BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73168)
(Xem: 62200)
(Xem: 39373)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhận diện một vấn nạn mới của sự phát triển: Bệnh thành tích

06 Tháng Mười Hai 200512:00 SA(Xem: 1078)
Nhận diện một vấn nạn mới của sự phát triển: Bệnh thành tích
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 

SEA Games 23 vừa kết thúc. Sau nỗi buồn vì thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam, nhiều tờ báo bắt đầu bình tĩnh hơn để nhìn nhận về phong trào bóng đá nói riêng và phong trào thể thao ở Việt Nam nói chung. Thiết nghĩ, chẳng phải căn bệnh thành tích đã chỉ làm hỏng riêng một phong trào thể thao mà rộng hơn, nó đã, đang làm hỏng cả một sự nghiệp phát triển đất nước, băng hoại đạo đức của nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta. Nói rằng bệnh thành tích là một vấn nạn mới của phát triển cũng chẳng qua vì lâu nay ta quên nhắc hoặc chưa dám dũng cảm nhìn nhận, đào bới nó trên bình diện toàn xã hội, trong mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, thể thao… mà thôi. Thật ra, nó đã là thứ căn bệnh thâm căn cố đế từ nhiều chục năm nay. Khi kinh tế khá lên một chút, nó càng có cơ hội lan rộng. Nếu so với vấn nạn tham nhũng, có khi nó còn nguy hại không kém, chưa dám nói là có thể nhiều lần hơn. Nó như một thứ virus thâm nhập vào cơ thể đất nước từ các cấp quản lý đến từng công dân ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, vị thế xã hội. Ta hãy thử nhận diện vấn nạn này ở một vài lĩnh vực. 

Thứ nhất, ở lĩnh vực giáo dục, căn bệnh thành tích là vô cùng trầm trọng, có nguy cơ làm hỏng cả một nền học vấn, làm băng hoại đạo đức của nhiều thế hệ bởi tệ gian dối, sa đọa về nhân cách của thầy và trò. Ở đây có sự đan xen giữa vấn nạn về cải cách giáo dục, chương trình sách giáo khoa, hệ thống giáo dục quốc dân… với vấn nạn về bệnh thành tích làm thành mớ bòng bong chưa biết khi nào gỡ được.

Tôi đã chán tay viết về nó, bởi từ 1996-2004 tôi đã viết hơn 100 bài kêu cứu và chất vấn (chỉ riêng 2 năm 2002-2003, trên báo Văn Nghệ Trẻ, tôi đã công bố gần 20 bài), nhưng vẫn như đấm vào bị bông, ném vào không khí, nên từ cuối năm 2004 dù có được đặt bài, tôi chỉ còn biết giơ tay chào thua mà thôi! (Anh bạn thân, GS Nguyễn Xuân Hãn, một người rất tâm huyết với giáo dục - đào tạo nhiều lần hờn trách tôi về điều này, tôi cũng đành chịu vậy). Trong một số bài trên Văn Nghệ Trẻ (“Giáo dục cải và… cách”, “Cần một Diên Hồng cho giáo dục - đào tạo”, “Đi tìm lời giải cho giáo dục từ góc nhìn công dân”, “Chân lý và ngụy biện”…) trên cơ sở số liệu, tôi gọi tên đích danh 5 ông bà Thứ trưởng, hay chất vấn đích danh ông Bộ trưởng, nhưng các vị vẫn phớt lờ không trả lời, thậm chí cho người ra vơ sạch các quầy báo thì tôi viết mãi làm gì thêm não lòng. Song, nay nhận diện vấn nạn bệnh thành tích thì tôi không thể không đưa ngành giáo dục lên hàng “top ten”.

Mùa thi năm 2003, tôi là người đầu tiên công bố đầy đủ các phổ điểm tổng 3 môn thi CĐ-ĐH của thí sinh cả nước chỉ đạt cực đại ở 8 điểm, có sự suy giảm theo chiều từ Bắc vào Nam, đặc biệt các tỉnh Nam Bộ chỉ đạt cực đại ở 2-4 điểm. Phổ điểm của từng khối thi, từng tỉnh, từng trường trung học phổ thông còn cho thấy nhiều nơi học sinh trường chuyên thi kém trường ngoài vì chạy theo thành tích luyện “gà nòi” nên học lệch. Vậy mà 64 tỉnh thành đều đạt thành tích học sinh tốt nghiệp phổ thông từ 90% trở lên (?!) Vậy mà người ta vẫn cứ thi nhau hạ điểm chuẩn ở các trường CĐ-ĐH để hoàn thành chỉ tiểu tuyển sinh (?!) Vẫn căn bệnh thành tích, trong buổi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội năm đó, ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã dõng dạc khẳng định chất lượng học sinh phổ thông cơ bản là tốt và ông dẫn ra hàng loạt số liệu thành tích học sinh đoạt giải quốc tế, số sinh viên đạt điểm xuất sắc tại 2 trường ĐH lớn của Úc. Thế nên tôi đã có ngay bài “Chân lý và ngụy biện” với hàng loạt con số, sự kiện để chất vấn và phản bác lại những lời ngụy biện ấy trên Văn Nghệ Trẻ (4/2004). Tôi còn dẫn lời GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để minh xác điều tôi phản bác. Ông Chu Hảo dám đem cả học vấn và sinh mạng chính trị ra thế chấp mà khẳng định rằng nếu làm cuộc kiểm tra đột xuất, công khai, minh bạch thì chỉ có 28% học sinh nông thôn, 35% học sinh đô thị trên cả nước đạt tiêu chuẩn do chính Bộ GD-ĐT đề ra. Lại nữa, Bộ GD-ĐT lâu nay tuyên truyền về thành tích 64 tỉnh thành đạt phổ cập Tiểu học và hiện đang có rất nhiều tỉnh thành đạt phổ cập Trung học cơ sở, thậm chí Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang phấn đấu phổ cập Trung học phổ thông. Thế nhưng trong một bài báo khác, tôi chất vấn ông Bộ trưởng rằng tại sao năm 2004 ta phải vay Ngân hàng Thế giới 245 triệu USD để triển khai chương trình xóa mù chữ trở lại và phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi cho các tỉnh, huyện vùng sâu vùng xa? Đành rằng tiêu chuẩn phổ cập Tiểu học của thế giới vẫn cho phép một tỷ lệ học sinh không đúng độ tuổi, song không thể lớn, vậy phải chăng thành tích lâu nay là ảo? Đương nhiên lời chất vấn này cũng rơi vào im lặng. Trong giáo dục ĐH và sau ĐH, bệnh thành tích cũng đã, đang làm suy thoái nặng nền học vấn nước nhà. Chúng ta chạy theo thành tích tăng số lượng sinh viên từ năm 1986 đến năm 2004 lên 20 lần, nhưng số thầy chỉ tăng chưa được 2 lần; còn về số trường ta cố đạt thành tích tăng từ 103 trường lên 240 trường, nhưng rất nhiều trường cơ sở vật chất không bằng một trường phổ thông như Chu Văn An (Hà Nội), Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Lê Hồng Phong hay Nguyễn Thị Minh Khai (TP Hồ Chí Minh). Tệ hơn, có những trường đại học dân lập ra đời đã 10 năm vẫn chưa có nổi cơ ngơi đàng hoàng, cố định, phải đi thuê mặt bằng hết nơi này, nơi khác. Chúng ta đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ theo chỉ tiêu duy lý, dẫn đến các trường chạy theo thành tích hoàn thành chỉ tiêu đã đào tạo nên một số lượng vài chục ngàn chuyên gia rỏm bằng mọi giá chỉ trong 10 năm, để rồi họ bỏ nghề hoặc không ra nổi một công trình nghiên cứu có ý nghĩa cho đất nước, nói gì đến cống hiến cho nhân loại. Điều vô cùng nguy hiểm là căn bệnh thành tích bấy lâu nay đã lan truyền trong ngành giáo dục-đào tạo, thành thứ dịch còn khó dập hơn cả cúm H5N1 như: cấp Trường báo cáo láo cấp Sở, cấp Sở gian dối với cấp Bộ, thầy nâng điểm - trò mua bằng, thầy thả lỏng cho trò quay cóp - trò hoặc phụ huynh của trò mặc cả với thầy trước mỗi kỳ thi… Hình ảnh thầy trong mắt trò ngày càng xấu đi đến mức thảm hại, còn trò thì nuôi dưỡng thói gian dối từ khi ngồi ghế nhà trường, tất sau này không ít em sẽ thành công dân phế phẩm của xã hội văn minh, tàn hại đất nước, làm tan vỡ cả hạnh phúc gia đình. Điều này tôi đã cảnh báo từ năm 2000, trong tác phẩm văn học “Bằng giả… Người giả” (Báo Văn Nghệ 21/4/2000).

Thứ hai, ở lĩnh vực kinh tế, bệnh thành tích tiềm ẩn nỗi lo phát triển không bền vững. Ta có thể gặp ở bất cứ đâu trên đất nước còn nghèo túng những công trình kém chất lượng vì tham nhũng và cả vì những đợt thi đua hoàn thành gấp rút công trình lập thành tích nhân dịp ngày lễ, nhân dịp đại hội Đảng…

Trước cửa nhà tôi là con đường Lê Văn Lương. Năm 2003, nhân dịp chào mừng SEA Games 22, người ta gấp rút san ủi, rải nhựa đoạn từ cầu Hòa Mục đến ngã tư giao cắt đường 361, tập trung vật tư nhân lực làm thông 3 ca để kịp thông cầu, thông đường. Oái oăm thay, SEA Games 22 vừa kết thúc chưa đầy 1 tuần thì họ ủi sạch bong, đào bới một con mương ngầm, rồi nắn đường, làm lại toàn bộ đoạn này. Cách đó không xa, lập thành tích chào mừng ngày 10/10/2001 và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp ở Hà Nội, đọan đường cao cấp trên đại lộ Nguyễn Chí Thanh từ ngã tư Vĩnh Hồ đến ngã tư đường Láng chỉ loáng trong ít ngày vừa giải tỏa vừa san ủi, trải nhựa, lắp đặt đèn cao áp, xây bồn hoa làm chỉ giới thật đẹp… đều hoàn thành mỹ mãn. Hai ngã tư lớn, mật độ xe cộ dày thiếu hẳn hệ thống đèn chỉ báo giao thông nên tắc xe thường xuyên, rồi hệ thống cáp quang và nhiều công trình ngầm khác chưa có, nhưng không sao, lập thành tích cái đã, qua ngày lễ trọng, chờ 1-2 năm sau sẽ lại đào lên mà lắp đặt càng hay, lại thêm một dịp nữa lập thành tích nhân dịp gì gì đó, tiền là tiền dân, sức cũng là sức dân, vô tư đi. Gần đây, tốn nhiều bút mực, xôn xao dư luận về bệnh “thành tich nhân dịp” là các công trình: Tượng đài kỷ niện 50 chiến thắng Điện Biên tốn 57 tỷ vừa làm đã sụt. Tượng đài và công viên Hoàng Quốc Việt ở thị xã Bắc Ninh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông xảy ra sự cố đổ 30 mét tường 1 ngày trước lễ khánh thành nên không có người chết, nhưng cũng tốn tiền tỷ. Đặc biệt, tượng đồng vua Lý Thái Tổ nhân dịp 995 năm Thăng Long - Hà Nội cũng vì chạy theo thành tích, đốt cháy thời gian nên không kịp thẩm định kỹ càng, chỉ khi dựng lên rồi ai qua cũng ngỡ ngàng vì thấy vua nước mình đội mũ thiên tử triều Tống. Những tượng đài khác có hư hỏng thì mang tiền dân ra sửa được, còn tượng vua Lý kia nên phá đi đúc lại hay cứ đành để đó giữa công viên bên hồ Hoàn Kiếm, với nỗi nhục muôn đời cho con cháu ta hứng chịu?

Ta mới chỉ điểm qua vài công trình cụ thể trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, kiến trúc đã thấy vấn nạn thành tích có sức phá hoại ghê gớm. Nếu phóng tầm mắt nhìn toàn cục cả nền kinh tế, ta lại càng ghê sợ tác hại của căn bệnh này gấp bội. Trong khoảng 10 năm (1991-2000) vì chạy theo thành tích đạt chỉ tiêu 1 triệu tấn đường/năm, nhiều địa phương đua nhau đầu tư nhà máy đường hiện đại bằng ngân sách và vốn vay nước ngoài một cách vội vã, dẫn đến thua lỗ, phá sản, đẩy hàng chục vạn nông dân vào cảnh thiếu đói, hàng nghìn công nhân không có việc làm. Cũng như vậy, ở ngành xi măng, ta đưa ra chỉ tiêu 12 triệu tấn/năm nên khoảng 1990-1994 đã dấy lên phong trào đầu tư nhiều nhà máy xi măng theo công nghệ lò đứng lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, không tiêu thụ được, gây ô nhiễm môi trường để rồi tiền của dân thành đống sắt vụn, để thì thương vương thì tội. Nhiều khi bệnh thành tích biến tướng thành tệ gian dối trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô không chỉ hao tốn tiền bạc mà còn gây ra nỗi thống khổ cho người dân khôn lường. Khi tham gia đề tài điều tra đời sống nông thôn Bắc Việt Nam giai đoạn 1954- 1975, tôi còn giữ lại được nhiều số liệu và sự kiện về nỗi thống khổ của nông dân Thái Bình, do bệnh thành tích thời đó. Đơn cử như phong trào 5 tấn thóc/ 1 Ha xuất phát từ hợp tác xã Vũ Thắng, huyện Vũ Thư vốn đã là thành tích ảo, nhưng hàng loạt hợp tác xã khác trong tỉnh cứ hùa theo năng suất đó báo cáo lên để lấy thành tích. Thời đó, Nhà nước định mức thu mua lương thực theo sản lượng và năng suất của hợp tác xã báo cáo lên. Một khi đã báo cáo gian dối thì đương nhiên định mức thu mua lương thực sẽ tăng và Ban quản trị không còn cách nào khác là cấu thêm vào cót thóc vơi toen hoẻn của dân để nộp cho đủ. Kết quả dân đói càng thêm đói triền miên năm này qua năm khác, còn cán bộ được thành tích, thăng quan tiến chức. Tréo ngoe ở chỗ khi đã biết rõ sự thật, nhưng bộ máy tuyên truyền đã trót thổi lên thành phong trào rầm rộ thì thay vì trừng trị kẻ gian dối, người ta lại tập trung giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, máy kéo, máy cày, kỹ sư nông nghiệp ưu tiên đầu tư về cho riêng hợp tác xã Vũ Thắng làm tủ kính để khách nước ngoài và các địa phương ở chiến trường miền Nam tham quan mô hình ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Một con đường nhựa thẳng tắp, chuyên dùng đón khách (thời đó ở nông thôn là cực hiếm) được mở từ quốc lộ vào đến tận cửa văn phòng Ban chủ nhiệm, nơi quanh năm dựng rạp tiệc tùng thết khách tham quan, giữa lúc nhiều nơi trong tỉnh nông dân đói dài. Thế nên khi đọc báo Thanh Niên số ra ngày 6/12/2005, ngoài mấy bài phê phán bệnh thành tích làm hỏng nền bóng đá, kéo lùi cả nền thể thao nước nhà so với nhiều nước Đông Nam Á, tôi rất tâm đắc với bài “Bệnh thành tích đã lan rộng” của tác giả Ngọc Minh trên mục “Chào buổi sáng”. Tác giả đã báo động cho tôi và cộng đồng: Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra ở các đại hội đảng bộ của hầu hết các địa phương (11-12%) đều cao hơn chỉ tiêu của quốc gia đang phải vật lộn trầy da tróc vẩy mới mong duy trì được (8%). Từ thực trạng ép số chạy theo thành tích này, tác giả Ngọc Minh lo ngại rồi sẽ dẫn đến chỉ số tăng trưởng GDP thuộc hàng top ten lớp trên nhưng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam sẽ thuộc top ten tính từ dưới lên so với thế giới. Nếu điều cảnh báo của Ngọc Minh thành sự thực thì thật là thảm họa! 

Thứ ba, trong lĩnh vực thể thao, chỉ cần nhìn vào SEA Games 22 và 23 đã thấy vấn nạn nhãn tiền. Trở lại với nỗi buồn giấc mộng đổi mầu huy chương bóng đá vừa sụp đổ, sao ta không tự biết mình thua họ về đẳng cấp ở các câu lạc bộ và đội tuyển. Muốn lật đổ người Thái ở cái vùng trũng bóng đá Đông Nam Á, Việt Nam phải bắt đầu từ khâu đào tạo bóng đá trẻ, lành mạnh hóa các giải đấu trong nước, cải tổ triệt để VFF. Từ 10 năm nay (1996- 2005) ta chỉ nhắm tới chiếc huy chương vàng SEA Games, Tiger Cup bằng việc chọn cầu thủ ở các câu lạc bộ theo kiểu so bó đũa chọn cột cờ, thay huấn luyện viên ngoại như cơm bữa, hỏi làm sao thành công? Đã thế, căn bệnh thành tích còn khiến gần 50 trọng tài và nhiều quan chức bóng đá sắp phải hầu tòa vì tội đưa, nhận hối lộ, làm sai lệch kết quả các trận đấu, hỏi làm sao có bóng đá sạch? Nhìn rộng ra toàn nền thể thao nước nhà, ta lại thấy Ủy ban Olympic Quốc gia chỉ nhăm nhắm đầu tư nhiều vào các môn võ thuật có hy vọng tăng số huy chương ở các kỳ SEA Games, quên đi cái gốc cơ bản là điền kinh. Nhìn lại thành tích đứng đầu khu vực ở SEA Games 22 do ta là nước chủ nhà, thử hỏi có bao nhiêu huy chương ở các môn điền kinh? Ít lắm! Cũng theo một bài báo trên tờ Thanh Niên số ra ngày 6/12/2005, tại SEA Games 22 ta tốn cỡ 200 triệu USD cho thành tích 100 huy chương vàng, tính ra cỡ 2 triệu USD cho 1 huy chương, một con số thèm khát cho biết bao vận động viên điền kinh nước nhà từ số lẻ của cục tiền mua danh hão đó. Mục tiêu cao cả của phong trào Olympic thế giới là một dân tộc khỏe mạnh, đất nước sẽ phú cường, gia đình sẽ hạnh phúc, tâm hồn mỗi cá nhân con người sẽ lành mạnh và nhờ thế hành tinh này mới ấm nồng tình hữu nghị giữa các dân tộc. Bởi vậy điền kinh mới đích thực là hồn cốt của mỗi kỳ Olympic, vì nó mô phỏng mọi họat động sinh lý của cơ thể con người từ thời tiền sử đến thời hiện đại. Bóng đá cũng rất cần kỹ năng ở nhiều môn điền kinh. Việt Nam muốn hội nhập với thể thao thế giới phải coi trọng đầu tư cho điền kinh đúng mức. Thiết yếu hơn, vì điền kinh mới tạo ra cho dân tộc những thế hệ công dân khỏe mạnh toàn diện và bóng đá cũng mạnh lên nhờ thế hệ công dân mạnh khỏe để mà nuôi hy vọng “lật đổ” người Thái, tiến vào đấu trường châu lục và World Cup trong một tương lai gần.

Cám ơn SEA Games 23! Cám ơn nỗi buồn bóng đá SEA Games! Cám ơn cô gái dũng cảm Nguyễn Thị Hương đã một mình chống lại cả tập thể quan chức Olympic quốc gia, khi họ vì bệnh thành tích ép cô phải vào nhóm chạy ở cự ly không hợp sở trường. Dù bị loại khỏi đội tuyển, nhưng cô vẫn âm thầm bền bỉ tập luyện trên đường chạy đầy xỉ than ở Thái Nguyên để rồi quay lại tham gia đoàn thể thao Việt Nam, trở thành nữ hoàng điền kinh SEA Games 23, trên đường đua tốc độ sở trường 100 mét nữ. Chính Hương, cô gái vàng thể thao việt Nam dũng cảm đã gợi ý tôi, từ sự kiện SEA Games 23, suy gẫm và nhận diện một vấn nạn mới mà không mới của sự phát triển - Bệnh thành tích trên bình diện xã hội.

Hà nội 6/12/2005
Vũ Ngọc Tiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn