BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77574)
(Xem: 63345)
(Xem: 40794)
(Xem: 32430)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận An Quí, 21-2-1966

01 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 2468)
Trận An Quí, 21-2-1966
51Vote
41Vote
31Vote
20Vote
10Vote
43
(Viết theo hồi ký My War... VIETNAM, của Col. Thomas E. Campbell USMC Retired)

Đôi dòng giới thiệu về Đại Tá TQLC Mỹ Thomas E. Campbell:

Năm 1966, Đại Úy Campbell là Cố Vấn TĐ2/TQLCVN cho Thiếu Tá Lê Hằng Minh, từng tham dự trận đánh An Quí vào ngày 21-2-1966. Trong trận phản phục kích Phò Trạch, Quảng Trị, ngày 29-6-1966, Đại Úy Campbell tỏ ra là một sĩ quan rất can đảm và bình tĩnh. Mặc dù bị thương nhưng vẫn cố gắng liên lạc được với các nơi, để xin can thiệp yểm trợ hỏa lực kịp thời cho TĐ2 đang bị địch phục kích. Đã tạo cơ hội cho QLVNCH và TQLC Hoa Kỳ mở trận phản phục kích và truy kích Tiểu Đoàn chủ lực việt cộng 802 tăng cường; đạt được chiến thắng lớn về ta...


Đại Úy Campbell tiếp tục làm Cố Vấn cho Đại Úy Ngô Văn Định, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2 sau trận Phò Trạch. Và ông tình nguyện ở lại phục vụ chiến trường Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhì, 1967; Ông về hưu năm 1988 với cấp bậc Đại Tá Trung Đoàn Trưởng TQLC. Ông và Nancy, hai người đã lập gia đình với nhau từ 36 năm nay và có 2 người con: Kristen và Bill. Cả hai đều trưởng thành và lập gia đình riêng...

Hiện ông là giảng sư về môn lãnh đạo chỉ huy và quản trị tại trường Đại Học ở Austin, Texas. Ông đã viết nhiều sách nói về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ông đã được ân thưởng huy chương chiến công Mỹ và Việt trong trận Phò Trạch. Ông đã được Trung Tướng Lê Nguyên Khang Tư Lệnh TQLCVN trao gắn Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao bạc, cùng với Trung Úy Cố Vấn phó Carlson và vài sĩ quan Cố Vấn khác... trong một buổi lễ long trọng được tổ chức tại sân cờ BTL/TQLC/VN, 15 Lê Thánh Tôn, Sài Gòn vào cuối năm 1966. Sau trận Phò Trạch, ông được bạn bè tặng cho biệt danh là "Capt. Cool", và được tạp chí TQLC Hoa Kỳ đăng một bài về "Capt. Cool", đề cao sự can đảm và bình tĩnh của ông trong trận phản phục kích Phò Trạch của TĐ2 Trâu Điên, TQLCVN ngày 29-6-1966, Quảng Trị, Việt Nam.

***



Trong tháng 2 năm 1966, Chiến Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (CĐA/TQLCVN) được lệnh di chuyển hành quân ra Bồng Sơn, miền duyên hải thuộc Vùng 2 Chiến Thuật. Một vài người bạn hỏi chúng tôi:


- Vùng ấy có đụng độ nhiều không?


Gus Gustitus (Thiếu Tá USMC, Cố Vấn Trưởng CĐA/TQLCVN cho Trung Tá Nguyễn Thành Yên, CĐT), người vừa thay thế Bill Leftwich (1), Thiếu Tá Cố Vấn Trưởng tiền nhiệm, mãn nhiệm kỳ và về nước (Mỹ) liền trả lời:


- Tôi không biết! Nhưng tôi thường nghe nói, "nếu anh là dân Bình Định (Tỉnh) trong đó có Bồng Sơn (Quận), anh không phải việt cộng, thì anh cũng có bà con liên hệ với việt cộng".


Vùng Bồng Sơn mà chúng tôi sẽ đi hành quân nằm về phiá Đông của thung lũng IA-Drang. Nơi đây đã có cuộc đụng độ lớn giữa 7th Cavalry (Lữ Đoàn 7 Kỵ Binh Không Vận - LĐ7KBKV) với địch quân trong tháng 11 năm 1965.


Vài người khác lại nói:


- Tôi nghe nói rằng, cứ ra khỏi quận lỵ cách 50 mét, là anh có thể chạm súng với địch liền! Thật đấy! Chuyện ấy sẽ xảy ra! Các anh hãy lau chùi vũ khí, kiểm tra máy móc truyền tin... và chuẩn bị là vừa!


Trong chuyến đi này, Thiếu Tá Gustitus là Cố Vấn Trưởng CĐ-A/TQLCVN; Đại Úy J. P. Williams là Cố Vấn Pháo Binh; Thiếu Tá John Hopkins, hay còn gọi là "Big John" là Cố Vấn Trưởng TĐ2 Trâu Điên, còn tôi là Cố Vấn Phó.


Cuộc hành trình thật là khá dài, Chúng tôi phải bay từ Sài Gòn đến phi trường Kontum bằng vận tải cơ C-130, rồi sau đó chuyển qua máy bay loại nhỏ hơn, vận tải cơ C124, loại thường dùng chở hàng hoá; vì như thế mới có thể đáp xuống phi đạo ngắn và hẹp của Bồng Sơn.

Cuộc không vận giữa Sài Gòn - Kontum và ngược lại, thật là một chuyến đi "kỳ cục" - mà chưa hề có một sĩ quan Cố Vấn TQLC Mỹ nào gặp phải từ trước. Một tiểu đòan TQLCVN khoảng 600 quân nhân; đứng sắp hàng dài dọc theo bên lề phi đạo, cùng với 3 hay 4 xe Jeep, và 1 chiếc Dodge 4x4. Các chàng "Cọp Biển" bắt đầu che lều "poncho" cá nhân, giăng võng và bắt đầu nấu nướng ăn uống; vì họ biết rằng, cuộc chuyển vận quân phải kéo dài trong vài ngày nữa mới hết!...


Tôi cần phải đi gặp nhân viên Không Quân Hoa Kỳ, toán đảm trách việc chuyển quân để phối hợp công tác. Thông lệ, Tiểu Đoàn Trưởng và Cố Vấn Trưởng đi chuyến đầu. Cố Vấn Phó là tôi phụ trách phối hợp chuyển quân, sẽ đi vào chuyến chót. Dù chúng tôi luôn lo lắng làm sao đơn vị đi chóng hết, chúng tôi được xếp loại "khẩn cấp chiến lược", ưu tiên được chuyển vận, nhưng đối với nhân viên KQHK, loại "lính văn phòng" (poages) họ làm việc "tà tà" để hết thì giờ là đi vào các hộp đêm để xem "show" và ca nhạc của USO (Cơ quan phụ trách giải trí cho quân nhân Mỹ) hơn là lo việc chuyển quân gấp ra mặt trận... Khi đón nhận được 1 hay 2 chiếc C-130, các sĩ quan bắt đầu dồn đẩy quân sĩ lên phi cơ, chất được càng nhiều càng tốt, miễn sao kéo cánh cửa hậu (back ramp) lên được thì thôi! Phía đằng trước chật "như nêm", khiến không ai ngồi xuống được cả. Máy bay được tháo hết ghế ngồi, khi cánh cửa hậu đã được đóng được rồi, thì chúng tôi nhét thêm 50 hay 70 người nữa, qua ngưỡng cửa hông, và họ ngồi xuống trên bửng cửa hậu vừa mới khoá ngàm xong. Sau đó tất cả mọi người đều ngồi xuống sàn máy bay. Các Cọp Biển khi họ rời Sài Gòn, ngoài đạn dược mang quá bảng cấp số, họ còn mang theo gạo, thực phẩm, gà vịt còn sống, điện trì và đồ dùng cá nhân. Thật là chật cứng, ngột ngạt, nóng bức, mãi đến khi máy bay lên đến độ cao "bình phi".


Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy một chiếc C-130 chất đến 200 người như hôm nay, thế mà Cố Vấn Bill Marcantel nói rằng "Có lần chở được 230 người!" Chúng tôi không ai có thể tin được như thế. Cuộc chuyển vận ra đến Bồng Sơn mải cả tuần lễ mới hoàn tất. Tôi không nhớ C-124 chở được bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ rằng dưới 50 người. C-130 thì chuyên chở rất tốt, cất và hạ cánh nhẹ nhàng, nhưng tiếng nổ động cơ, làm "điếc cả lỗ tai". C-124 thì bay không "đằm" và lúc đáp xuống dễ bị "nhồi", không an toàn. Khi máy bay đáp xuống phi đạo, cửa hậu vừa mở hạ xuống, thì anh khỏi cần đẩy Cọp Biển ra khỏi máy bay. Họ tự động và chạy ra khỏi máy bay, vừa cười giởn, xem như đã thoát nợ (đi máy bay).


Chúng tôi đến vị trí đóng quân ở rìa thị trấn Bồng Sơn. Trung Tá Yên và Cố Vấn Gustitus đến phối hợp với Chi Khu Bồng Sơn. Các cấp chỉ huy Cọp Biển, họ không tin tưởng nhiều về khả năng cũng như sự yểm trợ của các cấp Quân Đoàn, Tiểu Khu hay Chi Khu... Trong các cuộc hành quân trước đây, các đơn vị TQLCVN thường bị trở ngại về không và pháo yểm. Nên kỳ này CĐ-A/TQLCVN mang theo pháo đội 75 ly Sơn Pháo hoặc 105 ly TQLC cơ hữu. Còn Không Quân HK sẽ yểm trợ qua hệ thống Cố Vấn Mỹ của Th/Tá Gustitus.

Các đơn vị TQLCVN được tái tiếp tế các loại quân dụng và nhu yếu phẩm từ Hậu Cứ Sài Gòn đem ra. TQLCVN là những quân nhân chuyên nghiệp như binh chủng Nhảy Dù Việt Nam, họ được tuyển mộ đa số từ các sắc dân thiểu số như Nùng, hoặc gốc các lực lượng võ trang giáo phái như Cao Đài, Hoà Hảo ...


Hầu hết các sĩ quan tốt nghiệp tại các quân trường, nên thật ra họ cũng ít cần đến sự cố vấn của chúng tôi. Cố vấn rất hữu ích cho đơn vị trong việc yểm trợ hỏa lực dồi dào của Hoa Kỳ trong thời gian này. Nói chung, các TQLCVN chiến đấu rất anh dũng, có kỷ luật. Công việc của cố vấn là cung cấp hỏa lực yểm trợ cho họ. Họ quan niệm rằng hãy tự lực chiến đấu, rồi mới trông cậy đến sự yểm trợ bên ngoài, vì các đơn vị trong lãnh thổ Quân Khu cũng không giúp đỡ được gì! Cho nên họ mang theo số lượng đạn dược quá bảng cấp số! Có vậy mới đủ xử dụng trong những cuộc đụng độ lớn, để cầm cự được ít nhất là 36 tiếng đồng hồ, trước khi có tiếp viện.


Tôi nhớ chỉ có 2 lần đơn vị, (TĐ2/TQLC) bắn gần hết đạn. Cả 2 lần đều xảy ra tại Bồng Sơn. TĐ2 của chúng tôi, bắt đầu di chuyển về hướng Bắc, từ thị trấn Bồng Sơn. TĐ2 lần lượt chiếm và lục soát các xóm làng nhỏ, dọc theo hai bên quốc lộ 1. Suốt tuần lễ đầu tiên, đơn vị chỉ chạm địch lẻ tẻ lúc hành quân lục soát.


Rồi một buổi sáng ngày 21 tháng 2 năm 1966, TĐ2 xuất phát từ vị trí đóng quân đêm tiến quân lục soát các Mục Tiêu (MT) xóm làng về hướng Tây. Cánh A gồm TĐ2 ( - ) đi cánh trái, tức phía Nam, và cánh B gồm ĐĐ2 và ĐĐ4, tôi đi với Trung Úy Nguyễn Xuân Phúc, ĐĐT/ĐĐ4. Lúc các cánh quân băng qua đồng lúa trống trải, cách quốc lộ 1 khoảng 1 cây số, thì bị địch nổ súng xối xả từ Ấp An Quí trước mặt cách 300m. An Quí nằm giữa Tam Quan và Bồng Sơn, là một Ấp Chiến Lược cũ của năm 1963, mặc dù sau đảo chánh 1-11-63, các Ấp Chiến Lược đã được hủy bỏ, các hệ thống phòng thủ đã hư hại, tuy nhiên có nhiều quãng vẫn còn hệ thống giao thông hào và hàng rào kẽm gai bao bọc bên ngoài bìa làng...

Địch có xạ trường và quan sát tốt, còn phía các cánh quân của TĐ2 thì ở vào vị thế bất lợi...


Chúng tôi gọi không yểm và trong chốc lát 1 phi tuần A-1 đã vào vùng. Đây là lần đầu tiên tôi điều phối không yểm. Về sau tôi rút được kinh nghiệm rằng, nếu anh nhận được phi tuần cánh quạt A-1 “cổ lổ sỉ” yểm trợ, thì đó là điều may mắn cho anh! Phi cơ bay chậm, phi công đều là dân kỳ cựu trong binh chủng Không Quân và Hải Quân. Khu trục cơ A-1 không bao giờ dội bom lầm vào quân bạn. Chỉ có loại phi cơ này là có thể mang nhiều bom đạn hơn sức nặng của phi cơ... Sau khi liên lạc xong, phi cơ oanh kích dọc theo rặng cây ở bìa ấp...


Được khoảng 20 phút sau, Tr/U Phúc điều động ĐĐ4 ( - ) tiến lên. Chỉ để lại 1 Trung Đội và 2 khẩu Đại Liên 60 bố trí tại chỗ để yểm trợ bằng hỏa lực... Chúng tôi vừa rời khỏi bờ rạch cạn, mà đã bố trí ẩn núp lúc đầu, tiến lên được 100m thì những loạt đạn thượng liên và AK-47 bắn rất chính xác vào ĐĐ4 ( - ), một số chiến sĩ lần lượt ngã xuống. Chúng tôi vội thối lui vào bờ rạch cũ. Suốt cả tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi cố gắng tản thương và đưa những người bị chết về lại bờ rạch, nơi chúng tôi đang bố trí.


Đến trưa thì tôi, lần đầu tiên đã phụ trách điều khiển trực thăng xuống tản thương với một số lượng đáng kể, những người bị thương và tử thương của ĐĐ4. Một lát sau, Big John gọi trong máy bảo


- My buddy (bồ của tôi Tr/U Phúc), Charley Brown (ám danh để chỉ các sĩ quan TQLCVN mà Cố Vấn Mỹ cùng làm việc chung) hãy đi đi chứ!.


Tôi trả lời với Big John:


- Anh ở “đàng kia” không thấy, chứ tôi và Phúc đang ở vào vị thế bất lợi, nếu tiếp tục tấn công thì sẽ bị thiệt hại nhiều!


Lúc này Minh (Th/Tá Lê Hằng Minh TĐT) và Hopkins cùng cánh A với ĐĐ1 của Tr/U Trần Kim Hoàng ĐĐT, ĐĐ3 của Tr/U Nguyễn Ngọc Điệp ở phía Nam của mục tiêu An Quí. Tôi nghĩ rằng họ có vị trí thuận lợi hơn cánh B của chúng tôi do Đ/U Nguyễn Văn Hay (TĐP kiêm ĐĐT/ĐĐ2 và Phúc ĐĐT/ĐĐ4).


Tôi bắt đầu gọi yểm trợ Pháo Binh qua J.P. Williams (Đ/U Cố Vấn Pháo Binh TQLCVN) vị trí đóng tại đồi 10; nơi đây có BCH/CĐA-TQLC và Tiểu Đoàn 1 TQLC của Thiếu Tá Tôn Thất Soạn TĐT, đang hoạt động ở phiá Bắc và chung quanh khu vực đồi 10 cho đến đèo Bình Đê. Đây là lần đầu tiên tôi gọi pháo binh yểm trợ cho đơn vị đang chạm địch. Pháo Binh TQLC bắn trúng dọc theo rìa Ấp mục tiêu An Quí. Phúc bảo tôi gọi thêm vài loạt đạn pháo binh "bắn hiệu quả". Và chúng tôi bắt đầu tiến quân băng qua ruộng lúa để chiếm rặng cây cách 300m phía trước mặt. Khi chúng tôi rời khỏi bờ rạch cạn, đang bố trí vừa rồi. Tôi gọi "dài thêm 50 pháo đội 6 khẩu, bắn hiệu quả!" như vậy là tổng cộng 36 quả pháo binh. Thời gian ngừng một lúc, đột nhiên có vài quả đạn pháo binh rớt sát tiền quân bạn ĐĐ4; Lúc đầu thì những loạt đạn pháo binh rơi đúng hàng cây mục tiêu An Quí, nay thì rớt ngoài đồng trống và sát chúng tôi! Thật là nguy hiểm khi pháo binh yểm trợ cận, mà lại là loại vũ khí dùng để tiêu diệt một vùng mục tiêu rộng lớn! Chúng tôi vội nằm "chúi dũi" xuống ruộng lúa đầy nước và sình lầy; Tôi và Phúc nằm bẹp đàng sau "bờ giường ruộng" thấp.


Tôi cố gọi J.P. Williams để "ngưng tác xạ", nhưng không liên lạc được... Pháo đội hoàn tất tác xạ, tất cả 36 viên đạn. May mắn, chúng tôi chỉ có 2 bị thương nhẹ.


Tôi học được bài học hôm đó là đạn pháo hay cối, lúc rớt nổ xuống ruộng lúa nước và sình lầy, thì sức nổ và sự tàn phá của đạn giảm bớt đi. Khi đầu nổ của viên đạn, ngập sâu dưới sình lầy, cho đến khi nào nó chạm phải vật gì tương đối cứng để có thể làm kích hỏa được! Chúng tôi "sợ muốn chết" và bùn nóng bắn lên cả mặt mày! Đây cũng là lần đầu tiên tôi bị đạn của bạn bắn lầm vào! Thật là một ngày trọng đại, của những cái "lần đầu tiên" của tôi.


Tôi quyết từ nay phải tránh vụ đạn của bạn bắn lầm này! Williams là một sĩ quan pháo binh thành thạo và chuyên nghiệp trong ngành pháo binh, rành về tính toán để lập nên xạ bảng chính xác, hầu bắn vào mục tiêu nào mà anh yêu cầu...


Về sau, chúng tôi ngồi xuống suy nghĩ hàng giờ, "đột nhiên không biết vì sao những quả đạn pháo binh hôm đó lại bị "tản đạn" như thế? Chỉ có một điều mà chúng tôi có thể đi đến kết luận là khi chúng tôi gởi các yếu tố tác xạ bằng tiếng Anh, rồi sĩ quan tác xạ của Pháo Đội TQLCVN thông dịch ra tiếng Việt; Trong tình hình tác xạ khẩn trương, thay vì “dài hơn 50 họ lại đọc ngắn lại 50”... Trong mọi tình huống, đối với TQLCVN, lý do nào kể cả lý do bị bắn lầm, họ cũng “bỏ qua”, xem như là chuyện sơ xuất xảy ra ngoài ý muốn mà thôi!


Trong vai trò cố vấn của tôi, với khả năng điều phối sự yểm trợ hỏa lực cho đơn vị TQLCVN. Tôi cố gắng giữ làm sao kể từ nay, không còn Không Quân hay Pháo Binh bạn bắn lầm vào đơn vị của tôi nữa. Còn về Hải Pháo, thì chúng ta sẽ có dịp thảo luận sau này...


Tôi nhớ lại đây là lần đầu tiên đơn vị TQLCVN (ĐĐ4/TĐ2) mà tôi làm cố vấn đã bắn gần hết đạn. ĐĐ4 cố bắn xối xả vào mục tiêu để đàn áp địch... Khi màn đêm xuống, chúng tôi vẫn bố trí tại chỗ theo bờ rạch cạn hồi trưa. Sau đó Big John và tôi tranh luận trong máy: “... Vì sao chúng tôi không vào trong làng (mục tiêu An Quí)?”

Chiều hôm đó, ĐĐ3 đi theo cánh A với Minh và Big John. Lúc ĐĐ3 dàn quân xung phong vào góc phía Nam của mục tiêu Ấp An Quí, bất chấp những tràng đạn “Bắn thẳng và chính xác của địch bố trí trong các giao thông hào, bên ngoài có lớp hàng rào ấp chiến lược cũ bao bọc; cuối cùng các Cọp Biển đã chiếm được giao thông hào của địch, với màn đánh cận chiến bằng lựu đạn. Địch tháo chạy, bỏ lại 8 tử thi và 6 AK-47. Tuy nhiên ĐĐ3 đã trả một giá rất đắt, đó là 15 Cọp Biển bị thương và 6 hy sinh, trong đó có Trung Úy Nguyễn Ngọc Điệp ĐĐT/ĐĐ3.


Đầu tiên ĐĐ4 đi đầu của cánh B chạm địch, Đ/U Nguyễn Văn Hay (Hai Chùa) Tiểu Đoàn Phó kiêm ĐĐT/ĐĐ2 điều động ĐĐ2 lên tiếp ứng, nhưng bị hỏa lực của địch mạnh, nên không tiến lên được vì ở ngoài địa thế trống trải bất lợi. Sau khi được báo cáo tình hình của cánh B, Thiếu Tá Minh TĐT/TĐ2 điều động cánh quân ĐĐ3 của Trung Úy Điệp lên tiếp ứng bên trái của cánh B để giải tỏa áp lực địch. ĐĐ3 lại chạm địch. Trung Úy Điệp cho ĐĐ3 bám sát tại chỗ, đồng thời gọi Pháo Binh và Phi Tuần đến oanh kích yểm trợ. Vừa dứt đợt Phi Pháo, Điệp cho 2 Trung Đội đi đầu dàn quân hàng ngang tiến quân xung phong chiếm bìa làng An Quí với sự yểm trợ hỏa lực của Trung Đội Vũ Khí nặng.


Địch vẫn bám chặt các giao thông hào cũ ấp chiến lược để bắn chận ĐĐ3, chỉ còn cách bìa làng 50 mét. Trung Úy Điệp tiếp tục gọi Pháo Binh TQLC yểm trợ và tiến lên tuyến đầu để quan sát trận địa. Tuy ĐĐ3 đã thiệt hại một số, nhưng các binh sĩ vẫn can đảm “bám” sát trận địa, thật không may sau đó, khi Trung Úy Điệp điều động quân thì bị trúng 1 tràng đạn vào bụng, ngã bật xuống! Thiếu Tá Minh đứng gần đó, quyết định rất nhanh:


- Anh Lãm (Trung Úy Đinh Xuân Lãm, trưởng ban 3 Tiểu Đoàn) lên nắm quyền chỉ huy ĐĐ3, cố gắng quan sát địa thế và điều động quân thanh toán mục tiêu!”


Lúc này Thiếu Úy Thái Bông, sĩ quan phụ tá ban 3 thay Trung Úy Lãm làm Trưởng Ban 3 và ĐĐ Chỉ Huy đi theo BCH/TĐ2 do Trung Úy Trần Kim Đệ làm ĐĐT phụ trách việc tản thương.


Sau khi điều động Pháo Binh TQLC bắn chụp trên đầu địch, để uy hiếp tinh thần địch, trong lúc địch còn hoang mang vì đạn pháo nổ chụp, Trung Úy Lãm tức thì ra lệnh tất cả ĐĐ3 tiến lên xung phong bắn xối xả vào các ụ súng và giao thông hào địch, khí thế hùng hổ như đoàn TRÂU ĐIÊN hăng say, không có gì có thể cản nổi. ĐĐ3 đã phá vỡ phòng tuyến địch, tiêu diệt các vị trí súng cộng đồng địch, tiến sâu vào mục tiêu xóm làng và tiêu diệt các ổ kháng cự còn lại... Trung Úy Điệp được Trung Úy Y Sĩ Phạm Hữu Hảo (Y Sĩ Trưởng TĐ2) cấp cứu tại chỗ và ưu tiên được trực thăng đưa thẳng về Bịnh Viện Quân Y ở Qui Nhơn, nhưng vì vết thương trầm trọng, bị xuất huyết nội, nên mặc dù đã đưa đến được Quân Y Viện, nhưng vẫn không dành lại được trên tay tử thần!


Trung Uý Điệp và Trung Úy Lãm đều tốt nghiệp khóa 17 Võ Bị Đà Lạt. Một sĩ quan đã hy sinh vì Tổ Quốc lúc tuổi còn thanh xuân! Cố Đại Úy Nguyễn Ngọc Điệp đã ngã gục trên chiến trường An Quí, cùng với các chiến hữu Cọp Biển khác, nhưng đã làm nổi danh Tiểu Đoàn 2 TQLC Việt Nam. - Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên - khiến địch phải khiếp sợ khi nghe danh...

Biến cố này cũng nhắc cho Big John nhớ lại, khiến ông ta cũng bị “khựng” lại và không tranh luận tiếp với tôi nữa!?


ĐĐ4 gồm cánh B của chúng tôi trải qua một đêm dài khó chịu, nằm giữa bờ rạch của ruộng lúa nước, dưới ánh hỏa châu do đạn pháo binh bắn chiếu sáng suốt đêm, để chờ sáng sớm ngày N+1 được tái tiếp tế đạn dược.


Hừng Đông đã ló dạng, Minh, Big John và 2 Đại Đội thuộc cánh A di chuyển đến vị trí cánh B của chúng tôi. Hopkins liếc mắt quan sát địa thế của chúng tôi và nói:


- Xin lỗi! Anh nói đúng. Đây là một địa thế bất lợi để dàn quân tấn công!
Tiếp theo có 2 trực thăng võ trang đến làm việc. Tôi bảo họ quan sát rặng cây có địch, mà trong đêm lại rất yên tĩnh? Phi công quan sát cho biết là không thấy gì cả, chẳng có động tĩnh nào? Tôi yêu cầu trực thăng võ trang quan sát kỹ trong Ấp và sâu về hướng Tây. Phi công trưởng liền nói trong máy:


- Leatherneck two alpha (danh hiệu của Campbell), tất cả về phiá Bắc, tôi đã quan sát kỹ; chỉ có 1 người ở ngoài quảng trống với 1 khẩu đại liên phòng không giá sẵn trên bệ súng! Hình như nó bị xích vào súng! Nó bắn lên chúng tôi!


Tôi hỏi Minh và Phúc, họ đều xác nhận là không có quân bạn nào ở trong Ấp cả! Tôi cho phi công biết và hãy bắn nó đi!!


Khi trực thăng võ trang tác xạ xong, ĐĐ4 chúng tôi tiến quân vào mục tiêu, không chạm súng; địch đã tẩu thoát trong đêm, để lại 12 tử thi tại chỗ và 4 AK-47. Tôi tìm thấy tên địch với khẩu súng đại liên 12 ly 7. Súng đã hết đạn và tên này bị xích cột khóa quanh thắt lưng, một đầu sợi xích buộc dính vào giá súng. Nó chọn vị trí trống trải này để dễ bắn lên trực thăng và tử thủ tại chỗ cho đến khi bắn hết đạn và bị bắn chết.


Tôi tần ngần đứng thật lâu nhìn vào thắt lưng của nó, tử thi nát bấy; Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao một con người có thể hành động như thế!
Như Bố tôi (trong cuộc chiến tranh Đệ Nhị Thế Chiến); tôi không hiểu nổi kẻ địch của tôi! (Trong cuốc chiến tranh Vietnam này)


Tổng kết trận đánh An Quí về thiệt hại nhân mạng TĐ2/TQLC ta có 25 bị thương, 10 tử thương, trong đó có Trung Úy Nguyễn Ngọc Điệp ĐĐT/ĐĐ3. Vũ khí bảo toàn.

Về phía địch, có 20 tên bỏ xác tại chỗ, ta tịch thu 1 Đại Liên Phòng Không 12 ly 7, 10 súng cá nhân và một số quân dụng khác...


Sáng ngày 23-2-1966, “Ông Già Đầu Bạc” (Trung Tá Nguyễn Thành Yên, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn A TQLC) và “Sài-Gòn” (Thiếu Tá Tôn Thất Soạn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 TQLC) lái xe Jeep từ BCH/CĐ-A đóng tại đồi 10, đến thăm BCH/TĐ2/TQLC đóng tại xóm làng phía Nam Tam Quan khoảng 5 cây số. Thiếu Tá Lê Hằng Minh TĐT/TĐ2/TQLC sôi nổi thuyết trình cho Trung Tá Chiến Đoàn Trưởng về diễn tiến trận đánh An Quí của TĐ2, tinh thần chiến đấu hăng say, quả cảm của các Cọp Biển, mặc dù địch có lợi thế về vị trí phòng thủ, chúng lợi dụng giao thông hào và hàng rào kẻm gai bao bọc của hệ thống Ấp Chiến Lược cũ, nhưng chúng đành phải rút lui trước sự xung phong ồ ạt của anh em TĐ2, anh em đã HÚC NHƯ “TRÂU ĐIÊN”!


Với dư âm của trận đánh kiêu hùng, Th/Tá Minh nói với Tr/Tá Yên:


- Kỳ này tôi sẽ đề nghị về BTL/TQLC cho đặt danh hiệu của TĐ2 là Tiểu Đoàn “TRÂU ĐIÊN”.


Đoạn Th/Tá Minh nhìn qua Th/Tá John Hopkins và Đ/U Campbell như để muốn biểu đồng tình ủng hộ sáng kiến của mình. Th/Tá Minh nói tiếp:
- “Crazy Buffalo” Battalion!


Sài-Gòn thấy Đ/U Campbell mĩm cười tỏ vẻ hân hoan. Tiếp theo, Th/Tá Minh bảo Chuẩn Úy Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban 5, hãy vẽ 1 mẫu phù hiệu “TRÂU ĐIÊN” cho TĐ2 để sớm gởi về BTL/TQLC ở Sài Gòn xin hợp thức hoá và chấp thuận.


Sau đó Th/Tá Minh đã chỉ thị cho Trung Úy Nguyễn Văn Diển, chỉ huy hậu cứ TĐ2 ở Thủ Đức, đặt mẫu thêu phù hiệu “TRÂU ĐIÊN” ở tiệm An Thành, xong đem ra cho đơn vị ở hành quân...


Kể từ đó, các đơn vị khác trong Binh Chủng TQLCVN cũng noi gương Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên để đặt danh hiệu cho đơn vị mình, sau khi được BTL/TQLCVN chấp thuận, như Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu, Tiểu Đoàn 3 Sói Biển ...


Có nhiều giai thoại nhầm lẫn về danh xưng “TRÂU ĐIÊN” trong thời gian qua của TĐ2/TQLCVN:

1) Trong kỳ họp mặt TQLCVN ở Nam Cali, năm 2000. NT Hoàng A Sam, cựu TĐT/TĐ2/TQLCVN tháng 6 năm 1956, thời gian này TĐ2 đang được thành lập ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Đa số quân nhân ĐĐ3 của Trung Úy Trần Văn Châu thuộc thành phần “Commando” gốc “Miên”, tuy can đảm ở chiến trường, có sức khỏe chịu đựng bền bỉ, nhưng lúc về thành phố nhậu nhẹt say sưa, ba gai quậy phá không ít... NT Hoàng A Sam có kể với Chiến Hữu Tô Văn Cấp rằng:


- Sáng sớm hôm sau TĐ2 tập hợp chào cờ buổi sáng ở sân cờ, Tôi (NT H.A. Sam) có xài xể các anh em “Các cậu quậy phá như bầy TRÂU ĐIÊN” (Thời gian này Sài-Gòn là TĐP/TĐ2/TQLCVN). Có thể từ câu chuyện này, mà sau đó anh em trong TĐ2 thường dùng danh từ “TRÂU ĐIÊN” để chọc ghẹo nhau mỗi khi có ai có hành động không bình thường. Nhưng đây chỉ là lời nói lúc vui đùa thôi, chứ chưa phải là danh xưng chính thức được công nhận của một đơn vị.”


2) Một số anh em trong Binh Chủng TQLCVN họ không hiểu rõ xuất xứ của danh xưng “TRÂU ĐIÊN” cho TĐ2. Họ chỉ biết rằng trong thời gian trước, TĐ2/TQLCVN có trận đánh Phụng Du đêm rạng ngày 8 tháng 4 năm 1965 tại Tam Quan, Bồng Sơn là chiến thắng lừng lẫy, chắc vì thế mà có danh xưng “TRÂU ĐIÊN” cho TĐ2!?

3) Trong "Ký sự tháng 3 Tây Nguyên" của tác giả Nguyễn Khai được đăng tải trong cuốn "Tạp chí Quân Đội" của công sản xâm lược. Trong bài viết này, tác giả đã nhắc đến cuộc đối thoại giữa Thượng Tướng việt cộng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến dịch Tây Nguyên và Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân, Quân Đoàn 2 sau khi bị bắt như sau:

- Làm thế nào để quân giải phóng sớm đánh bại được Quân Đội Sài Gòn?


- Nếu các ông muốn sớm đánh bại được Quân Đội Sài Gòn, thì các ông phải tiêu diệt cho được Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến!


- Có phải là Sư Đoàn Lính Thủy Đánh Bộ ngụy "TRÂU ĐIÊN" đó không?


Thiếu Tá Lê Hằng Minh và Chuẩn Úy Nguyễn Văn Cầu đã tử trận trong cuộc bị địch phục kích ở Phò Trạch, Quảng Trị ngày 29-6-1966 sau đó.

Danh hiệu “TRÂU ĐIÊN” của TĐ2/TQLC được nảy sinh từ trận An Quí, Bồng Sơn, Tỉnh Bình Định ngày 21-2-1966 và được chính thức hoá. Danh hiệu “TRÂU ĐIÊN” của TĐ2/TQLCVN là biểu tượng của “SỰ DŨNG MÃNH, và CẢM TỬ, HY SINH” của các chiến sĩ TĐ2 trong cuộc chiến đấu chống cộng sản miền Bắc xâm lược miền Nam; để bảo vệ LÝ TƯỞNG QUỐC GIA là TỰ DO, HẠNH PHÚC và KHÔNG CỘNG SẢN...

MX Sài-Gòn
Iowa, 2005

Theo http://tqlcvn.org/chiensu/cs-td2-trananqui-1966.htm


Phụ chú:
(1) Bill Leftwich:
Năm 1965, Thiếu Tá USMC Bill Leftwich là Cố Vấn Trưởng Chiến Đoàn A/TQLCVN cho Trung Tá Nguyễn Thành Yên. Trong trận giải tỏa áp lực địch ở Quận Hoài Ân, Tỉnh Bình Định của CĐ-A/TQLCVN, gồm TĐ1/TQLC của Thiếu Tá Tôn Thất Soạn và TĐ4/TQLC do Thiếu Tá Đỗ Đình Vượng làm TĐT. Th/Tá Bill Leftwich đã bị thương ở một bên gò má. Được tản thương đem về điều trị ở SàiGòn. Sau khi bình phục, Bill trở lại tiếp tục phục vụ với CĐ-A/TQLCVN.
Bill là một trong những sĩ quan có khả năng và tài giỏi nhất mà tôi đã từng biết. Tuy còn đang ở cấp bậc Sĩ Quan Trung Cấp, nhưng ông ta thường nói chuyện về chức vụ Tư Lệnh TQLC/HK.
Bill bị tử thương ở chiến trường Việt-Nam vào tháng 11 năm 1970, khi đang đảm nhiệm chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1 Trinh Sát TQLCHK. Bill luôn luôn ở tuyến đầu! Bill bị tử nạn trực thăng khi đang bốc toán trinh sát ra khỏi bải bốc nóng bỏng vì đạn địch, ở vùng núi Quế Sơn phía Nam thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn