BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73346)
(Xem: 62243)
(Xem: 39428)
(Xem: 31175)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Báo CAND Chơi Trò "Đánh Dưới Thắt Lưng" Nguyễn Văn Hải

01 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 893)
Báo CAND Chơi Trò "Đánh Dưới Thắt Lưng" Nguyễn Văn Hải
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Báo CAND ngày 23/4/2008 đăng bài “Khởi tố bắt tạm giam Hải "điếu cày" vì tội trốn thuế”, nội dung hành vi “trốn thuế” nhắc lại y chang bài trên Báo Công an Thành phố HCM ngày 22/4/2008 nên trong phạm vi bài viết này tôi không cần phải nhắc lại. Mời đọc bài bình luận “HÀNH VI CỦA NGUYỄN VĂN HẢI - DƯƠNG THỊ TÂN KHÔNG CẤU THÀNH TỘI TRỐN THUẾ” tại đây.

Bài viết này chỉ bình luận những thông tin sai sự thật mà tác giả Nguyễn Đặng đã bịa đặt ra nhằm bôi nhọ cá nhân ông Nguyễn Văn Hải.

Thông tin sai sự thật

Bài báo viết: “Theo nhận định của cơ quan điều tra thì Hải "điếu cày" là một đối tượng lưu manh, nhiều thủ đoạn xảo trá”.

Từ điển Tiếng Việt giải thích “lưu manh” là “Người không chịu lao động, chuyên sống bằng trộm cắp, cướp của, lừa đảo, đâm thuê chém mướn, ma cô, chứa chấp, tiêu thụ tài sản bị chiếm đoạt”. “Thủ đoạn” là “cách hành động theo chiều hướng chuyển thiệt hại của người khác thành lợi ích của mình”. “Xảo trá” là khéo léo để lừa đảo, mang hình thức giả để che đậy thực chất. Như vậy, muốn gọi một người là “đối tượng lưu manh” thì phải có hồ sơ chứng minh hành vi lưu manh cụ thể như thế nào, xảy ra tại đâu, thời gian nào, lừa đảo ai, thiệt hại bao nhiêu, đã bị xử lý như thế nào? Cái sự “lưu manh” này phải được lặp đi lặp lại nhiều lần (chuyên) mới có thể gọi là “đối tượng lưu manh”.



Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định Cơ quan điều tra có nhiệm vụ “áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo” (Điều 10 BLTTHS), và không có điều khoản nào cho phép cơ quan điều tra có quyền nhận xét này nọ về tư cách đạo đức, nhân thân của công dân.

Những hình ảnh chụp ngày 16/12/2007 khi Điếu Cày tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa cho thấy: Đến thời điểm ngày 16/12/2007 tên “lưu manh” (theo cách gọi của tác giả Nguyễn Đặng) vẫn đang sinh hoạt chung với nhóm Cựu chiến binh ở địa phương (hai phụ nữ lớn tuổi trong ảnh là Cựu chiến binh, đang thuyết phục Điếu Cày đừng biểu tình) và tên “lưu manh” lại là người rất thân thiết với vị Phó Chủ tịch phường nơi cư trú (người đàn ông mặc áo xanh).

Chẳng biết cơ quan điều tra nào lại đưa ra nhận xét như vậy, nhận xét tại văn bản nào? Nếu quả thật có cơ quan điều tra nào đó mà có văn bản nhận xét khơi khơi không có hồ sơ tài liệu chứng minh (như tác giả viết) thì thật đáng buồn cho trình độ hiểu biết pháp luật của cơ quan đó, và cần thiết phải thay đổi cả bộ máy điều tra nơi đó, nếu không thì sẽ làm oan sai rất nhiều người dân vô tội vì không hiểu nhiệm vụ, quyền hạn của mình tới đâu, không hiểu chứng cứ là gì. Việc nhận xét về tiền án, tiền sự, quá trình hoạt động bản thân của công dân là chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn), không phải chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra. Ngay chính cơ quan điều tra khi làm lý lịch bị can vẫn phải đem lý lịch đến chính quyền cơ sở xác nhận thì mới hợp pháp.







Đề nghị tác giả Nguyễn Đặng nên đọc Điều 10, Điều 34, Điều 35 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự để biết rằng Cơ quan điều tra có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào mà viết cho chuẩn, không nên mượn danh cơ quan điều tra như một thứ “bia đỡ đạn” để làm cho lời nói mình thêm “nặng ký” thì tội nghiệp cho cơ quan điều tra lắm.

Bài báo viết tiếp: “Ngoài hành vi trốn thuế nói trên, Hải còn sửa chữa, xây dựng nhà trái phép ở nhiều nơi khác như nhà 84 Trần Quốc Toản, nhà ở quận 1...”.

Cái sự “sửa chữa, xây dựng nhà trái phép ở nhiều nơi khác” cũng không thấy tác giả đưa bằng chứng chính quyền địa phương ra quyết định xử lý, không có hồ sơ xử lý, thì rõ ràng là bịa đặt.

Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia

Tác giả bài báo viết: “Mặc dù bị tố cáo và đã có quyết định xử phạt của chính quyền địa phương nhưng Hải vẫn không chấp hành mà dùng nhiều thủ đoạn, khiếu nại, tuyên truyền nói xấu những cán bộ hưu trí tố cáo hắn rồi tìm cách chạy xin phép sửa chữa để đối phó”.

Tác giả đã đem quyết định phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng gắn cho việc “sửa chữa, xây dựng nhà trái phép” trong khi thực tế không hề có quyết định xử phạt về việc xây dựng trái phép, gây sự nhầm lẫn cho người đọc rằng ông Hải bị xử phạt về hành vi “sửa chữa, xây dựng nhà trái phép”. Bài báo còn viết ông Hải “tìm cách chạy xin phép sửa chữa để đối phó”, xin hỏi tác giả ông Hải đã “chạy” đến cán bộ nào, “chạy” bao nhiêu tiền, ông Hải “chạy” như vậy thì xử lý hành vi “chạy” và người nhận hối lộ để làm trái kỹ cương phép nước như thế nào?

Cũng xin được nói rõ là vụ này ông Hải đã khởi kiện Công an phường Bến Thành ra Tòa hành chính, bạn đọc muốn biết nội dung như thế nào, mời đọc Bản tự khai ông Hải nộp cho Tòa.

Diễn biến phiên tòa phúc thẩm ngày 28/6/2007 hết sức khôi hài (Mời xem ở đây). Báo Người Việt nhận xét: “Không cần đợi tới hết phiên tòa, chỉ cần nghe Tòa mớm cung và biện luận, là cả ông Hải lẫn các bạn bè ông đang ngồi ở đó đã biết kết quả sẽ là thế nào: Ông lại thua, và ông trở thành kẻ gây rối trật tự chỉ vì không chịu để cho người hàng xóm Đảng viên tự tiện hàn kín cửa sổ nhà mình”.

Ngày 16/8/2007, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đăng bài “Vụ kiện trị giá 160.000 đồng”, mô tả ông Hải như là một kẻ lấn chiếm nhà người khác trong khi phần diện tích đó ông có giấy tờ chủ quyền hợp pháp. Sau khi báo CA Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, ngay lập tức, ông Hải đã đến Tòa soạn báo CA Thành phố Hồ Chí Minh để khiếu nại, và khiếu nại liên tục trong thời gian 15 ngày mà báo CA TPHCM chưa có văn bản trả lời. Trong thời gian khiếu nại tại Tòa soạn báo CA TPHCM, ông Hải tường thuật lại sự việc khiếu nại trên blog của mình. Báo CA TPHCM không chịu xin lỗi ông Hải, nhưng đã phải rút bài báo “Vụ kiện trị giá 160.000 đồng” xuống. Bài báo này hiện nay chỉ còn lưu lại trên blog Điếu Cày (xem link ở trên).

Buồn cười hơn là tác giả bài báo đã đem cả chuyện riêng tư gia đình người khác đưa lên mặt báo với lời lẽ hằn học, lên án, coi như đó cũng là “hành vi phạm tội”: “Bà Dương Thị Tân (vợ Hải, đã ly dị vào năm 2006) trình bày ở cơ quan Công an thì Hải cặp bồ với rất nhiều phụ nữ khác, khi bà Tân tỏ ý phản đối thì Hải đã đánh bà ta đến chấn thương sọ não vì tội “dám ghen”. Do không chịu nổi hành vi vũ phu này, bà Tân đã xin ly dị”.

Tác giả bài báo cũng không có tài liệu gì chứng minh bà Tân bị ông Hải đánh “chấn thương sọ não” và “cặp bồ với rất nhiều phụ nữ khác”. Việc bà Tân và ông Hải ly dị thuộc lĩnh vực hôn nhân, gia đình, việc “cặp bồ” (nếu có) cũng thuộc phạm trù đạo đức cá nhân, không liên quan gì đến “tội trốn thuế” mà cả bà Tân và ông Hải đang bị khởi tố. Nên nhớ rằng nếu bà Tân có trình bày thì cũng là trình bày với cơ quan Công an (Công an nào chưa biết), không phải trình bày với tác giả Nguyễn Đặng; và bà Tân, ông Hải cũng chưa hề cho phép tác giả Nguyễn Đặng đem chuyện riêng gia đình mình công khai trên báo chí. Đem chuyện riêng tư gia đình người khác ra công khai trước công chúng mà không xin phép là “xâm phạm bí mật đời tư” được quy định tại Bộ Luật Dân Sự.

Đạo đức nhà báo ở đâu?

Nghề báo là một nghề luôn được đánh giá cao ngay từ khi mới ra đời. Mục đích quan trọng nhất của nghề báo là cung cấp cho bạn đọc những thông tin thời sự chính xác và đáng tin cậy mà họ cần để có thể hành xử tốt nhất trong cuộc sống xã hội.

Báo chí còn có chức năng định hướng dư luận xã hội, nếu viết sai sự thật thì hậu quả khôn lường. Vì vậy, nhà báo không có quyền đưa ra những khẳng định chưa được kiểm chứng bằng phương pháp khoa học, không được thông tin sai sự thật, càng không được lợi dụng tờ báo để phục vụ cho mục đích khác. Nhà báo phải chịu trách nhiệm những gì mình viết nên không thể tự do, tùy tiện phát ngôn vô tội vạ làm ảnh hưởng xấu đến người khác, v.v… và v.v….

Nói khơi khơi, không có bằng chứng, ngang nhiên nói công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (cụ thể là báo CAND) tức là phạm vào tội vu khống, được quy định tại Điều 112 Bộ Luật Hình Sự: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”

“Hiện nay, cơ quan điều tra Công an quận 3 đã tạm giam Nguyễn Văn Hải và áp dụng biện pháp ngăn chặn không được phép đi khỏi nơi cư trú đối với Dương Thị Tân”. Có nghĩa là ông Hải hiện nay ngồi trong trại giam nên ông Hải không biết và không có khả năng phản kháng lại những gì người ta bịa đặt, loan truyền về ông nhằm xúc phạm danh dự cá nhân ông.

Ra tay “đánh” người khi đối phương không biết, không có khả năng tự vệ thì chẳng khác nào hành vi “đánh dưới thắt lưng”, thắng cũng không vinh quang, mà khi bị phát hiện là nói dối thì thật xấu hổ vô cùng.

Tạ Phong Tần

01-05-2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn