BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

"Nhà Nước buông tay khỏi cái gì là cái đó khá lên thôi"

30 Tháng Giêng 200812:00 SA(Xem: 769)
"Nhà Nước buông tay khỏi cái gì là cái đó khá lên thôi"
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
“Nhà Nước buông tay khỏi cái gì là cái đó khá lên thôi”. Đó là câu nói của một trong những người bạn tôi, dịch giả PVP, trong một lần ngồi quanh bàn nhậu và như thường lệ, câu chuyện muôn thuở giữa tất cả bạn bè tôi bao giờ cũng xoay quanh thực trạng chính trị-xã hội-văn hóa văn nghệ ở Việt Nam.

Này nhé. Trước hết là chuyện Nông Nghiệp. Suốt cả một thời gian dài Nhà Nước hô hào cưỡng ép nông dân tham gia hợp tác xã với các kế hoạch 5 năm rồi 10 năm nghe rất là lý tưởng nhưng trên thực tế thì mô hình hợp tác xã thất bại, mùa màng làm ăn thất bát, cả nước lâm vào tình trạng đói hoàn toàn theo nghĩa đen. Chỉ cần Nhà Nước buông tay ra để cho người nông dân tự cày cấy tự chịu trách nhiệm trên mảnh đất của chính mình là lập tức chỉ hai ba vụ mùa sau, Việt Nam không những có đủ lúa gạo cho người dân trong nước mà còn có dư để xuất khẩu gạo ra nước ngoài và tình trạng đó tiếp tục cho đến bây giờ. Kinh tế cũng vậy. Cả một thời gian dài nền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn là một nền kinh tế quốc doanh, và tình trạng cũng như hậu quả của nó như thế nào đối với sự phát triển của đất nước cũng như đời sống người dân thì có lẽ không cần phải nhắc lại nữa. Chỉ cần Nhà Nước “mở cửa” về kinh tế, cho phép tư nhân làm ăn, các công ty tư nhân liền đua nhau ra đời, tham gia vào hầu hết mọi lĩnh vực từ dịch vụ-thương mại cho đến sản xuất, lập tức kinh tế Việt Nam khởi sắc, đều đặn tăng trưởng với tốc độ thuộc hàng cao trên thế giới, còn bản thân người dân-người tiêu dùng thì thực sự được lợi từ sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh-sản xuất, đúng nghĩa “khách hàng là Thượng Đế” chứ không phải như trước đây cả một thời kỳ dài khách hàng đi mua hàng mà như đi xin, còn người bán thì mặt lạnh như tiền, quát vào mặt người mua…

Văn hóa văn nghệ cũng vậy. Mảng nào Nhà Nước buông tay cho phép “xã hội hóa” là mảng đó ăn nên làm ra. Lĩnh vực xuất bản chẳng hạn. Khi tư nhân được phép tham gia làm sách, cạnh tranh nhau, lập tức sách in ấn ngày càng đẹp hơn, phong phú, đủ loại. Thời kỳ đầu, tất nhiên, để thăm dò và thu hồi vốn nhanh, an toàn, tư nhân họ chỉ dám đầu tư nhiều vào sách học ngoại ngữ, các loại sách vô thưởng vô phạt như dạy cắm hoa, kinh dịch, bói toán, truyện kiếm hiệp Kim Dung và các sách văn học loại dễ đọc…nhưng dần dà đến bây giờ thì những tác giả khó đọc hơn như Cao Hành Kiện, J.M. Coetzee, Haruki Murakami, Orhan Pamuk, Jonathan Littell… và các loại sách tư tưởng triết học của các triết gia từ Đông đến Tây cũng đều được xuất bản và có lượng người đọc của nó. Rồi sân khấu ở Sài Gòn nhờ có xã hội hóa mà sáng đèn quanh năm, phim truyền hình nhà nhà nhảy vào sản xuất góp phần đưa tỷ lệ phim Việt phát sóng nhiều hơn trên các đài truyền hình và đem lại sự phong phú về đề tài, thể loại…

Còn đối với những lĩnh vực vẫn bị cấm tuyệt không cho tư nhân tham gia, lấy ví dụ như báo chí chẳng hạn, thì rõ ràng thời gian vừa qua báo chí chính thống đã chứng tỏ sự hạn chế do bị kiểm duyệt của họ trong việc đưa tin so với báo mạng và hệ thống blog-báo chí phi chính thống như thế nào. Tôi biết cho đến bây giờ, nhiều người trong đó có cả tôi vẫn giữ thói quen mua báo giấy, nhưng bên cạnh đó vẫn lướt mạng, tìm thêm thông tin ở báo mạng bên ngoài và ở một số trang blog. Và có thể nói không ngoa rằng đến thời buổi này mà người nào không sử dụng internet, không đọc thêm báo mạng bên ngoài thì rõ ràng nhận thức khác với người có đọc nhiều lắm.

“Nhà Nước buông tay khỏi cái gì là cái đó khá lên thôi”. So với thời bao cấp, Nhà Nước Việt Nam đã dám buông tay khỏi nhiều lĩnh vực, chỉ trừ…chính trị. Và mới đây thôi, một trong những người lãnh đạo ở cấp cao nhất của Việt Nam còn tuyên bố “ bỏ điều 4 trong Hiến pháp” là tự sát.( Điều 4 trong Hiến pháp công nhận quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam). Và một trong những lý lẽ được chính quyền đưa ra luôn luôn là dân trí nước mình còn thấp, đa đảng là loạn, bầu cử tự do là…lộn xộn! Không lẽ dân trí nước mình và vài ba nước độc đảng còn lại trên thế giới lại thấp hơn dân trí những nước khác? Không lẽ chỉ có kinh tế mới cần có sự cạnh tranh để phát triển còn chính trị thì không? Hay chỉ trong lĩnh vực kinh tế, người dân sau bao nhiêu năm dài bây giờ mới được làm “Thượng đế” đối với các nhà sản xuất, còn trong đời sống xã hội-chính trị, không biết đến bao giờ người dân Việt Nam mới được hưởng những quyền tự do, dân chủ thực sự như nhân dân các nước khác mà không phải nghe cái luận điệu quen thụôc rằng “ khái niệm dân chủ, nhân quyền ở VN phải hiểu khác với các nước khác", chẳng hạn!

Song Chi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn