BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận Đánh Tại Căn Cứ Hỏa Lực 6

05 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2808)
Trận Đánh Tại Căn Cứ Hỏa Lực 6
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Hạ tuần tháng 3/1971, Cộng quân điều động hai trung đoàn chủ lực và tăng cường thêm một tiểu đoàn phòng không, một tiểu đoàn súng nặng, và một tiểu đoàn đặc công để đánh chiếm Căn Cứ Hỏa Lực số 6 ở phía Tây Bắc thị xã Kontum. Theo tin tình báo, trong kế hoạch tấn công này Cộng quân bố trí một trung đoàn bao vây và tấn công căn cứ, trung đoàn còn lại cùng với đơn vị súng nặng chận đánh quân tăng viện. Lúc trận chiến xảy ra, lực lượng trú phòng tại căn cứ này do một thành phần Bộ Binh và Pháo Binh của Sư Đoàn 22 Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đảm trách với quân số chưa đến một tiểu đoàn. Để giải tỏa áp lực địch, Quân Đoàn 2 đã xin Bộ Tổng Tham Mưu tăng viện lực lượng tổng trừ bị.

CUỘC ĐỔ QUÂN CỦA TIỂU ĐOÀN 5 VÀ 6 NHẢY DÙ

Ngày 4 tháng 4/1971, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù với các Tiểu Đoàn 5, 6, 1 và Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù được điều động lên cao nguyên để tăng phái cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Bộ tư lệnh hành quân của sư đoàn này được đặt tại thị xã Tân Cảnh. Sau hai ngày chuẩn bị kế hoạch hỏa yểm và điều động các đơn vị vào khu vực hành quân, sáng ngày 6 tháng 4/1971, Tiểu Đoàn 5 và 6 được trực thăng vận đổ quân xuống ngay khu vực mà Cộng quân đang bố trí các cụm súng phòng không. Trước đó vào ngày 5 tháng 4/1971, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù đã được điều động chận địch ở sườn phía Bắc của Căn Cứ Hỏa Lực 6.



Theo tài liệu của cựu Trung Tá Bùi Đức Lạc (lúc bấy giờ là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Pháo binh Dù, người trực tiếp điều động kế hoạch hỏa yểm cho cuộc đổ quân), đối chiếu với một số tài liệu khác, diễn tiến về cuộc tấn công này được ghi nhận như sau:

Giờ G, Ngày N của cuộc đổ quân là 8 giờ ngày 6 tháng 4/1971. Lực lượng trực thăng không vận và yểm trợ gồm:

  • Bốn mươi lăm (45) chiếc thuộc hai phi đoàn Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và hai phi đoàn Không Lực Hoa Kỳ tại Cao Nguyên. 

  • Hai (2) chiếc CNC (trực thăng dành cho các sĩ quan chỉ huy). 

  • Hai (2) phi đội trực thăng võ trang AH-1 Cobra. 

  • Về Pháo Binh có 8 pháo đội, trong đó có 3 pháo đội 105 ly của Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù, bốn pháo đội 105 ly và một pháo đội 155 ly của Pháo Binh Sư Đoàn 22 Bộ Binh.


Để chuẩn bị kế hoạch phối hợp hỏa lực yểm trợ đổ quân, từ sáng sớm, vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh đã cùng với vị đại tá chỉ huy liên phi-đoàn trực thăng Hoa Kỳ sử dụng một chiếc CNC để điều động các đơn vị Pháo Binh và Không Quân. Riêng Đại Tá Trần Quốc Lịch, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, sử dụng một chiếc CNC khác bay điều động các cánh quân sau đó.

Đúng 7 giờ 30 phút ngày N (6 tháng 4/1971), dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Lạc, 8 pháo đội đã bắn loạt đạn vào từng mục tiêu đã dự định. Trong lúc đó, Không Quân bay vào vùng và oanh tạc đúng theo thời biểu của kế hoạch yểm trợ hỏa lực từ trên không. Bảy giờ 35 phút, các loạt đạn pháo binh đầu tiên hiệu quả trên Landing Zone (LZ --bãi đáp cho cuộc đổ quân), những vùng Cộng quân ngụy trang kín đáo đã bị các loạt đạn này bóc trần lộ diện.

Bảy giờ 50 phút, từng liên đội (2 chiếc) Cobra của Không lực Hoa Kỳ sà vào khu vực LZ ở cao độ 200 mét, nhưng không gặp một phản ứng nào của phòng không địch. Theo phân tích của vị tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù, các xạ thủ phòng không của đối phương đã lẩn trốn quanh vị trí do khiếp đảm trước các loạt pháo hỏa tập của pháo binh VNCH tác xạ tập trung từ chiều ngày 5 tháng 4/1971 đến sáng ngày 6/1971 trước giờ G của cuộc đổ quân.

Từ trên phi cơ chỉ huy, Thiếu Tá Lạc thấy những loạt đạn nổ mạnh, nhanh và liên tục xối xả trên bãi đáp. Đó là các loạt đạn của 3 pháo đội Nhảy Dù. Ngay sau đó, ông ra hiệu cho Đại Tá Griffin, chỉ huy liên phi đoàn trực thăng Hoa Kỳ, cho lệnh phi cơ xuống thấp hơn, trong khi ông đang điều động trực thăng đổ quân.

TIỂU ĐOÀN 6 NHẢY VÀO KHU VỰC PHÒNG KHÔNG CỦA ĐỊCH QUÂN

Đúng 8 giờ, loạt đạn khói vừa chấm dứt, đoàn trực thăng võ trang bay cùng với đoàn trực thăng đổ-quân đồng loạt tác xạ ồ ạt. Các binh sĩ Nhảy Dù của Tiểu Đoàn 6 phóng ra khỏi trực thăng và nhảy xuống trận địa. Từng toán lính xung phong đến các vị trí phòng không của địch.

Ngay đợt đổ quân đầu với 2 đại đội, đơn vị Nhảy Dù hoàn toàn vô sự, các trung đội nhảy xuống đầu tiên đã bắt sống 12 Cộng quân đang cúi đầu tránh pháo, tịch thu 6 súng phòng không. Tiếp đó, từng trung đội của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù bung rộng để kiểm soát khu vực đổ quân. Cuộc đổ quân đợt hai của Tiểu Đoàn 6 Dù cũng vô sự.

Từ trận địa, Thiếu Tá Nguyễn Văn Đỉnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, báo cáo kết quả cho Đại Tá Trần Quốc Lịch, Lữ Đoàn Trưởng, đang ở trên phi cơ chỉ huy để điều động quân. Theo kế hoạch của vị Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2, sau khi hoàn tất cuộc đổ quân, Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù được lệnh đánh tạt ngang, không đánh thẳng vào các đơn vị Cộng quân đang bao vây Căn Cứ Hỏa Lực 6. Đại tá Lịch muốn sau 15 phút đầu tiên, Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù phải chiếm xong những vị trí phòng không của địch.

TIỂU ĐOÀN 5 NHẢY DÙ ĐÁNH BẬT CỘNG QUÂN QUANH CĂN CỨ HỎA LỰC 6

Tiếp theo hai đợt đổ quân của Tiểu Đoàn 6 là hai đợt đổ quân của Tiểu Đoàn 5 do Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu (tiểu đoàn trưởng) chỉ huy. Sau khi toàn bộ tiểu đoàn đã nhảy xuống trận địa, Trung Tá Hiếu cho lệnh xung phong. Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù tiến quân ồ ạt tấn công địch. Một đại đội đánh ngay trên đường đi để vào bắt tay với đơn vị trú phòng của Căn Cứ Hỏa Lực 6. Còn lại 3 đại đội tác chiến và đại đội chỉ huy tiếp tục thọc sâu bên sườn địch.

Do bị đánh từ phía sau, các vị trí súng cộng đồng của Cộng quân đã không sử dụng được vì đối phương đã đào công sự chiến đấu hướng vào Căn Cứ Hỏa lực số 6. Bị tấn công bất ngờ và ở trong thế thụ động, Cộng quân không kịp phản ứng, tháo chạy tán loạn, bỏ lại cả xác một tiểu đoàn trưởng.

Cùng lúc diễn ra cuộc tấn công của Tiểu Đoàn 5 Dù ở sườn Đông căn cứ, thì tại sườn phía Tây, Tiểu Đoàn 6 Dù đã chạm súng với hai tiểu đoàn và một đơn vị phòng không của Cộng quân. Vì Cộng quân phải rải 3 tiểu đoàn để bao vây căn cứ, nên chỗ nào đông nhất là cấp đại đội. Nên khi Tiểu Đoàn 6 Dù từ ngang sườn đánh sang, cấp chỉ huy của đối phương đã bối rối không kịp sửa lại đội hình.

TRẬN ĐÁNH 13 NGÀY CỦA LỮ ĐOÀN 2 DÙ

Về cánh quân của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù do Trung Tá Ngô Lê Tĩnh chỉ huy, từ ngày N-một (5 tháng 4/1971), đơn vị này được điều động sang sườn phía Bắc để chận đường rút lui của Cộng quân. Suốt đêm 5 tháng 4/1971, tiểu đoàn đã thử tung các đợt tấn công nghi binh lên thẳng Căn Cứ Hỏa Lực 6, giáp mặt với một lực lượng bộ-chiến Bắc Việt. Đơn vị Cộng quân này không trang bị súng cối như các đơn vị khác, nhưng không hiểu sao đối phương vẫn tránh khai hỏa. Có thể quân Bắc Việt đang lo ẩn trốn vì Pháo Binh Nhảy Dù và Sư Đoàn 22 Bộ Binh tác xạ liên tục vào khu vực được chọn làm bãi đáp đổ-quân, và các vị trí có đặt súng phòng không.

Khai thác cung từ của tù binh, Bộ Chỉ Huy cuộc hành quân biết rõ kế hoạch phối trí lực lượng của Cộng quân quanh căn cứ 6 như sau: 3 tiểu đoàn bộ đội bao vây Căn Cứ Hỏa Lực 6, trong đó một tiểu đoàn dàn quân ở sườn Đông (hướng tiến quân của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù), 2 tiểu đoàn trải quân ở sườn Tây (hướng tiến quân của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù). Ngoài ra một đơn vị phòng không gồm 10 khẩu đội đã án ngữ Đồi 1250 (tiền đồn của Căn Cứ Hỏa Lực 6).

Trong ngày 6 tháng 4/1971, 10 khẩu đội phòng không của địch quân đã bị tiêu diệt hoàn toàn, trong đó có Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đã tịch thu được 6 khẩu còn nguyên vẹn, xạ thủ của 6 khẩu đội này có một số chết, một số bị bắt tại trận. Bốn khẩu còn lại bị tiêu diệt cả xạ thủ lẫn súng. Về nhân mạng, phân nửa quân số của trung đoàn Cộng Sản bị chết ngay tại trận địa, số còn lại tháo chạy.

Cũng theo các tù binh, ngoài trung đoàn chủ lực Bắc Việt bao vây căn cứ, hai trung đoàn Cộng quân (gồm 6 tiểu đoàn) bố trí dọc các trục mà họ tiên liệu là lực lượng tăng viện của Việt Nam Cộng Hòa có thể tiến quân bằng đường bộ để tiếp cứu quân trú phòng tại căn cứ. Cũng cần ghi nhận rằng cung-từ của tù binh Bắc Việt đã khác với tin tình báo Việt Nam Cộng Hòa là ban đầu là chỉ có 4 tiểu đoàn Cộng quân bố trí để chận đánh lực lượng tăng viện).

Sang ngày N+1 (7 tháng 4/1971), các đơn vị Nhảy Dù tiếp tục bung rộng truy kích Cộng quân. Tuy không có các cuộc đụng độ lớn nhưng súng vẫn nổ đều đặn. Phần lớn tiếng súng đó do các binh sĩ Dù dùng súng B-40 và B-41 lấy được của địch bắn phóng theo các đơn vị bỏ chạy. Ngoài ra, các súng đại liên, thượng liên, trung liên của Cộng quân mà Nhảy Dù tịch thu được cũng được xử dụng cho hết đạn, để cho nhẹ đi khi mang chiến lợi phẩm về.

Tiếp tục cuộc hành quân truy lùng, một ngày sau (N+12), các đơn vị Lữ Đoàn 2 Dù tìm được các hố cá nhân được ngụy trang kín đáo, các hầm chỉ huy đào ngay dưới những khối đá lớn, nên các đợt phi pháo của Không quân đã không ảnh hưởng đến các công sự kiên cố này.

Sau 13 ngày hành quân, Lữ Đoàn 2 trở về Saigon, và khoảng 4 tuần sau, Cộng quân lại huy động tấn công Căn Cứ Hỏa Lực số 5 (ở phía Nam Căn Cứ Hỏa Lực 6) để trả thù cho các đơn vị Cộng quân bị tiêu diệt.

Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy lên đường giải tỏa áp lực địch. Riêng Thiếu Tá Bùi Đức Lạc, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Dù lại được lệnh trở về đơn vị cũ là Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh để chỉ huy tiểu đoàn này yểm trợ cho cuộc hành quân giải tỏa Căn Cứ Hỏa Lực 5. Người pháo thủ Nhảy Dù này lại vẫy tay chào chiến trường Kontum.

Vương Hồng Anh
Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Chín 20107:00 SA
Khách
Tấm hình trong bài này, không phải là Nhảy Dù Việt Nam. Râu ông nọ cắm cằm bà kia. Kỳ quá.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn