BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31167)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phát Triển Dân Trí

20 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 1029)
Phát Triển Dân Trí
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Có những “sự thật mất lòng” nhưng với quan niệm “thuốc đắng dã tật” người viết quyết không ngần ngại nêu ra những suy nghĩ cùng những trăn trở của mình qua đề tài Phát Triển Dân Trí đầy thách thức và nhạy cảm này.

Như chúng ta biết, du lịch nước ngoài là chuyện bình thường đối với người dân của đại đa số các nước dân chủ, tự do tiên tiến trên thế giới từ nhiều thế thế kỷ nay, nó bình thường như việc hàng năm cùng gia đình tổ chức ăn uống chung vui với nhau hay cùng gia đình về quê thăm nội ngoại hai bên, cùng đồng nghiệp đi dã ngoại những vùng thắng cảnh như sông hồ, rừng núi, những công trình văn hóa như đình chùa miếu muội hoặc giả cùng bạn bè rủ nhau đi nghỉ mát, tắm biển cuối tuần vào mùa hè v.v. Ở VN mình cũng vậy, đối với đa số những người có đời sống ổn định, sung túc ở những thành phố lớn thì đó là chuyện bình thường, tuy nhiên du lịch nước ngoài trước đây vẫn là một việc hiếm.

Những năm gần đây chuyện du lịch nước ngoài nhất là những nước trong vùng Đông Nam Á cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông v.v của một số người Việt Nam có điều kiện tài chánh, có địa vị trong xã hội đã là chuyện bình thường. Nó không còn “chỉ là mơ ước” như những thập niên trước đây, cái thời chưa mở cửa, có điều kiện tài chánh chưa hẳn đã đi được. Ở thời điểm này, ngoài những người có điều kiện như tự túc được tài chánh do làm ăn buôn bán khá giả, hoặc giả có thân nhân ở nước ngoài hoặc là thân nhân của những người có quyền thế trong guồng máy chính quyền, những người mà ngoài của ăn của để ra họ còn có của thừa, có thể vô tư chu cấp du phí cho những dịch vụ du lịch theo kiểu ân huệ này. Phần còn lại đa số là những viên chức nhà nước từ cấp Xếp hay vây cánh của Xếp trở lên, những người ngoài bổn phận đóng góp “tài sức” của mình cho xã hội, lẽ dĩ nhiên phần quyền lợi họ cũng phải được hưởng để cùng được nở mày nở mặt như chị như em mà rút được tên mình ra khỏi danh sách những người VN “không đi được một ngày nước ngoài thì biết bao giờ mới lòi được cái khôn lớn”. Thông thường những người thuộc dạng này hoặc là cán bộ đi thăm quan, đi tu nghiệp, đi học tập hoặc được cho đi du lịch bồi dưỡng v.v.

Tóm lại, nói gì thì nói, đã qua rồi cái thời, đường đi khó không chỉ khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì có những người cứ muốn đắp thêm núi, cứ muốn đào thêm sông.

Như được biết, ngoài những nước có nền văn hóa lâu đời gần với VN như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân v.v. người Việt Nam chúng ta còn có một điểm du lịch lạ lẫm và hấp dẫn đó là Singapore. Singapore là một nước nhỏ chỉ mới được hình thành chưa đầy thế kỷ nay và được tuyên bố độc lập sau giữa thế kỷ trước, đó là đảo quốc chỉ gồm 1 đảo chính và 30 đảo nhỏ với diện tích vỏn vẹn gần 700km2. Tuy là một nước nhỏ, danh lam thắng cảnh thiên nhiên hầu như không có và ngay cả nước uống cũng phải mua từ nước láng giềng Mã Lai. Với những công trình kiến trúc chỉ do tay người tạo dựng như Quảng Trường và Cung Điện Ramipho, đền Xri Mariamman, vườn hoa Tige Babon, Ochit, các viện bảo tàng cùng với những trung tâm thương mại nổi tiếng. Tuy nhiên những ai đã từng du lịch Sigapore cũng đều có chung nhận xét:

- Singapore là một nước rất sạch sẽ
- Singapore là một nước giàu đẹp và văn minh.
- Người Singapore có tính tự giác cao trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt xã hội ở mọi lĩnh vực,
- Người Singapore biết tôn trọng luật pháp, có tinh thần kỷ luật cao.

Nói tóm lại Singapore tuy là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về diện tích nhưng là một nước lớn về trình độ dân trí. Chỉ việc xoay quanh vấn đề trật tự công cộng, vệ sinh, môi trường ở nước này cũng đã là một đề tài lớn đối với một vài nước chậm tiến trong khu vực, trong đó có VN. Ví dụ như ở Singapore nếu người nào vứt rác không đúng nơi qui định thì sẽ bị phạt, những người có trách nhiệm đến ghi phạt và người có lỗi phải nộp phạt, bằng chưa có điều kiện nộp phạt ngay thì sẽ bị trừ tiền trong tài khoản với số tiền tương ứng phải nộp phạt bởi hành vi phạm pháp “xả rác” của mình. Đây là một trong những hình thức duy trì ý thức trách nhiệm cá nhân công dân đối với cộng đồng xã hội của chính quyền Singapore.

Ai là người VN đã từng du lịch Singapore vài lần, nếu chịu khó để ý sẽ thấy có một lối hành xử không mấy đẹp chỉ để dành riêng cho khách du lịch VN mình của nước này. Lối hành xử không mấy đẹp ấy qua hiện tượng như là một thái độ xúc phạm, nhưng suy cho cùng, đây không phải là một biểu thị nhục mạ mà là hình thức nhắn nhủ tinh tế chẳng đặng đừng của họ đối với du khách VN, những người vừa hội nhập văn hóa kinh tế thị trường vừa chưa thoát được cái di sản văn hóa chính trị độc tài chủ nghĩa xã hội. Thế nên, hãy dẹp qua cái tự ái dân tộc hẹp hòi, dẹp qua cái sĩ diện hão theo kiểu “mỳ ăn liền” nhìn vào sự thật mà tự thay đổi để tiến bộ.

Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ thông dụng ở Singapore là tiếng Anh, ngoài những ngôn ngữ chính khác như tiếng Hoa, tiếng Tamil và tiếng Mã Lai, nhưng có một vài điểm du lịch khi vào nhà vệ sinh du khách VN sẽ bị đập vào mắt bởi hàng chữ treo trên tường viết bằng tiếng Việt “Nếu hút thuốc sẽ bị phạt”. Cũng vậy, nhất là những nhà hàng lớn, nơi tổ chức ăn uống theo lối tự chọn và là nơi có đông khách du lịch Việt Nam thì đều có ghi hàng chữ tiếng Việt treo trên tường ngay quày tự chọn thức ăn là “Nếu lấy dư đồ ăn sẽ bị phạt”.

Đọc những hàng chữ chỉ bằng tiếng Việt duy nhất treo trên tường ở xứ sở giao tiếp bằng tiếng Anh này người VN mình sẽ nghĩ như thế nào và tự đặt câu hỏi là tại sao chỉ ghi mỗi tiếng Việt mà không ghi bằng tiếng Anh hoặc những tiếng nước ngoài khác để những khách du lịch nước ngoài khác cũng cùng được biết? Câu trả lời chắc chúng ta ai cũng tự biết.

Với niềm tự hào là một nước XHCN với những người công dân mới CNXH, có một nền văn hóa lâu đời, một dân tộc anh hùng có tinh thần bất khuất trước giặc ngoại xâm và là một dân tộc cần cù, thông minh và trọng nhân nghĩa như nhà nước CHXHCN Việt Nam “chúng ta” trước đây vẫn thường vỗ ngực tự khen, thế mà tại sao đất nước Singapore nhỏ bé kia lại xúc phạm khách du lịch VN ta đến là như vậy ?

Sự thật “nho nhỏ” đau lòng trên buộc chúng ta phải suy nghĩ về mình “tiên trách kỷ hậu trách nhân” để biết mà tự sửa. “Lời khuyên trước một sự kiện xấu sẽ là rượu bằng sau sự kiện ấy thì sẽ là dấm” và chúng ta cũng không được phép quên rằng, dân như thế nào sẽ đẻ ra chính quyền như thế ấy. Trên tinh thần này người viết xin đưa ra một vài ý kiến và cũng mong mọi góp ý của bạn đọc.

Trong quá trình tham gia hội nhập với thế giới cùng tiến trình dân chủ hóa đất nước, phát triển dân trí cũng là việc làm cấp thiết và phải được quan tâm đúng mức. Phát triển dân trí không có nghĩa là người dân chỉ học hỏi thâu nhận những kiến thức mới của nếp sống văn minh hội nhập, phù hợp với hơi thở thời đại mà còn phải biết loại bỏ những hủ tục, những thói quen không cần thiết cũng như những mặt yếu kém trong sinh hoạt hàng ngày. Những hủ tục, những thói quen không cần thiết và những mặt yếu kém này chẳng những không phù hợp với cuộc sống văn minh mà còn cản trở bước tiến của dân tộc.

Phát triển dân trí cũng không có nghĩa là phủ nhận sạch sành sanh những giá trị đạo đức truyền thống mà cha ông ta đã bao đời “gạn đục khơi trong” dày công vun đắp và gìn giữ. Trong sinh hoạt dân gian từ bao đời của người VN chúng ta là “tiên học lễ hậu học văn” trẻ con lễ phép với người lớn, con cái hiếu để với cha mẹ, vợ chồng sống có tình nghĩa với nhau, bà con chòm xóm thương yêu, đùm bọc, chia ngọt xẻ bùi, lá lành đùm lá rách v.v. về phần chính quyền cũng vậy ngoài những “tiêu chỉ” cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, còn phải luôn tâm niệm sống thành thật và lương thiện với nhân dân là điều cần phải soi gương hàng ngày. Những giá trị đạo đức truyền thống nêu trên cần phải được bảo tồn và phát huy.

Đứng trước vấn đề trông thì đơn giản nhưng thực tế là không dễ và lẽ dĩ nhiên không thể một sớm một chiều mà thực hiện được. Thiết nghĩ ý kiến đóng góp của người viết cũng chỉ mong làm được một viên gạch lót đường cho lộ trình chấn hưng cũng như quá trình dân chủ hóa đất nước,

Có những nguyên nhân do chủ quan lịch sử, do quá trình chống lại mọi hiểm họa diệt vong bởi thiên tai, địch họa để rồi tổ tiên ta chỉ mãi quẩn quanh với lẽ sinh tồn cùng với hàng ngàn năm bị ảnh hưởng bởi văn hóa phong kiến phương bắc, với ý thức hệ Khổng giáo qua những khuôn mẫu phong kiến lỗi thời đã trói buộc bước tiến của dân tộc, làm cho đất nước hàng ngàn năm dẫm chân tại chỗ để rồi sau đó được thay thế bởi ý thức hệ cộng sản, tệ hại hơn và tàn bạo hơn.

Bản chất cướp chính quyền vốn đã không lương thiện, chế độ Cộng Sản VN còn đẻ ra vô số hành xử không lương thiện khác như: Độc quyền lẽ phải, độc quyền chân lý, độc quyền yêu nước, độc quyền lãnh đạo v.v. Trong quá khứ nó chỉ biết nuôi dưỡng lòng hận thù, tôn thờ bạo lực qua hình thức chuyên chính vô sản và đeo đuổi một chủ nghĩa không tưởng, nó bức tử mọi tình cảm chân thật, mọi lẽ phải và truyền thống đạo lý của con người để rồi bây giờ buộc phải thay đổi tư duy sau khi đưa đẩy đất nước rơi vào cảnh tang thương, đói nghèo và tụt hậu. Trầm trọng hơn là nó còn làm rơi rớt lại trong mỗi con người VN cái di sản văn hóa đớn hèn thời bao cấp, cái lao động dựa dẫm láu cá kiểu quốc doanh chẳng những đã lây lan tới toàn xã hội mà còn kéo lùi sự phát triển của cả một cộng đồng dân tộc, làm ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của con người và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Có lẽ vì còn phải lo giải quyết những vấn đề sinh tử mà chính thể độc tài nào cũng vướng phải như bảo vệ độc quyền lãnh đạo của mình, chia chác quyền lợi và quyền lực, chống đỡ do phe nhóm đấu đá nhau v.v. nên người viết có cảm giác như thiểu số nhóm cầm quyền độc tài VN hiện tại đã không mấy quan tâm, thậm chí không muốn quan tâm đến chuyện đường dài về phát triển dân trí.

Để có thể thay đổi hoặc làm giảm đi mặt yếu này của đất nước phần nhiều là phụ thuộc vào lối giáo dục của gia đình, của học đường, cách hướng dẫn quần chúng qua các phương tiện truyền thông cũng như sự nghiêm minh của pháp luật trong đó giáo dục học đường và hướng dẫn quần chúng qua phương tiện truyền thông là then chốt. Còn một yếu tố tối quan trọng khác là trình độ dân trí có thể được phát triển chỉ khi nào người dân được tự do thu nhận kiến thức và thông tin từ nhiều chiều mà không bị nhà cầm quyền bưng bít và cấm đoán. Nhưng hỡi ơi! ở thời điểm hiện tại, cái thời điểm mà nhà nước cứ luôn kêu gọi toàn dân Việt Nam tham gia hội nhập, xây dựng nếp sống văn minh cũng là lúc người cầm đầu chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh siết chặt sự kiểm soát đối với báo chí và khẳng định Việt Nam sẽ không bao giờ tư nhân hóa các cơ quan truyền thông. Ngoài ra ông còn yêu cầu các cơ quan chính phủ tăng cường nỗ lực nhằm kiểm tra hoạt động của nhật báo, tạp chí, đài truyền hình và địa điểm internet và trừng phạt những người mà ông cho là phạm pháp chỉ vì muốn thể hiện quyền tự do ngôn luận văn minh của mình. Song song với lệnh siết chặt sự kiểm soát cua người cầm đầu chính phủ là chỉ thị của bộ chính trị do Trương Tấn Sang ủy viên Thường trực BCT ký, kêu gọi các đảng viên tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới được phổ biến trong nội bộ đảng CSVN với dấu đóng là “Tối Mật”. Nội dung của chỉ thị đã được phổ biến như sau:

Tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý báo chí, xuất bản, bảo đảm an ninh thông tin. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí, xuất bản, nhất là các tổng biên tập và giám đốc ; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và các phần tử xấu. Cơ quan và các đơn vị dịch vụ bưu chính – viễn thông có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm soát các dịch vụ bưu chính – viễn thông, ngăn chặn hoạt động chống đối Đảng và Nhà nước, khắc phục kịp thời những sơ hở trong quản lý dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, ai muốn gì thì muốn, là những người công dân có trách nhiệm với đất nước, với tiền đồ của dân tộc chúng ta đều thấy được rằng, chuyện đường dài của dân tộc VN là do chính nhân dân VN quyết định, còn cái đảng cầm quyền nhân danh nhà nước kia nó cũng chỉ là giai đoạn mà thôi.

SôngLô
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn