BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Anh Dũng Chiến Đấu - Âm Thầm Hy Sinh

22 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 4817)
Anh Dũng Chiến Đấu - Âm Thầm Hy Sinh
58Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
58

Kính tặng các Chiến Sĩ Đồng Đội TĐ 95 BĐQ Biên Phòng tại Căn Cứ Ben Het (Bạch Hổ) 
Quý Niên Trưởng và quý Chiến Hữu thân mến


Đọc đến số 44 Đặc San BĐQ, cá nhân tôi, một thành viên của TĐ 95 BĐQ Biên Phòng, không thấy một chiến hữu nào nhắc đến chiến tích lẫy lừng và tan hàng anh dũng của TĐ 95 BĐQ tại trại Ben Het vào mùa Hè Đỏ Lửa 1972, và cũng không một ai trả lời cháu Nguyễn Hùng đã gởi hơn 3 năm qua trong mục nhắn tin tìm cha Trung sĩ Nguyễn Nên mất tích ngày 12 tháng 10 năm 1972 qua giấy báo tin của Tr/U Võ văn Thiều, trung đội trưởng QTNV kiêm SQ hộ tịch và Đ/U Trần văn Ngọc ký xác nhận.



Điểm lại số quân nhân của TĐ 95 này, con số sống sót không còn bao nhiêu, số sĩ quan còn lại không quá một bàn tay.


Ở VN:


- Đại úy Tiểu Đoàn phó Đặng xuân Tòng (sau thay thế Thiếu tá Trần thiện Khuê TĐT TĐ 89), người được đi phép và rời trại trên chuyến trực thăng cuối cùng mang tôi trở về căn cứ vào ngày 11, tháng 10 năm 1972, một ngày trước khi xẩy ra cuộc tấn công biển người của cộng quân quyết chí san bằng Ben Het với khẩu hiệu “không lấy được Ben Het xin chết ở Ben Het.” Mấy năm sau, Đ/úy Tòng bị bắt làm tù binh tại Vùng 2, vào tháng 3 năm 1975 đến 11-1977.


- Thiếu úy Lê văn Châu, Đại Đội Trưởng ĐĐ 3, bị thương khi cùng với một nhóm nhỏ binh sĩ trong đó có tôi tìm cách vượt qua bãi mìn hướng Nam của trại Ben Het, ngay sau khi cộng quân tràn ngập căn cứ vào ngày 12 tháng 10, 1972, và bị bắt làm tù binh.


Ở USA:

- Đại úy TĐT TĐ 95 Trần văn Thanh, vượt thoát trở về BCH BĐQ Pleiku sau một thời gian dài mất liên lạc trong rừng, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO và sống ẩn dật, tránh nhắc lại kỷ niệm đầy thương tâm này.


- Và tôi, sĩ quan Trợ Y Tiểu Đoàn.


Với quân số ít ỏi còn lại, kiếm một người tham chiến trong trận đánh quyết liệt này chịu viết lên lịch sử oai hùng của TĐ 95 BĐQ BP là chuyện hy hữu. Vì vậy, dù văn không hay chữ không tốt, tôi cũng xin cố gắng ghi lại những chiến tích của bao chiến sĩ vô danh đã âm thầm gục ngã tại tiền đồn Ben Het, hầu mong các thế hệ con cháu mai sau sau hãnh diện về cha ông đã anh dũng chiến đấu và hy sinh cho tự do, độc lập của đất nước.

Vị Trí của trại Ben Het:

Thuộc vùng Tam Biên Việt- Miên-Lào, và cách Tân Cảnh, Dakto 10km sâu về phía Tây, và thoai thoải không xa về hướng Nam là đường mòn Hồ chí Minh. Trại Ben Het chiếm ngự trên 3 ngọn đồi:



Đồi Tây cao vút là căn cứ dùng quan sát địch quân dể dàng, dưới sự chỉ huy của Thiếu úy… Thanh ĐĐT cách đồi trung ương của BCH một hàng rào kẽm gai. Quân nhân ở đồi này chỉ có quyết tử chiến đấu vì chung quanh toàn thung lũng


Đồi Bắc, nhỏ và không cao lắm, do 1 trung đội của ĐĐ 3 đảm nhận dưới sự chỉ huy của Thiếu úy ĐĐT Lê văn Châu

Đồi Giữa chiếm cứ bởi Bộ Chỉ Huy TĐ, bệnh xá ngầm cạnh trung đội pháo 105 và các đại đội còn lại:

- Đại Đội 1 do thiếu úy ĐĐT “De Gaule” người thiểu số chỉ huy, lo mặt phòng thủ hướng Nam với bãi mìn rộng lớn ngang qua cổng ra vào.

-Đại Đội công vụ do thiếu úy NguyễnThân chỉ huy


Quanh chu vi của trại là hầm trú ẩn chiến đấu và cũng là mái ấm của gia đình quân nhân, sống chết có nhau là ý nguyện của quý bà vợ lính

Lính Mới Tò Te

Cuối tháng 10 năm 1970, chúng tôi vừa hoàn tất khóa học trợ y (các Sĩ Quan trước là Sinh Viên Y Khoa hay Cán Sự Y Tế nhập ngũ theo thời thế) sẵn sàng đáo nhận đơn vị mới. Chúng tôi 12 thằng lính tò tè được đưa đến phi trường Cù Hanh bởi chiếc C 130 khổng lồ để nhận nhiệm vụ SQTY cho 12 trại thuộc Lực Lượng Đặc Biệt do quân đội Mỹ chuyển giao cho BĐQ.


Y Sĩ Đại úy Lê thành Ý, Đại Đội Trưởng Đại đội 2 QY BĐQ niềm nở tiếp đón và sẵn sàng gởi chúng tôi đến 12 trại biên phòng được sắp xếp từ Bắc xuống Nam như sau:


Vùng Kontum:


TĐ 88 Dakpek giáp giới với Quảng Ngãi
TD 90 Dak seang
TD 95 Ben Het


Vùng Pleiku:

TD 62 Lệ Khánh polei kleng
TD 63 Plei Mrong
TD 81 Đức Cơ
TĐ 82 Pleime
TĐ 80 Plei Djereng


Buôn Mê Thuộc và phía Nam:

TĐ 96 Đức lập
TĐ 89 Quảng Đức
TĐ 71 Tiêu A Ta Darlac
TĐ 72 Trang Phuc


Ngày Tháng Thanh Bình.

Vào mùa Noel 1970, trong lúc chờ đợi sự vụ lệnh về đơn vị mới, chúng tôi có hơn 1 tháng để tu nghiệp chuyên môn, cấp cứu thương binh, học phụ sản ở bảo sanh viện quân dân y thuộc bệnh viện Pleiku dưới sự chỉ dạy của y sĩ Đại úy Nguyễn… Chánh, hầu mong có thể giúp đỡ các bà vợ quân nhân lúc lâm bồn ở các tiền đồn hẻo lánh vì trực thăng là phương tiện duy nhất của thời lửa đạn.


Vào một tối của tuần đầu tiên, 12 đứa chúng tôi vào chơi quán Café Mimosa trên đại lộ Hoàng Diệu, đại lộ chính của Pleiku, thành phố của “em Pleiku má đỏ môi hồng” để rồi “còn một chút gì để nhớ để thương.” Chúng tôi nghe tiếng hát Thái Thanh với Kỷ Vật Cho Em do Phạm Duy phổ nhạc dựa vào thơ của Linh Phương (để trả lời một câu hỏi). Nhạc khúc này nếu nghe ở phòng trà Sài Gòn đã làm mình xao xuyến huống hồ nghe ở Pleiku, với tư thế “mai xa lắc trên đồn biên giới” đã tác dụng không ít thì nhiều đến tinh thần chúng tôi. Một sự im lặng khó diễn tả và những khuôn mặt đăm chiêu của từng chúng tôi biến đổi theo cá nhân. Trong thời gian này, vợ tôi đang mang thai tháng thứ 6 và người đời thường tin điều không may có thể xẩy đến cho những ai vừa kết hôn hay sinh con. Nhưng tuổi trẻ dễ quên, sau khoảng một thời gian ngắn, sự hồn nhiên và trẻ trung trở lại trong cười đùa. Hôm sau thức dậy trễ, nghe anh em bàn tán, một trong anh em chúng tôi đã trở thành chiến sĩ “Người Nhái”.

Đơn Vị Đầu Tiên

Chơi xong phải gồng mình, xông pha trận chiến. Cuối cùng vào đầu tháng 1 năm 1971, Y Sĩ Đại Úy Lê thành Ý, với cái bắt tay đầy thân thiện, tiễn đưa 11 trợ y chúng tôi đến 12 trại Biên Phòng đang chờ đón.


Nguời đáo nhậm TĐ 88 Dakpek đã không còn nữa. Chúng tôi 2 đứa theo trực thăng lên B12 Kontum (B là danh từ của LLĐB) mặc dù Pleiku - Kontum cách nhau vài chục Km, buồn ơi là buồn, mịt mù gió bụi đi dăm phút trở về chỗ ngủ, một thành phố chết, không quán ăn, không café thuốc lá, chúng tôi chẳng khác gì những kẻ vô phương huớng, chỉ mong có trực thăng để lên đến trại càng sớm càng tốt. Cầu gì được đó. Ngay hôm sau, có chuyến trực thăng đến Ben Het TĐ 95 và Dak Seang TĐ 90, hai đứa chúng tôi vui vẻ, hăng hái, nhảy lên phi cơ đi ngay.

Để đón chào tân binh đáo nhậm, VC đã rót 2, 3 trái pháo 122 ly vào khi trực thăng sửa soạn đáp xuống. TĐT, Thiếu tá LLDB…Tuớc, sắp được thay thế, bắt tay tôi với thái độ thờ ơ lãnh đạm, trong lúc Đại Úy Nguyễn thanh Phong TĐP (thuộc LĐ 2 BĐQ) hân hoan đón chào rất thân mật.


Xong thủ tục hành chánh với thượng cấp, tôi được Y tá Trung sĩ Lê Thường hướng dẫn đến bệnh xá TĐ, nơi mà sau này tôi phải làm việc dài dài trong những chuỗi ngày đêm khó quên, để gặp khoảng 7,8 anh em quân y. TS Thường ra lệnh cho dọn một phần kho thuốc làm chỗ ngủ cho tôi với ghế bố. Chuyện ăn ở tạm ổn, tôi theo Chuẩn Úy Thọ, sĩ quan Ban 2, để được giới thiệu với các sĩ quan ban ngành của BCH. Cuối cùng là câu lạc bộ Mỹ, tại đây chúng tôi đuợc mua hàng với giá quân nhân Mỹ. Sau một ngày mệt mỏi, uống được vài ngụm bia Budweiser lạnh thoải mái làm sao! Cái lạc thú mà ngay ở chính thành phố đôi lúc muốn cũng không có.


Đi đâu có quân nhân Mỹ bên cạnh là khỏi lo phương tiện vật chất; có những buổi tối trời nghe tiếng trực thăng không biết gì xảy đến, hỏi ra mới biết trực thăng đang tiếp lương thực, bia ruợu cho 2 vị Trung úy cố vấn và tùy tùng.


Điểm đặc biệt ở đây là ngoài những chàng lính độc thân, hầu hết các quân nhân có gia đình kể cả TĐT và TĐP đều mang theo vợ con để đêm buồn rừng thiêng nuớc độc chia sẽ cùng nhau. Tôi cũng không thoát vòng ngoại lệ, vợ tôi đã bỏ bệnh viện Sùng Chính Sài Gòn, không lời xin phép mang con trai vừa đầy 3 tháng, theo trực thăng đáp xuống 1 chiều để sống cùng tôi và nhờ thế tôi mới hưởng cái thú “Bắt Cái Nước” như những quân nhân gốc người thiểu số.


Vợ tôi đi đi về về, bỏ nhiệm sở, tái trình diện không biết bao nhiêu lần, tháng này Ben Het vài tuần, trong năm bỏ ra Đà Nẵng làm việc ở BV Nhi đồng Hòa Khánh vài tháng (gia đình chồng ở đây), lúc nhớ chồng xin ở trại Gia Binh Pleiku, khu nhà vãng lai sĩ quan Quân Y BĐQ. Nhưng dù ở đâu đi nữa, cuối cùng chồng cũng tặng vé máy bay bắt trở về Sài Gòn và tái nhiệm sở mà không bị một lời quở trách của BS Giám Đốc bệnh viện Sùng Chính là BS Lê Khắc Quyến, cựu Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Huế. Đây là chuyện khó tin nhưng có thật 100%.


Cũng có thể vì vợ tôi là một trong những nhân viên đầu tiên hưởng lương BV Sùng Chính ở đường Trần Hưng Đạo, SG, khi BV còn chưa khai trương đường, nhưng lại được đưa qua làm việc ở BV Chung Chen đường Nguyễn Tri Phương từ tháng 6 năm 1969 đến tháng 3 năm 1970.


Cũng có thể do lòng nhân từ, thông cảm của BS Giám Đốc thương vợ tôi như con cháu trong nhà. Hay vì BS. đã là người chứng hôn cho chúng tôi. Dù với lý do gì đi nữa chúng tôi cũng xin ghi ơn tạc dạ đối với vị BS Giám Đốc kính mến này.


Sau một tháng làm quen, TĐ thay đổi chỉ huy, với Đại úy Vĩnh Hùng (LĐ 2) thay Thiếu Tá Tước ở chức vụ TĐT, Đ/U Đặng xuân Tòng (LLĐB) thay Đ/U Nguyễn thanh Phong về nhận TĐT TĐ 62. Cuộc sống không có gì thay đổi, trời sinh trời dưỡng. Quân nhân và gia đình hầu như chỉ có chứng bệnh sốt rét, đau bao tử, vợ con sinh đẻ rất là tự nhiên…


Tháng ngày bình an cứ thế trôi qua với những trái pháo của cộng quân rót vào hằng ngày. Từ radio tin hành quân Lam Sơn 719 bắt đầu từ ngày 8 tháng 2 năm 1971 và diễn tiến hằng ngày của cuộc truy lùng đường 9 Hạ Lào của các lữ đoàn thiện chiến Dù, TQLC, BĐQ. được chúng tôi hăng say theo dõi.


Đời sống ở trại với trên dưới 10 trái pháo mỗi ngày được gọi là thanh bình. Tuy nhiên vào cuối năm 1971, địch bắt đầu gia tăng áp lực mạnh hơn. Ben Het lại đổi thủ lãnh một lần nữa với Thiếu Tá Lê Chữ, người từ Liên Đoàn 3 hay 4, nắm chỉ huy TĐ, và TĐ 95 đuợc tăng phái Liên Đoàn 2 BĐQ do Trung Tá Bùi văn Sâm chỉ huy và 1 Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh đánh trả và ngăn chận địch ở vòng bên ngoài Ben Het, và một Đại Đội pháo 155 ly cũng được đưa vào trại để phản pháo địch quân.


Y Sĩ Trung úy Phước (bị bệnh đậu mùa lúc còn bé), Y Khoa SG trưng tập khóa 13 hay 14, và mới cưới vợ, Y Sĩ trưởng của LĐ 2 BĐQ tăng phái vì không đủ chỗ nên tạm trú trong cùng phòng tôi tại bệnh xá TĐ 95. Chúng tôi, ở chung phòng khoảng 2 tuần, hằng đêm nghe tiếng pháo, ngày nghe tiếng bom và ngược lại, nhạc phản chiến rất thịnh hành được lắm người thích. Nào Đại Bác Ru Êm của TCS, Kỷ vật Cho Em của PD. Tuy nhiên, bài thơ “Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng” của Lê thị Ý do Phạm Duy phổ nhạc đã ảnh hưởng nhiều đến vị Y Sĩ này. Sau một đêm nằm nghe:


“Em không nhìn được xác chồng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trông,
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu.”


Sáng hôm sau, BS. Phước mượn cớ xin Trung tá Sâm về Pleiku nhận thêm thuốc men. Từ đó, mỗi khi về Pleiku, tôi cố tìm nhưng không gặp Anh nữa. Theo YS Tr/úy Nguyễn đăng Tri, cũng thuộc Quân Y BĐQ, anh Phước đã bỏ mình sau này trong tù cải tạo. Xin nguyện cầu vong linh anh sớm tiêu diêu.

Thanh bình với những pháo kích lẻ tẻ ngày đêm không còn nữa. Mức độ pháo của địch càng ngày càng tăng. Ngửi đuợc mùi tao loạn sắp đến, những quân nhân các cấp chúng tôi ở vùng miệt dưới đều tìm phương tiện cho vợ con trở về thành phố, ngoại trừ các bà vợ của quân nhân người thiểu số, để sửa soạn nghênh đón các trận công hãm biển người và chịu đựng biển lửa pháo cộng quân.


Từ tháng 5/1971 cho đến đầu năm 72, quân đội 2 bên quần nhau tại vùng Tam Biên coi như bất phân thắng bại. Sự thật quân nhân của TĐ 95 chỉ lo phòng thủ bên trong căn cứ Ben Het còn các tuyến trận bên ngoài đều do Liên đoàn 2 BĐQ và Trung Đoàn Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 22 đảm trách.

Chiến Thắng Oai Hùng Tháng 5, 1972

Không còn “tháng giêng là tháng ăn chơi” nữa mà tháng sửa soạn của chiến đấu và tử thủ.

Dựa theo tài liệu của Đại Tá Trịnh Tiếu trong “mặt trận Tân Cảnh, Kontum 1972”, tin tức khai thác từ các tù binh CS cho biết mặt trận sẽ bùng nổ lớn trong trung tuần tháng 3/1972 nhưng Hà Nội đã ra lệnh cho tướng Hoàng Minh Thảo tấn công vào đầu tháng 4/1972 để phối hợp với các mặt trận khác của QĐI tại Quảng Trị, QĐIII tại Bình Long. Tin giờ chót tướng Hoàng M. Thảo sử dụng 2 SĐ BV đương đầu Sư Đoàn 22 BB, với SĐ 320 CSBV làm chủ lực tấn công vào Kontum.


Cường độ chiến trận càng ngày càng gia tăng theo cấp số. Vào tháng 3 và 4, 1972, bệnh xá Ben Het gần hết chỗ chứa; ngoài gà nhà, khách sạn này còn tiếp đón các thương binh từ Pháo Binh, Bộ Binh, LĐ 2 BĐQ… nói chung ai gần thì ghé vào, và nhà xác không còn hiếm khách như xưa, thi thể chiến sĩ đã hy sinh được đưa vào Body Bag và chuyển xuống hầm chứa của bệnh xá nay bốc mùi tử khí. Nếu không may, 4 đứa chúng tôi gồm Th/u Thành Pháo đội trưởng, Trung sĩ Nam pháo binh, Trung sĩ Nguyễn Nên trung đội súng cối (người cha mà cháu Nguyễn Hùng tìm kiếm, một anh lính chiến chưa đến 30 tuổi, đẹp trai, ăn nói có duyên, được lắm bà thương và có lẽ vẫn còn độc thân), và tôi cùng chung số phận khi chúng tôi đang uống café đợi pháo, một tiếng nổ lớn long trời lở đất vang lên, thay vì trúng ngay hầm chúng tôi, quả đạn đi sâu 1m vào phòng bên cạnh nổ và chôn luôn xác Hạ sĩ Hải, em của T/S Nam. Lo âu, buồn giận, sợ hãi, đau xót là điều khó tránh trong tâm tư mỗi cá nhân.


Vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng, buồn ngủ gặp chiếu manh, lệnh trên điều hành sĩ quan các cấp của BCH và tăng phái ra bãi đáp trực thăng đón cố vấn Quân Đoàn Tướng John Paul Vann đến thăm trại.


Tôi gọi Tướng John Paul Vann mặc dù ông vốn Trung tá giải ngũ để tỏ sự kính nể của riêng tôi đối với ông.
Tướng Vann ghé trại khoảng lúc 3 giờ chiều một ngày của tháng 5 với bộ complet xám đen, đầu trần, thong thả bước vào BCH hành quân trong lúc các cấp chỉ huy từ Trung tá LĐT đến chúng tôi đều nón sắt, áo giáp. Hình ảnh này không bao giờ phai mờ trong trí tôi cho đến sau này, đầu tháng 6/72 đang ở Pleiku, nghe tin máy bay của vị anh hùng này nổ tung trên bầu trời Pleiku-Kontum, vô cùng thương tiếc cho một chiến sĩ bỏ mình cho tự do, hạnh phúc của quốc gia bạn.


Ngay chiều Tướng Vann ghé trại, chúng tôi được yểm trợ 100% B52 dội xuống quanh trại, đầu óc muốn bung ra, tai nhét bông gòn nhưng lòng vô cùng sảng khoái .


Trận chiến Ben Het tiếp diễn dữ dội, đẫm máu. Thương binh, tử sĩ càng ngày càng nhiều.


Cộng quân không nản, thí quân làm phương châm, chiến thuật tiền pháo hậu tăng được áp dụng. Và mỗi ngày mỗi nặng nề, hung hãn và đe dọa hơn.


Sau nhiều ngày đêm liên tục nhả pháo, sáng 11 tháng 5, tôi được y tá Hạ sĩ Châu hốt hoảng đánh thức “Thiếu úy, tăng của VC đã đi vào cổng,” tôi nhảy sang kéo Th/u Thành chạy vào hầm cố vấn Mỹ cạnh phòng hành quân theo dõi. Khoảng 6:30 sáng 1 chiếc T 54 khựng ở cột cờ TĐ vì bị M72, M79 của ta bắn hạ, nhìn ra xa 1 T54 khác đang mắc nghẹn ở cổng ra vào. Đợt tấn công thất bại, địch rút lui, nhưng còn khoảng trên dưới 20 tên đang lẻn vào hầm trú ẩn phía Đông. Ngay khi được báo, từng 3 chiến đấu cơ A37 liên tục oanh kích vào những hầm trú ẩn. Thiếu tá Chữ cùng BCH lên hầm quan sát và chỉ huy tái chiếm , năm ba hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 bắn vào, chúng tôi nở nụ cười, đồng lòng bỏ nón sắt xuống tiếp tục theo dõi,


Cùng ngày khoảng 7 giờ sáng ở mặt trận phía Nam xuyên qua bãi mìn, trực diện và bên dưới của bệnh xá không đầy 1 km, chúng tôi chứng kiến 2 phi công Mỹ thoát ra khỏi trực thăng bốc cháy, chạy vòng quanh trong lúc 6 trực thăng chiến đấu đang đua nhau nhả đạn từ vòng tròn nhỏ trong tiến ra ngoài, mở rộng vòng đai hầu mong cứu bạn. Sau 1 giờ quần thảo, 6 trực thăng khác lên thay thế, và cứ thế cho đến khoảng sau 9 giờ sáng, một trực thăng an toàn sà xuống bốc 2 đồng đội, trả lại yên lặng cho phía Nam sau khi đã gửi tặng toàn bộ hỏa tiễn còn lại vào vùng địch.


Hết Nam rồi trở lại Đông với lũ chuột trốn chui, trốn nhủi, lại A37 thay nhau diệt chuột, khoảng 3 giờ chiều chỉ còn lại 2 hầm là còn tiếng vọng AK. Bấy giờ đến phiên làm việc của đội trinh sát TĐ. Đúng 4:30 chiều toàn trại giải tỏa đem yên lành cho toàn căn cứ. Thừa thắng xông lên, lệnh truy kích ban bố nhưng không một bóng tai bèo xuất hiện, chỉ thấy những xác chết để lại và vũ khí. Quân ta lục soát vòng ngoài; kết quả thu lượm hơn 500 vũ khí đủ loại với cả hàng trăm xác địch, đa số bị chết do bom và phi pháo.


Cùng lúc, An Lộc được giải tỏa, CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ tung bay trên cổ thành Quảng Trị, Kontum đánh bật đối phương xứng với câu lịch sử: “Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Trị Thiên vùng dậy.”
Toán quân y chúng tôi rất vất vả, ngay cả sau chiến thắng này với thương binh và tử sĩ nặng mùi nhưng tất cả đều làm việc với nụ cười.


Trận Cuối,Vĩnh Biệt Ben Het, Mồ Chôn Đồng Đội Chúng Tôi

Vinh thăng tại mặt trận, huy chương, chiến thương Bội Tinh, tưởng thưởng đủ loại đều có với toàn quân trú phòng Ben Het và đơn vị tăng phái.

Thiếu tá Lê Chữ được vinh thăng Trung Tá, và được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng BĐQ vùng 2 CT dưới quyền Đại Tá Phạm duy Tất, chỉ huy trưởng BĐQ. Đại úy Trần văn Thanh lên làm tân TĐT TĐ 95 BĐQ. Tất cả SQ tham mưu và tác chiến còn lại không thay đổi. Cá nhân tôi đủ 9 tháng 10 ngày gắn lon Trung Úy.
Chiến trận lặng yên khoảng 3 tháng, trực thăng UH, Chinook vẫn là phương tiện tiếp tế độc nhất. Sáng café thuốc lá, tối thuốc lá café, ngày tháng cứ thế trôi qua, cơm sấy muối rang không còn là cao lương mỹ vị đối với chúng tôi, khi nào tiếp tế chậm trễ hay tiếp tế thả dù rơi vào vùng địch là chúng tôi hưởng “Ngự Thiện”.


Sau này, cộng quân tăng cường pháo hạng nặng từ phía Tây Trường Sơn, thỉnh thoảng rót vào căn cứ, đánh thức và cảnh cáo chúng tôi “chúng tau còn đây”. Sáng ngày 25 tháng 9 năm 72 tôi đang uống café với Đ/úy TĐP Đặng xuân Tòng và Th/úy Thành thì bỗng nhiên người trung sĩ truyền chạy vào báo tin vợ con tôi đang trên trực thăng đến trại trong vòng vài phút. Café sặc ra khỏi miệng, tôi vội vàng lên Jeef Ambulance lái nhanh ra bãi đáp. Thương vợ con mà lòng chợt nóng lại càng tức Y Sĩ Đ/úy Lê thành Ý vì chỉ có ông mới can thiệp cho vợ con tôi lên trại trong thời buổi đạn pháo long trời này, hết tình anh em, mất nghĩa thầy trò. Điếc hết sợ súng là tâm trạng tôi lúc bấy giờ, tìm hỏi truyền tin, biết được có Chinook tiếp tế lúc 3:00 giờ chiều. Hối hả cho con bú hết bình sữa, tôi gọi hỏi xin phép TĐT. Chưa được trả lời, tôi vẫn dẫn vợ con ra lại bãi đáp và lên ngay Chinook khi trực thăng vừa đáp. Quả nhiên, 15 phút sau người binh sĩ thân cận của TĐT đến nhắn tin ông ta muốn gặp tôi .Thay vì trả lời, tôi đưa cây Colt 45 và bảo về nói với Đ/U hoặc là để tao đi rồi về nói chuyện sau hoặc là bắn tao bây giờ. Chuyện này thật 100% bởi vì Đ/U Thanh vẫn ở Cali cạnh chúng tôi, và BS Ý đang hành nghề ở Montreal, Canada.


Cuộc hợp nào cũng tan huống hồ trong thời chinh chiến. Sau hơn 2 tuần ở Pleiku gia đình chúng tôi đành ca bản “giờ chia tay anh lên chốn biên cương, em con vô Sài Gòn.” Theo thời điểm của báo cáo, Tr/S Nguyễn Nên mất tích ngày 12 tháng 10 của ĐĐ 2 YTCV do TR/U Võ văn Thiều báo, ngày 11 tháng 10 tôi trở lại trại Ben Het và Đ/U Tòng, TĐ Phó, là người may mắn độc nhất được lên trực thăng rời căn cứ đi phép.


Trưa 11 tháng 10, trở lại trại, tôi đến trình diện TĐT TĐ 95, xin lỗi vì chuyện bất khả kháng vừa qua, sau đó đi kiếm bạn bè đấu láo. Bấy giờ Cộng quân vẫn không động tĩnh.


Sáng hôm sau ngủ trễ, Tr/sĩ Nên (trước ở đội súng cối sau tôi xin qua QY vì có CC1, CC2) đánh thức và bảo: “Trung úy trúng số, vừa lên hôm qua hôm nay chúng giăng đầy bảng ở sườn núi đồi Tây “KHÔNG LẤY ĐƯỢC BEN HET, XIN CHẾT Ở BEN HET.” Lúc đầu tôi nghĩ dọa vì Tr/S này ưa ba hoa chích chòe nhưng sau khi kiểm chứng mới biết thật.


Khoảng 10 quân nhân, hầu như bị sốt rét đang đợi cấp thuốc và xin giấy nghỉ gác, được giải thích và cho về lại đơn vị ngay.Vừa ngồi xuống không biết tại sao tôi cảm thấy khát nước, tôi bèn trở vào phòng nhưng chưa kịp uống thì đã nghe hàng loạt đạn pháo rót vào toàn trại. Riêng bệnh xá trúng 2 quả, có lổ lớn sáng cả bầu trời. Chỗ tôi ngồi bụi bay mù mịt, nhìn quanh chẳng còn thấy bệnh binh nào cả, chỉ còn tôi và Hạ Sĩ Châu, y tá tiếp liệu QY. Châu có vợ con ở ngay trại, tôi cách xa BCH, không thể đến dưới mưa đạn như thế này .Thầy trò đành chia tay xin hẹn kiếp sau, mạnh ai nấy chạy.


Bệnh xá sụp đổ, thương bệnh binh còn đi được đều bỏ trốn, lính Quân Y ở đâu lo đó. Trước mặt khoảng trống, nhìn về hướng BCH, kho xăng bốc cháy, nhà đèn ngã nghiêng, kho vũ khí nổ tung, khói bụi mịt mù, BẢO PHÁO dồn dập, hết đường nhúc nhích, tôi đành chạy ra bờ hầm hướng Bắc nhìn xuống thung lũng. Chúng tôi bây giờ không khác gì đứa trẻ bị bầy sói vây quanh. “Mèo vờn chuột”, thiệt đúng cho hoàn cảnh này. Vào hầm thứ nhất đứng chưa đầy 5 phút, cảm thấy bất an nhảy sang hầm 2 vừa đúng lúc hầm 1 lãnh pháo. Cứ thế đổi hầm theo cảm giác, trong vòng 4 giờ tôi đã tránh hơn 10 lần banh xác hay chôn sâu. Cuối cùng trước mặt là hang rào kẽm gai chắn hướng lên đồi Tây.

Trời đã xế chiều, tôi quyết định nhảy qua hướng Nam tìm Th/úy De Gaulle đầy kinh nghiệm chiến trường cao nguyên để tá túc. Không gặp De Gaulle, tôi định nương theo đường hầm trở về hướng Bắc. Đường hầm này có bề rộng khoảng 3 thân người. Đây đó lính tráng vợ con khóc la ầm ĩ bên cạnh xác chết của thân nhân mình. Đang cắm cúi di chuyển, tôi bỗng gặp 1 quân nhân đội nón tai bèo, quân phục màu lá mạ, súng chĩa lên trần đi ngược hướng với tôi. Nó cũng thấy tôi, nón sắt đội đầu, quần áo rằng ri, súng chĩa xuống đất. Cùng lúc, chúng tôi nhận ra nhau, trong tích tắc đều cùng quay đầu chạy trở ngược. Tôi chạy trở về lại hướng Nam, chun ra khỏi hầm hít hơi không khí cho đỡ sợ. Đúng lúc 1 chuẩn úy tò te vừa đáo nhậm hỏi tôi, “Trung úy tính sao?” Tôi bảo vừa gặp VC ở trong hầm, thà chết hơn bị bắt, các hướng đều lửa cháy, đạn nổ, trước mặt là bãi mìn, không liên lạc được một ai. Trời sập tối, lửa càng sáng hơn, kho xăng tiếp tục nổ, cháy; cộng quân đã tuôn vào trại, chúng tôi không còn đường trốn chạy. Bổng như ánh sáng cuối đường hầm hay tin vui trong giờ tuyệt vọng, trong bóng đêm bên kia cổng ra vào (Đông Nam) một trái sáng chợt bùng lên, tôi nhìn thấy 1 toán quân nón sắt, rằn ri đang băng qua bãi mìn phía Nam ra khỏi trại. Thiếu úy Châu từ đâu xuất hiện, chúng tôi cùng nhau đi qua bãi mìn phía bên này (Tây Nam). Từng bước một, từng bước… thầm.


Chúng tôi theo chân người trước để tránh mìn nhưng cũng không tránh khỏi. Gần cuối bãi mìn, Thiếu úy Châu đạp trúng, máu me lai láng. Kéo ra khỏi bãi mìn, tôi phải mất gần cả tiếng để cầm máu và băng bó. Gặp một toán khác đi tới, tôi nhìn thấy De Gaulle, lòng được yên hơn, gom lại khoảng 60 người, kể cả gia đình. Nhìn lại Ben Het, một trời lửa sáng, lòng tôi bỗng bùi ngùi, mắt cay cay. Di chuyển khoảng 2 tiếng, chúng tôi chui vào rừng tạm dừng quân, thèm thuốc lấy nón sắt úp mặt, chỉ hít một hơi cho qua cơn ghiền, không dám hít thêm. Hơn 1 giờ sau, thấy 1 đoàn người đi qua, hát ca bài CS. Hỏi ra mới biết mình đang nằm ở đường mòn HCM.


Bốn giờ sáng, chúng tôi chỉ biết đi theo De Gaule. Ma đưa lối quỷ dẫn đường hay thánh nhân thường đãi kẻ khù khờ, không biết tại sao một người suốt đời không đụng máy truyền tin như tôi, ngồi cạnh anh truyền tin, tò mò cầm bóp, vô tình tôi nghe tiếng gọi “THẦN PHONG. THẦN PHONG.” Phe ta đây rồi! Tôi liền nói lên bằng tiếng thông thường khoảng 30 phút sau thì được hỏi tên họ, cấp bậc, số quân… Sau khi xác nhận, chúng tôi được hẹn 4 giờ chiều có 6 trực thăng đến bốc tại một địa điểm khác, với ưu tiên chiếc đầu cho thương binh.


Đúng 3:30 chiều, chúng tôi lập bãi đáp, chia 12 thương binh thành 2 hàng, mỗi bên 6 người để dễ dàng di động và bốc lên trực thăng. Có điều lạ là tôi không biết Thiếu Úy De Gaulle lúc này ở đâu?


Đến giờ hẹn, 6 chiếc trực thăng bay về hướng chúng tôi. Một tay cầm Panel, một tay cầm Combine, tôi báo hiệu trực thăng đầu tiên đáp ngay chỗ thương binh đang chờ. Nhưng khi vừa xuống gần đất, cối 61 ly của CS dội vào, viên phi công bất ngờ phản ứng là đã lướt qua hàng chờ đợi của thương binh và đã đáp ngay sau lưng tôi. Cánh quạt động cơ ầm ĩ khủng khiếp, tiếng depart của Cối 61 ly dòn tan dồn dập rót vào và nổ bon bon, khói bay mù mịt, không gian khét mùi thuốc sung. Thân người bổ nhào, văng tứ tung. Một địa ngục điên cuồng trước mắt tôi. Chiếc phi cơ bỏ ngang phi vụ tản thương, tăng vận tốc chòng chành vụt bay lên, không chần chờ. Trong chớp mắt, tôi buông tất cả, nhảy lên trực thăng cùng 1 anh lính người thiểu số đang đứng ngả bên kia. Đoàn trực thăng 6 chiếc rời ngay sau đó.


Thưa quý vị, tôi cũng chỉ là 1 con người, một con người với phản ứng rất bình thường trong một tình huống nguy hiểm. Số còn lại, bị bắt, thất lạc, bỏ trốn… Thương ơi, vợ con lính đi theo trong cuộc chạy giặc này.


Cánh quạt trực thăng vừa ngưng khi đáp xuống bãi đáp trực thăng BĐQ, một chiếc xe jeep lùn có cần cẩu truyền tin chở theo 1 vị Thiếu tá Phòng 2 Quân đoàn đến và đón tôi, chở vào Bộ chỉ huy Quân Đoàn để hỏi tin tức về trận đánh, chi tiết của ta và địch… Đầu óc tôi trống rỗng. Biết gì mà nói! Hay gì mà thưa!


Tin tức căn cứ Ben Het bị tràn ngập và thất thủ vào đêm 12 tháng 10, 1972, được đài BBC loan báo ngay sáng hôm sau.


Sài Gòn: Cha vợ tôi biết nhưng im lặng nhìn vợ con tôi.


Đà Nẵng: Y sĩ Tr/úy Đặng tứ Đại, người bạn thân của tôi, đến kiếm anh tôi mà ứa nước mắt.


Đời binh nghiệp tôi là thế. Tưởng chấm dứt ngang đó. Trời thương cho sống nên vẫn còn sống dù chao đảo, tội tù cải tạo…


Xin cầu nguyện vong linh các chiến hữu TĐ 95 BĐQ Biên Phòng.


43 năm sau

Cali 02 tháng 9 năm 2015

Hồ xuân Tịnh YKH-6

Mến tặng:
Tr/tá Lê Chữ, với lòng biết ơn.
Đ/úy Trần văn Thanh, người chung hoạn nạn.
Th/úy Lê văn Châu, người chung hoạn nạn.
Đ/úy Đặng xuân Tòng, quán trọ cà phê.
Th/tá Đồng đăng Khoa, TĐT TĐ 96, cùng hố cá nhân nhận pháo 1973.
Th/tá Huỳnh công Hiển, TĐT TĐ 96.
Y Sĩ Đ/úy Lê Thành Ý, ĐT Đ 2 QY BĐQ.
Y Sĩ Tr/úy Thại, Y Sĩ Trưởng LĐ 2 BĐQ.
Y Sĩ Tr/úy Đặng tứ Đại, LĐ 71 QY, người bạn chí thân.
Y Sĩ Tr/úy Võ an Dân, LĐ 73 QY, người bạn chí thân.
Y Sĩ Tr/úy Nguyễn đăng Tri, tức nhạc sĩ Đăng Phương, trong cao nguyên tình khúc “Dakto Ben Het hằng mong Tịnh về.”
Y Sĩ Tr/úy Vĩnh Chánh, QYND, đồng môn, đồng láng tù cải tạo, người khuyến khích và cho tôi cảm hứng viết bài này.
Cố Y Sĩ Tr/úy Bùi Cao Đẳng, QYND.

Ý kiến bạn đọc
25 Tháng Năm 20192:57 SA
Khách
Tôi là binh nhất Bình Hoàng, về tiểu-đoàn 89 BĐQ biên phòng đóng tại trại Bu Prang thuộc Quận Kiến-Đức năm 1973.
Thiếu Tá Quang (tiểu-đoàn trưởng) tôi không nhớ họ , Đại úy Phong (tiểu-đoàn phó).
Chiến hữu nào cùng đơn-vị hoặc binh-chủng, hoặc biết xin liên-lạc email dùm . Xin đa tạ
29 Tháng Mười Hai 20169:49 SA
Khách
cho cháu xin địa chỉ mail hoặc số phone của chú Tịnh với ạ? cháu cũng có ông cậu mất tích ở Ben Het
01 Tháng Mười Một 20157:00 SA
Khách
Sao không nốt quãng vào "Hỏa Ngục" cho trọn bộ, Trung Úy. Ông định đem vào lòng đết à? Tới luôn đi bác tài.
23 Tháng Mười 20157:00 SA
Khách
Anh Dũng Chiến Đấu - Âm Thầm Hy Sinh , của Hồ Xuân Tịnh , là một bài viết kể lại những trận đánh âm thầm như anh kể , và những anh em đã vì Tựdo vì chính nghĩa quên thân mình , và không biết bao nhiêu đồng đội chúng ta đã hy sinh nằm xuống nơi miền đồi núi hoang vu , tôi là thằng lính già ngồi đây đọc lại những gì mà Hồ Xuân Tịnh viết để ghi lại một thời ta oanh liệt , nằm gai nếm mật huynh đệ chi binh , anh hùng tử chí hùng bất tử , riêng tôi cũng đồng môn với anh nhưng khác quân chủng chưa hề giãi ngủ , nhưng buồn thay cho vận nước nỗi trôi , chúng ta đành làm kiếp người tha hương , vì những con cờ mà bao nhiêu con người phải chấp nhận hy sinh , để rồi ngàn đời sau vẫn mãi mãi ...tôi cúi đầu như một người vừa xây nấm mồ cho các anh vĩnh viễn ra đi , nhưng tôi còn may mắn ở lại nơi này , xin cầu chúc anh Hồ Xuân Tịnh cùng gia đình luôn anh lành , xin cám ơn anh Tịnh cùng Hưng Việt ./.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn