BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73173)
(Xem: 62202)
(Xem: 39376)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ Bồng Sơn đến Eo Gió, Kontum

30 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 5240)
Từ Bồng Sơn đến Eo Gió, Kontum
514Vote
41Vote
33Vote
20Vote
10Vote
4.618

Kính dâng hương hồn cố Đại Úy Bùi Dân Bá (Khoá 24 ĐL), Trung Uý Nguyễn Văn Giảng (Khoá 25 TĐ), cùng các chiến hữu thuộc TĐ 3/40 SĐ22 BB.



Bút ký chiến trường: Trần Thức, TĐ3/40 SĐ22 BB

Anh nằm xuống nơi núi đồi Eo Gió
Vào sáng mùa Đông còn lắm sương mù
Ở nơi đây Anh yên giấc ngàn thu
Không bia mộ, không người thân đưa tiễn

Tôi mãn khoá 2/68 SQTB Thủ Đức ngày 1/11/1968. Sau 10 ngày nghỉ phép, tôi cùng 11 bạn cùng khóa đến trình diện Bộ Tư Lệnh SĐ22 BB, đồn trú tại cầu Bà Gi, cách thị xã Qui Nhơn 15km. Sau khi đến phòng Tổng Quản Trị (TQT), chúng tôi đến trình diện Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Sư Đoàn. Thiếu Tướng Tư Lệnh đã bắt tay chúng tay và ân cần dặn dò,

- Các anh sẽ được đưa đến các tiểu đoàn để thực hiện những điều đã được học ở quân trường. Khi thi hành nhiệm vụ, các anh phải luôn luôn nhớ đến khẩu hiệu “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm”...

Ngay chiều hôm đó, tôi và 3 người bạn nhận sự vụ lệnh về Trung Đoàn 40 BB, tại Bắc Bồng Sơn (căn cứ Đệ Đức). Miệt mài theo các cuộc hành quân qua nhiều năm, tôi đã được bổ sung về Tiểu Đoàn 4 và rồi Tiểu Đoàn 3 cùng Trung Đoàn 40 BB.

Tháng 3-1972, CSBV mở cùng lúc 3 mặt trận: Quảng Trị (Vùng I), Kontum và Bắc Bình Định (Vùng II), Bình Long thuộc An Lộc (Vùng III). Để yểm trợ cho chiến dịch của chúng, CSBV cũng mở các đợt tấn công lớn vào các đơn vị của ta đang đóng tại Kontum. Trung Đoàn 40 thuộc Sư Đoàn 22 BB cũng là một mục tiêu chính của địch. Sau hơn một tuần giao tranh ác liệt, ngày 16-4-72, trực thăng đã đến bốc toán cố vấn Mỹ của trung đoàn ra khỏi vị trí. Sau một đêm, Cộng quân đã tràn ngập căn cứ của trung đoàn, sau khi pháo kích nặng nề, trong khi quân ta hoàn toàn không được pháo binh và phi cơ võ trang yểm trợ. Trung Đoàn 40 được lệnh di tản chiến thuật sau đó. Trong trận này, tôi đã bị bắt làm tù binh và được trao trả vào tháng 3-73. Ở trại An Dưỡng hơn 3 tháng, tôi nhận sự vụ lệnh của Bộ TTM/ QLVNCH trả tôi về đơn vị cũ.

Vào tháng 8-72, tôi trình diện BCH Trung Đoàn 3 tại Bắc Bồng Sơn, và được đưa xuống Tiểu Đoàn 3 của Trung Đoàn 40. Nửa tháng sau, tôi được đề cử làm ĐĐT Đại Đội 3. Sau khi bàn giao đại đội được khoảng 2 tuần, tôi được lệnh đưa đại đội đi tiếp viện để giải toả một đồn của Điạ Phương Quân vừa bị VC chiếm đêm hôm trước. Sau 2 ngày, cùng với Đại Đội 22 Trinh Sát, Sư Đoàn 22 BB, từ 2 hướng Đông và Nam, đại đội 3/3 đã giải toả và tái chiếm đồn Cự Tài, khoảng 5 km phiá Tây Bắc quận lỵ Tam Quan, dưới sự yểm trợ của pháo binh, A37 và 1 chi đội Thiết Giáp M113 thuộc Thiết Đoàn 14. Chúng tôi đã đẩy lui cộng quân khỏi khu vực và bàn giao lại cho đơn vị Điạ Phương Quân bạn ở đây.

Ngày hôm sau, đơn vị chưa được nghỉ ngơi thì Tiểu Đoàn 3 được lệnh rời vị trí hành quân trở lại vị trí của trung đoàn, để chuẩn bị lên đường đến Eo Gió, Kontum. Tại căn cứ trung đoàn, cách Bồng Sơn 3 km vế hướng Bắc, tiểu đoàn được lệnh cấm trại 100%. Các đơn vị trưởng được lệnh kiểm soát và trang bị lại đạn được, mìn bẫy, và M72 cho đơn vị. Vì thế, một số SQ, HSQ, và binh sĩ có gia đình ở Bồng Sơn cũng không thể trở về nhà để từ giã vợ con, trong đó có tôi.

Bốn giờ chiều ngày 24-9-73, đoàn công voa hàng trăm chiếc, đang chờ sẵn, đã bắt đầu đưa chúng tôi từ miền duyên hải lên vùng rừng núi Kontum. Chi đoàn 3/14 Thiết Vận Xa M113 được lệnh mở đường. Đoàn xe từ từ chạy qua thị trấn Bồng Sơn sầm uất. Các nữ sinh trường trung học Tăng Bạt Hổ đã đứng 2 bên đường chào tạm biệt chúng tôi. Khi qua cầu Bồng Sơn, chiếc cầu dài thứ 2 của miền Trung, bắc qua sông Lại Giang thì trời bắt đầu sẫm tối. Đoàn công voa tiếp tục qua đèo Phú Cũ, đèo Nhông, quận lỵ Phù Mỹ, Phù Cát, rồi Đập Đá, Bình Định. Trời đã bắt đầu về đêm. Đoàn xe đã đang chạy qua những phố xá đang say ngủ, trong khi vài ba toán Nhân Dân Tự Vệ đang tuần tra trong thị trấn, hoặc vài trạm canh gác của Điạ Phương Quân đang chăm chỉ canh gác VC, trong ánh đèn vàng vọt của những vọng gác tại các cây cầu nối liền đường giao thông trong tỉnh.

Từng con đường, từng thị trấn tôi đã đi qua, đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm nhung nhớ. Ký ức bỗng hiện về với những kỷ niệm của những ngày tan trường. Hình ảnh những nữ sinh với suối tóc thề chảy dài qua bờ vai trong màu áo học trò gợi lại cho tôi bao kỷ niệm.

Đến cầu Bà Gi, chiến xa M41, thay thế M113, đi đầu mở đường. Đoàn xe rẽ theo quốc lộ 19 nối liền miền duyên hải với cao nguyên. Mười giờ đêm, đoàn xe dừng ở Phú Phong (Quận Bình Khê) nơi vua Quang Trung dấy binh dẹp loạn năm xưa.

Các đơn vị được lệnh kiểm soát lại súngống trong vòng 15 phút để chuẩn bị qua đèo Mang Giang (Quận An Túc). Nơi đây VC thường phục kích các đoàn công voa di chuyển trên quốc lộ. Khi đoàn xe xuống tới chân đèo Măng Giang, thị trấn An Khê đã hiện ra trước mắt. Thấp thoáng là những đỉnh núi mờ mờ trong làn sưong trắng đục. Cuối cùng, đoàn công voa tiến vào thị xã Pleiku dưới ánh trăng hạ tuần mờ ảo, nhạt nhoà của một đêm chờ sáng, còn treo lơ lửng trên cao. Sương đêm lành lạnh thấm ướt áo trận của những người lính ngồi sau các chiếc GMG mui trần. Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm:

Chàng từng đi vào nơi gió cát.
Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao?


Gần suốt đêm không ngủ, tôi mệt mỏi lịm đi, và khi chợt tỉnh thì đoàn xe đã ra khỏi thị xã Pleiku. Ngọn núi Chu Pao, nơi xảy ra những trận đánh ác liệt vào mù Hè đỏ lửa 1972 giữa SĐ23 BB với CSBV, đã hiện ra trước mắt. Theo QL 14 hướng về Kontum, tôi thấy những đơn vị Điạ Phương Quân, đa số là lính Thượng đang đi ngược chiều. Họ đang vác súng, mệt mỏi trở về đồn sau một đêm dài phục kích mà không được chợp mắt.

Gần 2 giờ chiều, đoàn quân qua cầu Đớp La trước khi vào thị xã Kontum. Những áng mây màu xám ngắt trôi chầm chậm trên nền trời Kontum như báo hiệu một cơn mưa chiều sắp đến. Gió hắt hiu mang theo hơi nước của núi rừng. Một cảm giác buồn chợt kéo đến tâm tư tôi lúc bấy giờ.

Khi vào tới thị xã, những người lính, ngồi băng sau xe GMG, vẫy tay reo hò như chào mừng sự tái ngộ của họ đối với thành phố Núi thân yêu, nhiều kỷ niệm này. Đoàn xe chầm chậm tiến qua các đường phố. Tôi thoáng thấy vài cô gái, da dẻ hồng hào với những gót chân đỏ như son, đang dắt tay nhau dáng điệu thướt tha, đi trên đườn gphố. Tôi chợt nhớ đến cây hát:

“May mà có em, đời còn dễ thương...
Em Pleku mà đỏ môi hồng...”


Phải chăng tác giả đã ít nhiều thiên vị khi quên nhắc đến các cô gái Kontum?

Đây là lần thứ tư, những người lính Sư Đoàn 22 BB, mang trên vai phù hiệu “Hắc Tam Sơn, Bạch Nhị Hà”, trở lại vùng Cao Nguyên đất đỏ, mưa mùa này. Những lần hành quân trước, chúng tôi đi tăng viện cho các mặt trận ở Dakto, Tân Cảnh, Võ Định, Diên Bình. Lần này, chúng tôi được lệnh đi vào Eo Gió. Nơi đây cách thị xã Kontum 11 cây số.

Khi chiếc xe chở tôi đang chạy chầm chậm qua khỏi những khu phố cuối cùng, người tài xế liếc mắt sang tôi, khẽ hỏi,

- Kỳ này mình đi mấy tháng, Trung Uý?

- Tuỳ theo tình hình.

- Mình lên thế cho Trung Đoàn 44?

- Dường như vậy.

Chỉ vài ba cậu đối thoại rồi thôi. Thị xã Kontum từ từ biến mất khỏi tầm nhìn. Hai bên đường, những dẫy đồi nối tiếp theo nhau lùi xa. Tôi nhìn đồng hồ. Mới 2 giờ chiều mà trời dường như sắp tối. Những đám mây vần vũ từ hướng Đông Bắc kéo đến bao trùm cả bầu trời Kontum, khiến những đỉnh núi cao đã bị sương mù che phủ dày đặc. Tôi miên man nghĩ về quân số cần bổ sung cho Trung Đội 1 của Thiếu Uý Thụ thì người mang máy truyền tin, ngồi phiá sau, truyền ống liên hợp PRC 25 cho tôi và nói,

- Mời Thiên Nga gặp Tuấn Mai. (Thiên Nga là danh hiệu truyền tin của tôi, đại đội trưởng. Danh hiệu của Tiểu Đoàn Trưởng là Tuấn Mai - Thiếu tá Trần Nghiã Châu, khoá 19 ĐL.)

- Thiên Nga nghe Tuấn Mai.

- Khi đoàn xe dừng, anh cho “con cái” xuống xe nhanh, rồi di chuyển về hướng Tây để tránh pháo kích.

- Tôi nhận 5/5.

Khoảng 15 phút sau, đoàn xe dừng lại. Tôi điều động đại đội tràn qua những ngọn đồi về hướng Tây và cho chiếm lĩnh những ngọn đồi phiá trước, có ưu thế về chiến thuật.

4 giờ chiều, tôi ngồi nghiên cứ bản đồ. Những vòng cao độ chằng chịt sát vào nhau chứng tỏ độ dốc các ngọn đồi nơi đây khá dốc. Những đường thông thuỷ màu xanh đậm báo cho biết sẽ có rất nhiều cây cối và rất rậm rạp. Đây là những con suối mùa được kẻ thành những vạch xanh lơ trên bản đồ. Tôi cần biết vị trí những nơi này để tìm nguồi nước cho binh sĩ nấu ăn. Người truyền tin mang máy đến,

- Mời Trung Úy gặp Thiếu Tá.

Tôi cầm lấy ông liên hợp và lên tiếng,

- Thiên Nga nghe Tuấn Mai.

- 10 phút nữa, anh mang bản đồ đến tiểu đoàn họp.

- Tôi nhận rõ 5/5.



Đúng 4 giờ 30 chiều hôm đó, tôi đến tiểu đoàn họp cùng với vài binh sĩ theo bảo vệ. Tại đây, tôi cùng các đại đội trưởng khác nhận phóng đồ hành quân của Ban 3 trao. Tôi đã đính kèm phóng đồ này vào bản đồ thật cẩn thận. Ban 2 thuyết trình về tình hình địch và bạn trong vùng. Lực lượng địch cũng không được coi là nhẹ. Kế tiếp, TĐT phân nhiệm chiếm từng mục tiêu cho từng đại đội. Các đại đội trưởng trở về đơn vị chuẩn bị cho ngày N Giờ G để xuất phát. (5 giờ sáng ngay hôm sau.)

Ngày N:

Đại đội tôi được chỉ định làm nỗ lực chính chiếm mục tiêu trước 8 giờ sáng. Đó là ngọn đồi cây cối xum xuê có cao độ 632m. Các đại đội khác nhận lệnh lần lượt chiếm mục tiêu kế hai bên. Đại đội của tôi đã chiếm xong mục tiêu, rồi bung rộng ra hướng Bắc và Tây Bắc, như kế hoạch, mặc dù phải bứng một chốt báo động cấp tiểu đội của VC trên hướng tiến quân. Cả tiểu đoàn đã hoàn toàn lục soát mục tiêu như kế hoạch dự trù. Sau hơn một tuần, Tiểu Đoàn 3/40 được lệnh “zulu” (di chuyển) về nghỉ dưỡng quân ở Eo Gió. Bất ngờ, lệnh hành quân thay đổi, Trung Đoàn 40 được lệnh tiếp tục hành quân.

Thế là đại đội của tôi và ĐĐ3 cùng tiến song song, cách nhau 500m, Chúng tôi phải vượt qua một con suối cạn, có chiều rộng khoảng 5m. Thiếu Uý Cang, Trung Đội Trưởng Trung Độ 3, chiếm vị trí của con suối, làm đầu cầu cho đại đội và kế tiếp là TĐ3 vượt qua, sau khi được pháo binh yểm trợ. Mục tiêu là ngọn đồi rậm rạp nằm cạnh một yên ngựa. Ở đây, VC dã dùng đại bác 75 ly trực xạ vào đồi phiá Tây có đại đội của tôi trấn giữ. TĐ đã điều động ĐĐ2 của Trung Uý Giảng đánh vào vị trí này. Cuộc giao tranh kéo dài hơn 3 giờ. Địch bỏ chạy để lại khoảng 20 xác chết, và cây đại bác 75 ly...

Tôi vào chiếc poncho đã được dựng sẵn sau khi cùng Trung Uý Bá, ĐĐT Đ1, đi một vòng quanh tuyến phòng thủ để kiểm soát các vọng gác. Tôi chợt ngửi thấy mùi ẩm của hơi nước bão hoà. Tiếng mưa rơi đồm độp, đều đặn và tiếng kêu vo ve của muỗi, xen kẽ cùng tiếng rè rè của máy PRC 25, đập liên tục vào tai tôi. Đây là phương tiện liên lạc duy nhất của đại đội với các toán “ăn sương” (đi kích đêm) bên ngoài tuyến phòng thủ. Bây giờ đã 1 giờ sáng, bốn bề lạnh ngắt, vẫn chỉ có tiếng mưa rơi làm nặng triũ lòng.

Khoảng 3 giờ sáng, toán phụcc kích phiá Tây báo cáo,

- VC đang cưa cây và đào hầm hố cách tôi (toán tiền đồn) khoảng 50m.

Tôi liền báo cho Tiểu Đoàn và xin Pháo Binh yểm trợ. Qua máy truyền tin, TĐT đã nói với tôi (dùng bạch văn cho tiện theo dõi),

- Con cái các anh đã báo cáo sai để xin Pháo Binh yểm trợ cho ấm mà ngủ. Tôi không thể thoả mãn yêu cầu của anh, vì lệnh trên chỉ cho bắn khi hữu sự (đụng trận).

Ngày N+1:

Đúng 5 giờ sáng, xuất phát từ các nơi này, VC đã pháo kích dữ dội vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và vị trí đóng quân của các đại đội. Chúng tôi đã phải chiụ đựng suốt 2 tiếng đồng hồ đưới cơn mưa đạn của hàng trăm quả đạn pháo của VC, trong khi vẫn phải ghìm tay súng, căng mắt nhìn qua đêm, chờ đợi đợt tấn công bằng bộ binh của địch.

Quả thực, khoảng 8 giờ sáng, địch ồ ạt xung phong tấn công vào vị trí BCH/ Tiểu Đoàn và ĐĐ Chỉ Huy đóng chung với ĐĐ2. Qua PRC 25 mà tôi đang theo dõi, các đợt tấn công của chúng đã bị đẩy lui. 10 giờ sáng, địch rút lui sau khi bị thiệt hại nặng, Tiểu Đoàn đã được các phi tuần A37 và pháo binh yểm trợ.

Ngày N+3...:

VC tiếp tục tấn công và pháo kích vào vị trí của cả Tiểu Đoàn, nhưng chúng đã bị thiệt hại nặng và rút lui sau nhiều đợt tấn công.

Ngày N+16:

Chúng tôi được lệnh “Zulu”. Tối hôm trước, Đ1 và 2, cùng BCH/TĐ đóng trên ngọn đồi cao 733m, trong khi ĐĐ2 làm tiền đồn cho TĐ. VC vẫn bám sát các đơn vị của ta.

Đúng 6 giờ sáng, TĐT ra lệnh Tiểu Đoàn di chuyển về hướng Đông. Đ1 của Trung Uý Bá đi đầu, kế tiếp ĐĐ2 của Trung Uý Giảng. ĐĐ3 của tôi đi đoạn hậu. Đi được 10 phút, ĐĐ1 đụng chốt kiềng của VC, bố trí theo hình chữ Z khiến Trung Uý Bá bị tử trận. ĐĐ2 cũng bị đánh tương tự, nhưng nhờ ĐĐ3 tăng cường nhổ chốt. Thế là cuộc đụng độ ác liệt đã xảy ra, kéo dài gần 5 giờ, giữa TĐ3/40 và gần 1 trung đoàn của VC. Cuối cùng, các đại đội đã đánh bật VC ra khỏi vị trí và rút về hướng Đông.

Ngày N+17:

Về đêm, TĐ3 đã dừng quân trên một ngọn đồi, cách quốc lộ 14 khoảng 3 km theo đường chim bay. Trong đêm, VC đã tập trung lực lượng để trả đũa sự thiệt hại của chúng trong tuần trước. 6 giờ sáng, địch xử dụng chiến thuật thường dùng là “tiến pháo, hậu xung”, tuy cũ nhưng hiệu nghiệm khi chúng muốn tràn ngập mục tiêu.

Tuy nhiên, ý định của chúng đã bị bẻ gãy. Đến 9 giờ sáng, VC đã phải rút lui, bỏ lại hàng trăm xác chết của đồng bọn. Một số lớn đã bị phi cơ và pháo binh tiêu diệt. (Thiếu Tá Trần Nghĩa Châu, TĐT, lên trung tá năm 74 và tử thương tại Bình Khê, 18-3-75. ĐU Lê Phước Quận, TĐP, hiện đang sinh sồng tại Wichita, Kansas.)

Đến 12 giờ trưa cùng ngày, chúng tôi tiếp tục di chuyển về hướng Đông. Đến 3 giờ chiều, ĐĐ1 đi đầu bị phục kích, nhưng đã bị đẩy lui khi cả đại đội tràn xuống, xung phong qua vị trí của VC. Trung Uý Nghiã, ĐĐT Chỉ Huy, thay thế TrU Giảng bị tử trận và tiếp tục cho đại đội tiến về hướng Đông. Khi gần đến QL 14, ĐĐ3 ngồi chờ xe di chuyển về Kontum thì bị địch pháo kích. Một số binh sĩ và tôi bị thương trong lần này. ĐU Lê Phước Quận, TĐP, đã thay tôi điều động Đại Đội 3.

Khi mở mắt ra, tôi mới biết mình còn sống và đang nằm trong Bệnh Viện 2 Dã Chiến ở Kontum. Đại Tá Phan Đình Hoà và một số SQ Trung Đoàn đã đến uỷ lạo chúng tôi trong dịp này.

Sau 2 tháng điều trị, tôi được xuất viện và trở về đơn vị. Một tuần lễ sau, đơn vị của tôi được lệnh trở lại căn cứ Hàm Rồng (Pleiku) để dưỡng quân và bổ xung quân số. Sáu tuần lề sau, cả tiểu đoàn lại được lệnh lên đường hành quân ở Thanh An và Lệ Minh, Pleku cho đến đầu mùa mưa 1974.

St Louis, tháng 3-2015

Trần Thức
TĐ3/40/22 BB

Nguồn Biệt Động Quân

Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Mười 20157:00 SA
Khách
Lính già đọc bài này gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm đau buồn của qúa khứ, chúng ta vì dân chiến đấu vì nước hy sinh , Tổ Quốc Danh Dự Trách nhiệm . Nhiều anh em đã chiến đấu không mệt mõi nơi chiến trường , nhưng sau lưng chúng ta có bao người thấp hèn bán đứng lương tâm , làm tay sai nội tuyến giết chúng ta ,một phần thằng Mỹ đã đi đêm với bọn Vc , bõ rơi phản bội VNCH . Cho đến hôm nay vì quyền lợi của thằng Mỹ lại một lần nữa đã bắt tay với bọn Vc , phản lại người Việt Tỵ nạn ở Mỹ này thật là một ngán ngẫm ê chề . chúng ta nên đỗi lại lời của Cố TT Nguyễn Văn Thiệu nói . Đừng nghe những gì thằng Mỹ nói , mà hãy nhìn những gì thằng Mỹ làm . Cám ơn Hưng Việt và anh Trần Thức .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn