BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vụ Án Điếu Cày: “Trốn Thuế” Hay Nạn Nhân Của Mưu Đồ Chính Trị ?

10 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 875)
Vụ Án Điếu Cày: “Trốn Thuế” Hay Nạn Nhân Của Mưu Đồ Chính Trị ?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

I- NHỮNG KHUẤT TẤT TỪ BẢN CÁO TRẠNG


Hôm nay, tôi không phân tích hành vi mà cơ quan tố tụng quận 3, thành phố Hồ Chí Minh gọi là “phạm tội” của ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) và bà Dương Thị Tân, bởi lẽ, ngay từ đầu, tôi đã khẳng định rõ trong bài “Hành vi của Nguyễn Văn Hải, Dương Thị Tân không cấu thành tội “trốn thuế”, đồng thời, Luật sư Lê Trần Luật - Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp Quyền cũng đã đào sâu vấn đề này và khẳng định ông Nguyễn Văn Hải và bà Dương Thị Tân vô tội trong bài viết “Thử bào chữa cho Điếu Cày”.



Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ chỉ rõ khuất tất từ Bản cáo trạng số 101/CT-VKS ngày 04/8/2008 của Viện Kiểm sát nhân dân quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

1- Hợp đồng thỏa thuận bên thuê nộp thuế nhưng Cáo trạng vẫn cố tình gán ghép cho ông Nguyễn Văn Hải và bà Dương Thị Tân nghĩa vụ nộp thuế mà bỏ qua các quy định tại Bộ Luật Dân Sự 1995 và Bộ Luật Dân Sự 2005:

Cáo trạng viết: “Trong suốt thời gian cho thuê nhà, Nguyễn Văn Hải và Dương Thị Tân lẽ ra phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế cho Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật nhưng Hải và Tân đã không thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế môn bài”.

Không hiểu Viện Kiểm sát nhân dân quận 3 (sau đây viết tắt là VKS Q3) đào đâu ra văn bản pháp luật quy định bắt buộc người cho thuê nhà “phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế cho Nhà nước” ?

Các Điều 491, Điều 492, Điều 493, Điều 494 BLDS 1995 và các Điều 493, Điều 494, Điều 495, Điều 496 BLDS 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê nhà và bên thuê nhà thì không có Điều khoản nào quy định bắt buộc người cho thuê có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế. Việc kê khai, nộp thuế này mặc nhiên được xem là do các bên tự thỏa thuận.

Chính vì vậy mà Cục thuế TP. HCM đã có văn bản số 12763 ngày 10/12/2007 hướng dẫn cách tính thuế cho trường hợp bên thuê nộp tiền thuế thuê nhà.

Toàn bộ cáo trạng từ trên xuống dưới thể hiện khi cho thuê nhà, ông Nguyễn Văn Hải và bà Dương Thị Tân đều ký hợp đồng bằng văn bản và có công chứng đúng quy định pháp luật, thể hiện ở đoạn dưới đây:

Ngày 17/6/1999, Hải- Tân và bà Thủy đã đến Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng thuê nhà, thời hạn 3 năm, từ ngày 1/6/1999 đến ngày 1/6/2002”, “khi hết hạn hợp đồng, hai bên ký “Thỏa thuận gia hạn hợp đồng thuê nhà từ ngày 1/7/2002 đến 1/7/2005”, “Tháng 5/2005, Hải - Tân và bà Thủy tiếp tục ký “Hợp đồng thuê nhà” từ ngày 1/7/2005 đến 1/7/2008”, “Ngày 1/7/2007, Nguyễn Văn Hải và Dương Thị Tân đã ký tiếp “Thỏa thuận gia hạn hợp đồng thuê nhà trong thời hạn thuê 3 năm (từ ngày 1/7/2007 đến 1/7/2010)

Căn nhà 84D Trần Quốc Toản, phường 8 quận 3, Nguyễn Văn Hải và Dương Thị Tân đã cho bà Phan Huỳnh Minh Nguyệt, bà Lý Thị Tuyết Hạnh và ông Đinh Lê Hà thuê từ tháng 4/2004 đến tháng 2/2008”.

“Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”, khi ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Hải và bà Dương Thị Tân, bên thuê nhà đều là những công dân có đầy đủ năng lực trách nhiệm hành vi dân sự, nội dung hợp đồng đúng nguyên tắc: Tự do giao kết hợp đồng, không trái pháp luật, đạo đức xã hội; Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Như vậy, hợp đồng thuê nhà và các bản thỏa thuận gia hạn hợp đồng được ký giữa ông Nguyễn Văn Hải, bà Dương Thị Tân và bên thuê là đúng quy định tại các Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 394, Điều 395 BLDS 1995 và các Điều 4, Điều 7, Điều 388, Điều 389 BLDS 2005.

Điều 4 BLDS 2005 còn quy định: “Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”. Như vậy, trong hợp đồng thuê nhà hai bên đã thỏa thuận bên thuê là người nộp thuế, Cơ quan điều tra Công an quận 3 (sau đây viết tắt là CQĐT CAQ3) và VKS Q3 không có quyền bác bỏ thỏa thuận này và buộc bên cho thuê phải nộp thuế ? Cơ quan điều tra Công an quận 3 và VKS Q3 cũng không có quyền công nhận sự lật lọng của bên thuê nhà là “Bà Lý Thị Tuyết Hạnh và ông Đinh Lê Hà bác bỏ trong hợp đồng trách nhiệm, nghĩa vụ kê khai nộp thuế cho thuê nhà của bên thuê”.

Cáo trạng cũng thừa nhận rằng “Riêng việc ký hợp đồng cho bà Minh Nguyệt thuê, Hải và Tân đã kê khai đóng thuế cho thuê nhà đầy đủ và thanh lý hợp đồng với bà Nguyệt”. Điều này cho thấy ông Nguyễn Văn Hải và bà Dương Thị Tân là những công dân có ý thức trách nhiệm, luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật và các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký với bên thuê. Hợp đồng đã thỏa thuận là bên cho thuê đóng thuế thì ông Hải và bà Tân đã nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ của mình, không hề có ý định trốn thuế.

Có thể thấy, trong các hợp đồng cho thuê nhà này, nghĩa vụ kê khai và nộp thuế đã thỏa thuận thuộc về bên thuê, nếu có trốn thuế thì bên thuê nhà trốn thuế chớ không phải là bên cho thuê; nhưng CQĐT CAQ3 và VKS Q3 vẫn cố tình gán ghép cho ông Hải và bà Tân, bất chấp những quy định rất rõ ràng của BLDS 1995 và BLDS 2005.

2- CQĐT CAQ3 và VKS Q3 cố ý làm trái quy định pháp luật về thuế:

Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 110 Luật Quản Lý Thuế thì việc cho thuê nhà không nộp thuế của Nguyễn Văn Hải và Dương Thị Tân chỉ bị xử lý hồi tố từ ngày phát hiện có hành vi vi phạm đến thời điểm về trước 5 năm tròn, quá thời gian 5 năm thì chỉ bị truy thu thuế chớ không bị xử phạt hành chính. Đương nhiên, vi phạm hành chính mà còn không xử phạt được thì làm sao xử lý hình sự được.

Giả sử thời gian phát hiện ông Hải- bà Tân không nộp thuế là ngày 31/12/2007 (tính tròn) thì thời gian có thể hồi tố để xử lý là đến ngày 01/01/2003. Việc ông Hải, bà Tân không nộp thuế từ ngày 01/01/2003 trở về trước thì chỉ co thể truy thu thuế chớ không thể coi là hành vi vi phạm để xử lý.

Vì vậy, Cáo trạng buộc ông Hải, bà Tân vi phạm từ ngày 1-6-1999 là không có căn cứ và trái quy định Luật Quản Lý Thuế.

Mặt khác, tất cả những hành vi vi phạm về thuế phải do ngành Thuế lập hồ sơ, xử lý, nếu hành vi vi phạm vượt mức của ngành Thuế xử lý thì ngành Thuế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định của BLHS. Cơ quan điều tra không có quyền làm thay công việc của ngành Thuế.

Nếu Cơ quan tố tụng sốt sắng nhảy vào “làm thay” như vụ án này, còn ngành Thuế thì “bình chân như vại”, đợi người khác “dọn cỗ” sẳn rồi mời mới từ tốn “ăn” (giám định theo yêu cầu), tôi nghĩ có lẽ nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải tán ngành Thuế cho đỡ lãng phí ngân sách quốc gia nuôi báo cô cán bộ thuế ăn không ngồi rồi vô tích sự.

3- Có hay không sự cấu kết giữa bên thuê nhà và Cục Thuế quận 3 ?

Theo Cáo trạng, Công ty Mắt Kính Hà Nội (đại diện là bà Thủy) đã kinh doanh liên tục tại nhà ông Hải, bà Tân suốt 10 năm, với thiết kế hệ thống cửa hàng quy mô, đồ sộ ngay con đường mặt tiền trung tâm Thành phố mà Cục Thuế quận 3 không hề hay biết, chưa một lần lập biên bản vi phạm hành chính, chưa một lần gởi giấy báo đóng thuế, chưa một lần mời đối tượng nộp thuế, chưa một lần ra quyết định phạt hành chính về hành vi chây ỳ nộp thuế… thì quả là sự lạ nhất trên đời.

Từ sự lạ này, dư luận có quyền đặt nghi ngờ: Phải chăng đã có sự cấu kết giữa bà Thủy và Chi cục Thuế Quận 3 với mục đích “hai bên đều có lợi” ?

Điều ngạc nhiên hơn là CQĐT CAQ3, VKS Q3 lại “không thấy” trách nhiệm của Chi cục Thuế quận 3, coi cục Thuế quận 3 như một tổ chức không liên quan gì đến chuyện thuế má và nghiễm nhiên đóng vai trò bàng quan là “người giam định” theo Quyết định trưng cầu của cơ quan tố tụng.

Việc người thuê nhà trốn thuế đã cho thấy Chi cục Thuế Quận 3 thiếu tinh thần trách nhiệm (nếu không muốn nói là “giúp sức đắc lực”), tức có liên quan, có lỗi, thì cái kết luận giám định ngày 4/4/2008 của Chi cục Thuế Quận 3 là không khách quan.

Điều lạ lùng kế tiếp là bà Thủy (đại diện Công ty Mắt Kính Hà Nội) kinh doanh trên địa bàn quận 3 này có đóng thuế kinh doanh mặt hàng mắt kính hay không ? Nếu có thì tại sao Chi cục Thuế Quận 3 không làm thủ tục thu luôn phần tiền thuế cho thuê nhà đối với bà Thủy? Giả sử Chi cục Thuế quận 3 có làm thủ tục này mà bà Thủy không nộp thuế thuê nhà sao Chi Cục Thuế quận 3 không làm thủ tục “truy” tới chủ nhà? Do đó, tôi cho rằng mối quan hệ giữa bà Thủy và Chi cục Thuế quận 3 có gì đó mờ ám, khuất tất, nếu không muốn nói đó là sự cấu kết để ăn chia phần tiền thuế không phải nộp ?

Một chi tiết nhỏ bất thường nữa là trong Cáo trạng bà Thủy là nhân vật rất mơ hồ, chỉ có cái tên mà không có họ tên đầy đủ, cũng không có địa chỉ, hình như Cơ quan tố tụng quận 3 không muốn cho ai biết nhân vật “đặc biệt” đã kinh doanh công khai, rầm rộ suốt 10 năm ngay trung tâm thành phố lớn nhất Việt Nam mà không đóng thuế này.

II- HÌNH SỰ HÓA QUAN HỆ HÀNH CHÍNH ĐỂ CHE ĐẬY MỤC ĐÍCH CHÍNH TRỊ ?


1- Ông Nguyễn Văn Hải không “được lòng” nhà cầm quyền:

Ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) đối với nhà cầm quyền địa phương vốn dĩ có nhiều “ân oán giang hồ” bởi ông kiện Công an phường Bến Thành ra Tòa Hành chính do cơ quan này đã phạt vạ ông khi ông chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách không cho mộr cán bộ - Đảng viên cùng khu phố dùng khung sắt hàn kín cửa nhà ông Hải.

Sau đó, ông Hải lại kiện tiếp báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh vì đã đăng bài “Vụ kiện trị giá 160.000 đồng sai sự thật. Tờ báo này là một bộ phận của Công an TPHCM (Mời xem tường thuật các lần ông Hải đến khiếu nại báo CA TPHCM tại đây: lần thứ 1, lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4, lần thứ 5).

Ông Hải cũng nhiều lần bị vu khống tàng trữ ma túy, sách nhiễu, hành hung, bắt giữ trái pháp luật, đối xử tàn tệ… vì ông tham gia biểu tình chống Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, ông Hải lại quần chúng đồng tình, ủng hộ. Trước áp lực dư luận, cụ thể là cư dân mạng, báo CA TPHCM đã phải xóa bài “Vụ kiện trị giá 160.000 đồng” khỏi bản báo điện tử của mình “không kèn không trống”. Bài báo này hiện nay chỉ còn lưu lại trên blog Điếu Cày (xem ở đây).

Sau khi ông Hải bị bắt, chưa biết tội trạng thế nào, tờ báo Công An Nhân Dân (thuộc Bộ Công An) đã hí hửng vội vàng đăng bài nội dung bịa đặt sai sự thật để bôi nhọ cá nhân ông Hải.

2- Hàng loạt hoạt động bất thường trước khi mở phiên tòa sơ thẩm:

Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự không giới hạn số lượng Luật sư được mời bào chữa cho bị cáo, 1 bị cáo có quyền mời 100 Luật sư, 1.000 Luật sư bào chữa cho mình trong cùng 1 vụ án, nếu bị cáo đó có khả năng trả thù lao Luật sư. Trong vụ án này, gia đình bị cáo đã mời Luật sư Lê Công Định, Luật sư Trần Lâm bào chữa nhưng ông Định bị cản trở làm nhiệm vụ đối với thân chủ một cách trái pháp luật, còn ông Trần Lâm thì bị Tòa kéo dài thời gian làm thủ tục dẫn đến sát ngày xét xử ông mới gặp bị cáo 2 lần, điều này gây bất lợi cho thân chủ của ông.

Vào Google search cụm từ “cho thuê nhà”+ “trốn thuế”+ “xét xử”+ “việt nam” sẽ cho kết quả ông Nguyễn Văn Hải là người duy nhất ở Việt Nam bị truy tố, xét xử về hành vi trốn thuế cho thuê nhà; ngược lại, Google cũng cho thấy có cán bộ cao cấp đã và đang trốn thuế nhiều hơn ông Hải gấp 400 lần thì ngay đến truy thu thuế 1 đồng cũng chả có, đừng nói gì đến phạt hành chính hay truy tố. Điều đó cũng bộc lộ tính bất thường của vụ án này.

Ông Nguyễn Văn Hải vốn dĩ là người hòa nhã, cư xử tốt với mọi người, giao tiếp rộng nên có nhiều bằng hữu, huynh đệ khắp nơi. Bắt đầu từ ngày 9/9/2008, những người là bạn bè, quen biết với ông Nguyễn văn Hải đều được các vị “bạn dân” nhắn gởi gián tiếp hay trực tiếp, từ ngon ngọt dụ dỗ đến đe dọa hăm he là “không nên đến dự phiên xét xử Điếu Cày”. Nhà cầm quyền phải “tốn” không ít nhân lực và thời gian để “phủ sóng” khắp các bằng hữu, huynh đệ này là nhằm mục đích gì? Nếu là tội danh nằm trong chương các tội phạm về kinh tế và mức hình phạt luật định “nhẹ hều” thì nhà cầm quyền có cần thiết phải nhọc công “bao vây”, “cấm vận” người dân đến dự buổi xét xử hay không?

Nếu ông Hải, bà Tân thật sự có hành vi vi phạm pháp luật, Hội đồng xét xử “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” thì tại sao phải sợ người dân biết được diễn biến phiên tòa? Điều này chỉ có thể giải thích rằng ông Hải, bà Tân vô tội, Hội đồng xét xử là một thứ rô-bốt, bản án được in vi tính sẳn nằm trong cặp táp trước khi bước vào phòng xử, và thứ mà người ta đang áp dụng tại phiên tòa để buộc tội bị cáo không phải là luật pháp.

* * *

Từ những khuất tất trong bản cáo trạng đã nêu trên và hàng loạt hành động bất thường của nhà cầm quyền trước phiên tòa xét xử ông Hải, bà Tân đã cho thấy các cơ quan tố tụng quận 3 thành phố Hồ Chí Minh đã cố tình phù phép để biến hóa một giao dịch dân sự và một quan hệ hành chính bình thường trở thành tội phạm hình sự một cách trái pháp luật, mà nạn nhân của trò phù phép này là ông Nguyễn Văn Hải và bà Dương Thị Tân.

Tôi cũng không ngạc nhiên nếu bản án sơ thẩm tuyên ông Nguyễn Văn Hải mức án 3 năm tù giam là mức cao nhất của khoản 2 Điều 161 BLHS mà Cáo trạng truy tố, vì nó chỉ là sự lặp lại một cách máy móc những gì nhà cầm quyền đã làm ở phiên tòa xét xử những nông dân mất đất đi khiếu kiện ở quận 9 vừa rồi.

Với hàng loạt những điều bất thường đó đã cho thấy rằng: Người ta đang cố tình dựng lên một bản án trốn thuế bất chấp quy định pháp luật để che đậy một mưu đồ chính trị.

Tạ Phong Tần

10-09-2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn