BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận đánh An Lộc, mùa hè năm 1972 (3)

25 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 4950)
Trận đánh An Lộc, mùa hè năm 1972 (3)
511Vote
44Vote
31Vote
26Vote
12Vote
3.724
Sau hơn một tuần chờ đợi, trận tấn công vào thị xã An Lộc đã bắt đầu vào ngày 13 tháng tư. Trong ngày này dưới phía Nam Tỉnh Bình Long, Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù đã rút trờ lại Chơn Thành rồi Lai Khê để tìm cách khác tăng viện vào ngay An Lộc vì cuộc tấn công bộ chiến, thiết giáp của VC đã bắt đầu. Tiến lên tăng viện bằng cách giài tỏa trục đường bộ QL 13 không còn kịp thời nữa. Sau trận đầu tiên ngày 13 không thành công, cuộc tấn công tới của VC tiếp tục sẽ kinh hoàng hơn. An Lộc cần có quân tinh nhuệ thiện chiến nhất trên chiến trường với số lượng có thể làm thay đổi sự mất còn của An Lộc bây giờ chỉ còn là Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù với ba tiểu đoàn 5, 6 và 8 cùng một pháo đội của TĐ3 và công binh chiến đấu.



Quyết định giữa tư lệnh Sư Đoàn Dù, Tướng Dư quốc Đống, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, Tướng Nguyễn văn Minh và Đại Tá Lê quang Lưỡng chỉ huy LĐ1 là dùng trực thăng vận, cho Nhẩy Dù nhẩy ngay vào bên cạnh AL về hướng Đông Nam, khoảng trống duy nhất tương đối còn trống cho trực thăng, không có rừng cao su sát bên để VC có thể quan sát tập kích cuộc đổ quân. ĐT Lưỡng bay vài vòng quan sát, để tìm bãi đáp. Ông chọn phía Đông vùng ba ngọn đồi có đồi Gió ở giữa, cao độ 150m rồi kế đó đồi 169, nằm liên tiếp kéo từ Nam Quản Lợi, xuống phía Đông Nam của thị xã với cách khoảng trung bình 4km là có thể di hành từ đây thẳng vào trong Thị Xã An Lộc.



Bãi đổ quân sẽ là khoảng trống đường LT245 (Liên Tỉnh Lộ) kéo dài từ (QL13) Xa Trạch ở phía Nam đến Quản Lợi theo hướng Bắc. Đồi Gió nằm phía Tây LTL, Ấp Srok Ton Cui (Srok là tên gọi Ấp của người Miên) nằm bên kia tỉnh lộ về hướng Đông.

Ngày 13 tháng tư, cùng lúc An Lộc chịu sự tấn công của VC thẳng vào với bộ binh và tăng, Lữ Đoàn Dù đã chọn được địa điểm, ĐT Lưỡng bay quan sát nhiều vòng, chọn nơi nhầy trực thăng thẳng vào bên cạnh thị xã An Lộc vào ngày hôm trước để tăng viện quân vào phòng thủ, đồng thời sẽ thiết lập căn cứ hỏa lực tại đây với sơn pháo 105 ly để yiểm trợ cho thị xã An Lộc. Cuộc trực thăng vận nguyên lữ đoàn Dù sẽ bắt đầu vào ngày hôm sau.



Ngày 14 tháng tư, trên thị xã An Lộc, sau lần tấn công thất bại hôm trước quân VC bao vây chung quanh lại pháo kích đều đặn như cũ vào thị xã để làm tiêu hao quân trú phòng và khủng bố dân An Lộc. Lần tấn công đầu với đoàn chiến xa đi diễn hành vào tiếp thu An Lộc vì tin tưởng AL đã được giải phóng theo trí tưởng tượng, không ngờ chỉ tiếp thu toàn là đạn hỏa tiễn M72 chống chiến xa, pháo trực xạ, bỏ xác lại đường phố AL trên mười chiến xa …. VC chỉ còn bắn pháo bừa bãi vào trả thù và chờ đợi cách tiến công khác. Tuy nhiên, ở mặt Bắc , Đông Bắc của Thị Xã, quân VC đã tấn chiếm và bám chốt được nhiều khu vực thành phố. Kéo từ Đông Bắc xuống. Có lẽ đường Hùng Vương là lằn ngang ranh giới giữa hai bên. Quân phòng thủ, BĐQ giữ chắc cao điểm khối nhà ba từng bê tông vững chắc là trường Tiểu Học Quốc Quan, ngay phía bắc Chợ Cũ. Về phía Tây, Tây Bắc thì phòng tuyến trung đoàn 8/SĐ5 vẫn vững chắc, nay có thêm nhiều xác xe tăng T54 của VC dùng che đạn phía Tây đường Ngô Quyền, ở mặt Bắc, quân VC chiếm khoảng giữa phía trên bến xe đò, phía trụ sở của xã Tăng Lập Phú, đồn Cảnh Sát Dã Chiến, kéo dài, bọc qua hướng Tây.

Hai bên vẫn trao đổi giao hữu qua lại súng cối, B40-41, súng cá nhân, lựu đạn những khi có dịp. Dân chúng thì rút về các khu hiếm có ít súng đạn hơn còn lại, phía Nhà Thờ Bình Long cuối ĐL Hoàng Hôn về hướng Tây, khu xóm Nhà Ga, Chùa Tịnh Độ phía thấp hướng Đông bên suối Quản Lợi. Bây giờ trong vòng đai Thị Xã đã bị quân VC tấn chiếm và bám chốt ngay hướng Bắc, làm đầu cầu chờ quân tiếp viện vào tấn công chiếm hết AL.



Kể ra, lần đầu tiên sau Quảng Trị, quân VC đã dùng trận địa chiến với tăng, pháo binh VC có khả năng đã bắn dư thừa đạn tấn công trực diện thẳng vào một thị xã đầy dân của miền Nam, tuy không chiến thắng được trong ngày, nhưng họ cũng đã chiếm gần một phần ba thị xã về hướng Bắc, đây là khu dân cư và VC vẩn tiếp tục lấn tiến chiếm lan ra chung quanh sau đó, cho dù không quân Việt Mỹ oanh kính dữ dội cùng với các phi tuần B52 trải bom. Bây giờ quân VC đến tận nhà, gõ cửa, đánh trực diện với số đông áp đảo cho dù đường tiếp viện của họ thì thật xa từ ngàn cây số hơn về miền Bắc, VC không có không quân, và chưa kể chỉ hơn năm trước, quân VNCH đã tấn công qua Cam Bốt truy lùng mật khu và kho tàng của VC. Thực sự BCH VC chỉ lui binh xa hơn để bảo toàn lực lượng cùng tiếp liệu, tiếp tục mang các vũ khí cộng đồng nặng hơn tân tiến hơn như tăng, đại pháo 130 ly từ miền Bắc vào, tăng đi xuyên rừng cùng xăng dầu, đạn pháo, và bây giờ đã có khả năng đánh thẳng, đánh tàn bạo dư thừa súng đạn. Chiến thắng chưa thấy, nhưng cho thấy quân VC bây giờ không còn du kích chiến nữa mà có phần đông hơn mạnh hơn, không biết quân đại quân VC sẽ nuốt trọn An Lộc vào lúc nào.

Ngược lại sau trận đánh với chiến xa VC lần đầu tiên thì quân trú phòng không còn sợ hãi nữa, vũ khí cá nhân chống tăng M72 thiệt kỳ diệu, bắn thủng cháy tăng T54 dễ dàng, chuyện săn đuổi diệt tăng trở nên thích thú, hít thở không khí khét mùi súng sau những giờ dài chịu pháo rất mệt mỏi ngột ngạt dưới hầm. Trung Đoàn 8/SĐ5 tổ chức nhiều toán diệt tăng 3 người mang theo nhiều M72 dành bắn tăng và M16 cá nhân để tiêu diệt những toán viên VC thoát cháy ra khỏi tăng. Các phi công Mỹ cũng tha hồ thực tập học bắn tăng VC bằng đủ loại chiến đấu cơ ngày đêm, lúc nào cũng có thường trực pháo đài bay AC130 Spectres liên tục nã đại bác 105 ly trực xạ xuống tăng, rất có hiệu qủa và phi công Mỹ có cơ hội tìm cảm giác mạnh, mới, hồi hộp thích thú hơn là dùng ma túy hay cần sa như thường lệ, lại có cơ hội khoe thành tích và nổ trong thư gửi về nhà. Sau này, nhiều năm sau có người còn vẽ tranh bắn tăng VC in ra bán nữa khi đã về Mỹ xa chiến trường VN.

Đây là cuộc chiến không quân bình, vì quân VNCH có nhiều dân, nhiều thành thị nhiều đất, phải chia quân phòng thủ trải mỏng ra, và cần nhiều quân hơn nữa để trả đũa hay tấn công VC trở lại. Trong khi VC không dân, không đất, không thành phố, khi cần chọn tấn công ở đâu, họ chỉ cần tập trung quân đông mấy lần hơn là đủ để tấn công, không phải trải quân phòng thủ giữ đất rộng rãi ở đâu. Hai thế chiến lược rất khác biệt nhau.

Tiếp liệu cho quân VNCH trú phòng, bây giờ chỉ còn có cách là thả dù tiếp liệu từ trên cao. Trực thăng vận tải Chinook không còn hữu hiệu nữa vì pháo và phòng không VC dầy đặc cùng hỏa tiễn cá nhân tầm nhiệt SA7 Stella của Nga Xô, lần đầu được dùng trên chiến trường VN. Các phi vụ thả dù tiếp tế cho AL dùng vận tải cơ C123 của Không Quân VN, và các C130 của Không Quân Hoa Kỳ thả trên cao độ an toàn. Chỉ ước lượng là 30% đồ tiếp liệu lọt được đến tay quân trú phòng, 70% phần còn lại theo gió bay qua phía bên quân VC. Coi chừng cách tiếp liệu thả dù này có lợi cho quân VC nhiều hơn, nhất là về phần thực phẩm, có một số quân VC đã ghiền ăn các loại thực phẩm này, một số tù binh VC biết loại đồ ăn nào khoái khẩu để xin ăn sau này, còn đạn được thì đa số không xử dụng được vì súng ống khác loại và kích thước đạn cũng khác. Tuy nhiên VC cũng tái dùng được đạn M79, cho súng phóng lựu đã tịch thu được của quân VNCH trên chiến trường. Còn đạn nặng như đại bác cho pháo binh thì coi như không cần vì các khẩu pháo của quân trú phòng coi như đã hư hao hết.



Ngày 14 tháng Tư, quân Nhẩy Dù theo kế hoạch bắt đầu đổ quân vào khẩn cứu AL bằng trực thăng. Theo kế hoạch này, vào buổi trưa, hai gìờ chiều, Tiểu Đoàn 6 Dù, do Trung Tá Nguyễn văn Đỉnh chỉ huy, tuần tự được trực thăng vận xuống khoảng trống bên LT245, gần Srok Ton Cui bên phải đường Tỉnh Lộ, đồi Gió bên trái, suối Rô ở giữa. Các đại đội tiến quân lên chiếm giữ ngay cao điểm đồi Gió, và trú quân bên dưới đồi giữ bãi đáp để cho toàn bộ LĐ1 Nhẩy Dù gồm hai Tiểu Đoàn còn lại sẽ xuống đây vào ngày hôm sau. ND Giữ đồi Gió để làm vị trí cho một pháo đội Dù sẽ được thả pháo 105 ly xuống làm căn cứ hỏa lực. Sau cuộc đụng độ ngắn, quân VC giữ điểm không có bao nhiêu nên bị đánh tan nhanh chóng. Cuối ngày 14, toàn bộ TĐ6 ND đã xuống được địa điểm an toàn, họ chia ra bố phòng chung quanh với điểm cao là đồi Gió, từ đây quan sát được toàn thị xã đang chịu pháo dữ dội của VC, đỉnh đồi này chỉ cách Thị Xã An Lộc về hướng Tây bên kia đồi chừng 4km. Theo kế điều quân thì nguyên LĐ1 ND sẽ xuống tiếp, di hành vào tiếp cứu An Lộc , khu vực Đồi Gió sẽ là căn cứ hỏa lực mới với 6 khẩu pháo 105mm và bộ chỉ huy nhẹ của LĐ1 ND nằm tại đây hổ trợ cho Nhẩy Dù tiến vào và cùng trấn thủ bên trong An Lộc.



Trong ngày đổ quân các phi tuần chiến đấu cơ Việt Mỹ, yiểm trợ oanh kích các điểm có quân VC do các đơn vị tiền sát bên dưới chỉ điểm và các thám thính cơ FAC (forward air control), các trực thăng liên tục đổ quân, mỗi chiếc trung bình mang 10 quân tác chiến, các trực thăng vận tải Chinook đổ theo tiếp liệu và các vũ khí nặng, trong khi đó các trực thăng chiến đấu, đánh vòng quanh yiểm trợ đại liên cùng hỏa tiễn từ trên không xuống cho cuộc đổ quân. Không Đoàn 43/Sư đoàn 3 Không Quân từ Biên Hòa, tăng cường lên Lai Khê, đang bận rộn bay không ngừng cho chiến trường. Các phi vụ oanh tạc của không quân Hoa Kỳ từ căn cứ bên Thái Lan, từ Hàng không mẫu Hạm ngoài khơi và từ các căn cứ Biên Hòa, Tân sơn Nhất bay đến liên tiếp oank kích theo nhu cầu nặng của chiến trường An Lộc.



Bây giờ thì bộ chỉ huy VC đã khám phá ra cuộc đổ quân mới của TD6 ND, pháo binh VC VC từ hướng xã Tân Lợi ngay phía Nam Quản Lợi bắt đầu pháo tới các vị trí của TĐ6 ND. Tuy nhiên BCH VC vẫn chỉ biết đây là một đơn vị nhỏ cấp tiểu đoàn đã được thả vào, chứ chưa biết đang có nguyên một LĐ1 ND sẽ tiếp tục được đổ vào sau đó.

Bộ máy tuyên truyền của Hà Nội loan báo trên đài phát thanh là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẽ thanh toán chiếm thị xã An Lộc để ra mắt chính phủ của MTGPMN vào ngày 20 tháng Tư, chọn AL làm thủ đô. Bây giờ, ngày 14 tháng tư, Quân Nhẩy Dù đã tiến sát hơn vào thị xã với một TĐ đầu tiên làm đầu cầu, binh tiếp viện tinh nhuệ cần thiết sẽ nay mai vào gần ngay An Lộc bằng trực thăng, chứ không cần mất thời gian giải tỏa lâu lắc bằng di hành bộ theo đường 13 theo như VC đã dự đoán và cho SĐ7/VC bố trí đóng chốt kiềng chận ND ở 3km phía Bắc Chơn Thành từ Tầu Ô trải dài trở lên AL.

Ngày 14, bên trên thị xã AL chỉ có những cuộc chạm súng nhỏ, dành đất phía Bắc Thị Xã giữa hai bên, thỉnh thoảng thấy có chiến xa VC xuất hiện, có loại chiến xa VC gắn súng phòng không. Nhưng ngày 14, chưa thấy VC có nối tiếp được cuộc tấn công ác liệt nào như ngày 13 trước đó. Cuộc tấn công của VC theo như dự đoán trước của bên trú phòng là sẽ từ phía Bắc hướng Lộc Ninh đổ xuống vì đây là đường tiếp tế chính của quân VC từ Cam Bốt qua, từ cuối đường mòn HCM dẫn tới các kho tàng bên kia biên giới. Còn hướng Tây và hướng Đông của thị xã thì vì thiếu các trục giao thông lớn sẵn có, nên chưa thấy VC đặt mũi tấn công nặng từ các hướng này vào. VC chỉ dồn lực lượng tấn công vào từ hướng Bắc, chứng tỏ VC cũng không có đủ quân biển người để bao vây toàn bộ để tấn công hiệp đồng nhất vào 4 mặt của thị xã AL.

Phía Đông Nam, VC để bỏ ngỏ cho nên bây giờ TĐ6 Nhẩy Dù đã đổ quân xuống làm đầu cầu cho Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù sẽ tiến vào AL theo hướng này.

Ngày 15 tháng tư, dưới phía Nam Bình Long, từ Lai Khê các đoàn trực thăng bay lên đổ liên tiếp hai TĐ 5 và 8 Nhẩy Dù vào bãi đáp đã do TĐ6 xuống trước lập an ninh ngày 14. Bộ chỉ huy nặng của LĐ1 ND do ĐT Lưỡng chỉ huy đi lên cùng TĐ5. Bộ chỉ huy nhẹ của Liên Đoàn do Trung Tá LĐ Phó Lê văn Ngọc chỉ huy đã xuống trước cùng TĐ6 Dù nằm bên đồi Gió và đồi 169. Cuối ngày 15 tháng tư, toàn bộ LĐ1 ND đã xuống trận địa phía Đông Nam An Lộc cách trung tâm thị xã 4km, gồm có ba TĐ, một pháo đội của TĐ3 pháo Dù, công binh chiến đấu Dù và đại đội 3 Trinh Sát Dù. TĐ6 trấn giữ đồi Gió và Srok Ton Cui để làm căn cứ hỏa lực. TĐ 8 Dù, chỉ huy bởi Trung Tá Văn bá Ninh đi về hướng tay Trái, thẳng vào AL qua suối Quản Lợi về hướng Ấp Phú Hòa. TĐ 5 Dù, do Trung Tá Nguyễn chí Hiếu chỉ huy cùng với BCH lữ đoàn của ĐT Lưỡng đi về tay Phải, tiến vào Ấp Sóc Gòn qua rừng cao su, gần tới Xã Tân Lợi, từ đây họ sẽ tiến vào bắt tay quân trú phòng An Lộc theo hướng Đông.

Trong thị xã An Lộc ngày 15 tháng tư, lợi dụng lúc nhịp độ pháo kích của VC giảm xuống, dân chúng trong thị xã bàn tính sẽ tự động rút ra di tản bộ về hướng Nam, theo quốc lộ 13 ra khỏi Thị Xã để Tránh chịu thương vong vì các trận tấn công khốc liệt đã tràn đến và sẽ tiếp tục khốc liệt hơn. Ngoài ra tình trạng do có qúa nhiều dân bị thương tích và chuyện thiếu lương thực sẽ khó được giải quyết, nên dân trong thị AL bàn tính tìm cách thoát ra ngoài Thị Xã sau đợt tấn công đầu tiên của VC. Họ tổ chức dân di tản thành các nhóm tôn giáo chính của Chùa và Nhà Thờ.



Ngày 15 tháng tư, vào buổi sáng, hai nhóm dân, một đi ra theo ĐL Nguyễn Huệ (QL13) từ phía Nhà Thờ Công Giáo, một theo hướng đường Nguyễn Du đi bọc ra QL13 phía sau từ khu xóm Nhà Ga và Chùa Tịnh Độ đi lên. Đi đầu là các nhà lãnh đạo tôn giáo với cờ trắng, cờ tôn giáo và loa phóng thanh yêu cầu lòng nhân đạo của hai bên, vừa đi vừa lên tiếng thông báo cho cuộc đi thoát nạn chiến tranh của họ. Đoàn người người bắt đầu đi xuống tới phía trước Sân Vận Động Thị Xã, trước Tòa Hành Chánh thì tiền sát viên pháo binh VC đã quan sát thấy. Pháo VC tấp nập bắn thẳng vào đoàn người di tản vô tội này. Vì khu vực này trống trải không có gì để ẩn núp đạn pháo, nên số tử vong của thương dân tại đây lên khá cao, mảnh vụn thân thể và thi thể nằm vương vãi hai bên đường. Dân chúng bỏ chạy, quay trở về lại nơi trú nấp cũ. Cuối cùng sau đó cũng có những đoàn hay toán nhỏ người dân lên đường quyết rời bỏ thị xã An Lộc đi về hướng Nam. Không biết quyết định của họ có sáng suốt và đúng hay không, tuy nhiên cũng có vài ngàn người đã an toàn thoát xuống được tới quận lỵ Chơn Thành sau này, trong đó có vài ngàn người bị bỏ mạng dọc đường cùng thêm một số người khỏe mạnh đã bị VC bắt đi làm dân công tải đạn, một số dân tị nạn bị lùa ngược lên Lộc Ninh để làm dân cho lãnh thổ của MTGPMN.



Trong đợt tấn công bằng tăng đầu tiên vào An Lộc, trưa ngày 13 tháng tư, và hai ngày sau đó, theo tài liệu không có nói rõ ngày nào, một chiếc xe tăng T54 VC, đi suốt được từ phía Bắc dọc QL13 hay ĐL Nguyễn Huệ, nó đi ngang qua Tiểu Khu Bình Long là khu vực có tòa Hành Chánh Tỉnh, sát phía sau có hầm chỉ huy của quân trú phòng An Lộc hay của Chỉ Huy Trưởng SĐ5 là Chuẩn tướng nhiệm chức Lê văn Hưng, nó bắn vào đây mấy phát đại bác từ khoảng xa trên 75m. TK Bình Long, có một cổng vào ngay góc Ng Huệ và Phan bội Châu xéo góc Tiểu Học Thượng, bên kia đường nơi cổng này là cuối trường Tiểu Học An Lộc có nhà rời cho giáo viên, khoảng cách từ đây tới hầm Tướng Hưng còn đến hơn 100m dài, và tầm quan sát không thông suốt, tia nhìn thẳng bị cản bởi nhiều khối nhà lớn nhỏ nằm theo đủ hướng và hàng cây cao dọc đường bên ngoài.

Tuy nhiên sau này có vài nhân chứng nói tướng Hưng, quần đùi xà lỏn, xách lựu đạn chạy ra là chuyện “vô duyên, và cải lương” chuyện đó để cho binh nhì khinh binh làm giỏi hơn, chứ không phải là chuyện của Chỉ Huy Trưởng chiến trường An Lộc, người cần làm những chuyện đòi chuyên môn bậc chỉ huy cao hơn cho đúng vị trí. Ngoài ra từ hầm chỉ huy nhìn ra sẽ không thấy thẳng được chiếc T54 này khi nó xuất hiện chạy xa ngoài đường 13 vì tia quan sát thẳng bị nhiều khối nhà chận phía trước, không có khoảng cách thẳng để cho xe tăng VC nhìn thấy được hầm chỉ huy Tướng Hưng sau hàng rào dầy đầy chằng chịt lô cốt phòng thủ lớn nhỏ, nói chung là quan sát viên VC không thể thấy và phân biệt được đâu là hầm chỉ huy của tướng Hưng từ đường quốc lộ 13 ở bên ngoài hàng rào phòng thủ của căn cứ tiểu khu BL, chưa kể ô kiếng của tài xế lái xe tăng rất nhỏ bị hạn chế tầm quan sát, còn chỉ huy tăng thì phải đóng pháo tháp lại chui xuống. Nói chung là tăng VC sẽ không thấy Tướng Hưng và ngược lại T Hưng cũng không thấy được tăng tù hầm của mình, trừ khi chạy ra coi cho thỏa tính hiếu kỳ.

Chiếc tăng này khi ngừng trước cổng vào Tiểu Khu bị xe commando V100 với đại liên từ bên trong TK bắn ra rát ngay vào pháo tháp T54, nên đại liên nằm bên ngoài nóc chiếc T54 này không chuyển hướng bắn lại được vì xạ thủ phải chui vào trong tăng đóng nắp pháo tháp lại. Sau đó chiếc T54 này đi tiếp về phía Nam, tới cổng chính vào Tòa Hành Chánh, đi qua tới Sân Vận Động, đều nằm bên phải chiều di chuyển của xe tăng, tới khu vực trại biệt kích B15 là trại Đỗ cao Trí? (tôi vẫn thắc mắc trại ĐCT ở đâu?, sau khi ông chết được đặt tên cho trại Biêt Kích Mỹ, chỉ có trại B15 duy nhất, có tài liệu nói tới Thành ĐCT là Tiểu Khu xưa nay, TK không gọi là thành, vì chỉ có hàng rào xung quanh như các cơ sở hành chánh thường, có tài liệu còn nói thành này do Nhật làm thời xưa. Khi sống trên đó tôi chẳng thấy nơi này có thành gì khi có dịp vào bên trong khu này) sau này nằm bên trái, một bên đường 13 phía Đông từ SG lên là BCH TK Bình Long mới (vì BCH cũ đã dời từ bên TK trước giờ có Tòa Hành Chánh qua trại B15, Tiểu Khu BL nhường nơi này cho tướng Hưng và Trung Đoàn 7/SĐ5 làm bộ chỉ huy sư đoàn và trung đoàn), một bên phía Tây đường 13 từ SG lên là chi khu của quận An Lộc, nắm cùng một bên với Sân Vận Động.



Tới đây là bắt đầu ra khỏi phía Nam Thị Xã, chiếc tăng T54 này bị tò mò theo dõi kỹ, vì là chiếc đi ngang gần BCH AL, pháo 105 ly của Tiểu Khu và Chi Khu đuổi nhắm bắn trực xạ vào chiếc tăng này. Đến cuối lô cốt đầu Tỉnh phía Nam, chiếc T54 đánh vòng quay đầu lại ở bãi đất trống, tính đi ngược lại trở vào Thị Xã tìm đồng đội vì đang bị lạc đường lẻ loi, thì pháo 105 ly của quân phòng thủ tại đây hạ nòng xuống bắn thẳng loại đạn HE (high heat explosion), bắn thẳng loại đạn cháy có nhiệt độ cao để hạ chiếc tăng này. Sau khi tăng bị trúng đạn dừng lại bất động, thì phía bên TK Bình Long, các pháo thủ cứ hăng say tiếp tục nã đạn pháo trực xạ thực tập cho bõ ghét tới tấp cho đến khi chiếc T54 chỉ còn khối sắt bị bể toang bung đến mất gần một nửa xác tăng.

Sau này, khi vào An Lộc từ hướng Nam lên, hành khách sau khi phải chạy nhanh tránh pháo VC, chạy từ bãi đáp trực thăng B15 lên, ai cũng nghỉ chân tại đây một chút lấy hơi, ngừng chút để quan sát đường đi lối bước vào thị xã AL, trước khi nhắm hướng đê biết đi vào đâu trong Thị Xã, họ ngắm nhìn chiếc tăng bị banh gần một nửa này rồi chụp hình kỷ niệm, hay núp bóng nắng mặt trời bên cạnh xác tăng và đồng thời dùng nó tránh đạn pháo VC từ đồi 169 và đồi Gió bắn lên tới từ hướng Đông mỗi khi có trực thăng đáp xuống bãi B15. Chiếc tăng nổi tiếng này có rất nhiều hình ảnh được chụp, sẽ có một bài riêng về các chiếc tăng nổi tiếng của VC từ Bắc vô Nam nằm lại An Lộc trong những ngày đầu tiên.

Còn những ai thích cải lương vẽ vời huyền thoại … nào là “tướng” Hưng (Chuẩn Tướng nhiệm chức trong những ngày đầu trận An Lộc, gần cuối trận, cuối tháng 5 mới lên thêm một lon là Chuẩn Tướng thực thụ) cầm lựu đạn chạy ra khi tăng đi ngang gần hầm, nào là ĐT Lê nguyên Vỹ tư lệnh phó Sư Đoàn 5 tự cầm M72 bắn hạ tăng gần hầm BCH là “láo toét” tuyên truyền không chính thức, sách chính thức do BTM QĐ VNCH xuất bản viết lại trận An Lộc sau 72, sao lại bỏ lỡ cơ hội không hề có ghi lại huyền sử này bằng hình ảnh vị trí xác tăng. Và khi quan sát kỹ nhiều không ảnh của An Lộc, tôi không thấy có xác chiếc tăng nào nằm gần hầm Tướng Hưng tới 250m trở lại, là ¼ cây số. Phải mất nhiều thời gian sau 75 các xác tăng của hai bên mới được VC di chuyển đi mất, công việc kéo xác tăng nặng nhọc này cần có nhiều cơ giới nặng mới làm được, nên các không ảnh chụp trong thời gian đang có trận chiến hoặc thời gian ngay sau khi kết thúc, thì các xác tăng đều còn nằm yên vị trí cho tới nhiều năm sau, sau đó VC mới có dịp dọn dẹp. các xác tăng đều được ghi do ai bắn hạ và được chụp hình tuyên truyền mà không thấy có xác tăng do ĐT Vỹ bắn để cổ động cho QĐ VNCH hay hình xác VC bị xích trong tăng cũng không có.

Sáng sớm ngày 16 tháng tư, từ nửa đêm TĐ 8 ND tiến thẳng vào An Lộc sau khi băng qua suối Quản Lợi vào Ấp Phú Hòa, bắt tay với quân trú phòng của Thị Xã vào hướng Đông Nam. TĐ 5 ND tiến vào ấp Sóc Gòn vào buổi sáng, gặp quân VC tại đây kháng cự mãnh liệt. Trận tấn công của Nhẩy Dù tiến vào diễn ra suốt ngày hôm đó. VC cho quân tăng viện và chiến xa tiến đánh phản công lại, nhưng đến chiều thì TĐ 5 ND nắm quyền kiểm soát chìến trường. Đêm hôm đó cánh quân Dù này nằm lại đây, tới sáng ngày 17 tháng tư thì TĐ 5 ND, BCH LĐ1 Dù của ĐT Lưỡng, tiến vào An Lộc qua vòng đai của Liên Đoàn 3 BĐQ đang nằm trấn thủ mặt Đông của AL. Hết ngày 17 tháng Tư thì Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù đã thành công tiến vào An Lộc đặt dưới sự chỉ huy của Tư Lệnh An Lộc là Tướng Hưng. Ông cho Dù đóng bộ chỉ huy bên hầm của Tiểu Khu BL mới. Sau đó ĐT Lưỡng dàn quân Dù chủ yếu xuống phòng thủ phía Nam AL, tiến xa tận rừng Cao Su Xa Cam, cho một TĐ Dù tiến ra phía Tây di chuyển ngoài vòng đai AL đánh dọc lên phía Bắc, sau đó giao khu vực lại cho TrĐ8/SĐ5.

Quân đoàn 3, sau khi đã được xử dụng lực lượng trừ bị thiện chiến nhất là LĐ1 ND, thấy vẫn chưa đủ cho nhu cầu chiến trường, quyết định tung thêm Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù, là đơn vị biệt kích thám báo trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QĐ VNCH, đơn vị duy nhất chuyên hoạt động sâu trong lòng khu vực quân VC với các toán nhỏ, phần đông hiện đang nằm bên kia lãnh thổ Tây Ninh, và vẫn còn các toán Biệt Kích đang được trải trong vùng mật khu của VC ở bên kia biên giới Cam Bốt. Sáng ngày 16 tháng tư, sau khi LĐ81 BKD đi gom quân lại tại phi trường Trảng Lớn Tây Ninh, họ liền được Chinook bốc ngay xuống Lai Khê vào buổi trưa, liền sau đó thì đơn vị đầu tiên của BCD được trực thăng vận tới ngay vùng bãi đáp gần nơi Nhẩy Dù đã đổ quân hai ngày trước vì bãi đáp này đã an toàn nhận LĐ1 Dù xuống trước đó. Các nhóm BCD đầu tiên xuống trực thăng sau 2 giờ chiều, họ gom quân, băng qua Suối Rô, tiến lên chiếm vùng đồi 169, là cao điểm nằm phía Nam, đối diện đồi Gió của TĐ 6 ND đang chiếm giữ. Trên đường di chuyển, một phi vụ đánh bom yiểm trợ của Không Quân Hoa Kỳ qúa gần sát tiền quân của BCD làm bị thương một sĩ quan. .



Toàn bộ chuyện đổ quân của Dù và BCDù do Không Đoàn 43 trực thăng của Sư Đoàn 3 KQVN đảm trách, có lúc xử dụng đến 45 trực thăng.



Toàn lực lượng LĐ 81 BCD đã xuống chiến trường an toàn, lần đầu tiên BCD cùng vào trận địa chiến với cấp Lữ Đoàn cùng di hành tác chiến trên một chiến trường. Tuy vậy vẫn còn những toán thám kích nhỏ chưa được triệt thoái về kịp để cùng vào AL. Quân số Liên Đoàn 81 lúc này trên trận địa chiến trường An Lộc là 550 quân nhân từ sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ. Số toán thám kích còn lại nằm bên ngoài chưa về kịp từ các vùng mật khu VC, sẽ thuộc về bộ chỉ huy hậu cứ của Liên Đoàn 81, có thể sẽ được tăng cường lên An Lộc sau này. Trung Tá Phan văn Huấn là chỉ huy trưởng LĐ BCD. LĐ tụ họp lại sau các đợt đổ quân rải ra, họ hẹn gặp sau khi di hành lên đồi 169. Tại đây gặp một đại đội BĐQ thuộc tiểu đoàn 52/LĐ3 BĐQ, đại đội này nằm ém quân giữ cao điểm này từ tuần trước khi Liên Đoàn BĐQ từ Tây Ninh được đổ nhanh vào phi trường An Lộc. Vì đã đụng độ với quân VC tấn công vào nhiều ngày trước, ĐĐ BĐQ này đã bị thiệt hại nặng, tổn thương quân số, thương binh chưa được tải thương và thiếu thốn thực phẩm từ nhiều ngày qua.



Nhóm BĐQ tại đỉnh đồi 169 được BCD vừa tới săn sóc thương binh, tiếp lương thực và gọi trực thăng tải thương (BCD rất được ưu tiên khi gọi trực thăng) đến di chuyển các thương binh của BCD và BĐQ về hặu cứ. Phần còn lại của đại đội BĐQ này chừng 50 người được phép của LĐ3 BĐQ trong AL cho tháp tùng theo BCD trở vào An Lộc nhập lại vào tiểu đoàn chính của họ đang tử thủ bên trong.

(Còn tiếp)

duongtiden
Ý kiến bạn đọc
24 Tháng Năm 20223:34 CH
Khách
Cảm ơn bài viết cùng những hình ảnh tài liệu rất quý của tác giả . Tôi đang thực hiện audio book Nhật Ký An Lộc, xin phép tác giả để được dùng những hình ảnh trong bài cho audio book này . Rất cảm ơn tác giả duongtiden và trang web hung-viet.org.
https://www.youtube.com/watch?v=ldZ9_6lMc0o
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn