy những cán binh Việt Cộng đang thi hành chiến thuật "tiền pháo hậu xung." Trung Úy Nguyễn Kim Đễ báo cáo tình hình cho vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng TĐ5. Sau khi đề nghị và được chấp thuận. Đại Đội 4 đã dàn hàng ngang từ trên cao tràn xuống tấn công tiêu diệt địch từ phía sau lưng.



Tiểu Đoàn 5 TQLC tịch thu được nhiều vũ khí trong đó có cả đại liên 50 ly và đại bác SKZ 57 ly không giật. Phía bên Bắc Việt bị thiệt hại nhiều, số còn sống sót rút chạy vào thung lũng sâu. Đại Đội 2 của Thiếu Úy Nguyễn Văn Phán nhận được lệnh Tiểu Đoàn di chuyển sâu về bìa rừng phía trái trục lộ tiến quân đánh bọc lên để bảo vệ Pháo Binh đang bị địch quấy phá. Sau đó là chiến trận mở màn với đủ loại tiếng súng thi nhau nổ. Hai phản lực cơ F-100 bay vút trên đầu, âm thanh xé nát không khí thành những tiếng rít kéo dài. Những trái bom trút xuống mục tiêu là ngọn đồi phía trước. Lửa và khói cuồn cuộn dâng lên. Trên bầu trời, phi cơ quan sát L-19 đang lượn những vòng tròn nhỏ.

Men theo những bụi cỏ gai và lau sậy, Thiếu Úy Quảng dẫn Trung Đội 22 xung phong lên ngọn đồi. Ẩn núp trong đám cây cối rậm rạp trên đồi, địch sử dụng trung liên và súng AK-47 bắn xối xả. Tiếng súng AK nghe sắc sảo và uy hiếp lạ lùng. Quảng, Thượng Sĩ Kiên, Hạ Sĩ Thọ mang máy truyền tin đều bị tử thương. Ôi, biết bao là nỗi đau đớn và phi lý của chiến tranh mà những người lính cùa hai phía tham dự. Quảng chết đi, để lại đứa con trai đầu lòng trong bụng mẹ, mà đã được Quảng đặt tên trước là Hàn Giang.

CHIẾN ĐOÀN A/TQLC TRONG ĐÊM 9 RẠNG NGÀY 10 THÁNG 8/1965

Sau khi địch đã đoạn chiến trong buổi xế chiều. Các đơn vị hành quân được lệnh bố trí quân tại chỗ qua đêm. Lúc 1 giờ sáng ngày 10 tháng 8/1965, quân Bắc Việt trở lại tấn công vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 2 TQLC có chi đội thiết quân vận cùng bố trí kế cận với Đại Đội 4/2. Mục đích của địch là mở đường máu giải vây cho một đơn vị Bắc Việt bị kẹt lại và đang ẩn nấp dưới thung lũng trong lúc chạm súng với Thủy Quân Lục Chiến chiều hôm trước. Địch bắt đầu pháo kích và tấn công vào vị trí của Tiểu Đoàn 2 TQLC, nhưng đã bị các binh sĩ thuộc tiểu đoàn này chận lại dễ dàng. Tuy nhiên chiến thuật "tiền pháo, hậu xung" cùng với việc phối hợp tổ chức phòng thủ không rõ ràng giữa Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp khiến Thủy Quân Lục Chiến bị một số thiệt hại do Thiết Giáp bắn lầm.

Sau khi tiếng súng đã ngưng, kiểm điểm thiệt hại của Thủy Quân Lục Chiến là 31 người tử thương, trong đó có Thiếu Úy Nguyễn Đình Khôi, Thiếu Úy Huỳnh Sinh, Trung Sĩ Nhất Niệm, Trung Sĩ Châu Sênh, Trung Sĩ Tuân, Hạ Sĩ Lê Chít cùng 27 binh sĩ khác bị thương. Đa số thuộc Đại Đội 4/2, trong đó có Thiếu Úy Lý Văn Đàm bị thương nặng được tản thương bằng trực thăng vào sáng sớm về Quân Y Viện Pleiku.

TIẾN VÀO ĐỨC CƠ

Tám giờ sáng ngày 10 tháng 8/1965, trực thăng đến tiếp tế và tản thương cho các đơn vị. Phi cơ vận tải C-47 đến thả dù nhiên liệu và đạn dược cho Thiết Giáp. Một hố lớn đã được Công Binh và Thiết Giáp đào để chôn tập thể các cán binh Cộng Sản chết còn bỏ lại trận địa. Nhiều vết máu sau đó đã được tìm thấy gần một dòng suối trên đường tiến quân vào Đức Cơ. Chứng tỏ quân cộng sản đã di chuyển nhiều thương binh trên đường rút lui.

Chiến Đoàn A/TQLC tiến trước vào Đức Cơ, theo sau là Chiến Đoàn Thiết Giáp và Biệt Động Quân. Tiểu Đoàn 2 TQLC là đơn vị đầu tiên đến phi đạo Đức Cơ lúc 11 giờ sáng. Trại đã trống vắng một phần nào. Đa số lực lượng trú phòng và dân sự chiến đấu đã phân tán ra rừng chờ đơn vị bạn đến tăng viện. Chiến Đoàn A/TQLC tổ chức lục soát và phòng thủ chung quanh trại, bắt đầu tìm cách liên lạc với các đơn vị bạn trong vùng hành quân. Các lực lượng dân sự chiến đấu lần lượt trở về trại nhận bàn giao phòng thủ Đức Cơ từ Thủy Quân Lục Chiến.

Ngày 11 tháng 8/1965, các đơn vị bắt đầu tổ chức các cuộc hành quân giải tỏa áp lực địch chung quanh Đức Cơ. Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù hành quân tảo thanh khu vực làng Thăng Đức, phía Tây trại Đức Cơ đến tận biên giới Việt-Miên. Chiến Đoàn A/TQLC phụ trách khu vực phía Nam. Chiến Đoàn Thiết Giáp và Biệt Động Quân hoạt động chung quanh trại và khu vực phía Bắc.

Cuộc hành quân Dân Thắng 7 chính thức chấm dứt vào ngày 15 tháng 8/1965. Chuẩn Tướng Vĩnh Lộc (tư lệnh Quân Khu 2) đáp trực thăng xuống trại Đức Cơ, khen ngợi thành quả của các đơn vị tham dự hành quân và gắn huy chương tượng trưng cho một số quân nhân hữu công.

Các lực lược lượng hành quân bắt đầu rút ra theo Quốc Lộ 19, di chuyển bộ ra ngã ba Lệ Thanh và được quân xa đưa về nghỉ quân ở Pleiku. Lữ Đoàn 173 Dù Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ lộ trình khi các đơn vị lui binh. Ngày 17 tháng 8/1965, Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù được không-vận xuống Nha Trang để chuẩn bị tham gia cuộc hành quân khai thông Quốc Lộ 21 từ Nha Trang đi Ban-Mê-Thuột. Chiến Đoàn A/TQLC được trả lại Kontum để tiếp tục tăng phái hành quân cho Biệt Khu 24.

KẾT QUẢ

Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù có khoảng 20 quân nhân thiệt mạng tại Đức Cơ. Trong cuộc đụng độ giữa quân Nhảy Dù và Bắc Việt, có 158 cán binh Cộng Sản bỏ xác tại trận và 100 cán binh khác chết vì phi cơ oanh kích. Chiến Đoàn A/TQLC có 31 quân nhân tử trận và 27 bị thương.. Phía bên Hoa Kỳ, toán Lực Lượng Đặc Biệt A-215 dưới quyền chỉ huy của Đại Úy R.B Johnson đã bị thiệt hại nặng.

Kết quả cuộc hành quân Dân Thắng 7 do BTL/QK2 tổng kết như sau: Bắc Việt có 566 cán binh tử trận và 26 tù binh, vũ khí bị tịch thu gồm có 12 vũ khí cộng đồng và 94 vũ khí cá nhân. Ngoài ra, có 2 đại liên 50 và 2 khẩu súng cối 81 ly bị phá hủy.

Mũ Xanh Tôn Thất Soạn
9 tháng 8/2004
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn