BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Cổ Hai Tròng

20 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 1210)
Một Cổ Hai Tròng
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
Một trong những nội dung quan trọng đang được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa X khai mạc tại Hà Nội hôm 15-1-2007 là bàn thảo việc cải cách guồng máy tổ chức của Đảng.



Tổng Bí Thư đảng CSVN Nông Đức Mạnh đã khai mạc hội nghị với phần mở đầu bài diễn văn như sau:

Tại hội nghị này, chúng ta sẽ thảo luận và quyết định một số vấn đề về sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức các ban đảng và các cơ quan nhà nước.

Nghị quyết Đại hội X đã đề ra yêu cầu sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy của Đảng, đặc biệt là các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng ủy khối ở Trung ương và các địa phương gắn với kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân không rõ. Đây là một vấn đề có tính khoa học về tổ chức, nhằm tạo ra cơ chế vận hành thông suốt trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hết sức hệ trọng, nhạy cảm, cần được nghiên cứu, thảo luận để đi đến các quyết định đúng đắn.

Trong bài diễn văn ông còn khẳng định thêm,

Với những nội dung nêu trên, Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X, thực hiện sự lãnh đạo đối với những nhiệm vụ quan trọng trước mắt, bảo đảm yêu cầu và phương hướng lãnh đạo của Đảng cho cả nhiệm kỳ Đại hội X và những năm tiếp theo“.

Trước sự kiện nổi cộm này, hai phóng viên Bá Kiên & Hữu Khôi của báo Tiền Phong ở trong nước đã được cựu Tổng Bí Thư đảng CSVN Lê Khả Phiêu dành cho một cuộc phỏng vấn.
Điều đặc biệt là những vấn đề lâu nay đảng nghĩ cứ vậy mà ngậm miệng ăn tiền, nhân dân thấp cổ bé miệng không ai để ý đâu và cũng không biết đâu ra đâu mà để ý v.v.. thậm chí còn xem đó như là quyền đương nhiên của đảng. Bàn tay không thể nào che nổi ánh sáng của mặt trời, mặt thật của chế độ đảng trị này bỗng nhiên đã bị chính ông Lê Khả Phiêu vô tình phơi bày từng chi tiết qua cái nhìn chủ quan của một người mang não trạng độc quyền.

Thế là ông đã thẳng thắn nói hết, không e dè tránh né, cũng không tế nhị cân nhắc thiệt hơn vị trí của đảng trong tiến trình hội nhập nền kinh tế thị trường toàn cầu của nhà nước CHXHCNVN. Nghĩ rằng, nếu đứng ở vị trí của Thủ Tướng chính phủ hay Chủ Tịch nước trong quá trình hội nhập như hiện nay, người viết tin chắc họ sẽ không đủ can đảm nói “toạc móng heo” cái chức năng “thô lổ” của đảng đối với nhà nước ra như vậy.

Trước tiên, cũng như ông Nông Đức Mạnh, ông Lê Khả Phiêu cho biết “việc sắp xếp lại các cơ quan của đảng hiện nay là để tránh “giẫm chân” lên nhau như là một thực tế và là một yêu cầu cấp bách. Ông tiết lộ, vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm qua, trước thời kỳ đổi mới 1986. Bộ máy của Đảng cũng đã được sắp xếp lại, từ Đại hội VII đến Đại hội X, nhiệm kỳ nào Đảng cũng bàn vấn đề này. Riêng Hội nghị Trung ương 7 khóa VIII, Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN cũng đã bàn và có nghị quyết, nhưng sau đó, mới chỉ có các địa phương thực hiện, còn ở Trung Ương, về cơ bản các cơ quan của Đảng vẫn chưa có gì thay đổi”. Sau đó ông đã đưa ra ý kiến là, “lần này, Trung Ương họp bàn về sắp xếp tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước cũng là một vấn đề đang được nhân dân, cán bộ, đảng viên quan tâm theo dõi. Họ mong muốn lần này phải làm triệt để, làm đến nơi, đến chốn. Đó là nguyện vọng chính đáng!

Ông đã khẳng định rằng “tình hình đã rõ, lúc này cũng là thời điểm phù hợp, chín muồi, chúng ta phải quyết tâm làm cho bằng được để bộ máy của Đảng, Nhà nước tinh gọn, thực sự có hiệu lực, làm tròn trọng trách mà nhân dân giao phó. Khi có nghị quyết rồi phải bắt tay thực hiện cho bằng được, lấy mốc năm 2007 là bước khởi đầu tốt đẹp về xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước, tạo đà mạnh mẽ cho những năm sau“.

Đã từ lâu, hơn ai hết đảng cầm quyền CSVN nhận thấy những hạn chế trong guồng máy tổ chức của mình mà những tiết lộ sau đây của ông Lê Khả Phiêu đã là chứng minh cụ thể:
chức năng, bộ máy chồng chéo, trùng lắp, tình trạng tập trung quá mức ở Trung ương, lại có sự phân tán cục bộ của các cấp, các ngành, phân tán quyền lực ở nhiều hệ thống, làm cho guồng máy vận hành kém hiệu lực. Kỷ luật, kỷ cương không nghiêm để quan liêu, tham nhũng phát triển không ngăn chặn được. Cơ cấu tổ chức thì cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, gây cản trở lẫn nhau. Biên chế không ngừng tăng lên, từ năm 1992 đến cuối năm 1998, biên chế của khối Đảng và đoàn thể tăng 2,8 lần, khối quản lý nhà nước tăng 6,1 lần, khối sự nghiệp tăng 4,6 lần…Tình hình đó làm cho bộ máy ít năng động, quan liêu… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân một phần do sự lúng túng trong việc bố trí cán bộ. Trong đó, có những cán bộ không đủ tầm, thậm chí có trường hợp bị kỷ luật lại đưa về bổ sung cho các Ban Đảng

Để rồi ông đưa ra một số yêu cầu:

Số cán bộ ở các Ban giải thể hoặc Ban sáp nhập thì nên lựa chọn những đồng chí có phẩm chất, năng lực, kiến thức giỏi để bố trí giữ các chức vụ chủ chốt để nâng tầm sao cho phù hợp với yêu cầu là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng. Làm như vậy sẽ khắc phục được tình trạng có người ở cơ quan tham mưu cho Đảng nhưng lại không có chuyên môn sâu. Hơn nữa, chúng ta còn có những đảng viên được cử vào công tác tại các cơ quan Nhà nước. Những đồng chí này, bên cạnh nhiệm vụ của mình được giao bên chính quyền, còn phải phản ánh với Đảng về chiến lược trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Cho nên chúng ta có thể rút bớt những tổ chức không thật sự cần thiết. Không phải chính quyền có gì thì Đảng cũng phải có ngần ấy tổ chức“.

Với câu hỏi, Đảng lãnh đạo đất nước toàn diện, vậy mà cơ quan tham mưu cho Đảng lại “chất lượng không cao”. Có phải vì công tác tuyển chọn cán bộ vào những cơ quan này lâu nay chưa được chú trọng? Ông Lê Khả Phiêu đã không ngần ngại trả lời:

Đúng là lâu nay chưa làm tốt việc này lại chưa có quy chế cụ thể để tuyển chọn cán bộ về các cơ quan Đảng nên trong công tác tuyển chọn và bố trí cán bộ còn dễ dãi. Có những đồng chí mắc khuyết điểm hoặc khó sắp xếp ở địa phương lại được điều về làm phó các ban, nên có ban có lúc lên đến 6, 7 đồng chí phó… Rồi cũng chưa có chính sách về tiền lương để tuyển chọn được đội ngũ cán bộ, chuyên viên giỏi. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục.

Với hàng ngàn nhân viên đảng, với trụ sở khang trang đồ sộ cùng những phương tiện di chuyển thuộc hạng “xịn”, các trang thiết bị văn phòng hiện đại, cùng vô số chí phí cho nhiều hạng mục khác cần phải chi tiêu cho guồng máy giám sát, chỉ đạo “chính thống” này, thêm vào đó còn có cả những chi phí đặc biệt vô ích khác cho những đảng viên mắc khuyết điểm “tham nhũng” hoặc khó sắp xếp ở địa phương “tranh dành quyền lực, đấu đá lẫn nhau” đã được điều về làm phó các ban bệ trong 11 ban ở trung ương, “nên có ban có lúc lên đến 6, 7 đồng chí phó” v.v.. như ông Lê Khả Phiêu đã vô tình tiết lộ.

Bên cạnh đó chúng ta thử làm một bài toán về con số nhân sự với đầy đủ đặc quyền đặc lợi của tất cả 64 tỉnh thành, với hơn 700 quận, huyện, hàng ngàn xã, phường, thị trấn tất cả về mặt đảng đều có trụ sở với trang thiết bị văn phòng, phương tiện, di chuyển, nhân viên phục vụ v.v.. Nghĩa là, bên nhà nước có cơ quan nào thì bên đảng cũng có cơ quan nấy, chẳng hạn bên nhà nước có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì bên đảng có Ban An ninh Quốc gia; bên nhà nước có Bộ Thương mại thì bên đảng có Ban Kinh tế; bên nhà nước có Bộ Nội vụ thì bên đảng có Ban Tổ chức. Chưa hết, bên cạnh đảng còn có các tổ chức ngoại vi như lực lượng công an bảo vệ riêng cho đảng, hệ thống tình báo của đảng, rồi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và nhiều đơn vị khác, các đơn vị này cũng đều có trụ sở, xe cộ nhân viên được tổ chức từ trung ương đến địa phương .Tất cả những chi phí, lương bổng cho những nhân sự này đều được lấy từ tiền thuế của nhân dân để trang trải cho các hoạt động không thuộc phạm vi nhà nước.

Thêm một của nợ nặng nề, thậm chí rất nặng nề nữa mà giới lãnh đạo đảng độc tài này đã phải tự thú trước nhân dân, đó là quốc nạn tham nhũng. Lẽ dĩ nhiên không ai không có chức quyền mà có thể tham nhũng được mà những người có chức có quyền là những ai? Câu trả lời hẳn chúng ta đều tự thấy, thế là thêm một cái “phải chi” rất lớn trong bóng tối mà không biết đến bao giờ mới dứt?!

Có một điều chúng ta cũng tự thấy là hầu hết các cán bộ đảng viên tham nhũng luôn cấu kết chặt chẽ với nhau để bảo vệ nhau và cũng là cách bảo vệ Đảng. Như thế có nghĩa là, còn đảng thì còn tham nhũng và còn tham nhũng thì còn đảng, nó chẳng khác nào như cá sống vì nước, một mối quan hệ ắt có, không thể thiếu. Cơ chế này chính là bà mẹ đẻ của tham nhũng.

Chúng ta hãy cùng lắng nghe tiếng kêu than của một công dân đang phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” trong chế độ này,

Tôi tên là Vũ Thanh Phương, một “dân oan” quê ở tỉnh Đồng Nai được hưởng quyền thừa kế của cha mẹ để lại là sự nghiệp tranh đấu đòi quyền lợi hợp pháp cho gia đình mình. Mà cụ thể là đòi lại đất đai, tài sản đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam ở địa phương tước đoạt phi pháp suốt 31 năm qua sau ngày 30/4/1975.

Mặc dù sự việc đã được sáng tỏ. Nhưng các quan chức CSVN từ địa phương đến Trung ương Hà Nội vẫn vô cảm, trơ lỳ trước nỗi đau của nhân dân. Từ năm 2001 tôi đã có mặt tại Thủ đô Hà Nội đến trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước đặt số 1 phố Mai Xuân Thưởng. Thoạt đầu nhìn vào trụ sở có vẻ hoành tráng, khoa học và quy mô được sắp đặt bởi tất cả các văn phòng thuộc cơ quan quyền lực trung ương. Khi tôi đến đây thì đã có rất nhiều người dân thuộc đủ thành phần trong xã hội trên khắp cả nước đã đều có mặt từ trước tại cái trụ sở tai tiếng này. Bên ngoài còn có cả chốt gác, công an chìm công an nổi. Buổi đầu tiên ấy tôi cứ ngỡ rằng mình đã đến được nơi có đèn trời soi xét. Nhưng hỡi ôi ! Tất cả đều bị đảo lộn. Quan CSVN ở trung ương có khác gì quan CSVN ở địa phương đâu? Quan CS trên bênh quan CS dưới vì họ cùng một giuộc với nhau mà. Họ một lòng một dạ bảo vệ cho nhau, che chắn cho nhau, bảo kê cho nhau. Bọn họ ban hành các công văn giải quyết khiếu nại, tố cáo đùn đẩy né tránh coi như dân đen như quả bóng để họ mặc sức đá qua đá lại. Trên thực tế chỉ nhằm để đùn đẩy né tránh trách nhiệm với người dân mà thôi…..
…….Là người dân như tôi suốt cuộc đời cứ phải mòn mỏi đeo đuổi cuộc hành trình khiếu kiện, kêu oan, chưa biết đến bao giờ mới được kết thúc. Tôi đi từ địa phương đến trung ương, từ miền Nam ra miền Bắc, suốt bao nhiêu năm trời, chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đau thương tang tóc, mà nhân dân Việt Nam đang phải gánh chịu dưới sự thống trị của những kẻ cường quyền, tàn ác, dã man. Bọn họ đã xô đẩy biết bao nhiêu sinh mạng con người phải sống cảnh màn trời chiếu đất, gia đình ly tan, con cái thất học. Là nạn nhân của chế độ độc tài, đảng trị ở 64 tỉnh thành trên khắp đất nước, đâu đâu tôi cũng thấy cảnh bất công. Người dân thấp cổ bé họng bị đè đầu cỡi cổ. Nhìn thấy cảnh nhân dân ta sống trong thời bình mà phải chịu đựng biết bao nhiêu đắng cay tủi nhục gia đình tan nát đói khổ. Tôi không thể cam chịu và tự nhủ chúng ta phải đồng lòng, đứng dậy, đấu tranh đòi bằng được các quyền được làm Con người chân chính và các quyền công dân đầy đủ. Có như vậy cuộc sống mới có thêm nhiều ý nghĩa cao quý và đáng trân trọng“.

Chưa hết, chúng ta cùng lắng nghe dưới đây là những lời thổ lộ bộc trực của một đảng viên cao cấp đã về hưu nói thêm về cái cơ chế “hai tròng” mà người dân phải gánh chịu này, đủ nói lên được cái tính “dân chủ ưu việt” của chế độ XHCN này là như thế nào.

Lâu nay, dân ta hay than vãn nghèo khó, công chức, viên chức thì hàng tháng phải nhận lãnh những đồng lương quèn, không thể sống nổi trong thời buổi hàng hóa tiêu dùng tăng giá liên tục, cho nên đã dẫn đến tệ nạn tiêu cực, sách nhiễu nhân dân, tham nhũng. Tiền thuế của dân vốn dĩ không nhiều, vì phần đông chủ yếu làm nông nghiệp. Ngân sách vỗn dĩ đã èo uột, muốn làm gì cho đất nước đều phải đi vay đi mượn, vậy mà trong suốt một thời gian dài, nguồn ngân sách này lại phải chia nhỏ. Đáng lẽ ra ngân sách chỉ cần phải mua 100 chiếc ô tô thôi, nhưng lại phải mua đến 200 chiếc; đáng lẽ ra chỉ cần xây dựng 64 trụ sở ủy ban thôi, nhưng lại phải xây dựng 128 trụ sở (tỉnh ủy và ủy ban), cũng tương tự như thế, phần lớn những gì phục vụ cho công việc bên nhà nước cũng đều phải có dành cho bên đảng, mà không chỉ để có không thôi mà còn phải hoành tráng hơn cơ. Tôi đi một số nơi đều thấy trụ sở làm việc của đảng đều to cao hơn trụ sở làm việc của chính quyền: Tỉnh ủy to cao đẹp hơp Ủy ban tỉnh; Huyện ủy to cao đẹp hơn Ủy ban huyện…

Bức xúc trước hiện trạng trên người dân thụ động trong nước chỉ biết thở ngắn than dài để rồi cam chịu, cũng có những hình thức phản kháng bằng ngôn ngữ thi ca để xả đi những uất ức đè nén trong lòng mà những bài thơ dưới đây được phổ biến đã được lưu truyền trong dân gian.


LOÀI ĂN BÁM

Cái đảng ấy là một phường du đãng
Mà dân đen là một lũ đánh giày
Lê thân khó cả ngày không ngừng nghỉ
Để về đêm chúng lột chẳng nương tay

Cái đảng ấy cùng lằn xanh là một
Mà dân đen là một kiếp trâu cày
Trâu khốn khổ cả một ngày vất vả
Mà chiều về chúng hút máu rất say

Cái đảng ấy khác gì loài chùm gởi
Mà dân đen là cổ thụ khô cằn
Cây bám đất oằn mình vì sự sống
Chúng bu quanh hút nhựa rất no căng

Cái đảng ấy chính là con bạch tuộc
Vươn trăm vòi bám chặt lấy nhân dân
Trói dân lại để hút từng mạch máu
Máu cạn rồi chúng sẽ hút cả phân

Cái đảng ấy dân ta cần gì chúng
Mà xung phong lãnh đạo với lãnh tiền
Dân đói rách vì hai tròng một lúc
Hất chúng đi để khỏi khổ triền miên


Hay,


Từ huyện, xã, quận, phường và thành phố
Đảng cứ một bên, nhà nước một bên
Bí thư thành uỷ, Chủ tịch uỷ ban
Hai cỗ máy đè nặng dân khôn kể
Đây nội, ngoại thương, đây ban kinh tế
Nội chính bên này, bên nọ công an
Cứ dăng dăng bao dinh, sở khang trang
Một cổ hai tròng người dân tội nghiệp
(Trích trong ĐCV)


Và cũng để kết thúc bài này, cũng xin đưa ra đây bài thơ “Một Cổ Hai Tròng” do chính người viết sáng tác.


Một Cổ Hai Tròng

Cái cổ ấy chịu hai tròng một lúc
Đảng một bên và nhà nước một bên
Tròng nhà nước được kết tinh từ búa
Còn tròng kia được hội tụ từ liềm

Liềm và búa tuy hai mà một
Búa và liềm tuy một mà hai
Búa để đập mà liềm thì để cắt
Cứ tha hồ… cứ đập cắt thẳng tay

Tiền dân đóng đảng huênh hoang thoải mái
Của dân làm nhà nước cứ chi xài
Của giai cấp, của Công-Nông mà lị
Mà Công-Nông là đảng chứ còn ai

Đừng phản động, nói chở thuyền là nước
Nói lật thuyền cũng là nước là sai
Mà phải nói chở thuyền cũng là đảng
Mà lật thuyền cũng là đảng anh tài

Dân đen ư… cứ bon chen mà sống
Cứ nai lưng, cứ một cổ hai tròng
Nhân dân ta rất anh hùng chèo chống
Đất nước này còn khối những tiềm năng

Làm gì có, chuyện phân chia giai cấp
Giai cấp này xuất phát tự nhân dân
Nước của nhân dân, đảng của nhân dân
Tất tần tật chẳng ai là riêng hết

Chữ vàng Nhân Dân lên ngôi nền đỏ
Như vàng sao, như liềm búa Max-Lê
Lá bùa hộ mạng lâu nay của đảng
“Tiếng Quân Ca” rôm rả cả tứ bề

Ai ngộ nhận cứ tha hồ ngộ nhận
Bánh vẽ nhân dân bánh thiệt đảng này
Ai chửi bới cứ âm thầm chửi bới
Bằng to mồm là đảng đập thẳng tay


Sắp xếp lại các cơ quan của Đảng là yêu cầu cấp bách“, đó là lời tuyên bố của ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh cũng là lời tuyên bố của ông cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu. Không biết nhân dân có được quyền đồng ý hay không đồng ý với đảng về vấn đề này hay không? Thiết nghĩ, từ trước đến nay bất cứ vấn đề nào của đất nước đảng đều nắm quyền quyết định, có bao giờ đảng hỏi ý kiến nhân dân đâu! Không biết hai ông Tổng Bí Thư một cựu, một đang, suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

SôngLô
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn