BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76368)
(Xem: 63031)
(Xem: 40421)
(Xem: 32017)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chiến dịch Bình Dương

07 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 7068)
Chiến dịch Bình Dương
516Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
516

Trích: Bạo Lực Cách Mạng Và Chiến Dịch Đột Kích Chiến Lược Năm 1974 (phần 6)


Sau cuộc tổng tấn công chiến lược Xuân-Hè năm 1972, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) kiểm soát phần lớn tỉnh Bình Long, tỉnh Bình Dương trở thành trọng điểm chiến lược về quân sự ở Miền Đông Nam Phần cho cả hai bên Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Cộng Sản Bắc Việt. Khu vực Tam Giác Sắt, Quốc Lộ 13 và Liên Tỉnh Lộ 1A trở thành những gọng kềm sắc bén cho Mặt Trận B-2 từ khu vực căn cứ địa Miền Đông Nam Bộ để tấn công vào thị xã Phú Cường (Thủ Dầu Một), tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương rồi tiến về Sàigòn.

Trong khu vực quan trọng này, Mặt Trận B-2 cho mở chiến dịch đột kích chiến lược trong tỉnh Bình Dương, chủ yếu ở khu vực Tam Giác Sắt để chọc thủng tuyến giữa phòng thủ Sàigòn, đặt phi trường Tân Sơn Nhất trong tầm đại pháo và chiến dịch phối hợp ở khu vực Phú Giáo để giam chân và phân tán chủ lực VNCH trong nỗ lực đối phó. Ngoài việc cũng cố thế đứng chân, làm bàn đạp để tấn công thủ đô Sàigòn, Bộ Chỉ Huy Miền (tức Bộ Chỉ Huy Mặt Trận B-2) cũng nhân cơ hội này đánh giá thực lực và khả năng phản kích của quân chủ-lực VNCH trong khu vực trọng yếu này.

Sau ngày ngừng bắn, Mặt Trận B-2 bố trí Sư Đoàn 7 CSBV ở phía đông Quốc Lộ 13 (nằm trong Chiến Khu D) trong khi Sư Đoàn 9 CSBV ở phía tây Quốc Lộ 13 (nằm trong Chiến Khu C) để tái xây dựng sau những tổn thất nặng nề trong trận đánh An Lộc, bảo vệ các khu vực chiếm được và duy trì áp lực lên tuyến phòng thủ Sàigòn. Quốc Lộ 13 mà phía VNCH chỉ còn kiểm soát vững chắc từ Sàigòn lên đến Lai Khê giờ đây trở thành trục lộ chiến lược trong nỗ lực tấn công Sàigòn từ hướng bắc.

Khi chiến dịch đột kích chiến lược của Mặt Trận B-2 mở màn vào tháng 5 năm 1974 thì tuyến phòng thủ phía bắc Sàigòn của Quân Đoàn 3 khởi đầu từ Trảng Bàng qua khu vực Thái Mỹ-Gò Nổi-Tỉnh Lộ 15 bị cắt đứt ở khu vực An Nhơn Tây phía tây bờ sông Sàigòn trước khi tiếp tục dọc theo Tỉnh Lộ 7B từ Rạch Bắp đến Bến Cát trên Quốc Lộ 13. Tỉnh Lộ 7B trở thành tuyến tiếp xúc giữa hai vùng chiếm đóng, chỉ cách thủ đô Sàigòn có 40 km về hướng bắc. Cộng Sản Bắc Việt kiểm soát toàn bộ khu vực chiến khu Long Nguyên ở phía bắc con đường này trong khi Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát toàn bộ khu vực phía nam.

Quân Lực VNCH duy trì một lực lượng khá mạnh để bảo vệ khu vực trọng yếu này. Tại Củ Chi ở phía tây nam là căn cứ Đồng Dù (bộ chỉ huy Sư Đoàn 25 Bộ Binh) trong khi ở phía đông bắc có căn cứ Lai Khê (bộ chỉ huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh).

Căn cứ Đồng Dù ở Củ Chi nguyên là bải tập nhảy dù của Quân Đội Pháp, cách Sàigòn khoảng 30 km đường chim bay về hướng tây bắc, bên phải Quốc Lộ 1, cách thị trấn Củ Chi 4 km và thị xã Phú Cường (Thủ Dầu Một) 15 km qua Tỉnh Lộ 8A. Khi quân bộ chiến Hoa Kỳ bắt đầu vào Việt Nam vào năm 1965 thì căn cứ này được mở rộng và trở thành bộ chỉ huy và hậu cứ của Sư Đoàn 25 BB Hoa Kỳ và khu vực chung quanh căn cứ trở thành khu vực oanh kích tự do (biến Củ Chi "đất thép thành đồng" trở thành "đất thép thành bùn") sau khi dân chúng được tái định cư. Sau khi Quân Đội Hoa Kỳ triệt thoái, căn cứ này trở thành Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 25 Bộ Binh (BB) của Quân Lực VNCH.

Căn cứ Lai Khê nằm dọc theo Quốc Lộ 13, giữa Bến Cát và Chơn Thành, trong một rừng cao su rộng lớn, là Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Sư Đoàn 1 BB Hoa Kỳ (hậu cứ đơn vị này ở Dĩ An, sau chuyển giao cho Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH thành căn cứ Sóng Thần). Sau khi Sư Đoàn 1 BB Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Việt Nam, căn cứ được bàn giao cho Sư Đoàn 5 BB của Quân Lực VNCH.

Để nối liền tuyến phòng ngự bị đứt khoảng này, Quân Đoàn 3 sử dụng các thành phần của Sư Đoàn 25 BB được tăng cường Biệt Động Quân (BĐQ) và Thiết Giáp mở cuộc hành quân khai thông Tỉnh Lộ 2 và khu vực An Thái Tây trong tháng Tư và Năm 1974. Trung Đoàn 16 độc lập của Mặt Trận B-2 cùng các đơn vị địa phương chống trả dữ dội để bảo vệ khu vực quan trọng này.

Để chọc thủng tuyến phòng ngự chiến lược trong khu vực Tam Giác Sắt và giam chân chủ lực Quân Đoàn 3, Mặt Trận B-2 cho mở chiến dịch đột kích chiến lược ở Tỉnh Lộ 7B vào đầu tháng 5/1974, mang tên là chiến dịch Đường 7 Ngang. Về phía VNCH, chiến dịch đẫm máu này được biết nhiều như cuộc vi phạm ngưng bắn nghiêm trọng ở khu vực Rạch Bắp-Bến Cát.





Thiếu Tướng Hoàng Cầm, tham mưu trưởng Bộ Tư Lệnh Miền, chỉ huy chiến dịch Đường 7 Ngang (Bến Cát-Rạch Bắp). Hoàng Cầm có tên thật là Đỗ Văn Cầm, sinh năm 1920 ở Hà Tây trong một gia đình nông dân nghèo. Cầm gia nhập quân đội Việt Minh vào năm 1946 và vào Đảng CSVN năm 1947. Nhờ chiến đấu giỏi, Cầm lên đến chức trung đoàn trưởng Trung Đoàn 209 của Đại Đoàn 312 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị đã bắt sống tướng de Castries và cắm cờ chiến thắng trên hầm chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong giai đoạn 1957-63, Cầm lần lượt trở thành tham mưu trưởng, tư lệnh phó rồi tư lệnh Đại Đoàn 312 (sau đổi thành Sư Đoàn 312).

Theo yêu cầu của Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh, Cầm cùng Trần Độ xâm nhập vào Miền Nam bằng đường biển qua ngã Trung Quốc và Cam Bốt rồi theo đường bộ về thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) và khu vực căn cứ địa của Trung Ương Cục Miền Nam và Bộ Chỉ Huy Miền (B-2)ở biên giới Việt-Miên trong tỉnh Tây Ninh. Sau đó Thiếu Tướng Hoàng Cầm chỉ huy Sư Đoàn 9 CSBV, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Miền, rồi trở thành Tham Mưu Phó Quân Giải Phóng Miền Nam (GPMN) và Tham Mưu Trưởng Bộ Chỉ Huy Miền thay cho Lê Đức Anh sau khi Anh về chỉ huy Quân Khu 9 sau ngày ngưng bắn.

Hoàng Cầm đã từng có mặt hầu hết trong các chiến dịch/trận đánh lớn trên chiến trường Miền Đông Nam Bộ trong giai đoạn 1965-73 và chỉ huy Đoàn 301 trong chiến dịch Quảng Đức cuối năm 1973.

TAM GIÁC SẮT VÀ CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 7 NGANG

Khu vực Tam Giác Sắt là điểm nối tiếp của Chiến Khu C (tức Chiến Khu Dương Minh Châu) và mật khu Long Nguyên mà điểm tận cùng ở phía nam trong khu vực Phú Hoà Đông chỉ cách thị xã Phú Cường, tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương 11 km và phi trường Tân Sơn Nhất 25 km, trong tầm đại pháo 130 ly của Bắc quân. Vây quanh bởi Bến Súc (góc tây bắc của tam giác) và sông Sàigòn ở phía tây, Bến Cát (góc đông bắc của tam giác) và sông Thị Tính ở phía đông và giao điểm của hai con sông Sàigòn và Thị Tính ở khu vực Phú Hoà Đông ở phía nam, khu vực này như một mũi tên nhọn đâm thẳng vào thủ đô Sàigòn từ hướng bắc và đã được sử dụng là bộ chỉ huy tiền phương của Mặt Trận B-2 trong chiến dịch tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 vào khu vực thủ đô cũng như các cơ sở của Khu Ủy Sàigòn-Gia Định. Phía bắc khu vực này là rừng cấm Thanh Điền trong khi ở phía tây, bên kia sông Sàigòn là các khu rừng Bời Lời, Hố Bò và đồn điền cao su Filhol.

Cộng Sản Bắc Việt đã có sự hiện diện và kiểm soát khu vực này trong một thời gian lâu dài. Do đó phía Hoa Kỳ đặt biệt danh cho nơi này là vùng "Tam Giác Sắt" (Iron Triangle). Quân Đội Hoa Kỳ đã mở nhiều cuộc hành quân tảo thanh lớn vào khu vực này trong giai đoạn 1966-67 nhưng vẫn không thể nào tiêu diệt được hết hệ thống địa đạo và công sự chiến đấu dầy đặc được xây dựng và mở rộng từ thời chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-54).

Trong các cuộc hành quân này, Quân Đội Hoa Kỳ cũng tiêu diệt và xóa bỏ các khu vực do Cộng Sản Bắc Việt kiểm soát như Bến Súc, Rạch Kiến, Rạch Bắp và Bưng Còng. Khoảng 6,000 dân được di chuyển về sống trong các trại định cư gần Phú Cường. Khu vực này sau đó trở thành khu vực tự do oanh kích với vô số hố bom đạn, hậu quả của hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ trong gần 20 năm chiến tranh cùng nhiều bụi rậm cỏ hoang cao hơn đầu người, rừng già và rừng cao su, khiến tầm quan sát bị giới hạn nhiều và việc cơ động có nhiều khó khăn dù với xe bánh xích-sắt trong khi tạo nhiều thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống phòng ngự, mìn bẫy và căn cứ địa ẩn nấp. Các đơn vị của Sư Đoàn 7 và 9 CSBV cùng các tiểu đoàn địa phương của Mặt Trận B-2 như Tiểu Đoàn Phú Lợi nổi tiếng thường xuyên hoạt động ở đây.
”Mekong-1-1

-->

Sư Đoàn 9 CSBV đảm nhiệm hướng tấn công chủ yếu vào khu vực Tam Giác Sắt, chiếm đóng khu vực chiến lược này và cắt đứt Quốc Lộ 13 ở khu vực Bến Cát, cô lập căn cứ Lai Khê (Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 BB) cũng như trong tầm pháo uy hiếp căn cứ Đồng Dù (ở Củ Chi), Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 25 BB, và phi trường Tân Sơn Nhất. Từ đây Bắc quân có thể uy hiếp thị xã Phú Cường, chỉ cách ngoại ô Sàigòn khoảng 17 km. Đơn vị này sau đó được lệnh chận đánh trả các cuộc phản kích của quân đội VNCH, giữ vững khu vực chiếm được.

Sư Đoàn 9 CSBV được tăng cường Tiểu Đoàn 22 của Lữ Đoàn 26 Thiết Giáp vừa xâm nhập từ Miền Bắc, một đại đội đặc công nước, một tiểu đoàn pháo binh (6 đại bác 85 ly, 6 đại bác 122 ly, 3 súng cối 120 ly cùng 2 DKZ), hai tiểu đoàn phòng không (9 đại bác 37 ly và 8 đại liên 12 ly 8) cùng 4 hệ thống hỏa tiễn SA-7 và 2 hệ thống hỏa tiển AT-3 và một tiểu đoàn công binh chiến đấu. Sư Đoàn 7 CSBV đảm nhiệm hướng tấn công phối hợp ở khu vực Phú Giáo (ở tỉnh Bình Dương) và Tân Uyên (Biên Hòa).

Quân Lực VNCH duy trì hệ thống phòng thủ khu vực Tam Giác Sắt với 3 cứ điểm nằm dọc theo Tỉnh Lộ 7B gồm có Rạch Bắp ở hướng tây trên bờ sông Sàigòn, căn cứ 82 ở chính giữa gần khu vực đồn điền cao su Rinet và An Điền ở phía đông, đối diện với Bến Cát qua sông Thị Tính.

Mỗi cứ điểm này do một đại đội của Tiểu Đoàn 321 Địa Phương Quân (ĐPQ) trấn đóng. Rạch Bắp cũng nằm trên Liên Tỉnh Lộ 14 chạy dọc theo sông Sàigòn từ Trị Tâm (Dầu Tiếng) xuống đến cầu Ông Tộ qua sông Thị Tính ở phía bắc thị xã Phú Cường. Quân đội VNCH duy trì một căn cứ nhỏ giữa Rạch Bắp và cầu Ông Tộ.

Sư Đoàn 25 BB và các đơn vị Địa Phương Quân tỉnh Hậu Nghĩa thường xuyên mở các cuộc hành quân tảo thanh ở phía tây bờ sông Sàigòn (khu vực An Nhơn Tây) nhưng sự hiện diện thường xuyên của Cộng quân trong khu vực Hố Bò cùng trở ngại thiên nhiên của sông Sàigòn và những khả năng hạn chế khiến quân đội VNCH không kiểm soát được phía tây của khu vực Tam Giác Sắt. Ngược lại ở phía đông, quân đội VNCH có sự hiện diện mạnh mẽ của bộ binh, thiết kỵ và pháo binh ở Bến Cát, vị trí chiến lược trên Quốc Lộ 13 nối kết với khu vực Tam Giác Sắt bởi một cây cầu nhỏ qua sông Thị Tính, chỉ cách Sàigòn 40 km về phía bắc.

GIAI ĐOẠN TẤN CÔNG

Để tràn ngập 3 cứ điểm cấp đại đội của quân đội VNCH dọc theo Tỉnh Lộ 7B, Sư Đoàn 9 CSBV dùng hai trung đoàn 95C và 272 với thêm trung đoàn thứ ba là 271 nằm trừ bị. Đêm 15 rạng 16 tháng 5/1974 sau màn pháo tập trung Trung Đoàn 95C và 272, bộ đội Bắc Việt được chiến xa yểm trợ nổ súng tấn công các cứ điểm Rạch Bắp, căn cứ 82 (Rinet) và An Điền trên Tỉnh Lộ 7B do Tiểu Đoàn 321 ĐPQ trấn giữ.

Tại căn cứ 82, đại đội Địa Phương Quân rút bỏ trưa ngày hôm sau khi các công sự phòng thủ bị sụp đổ dưới cơn mưa pháo. Trong khi đó quân đội VNCH giữ căn cứ Rạch Bắp đến sáng sớm ngày 17 tháng 5/1974 thì rút về hướng An Điền. Ở An Điền, các đơn vị VNCH kháng cự mãnh liệt nhưng đến chiều ngày 17 tháng 5 thì Bắc quân đã hoàn toàn kiểm soát dãy đất rộng 80 km vuông chạy dài 10 km dọc theo Tỉnh Lộ 7B từ Rạch Bắp đến An Điền. Tuyến giữa phòng ngự bảo vệ thủ đô Sàigòn của Quân Đoàn 3 bị vỡ một mảng lớn ngay khu vực Tam Giác Sắt.

Khoảng 4,500 dân tị nạn theo Tỉnh Lộ 7B chạy về Bến Cát. Lính Tiểu Đoàn 321 ĐPQ còn giữ được một đầu cầu nhỏ hẹp ở phía An Điền để phòng thủ cây cầu qua sông Thị Tính.

Trung Đoàn 95C giữ An Điền và căn cứ 82 sau khi thất bại trong nỗ lực chiếm cây cầu nối với Bến Cát, trong khi Trung Đoàn 272 sau khi chiếm Rạch Bắp theo Tỉnh Lộ 14 tiến về Phú Thứ và cầu Ông Tộ trong khu vực Phú Hoà Đông để vượt sông cắt đứt Quốc Lộ 13.
”Mekong-1-2

-->

Mặc dầu quân đội VNCH có lực lượng khá mạnh trong khu vực Bến Cát, nhưng vì đầu cầu của Địa Phương Quân quá nhỏ nên không đủ mạnh để yểm trợ cho nỗ lực vượt sông. Do khu vực chiến lược này liên quan trực tiếp đến an ninh thủ đô Sàigòn, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu 3 bắt đầu cho tăng viện khu vực Bến Cát. Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và Sư Đoàn 18 BB, lực lượng cơ động trừ bị ứng chiến của Quân Đoàn 3 sau ngày ngừng bắn, là nỗ lực chính của chiến dịch phản công, do Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn 3, thiết kế.

Chiến Đoàn 318 đến Bến Cát ngày 16 tháng 5/1974 và bắt đầu tăng cường bảo vệ đầu cầu của Địa Phương Quân trong khi Chiến Đoàn 322 cũng di chuyển từ Tây Ninh về thị xã Phú Cường rồi chuẩn bị ngăn chận Trung Đoàn 272 đang tiến xuống theo Liên Tỉnh Lộ 14. Hỏa lực yểm trợ pháo binh gồm có 36 đại bác đủ loại. Ngày 17 tháng 5/1974 không ảnh trinh sát cho thấy sự hiện diện của 2 chiến xa Bắc Việt trong căn cứ 82 và 4 chiếc khác trong căn cứ An Điền. Ngày kế Không Quân VNCH oanh kích tiêu diệt 2 chiến xa ở căn cứ 82.

GIAI ĐOẠN PHÒNG NGỰ

Được tin quân đội VNCH mở cuộc hành quân phản công, Mặt Trận B-2 ra lệnh cho Trung Đoàn 272 ngưng tấn công Phú Thứ để xây dựng trận địa chốt phòng ngự ở Rạch Bắp, căn cứ 82 và Đồi 25. Trung Đoàn 95C cũng chuẩn bị tương tự trong khu vực An Điền. Trung Đoàn 271 là trừ bị trong giai đoạn đầu tấn công cũng được đưa vào tham gia trận địa phòng ngự kiên cố.

Mặc dầu tình báo Quân Đoàn 3 biết khá chính xác thực lực và bố trí của Bắc quân trong khu vực Tam Giác Sắt, sau thắng lợi khá dễ dàng ở khu vực Phú Giáo, tướng Thuần quá chủ quan và đánh giá thấp sức mạnh cũng như khả năng kháng cự của Sư Đoàn 9 CSBV. Ông dự định quân đội VNCH sẽ tái chiếm lại 3 cứ điểm bị mất trên Tỉnh Lộ 7B vào ngày 22 tháng 5. Ông không ngờ là quân đội VNCH mất trên 2 tuần để tái chiếm An Điền, trên 4 tháng để tái chiếm căn cứ 82 và mãi đến cuối tháng 11 mới chiếm lại được Rạch Bắp.

AN ĐIỀN

Ngày 22 tháng 5/1974 Quân Đoàn 3 cho mở cuộc hành quân phản công chiếm lại khu vực phòng ngự chiến lược bị mất. Từ Bến Cát, Chiến Đoàn 318 vượt sông Thị Tính tấn công An Điền từ hướng tây trong khi từ Phú Thứ ở phía bắc thị xã Phú Cường, Trung Đoàn 43 của Sư Đoàn 18 BB và Chiến Đoàn 322 tấn công về Rạch Bắp và Đồi 82 từ phía nam theo Liên Tỉnh Lộ 14. Từ phía nam Lai Khê, Liên Đoàn 7 BĐQ hình thành một gọng kềm tấn công căn cứ 82 từ phía bắc. Đang hành quân ở khu vực Tân Uyên (Biên Hòa), Trung Đoàn 43 của Sư Đoàn 18 BB do Đại Tá Lê Xuân Hiếu chỉ huy được lệnh di chuyển sang Bến Cát để ngăn chận Bắc quân vượt sông Thị Tính ở khu vực hai xã Phú Thứ và Tân An.

Ở hướng nam, sau khi tiến được khoảng 5 km thì Trung Đoàn 43 BB bị chặn đứng trong khi Chiến Đoàn 322 gặp địa hình khó khăn cũng không tiến được xa. Ở hướng đông cây cầu qua sông Thị Tính bị hư hại do hỏa lực pháo binh Bắc quân nên không đủ mạnh cho chiến xa vượt qua. Công binh chiến đấu VNCH phải sửa cầu dưới hỏa lực pháo của Bắc quân nên tiến bộ rất chậm. Ở hướng bắc, Liên Đoàn 7 BĐQ cũng bị cầm chân bởi các chốt phòng ngự dày đặt của Bắc quân trong khu vực rừng già và rừng cao su phía bắc căn cứ 82. Không tiến được trên bộ, quân đội VNCH tiếp tục dội pháo vào An Điền trong khi hỏa lực phòng không dữ dội của Bắc quân khiến các hoạt động không yểm kém phần hữu hiệu.

Ngày 24 tháng 5 Sư Đoàn 25 BB từ Gò Dầu Hạ tấn công vào khu vực Bời Lời cũng như từ Phú Hoà tấn công dọc theo sông Sàigòn để gây áp lực giam chân Trung Đoàn 271 trừ bị của Sư Đoàn 9 CSBV.

Ngày 25 tháng 5 tướng Thuần họp với Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư Đoàn 18 BB, và Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, tư lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh, về tiến triển của cuộc hành quân. Ngày 27 tháng 5 Trung Đoàn 43 BB đang cách An Điền 7 km về phía nam và Liên Đoàn 7 BĐQ được lệnh tiếp tục tấn công nhưng vẫn không có tiến bộ trong khi Tiểu Đoàn 64 BĐQ trực thuộc Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh vượt sông Thị Tính sang khu vực An Điền.

Ngày 28 tháng 5 tướng Thuần cho thay đổi kế hoạch hành quân, giao cho tướng Đảo chỉ huy toàn bộ chiến dịch bao gồm Liên Đoàn 7 BĐQ và các thành phần của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và ra lệnh di chuyển Trung Đoàn 52 BB từ khu vực Phú Giáo vào tăng cường cho nỗ lực tái chiếm An Điền. Tướng Đảo đề nghị cho tướng Khôi tiếp tục đánh và dội pháo thêm hai ngày trong khi ông đang điều quân và chuẩn bị kế hoạch tấn công. Tướng Đảo bàn với tướng Khôi cho bắn pháo thật nhiều từ hướng Bến Cát để làm kế nghi binh trong khi Công Binh Chiến Đấu của Quân Đoàn 3 bắt cầu nổi cho lính Sư Đoàn 18 BB vượt sông Thị Tính ở phía nam Bến Cát vào nửa đêm 30 tháng 5 rạng sáng ngày 1 tháng 6. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, tư lệnh phó hành quân Quân Đoàn 3 cũng có mặt để theo dõi diễn tiến cuộc hành quân.

Ngày 1 tháng 6 hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 52 BB vượt sông Thị Tính phía nam của Bến Cát tấn công vào tuyến phòng thủ phía nam An Điền do Trung Đoàn 95C giữ trong khi một cánh quân khác của Sư Đoàn 18 BB từ Bến Cát tấn công vào An Điền từ hướng đông. Tổn thất hai bên đều cao. Sư Đoàn 9 CSBV phản công với sự yểm trợ của 10 chiến xa. Trung Đoàn 52 BB phải đưa tiểu đoàn thứ ba vào tham gia phòng ngự.

Công binh Chiến Đấu VNCH cũng hoạt động suốt đêm để tháo gỡ gần 40 quả mìn chống chiến xa trên đường vào An Điền. Đến ngày 3 tháng 6 thì tổn thất của Trung Đoàn 52 BB gia tăng trong khi Trung Đoàn 43 BB vẫn bị cầm chân ở phía nam An Điền. Tướng Đảo phải đưa Trung Đoàn 48 BB với hai tiểu đoàn vượt sông Thị Tính phía nam Bến Cát vào khu vực Tam Giác Sắt vào đêm 2 tháng 6.

Chiến sự diễn ra ác liệt ở An Điền trong ngày 3 tháng 6 khi lính Sư Đoàn 18 BB bắn cháy 4 chiến xa Bắc Việt. Ngày 4 tháng 6 lính Sư Đoàn 18 BB tái chiếm lại An Điền sau khi tiêu diệt vị trí kháng cự cuối cùng của Trung Đoàn 95C được tăng cường một số đơn vị của Trung Đoàn 271.

Sư Đoàn 18 BB có hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 48 và hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 52 giữ An Điền cùng với hai tiểu đoàn BĐQ của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh giữ cầu An Điền và phòng thủ phía bắc căn cứ An Điền. Trong thời gian này Trung Đoàn 43 BB và Liên Đoàn 7 BĐQ tiếp tục bị cầm chân ở phía nam An Điền và phía bắc căn cứ 82.



Trung Đoàn 95C của Bắc Việt gần như bị xóa tên ở An Điền. Tiểu Đoàn 9 của trung đoàn này chỉ còn 14 cán binh sót trong khi một đại đội của Tiểu Đoàn 8 chỉ còn một người duy nhất sống sót. Sư Đoàn 18 BB cũng bị tổn thất khá nặng nhưng không ở mức độ khủng khiếp như Sư Đoàn 9 CSBV, với trên 100 chết, trên 200 bị thương khá nặng và khoảng 200 bị thương nhẹ. Đêm 5 tháng 6 hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 271 CSBV phản công ở An Điền từ hai hướng, được 14 chiến xa yểm trợ. Lính Sư Đoàn

18 BB giữ vững vị trí, bắn cháy 6 chiến xa T-54, tịch thu 2 chiếc bị mắc lầy ở sông Thị Tính và gây hư hại cho 5 chiếc khác. Hai chiến xa tịch thu được đưa về triển lãm ở bộ tư lệnh Sư Đoàn 18 BB ở Xuân Lộc và trong Dinh Độc Lập ở Sàigòn.

CĂN CỨ 82 (RINET)

Ngày 7 tháng 6 sau khi Công Binh VNCH hoàn tất việc sửa chửa cầu An Điền, Chiến Đoàn 318 vượt sông Thị Tính và An Điền để tấn công vào căn cứ 82 dọc theo Tỉnh Lộ 7B từ hướng đông. Trong khi Trung Đoàn 52 BB tiếp tục giữ An Điền, hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 48 BB di chuyển về phía tây bảo vệ sườn nam của Chiến Đoàn 318.

Trung Đoàn 271 CSBV phòng thủ căn cứ 82 với một hệ thống phòng ngự chiều sâu với hệ thống chốt kiềng hổ tương dày đặt và kiên cố. Ở mỗi chốt, ngoài lực lượng và hỏa lực ở hướng chính diện còn có các cụm hỏa lực bảo vệ bên sườn. Các chốt được xây dựng thành cụm chốt với khả năng chi viện bổ sung hỏa lực cho nhau. Công sự chiến đấu và hầm hào trú ẩn trên chốt được đào sâu, trên lấp đất dầy cao ngang với địa hình khu vực để hạn chế hiệu quả của bom pháo. Hệ thống chiến hào được xây dựng nối liền các chốt trong trận địa chốt cũng như nối với phía sau thành một thế liên hoàn chặc chẻ. Bắc quân cũng xây dựng các chốt giả nghi binh để thu hút bom pháo của quân đội VNCH.

Quyết tâm bảo vệ khu vực chiến lược vừa chiếm được, Mặt Trận B-2 tăng cường cho căn cứ 82 Trung Đoàn 141 của Sư Đoàn 7 CSBV đang hoạt động ở gần Lai Khê. Sư Đoàn 9 CSBV cũng bắt đầu chuyển Trung Đoàn 272 đang kềm chân Trung Đoàn 43 BB ở phía nam khu vực Tam Giác Sắt về phía bắc để tăng cường bảo vệ căn cứ 82 và Rạch Bắp.

Khu rừng cao su dày dặt ở phía tây bắc và khu vực đầy bụi rậm ở phía nam căn cứ 82 cung cấp các vị trí phòng ngự tốt cũng như trạm quan sát các hoạt động trên con đường độc đạo tiến quân của quân đội VNCH (Liên Tỉnh Lộ 7B). Con đường độc đạo nhỏ hẹp này với các bụi cỏ hoang hai bên đường cao quá đầu người hạn chế tầm quan sát của phe tấn công trong khi trở thành mục tiêu tác xạ chết chóc cho trận địa pháo Bắc quân, các chốt vũ khí cộng đồng và bắn sẽ từ các vị trí che dấu kín đáo. Ngoài sự yểm trợ của đại bác và súng cối, Bắc quân cũng được trang bị nhiều hỏa tiển B-41 và đại bác không giật loại mới 82 ly chống chiến xa.

Ngày 8 tháng 6 Chiến Đoàn 318 đến Đồi 25, cách căn cứ 82 khoảng 1 km và đụng trận với lính Trung Đoàn 271 CSBV với tổn thất nhẹ. Lạc quan trước kết quả này, tướng Thuần bảo tướng Đảo về việc tái chiếm lại căn cứ 82 vào ngày 15 tháng 6 nhưng ngày 10/06 Chiến Đoàn 318 đụng trận nặng khi Trung Đoàn 271 CSBV được 4 chiến xa và hỏa lực pháo binh hùng hậu phản công. Chiến Đoàn 318 không tiến thêm được khi cách căn cứ 82 khoảng 800 mét trước bãi mìn chống chiến xa và hỏa lực đại bác không giật 82 ly.

Tướng Thuần ra lệnh cho tướng Khôi điều động Chiến Đoàn 315 đang ở Bến Cát vào tăng viện cho Chiến Đoàn 318, di chuyển về phía tây nam để tấn công căn cứ 82 từ phía nam trong khi ở hướng nam, sau khi biết được Trung Đoàn 272 CSBV rút về phía bắc để tăng cường bảo vệ Rạch Bắp và căn cứ 82, tướng Đảo rút Trung Đoàn 43 BB về làm trừ bị sư đoàn, chỉ để lại một tiểu đoàn giữ khu vực Phú Thứ.

Trưa ngày 12 tháng 6/1974 khi Chiến Đoàn 315 đã sẵn sàng vào vị trí tấn công thì tướng Đảo cho thay đổi kế hoạch tấn công căn cứ 82 bằng hai gọng kềm. Ông cho rút Chiến Đoàn 318 để bảo vệ hướng đông của Bến Cát đang bị suy yếu sau khi Chiến Đoàn 315 được sử dụng. Chiến Đoàn 315 cũng gặp nhiều khó khăn do địa thế bất lợi cộng với hỏa lực pháo binh chính xác và chết chóc của Bắc quân. Khi Chiến Đoàn 318 rút lui, đơn vị này đã vào gần sát với căn cứ 82 hơn là Chiến Đoàn 315 vào thay để tấn công.

Tướng Đảo lại phải thay đổi kế hoạch tấn công, cho Chiến Đoàn 315 lui về vị trí phòng ngự phía đông nam căn cứ 82 trong khi hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 43 BB (trừ bị sư đoàn) và hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 52 BB được tập trung vào khu vực rừng cao su để tấn công căn cứ 82 từ hướng bắc.

Đến ngày 15 tháng 6 thì Trung Đoàn 43 BB cũng không tiến được xa trước sự kháng cự dữ dội của Bắc quân. Tổn thất của quân đội VNCH tiếp tục gia tăng và các đơn vị tham chiến bắt đầu kiệt sức. Cấp số đạn pháo binh bị hạn chế nhiều trong khi thời tiết xấu khiến hoạt động không yểm không thực hiện được. Tướng Thuần phải cho ngưng tấn công để hoạch định lại lối đánh mới.

Sau hơn một tháng chiến đấu ác liệt, Sư Đoàn 18 BB bắt đầu kiệt sức. Thay vì thay thế Sư Đoàn 18 BB, tướng Thuần sử dụng lực lượng thiết giáp một lần nữa, ra lệnh cho Chiến Đoàn 318 và 322 trở lại khu vực Tam Giác Sắt, tấn công căn cứ 82 dọc theo Tỉnh Lộ 7B và phía bắc con đường này.
”Mekong-1-3

-->

Sử dụng hữu hiệu hỏa lực chống chiến xa, đặc biệt là SKZ 82 ly, bộ đội Bắc Việt bắn cháy 11 chiến xa M-48 và 13 thiết vận xa M-113 từ 27 tháng 6 và 1 tháng 7, dù Pháo Binh VNCH đã bắn 43,000 quả đạn pháo và Không Quân VNCH bay 250 phi vụ oanh kích. Trung Đoàn 43 BB cố gắng một lần nữa tấn công vào căn cứ 82 từ phía nam vào ngày 1 tháng 7 nhưng cũng không thành công.

Ngày 2 tháng 7 tướng Thuần quyết định thay thế Sư Đoàn 18 BB và các chiến đoàn kỵ binh đã bị kiệt sức bằng Sư Đoàn 5 BB. Ông muốn hoạt động thay quân được tiến hành từ từ để có thể duy trì áp lực lên khu vực căn cứ 82.

Do phải duy trì quân phòng thủ Lai Khê, Sư Đoàn 5 BB được tăng cường Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 BB và hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 50 của Sư Đoàn 25 BB trong khu vực Tam Giác Sắt. Trung Đoàn 7 của Sư Đoàn 5 BB được giao nhiệm vụ tấn công.

Trên một địa bàn hẹp, có đoạn chỉ có 4 km giữa hai con sông Sàigòn và Thị Tính, Quân Đoàn 3 của VNCH đã dùng hỏa lực phi pháo bắn phá ác liệt. Trong vòng một tháng trời, từ 6 tháng 6 đến 7 tháng 7, Pháo Binh VNCH đã bắn 174,000 quả đạn đại bác trong khi Không Quân VNCH bay 1,104 phi vụ oanh kích. Tướng Đảo cũng thay đổi chiến thuật sau khi hướng tấn công chính trên Liên Tỉnh Lộ 7B bị chận đứng. Ông cho mở các đợt tấn công mạnh kết hợp bộ binh-thiết kỵ vào hai bên sườn để khi Bắc quân dãn quân ra chống cự thì tập trung lực lượng đột kích nhanh và bất ngờ vào hướng chính diện.

Về phía Bắc quân cũng có những thay đổi quan trọng, sau khi dưỡng quân và tái trang bị, Trung Đoàn 95C trở lại bảo vệ căn cứ 82 trong khi Trung Đoàn 272 tiếp tục bảo vệ phía nam của Tỉnh Lộ 7B. Trung Đoàn 271 bảo vệ hướng tiến vào căn cứ 82 ở hướng bắc và đông bắc. Trung Đoàn 141 của Sư Đoàn 7 CSBV cũng rút về khu vực hoạt động củ ở phía bắc Lai Khê để dưỡng quân và bổ sung quân số trong khi Trung Đoàn 42 Pháo Binh vào thay cho Trung Đoàn 75 Pháo Binh di chuyển về yểm trợ cho Sư Đoàn 7 CSBV.

Trong hai tháng 7 và 8 năm 1974, Sư Đoàn 5 BB duy trì thế trận trong khi Mặt Trận B-2 cho Trung Đoàn 141 của Sư Đoàn 7 CSBV vào thay Trung Đoàn 95C giữ căn cứ 82 ngay trước khi quân đội VNCH mở cuộc tấn công mới.

Trung Đoàn 8 BB vào thay Trung Đoàn 7 BB với nhiệm vụ cắm cờ VNCH trên căn cứ 82 vào mùa thu 1974. Trước khi tấn công căn cứ vào ngày 7 tháng 9 đơn vị gởi một toán trinh sát vào sát vòng đai căn cứ để thăm dò.

Sử dụng Tiểu Đoàn 1/8 và 2/8 BB cùng Đại Đội 5 Trinh Sát, được yểm trợ bởi một chiến đoàn thiết giáp (3 chiến xa M-41, 3 chiến xa M-48, 3 thiết vận xa M-113) Trung Đoàn 8 BB tấn công căn cứ 82 theo hai gọng kềm dọc theo hai bên Tỉnh Lộ 7B.

Khi hai cánh quân này vào sát vòng đai căn cứ thì gặp phải hệ thống phòng ngự vững chắc với bãi mìn cùng nhiều vòng rào kẽm gai, một màn hỏa lực hùng hậu bắn trả từ nhiều hướng cùng cơn mưa pháo cối 120 ly.

Ngày 8 tháng 9 mưa rơi khiến các hoạt động không yểm không thực hiện được trong khi Bắc quân gia tăng cường độ pháo lên đến 1,600 đạn pháo/giờ và phản công ở hai hướng với thiết giáp yểm trợ. Trung Đoàn 8 BB và đơn vị thiết giáp phải lùi lại để tránh bị bao vây. Lính Trung Đoàn 8 BB xây dựng tuyến phòng thủ mới ở Đồi 25.

Với chiến thắng nằm trong tầm tay, biến cố này khiến tướng Thuần thất vọng và nổi giận khi ông biết được Trung Đoàn 8 BB chỉ có tổn thất nhẹ. Tướng Thuần cho thay thế trung đoàn trưởng và Trung Đoàn 9 BB vào thay Trung Đoàn 8 BB để mở cuộc tấn công mới. Khi Trung Đoàn 9 BB vào vị trí chuẩn bị tấn công ở Đồi 25 thì quân số chiến đấu của các tiểu đoàn đã giảm xuống dưới 300 lính sau những tổn thất từ khi chiến dịch đột kích chiến lược của Mặt Trận B-2 mở màn ở Miền Đông Nam Phần vào tháng Năm 1974.

Trong tháng 9/1974, Trung Đoàn 9 BB cho tiến hành các hoạt động trinh sát, hoạch định lối đánh mới cũng như cũng cố vị trí chiến đấu. Phía Bắc quân, Trung Đoàn 95C trở lại thay cho Trung Đoàn 141 bảo vệ căn cứ 82.

Ngày 19 tháng 9 Trung Đoàn 9 BB tấn công vào căn cứ 82 với Tiểu Đoàn 2/9 và 3/9 tiến hai bên Tỉnh Lộ 7B, bảo vệ bởi thiết giáp ở sườn trái và hai tiểu đoàn BĐQ ở sườn mặt, Tiểu Đoàn 1/9 là đơn vị trừ bị. Được sự yểm trợ hữu hiệu của pháo binh cũng như các hoạt động trinh sát mở đường xuất sắc, lính Trung Đoàn 9 BB bứng từng chốt một trong hệ thống phòng thủ chốt hổ tương dày đặt do Sư Đoàn 9 CSBV thiết lập dọc theo hướng tấn công độc đạo của quân đội VNCH.

Mặc dầu bộ đội Bắc Việt kháng cự dữ dội dưới sự yểm trợ mạnh mẽ và chính xác của pháo binh, các vị trí phòng ngự dần dần lọt vào tay quân đội VNCH.

Ngày 29 tháng 9 Tiểu Đoàn 1/9 BB vào thay Tiểu Đoàn 3/9 BB đã kiệt sức để tiếp tục thế tấn công. Ngày 2 tháng 10 Tiểu Đoàn 2/46 của Sư Đoàn 25 BB cũng được đưa vào trợ lực cho Tiểu Đoàn 2/9 BB.

Sáng ngày 4 tháng 10/1974 sau màn pháo tập trung 100 đạn 155 ly của quân đội VNCH vào căn cứ, hỏa lực chống trả của Bắc quân yếu dần và đến trưa thì lính Bắc quân bắt đầu rút lui khỏi căn cứ. Tiểu Đoàn 1/9 BB cắm cờ VNCH lên căn cứ 82 vào lúc 3 giờ chiều ngày 4 tháng 10, chấm dứt 4 tháng chiến đấu đẫm máu. Tại Đồi 25, Tiểu Đoàn 1 và 3 của Trung Đoàn 271 và Tiểu Đoàn 9 của Trung Đoàn 95C gần như bị tiêu diệt hoàn toàn sau những trận đánh giành giật đẫm máu dưới những cơn mưa bom đạn bất tận.

RẠCH BẮP

Sau khi quân đội VNCH chiếm lại căn cứ 82, tình hình chiến sự trong khu vực Tam Giác Sắt trở nên yên tỉnh. Tướng Thuần cho lính Sư Đoàn 5 BB nghĩ dưỡng quân, đưa Sư Đoàn 25 BB mở cuộc hành quân tảo thanh ở khu vực Hố Bò, phía tây khu vực Tam Giác Sắt.

An Điền và căn cứ 82 được bàn giao cho Địa Phương Quân tỉnh Bình Dương và Biệt Động Quân trong khi Bộ Tham Mưu Quân Đoàn 3 hoạch định kế hoạch tái chiếm lại căn cứ Rạch Bắp cũng như tảo thanh khu vực Phú Thứ và Phú Hòa ở phía tây khu vực Tam Giác Sắt.

Tuy nhiên trước khi kế hoạc hành quân này được thực hiện thì Trung Tướng Phạm Quốc Thuần bị mất chức Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cùng với Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn (Quân Đoàn 2) và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (Quân Đoàn 4) vào ngày 30 tháng 10/1974 trước áp lực của phong trào chống tham nhũng. Tướng Thuần hoán chuyển chức vụ với Trung Tướng Dư Quốc Đống đang chỉ huy Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế ở Nha Trang.

Tướng Đống khảo sát tình hình khu vực Tam Giác Sắt và kế hoạch hành quân tái chiếm Rạch Bắp, sửa đổi chút ít và cho khởi động hành quân Quyết Thắng 18/24 vào ngày 14 tháng 11/1974.

Trung Đoàn 9 của Sư Đoàn 5 BB tấn công dọc theo Tỉnh Lộ 7B từ hướng đông. Trung Đoàn 48 và 52 của Sư Đoàn 18 BB vượt sông Thị Tính ở phía nam Bến Cát tấn công về phía tây dọc theo sông Sàigòn. Trung Đoàn 46 tăng cường một tiểu đoàn của Trung Đoàn 50 của Sư Đoàn 25 BB di chuyển vào khu vực đồn điền gần Phú Hòa để làm nút chặn, ngăn chận nỗ lực vượt sông Sàigòn của Bắc quân trong khu vực Tam Giác Sắt. Trung Đoàn 50 của Sư Đoàn 25 BB với hai tiểu đoàn còn lại đã có mặt ở phía nam Rạch Bắp.

Tuy nhiên chỉ có những trận đụng độ nhỏ và ngày 20 tháng 11. Đại Đội Trinh Sát của Trung Đoàn 9 BB cắm cờ VNCH lên căn cứ Rạch Bắp. Quân đội VNCH tiếp tục các hoạt động tảo thanh trong khu vực, đặc biệt là dọc theo Liên Tỉnh Lộ 14 và bờ sông Sàigòn cho đến ngày 24 tháng 11.

Chiến dịch Tam Giác Sắt là chiến dịch dài nhất và đẫm máu nhất trong các chiến dịch đột kích chiến lược ở Miền Đông Nam Phần của Mặt Trận B-2.

Sư Đoàn 9 CSBV cùng Trung Đoàn 141 từ Sư Đoàn 7 CSBV sử dụng địa hình thiên nhiên thuận lợi, xây dựng hệ thống phòng ngự dày đặt kiên cố và áp dụng kinh nghiệm chốt chận kết hợp với tấn công của Sư Đoàn 7 CSBV ở khu vực Suối Tàu Ô trên Quốc Lộ 13 trong mùa hè 1972 đã đánh trả quyết liệt cuộc phản công mạnh mẽ của Quân Đoàn 3 suốt 6 tháng trời trên một đoạn đường chỉ dài 10 km. Sư Đoàn 9 CSBV và Trung Đoàn 141 của Sư Đoàn 7 CSBV do đó bị thiệt hại hết sức nặng nề sau 135 ngày đêm chiến đấu hết sức căng thẳng và quyết liệt. Chỉ riêng Sư Đoàn 9 CSBV đã có trên 7,200 thương vong (chết và bị thương) nên phải xây dựng lại từ đầu. Tiểu Đoàn 22 Thiết Giáp có 18 chiến xa bị quân đội VNCH bắn cháy hay gây hư hại.

Do vấn đề an ninh sống còn của thủ đô Sàigòn, Quân Đoàn 3 đã sử dụng tổng cộng 26 tiểu đoàn bộ chiến cùng Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh được Sư Đoàn 3 Không Quân cùng một bộ phận của Sư Đoàn 4 Không Quân yểm trợ hỏa lực để tái chiếm lại khu vực quan trọng này. Tổn thất của quân đội VNCH cũng lên đến 3,500 thương vong cùng với 57 chiến xa và thiết vận xa bị bắn cháy hay hư hại. Sư Đoàn 18 BB và Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh bị tổn thất khá nặng.

PHÚ GIÁO
”Mekong-1-4

-->

Cùng lúc với cuộc tấn công vào khu vực Tam Giác Sắt của Sư Đoàn 9 CSBV, Sư Đoàn 7 CSBV mở hướng tấn công phối hợp trong quận Phú Giáo để giam chân chủ lực Quân Đoàn 3, cô lập căn cứ Phước Vĩnh và uy hiếp thị xã Phú Cường. Sau khi chiếm căn cứ Chí Linh trên Quốc Lộ 14, Trung Đoàn 141 của Sư Đoàn 7 CSBV tiếp tục duy trì áp lực lên Chơn Thành và cắt đứt Quốc Lộ 14 giữa Chơn Thành và Đôn Luân (Đồng Xoài) cho đến khi được lệnh tăng cường cho Sư Đoàn 9 CSBV bảo vệ khu vực Tam Giác Sắt trong khi hai trung đoàn còn lại chuẩn bị tham gia tấn công khu vực Phú Giáo.

Trọng tâm của Bắc quân ở khu vực này là cây cầu chiến lược bắt qua sông Bé ở Phú Giáo. Chiếm được cây cầu này, Bắc quân sẽ cắt đứt Liên Tỉnh Lộ 1A, cô lập căn cứ Phước Vĩnh và uy hiếp thị xã Phú Cường cũng như khu vực Tân Uyên và phi trường Biên Hòa.

Trung Đoàn 165 có nhiệm vụ cắt Liên Tỉnh Lộ 1A ở phía nam cầu Sông Bé trong khi Trung Đoàn 209 có nhiệm vụ chiếm cầu. Cầu Sông Bé thuộc trách nhiệm của Tiểu Đoàn 322 ĐPQ trong khi Trung Đoàn 7 và 8 của Sư Đoàn 5 BB cùng Chiến Đoàn 318 bảo vệ Liên Tỉnh Lộ 1A từ căn cứ Phước Vĩnh đến khu vực Bố Lá ở phía nam cầu Sông Bé.

Qua tin tình báo chính xác, Trung Đoàn 8 BB mở cuộc hành quân tấn công vào khu vực tập kết của Trung Đoàn 209 CSBV, gây thiệt hại đáng kể nên hai tiểu đoàn của trung đoàn này thất bại trong nỗ lực chiếm cầu Sông Bé.

Tiểu Đoàn 322 ĐPQ đánh bật các đợt tấn công, giữ vững cây cầu chiến lược và khu vực xung quanh. Ở phía nam trong khu vực Bố Lá, Trung Đoàn 165 Bắc Việt thành công cắt đứt Liên Tỉnh Lộ 1A và chặn quân tăng viện cho cầu Sông Bé nhưng Sư Đoàn 5 BB gởi Trung Đoàn 7 BB và Chiến Đoàn 315 giải tỏa đoạn đường bị cắt và gây nhiều tổn thất nặng cho Bắc quân trong khi chỉ bị tổn thất nhẹ. Đến ngày 23 tháng 5, quân đội VNCH đã giải tỏa hoàn toàn Liên Tỉnh Lộ 1A từ khu vực bị cắt đến căn cứ Phước Vĩnh dù Bắc quân tăng viện thêm một tiểu đoàn từ Trung Đoàn 141.

Cuộc tấn công phối hợp ở hướng đông tỉnh Bình Dương là một thất bại hoàn toàn cho Mặt Trận B-2 dù hai trung đoàn Bắc quân tiếp tục hiện diện trong khu vực. Thất bại này, theo tướng Trần Văn Trà, cho phép Quân Đoàn 3 sử dụng toàn bộ Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh và Sư Đoàn 18 BB cùng các thành phần của Sư Đoàn 5 BB và Liên Đoàn 7 BĐQ gây thiệt hại hết sức nặng nề cho Sư Đoàn 9 CSBV trong chiến dịch Tam Giác Sắt đẫm máu.

Ngày 20 tháng 7/1974 khi chiến trận vẫn đang diễn ra ác liệt trong khu vực Tam Giác Sắt, thực hiện quyết định chuẩn bị đánh lớn với các "quả đấm mạnh" (các quân đoàn chủ lực gồm nhiều đơn vị binh chủng hợp thành có khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh và sức đột kích lớn) của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương, tại suối Bà Chiêm gần Lộc Ninh, Phạm Hùng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Trung Ương Cục Miền Nam và Quân Ủy Miền công bố quyết định thành lập Quân Đoàn 4 hay Binh Đoàn Cửu Long do Thiếu Tướng Hoàng Cầm chỉ huy và Thiếu Tướng Hoàng Thế Thiện là chính ủy.

Phụ tá của Thiếu Tướng Hoàng Cầm là các Đại Tá Bùi Cát Vũ, Nguyễn Huỳnh Ngân, Hoàng Nghĩa Khánh, Lê Thanh. Quân Đoàn 4 gồm có Sư Đoàn 7 và 9 CSBV cùng các đơn vị yểm trợ chiến đấu như Trung Đoàn 429 Đặc Công, Trung Đoàn 24 Pháo Binh, Trung Đoàn 71 Phòng Không, Trung Đoàn 25 Công Binh, Trung Đoàn 69 Thông Tin và các đơn vị trực thuộc khác, là quả đấm chủ lực mạnh và lực lượng cơ động của Bộ trên chiến trường B-2.

Chiến dịch Tam Giác Sắt cho thấy hậu quả của việc quân viện bị cắt giảm trầm trọng dẫn đến khả năng yểm trợ hỏa lực không còn hùng hậu như trước đây để giảm thiểu tổn thất, thay thế bằng xương máu ngày càng gia tăng của những người lính Miền Nam. Với việc toàn bộ lực lượng tổng trừ bị cơ động chiến lược (Sư Đoàn Nhảy Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến) vẫn còn bị "giam chân" ngoài Quân Khu 1, các đơn vị cơ hữu của Quân Đoàn 3 do đó phải chịu thiệt hại khá nặng để bảo vệ vòng đai an ninh cho thủ đô Sàigòn.

Đến cuối năm 1974 thì Tổng Thống Thiệu có lẽ cũng thấy được sự mất quân bình này và khả năng "cắt đất, mua thời gian" để Miền Nam còn khả năng sống còn. Nhưng phải đợi đến sau khi Ban Mê Thuột thất thủ và tình hình trở nên nghiêm trọng và sự vô vọng về gia tăng quân viện , ông mới cho tiến hành vội vã chiến lược "Đầu Bé Đít To" vẫn đến sự sụp đổ của Miền Nam.
Mê Kông

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn