Phần I
Khe Sanh chiếm một vị thế chiến lược rất quan trọng trên bản đồ chiến sự tại Việt Nam. Là một cửa ngõ thiên nhiên mở rộng, Khe Sanh nằm giữa vùng núi đồi hiểm trở sát vùng ranh giới của hai quốc gia Việt Nam và Lào. Về phía Bắc, Cộng quân xử dụng đèo Mụ Già và Ban Karai để chuyển vận các các lực lượng bộ chiến cùng vũ khí vào Nam. Theo nhiều như bạn đọc đã biết, hệ thống chuyển vận này thường được gọi là hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.
Lao Bảo --giao điểm nơi Quốc Lộ 9 cắt ngang ranh giới Việt-Lào-- đã từng là địa danh rền vang nằm trên con lộ xâm lược của lịch sử. Khoảng năm 1282, các sắc tộc người Chàm ở Việt Nam đã một lần dùng nơi này làm bàn đạp cho công cuộc "tây chinh." Đến 1966, lực lượng người Chàm lớn mạnh bên Lào. Nhưng năm 1827, người Thái mở cuộc đông chinh và đẩy lực lược Chàm ngược về Việt Nam đến một địa danh mà ngày nay được gọi là Cam Lộ. Năm 1904, đường số 9 được thiết lập. Đây là một con đường chạy dài từ tỉnh Quảng Trị ở vùng cực Bắc của Nam Việt Nam đến thị trấn Tchepone của vương quốc Lào. (Ghi chú: Ở Việt Nam, đây là "Quốc Lộ 9," nhưng bên Lào, cũng một con lộ đất này nhưng lại được dân bản xứ cũng như trong quân đội đều gọi là "đường số 9").
Hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh, tháng 5 năm 1961, bộ đội Bắc Việt nới rộng cuộc xâm lăng. Họ tấn công rồi chiếm thị trấn Tchepone, một thành phố nhỏ nằm sâu trong lãnh thổ Lào. Ở nơi này, đường số 9 nếu đi thẳng về hướng Đông thì sẽ đụng cửa ngỏ Lao Bảo trong tỉnh Quảng Trị của Việt Nam Cộng Hòa.
Quanh vùng Lao Bảo, sắc tộc người Bru sinh sống rất nhiều. Người Mỹ đã từng đến đây để thâu thập tin tức về hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Cuối năm 1962, quân đội Việt Nam Quốc Gia (miền Nam Việt Nam) thiết lập một phi đạo quân sự nho nhỏ. Rồi về sau, nơi này được cải tiến thành một căn cứ quân sự Hoa Kỳ với tên gọi rất quen thuộc: Căn Cứ Khe Sanh.
RỒI ĐẾN NĂM 1964
Ngày 26 tháng 3, Đại Úy Floyd Thompson (chỉ huy trưởng của lực lượng A-Team tại Khe Sanh) bị Cộng quân bắt. Ông là người tù binh bị giam giữ lâu dài nhất trong cuộc chiến.
Cuối năm 1964, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ thiết lập thêm nhiều công sự chiến đấu. Về sau, nhiều người đã nhầm lẫn và cho rằng những công sự chiến đấu này là người "Tây" xây cất.
Ngày 22 tháng 12/1965, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại Khe Sanh chạm súng và tiêu diệt một toán thám kích Cộng Sản Bắc Việt. Ngày 3 tháng 1 (1966), Cộng quân trả đũa với một loạt cối-120 ly rót vào căn cứ. Đây là lần đầu tiên hỏa lực pháo kích hùng hậu cỡ 120 ly được xử dụng trong cuộc chiến.
Dần dà, Khe Sanh trở thành một địa danh quan trọng. Nhưng sự quan trọng ở đây không phải là để ngăn chận một cuộc xâm lược của bộ đội phương Bắc. Nhưng ngược lại, Khe Sanh giống như một bàn đạp để người Mỹ có thể đưa các điệp vụ thám thính đi sâu vào lãnh thổ Lào. Những điệp vụ bí mật ngày càng gia tăng. Năm 1964, toán Thám Báo Truyền Tin dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Alfred M. Gray, Jr., đã hoạt động mạnh mẽ tại chân núi Móng Hổ.
Từ đó về sau, nhiều hoạt động thám thính lần lượt xuất hiện quanh vùng Khe Sanh. Nào là Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ với mạng lưới tình báo, rồi toán đặc nhiệm Không Quân xử dụng loại phi cơ "chong chóng" Tigerhound, cho đến cơ quan tình báo CIA của Mỹ với một toán Cố Vấn Chiến Lược hợp tác với các cựu hồi chánh viên Bắc Việt. Và cuối cùng, năm 1966 nhóm SOG (Special Observation Group, tạm dịch "Toán Quan Sát Đặc Biệt") Hoa Kỳ đóng ở Phú Bài quyết định dùng Khe Sanh làm nơi xuất phát các cuộc hành quân đi sâu vào vùng đất địch.
Với kết quả tình báo quân sự khả quan, Đại Tướng Westmoreland muốn tân trang phi đạo tại Khe Sanh. Đồng thời, ông ra lệnh cho Tiểu Đoàn 1/3 (đọc là "Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 3") đến tăng cường cho Khe Sanh vào tháng 10 năm 1966. Trong năm này, chỉ có 3 quân nhân Hoa Kỳ trong chiến dịch DELTA --hoạt động quân sự của Mỹ về phía Nam của vùng Phi Quân Sự và về phía Đông biên giới-- bị mất tích. Từ 19 đến 25 tháng 12/1966, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ dời căn cứ đến Làng Vei. Đây là một ngôi làng nằm về phía Tây gần căn cứ Khe Sanh.
CÁC VỤ CHẠM SÚNG NGÀY CÀNG GIA TĂNG
Ngày 18 tháng 1/1967, trong một cuộc chạm súng với Bắc quân, Trung Sĩ Michael John Scanlon của toán 3 Thám Kích là binh sĩ Cọp Biển (Cọp Biển: tiếng lóng thay thế danh từ "Thủy Quân Lục Chiến") đầu tiên hy sinh tại Khe Sanh. Rồi trong hai ngày giao chiến từ 26 đến 27 tháng 1 bốn chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (TQLC) bị bắn rớt. Ngày 6 tháng 2/1967, Tiểu Đoàn 1/9s đến Khe Sanh. Ngày 25 tháng 2 họ đụng độ quân Bắc Việt tại một địa điểm 1,500 mét về phía tây của phi đạo. Các toán thám kích Hoa Kỳ cho biết quân Bắc Việt đã tập trung một lực lượng đông đảo về vùng này.
Ngày 16 tháng 3, Đại Đội E/219 (đọc là "Đại Đội E thuộc Tiểu Đoàn 219") lâm chiến. Mười tám (18) binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến không may đã bỏ mình trong trận này. Lúc ấy, Không Quân Hoa Kỳ với các phi cơ Tigerhound cho biết họ đã thấy có nhiều dấu vết hoạt động của Cộng quân gần một ngọn đồi cách Khe Sanh không xa mấy. Nhưng viên sĩ quan Hoa Kỳ, chỉ huy trưởng của lực lượng phòng thủ tại Khe Sanh đã không quan tâm đến vấn đề này.
24 THÁNG 4
Ngày 24 tháng 4, hai trung đội 1 và 3 của Đại Đội B/1/9 (đọc là "Đại Đội B thuộc Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn 9") mở cuộc hành quân lục soát quanh vùng (Trung Đội 2 ở lại Khe Sanh để phòng thủ căn cứ). Một trung đội hoạt động về phía Tây của Đồi 861, còn trung đội kia di chuyển trong một khu vực 1 km về phía Tây Bắc. Nhiệm vụ của họ là kiểm soát một hệ thống hang động đã được phát hiện vào chiều ngày hôm qua. Các diễn tiến trong cuộc hành quân này đã được Tom Ryan, một binh sĩ thuộc Trung Đội 3 kể lại như sau:
Viên đại tá chỉ huy trưởng tại Khe Sanh nói rằng ông muốn cử hai trung đội đi lục soát hệ thống hang động này. Theo dự án hành quân, ông muốn hai trung đội tiến song song với nhau, rồi sau đó sẽ đánh ập vào để tiêu diệt quân địch. Lúc đó, tôi nhớ lại thật là ghê gớm...
Khoảng 18 giờ, Trung Đội B-1 (đọc là "Trung Đội 1 của Đại Đội B") và B-3 nhập lại thành một và dừng quân nghỉ qua đêm. Nhưng không một ai có thể ngủ yên. Thượng Sĩ Michael A. Brown --xạ thủ đại liên và toán trưởng của Trung Đội 3-- thuật lại như sau:
Chúng tôi lập vòng đai phòng thủ. Nhưng mọi người đều như lo sợ và thiếu mất niềm tự tin. Chúng tôi biết mình đang đi vào vùng kiểm soát của quân Bắc Việt. Trung đội của tôi đóng quân ở vùng hoang vắng, ngay cạnh bên nơi đóng quân của Trung Đội 1.
Năm giờ 30 sáng ngày 24, hai trung đội di chuyển theo đội hình hàng dọc song-song cách nhau 300 mét. Trong âm thầm, họ tiến quân về hướng Đồi 516. Lúc ấy trời đổ cơn mưa. Trong lúc di chuyển, vài binh sĩ ăn các đồ hộp C-Rations với nước mưa. Thượng Sĩ Michael A. Brown kể tiếp:
Đến giữa vùng hoang vắng, không một bóng người, cũng không có chạm súng. Các nẻo đường khó đi, nhưng chúng tôi cũng cố gắng để vượt qua nhiều chướng ngại vật. Tiếp tục di chuyển lên đồi. Tôi cũng không rõ đó là ngọn đồi nào, dường như là Đồi 861 thì phải. Đến một nơi có nhiều cỏ lau cao và dầy đặc, chúng tôi cũng không rõ là sẽ có một cuộc chạm súng nào sẽ xảy ra không đây. Vài binh sĩ trong nhóm nói, "Thôi, có lẽ khi mình đến mục tiêu thì mình cũng chẳng tìm được gì ở đó." Riêng phần tôi thì tự nhủ là ở đó chắc cũng không có an-bình hay yên-lặng, mà lại là tử thần và chết chóc đang rình đợi chúng tôi.
Lúc Trung Đội B-1 đến gần hệ thống hang động, một binh sĩ thuộc Tiểu Đội 3 của B-1 phát hiện khoảng 4-5 bộ đội Bắc Việt mặc quân phục khaki đang di chuyển về vị trí của toán Thủy Quân Lục Chiến. Thiếu Úy James D. Carter, Jr. --trung đội trưởng-- ra hiệu cho trung đội chuẩn bị sẵn sàng.
Khi khoảng cách giữa toán quân Bắc Việt và các binh sĩ Mỹ chỉ còn 50 mét, một người bộ đội trông thấy đối phương. Họ liền khai hỏa. Phía bên kia, các Cọp Biển Hoa Kỳ cũng bắn trả lại. Một rừng đạn đồng xé gió bay veo véo. Một lúc sau, Thiếu Úy Carter cùng vài binh sĩ rời vị trí để thám sát trận địa. Họ tìm được một cán binh Cộng Sản đang nằm trên băng ca. Người này lập tức bị giết chết. Sau đó không lâu, một cán binh Bắc Việt khác cũng bị nhóm của Thiếu Úy Carter bắn hạ dưới chân đồi.
Trong khi đó, Tiểu Đội 1 bị mất một thượng sĩ. Anh chính là Gerald Pomerlea (tiểu đội trưởng của Tiểu Đội 1). Trong lúc tiến quân, có lẽ hấp tấp và không cẩn thận nên Pomerlea đã bị một quả lựu đạn làm anh chết tại chỗ. Các binh sĩ của Trung Đội B-1 cố mang thi thể của Pomerleau lên đồi. Họ tiến về hướng Đồi 861. Nhưng mới đi được 300 mét thì trung đội này đã bị đối phương phục kích.
Trong khi đó, tình hình bên Trung Đội B-3 cũng không mấy khả quan. Hai bên chiến tuyến bắn nhau giữ dội. Để yểm trợ cho đồng đội, Hạ Sĩ Eric G. Wilk đem khẩu bích-kích pháo 60 ly đến một vị trí mà anh có thể quan sát rõ ràng. Khẩu súng cối bắn liên tục làm nhiều tổ súng của địch quân phải tạm thời câm miệng. Nhờ thế, Trung Đội 3/B mới đủ thời gian di chuyển qua rặng núi tránh tầm hỏa lực của Cộng quân.
Bắc quân lập tức tập trung hỏa lực về phía trước. Đủ loại súng lớn nhỏ đều nhắm vào vị trí mới của Trung Đội B-1. Họ cũng cố tiêu diệt luôn khẩu bích-kích pháo của Hạ Sĩ Wilk. Từ nãy đến giờ, "cây 60" đã làm cho họ nhứt đầu không ít. Hạ Sĩ Wilk liền dời khẩu bích-kích pháo đến một vị trí khác. Từ nơi đó anh có nhiều lợi thế hơn. Và rồi công việc bắn yểm trợ lại tiếp tục. Lúc ấy, đồng đội của Wilk mới đủ thời gian để chỉnh đốn hàng ngũ và tổ chức lại đội hình.
Hạ Sĩ John Wayne Skelton, Jr., cũng bận rộn không kém. Anh tự mình chạy đi chạy lại để bổ sung đạn dược cho súng cối của Wilk. Trong đường tơ kẽ tóc, và băng ngan các đường bay của lửa đạn, Skelton nhanh nhẹn phóng từ nơi này đến nơi kia để lấy thêm đạn đem về vị trí.
Mặc cho mọi chết chóc và hiểm nguy kề cận trên chiến trường, Hạ Sĩ Wilk vẫn tiếp tục tạo áp lực với khẩu bích-kích pháo duy nhất. Anh bỏ từng viên đạn vào nòng, né sang bên, đợi tiếng "phụp" vang lên, rồi quả đạn bay khỏi nòng. Cứ thế làm đi làm lại như vậy cho đến khi Hạ Sĩ Wilk bị một viên đạn xuyên thẳng vào cánh tay.
Hạ Sĩ Wilk bị thương, quỵ xuống, nhưng người bạn Skelton đã lập tức bổ sung. Anh dằn lấy khẩu bích-kích pháo rồi tiếp tục công việc. Nhưng rồi Hạ Sĩ Skelton cũng bị trúng đạn. Tình thế lúc đó chẳng khác nào như thập-tử nhất-sanh.
Khi ấy, mọi việc đều diễn ra gần vị trí của Hạ Sĩ Dana Cornell Darnel (người tải đạn súng cối cho Trung Đội B-1). Chính anh đã nhìn thấy xạ thủ súng cối ngã gục trong những giây phút đầu của cuộc phục kích. Trong tình thế nguy ngập, Darnel vẫn bình tĩnh để cố thu hồi các viên đạn súng cối trên mặt đất. Anh quát tháo bảo các đồng đội hãy tiếp tế thêm đạn súng cối (đạn súng cối được phân chia cho nhiều người trong trung đội để mang phụ lẫn nhau). Nhưng vì địch quân bắn rát quá. Không một ai dám ôm đạn chạy đi chạy lại khắp nơi.
Không kể gì đến sự an toàn của chính mình, Darnel đứng thẳng người. Anh chạy đến vị trí của người ngày và người nọ để có thể lấy thêm đạn súng cối. Vì vị thế của khẩu bích-kích pháo vừa lộ thiên, vừa nguy hiểm, nên người hạ-sĩ đã phải dùng nón sắt để làm bàn chống, rồi kẹp luôn khẩu súng cối vào giữa đùi anh. Đạn cối được "câu" liên tục, nổ ì ầm, khóa họng vài ổ súng cá nhân và cộng đồng của địch.
Tuy nhiên, vì mức độ tác xạ quá nhanh và quá nhiều nên nòng súng cối trở nên đỏ ửng. Nhưng vẫn phải tiếp tục bắn để đàn áp hỏa lực của Cộng quân. Nếu không ngừng, hoặc không có nước lạnh xối vào, nòng súng nở to và sẽ bị bất khiển dụng. Một binh sĩ Cọp Biển gần đó rất nhanh trí. Anh tuột quần xuống rồi "rưới" thẳng lên trên nòng.
Khi bắn hết đạn, Hạ Sĩ Darnel cho khẩu lệnh bảo các đồng đội cố gắng chờ đợi. Sau đó, như một con nai nhanh nhẹn, anh tiếp tục chạy từ nơi này đến nơi khác để vác thêm đạn về. Cứ như thế, khẩu súng cối 60 ly tiếp tục bắn yểm trợ cho đến khi hỏa lực của địch quân hoàn toàn bị dập tắt.
Trung Đội 1 được lệnh rút lui. Nhưng có 2 binh sĩ TQLC bị đại liên của đối phương quật ngã. Không chần chừ, Hạ Sĩ Darnel nhào đến tiếp cứu, băng bó, rồi kéo hai người thương binh này đến nơi an toàn. Mắt của anh bị mờ vì bụi mù chen lẫn với những mảnh đạn. Nhưng Darnel không sờn lòng. Chỉ trong vòng gần một tiếng, anh đã cứu giúp thêm được vài đồng đội khác. Một lúc sau, khi thấy máy truyền tin bị bỏ trên mặt đất (người lính hiệu-thính viên của trung đội đã tử trận), Hạ Sĩ Darnel nhặt máy mang lên vai rồi mới cùng trung đội rút lui khỏi chiến trường.
Trận đánh tạm thời kết thúc, nhưng nỗi lo sợ vẫn làm nặng lòng mọi người. Hạ Sĩ Brown (trưởng toán đại liên của Trung Đội B-3) cho biết: Lúc hành quân, chúng tôi cũng không rõ mục tiêu sẽ nằm nơi đâu, và cũng chẳng biết mình sẽ đóng quân ở nơi nào. Cả trung đội tiến quân vô trật tự. Đến lúc lọt vào ổ phục kích, thì mạnh ai người nấy lo."
Trung Đội 1/B được lệnh phải để các xác chết của đồng đội lại cho B-3 trông chừng. Rồi lệnh-lạc cho biết họ phải tiếp tục di chuyển để bắt tay với BRAVO-6 (Đại Đội B của Tiểu Đoàn 6) của Đại Úy Sayers. Nhiệm vụ mới của là tăng viện cho B-2 vì lúc đó B-2 đã bị thiệt mất 4 binh sĩ.
Gửi ý kiến của bạn