BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73253)
(Xem: 62218)
(Xem: 39406)
(Xem: 31153)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giá vàng nhảy múa và kỷ niệm đẹp về IDS

17 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 1046)
Giá vàng nhảy múa và kỷ niệm đẹp về IDS
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Sáng nay (17/11/2009), phiên chất vấn của kỳ họp QH được bắt đầu bằng sự trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Lòng dân mong mỏi các ĐB đặt câu hỏi và ông Thống đốc trả lời ra sao về cơn bão giá vàng chưa từng có trong lịch sử đất nước suốt 23 năm đổi mới. Tôi cũng như nhiều công dân khác vô cùng thất vọng vì người hỏi duy nhất về vấn đề này có ĐB Lê Hồng Sơn (Hà Nội) thì hỏi chưa “trúng”, mới chỉ chất vấn về chủ trương nhập khẩu vàng trở lại đã kịp thời hay chưa mà không truy xét đến căn nguyên của hiện tượng. Ông Thống đốc trả lời lại rất loanh quanh bao biện rằng, Ngân hàng Nhà nước từ năm 1999 chỉ quản lý vàng xuất khẩu có nguồn gốc khai thác, chế biến trong nước, còn các doanh nghiệp XNK vàng thương phẩm lại tuân thủ theo luật doanh nghiệp, luật XNK… Đặc biệt, những con số ông Giàu đưa ra như từ năm 1999 đến cuối năm 2008 ta nhập khẩu 279 tấn vàng, lượng vàng xuất khẩu năm 2009 (tính đến thời điểm trả lời chất vấn) mới chỉ là 37 tấn vàng dự trữ và 57 tấn vàng do khai thác, chế biến… thì khác xa với chính lời ông Giàu trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11/11/2009 (chủ trương xuất 32 tấn và thực tế doanh nghiệp mới xuất 26, 7 tấn), càng khác xa với những số liệu thống kê mà tôi có được!?…

Chìm trong buồn nản, thất vọng, tôi chợt nhớ một kỷ niệm đẹp về IDS, trong buổi sinh hoạt tọa đàm với GS James Riedel (Mỹ) vào 14h00 ngày 6/8/2009, tại 53 Nguyễn Du – Hà Nội. Vâng, tôi là một fan hâm mộ mọi buổi seminar của IDS. Các Think Tank quốc doanh của Việt Nam kể ra cũng không ít! Đó là Viện Nghiên cứu chiến lược của Chính phủ, rồi các Bộ, Ngành cũng có Viện Nghiên cứu chiến lược riêng của mình. Song các công bố phát đi từ các Think Tank kiểu ấy chỉ cho tôi cảm nhận mơ hồ về tầm nhìn, kỳ vọng xa vời mà ít thấy sự phản biện về một điều gì cụ thể. Duy chỉ có IDS, một Think Tank tư nhân do thầy Hoàng Tụy làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học và anh Nguyễn Quang A làm Giám đốc điều hành đã cho tôi nhiều thông tin quý báu, sát thực với đời sống, bổ sung cho hành trang tri thức của tôi mỗi khi cầm bút.

Lần ấy, khoảng 2 ngày trước buổi seminar của GS James Riedel, cô Kim Ngân gửi qua e-mail cho tôi bản tóm tắt nội dung thuyết trình của diễn giả: “Khủng khoảng kinh tế thế giới hiện nay và những tác động đến VN”. Một báo cáo tuyệt vời của một bộ óc siêu việt, khai mở cho đầu óc ngu tối của cái thằng tôi dám mon men tìm hiểu sang lĩnh vực ngoài văn chương! Tôi say sưa đọc nó và hăm hở truy tìm các cứ liệu liên quan để có thể đủ tự tin trao đổi với vị GS khả kính trong giờ thảo luận. Tôi nhớ, hôm đó đã liều lĩnh đưa ra 2 câu hỏi cho GS James Riedel:

Một là người Trung Quốc (11/2008) đã tung ra gói kích cầu cho nền kinh tế của họ trong 2 năm 2009-2010 là 586 tỷ USD, nhưng trên thực tế họ chỉ dùng 175 tỷ USD từ ngân sách TW, còn lại là chính quyền địa phương và các doanh nghiệp lớn phải tham góp vào gói kích cầu đó dưới mọi hình thức. Hơn nữa, họ là nước xuất siêu sang Mỹ liên tục trong nhiều năm, riêng năm 2007, họ xuất siêu sang Mỹ là 252 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều con số 175 tỷ USD từ ngân sách cho gói kích cầu. Việt Nam chúng tôi nhập siêu liên tục trong 10 năm lại đây, cỡ trên dưới 40% kim ngạch XNK, nhưng Chính phủ vừa đưa ra gói kích cầu 1 tỷ USD, chủ yếu là hỗ trợ lãi suất ngân hàng nên xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp thuộc hàng đại gia có cơ hội đảo nợ, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ tiếp cận gói kích cầu cỡ 20% và cũng rất chậm. Thưa GS, ông bình luận thế nào về hai gói kích cầu VN- TQ?

Hai là seminar này diễn ra vừa gặp lúc ngành thống kê trong nước vừa công bố số liệu XNK 7 tháng đầu năm 2009. Chính phủ chúng tôi vừa đạt thành tích ngoạn mục trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong lúc các thị trường nhập khẩu hàng tiêu dùng, nông lâm thủy sản của Việt Nam đều tụt giảm, nhưng nhập siêu chỉ ở mức 3,387 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2008 là 15,2 tỷ USD. Nhưng qua tìm hiểu của tôi thì đây là thành tích ảo vì cũng theo số liệu thống kê, quý I/2009, Việt Nam đột nhiên xuất khẩu 2,3 tỷ USD, dẫn đến một “thành tích” cực kỳ ngoạn mục so với cùng kỳ của 5 năm lại đây, là đã xuất siêu được 1,459 tỷ USD (tất nhiên chủ yếu nhờ xuất vàng đã nhập về những năm trước)!? Giáo sư nhận xét thế nào về động thái này của Chính phủ chúng tôi?

Giáo sư James Riedel rất lịch sự, chăm chú nghe hai câu hỏi của anh chàng lạ hoắc, chưa từng gặp trong chuyến đi thăm và làm việc ở Việt Nam. Ông luôn miệng tủm tỉm cười, im lặng hồi lâu… Chị Chi Lan ngồi đối diện thì nhìn tôi nheo mắt cười, khích lệ. Nhà văn Nguyên Ngọc ngồi bên trái tôi ghé tai hỏi nhỏ: “Cậu tìm đâu ra những con số quái đản và thú vị thế?”. Còn GS Chu Hảo ngồi bên phải tôi thì thầm “Ông chơi khó diễn giả mất rồi!”, rồi anh đỡ lời rằng người đặt câu hỏi là nhà văn Vũ Ngọc Tiến, không phải dân kinh tế nên ông có thể trả lời hoặc không cũng được… Thật thú vị vì mấy câu trả lời của GS James Riedel hôm đó đầy trí tuệ và cũng rất khôn khéo, tế nhị. Ông nói:

Về câu hỏi thứ nhất, tôi thấy TQ đưa ra gói kích cầu khổng lồ, nhưng rất bài bản vì họ có sự cẩn trọng nghiên cứu, và dù có thực lực nhờ xuất siêu năm 2007 sang Mỹ 252 tỷ USD, họ vẫn lôi chính quyền địa phương và doanh nghiệp mạnh vào cuộc trong gói kích cầu. Còn gói kích cầu 1 tỷ USD của VN trong điều kiện nhập siêu liên tục thì tôi không rõ Chính phủ các bạn lấy tiền ở đâu? Riêng vế thứ hai của câu hỏi về thực trạng diễn ra khi triển khai gói kích cầu, tôi chưa có điều kiện tìm hiểu thực tế ở VN nên xin miễn trả lời. Các bạn hãy chờ xem, hiệu quả sẽ đến ngay thôi, chẳng cần đợi lâu.

Về câu hỏi thứ hai, thú thực tôi cũng mù tịt thông tin, nhưng về nguyên tắc có thể thấy vàng là vật trao đổi ngang giá chung trong giao lưu tiền tệ quốc tế. Lần khủng hoảng kinh tế toàn cầu này khởi phát từ Mỹ, cụ thể hơn là các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thứ sinh (các tổ chức tiền tệ và môi giới tài chính) nên đồng USD sụt giảm, kéo theo giá vàng lên cao, tỷ giá giữa đồng EURO, YÊN so với USD cũng tăng. Bán vàng ồ ạt từ đầu năm, trong điều kiện dự trữ vàng của các bạn còn yếu, diễn biến đồng USD đang phức tạp là việc mạo hiểm. Tôi không dám bình luận về việc có hay không bệnh thành tích ở nước các bạn vì tôi không hiểu gì về nó. Chỉ biết rằng, vàng là thứ chịu lửa, người Việt có câu “lửa thử vàng…” là vì thế, nhưng người cầm vàng thì đừng dại mà đùa với lửa, phải không ông bạn nhà văn? (GS khôi hài kết thúc).

Đó là một kỷ niệm đẹp trong tôi về IDS. Từ buổi seminar (6/8/2009) đáng nhớ ấy, tôi cứ hồi hộp chờ đợi những dự báo ngầm rất thận trọng và tế nhị, đầy ẩn ý xa xôi của GS James Riedel. Thế rồi chỉ trong khoảng chưa đầy 2 tháng (30/8- 11/11/2009), giá vàng nhảy múa, tăng giá 39%, gấp 4 lần lãi suất gửi tiền tiết kiệm trong cả năm, giá USD lên tới 19 ngàn VNĐ/1 USD, giá EURO đạt ngưỡng 29 ngàn VNĐ/1 EURO!?… Phải chăng cơn bão giá vàng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử này bắt nguồn từ căn bệnh thành tích quý I/2009 đạt cho được suất siêu 1,459 tỷ USD bằng việc ồ ạt xuất khẩu 2,3 tỷ USD, tương đương 84 tấn vàng (nếu tính cả những tháng sau, đến tháng 11/2009 là 2,678 tỷ USD, tương đương 130 tấn vàng)? Phải chăng kể từ quý I/2009, các đại gia trong giới kinh doanh vàng biết rõ kho dự trữ vàng quốc gia đã vơi cạn, không đủ sức ném ra lưu thông để bình ổn giá cả, trong khi đó, lượng vàng trong dân giá trị ước tính cỡ 23-24 tỷ USD, tương đương 800 tấn vàng nên họ đã âm thầm đầu cơ thu gom để rồi bất ngờ làm giá, tạo cơn sốt ảo, tha hồ kiếm lời, hốt bạc?…

Nghe ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu loanh quanh bao biện, bóp méo số liệu giữa nghị trường sớm ngày 17/11/2009, tôi càng buồn nản, thất vọng, càng bâng khuâng nhớ kỷ niệm đẹp về IDS. Là người viết văn, tôi đâu dám nhảy sang lĩnh vực nghiên cứu vàng và tiền tệ, chỉ tự nhủ rằng, ngòi bút mình nếu tách rời khỏi thực tế đời sống thì trang văn viết ra còn ý nghĩa gì, nên trở thành một fan hâm mộ IDS. Tôi cũng không muốn bình luận gì thêm về việc IDS tuyên bố tự giải thể, bởi trong bài “Nỗi lòng trí thức mùa Vu Lan” tôi đã bộc lộ hết tận đáy lòng. Giá như ĐB Lê Hồng Sơn, các vị ĐB Quốc hội khả kính hay các nhà quản lý vĩ mô của Chính phủ cũng như tôi, làm một thính giả trong ngày 6/8/2009, nghe buổi thuyết trình của GS James Riedel sẽ đỡ cho nhân dân mình biết bao! Giá như… ôi, giá như!…

Hà Nội ngày 17/11/2009

VNT

http://bauxitevietnam.info/c/18202.html
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn