BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cuộc Hành Quân Attleboro

26 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 2223)
Cuộc Hành Quân Attleboro
51Vote
44Vote
30Vote
20Vote
14Vote
2.89

Phần I


Tháng 9, ngày 14 năm 1966, Lữ Đoàn 196 Bộ Binh Hoa Kỳ đang tham dự trong một cuộc hành quân thao dợt tại Việt Nam. "Hành quân thao dợt" có nghĩa là một chiến dịch hành quân càn quét ngắn hạn, tương đối nhỏ, để sau đó các cấp chỉ huy sẽ quan sát và đánh giá khả năng tác chiến của lữ đoàn này. Cuộc hành quân đang tiến hành tốt đẹp thì đột nhiên phực lửa và bùng nổ dữ dội. Trận ác chiến giữa các đơn vị lục quân Hoa Kỳ và Việt Cộng kéo dài mãi cho đến ngày 24 tháng 11 mới chấm dứt.

Trong trận này có sự tham dự của vài đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 và 25 Bộ Binh Hoa Kỳ, Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ, vài tiểu đoàn Việt Nam Cộng Hòa, toán lực lượng đặc biệt "Mike Force," và luôn cả các phi vụ không-yểm Hoa Kỳ phụ trách. Tổng cộng bao gồm 22 ngàn binh sĩ của quân đội đồng minh. Đây là trận chiến lớn nhất cho Hoa Kỳ kể từ khi quốc gia này can thiệp vào tình hình chiến sự tại Việt Nam. Ngày 6 tháng 11/1966, các đơn vị tham chiến được đặt dưới quyền của một bộ chỉ huy đặc-nhiệm ở cấp sư đoàn. Bộ chỉ huy này điều khiển cuộc hành quân cho đến ngày 25 tháng 11 năm 1966.

o O o

Thành lập vào tháng 8 năm 1965 tại căn cứ Fort Devens ở tiểu bang Massachusetts, Lữ Đoàn 196 Bộ Binh là một lực lượng bộ-chiến trang bị nhẹ, với số lượng quân cụ tối thiểu, để có thể mau chóng phản ứng trong tình trạng khẩn thiết. Mùa hè năm 1966, lữ đoàn này nhận lệnh sang Việt Nam. Họ được di chuyển bằng tàu bè lẫn phi cơ, và đến nơi vào tháng 8 năm 1966. Cuộc hành quân Attleboro (đặt theo tên của một thành phố ở tiểu bang Massachusetts) là chiến dịch quân sự đầu tiên của Lữ Đoàn 196. Ngày 14 tháng 9 năm 1966, từ một căn cứ nằm về phía Tây thị xã Tây Ninh, cuộc hành quân chính thức bắt đầu.Vì đây là trận thử lửa đầu tiên của lữ đoàn, nên thượng cấp không giao phó các nhiệm vù táo bạo hay cam go. Theo kế hoạch hành quân, vài đơn vị cấp tiểu đoàn sẽ được trực-thăng vận vào vùng phía Bắc, Đông và Nam của Tây Ninh từ Trại Bí đến Suối Đá và Dầu Tiếng. Vùng hoạt động bao gồm luôn đồn điền cao su Michelin ở ngoại ô Dầu Tiếng. Lữ Đoàn 196 lãnh trách nhiệm lục soát về phía Nam mật khu Dương Minh Châu (còn được gọi là Chiến Khu "C"). Vùng này, và luôn cả khu vực Chiến Khu D (nằm về phía Đông và Nam của tỉnh Phước Long) đã từng được các lực lượng Việt Minh xử dụng trong thời kháng chiến chống Pháp. Về sau, trong cuộc chiến "chống Mỹ," những mật khu này vẫn tiếp tục được quân đội Bắc Việt lẫn Việt Cộng miền Nam xử dụng.Trong cuộc hành quân Attleboro, nhiệm vụ của lữ đoàn được phân thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, 14 tháng 9 đến 31 tháng 10/1966, chỉ gồm các cuộc chuyển quân thám kích. Trong đó vài vụ chạm súng với Việt Cộng xảy ra, rời rạc và lẻ tẻ, không gì quan trọng. Lữ đoàn tịch thâu một số lượng đáng kể vũ khí và thực phẩm của địch quân.Cả ba tiểu đoàn chủ lực thuộc Lữ Đoàn 196 đều tham dự cuộc hành quân này. Tiểu Đoàn 2/1 (đọc là "Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 1"), dưới quyền điều khiển của Trung Tá Charles "Pete" Weddle, mở đầu với cuộc hành quân trực-thăng vận vào ngày 14 tháng 9 đi sâu vào vùng đất giữa Tây Ninh và Dầu Tiếng. Kế tiếp, ngày 18 tháng 9, Tiểu Đoàn 4/31 của Trung Tá Hug Lynch được trực thăng bốc vào phía Bắc khu vực hành quân của Tiểu Đoàn 2/1. Sau vài vụ chạm súng lẻ tẻ, tiểu đoàn này được mang trở về căn cứ vào ngày 25 tháng 9.





Ngày 6 tháng 10, Tiểu Đoàn 4/31 mở cuộc hành quân truy-lùng và tiêu-diệt. Cuộc hành quân được thực hiện trong vùng đất mà Tiểu Đoàn 2/1 đã hoàn tất và rút đi vào ngày 21 tháng 9. Tiểu Đoàn 4/31 thi hành nhiệm vụ cho đến ngày 14 tháng 10. Trong những ngày đó, hai cán binh Việt Cộng bị bắn chết trong vài vụ chạm súng nhỏ. Tiểu Đoàn 3/21 do tôi (Trung Tá Charles K. Nulsen, tác giả bài này) chỉ huy được trao nhiệm vụ phòng thủ căn cứ của Lữ Đoàn 196 tại Tây Ninh. Ở Giai Đoạn 1 này, Chuẩn Tuớng Edward H. DeSaussure là vị sĩ quan chỉ huy trưởng của cuộc hành quân (ông cũng là tư lệnh của Lữ Đoàn 196).Giai Đoạn 2 của chiến dịch (vẫn còn nằm dưới quyền điều khiển của Chuẩn Tướng DeSaussure) được khởi động vào ngày 1 tháng 11, sau đó kết thúc vào ngày 5. Số lượng thực phẩm tịch thâu của Cộng quân tăng lên rất nhiều. Phi cơ được gọi đến để chở hết về Dầu Tiếng. Viên tư lệnh của Sư Đoàn 25 Bộ Binh ra lệnh cho Tiểu Đoàn 1/27, hỗn danh "Wolfhounds" (loại chó bự dùng để săn chó sói), được trực thuộc nằm dưới quyền điều động của Lữ Đoàn 196 để phụ giúp việc canh giữ các chiến lợi phẩm này. Về mặt chiến đấu, Tiểu Đoàn 1/27 cũng nhận được chỉ thị là phải yểm trợ cho Lữ Đoàn 196 trong trường hợp cần thiết.Tiểu Đoàn 1/27 của Thiếu Tá Guy S. "Sandy" Meloy được trao nhiệm vụ canh gác phi đạo ở Dầu Tiếng (sau này, Thiếu Tá Meloy trở thành một người hùng trong khi thi hành nhiệm vụ). Ngoài ra, trong các phi vụ hỗn danh "eagle flights" (những chuyến bay diều hâu), tiểu đoàn được trực thăng bốc thẳng vào vùng hành quân để thâu hồi những chiến lợi phẩm.Ngày 1 tháng 11/1966, hai tiểu đoàn 2/1 và 4/31 lãnh nhiệm vụ canh giữ các kho thực phẩm của Việt Cộng và mở cuộc hành quân 3 km về phía Tây-Bắc Dầu Tiếng. Ngày 2 tháng 11, hai tiểu đoàn 2/1 và 4/31 tiếp tục cuộc hành quân truy lùng, còn Tiểu Đoàn 1/27 thì thực hiện các phi vụ "eagle flights" với toán trực thăng bay vần vũ khoảng 3 km về phía Bắc vùng hoạt động của Tiểu Đoàn 2/1 và 4/31.Tháng 11 ngày 3, các sĩ quan hành quân thuộc Lữ Đoàn 196 đưa ra kế hoạch mới để phối hợp sự hoạt động của cả 3 tiểu đoàn bộ binh. Theo kế hoạch này, Đại Đội B/1/27 (đọc là "Đại Đội B của Tiểu Đoàn 1 thuộcTrung Đoàn 27") lãnh nhiệm vụ án ngữ tại một vị trí nằm về phía Bắc của Quốc Lộ 19. Ở đây cây hoang và cỏ dại mọc rất nhiều, che phủ hết đoạn đường đi. Hai tiểu đoàn còn lại sẽ tiến quân dọc theo 4 trục lộ chánh để đi về hướng Bắc. Điểm xuất phát sẽ là từ những nơi có kho thực phẩm hay quân cụ của Cộng quân đã được tìm thấy, tức là độ chừng 4 cây số về phía Nam của Đại Đội B/1/27.Thiếu Tá Meloy hết sức phản đối kế hoạch này. Ông cho rằng bản tường trình của kế hoạch lúc nghe thì thấy hay, và nhìn trên bản đồ thì các sự di chuyển đều tương đối dễ, nhưng thật sự không ai hiểu dùm sự di chuyển của bộ binh qua vùng rừng cây với cỏ dại mọc cao, chi chí và rậm rạp, là cả một vấn đề rất khó khăn. Nhất là các toán quân nhỏ có thể sẽ bị lạc vị trí mỗi khi các mệnh lệnh "quẹo trái, quẹo phải" không được thi hành đúng nơi hoặc đúng lúc.Và đúng như sự lo ngại của Thiếu Tá Meloy. Trong khoảng thời gian 3 ngày khi cục diện bắt đầu biến chuyển thì kế hoạch hành quân này bắt đầu nứt rạn với các sơ hở sau đây:
  • Vài đại đội bị lạc đường, mất vị trí.

  • Khi tình hình cực kỳ khẩn trương, liên lạc vô tuyến giữa bộ chỉ huy tiểu đoàn và các sĩ quan hành quân lữ đoàn đã hầu như không có.

  • Trong giai đoạn cuối của trận chiến, một vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng đã phải trực tiếp lèo lái hết thảy 11 đại đội, trong khi đó một vị tiểu đoàn trưởng khác lại chỉ "nắm" một toán quân thuộc bộ chỉ huy của ông mà thôi.Chín giờ sáng ngày 3 tháng 11, cuộc hành quân bắt đầu. Các tiểu đoàn 2/1 và 4/31 tấn công dọc theo 4 trục tiến quân chánh. Mỗi trục tiến quân được ghi danh hiệu như sau: Đỏ, Xanh, Trắng và Tím. Vì gặp nhiều khó khăn trong địa thế, sự phối hợp giữa các đơn vị bộ binh này đã không được chặt chẽ.Chín giờ 22 phút, trong sai lầm của tín toán, hai đoàn trực thăng chở hai đại đội đã đáp xuống hai vị trí khác nhau. Thay vì bốc Đại Đội B/1/27 đến vị trí án-ngữ đã được chỉ định, đoàn trực thăng lại đưa đại đội này xuống một vùng đất nằm về phía Đông. Trong khi đó, một toán trực thăng khác bốc Đại Đội C/1/27 đến một nơi khoảng 4 km về phía Tây của vị trí án-ngữ. Theo kế hoạch, cả hai đại đội này sẽ mở cuộc hành quân bắc-tiến để rồi sau đó bắt tay nhau.Chín giờ 50, bãi đáp an toàn, không một tiếng súng của địch quân. Đoàn trực thăng đáp xuống và các binh sĩ thuộc Đại Đội C/1/27 nhào ra. Sau khi đi bộ khoảng 500 mét qua một vùng cỏ cao rậm rạp, đại đội này tạm thời dừng chân ở bìa rừng. Vị sĩ quan đại đội trưởng, Đại Úy Frederick H. Henderson, cho toán trinh-sát đi vào khu rừng hướng Đông-Bắc để tìm con đường mòn mà họ đã được chỉ định phải nương theo. Chỉ vừa đi được 400 mét về phía Bắc thì họ lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng. Các vũ khí cá nhân và tự-động của địch quân nổ liên hồi. Và đây chỉ là một trận chạm súng trong nhiều trận chạm-súng khác sẽ xảy ra ở những ngày kế tiếp trong cuộc hành quân Attleboro. Thế rồi Đại Đội C/1/27 dừng lại ở đây, và họ không tiến quân xa hơn nữa. Trong khi đó ở Dầu Tiếng, Đại Đội A/1/27 vẫn tiếp tục thi hành nhiệm vụ giữ an ninh cho bãi đáp.Lúc đó, Tiểu Đoàn 1/27 đã chạm trán với một đại đội trinh-sát thuộc Công Trường 9 Việt Cộng (ghi chú: "công trường," danh từ Cộng Sản dùng để chỉ định một đại đơn vị với quân số tương đương một sư đoàn). Đại Đội C/1/27 cố gắng thiết lập vị trí phòng thủ, đồng thời tính toán các việc di tản thương binh. Đến 12 giờ 10, trong đại đội đã có 6 binh sĩ tử thương và 6 người khác bị thương, trong đó có cả Đại Úy Henderson, vị sĩ quan đại đội trưởng. Trung Úy Billy B. Powers (chỉ huy Trung Đội 2) lập tức lên thay thế và chỉ huy đại đội.Mười hai (12) giờ trưa, trực thăng chỉ-huy của Thiếu Tá Meloy bay vần vũ trên đầu. Khi con chuồn-chuồn sắt sà xuống cách mặt đất khoảng 5 feet (1 mét rưỡi), Thiếu Tá Meloy tung người nhảy ra. Ông chạy đến xem xét vết thương của Đại Úy Henderson. Sau khi thăm hỏi viên đại úy bị thương, Thiếu Tá Meloy liên lạc với đoàn trực thăng "Hornets" (những con ong) do Thiếu Tá Jim Patterson (phụ tá hành quân) chỉ huy, và hạ lệnh phải di tản Đại Úy Henderson cấp tốc.Trong khi đó, Việt Cộng vẫn giữ lợi thế trên chiến trường. Các tổ súng của họ bắn lên từ mặt đất, trong những bụi cỏ, sau những gốc cây mà trực thăng hoặc máy bay ở trên cao rất khó nhận diện. Một số xạ thủ Việt Cộng ẩn nấp trên cây cao (thân thể họ có dây quấn vào thân cây cao, không biết là họ bị thượng cấp dùng dây trói vào thân cây để không bỏ chạy, hay là để khi họ bị trúng đạn thì không rơi xuống đất). Những xạ thủ Việt Cộng này đã bắn tỉa khá chính xác, và đã gây nhiều thương vong cho các đơn vị Hoa Kỳ trong 3 ngày sau đó.Trong lúc Đại Úy Henderson bị thương nặng và Thiếu Tá Meloy đích thân chỉ huy, các đơn vị Hoa Kỳ khác cũng đang tiếp tục đổ quân vào mặt trận này. (Sau đó Đại Úy Henderson chết vì chiếc trực thăng di tản được gọi đến đã bị bắn rơi ngay trên bãi đáp).Lúc ấy, Đại Đội A/1/27 của Đại Úy Richard B. Cole đang canh giữ phi đạo ở Dầu Tiếng đột nhiên nhận được lệnh cấp tốc đi tiếp ứng cho các đơn vị bạn. Theo chỉ thị, họ di chuyển bằng trực thăng đến một vị trí về phía Tây của Đại Đội C/1/27, rồi sau đó sẽ đánh vào sườn bên phải của đơn vị Cộng quân. Lúc 12 giờ 45, đoàn trực thăng thả Đại Đội A/1/27 xuống bãi đáp và họ bắt tay được với C/1/27. Chuẩn Tướng DeSaussure gọi Thiếu Tá Meloy và hỏi, "Anh cần thêm quân tiếp viện không?" Thiếu Tá Meloy đáp, "Dạ rất cần, trình chuẩn tướng!"Chuẩn Tướng Desaussure liền cử Đại Đội C/3/21 của Đại Úy Russell DeVries lên đường tăng phái cho Tiểu Đoàn 1/27. Từ hậu cứ ở Tây Ninh, đại đội này được trực thăng đưa đến Dầu Tiếng, rồi sau đó trực chỉ đến một địa điểm sát nơi đóng quân của Tiểu Đoàn 1/27. Chiếc trực thăng đầu tiên đáp xuống chiến trường lúc 14 giờ 05, và toán quân cuối được chở đến vào lúc 15 giờ 15. Toàn thể đơn vị tăng phái này được lệnh tấn công ở sườn phía Đông của C/1/27. Lúc 14 giờ 48, một toán quân của C/3/21 hoàn tất nhiệm vụ bắt tay với các binh sĩ của Tiểu Đoàn 1/27.Trong khi mọi diễn tiến khác đã và đang xảy ra, lúc 9 giờ 21 sáng Đại Đội B/1/27 của Đại Úy Robert P. Garrett được trực thăng thả xuống 4 km về phía Đông của toàn thể tiểu đoàn. Sau đó đơn vị này di chuyển về hướng Tây-Bắc để tìm đến vị trí mà họ đã được chỉ định để đóng quân án ngữ. Bãi đáp trực an toàn, không có tiếng súng. Nhưng sau khi đi được vài cây số, Đại Đội B/1/27 tìm thấy một ngôi làng bỏ trống với nhiều công sự chiến-đấu và phòng-thủ của Cộng quân.Mười một (11) giờ 20, hai đại đội B và C của Tiểu Đoàn 2/1 (do Thiếu Tá Ed Stevens chỉ huy) tấn công dọc theo trục lộ Đỏ về phía Bắc và Tây-Bắc. Họ cố di chuyển đến vị trí án-ngữ theo như kế hoạch đã định. Giữa đường, gặp một tiền đồn phòng thủ của Việt Cộng với cả một vòng đai mìn Claymore, họ liền thanh toán mục tiêu. Lúc 16 giờ, Tiểu Đoàn 2/1 nhận được lệnh đi tăng cường cho Tiểu Đoàn 1/27. Các trực thăng liền bốc tiểu đoàn này đến một bãi đáp ở gần nơi đóng quân của 1/27.Mười Tám (18) giờ, Tiểu Đoàn 2/1 di chuyển đến gần vị trí đã định, sau đó thiết lập một vòng đai phòng thủ về phía Nam để bảo vệ các đơn vị của Thiếu Tá Meloy. Khi hoàng hôn buông xuống, các thương binh được di tản ra khỏi vùng tử địa. Cuộc di tản này kéo đến khuya. Lợi dụng ban đêm, Việt Cộng mở vài cuộc thám kích nho nhỏ, nhưng không có đánh lớn.Tối hôm đó, phòng hành quân của Lữ Đoàn 196 đưa ra chỉ thị mới cho ngày hôm sau: 

  • Tiểu Đoàn 1/27 sẽ tấn công về hướng Đông-Bắc, nương theo con đường mòn cũ, sau đó đóng quân cách vị trí hiện tại chừng 2 km.

  • Đại Đội B/1/27 hành quân về hướng Tây dọc theo Liên Tỉnh Lộ 19, sau đó bắt tay với Tiểu Đoàn 1/27.

  • Tiểu Đoàn 2/1 đánh sang hướng Đông, đi độ chừng 2 km, sau đó dừng quân (nơi này sẽ cách mục tiêu tiến-quân của Tiểu Đoàn 1/27 khoảng 2 cây số về phía Đông-Nam).

  • Đại Đội A/2/1 (có sĩ quan tiểu đoàn trưởng đi kèm, đã từng đánh dọc theo trục tiến quân Xanh qua một đoạn 4 km đường dài) mở cuộc tấn công về hướng Tây. Họ sẽ bắt tay với Tiểu đoàn 2/1 để liên kết hệ thống chỉ huy.

  • Tiểu Đoàn 4/31 tấn công lên hướng Tây-Bắc, sau đó án ngữ tại một địa điểm cách mục tiêu hành quân của 1/27 và 2/1 chừng 1 km về hướng Đông-Bắc.Mục tiêu của kế hoạch là ngăn chận sự chuyển quân của Công Trường 9 Việt Cộng về phía Tây-Nam, đồng thời tổng liên-kết các ban chỉ huy của Liên Đoàn 196. Trong kế hoạch mới, các sĩ quan hành quân nhấn mạnh sự liên kết trong việc chỉ huy. Nhưng kết hoạch này cũng phạm vào sơ hở trong kế hoạch cũ là để cho các đơn vị ở cấp đại đội (và lại là những đại đội biệt-lập) tự di chuyển qua những vùng địa thế hiểm trở.Tám giờ sáng, 4 tháng 11/1966, Tiểu Đoàn 4/31 rời chỗ đóng quân, di chuyển về hướng Tây-Bắc đến vị trí án ngữ. Họ không gặp sự kháng cự nào của địch quân. Đại Đội B/1/27 bắt đầu đi về hướng Tây để bắt tay với Tiểu Đoàn 1/27. Đột nhiên, Chuẩn Tướng DeSaussure ra lệnh cho đại đội này chuyển hướng để nhập vào với 4/31. Đại Đội A/2/1, cùng với vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng, cũng di chuyển về hướng Tây để bắt tay cùng Tiểu Đoàn 2/1.Lúc 10 giờ 40, Tiểu Đoàn 2/1 bắt đầu hành quân về hướng Đông. Để tránh mọi sự giao chiến "nhầm lẫn" với một đơn vị bạn, vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng của 1/27 không cho cuộc tiến quân tiếp tục cho đến khi 11 giờ 40, để Tiểu Đoàn 2/1 có thêm thời gian di chuyển xa hơn về phía Đông.

  •  

    Tiểu Đoàn 1/27 xuất phát với Đại Đội A/1/27 của Đại Úy Cole dẫn đầu, kế đến là Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, sau đó là Đại Đội C/3/21, còn C/1/27 đi đoạn hậu. Trong khu rừng rậm, lá cây dầy đặc che phủ trên cao tạo nên một vùng u tối. Toán quân A/1/27 đi đầu di chuyển được 200 yards (182 mét) thì giáp mặt với một hỏa lực hùng hậu của Bắc quân. Thiếu Tá Meloy lập tức cho hai đại đội C/3/21 và C/1/27 đánh qua bên trái của A/1/27 vì ông nhận thấy ở đó hỏa lực của địch quân tập trung mạnh mẽ nhất. Đương nhiên, nếu sườn bên phải của lực lượng Cộng quân bị bứng gốc, thì các đơn vị Hoa Kỳ có thể tạo một thế mạnh để lật đổ vị trí phòng thủ của đối phương.Trong lúc thi hành nhiệm vụ trên, đột nhiên không hiểu vì sao một tiểu đội thuộc cánh quân của C/3/21 đánh vào sườn bên phải của A/1/27. Về sau này, Đại Úy DeVries giải thích là người trung đội trưởng của Trung Đội 2 đã không nhận rõ lệnh cấp trên qua máy truyền tin. Bởi lúc đó "tiếng súng đạn gầm thét liên hồi, kéo dài vài tiếng đồng hồ trong một khu rừng dầy đặc," nên người trung đội trưởng đã nhầm lẫn khi nghe chữ "bên trái" thành chữ "bên phải."Khi ấy, từ phía bên phải Trung Đội 2 xông lên, vượt qua mặt Đại Đội A/1/27 để rồi đột nhiên đưa mình vào giữa vùng lửa đạn. Trung đội này chống trả dữ dội. Trung Sĩ tiểu-đội-trưởng Lester Armstrong (quê quán tại Molden, Missouri), giằng lấy khẩu súng trường tự động từ tay một đồng đội bị thương vừa ngã xuống. Chính anh đã đơn-thân độc-mã tấn công và sau đó tiêu diệt một lô cốt của Cộng quân. Với hành động can đảm đó, về sau này Trung Sĩ Armstrong được trao tặng huân chương Distinguished Service Cross.Trong 3 ngày lâm trận, ngoài Trung Sĩ Armstrong, một số binh sĩ khác trong trung đội cũng đã chiến đấu không kém phần dũng cảm. Hai huân chương Medals of Honor và một vài huân chương Distinguished Service Cross đã được trao cho các binh sĩ trong hai tiểu đoàn Wolfhound (tức là Tiểu Đoàn 1/27 và 2/27).Khi cuộc xung phong táo bạo của Trung Sĩ Armstrong kết thúc, Trung Đội 2 liền rút về đóng quân cùng với Ban Chỉ Huy Đại Đội. Sau đó, trung đội này tiếp tục di chuyển qua sườn bên trái của Đại Đội A/1/27 (như đã được chỉ định từ lúc ban đầu). Trong khi đó một trung đội khác thuộc C/1/27, đáng lý phải đi kèm bên hông trái của C/1/27, đã không tiến thêm được bước nào vì hỏa lực của Cộng quân bắn dữ dội quá. Để trám vào chỗ trống, viên đại đội trưởng của A/1/27 ra lệnh cho trung đội bên cánh phải lập tức quay ngược lại để bắt tay với trung đội "dậm chân" kia của C/1/27. Và cuộc bắt tay đã thành công.Lúc đó, các toán quân ở hiện trường cũng không có liên lạc gì với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 196. Tuy nhiên một phi cơ của Không Quân Hoa Kỳ bay trên cao đã ghi nhận được tình hình dưới đất. Các cuộc điện đàm trên chiến trường đã được viên phi công báo cáo về Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn. Sau này, trong quyển sách Ambush (Phục Kích), tác giả S. Marshall nhận định rằng chiếc trực thăng của vị sĩ quan chỉ huy trưởng của Lữ Đoàn 196 đã thiếu hẳn các dụng cụ truyền tin tối tân để điều hành và đối phó trên một "chiến trường với quá nhiều tình huống biến đổi liên tục." 



    Phần II


    Khi thấy cuộc hành quân bộ-chiến không có tiến triển gì mới mẻ, các giới chức chỉ-huy cao cấp quyết định ném Tiểu Đoàn 2/27 của Trung Tá William C. Barrott vào chiến trường để tăng cường cho Lữ Đoàn 196. Lúc 12 giờ 46 tại hậu cứ sư đoàn ở Củ Chi, Trung Tá Barrott nhận được lệnh chuyển quân.

    Lúc đó, Thiếu Tá Meloy đã liên lạc với sĩ quan hành quân của Tiểu Đoàn 2/1 để xin thêm quân viện cho 1/27. Tiểu Đoàn 2/1, với hai đại đội B và C đang hành quân về hướng Đông, lập tức quay ngược trở lại. Họ đi về phía Tây và Bắc để cứu Tiểu Đoàn 1/27. Đột nhiên một rừng súng cộng-đồng lẫn vũ khí cá nhân của Cộng quân nổ lách cách vang lên không ngớt. Từ ở những công sự chiến đấu kiên cố, cán binh Bắc Việt bắn xối xả vào hai đại đội của Tiểu Đoàn 2/1. Trên những nhánh cây cao, một số bộ đội Cộng Sản được ngụy trang khéo léo đã bắn sẻ vào toán quân bên dưới. Hỏa lực của họ lúc đó thật dữ dằn, kinh khiếp.

    Trong khi đó về hướng Tây, lúc 13 giờ khi Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đang giao chiến mãnh liệt, vài mảnh đạn bích-kích pháo của Cộng quân đã làm Thiếu Tá Meloy bị thương nơi khuỷu tay bên phải. Tuy rất đau đớn, nhưng ông không muốn được di tản khỏi chiến địa. Thiếu Tá Meloy cũng từ chối dùng thuốc men vì ông nghĩ các loại y dược này làm cho tinh thần không minh mẫn, nên có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đết sự suy nghĩ và chỉ huy của ông.

    Về hướng Đông, 14 giờ 35, Đại Úy Garrett (đại đội trưởng của B/1/27) ra lệnh cho đại đội quay ngược về hướng Tây để tiếp cứu cho tiểu đoàn 1/27 (như vậy có nghĩa là B/1/27 không còn tiếp tục di chuyển đến điểm hẹn đã được chỉ định để bắt tay với Tiểu Đoàn 4/31). Đương nhiên, Đại Úy Garrett đã không báo cáo với thượng cấp trước khi hủy bỏ nhiệm vụ chánh của đại đội. Nhưng trong tình thế ngặt nghèo, khi các đơn vị khác đang lâm nguy, Đại Úy Garrett đành tự mình quyết định cho đại đội quay ngược lại để cứu tiểu đoàn.

    Trong khi đó, Đại Đội C/2/27 của Đại Úy Gerald F. Currier được lệnh nhảy vào vòng chiến để giải tỏa áp lực ở sườn bên phải của Tiểu Đoàn 1/27. Lúc 14 giờ 40, đại đội này được trực thăng thả xuống một bãi đáp ở sát chiến trường. Nhưng bãi đáp này lại nằm về phía Tây và Bắc, cách vị trí mà Thiếu Tá Meloy muốn họ đáp xuống rất xa. Đại Đội C/2/27, với sự hiện diện của Trung Tá Barrott (tiểu đoàn trưởng) liền di chuyển về hướng Đông để đánh thọc vào hông bên phải của lực lượng Bắc Việt. Cả đại đội cùng toàn thể Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2/27 đã phải di bộ 2 tiếng đồng hồ, qua khu rừng rậm rạp, để đến một nơi thật gần vị trí của quân Bắc Việt (mà họ nghĩ là chỉ còn dưới 2 km). Nhưng thật ra, toán quân này đang nằm ở phía sau của đoàn quân Bắc Việt.





    Lúc 14 giờ 51, khoảng 100 bộ đội Bắc Việt mở cuộc xung phong thẳng vào phòng tuyến của Trung Đội 1 (thuộc A/1/27). Đây là đợt xung phong đầu tiên trong tổng cộng 3 đợt, và mỗi đợt về sau đều bị mất thế lực hơn một ít. Đợt xung phong thứ nhì xảy ra lúc 15 giờ 15 khi Cộng quân tràn lên tấn công hai đại đội A/1/27 và C/3/21. Khi đó, Đại Đội C/2/1 đã di chuyển lên ngọn đồi khoảng 300 mét về phía Đông-Nam của Tiểu Đoàn 1/27. Cũng vào 15 giờ 15, cánh quân Bắc Việt bên trái bắn vào vị trí của C/2/1 trên đồi.

    Thiếu Tá Meloy ra lệnh Đại Đội B/2/1 của Đại Úy Joseph Czubecki thay đổi vị trí để bảo vệ sườn bên phải của A/1/27 và C/1/27 (trước đó, đại đội của Czubecki đã lãnh nhiệm vụ đi tiếp ứng cho Tiểu Đoàn 1/27 --gồm Đại Đội C/2/1 và toán sĩ quan hành quân của đại đội). Lúc 16 giờ, cuộc giao chiến giữa C/2/1 và quân Bắc Việt chấm dứt. Đại Đội này liền được lệnh chuyển quân về hướng Tây-Nam để bảo vệ mặt Đông-Nam của vòng đai phòng thủ, tức là nằm về phía bên phải của Đại Đội B/2/1.

    Lúc 16 giờ 30, Cộng quân tung ra đợt xung phong thứ ba (và yếu nhất), nhưng không làm gì được Tiểu Đoàn 1/27 vì lúc đó đơn vị này đã bố trí xong xuôi. Khi ấy, Thiếu Tá Meloy chỉ huy tổng cộng đến 7 đại đội bộ-chiến. Nhưng đến ngày 5 tháng 11 thì ông lại phải chỉ huy đến tổng cộng gồm 11 đại đội, thật không tưởng tượng được. Một sĩ quan cấp thiếu tá mà phải chỉ huy đến 11 đại đội. Đó là cả một sự nan giải, khó khăn về nguyên tắc điều hành trong binh pháp.

    Cũng khoảng chừng giờ phút này, các trực thăng mang Đại Đội A/2/27 của Đại Úy Foley đến nơi để bắt tay với Tiểu Đoàn 1/27 và cùng giữ an ninh cho sườn bên phải. Lúc 17 giờ 15, tin báo cáo cho biết Đại Đội C/2/27 và Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đã di chuyển quá xa, và hiện giờ họ đang tập trung phía sau một lực lượng Việt Cộng, gồm một đại đội thám-sát của Công Trường 9 và các toán quân của Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 273 Việt Cộng.

    Các vị trí của quân Cộng Sản bị phát giác vì lúc ấy họ mở súng bắn xối xả vào Đại Đội C/2/27 (vị sĩ quan đại đội trưởng của C/2/27 chết trong kỳ phục kích này). Một viên hạ sĩ quan trung đội trưởng liền chỉ huy đại đội mở cuộc xung phong, nhưng không thành vì các đơn vị Việt Cộng có nhiều vũ khí tự động cũng như đã được ngụy trang kỹ càng.

    Lúc đó, Trung Tá Barrott đánh dấu vị trí của mình bằng lựu đạn khói để các phi cơ trên cao có thể thấy rõ. Một phi cơ thám thính nhìn thấy trái khói và ghi nhận vị trí này. Viên phi công quả quyết Đại Đội C/2/27 đang ở một nơi khoảng 100 mét về phía Bắc của Tiểu Đoàn "dậm-chân" 1/27.

    Lúc 17 giờ 34, Trung Tá Barrott dẫn một tiểu đội đi về hướng Nam để cố bắt tay với 1/27. Nhưng không may, lúc di chuyển, toán quân của Trung Ta Barrott đi ngang nơi có nhiều địch quân đang ẩn nấp. Một trận đấu súng dữ dội giữa hai bên đã xảy ra, và Trung Tá Barrott đã đền nợ nước. Cùng chết với Trung Tá Barrott là một người trung sĩ trong đại đội, một viên trung đội trưởng, một trung sĩ trung-đội-phó và vài người lính truyền tin.

    Đại Đội C/2/27 bây giờ đã hoàn toàn bị cô lập trên chiến trường. Thiếu Tá Meloy ra lệnh tất cả các đơn vị dừng lại, giữ nguyên vị trí, lập vòng đai phòng thủ để chống trả trong trường hợp bị Việt Cộng tấn công vào ban đêm.

    Trong khoảng thời gian 12 tiếp theo, Thiếu Tá Meloy cho C/2/1 của Đại Úy James P. Thompson tấn công. Khi trời vừa hừng sáng, Đại Đội A/2/27 của Đại Úy Foley sẽ mở cuộc xung kích để tiếp cứu Đại Đội C/2/27. Đêm hôm ấy, Đại Đội C/2/1 đánh một trận vô cùng ác liệt. Nhưng đơn vị này bị thương khá nhiều và phải rút lui về phía sau đoàn quân. Sau đó họ được chỉ định công việc giữ an ninh cho bãi đáp trực thăng của A/2/27. Ngày hôm sau, Đại Đội A/2/27 nhận lệnh lên đường giải cứu Đại Đội C/2/27.

    Trong tình huống cực kỳ khó khăn, các giới chỉ huy cao cấp Hoa Kỳ cố hoạch định một phương cách mới đó để giúp "những đàn hươu đi lạc" trong rừng liên lạc và bắt tay được với nhau. Việc đầu tiên là hợp nhất hệ thống chỉ huy giữa các đơn vị.

    Trong kế hoạch hành quân mới được soạn thảo, các cánh quân sẽ không còn phải tự mình di chuyển qua những vùng cây-cỏ cao rậm rạp để theo đuổi những mục đích "chẳng ra hồn, ra quái gì." Các đơn vị này sẽ không còn phải tách rời hoặc bị phân tán mỏng khi hành quân. Và luôn cả khuôn khổ kiểm soát rộng lớn của Thiếu Tá Meloy (tổng cộng đến cả 11 đại đội) sẽ được giảm bớt. Khi cuộc hành quân Attleboro đi vào giao đoạn cuối, Thiếu Tướng William De Puy (tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh) được trao nhiệm vụ tổng kết điều hành và chỉ huy.

    Sáng sớm ngày 5 tháng 11, việc trước tiên là di tản các thương binh khỏi vùng chiến địa. Khi bình minh ló dạng, cuộc chạm súng lại bắt đầu. Lúc 7 giờ 45, Đại Đội A/2/27 của Đại Úy Foley đánh sang hướng Đông, rồi qua lên hướng Bắc, rồi trở lại hướng Tây để làm giảm áp lực cho Đại Đội C/2/27. Sau khi di chuyển được 30 mét, toán quân đi phía trước đụng vào hỏa lực mạnh mẽ của Cộng quân, làm cho 8 binh sĩ bị thương vong. Toàn thể đại đội liền tập trung vũ khí bắn xối xả vào những nơi có địch quân ẩn nấp. Họ tràn lên đánh sập 3 công sự chiến đấu của Việt Cộng, nhưng vẫn không chọc thủng được tuyến phòng thủ. Trận đánh này là một trong những trận giao chiến kinh khiếp nhất trong cuộc hành quân Attleboro.

    Tinh thần của binh sĩ được "tôi luyện" thêm cứng cáp bởi các hành động dũng của những người như Đại Úy Foley và Binh Nhất Baker của A/2/27. Về sau cả hai người đều được trao tặng huân chương Medal of Honor vì lòng gan dạ của họ đã được thể hiện trên chiến trường. Bằng ban-khen của Đại Úy Foley có một đoạn viết như sau, "Mặc dầu đã bị thương và đau đớn khôn cùng, nhưng Đại Úy Foley từ chối không muốn được băng bó... Anh dẫn đầu một cuộc xung phong đánh thẳng vào vài ổ tác xạ của địch, và đích thân triệt hạ 3 tổ súng." Bằng ban-khen của Binh Nhất Baker (sau này là trung sĩ) có một đoạn viết như sau, "Khi Baker quay trở lại để giúp một thương binh di tản, anh bị một tay thiện xạ Việt Cộng bắn trúng người, nhưng bỏ mặc vết thương, anh xung phong lên phía trước tấn công và giết chết người cán binh thiện-xạ Việt Cộng."

    (Ghi chú dịch giả: chúng tôi xin tạm dịch chữ "sniper" trong Anh ngữ thành "thiện xạ" trong Việt ngữ. Thật ra, "sniper" có nghĩa là một người ẩn nấp trong một vị trí kín đáo xử dụng vũ khí để bắn (lén) vào mục tiêu. Chữ "sniper" không hẳn đồng nghĩa với "thiện xạ" trong tiếng Việt, vì "thiện xạ" có nghĩa là bách phát bách trúng. Tuy nhiên, dịch giả mong rằng cách chuyển dịch như trên sẽ giúp độc giả theo dõi và hiểu rõ nội dung bài viết một cách dễ dàng hơn).

    Trong khi đó, tại một địa điểm về hướng Đông của trận đánh này, các sĩ quan chỉ huy trong đại đội A/2/1, A/4/31 và B/1/27 nhận được lệnh mới là phải rút lui và lập một phòng tuyến khoảng 1,000 mét về phía Đông-Nam (lệnh cũ là lập tuyến án ngữ và đi về hướng Tây để yểm trợ Tiểu Đoàn 1/27). Đại Úy Garrett, chỉ huy trưởng của B/1/27, quan sát tình hình, rồi sau đó ông tự quyết định không rút lui theo lệnh cấp trên. Cả 3 đại đội trên tự động liên kết trở thành một lực lượng để kéo nhau đi giải cứu Đại Đội C/2/27. Lực lượng này do vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 4/31 chỉ huy.

    Đến 8 giờ 30, cả ba đại đội A/2/1, A/4/31 và B/1/27 đi đến một địa điểm khoảng 1,000 mét về phía Đông-Bắc của Tiểu Đoàn 1/27. Theo lệnh của Thiếu Tá Meloy, lực lượng này tấn công vào vùng Tây-Nam để yểm trợ cho Tiểu Đoàn 1/27 và Đại Đội C/2/27. Cả ba đại đội cùng di chuyển song-song với nhau trên 3 trục tiến quân biệt lập. Đoàn quân này cố gắng liên lạc và phối hợp chặt chẽ.

    Lúc đó, chưa đến 10 giờ sáng, tư lệnh của Lữ Đoàn 196 ra lệnh cho cả ba đại đội trên cùng hợp lại thành một lực lượng. Và đặt lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy của vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 1/27. Như vậy có nghĩa là lúc đó Thiếu Tá Meloy lãnh nhiệm vụ chỉ huy một lực lượng bộ binh khổng lồ gồm 11 đại đội.

    Đến 12 giờ trưa, Đại Đội B/1/27 (chỉ có một binh sĩ bị thương vong) đến điểm hẹn và bắt tay được với Tiểu Đoàn 1/27. Cũng vào lúc ấy, hai đại đội A/2/1 và A/4/31 kéo đến bắt tay với C/2/27. Thượng cấp ra lệnh cho đoàn quân này lui về vòng đai phòng thủ của Tiểu Đoàn 1/27.

    Chín giờ 30 sáng, Thiếu Tá Henry R. Shelton đáp trực thăng từ Củ Chi đến chiến trường. Ông được thượng cấp chỉ định thay thế Trung Tá Barrott (đã chết) trong chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2/27. Các sĩ quan hành quân của 2/27, cùng với người tiểu đoàn trưởng mới, kéo nhau sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 1/27 để họp cùng Thiếu Tá Meloy.

    Như đã được thỏa thuận trước, Đại Đội A/2/27 đương nhiên được đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Shelton. Thêm vào đó, Đại Đội B/2/27 cũng sẽ do ông điều khiển (B/2/27 sẽ được trực thăng vận đến về sau). Những binh sĩ nào thuộc Đại Đội C/2/27 còn sống sót trở về sẽ trực tiếp theo lệnh chỉ huy của Thiếu Tá Shelton. Đây là một kế hoạch nhằm rút bớt phần nào gánh nặng về phần chỉ huy cho Thiếu Tá Meloy.

    Đối với Thiếu Tá Shelton, mối lo ngại đầu tiên là lượng định tình hình cuộc tấn công vào ban ngày của Đại Đội A/2/27. Cuộc tấn công này quả thật "to gan và lớn mật," nhưng lại bị trì trệ và chùn xuống. Thiếu Tá Shelton đã biết trước cuộc tấn sẽ không thành vì vị trí của Đại Đội C/2/27, cũng như các cuộc chuyển quân của A/2/1, A/4/31 và B/1/27 đã không được xác định rõ ràng. Vì vậy, không thể nào pháo binh hoặc phi cơ có thể tác xạ chính xác để yểm trợ.

    Khi ấy, cuộc tấn công của A/2/27 đã kết thúc, nhưng đại đội này vẫn còn bị thêm nhiều thương vong. Trong lúc các binh sĩ trong đại đội cố di tản những người tử thương trên chiến trường, một số binh sĩ lại tiếp tục bị đạn của địch quân bắn lẻ tẻ.

    Bên hướng Đông chiến trường, trận đánh đột nhiên bùng nổ trở lại. Ba đại đội trực thuộc Tiểu Đoàn 1/27 được lệnh rút lui cùng với những binh sĩ còn sống sót của C/2/27 về phía Bắc, đổi sang hướng Tây, sau đó đi về hướng Nam để bắt tay với cánh quân chánh. Có 6 binh sĩ tử thương và 19 bị thương của C/2/27 được mang theo trong cuộc lui binh này. Phần còn lại của C/2/27 được sát nhập vào với B/1/27 (đang đóng quân gần bãi đáp trực thăng về phía Nam của vòng đai Tiểu Đoàn 1/27).

    Lệnh cấp trên ban xuống bảo Đại Úy Story hãy lên chỉ huy Đại Đội C/2/27. Chiều hôm đó, khoảng 18 giờ, Tiểu Đoàn 2/27 của Thiếu Tá Shelton được trực thăng vận về Dầu Tiếng. Nhiệm vụ mới của tiểu đoàn là lập vòng đai bảo vệ Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 1 Bộ Binh (tối 5 tháng 11). Lúc đó, Tiểu Đoàn 1/27 kể như được sát nhập vào hệ thống chỉ huy của Sư Đoàn 1. Đây cũng là một kế hoạch mới của viên tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Ông muốn tất các các đơn vị trong cuộc hành quân Attleboro phải lui ra khỏi chiến trường. Sau đó, pháo binh và phi cơ sẽ tác xạ vào các vị trí Cộng quân trong vòng 24 tiếng đồng hồ sắp tới.

    Đang đóng quân tại Tây Ninh, Tiểu Đoàn 3/21 của Trung Tá Nelson nhận được lệnh chuẩn bị lên đường. Trực thăng sẽ đưa tiểu đoàn vào vùng chiến địa (Attleboro). Để trám vào chỗ trống khi tiểu đoàn của Trung Tá Nelson ra đi, Tiểu Đoàn 1/27 sẽ được không vận đến Tây Ninh để thay thế và phòng thủ căn cứ này. Trưa hôm đó, khoảng 11 giờ 30, Tiểu Đoàn 3/21 đáp trực thăng xuống chiến trường. Sau khi liên lạc và báo cáo với các sĩ quan chỉ huy trưởng Lữ Đoàn 196, tiểu đoàn tìm chỗ đóng quân và thiết lập một vòng đai phòng thủ khi màn đêm buông xuống.

    Ngày hôm sau, theo kế hoạch đã được vạnh định, một trận mưa bom từ phi cơ và pháo binh bắn phủ đầu. Sau đó, Tiểu Đoàn 3/21 sẽ tiến về phía Đông chiếm lấy các tuyến phòng thủ của Cộng quân. Tiểu đoàn sẽ giữ vững vị trí, rồi mang tử thi của những đồng đội xấu số ra nơi này, trong đó có cả xác của Trung Tá Barrott. Hai tiểu đoàn kia đóng quân tại chỗ, nhưng sẽ yểm trợ 3/21 khi cần.

    Tiểu Đoàn 3/21 khởi động cuộc tiến quân lúc 12 giờ trưa, 6 tháng 11. Các đại đội tham dự gồm A/3/21 của Đại Úy Emil "Chuck" Gregg đi tiên phuông, sau đó là B/3/21 và đi đoạn hậu là Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Đại Đội C/3/21 của Đại Úy DeVries được giữ vai trò trừ bị vì lúc trước đại đội này đã hao tổn nhiều khi họ cùng sát cánh chiến đấu với Tiểu Đoàn 1/27.

    Cuộc tiến quân được chuẩn bị với một trận mưa bom từ phi cơ và pháo binh tác xạ tối đa. Đây là trận pháo kích lớn nhất ở vào thời điểm này của cuộc chiến tại Việt Nam. Quả thật nếu còn một động vật gì trên mặt đất còn sống sót thì đó là một sự việc phi thường. Mỗi đại đội B và C mang theo khoảng 12 băng-ca (như một chiếc bàn nhỏ, dùng để tản thương, có bốn tay nắm để 2 hoặc 4 người khiêng). Sau khi Đại Đội A/3/21 thiết lập vòng đai an ninh, mỗi trung đội thuộc hai đại đội kia liền bắt đầu di tản các tử thi của các tiểu đoàn 2/27 và 1/27.

    Tổng cộng có 21 xác quân nhân Hoa Kỳ được tìm thấy và di tản. Vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng của 3/21 đến quan sát chiến trường. Rất ngạc nhiên, ông thấy các vị trí chiến đấu của Việt Cộng được trải dài hàng ngang trên một tuyến khoảng 200 mét, và không có chiều sâu. Đó cũng là lý do tại sau Trung Tá Barrott cùng toán quân của ông đã di chuyển được đến rất gần nơi đóng quân của Tiểu Đoàn 1/27, khoảng chừng 100 mét, trước khi ông bị bắn chết.

    Khoảng 15 giờ 30, Tiểu Đoàn 3/21 được lệnh rút binh ra và sau đó tiếp nhận lệnh mới cho ngày mai, 7 tháng 11. Nhiệm vụ mới này là thúc quân đánh về hướng Bắc dọc theo rặng cây từ vị trí hiện tại. Trong khi đó, hai tiểu đoàn 2/1 và 4/31 cũng lần lượt được trao nhiệm vụ khác. Đây là những trận chiến cuối cùng của Lữ Đoàn 196 trong chiến dịch Attleboro.





    Trong giai đoạn hai, các sư đoàn 1 và 25 Bộ binh cùng với một toán lực lượng đặc biệt Mike Force tiếp tục hoạt động quanh vùng Tây Ninh và Suối Đá. Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ được đưa đến Minh Thành, khoảng 20 kilometre về phía Đông-Bắc Dầu Tiếng. Ngày 6 tháng 11 năm 1966, cuộc hành quân Attleboro được trao cho Bộ Chỉ Huy Dã Chiến 2 điều khiển. Và chiến dịch này chính thức kết thúc vào ngày 24 tháng 11 năm 1966.

    Nếu nói về "khuyết điểm hành quân" thì Attleboro là một cuộc hành quân có nhiều thiếu sót. Thiếu sót lớn nhất là các cấp chỉ huy đã không hiểu rõ làm thế nào để quân bộ-chiến Hoa Kỳ có thể đánh nhau với một lực lượng du-kích đầy kinh nghiệm trong rừng. Trong cỏ cao và cây rừng rậm rạp, sự di chuyển của các đại đội đã như đàn rắn không đầu. Kế hoạch liên lạc và truyền tin giữa các sĩ quan chỉ huy đã không được xác định rõ ràng, và cách thức liên lạc cũng chẳng hề được thử nghiệm trước khi nhập trận.

    Đôi khi, vài đơn vị bộ-chiến được đưa vào chiến trường, mà các mục tiêu thì lại mù mờ, và cũng chẳng ăn khớp gì với kế hoạch hành quân. Nguyên tác điều hành thì còn tệ hại hơn, đến nỗi một vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng mà có lúc phải chỉ huy một đại đơn-vị cấp lữ đoàn với quân số tổng cộng gồm 11 đại đội. Và sau cùng, người Mỹ đã không hề có đầy đủ dữ kiện tình-báo về các lực lượng Cộng Sản trong vùng hành quân.

    Nhưng dẫu cho vấp phải nhiều khuyết điểm trên phương diện chiến thuật, phải nói là cuộc hành quân Attleboro --cũng như các cuộc hành quân tiếp theo sau là Cedar Falls và Junction City-- đã gây thiệt hại nặng nề cho Việt Cộng. Họ bị mất mát rất nhiều, và không thể phục hồi mãi cho đến cuộc tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968.

    Để tóm lược mọi sự việc, cuộc hành quân Attleboro được thực hiện chỉ với mục đích đưa Lữ Đoàn 196 Bộ Binh vào vòng thử nghiệm. Nhưng sau đó, tình hình biến chuyển một cách nguy hiểm và mau chóng. Một lực lượng đông đảo liền được huy động với 22 ngàn quân, 12 ngàn tấn bom do phi cơ không yểm, 35 ngàn quả đạn đại bác pháo-kích yểm và 11 phi vụ dội bom của B-52. Quân Việt Cộng chết 1,106 người và 44 bị bắt sống. Phía bên Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh có 155 binh sĩ tử thương và 494 người bị thương.

    Tác giả: Charles K. Nulsen, Jr. (Trung Tá Bộ Binh Hoa Kỳ)
    Chuyển dịch: Phạm Cường Lễ
    Gửi ý kiến của bạn
    Tắt
    Telex
    VNI
    Tên của bạn
    Email của bạn