BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Điều tra đời sống nông thôn Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975

28 Tháng Năm 199912:00 SA(Xem: 2453)
Điều tra đời sống nông thôn Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Phần III



III. Giai đoạn 1966-1975: Nguồn lực vô tận của chiến tranh

1. Nông dân là quân chủ lực

“Nông dân là quân chủ lực, đội quân hùng cường, không có nông dân thì kháng chiến ta không hề thành công”- đó là đoạn ca từ mở đầu cho một bài hát tuyên truyền thời kháng chiến chống Pháp. Thế hệ chúng tôi khi hòa bình mới được lập lại (1954), tuổi còn thiếu nhi, nhưng cũng được tập hát ra rả suốt ngày. Thời gian qua đi, không còn mấy ai thuộc lời, nhớ tên tác giả bài hát tuyên truyền ấy nữa. Chỉ khi điều tra về đời sông nông dân thời chiến (1966-1975), bỗng nhiên tôi nhớ lại câu đầu của bài hát và nó cứ vang vọng ám ảnh tôi mãi.

Ở miền Bắc, những người lính đi B đầu tiên vào năm 1959 là người miền Nam tập kết, do ông Võ Bẩm dẫn đầu, khai sinh ra đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn. Tiếp sau đó, vào năm 1962 trở đi, những chàng trai trẻ nông thôn miền Bắc ở mọi miền quê tấp nập ra trận, đông nhất là nông dân các tỉnh Thái Bình, Hà Tây, Hà Bắc cũ. Thanh niên Hà Nội và các thành phố đi B không nhiều, chủ yếu vào những năm 70. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, năm 1993, cả nước có 1,4 triệu thương binh và gia đình liệt sĩ, trong đó 84,7% là người miền Bắc, bị thương hoặc hy sinh thời chống Mỹ. Con số ấy vẫn còn xa với sự thật vào năm 1975, bởi đến thời điểm 1993, có nhiều trường hợp thân nhân liệt sĩ đã chết, gia đình không còn được hưởng chính sách, hoặc khi người thương binh qua đời thì các chế độ của họ cũng hết, không nằm trong sự theo dõi của Bộ nữa. Ở bất cứ chế độ chính trị nào, người nông dân Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử luôn phải chịu nhiều thua thiệt nhất về quyền lợi, nhưng khi có chiến tranh, họ lại là nguồn lực vô tận về sức người, sức của. Với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, làng quê miền Bắc vắng bóng các trai làng, phụ nữ khỏe mạnh cũng đi thanh niên xung phong, nhất là các cô thanh nữ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lương thực ùn ùn chở về kho Nhà nước theo chế độ thu mua bắt buộc. Các hợp tác xã thiếu hụt lao động nghiêm trọng, khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai” ra đời trong hoàn cảnh đó.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, những hiện tượng quản lý kinh tế lỏng lẻo, quan liêu, độc đoán, chuyên quyền và tham ô, lãng phí của ban chủ nhiệm hợp tác xã có điều kiện bùng phát. Khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai” được nông dân diễn nôm thành ca dao truyền khẩu:

Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà, liên hoan.

Phải thừa nhận mô hình kinh tế Stalin ở nông thôn đã phát huy hiệu quả tuyệt vời trong thời chiến về việc huy động sức người, sức của cho mặt trận. Mặt tiêu cực của nó âm ỉ lan rộng, nhưng lại bị nhòa lấp bởi khí thế cách mạng, lòng yêu nước và sự nhẫn chịu phi thường của những người nông dân thuần phác.

2. Đời sống thời chiến qua số liệu thống kê

Ở Bắc Việt Nam những năm chiến tranh có 2 cách để xem xét giá trị đồng tiền là giá gạo và giá vàng. Lấy giá cả năm 1959 làm chuẩn thì giá gạo và giá vàng những năm chiến tranh biến động như sau:

Năm 1959 giá gạo quê là 0,65 đồng/1kg, giá vàng là 55-60 đồng/1 chỉ.

Các năm chiến tranh giá cả tương ứng:

Năm 1966 là 0,70-0,80 đồng và 75-80 đồng.
Năm 1970 là 0,85-0,90 đồng và 90-100 đồng.
Năm 1974 là 0,95-1,00 đồng và 110-120 đồng.

Như đã trình bày ở Bài 1 (phần III, mục 3), do chiến tranh, vật phẩm khan hiếm, giá cả tăng, Nhà nước liên tục tăng lương cho khối cán bộ công nhân viên trong biên chế bằng việc lạm phát tiền, đẩy khó khăn này về cho nông dân. Thật vậy, khi đồng tiền lạm phát, lẽ ra giá gạo và giá vàng tăng đều nhau, nhưng trên thực tế, chỉ có năm 1966 (bắt đầu cuộc chiến) diễn biến như vậy, còn các năm sau giá vàng tăng mạnh hơn giá gạo. Kết quả là thu nhập của người hưởng ngân sách được giữ vững, nông dân chịu thua thiệt, và kẻ hưởng lợi là những người giàu ở đô thị (lớp người này thời đó không đông, chưa đại diện cho một giai tầng xã hội như thời đổi mới hiện nay). Động thái khôn ngoan và rất tinh vi này chỉ có thể thực hiện trong mô hình kinh tế Stalin. Đi sâu vào phân tích số liệu thống kê ta sẽ càng thấy rõ.

Năm 1966, thu nhập bình quân đầu người/tháng của nông dân bằng tiền là 13,54 đồng, nhưng theo giá cả sinh hoạt năm1959 chỉ còn là 11,4 đồng. Tương ứng các năm sau:

Năm 1968 là 14,86 đồng và 10,6 đồng.
Năm 1970 là 15,69 đồng và 12,3 đồng.
Năm 1972 là 16,96 đồng và 13,1 đồng.
Năm 1974 là 18,68 đồng và 14,1 đồng.

Về cơ cấu thu nhập của nông dân giai đoạn này cũng có nhiều biến động lớn, cụ thể:

Trước chiến tranh (1961-1965), thu nhập từ hợp tác xã trung bình là 40,39%, thu nhập từ ruộng 5% là 51,30%, thu nhập từ các nguồn khác (chạy chợ, làm thêm nghề thủ công, làm thêm ngoài thị trấn, thị xã thành phố….) là 8,31%. Thời kỳ chiến tranh, tôi chia thành 2 giai đoạn với các số liệu tương ứng:

1966-1970: 34,53%, 54,48% và 10,99%
1971-1975: 35,45%, 52,40% và 12,15%

Chia 2 giai đoạn theo mức độ ác liệt của chiến tranh đất đối không ở miền Bắc, đồng thời so sánh nó với cơ cấu thu nhập trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ta càng thấy rõ mức độ thua thiệt của nông dân. Trước chiến tranh, Nhà nước thông qua cơ chế hợp tác xã, dùng chính sách thu mua nông sản giá thấp, bán hàng công nghiệp giá cao, để huy động vốn cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Động thái này cộng với yếu kém trong quản lý hợp tác xã khiến thu nhập của xã viên trong hợp tác xã chỉ đạt 40,39%. Bước vào chiến tranh, người nông dân vẫn tiếp tục phải chịu thiệt thòi trong cơ chế ấy. Mặt khác, họ phải san sẻ thu nhập cho các gia đình có con em đi chiến trường, cho các đội dân quân trực chiến ở địa phương, cho bộ phận phi sản xuất của hợp tác xã ngày càng phình to ra… Vì vậy thu nhập từ hợp tác xã trong giai đoạn chiến tranh ác liệt chỉ đạt 34,53%, đến giai đoạn sau có khá lên một chút, đạt 35,45%. Chúng tôi tách thu nhập ngoài hợp tác xã ra thành 2 phần để thấy ngoài ruộng 5% ra, phần thu nhập khác nhờ bươn bả kiếm sống cũng tăng dần lên qua 3 giai đoạn. Sức chịu đựng và khả năng thích ứng của nông dân miền Bắc thật phi thường!

Tóm lại, số liệu thống kê đã chứng minh rằng chính sách tiền tệ và giá cả của Nhà nước thiên về ưu tiên cho khối hưởng lương biên chế (trong đó bao gồm rất nhiều sĩ quan quân đội và công an), cộng với những điều phân tích về xã hội nông thôn thời chiến vừa nêu, mới chính là nguồn gốc sâu xa, to lớn của nỗi khổ mà nông dân thời chiến phải gánh chịu. Trên văn đàn và các cuộc hội thảo kinh tế học, xã hội học, một số văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tự vỗ ngực mình là người cấp tiến, đã quá thổi phồng mặt tiêu cực của mô hình quản lý hợp tác xã và hệ thống chính quyền cơ sở ở nông thôn, coi đó là nguyên nhân chính của mọi nỗi thống khổ, là chưa công bằng và chuẩn xác. Thật ra, mọi sự tham ô, lãng phí, độc đoán, chuyên quyền ở nông thôn là có nhưng không lớn. Nó nhiều lắm cũng chỉ là những cuộc chè chén, thu vén cho riêng mình ngôi nhà ngói, sân gạch, bể nước, cái đài, cái xe… Công bằng mà nói, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở nông thôn có công hơn là có tội. Một chút thất thoát ấy cũng không đáng là bao so với khối lượng huy động khổng lồ về sức người sức của cho mặt trận mà họ đã hoàn thành một cách xuất sắc hơn ở bất kỳ một cuộc chiến tranh hiện đại nào trên thế giới. Việc làm của họ, nếu so sánh với sự tham nhũng, lãng phí thời kỳ đổi mới hiện nay lại càng nhỏ bé, như hạt cát so với quả núi. Thật vậy, chỉ cần một nhóm quan chức địa phương hôm nay ở nông thôn tham ô vài miếng đất tại khu vực có triển vọng đô thị hóa là họ có thể chia nhau bỏ túi hàng triệu, thậm chí chục triệu, trăm triệu USD dễ như trở bàn tay. Một cuộc nhậu nhẹt hay ăn chơi xả láng của họ cũng đủ xây vài ngôi nhà tình nghĩa cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng ở các làng quê hẻo lánh.

Đời sống nông dân về y tế, giáo dục và văn hóa, nghệ thuật bạn đọc có thể tham khảo Bài 1 (phần III, mục 3) hay phụ lục kèm theo, gồm các biểu đồ, bảng thống kê. Ở đây chỉ nhấn mạnh một điểm, do chiến tranh nên có vài năm việc tuyển sinh vào đại học không qua thi, nhờ đó con em nông dân, nhất là ở Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, có nhiều cơ hội học lên cao. Bước vào đổi mới, thế hệ trí thức xuất thân từ nông thôn trong giai đoạn này nhiều người là giáo sư, tiến sĩ hay cán bộ quản lý cấp cao. Đó cũng là một nét độc đáo của Việt Nam trong thế kỷ văn minh và hội nhập với cộng đồng thế giới.

3. Đời sống thời chiến qua điều tra, phỏng vấn

Trước khi ngồi viết lại phần này, tôi thắp nén nhang tưởng nhớ người bạn tâm giao, anh Lưu Xuân Viện, nhà ở phố Cửa Bắc-Hà Nội, quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình. Năm CCRĐ, cha và ông nội của anh đều bị quy sai là địa chủ cường hào ác bá. Có lẽ vì vậy nên anh say mê nghiên cứu về CCRĐ và tình hình nông thôn miền Bắc. Là kỹ sư, công tác ở Bộ Điện than cũ, nhưng anh Viện am hiểu các môn khoa học xã hội. Chúng tôi đôi khi có dịp đàm luận với nhau suốt đêm về văn học, triết học, mỹ học, xã hội học, lịch sử… Anh giao du rộng với nhiều nhà văn, nhà báo và nổi tiếng trong số họ là người cao đàm khoát luận. Tôi vốn sinh ra trong một gia tộc lâu đời ở Hà Nội nên kiến thức về nông thôn còn rất hạn chế, chính anh là người giúp tôi hiểu về nông thôn. Nếu anh còn sống chắc sẽ bổ sung cho bài viết lần này của tôi nhiều điều lý thú (anh Viện mất năm 2003 vì bạo bệnh).

Một may mắn khác nữa là tôi được quen biết qua công việc với ông Hồ Đắc Hoài. Ông Hoài là chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học lão thành về dầu khí. Khi tôi kể với ông về dự định nghiên cứu của tôi và khó khăn trong mảng nông thôn, ông khuyên tôi nên đi tìm các nhân chứng là công nhân, kỹ sư dầu khí của Liên đoàn địa chất 36, tiền thân của Tổng Công ty dầu khí hiện nay. Để tìm kiến thăm dò dầu khí, suốt từ năm 1962-1976, họ đã “cày nát” các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phụ cận (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng). Nhờ thế tôi có nhiều thông tin từ họ. Những người này hiện nay họ sống ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… Xin cám ơn vong linh anh Lưu Xuân Viện, cám ơn nhà khoa học lão thành Hồ Đắc Hoài!

Đời sống nông dân thời chiến có lẽ được thể hiện đầy đủ, rõ nét nhất ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ở các nơi này, phong trào hợp tác xã cấp cao diễn ra nhanh, mạnh, và triệt để nhất. Trong chiến tranh, đây cũng là vựa lúa và nguồn nhân lực chủ yếu cho chiến trường miền Nam. Do đặc thù của chiến tranh nên nhiều nơi ban chủ nhiệm hợp tác xã đảm nhận cả một số chức năng của chính quyền xã, như vấn đề tổ chức và chu cấp kinh phí cho các hoạt động từ văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đến tuyển quân, tổ chức dân quân trực chiến và mạng lưới an ninh nông thôn. Ông đội trưởng sản xuất gần như đảm đương cả chức vụ trưởng thôn, trưởng xóm. Sau lũy tre làng, người quyết định đời sống nông dân thông qua số lượng, giá trị ngày công và phân phối nhu yếu phẩm (dầu hỏa, đường, vải, quần áo may sẵn, giấy viết học sinh, khăn mặt, xà phòng…) là ông đội trưởng và ông thư ký đội. Việc xác nhận lý lịch cho đi học, đi “thoát ly” cũng phải do ông đội trưởng viết rồi mới chuyển lên cho Ủy ban Nhân dân xã ký và đóng dấu.

Ông NVT, sinh năm 1959, quê huyện Tiền Hải-Thái Bình, hiện đang sống ở Hà Nội, kể:

“Anh tôi sinh năm 1948. Năm 1967 Liên đoàn địa chất 36 cử người về làng tuyển công nhân khai thác dầu khí, nhưng vì gia đình tôi có hiềm khích với ông đội trưởng nên bị ngăn cản. Chuyện là hai nhà liền rào nhau, con gà mái nhà tôi đẻ lang sang chuồng nhà bên ấy, họ lấy trứng ăn bị mẹ tôi chửi bới suốt mấy ngày. Từ đó ông đội trưởng rất thù mẹ tôi, phê vào lý lịch anh tôi rất xấu. May nhờ có một ông tuyển người tốt bụng, biết chuyện mâu thuẫn, thuyết phục ông đội trưởng viết lại cho nhẹ đi. Anh tôi giờ đã học thêm đại học tại chức, làm kĩ sư ở một giàn khoan trên biển Côn Sơn, sống tại Vũng Tàu.”

Mức sống nông dân trước hết thể hiện qua bữa ăn thường nhật. Nhìn chung, có một ưu điểm nổi bật trong những năm chiến tranh là không có ai bị chết đói, nhưng khẩu phần ăn thì hết sức đạm bạc. Lương thực chính là gạo chỉ đủ ăn 7-8 tháng trong năm, ngay cả vùng quê 5 tấn Thái Bình (sản lượng 5 tấn thóc/ 1 ha- năm) cũng chỉ đủ gạo ăn 8.5- 9 tháng là cùng. Những tháng giáp hạt, lương thực chính là ngô, khoai, dong riềng. Đôi chỗ ở Thái Bình như các huyện Tiên Hưng, Vũ Tiên, Hưng Nhân, Duyên Hà vì gạo ít, không đủ nhiệt làm chín thức độn, nên có nhiều nhà ăn cháo kèm với ngô luộc, khoai luộc hoặc củ đậu ăn sống, kéo dài suốt 3 tháng liền. Có lẽ vì thế nên ở thị xã Thái Bình có nhà máy xay xát rất lớn, dân gian gọi chệch đi là “nhà máy cháo”. Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân thời đó có câu “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình…”, bị lũ trẻ học trò tinh nghịch hát trẹo đi thành “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai ninh cháo quê ở Thái Bình…” Giai điệu bài hát nghe giống như tiếng gõ đũa vào thành bát chờ cơm của các chàng trai trẻ háu đói. [Không ngờ gần đây, khi nhà báo Nguyễn Phú Cương đi viết bài về chân dung nghệ sĩ Hoàng Vân, được nghe ông kể: “Năm ấy tôi cùng một nhóm văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác ở Thái Bình, đói lắm. Cả đoàn thường phải ngồi chờ cơm ở bếp ăn tập thể của cơ sở có khi tới hàng giờ. Ngồi buồn, anh em vừa gõ bát vừa tán dóc đủ thứ chuyện. Âm hưởng của tiếng gõ bát cứ lặp đi lặp lại, nghe vui tai, làm tôi chợt nảy ra ý tưởng lấy nó làm giai điệu chính, sáng tác bài hát về quê hương 5 tấn…”]

Thực phẩm trong bữa ăn chủ yếu là rau muống, rau dền, rau lang, rau má. Nước chấm thường là tương, mắm tôm, mắm cáy, mắm cua. Ngay cả những xã ven biển làm ra nước mắm chỉ để cung cấp cho Nhà nước phục vụ dân đô thị và cán bộ công nhân viên trong biên chế, phần để lại dùng rất ít, chờ khi có khách hoặc giỗ tết mới mang ra dùng. Các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng và trứng phải mang ra chợ huyện bán để mua giấy bút, quần áo cho con đi học. Lợn nuôi được phải bán cho Nhà nước theo chỉ tiêu bắt buộc phân về từng hợp tác xã, đến lượt hợp tác xã lại phân về hộ gia đình. Trâu bò tuyệt đối cấm giết mổ để bảo vệ sức kéo. Mì chính là thứ gia vị đánh lừa cảm giác trong bữa ăn thiếu đạm, thời đó ở nông thôn rất quý hiếm. Những chàng công nhân trẻ, láu cá của Liên đoàn 36 tìm kiếm dầu khí mỗi tháng được cấp 2 gói mì chính (loại 25 gram/1 gói), thường không ăn mà để dành, thủ sẵn trong túi áo. Chờ đợt đi dã ngoại đo máy, các chàng nhắm các cô gái xinh đẹp lân la tán tỉnh. Khi đã bén gót được cửa nhà nàng, họ kính biếu thầy u cô gái 1 gói mì chính, liền được “các cụ” quý như vàng.

Đời sống kham khổ quanh năm, muốn có bữa ăn tươi, có thịt, có cá, có rượu, người nông dân thuần phác chỉ biết trông chờ vào các dịp giỗ tết, cưới hỏi, ma chay hoặc các bữa liên hoan tập thể. Mâm cỗ ở nông thôn thời đó phổ biến là thịt lợn luộc, canh khoai sọ nấu xương, rau các loại xào với thịt băm nhỏ hoặc lòng lợn. Thịt gà, măng, miến chỉ có ở mâm cỗ các gia đình cán bộ hoặc có con đi học nước ngoài. Ở nhiều nơi, nhất là Hà Bắc, Hải Hưng, Ninh Bình, thịt lợn luộc là món sang nhất mâm cỗ lại thường không bày vào đĩa mà đựng trong lá sen hay lá chuối thật to. Phụ nữ ngồi vào mâm không ai dám đụng đũa, đợi lúc đứng lên họ xé tầu lá chia đều cho từng người đem về cho con.

Cũng một kiếp người nhưng đôi khi quá nghèo, miếng ăn là miếng nợ. Mâu thuẫn giữa cộng đồng nhiều khi xuất phát từ nợ miệng mà ra, nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Ông NHT, sinh năm 1947, công nhân dầu khí, quê ở Hưng Yên, hiện sống ở TP. HCM, kể:

“Năm 1971, chúng tôi “đóng quân” ở một xã thuộc huyện Ninh Giang – Hải Dương để đo máy suốt 8 tuần, lại đúng vào mùa cưới. Cỗ cưới ở đây rất đơn giản, chỉ có thịt lợn luộc, 2 bát canh, 2 đĩa rau xào, nhưng phải làm cỡ 100 mâm trả nợ miệng cả làng. Lần ấy tôi đi dự đám cưới ở nhà ông L xóm 7 thôn Đình, đang vui vẻ thì có mấy người trèo tường vào đòi ăn cỗ. Họ cãi nhau ầm ĩ với gia chủ. Hóa ra năm trước nhà họ có đám cưới mời cả nhà gia chủ, nay gia chủ quên mời nên họ trèo tường vào đòi nợ!”

Tết Nguyên đán là ngày hết sức hệ trọng. Từ xã viên đến ban chủ nhiệm hợp tác xã đều phải tính toán, chuẩn bị từ vụ gặt lúa mùa vào tháng 10 âm lịch. Tiêu chuẩn mỗi hộ gia đình được chia từ 5-10 kg thịt lợn móc hàm (tính cả xương). Gạo nếp, đường, mật, đỗ, các gia đình rậm rịch chuẩn bị vài tháng trước Tết. Ba món ăn phổ biến trong ngày Tết là bánh chưng, thịt đông, vài cặp giò xào. Ở một số nơi người ta gói bánh chưng Tết làm 2 đợt vào 23 tháng chạp và 15 tháng giêng, mỗi đợt từ 20-30 cái, nhiều là 50 cái. Sự hào phóng trong những ngày Tết thật ra cũng là để bù đắp cho cả năm ăn uống đạm bạc mà thôi. Tuy nhiên, với bản tính lo xa, mỗi nhà khi làm cỗ đều cố gắng lọc thịt mỡ để dành khoảng 2 kg mỡ nước trong liễn sành treo trong buồng, dùng ăn dần tháng giêng, tháng hai. Tóp mỡ cũng cất đi để dành, đem nấu canh dưa hoặc xào với rau cải, su hào, mỗi bữa đôi thìa.

Ông NVG, công nhân đo từ và trọng lực ngành dầu khí, sinh năm 1944, quê ở Hải Phòng, hiện sống ở khu Nam Thành Công – Hà Nội, kể:

“Ở các vùng Yên Dũng, Quế Võ, Tiên Sơn (Hà Bắc) có 2 dấu hiệu để nhận biết năm ấy hợp tác xã cho xã viên ăn Tết to hay bé. Nếu ăn Tết to thì ngày mồng 3 hoặc 5 Tết, mỗi nhà còn dư thịt để nấu một nồi cháo thái - cháo bột nấu với xương, “cái” là bột gạo nếp nhào thật dẻo lẫn với thịt nạc rồi thái ra. Nếu ăn Tết bé do hợp tác xã khó khăn, mất đoàn kết hay mất mùa thì nồi cháo thái sẽ được thay bằng vài chục chiếc bánh khoai – khoai lang thái lát mỏng với ít tóp mỡ băm nhỏ làm nhân, gói trong vài lớp lá chuối khô rồi đem hấp, khi ăn bánh thấy sần sật, bùi và béo, cũng đỡ nhớ nồi cháo thái theo tục lệ cổ truyền.”

Có lẽ sự thiếu hụt thịt, cá trong bữa ăn thường nhật đã làm nảy sinh tệ nạn liên hoan, chè chén lu bù ở các hợp tác xã. Người ta tổ chức ăn liên hoan bằng đủ mọi lý do: đại hội xã viên, đại hội đảng bộ hoặc chi bộ, đại hội đoàn, đại hội phụ nữ, lễ ra quân, lễ tổng kết phong trào ba đảm đang, lễ sơ kết 6 tháng hay cả năm, lễ đón mừng các danh hiệu thi đua… Thậm chí có những bữa liên hoan phát động chị em đặt vòng tránh thai hay tổng kết chiến dịch phun thuốc trừ muỗi, tiêm chủng phòng bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh ho gà cho trẻ em cũng lu bù vài chục mâm.

Ông QTK, sinh năm 1942, cán bộ kỹ thuật Liên đoàn 36, hiện sống ở Gia Lâm-HN, kể:

“Đơn vị tôi đóng trụ sở ở thôn Bối Khê, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi- Hưng Yên gần 7 năm. Tính ra, riêng một năm 1968, cộng tất cả các cuộc liên hoan từ cấp đội sản xuất đến ban chủ nhiệm hợp tác xã, các đoàn thể chính trị, có tới trên dưới 100 cuộc. Liên hoan nhỏ thì mổ một con chó hoặc con lợn, còn to thì có khi đến cả chục con lợn, trăm con vịt. Người ăn đã đông, nhưng trẻ con trong làng đứng chầu chực để người lớn cho nắm xôi, miếng thịt còn đông gấp mấy lần.”

4. Phân hóa giàu nghèo sau lũy tre làng

Chỗ ở và tiện nghi sinh hoạt là bề nổi rõ nhất của sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn, bởi thời đó tiền hoặc vàng ở nông thôn rất ít. Có thể chia làm 3 đối tượng giàu nghèo khác nhau từ yếu tố quyền lực và sức lao động nhiều ít ở mỗi hộ.

Nhóm nhà giàu gồm có: cán bộ từ các đội trưởng, thư ký đội đến ban chủ nhiệm hợp tác xã; chánh phó chủ tịch xã và bí thư đảng ủy xã; nhà có con đi học nước ngoài hoặc có người làm việc trên huyện, trên tỉnh. Các gia đình này thường có nhà ngói 5 gian, 3 gian chính ở giữa, 2 buồng đầu hồi xây lồi ra 2m để đỡ lấy mái hiên của 3 gian chính. Nền nhà cao, đủ tam cấp (3 bậc). Sân gạch rộng chừng 60-100m2 với một bên là dãy nhà bếp, cối xay thóc, chuồng lợn, và một bên là giếng, bể nước, nhà tắm. Sau lưng nhà là vườn rau hoặc cây ăn quả, rộng chừng 1 sào đất. Chính giữa nhà là bàn thờ gia tiên, 2 bên là 2 cỗ phản gỗ tốt dày 6-8 cm. Rất ít nhà dùng giường gỗ kiểu Đức hoặc giường “mô-đéc” như ở thành phố. Bàn ghế tiếp khách thường là bộ trường kỷ bằng gỗ lim. Nhà nào khá giả hơn thì kê thêm một tủ chè khảm trai hoặc 1 tủ “buýp-phê”. Trên tường treo nhiều huân huy chương, bằng khen và khung ảnh. Mỗi nhà thường có 2 chiếc xe đạp, 1 chiếc đài bán dẫn của Liên Xô hoặc Trung Quốc. Như vậy, nhà giàu sau lũy tre làng thời đó mới chỉ dừng ở mức đủ ăn, đủ mặc, có phương tiện đi lại thô sơ và phương tiện giải trí, cộng với chút quyền uy mà thôi. Nhóm gia đình này chiếm khoảng 7-10% trong làng.

Ông LTC, sinh năm 1946, kỹ sư địa vật lý dầu khí, hiện công tác tại liên doanh VietsovPetro ở Vũng Tàu, kể:

“Hồi tôi đi thực địa ở Phố Tăng, huyện Tiên Hưng – Thái Bình (1970) để đo carotar lỗ khoan khoảng 1 tháng, có biết một chuyện kể ra ngỡ tiếu lâm hiện đại. Bà con ở đây kiểm điểm ông chủ nhiệm và bà kế toán hợp tác xã rất gay gắt về tội tham ô, hủ hóa. Thế nhưng khi bầu lại chủ nhiệm và kế toán cho khóa sau, họ vẫn bầu cho 2 vị ấy. Ông lãnh đạo huyện về dự đại hội xã viên hỏi: ‘Vì sao lại như vậy?’ Bà con đáp: ‘Chuyện hủ hóa thì bà kế toán có cái ấy, tùy bà ta giữ hay cho ai thì cho. Còn như chức chủ nhiệm và kế toán, chúng tôi thấy họ đã tham ô đủ nhà, xe, đài rồi, làm tiếp khóa nữa bất quá chỉ thêm vài bữa nhậu. Nếu bầu người khác họ lại cấu véo của tập thể mua đài, mua xe, xây nhà, còn tệ hơn’”.

Ông LTC nhận xét:

“Một ngôi nhà xây hồi đó cỡ 4.000 đồng, 2 cái xe và một cái đài cỡ 1.000 đồng. Tổng cộng tài sản tham ô hết 5.000 đồng. Xem ra mục tiêu và mức độ tham nhũng ở nông thôn thời chiến chưa lớn.”

Nhóm gia đình có mức sống trung bình ở nông thôn chiếm khoảng 50-60%. Chỗ ở của họ là ngôi nhà xây 3 gian hoặc 5 gian, nhưng hẹp và thấp. Vùng Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, nhà thường lợp ngói, khung nhà bằng gỗ xoan và tre ngâm. Ở vùng biển Thái Bình, Hà Nam Ninh dân ít lợp ngói mà lợp bằng cói rất dày. Nền nhà một số láng xi măng, còn một số chỉ đầm đất với tro thật đanh và phẳng. Sân gạch và bể nước to bằng khoảng một nửa nhà giàu. Ưu điểm nổi bật của nhóm này là có tới 90% gia đình có hố xí hai ngăn hợp vệ sinh. Chuồng lợn và bếp thường bố trí sau nhà hoặc sát đầu hồi. Bàn ghế tiếp khách có nhà dùng bộ trường kỷ, có nhà dùng ngay cỗ phản gỗ kê ở giữa nhà. Đối tượng thuộc các nhóm này là các nhà có nhiều lao động khỏe, có con cái đi “thoát ly”, vợ chồng hoặc con gái lớn thạo buôn bán ở các chợ quê. Rất ít nhà trong nhóm này có đài bán dẫn, còn xe đạp thường chỉ có một cái đã cũ. Ông LTC (đã dẫn) cho biết, ở Thái Bình, Hưng Yên cứ 30 nhà trong nhóm này mới có 1 chiếc đài bán dẫn Sông Hồng của VN lắp, 5 nhà có 1 chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng.

Nhóm gia đình nghèo chiếm 20-30%. Họ ở nhà tranh vách đất, không có sân gạch, bể nước. Đó là những gia đình ít lao động, gia đình địa chủ cũ bị ngược đãi, một số khác do chủ hộ ốm đau, bệnh tật hoặc có dị tật. Nhóm này tiện nghi sinh hoạt không có gì đáng giá.

Thay lời kết

Ta vừa xét đến sự phân hóa giàu nghèo sau lũy tre làng là do những yếu tố quyền lực, cơ may và số lượng lao động trong một hộ gia đình. Còn có một hiện tượng giàu lên theo đúng nghĩa của quy luật kinh tế thị trường, rất hiếm hoi, bắt nguồn từ sự bứt phá để thay đổi cơ cấu thu nhập vốn rất vô lý của mô hình hợp tác xã cấp cao. Như đã biết, thu nhập của nông dân từ hợp tác xã chỉ đạt khoảng 40%, số còn lại dựa vào nguồn thu từ ruộng 5% và thu khác. Cái nguồn “thu khác” ấy chính là sự vận động của quy luật kinh tế thị trường ngay trong mô hình kinh tế Stalin ở nông thôn. Vì vậy, thay cho lời kết, tôi sẽ đưa ra 2 câu chuyện làm ăn của ông NĐT (nhân chứng đã dẫn ở đầu bài viết). Nó mách bảo ta sức sống mãnh liệt của kinh tế thị trường, gợi nhiều điều suy gẫm.

Ông NĐT (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành - Bắc Ninh) kể:

Câu chuyện thứ nhất:

“Bắt đầu từ năm 1964, thu nhập của bà con nông dân thôn tôi nếu dựa vào hợp tác xã chỉ đạt một nửa, dần dà không được một nửa. Tất cả mọi thứ chi tiêu về dầu đèn, sách vở cho con, may sắm và sửa chữa nhà cửa đều trông vào mảnh ruộng 5% của gia đình. Quê tôi vừa có đồng, vừa có bãi. Số đất bãi chiếm 2/3 nên sản phẩm phụ của bà con trông cả vào vụ rau mấy tháng giáp tết ngoài bãi sông Đuống. Nhà nào giỏi lại chịu khó thì có thu nhập cả rau giống và rau ăn. Hạt giống su hào của Trung Quốc Nhà nước chỉ bán rất hạn chế cho hợp tác xã. Nhà nào trồng su hào giống phải mua chợ đen với giá 200 đồng/lạng, tương đương 3 chỉ vàng (1964). Năm 1968, Nhà nước đột nhiên bán ruộng rãi hạt giống su hào với giá 60 đồng/lạng, lại chia từng gói nhỏ 30-50 gam cho vừa túi tiền của nông dân. Các nhà trồng cây giống su hào đều ngừng hết vì nghĩ ai có ruộng cũng mua hạt giống của Nhà nước, mình gieo hạt rồi bán cho ma. Tôi với ông bạn NVD bên xóm Chùa bàn nhau, thiên hạ sợ và bỏ cả thì ta gieo sẽ lãi to, vì người trồng rau họa hoằn mới có người biết gieo giống. Năm ấy tôi và ông bạn vay tiền ngân hàng gieo giống su hào đại trà, thuê cả ruộng của các nhà quen biết trong thôn. Kết quả năm ấy khắp các chợ Dâu, Keo, Phủ Hồ, Điện Tiền, Yên Nhuế, Lạc Đạo, Bần Yên Nhân chỉ có cây giống su hào của anh em chúng tôi, bán đắt như tôm tươi. Giá một mớ su hào giống mọi năm có hào rưỡi, nay lên tới hai hào, hai hào rưỡi, có hôm “cháy chợ” lên tới ba hào. Vụ rau giống su hào năm 1968 tôi thu lãi hơn 2.000 đồng, đủ tiền xây nhà cho cô em gái có chồng đi B. Ông D bạn tôi qua vụ này mua xe đạp, đài bán dẫn rồi vẫn còn tiền xây lại bếp và đào giếng.”
 
Câu chuyện thứ hai:

“Quê tôi cách trường đại học Nông nghiệp Hà Nội khoảng 18 km. Tôi và ông bạn NVD nghe tin ở đó có nhu cầu dựng nhanh mấy trăm gian nhà tranh cho cán bộ và sinh viên đi sơ tán về vào cuối năm 1969. Biết họ cần 10 vạn tấm gianh lá mía, chúng tôi liền lân la tìm đến, đãi đằng mấy ông ở phòng kế hoạch để xin ký hợp đồng. Hồi ấy, cá nhân không có tư cách ký hợp đồng với cơ quan nhà nước nên tôi phải vất vả, tốn kém rất nhiều với ban chủ nhiệm hợp tác xã, mới xin được con dấu và chữ ký. Mọi việc xong xuôi, tôi với ông bạn ngồi bàn triển khai hợp đồng mới thấy mình liều: vốn liếng 2 nhà góp lại được gần 3.000; giá trị hợp đồng 70.000 đồng (0,7đ x 100.000 tấm) mà cơ quan chỉ tạm ứng cho 2.000 đồng, còn đâu giao hàng đợt nào lấy tiền đợt ấy, nhưng chậm nhất 3 tháng phải giao đủ 10 vạn tấm gianh. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã tìm được cách tháo gỡ khó khăn. Để làm một tấm gianh cần có lá mía, hom tre và thợ chẻ hom, đánh gianh. Bãi mía bạt ngàn bên sông Đuống là nguồn cung cấp lá mía trả chậm cho hợp tác xã nên khỏi lo, chỉ cần “tế nhị” với ban chủ nhiệm. Thợ đánh gianh, chẻ hom có sẵn ở mấy làng bên tỉnh Hưng Yên, đang mùa nông nhàn, gọi sang vài trăm người không khó. Cái vướng nhất là tiền ăn cho thợ và tiền mua tre để chẻ hom. Năm ấy có biểu hiện nước sông sẽ lên to, tất cả các bụi tre bên sông Đuống từ thôn Lệ Chi qua Đình Tổ, Đại Trạch, Phú Mỹ, Á Lữ lên đến phủ Thuận Thành đều có khả năng bị Nhà nước trưng dụng để hộ đê. Chúng tôi đã tính toán kỹ khối lượng tre dùng cho hợp đồng không ảnh hưởng gì đến kế hoạch hộ đê nếu lũ lụt xảy ra. Song người nông dân sẵn tâm lý tư lợi, xót của vì giá trưng dụng hộ đê thấp gần như cho không, mà số tiền ít ỏi còn lại rất lâu mới nhận được. Nắm được tâm lý ấy, chúng tôi dùng tiền đãi ngộ chính quyền các xã có tre, thông qua họ bảo lãnh để mua chịu tre của nông dân với giá đắt hơn ngoài thị trường 5-7%. Có được tre mua về, chúng tôi xử lý cho cắt 1,2 m ngọn tre bán cho xí nghiệp sản xuất nông cụ làm cán cuốc, cán xẻng. Đoạn 0,8 m gốc tre chúng tôi huy động nhân lực 2 gia đình, họ hàng, xóm giềng làm chổi tre bán cho cửa hàng bách hóa trên huyện, trên tỉnh và giao đi các chợ ở Hà Nội.

Từ hai khoản tiền thu được từ các sản phẩm đơn giản này, cộng với số vốn ít ỏi đã có, chúng tôi đủ tiền mua gạo, thực phẩm và tạm ứng cho 120 thợ bên Hưng Yên mỗi người 15 đồng để họ khẩn trương thu xếp việc nhà sang chẻ hom, đánh gianh. Suốt đoạn đê sông Đuống gần chùa Bút Tháp dài 2 km biến thành “xí nghiệp” sản xuất cơ động của tôi và anh bạn, tấp nập hơn 2 tháng. 10 vạn tấm gianh chứ 20 vạn chúng tôi cũng dư sức hoàn thành đúng tiến độ của hợp đồng.

Chưa hết, ở khâu vận chuyển lại nảy ra sáng kiến mới. Hàng ngày đội máy kéo của huyện có 3-5 xe công nông ra thị trấn Trâu Quỳ ở quốc lộ 5, gần trường Đại học Nông nghiệp để chở phân đạm bón ruộng hay xi măng làm thủy lợi cho huyện. Trên đường đi về họ phải qua chợ Dâu, cách chỗ chúng tôi 4 km. Nếu bình thường, chúng tôi thuê xe chở gianh lá mía giao cho chủ hợp đồng phải mất 1,2 hào/1 tấm gianh. Thuyết phục đội trưởng đội máy kéo của huyện, chúng tôi ký được hợp đồng vận chuyển chỉ mất 0,6 hào/1 tấm và đôi bên lại cùng có lợi. Tính riêng tiền vận chuyển 10 vạn tấm gianh, chúng tôi đã tiết kiệm 600 đồng. Tổng cộng các khoản lợi nhuận sau 3 tháng hợp đồng, tôi và ông NVD chia nhau mỗi người 24.000 đồng (khoảng 25 cây vàng). Chằng những thế, chúng tôi còn đem lại việc làm cho 120 lao động ở Hưng Yên và 80 lao động ở thôn Đình Tổ, giá trị ngày công là 1,4 đồng/ngày, tương đương với lao động công nhật ngoài thành phố (giá công lao động ở hợp tác xã Đình Tổ lúc đó chỉ đạt mức rẻ mạt 2 hào 7 xu/ngày). Ngoài ra, đội máy kéo của huyện nhờ hợp đồng với chúng tôi mà có thu nhập thêm 600 đồng.

Năm 1969, sau khi Mỹ tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra, các cơ quan, xí nghiệp, trường học từ khu sơ tán lục tục kéo về thành phố nên nhu cầu dựng nhà tạm tranh tre nứa lá rất lớn. Nhưng tôi không được ký tiếp những hợp đồng kinh tế khác nữa vì địa phương ganh ghét, quy chụp tôi và ông NVD là đảng viên mà có tư tưởng phục hồi chủ nghĩa tư bản, điều tôi ra trông coi bến đò Lệ Chi, không cho làm trưởng trại chăn nuôi rất nhàn hạ nữa. Nếu từ hồi ấy, họ để tôi tự do mở một công ty hay xí nghiệp, biết đâu tôi và ông NVD đã thành ông chủ lớn, chẳng đến nỗi làm ông già nông dân 72 tuổi chân đất, mắt toét như bây giờ…”

Những người như ông NĐT, ông NVD thời nào cũng hiếm, trong chiến tranh, giữa cơ chế hợp tác xã theo mô hình Stalin càng cực hiếm. Nhưng đất nước muốn phát triển không thể thiếu họ. Đó là quy luật tất yếu, cũng là hiện thực đời sống. Họ là tia chớp giữa bầu trời đêm, báo hiệu sự đào thải của mô hình Stalin ngay cả khi nó tưởng như đang cực thịnh bởi chiến tranh làm cho mặt ưu việt phát huy đến mức tuyệt vời, mặt tiêu cực bị nhòa lấp bởi lòng yêu nước và sức chịu đựng phi thường của nông dân Việt Nam. Kinh tế thị trường chỉ có một tên gọi duy nhất. Những cách gọi khác đi như kiểu “Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc” hay “Kinh tế thị trường theo định hướng…” chỉ là sự níu kéo những đặc quyền, đặc lợi của một nhóm người do mô hình Stalin mang lại mà thôi.

Hà Nội 5/1999
Vũ Ngọc Tiến

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn