BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77573)
(Xem: 63345)
(Xem: 40794)
(Xem: 32430)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hà Chính

02 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 1603)
Hà Chính
52Vote
40Vote
30Vote
22Vote
10Vote
3.54
Tặng anh Đào Hiếu và IDS

Sử cũ chép rằng Khổng Tử tuổi Canh Dần. Tuổi này đàn bà cô quả, còn đàn ông cô đơn, chẳng ai hiểu mình. Xét cho cùng, Ngài cô đơn bởi cái đạo của Ngài cao quá! Suốt một thời trai trẻ đến tận 50 tuổi, Ngài chỉ chuyên tâm đọc sách, nghiên cứu Chu Dịch, san định Kinh thi, Kinh lễ, Kinh thư… Số Ngài long đong bởi Ngài cho rằng thiên hạ đại loạn chỉ tại người đời chạy theo những ham muốn, chữ Nhân suy vi nên tâm đã mờ tối thì thiên hạ tắc loạn. Ngài hết sức tuyên truyền thuyết Chính Danh để vua ra vua, cha ra cha, vợ chồng thuận hòa, con cái hiếu đễ. Học trò theo ngài mỗi lúc một đông, nhưng Ngài chỉ chọn ra 72 người, đời sau gọi là “Thất thập nhị hiền” để hết lòng truyền dạy đạo Nhân mà Ngài đã dày công gây dựng trong già nửa cuộc đời. Bước vào chính trường khá muộn mằn, nhưng chỉ qua sáu năm, Ngài và học trò đã giúp nước Lỗ chỉnh đốn triều cương, chăn dân, khuyến nông, nước nhà ngày một hưng thịnh. Ra chợ, người bán thịt không nói thách. Trên đường, đàn ông đi một bên, đàn bà đi một bên. Của rơi ngoài đường không ai nhặt. Nhà nhà trên thuận dưới hòa. Xóm thôn đầm ấm tỏa khói lam chiều. Tề Cảnh Công thấy nước Lỗ thịnh trị đâm lo ngại. Đại phu Lê Di bày kế cho Tề Cảnh Công chọn lựa 80 gái đẹp, dạy cho múa hát rồi đem biếu vua nước Lỗ. Lỗ Công say đắm sắc dục, ngày thêm lạnh nhạt, coi thường Khổng Tử, đạo Nhân vì thế lại suy vi. Ngài buồn mà than rằng: “Người đời ai cũng háo sắc hơn háo đức” Tử Lộ thấy vậy can: “Chữ Nhân ở đây đã mòn cùn rồi. Ta nên sớm đi thôi, thưa thầy!”.

Đó là năm 496 trước công lịch. Khổng Tử đã 56 tuổi, vẫn tin rằng Trời giao cho Ngài sứ mạng phục hồi đạo của Chu Công, lập lai trật tự trong thiên hạ bằng chữ Nhân, không cần đến hai chữ Hà Chính có nghĩa là chính trị hà khắc. Than ôi! Cái tâm của Ngài mới sáng làm sao. Cái chí của Ngài mới cao đẹp không biết nhường nào. Ngài quyết tâm dắt học trò rời bỏ nước Lỗ, mở phong trào đi du thuyết khắp các nước Tề – Triệu – Tống – Trần – Thái. Suốt 4 năm ròng, Ngài cùng đám “Thất thập nhị hiền” gối đất nằm sương, long đong lưu lạc nơi đất khách quê người. Ở đâu Ngài cũng khuyên vua và các quan đại phu: “Lấy Pháp mà trị dân, lấy Hình mà xử thì dân không dám phạm tội, nhưng không biết hổ thẹn. Lấy Hà Chính mà sai khiến ép buộc dân thì dân chỉ biết sợ, ngoài mặt phục tùng chứ không tâm phục, còn trong lòng thì oán hận”…

Người đời vì nể, kính trọng khổng Tử, nhưng ai cũng lạnh nhạt, hờ hững không chịu nghe theo đạo Nhân của Ngài. Họ đang mải mê tranh bá, đồ vương. Thiên hạ ngút trời biển lửa, rừng gươm. Mặt đất ngập ngụa núi xương sông máu. Ở chốn cung đình cha con, anh em ăn thịt lẫn nhau vì ngai vàng. Nơi kinh thành các quan đại phu ngấm ngầm triệt hại lẫn nhau vì chút danh, miếng lợi nên tranh nhau nịnh bợ, đồng thuận với vua. Ai cũng muốn Ngài đồng thuận chứ không chịu nghe lời nghịch nhĩ, mà đồng thuận với họ là chết mòn đạo Nhân, khổ lây trăm họ, xã tắc suy vi.

Khổng Tử sang nước Vệ, vua Vệ Linh Công vì say mê nàng Nam Tử nổi tiếng dâm đãng mà cố ý làm hại thanh danh của Ngài. Ở nước Tống, tướng quân Tư mã Hoàn Khôi khét tiếng gian manh, tàn bạo nên sợ đức của Ngài, ghen với uy tín của Ngài chỉ hằm hè chực giết. Biết Ngài thường họp môn sinh dưới gốc cây ngô đồng cổ thụ để dạy cho họ tập lễ, Hoàn Khôi tuy không dám giết Ngài, nhưng sai người đốn ngã cây ngô đồng ấy.

Đôi lúc trong số học trò của Khổng Tử có người ngã lòng, hoang mang. Tử Lộ nói:

- Theo ý con, có lẽ vì chúng ta chưa Nhân chăng, nên người đời chưa tin chúng ta? Có lẽ vì chúng ta chưa Trí chăng, nên người đời không theo đạo chúng ta?

Tử Cống nói:

- Đạo của thầy cao quá, cho nên thiên hạ không ai dung nạp được. Thầy nên hạ thấp một chút.

Nghe các trò góp ý, Khổng Tử chỉ cười và im lặng. Có lẽ trong 4 năm lưu lạc, thầy trò Khổng Tử ở nước Trần lâu nhất. Ngài và học trò khổ công thuyết giáo, nhưng vua Trần và các đại phu chỉ đam mê hai chữ Hà Chính, không ai tin và nghe theo đạo Nhân của Khổng Tử. Vua Sở hâm mộ tiếng tăm của Ngài, muốn mời thầy trò Khổng Tử sang nước Sở. Vua tôi nước Trần bàn nhau: “Khổng Tử ở Trần đã lâu, hiểu biết những cái sở đoản của nước Trần do Hà Chính gây nên. Nếu vua Sở dùng Ngài hay học trò của Ngài thì nước Trần nguy mất”. Họ đem quân vây chặt thầy trò Khổng Tử giữa một khe núi. Bị vây và tuyệt lương, các môn sinh đau ốm liệt giường mà Ngài vẫn thản nhiên đọc sách, gảy đàn. Có môn sinh đã tỏ thái độ bất bình, oán hận thầy.

Môt buổi chiều, ánh hoàng hôn mờ dần sau đỉnh núi đá tai mèo nhọn hoắt. Tiếng chim cú rúc dài trên vách đá cheo leo. Lác đác trên bầu trời vài cánh dơi bay chạng vạng. Dòng suối oằn mình lượn qua rừng cay Pơ mu hối hả đổ nước ra sông Hoàng Hà ầm ào cuộn sóng, xô nhanh về phía chân trời xa thẳm. Đất trời hầm hập, oi nóng như muốn nổi bão giông. Thầy trò Khổng Tử sau giờ học lễ, chia nhau từng mẩu củ mài và những cọng rau rừng đắng chát. Tử Lộ lầm bầm nói vào tai Nhan Hồi:

- Đến nước này mà thầy vẫn chưa chịu dung hòa Nhân một tí, Hà Chính một tí có phải hay hơn không?

Nhan Hồi điềm nhiên bẻ một mẩu củ mài nhường cho Tử Lộ và nói:

- Chính vì người ta không dung nạp nổi thầy nên thầy mới là bậc thánh. Đạo không được trau dồi đó là điều chúng ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã trau dồi mà người ta vẫn không dung nạp đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua.

Chợt từ trong rừng Pơ mu vẳng lại tiếng khóc ai oán, thê thảm của một người đàn bà. Khổng Tử đang lim dim mắt tâm niệm cái lẽ tuần hoàn vô bờ của đạo dịch Chu Công, cái huyền biến, vi diệu của chữ Nhân. Ngài choàng tỉnh dậy, gọi bảo học trò dắt Ngài đi tìm người đàn bà, hỏi xem cơn cớ gì mà tiếng khóc não nùng thê thảm làm vậy. Tới một tảng đá phủ đầy rêu mốc bên khe nước, Ngài thấy người đàn bà mặc đồ sơn cước đã bạc thếch, rách tã. Tóc nàng rũ rượi phủ lên khuôn mặt lem luốc, rám nắng. Mặc dầu vậy, ở nàng vẫn toát lên vẻ kiều diễm, cao sang với vóc người mảnh mai, cặp mắt đen láy dưới hàng mi thanh tú. Bộ đùi thon thả, gót sen đỏ và nhỏ xíu kia chỉ có thể tìm thấy nơi lầu son, gác tía. Nàng đang ôm ngực, cúi đầu vật vã khóc than.

Nhan Hồi tiến lại gần, vòng tay trang nghiêm hỏi:

- Thưa quý nương! Bà từ đâu lại đây? Vì sao đã sắp tắt mặt trời, bà còn ngồi một mình khóc than giữa rừng vắng?

- Con trai tôi bị cọp dữ vồ tha đi mất xác.

- Chồng bà đâu?

- Ông ấy cũng bị cọp vồ năm ngoái. Ở đây hoang vắng nên nhiều cọp dữ lắm. Các ông nên mau chạy ra khỏi thung lũng đi, còn kịp.

– Nhà bà ở đâu? Có còn ai thân thích không?

– Xa lắm, trong vách núi đằng kia kìa! Tôi chẳng còn ai thân thích cả. Năm năm trước bố chồng tôi bị cọp vồ, năm ngoái đến lượt chồng tôi, nay lại đến con trai tôi. Trời ơi là Trời! Sao tôi phải chịu khổ thế này, hỡi Trời!…

Thầy trò Khổng Tử nghe nàng khóc than, vừa thương cảm ngậm ngùi, lại vừa kinh ngạc. Họ không thể hiểu nổi vì sao đến cơ sự này mà gia đình người đàn bà vẫn bám trụ ở nơi rừng hoang vách dựng để thay nhau làm mồi cho cọp dữ. Đợi cho người đàn bà than khóc hồi lâu, nghe chừng đã nguôi vợi đôi phần, Tử Du xin phép ngồi xuống cạnh nàng an ủi và gạn hỏi. Chỉ có Tăng Sâm và Nhan Hồi đưa mắt cho nhau rồi gật đầu ra ý ngầm hiểu lý do vì sao lại thế. Hai ông đứng nép sau thầy, nín thở nghe người đàn bà kể tiếp:

- Bố chồng tôi là bậc danh Nho nước Trần. Ông làu thông kinh sử và có thư pháp tuyệt đỉnh linh diệu. Mỗi chữ ông viết ra giống như bức hoạ khiến cả kinh thành phải trầm trồ tán tụng. Dưới ngòi bút của ông chữ Nhân như giang rộng đôi tay ôm lấy cả sơn hà, trời mây, hoa lá. Chữ Ái ông viết xong khiến người ta liên tưởng tới giàn hoa leo kín mái nhà tranh đơn sơ, rắc hương thơm xuống vai người thiếu nữ, rót mật ngọt tình yêu vào tuổi thanh xuân trong trắng thơ ngây. Còn chữ Dũng của ông viết như con đại bàng kiêu hãnh đập cánh vượt trùng dương, bất chấp mọi phong ba, bão táp… Một ngày kia, ông cảm thấy tâm hồn bị tù hãm, giam trói giữa kinh thành sặc mùi Hà Chính, làm u ám cả đất trời. Nét chữ của ông không còn linh diệu như xưa nữa. Lúc nó rối rắm như nắm tơ vò, khi lại cứng đờ như những cây nứa khô cắm quanh vườn cải. Ông buồn bã dắt díu mẹ con tôi từ bỏ lầu son, xa lánh kinh thành hoa lệ vào ở trong khe núi này. Bây giờ bố chết, chồng chết, rồi con cũng chết nốt, tôi biết đi đâu, sống bằng gì? Trời ơi là Trời!..

Tử Hạ đứng bên Tử Du nghe đến đây cau mày nhăn nhó hỏi:

- Bố chồng chết, sao vợ chồng bà không đưa con đi nơi khác? Chồng chết, sao hai mẹ con bà không rời đi? Bây giờ con chết, bà cũng không chịu đi là cớ làm sao?

- Vì chỉ có ở đây là không có Hà Chính, thưa ông!…

Nàng nghẹn ngào đáp lời Tử Hạ. Khổng Tử nghe nàng nói cảm thấy tức thở, dọc sống lưng như có giòi đục trong xương tủy, tay chân rã rời, hai thái dương ướt đẫm mồ hôi… Ngài nắm tay Tăng Sâm, Nhan Hồi, dắt đến trước mặt người đàn bà bảo họ thi lễ năm vái ba lạy. Rồi Ngài quay sang nhìn Tử Lộ và nói với tất cả học trò:

- Các con nhớ lấy! Người đời sợ Hà Chính hơn cả cọp dữ. Hà Chính là mất dân, mất dân thì không có nước, không có nước làm sao có vua. Đồng thuận với Hà Chính là bất Nhân. Vì Hà Chính mà đồng thuận là bất Nghĩa. Ta chẳng có đường lui, chỉ có con đường phản biện…

Tử Lộ quỳ xuống dưới chân thầy rơm rớm nước mắt, hứa ghi tạc lời thầy. Ông chợt nhớ lại lời Nhan Hồi nói khi ăn củ mài. Miệng ông lẩm bẩm không ngớt: “Hà Chính đáng sợ hơn cọp dữ. Hà Chính đáng sợ hơn cọp dữ”…

Trở về nước Lỗ, thầy trò Khổng Tử càng dốc lòng kiên trì truyền bá đạo Nhân. Song Tử Lộ và nhiều trò khác vẫn còn có lúc bán tín bán nghi rằng, không lẽ Hà Chính lại khiến dân hãi hùng tới mức thà vào rừng cho hổ ăn thịt còn hơn quay về làm thần dân của vua. Gặp lúc vua trẻ nước Vệ mới lên ngôi, sai người mang thư mời Tử Lộ sang đó làm quan đại phu, ông hớn hở hỏi thầy nên nhận lời hay không nhận. Khổng Tử trầm ngâm một lúc rồi hỏi lại trò:

- Con muốn đi thật ư?

- Vâng, thưa thầy! Con thật lòng muốn giúp nước Vệ từ bỏ Hà Chính, theo đạo Nhân của thầy.

– Ta chỉ lo hai chữ Hà Chính đã khiến vua tôi nước ấy thảy đều bốc mùi tử khí, nhất là từ sau vụ Vệ Linh Công chết trương, thối thịt trong cung mà lũ con vẫn phớt lờ vì mải tranh quyền kế vị. Dân nước Vệ mong đạo Nhân, khiếp đảm Hà Chính thế nào thì quần thần trong triều mê mẩn Hà Chính, căm ghét đạo Nhân của ta nhường ấy. Mình con với ông vua trẻ còn đang bốc mùi tử khí kia liệu có làm xoay chuyển được tình thế? Đạo Nhân bên đó liệu có thành đứa trẻ mồ côi?

– Có đi mới biết, có thử làm mới hay, thưa thầy!

Tử Lộ quả quyết ra đi nên Khổng Tử đành im lặng, không nói thêm gì. Nhờ tài thuyết phục của Tử Lộ, mấy năm đầu vua trẻ nước Vệ tin dùng ông, thử trị quốc an dân mà kiên quyết không dùng đến Hà Chính. Nước Vệ được lòng dân, nhờ đó tuy là nước nhỏ, nhưng các nước lớn như Tần, Sở cũng phải nể sợ. Song khi đã không dùng đến Hà Chính thì các quan lớn, quan bé trong triều mất đi bao mồi ngon, miếng lợi nên họ căm tức, bàn nhau dèm pha, đổ tội và kích động ông vua trẻ giết oan Tử Lộ. Chưa hả giận, chúng còn giấu vua sai lính xả thịt Tử Lộ đem muối rồi đóng hộp gửi biếu Khổng Tử. Ngài nhận hộp quà biếu, bưng mặt khóc rưng rức cho sự cô đơn của mình và của đạo Nhân. Từ đó về sau, suốt cả mấy ngàn năm ở xứ sở này, phàm là nhà chính khách độc tài, toàn trị đều ngoài miệng thơn thớt tôn sùng đạo Nhân, phong Khổng Tử làm bậc thánh để lừa mỵ dân, nhưng trong bụng ngấm ngầm giữ chắc cây gậy Hà Chính. Đạo Nhân của Khổng Tử vì thế mãi cô đơn như sinh thời Ngài vẫn cô đơn, thiên hạ vẫn là thiên hạ loạn…

Vũ Ngọc Tiến  

Nguồn: http://www.viet-studies.info/VNTien/VNTien_HaChinh.htm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn