BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hành trình nhân đạo hóa

14 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 753)
Hành trình nhân đạo hóa
58Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
58
Trong hai kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu hai vấn đề: Thế giới càng ngày càng hoà bình hơn và con người càng ngày càng nhân đạo hơn. Dĩ nhiên, quá trình hòa bình hóa và nhân đạo hóa kéo dài dằng dặc, đầy những khấp khểnh, quanh co và cũng đầy những bất trắc. Nhưng xu hướng chung vẫn rất rõ: đó là một sự tiến bộ không ngừng.

Có rất nhiều yếu tố góp phần vào sự tiến bộ ấy. Đáng kể đầu tiên là công lao xây dựng những nền tảng đạo đức học với những ý niệm mang tính nhân văn rất cao của các bậc tiền bối ngày xưa, từ các triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại đến các bậc hiền triết và thánh nhân ở Đông phương, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Hoa. Những nền tảng đạo đức học ấy được thiết chế hóa qua các tôn giáo, quy phạm hóa qua văn hóa và phổ cập hóa qua các hệ thống giáo dục. Nó được lan tràn khắp nơi nhờ một đồng minh oái oăm và ngược ngạo: chủ nghĩa thực dân. Với sức mạnh của vũ khí và tiền bạc, các đế quốc xâm chiếm nhiều thuộc địa, cướp đoạt nhiều tài sản và mạng sống của dân chúng ở các nước nghèo khổ và lạc hậu, nhưng cũng để lại một số hạt giống tốt sau này sẽ nẩy nở thành những đóa hoa dân chủ và tự do.

Những phát hiện quý báu của tiền nhân không ngừng được phát triển. Dấu mốc quan trọng nhất là thời Khai sáng với những bảng giá trị mới xây dựng trên lý trí, tự do và sự công chính, từ đó, dẫn đến sự ra đời của cuộc cách mạng nhân đạo (humanitarian revolution) trong thế kỷ 17 và 18 với nội dung chính là bãi bỏ những sự tra tấn và bạo động có tổ chức (institutionalized torture and violence). Quan niệm nhân đạo ấy, sau đó, dĩ nhiên, thường xuyên bị vi phạm, có khi một cách quy mô, nhất là ở những thế kỷ đầu. Dù vậy, nó cũng là một khởi đầu bổ ích để nhân loại càng ngày càng tiến bộ.

Có thể nói, trong quá trình nhân đạo hóa, điều cốt yếu đầu tiên là phải xác lập được một hệ thống giá trị có tính phổ quát. Yếu tố phổ quát căn bản nhất là công nhận quyền làm người của mọi người. Không có nền đạo đức học nào có thể được xem là hoàn hảo nếu không thừa nhận, trước hết, yếu tố căn bản ấy. Một thứ đạo đức dựa trên tinh thần dân tộc hay tinh thần giai cấp bao giờ cũng khập khiễng, và một lúc nào đó, trở thành vô đạo đức: Đó là những lúc nó được sử dụng để biện chính cho cái ác đối với người khác; những người thuộc các chủng tộc khác hoặc giai cấp khác hoặc phái tính khác. Ở những lúc ấy, người ta có thể dễ dàng xúc động trước những nỗi đau của nam giới nhưng lại dửng dưng trước những nỗi khổ của phụ nữ; dễ dàng động lòng trước sự bất hạnh của đồng bào mình nhưng lại trở thành hờ hững, thậm chí, tàn nhẫn trước những bất hạnh của đồng loại. Để bênh vực cho một người láng giềng, người ta sẵn sàng xả súng vào hàng chục người xa lạ.

Ở xã hội Tây phương hiện nay, người ta chủ trương tôn trọng sự sống và quyền sống của mọi người, hơn nữa, của mọi sinh vật. Do đó, người ta đối xử nhân đạo không phải với những người cùng một nước mà còn bênh vực cho quyền sống của những người xa xôi, ở tận các quốc gia và các lục địa khác. Họ cũng bênh vực cho cả quyền sống của súc vật. Ngay cả khi người ta không thể bảo vệ được quyền sống của súc vật (ví dụ để làm thực phẩm) người ta cũng đòi hỏi ngăn chận việc hành hạ súc vật: Giết, ừ, thì được; nhưng được gây đau đớn kéo dài cho chúng.

Ở phương diện này, chúng ta dễ dàng nhận thấy hệ giá trị được sử dụng và truyền bá ở Việt Nam còn rất lạc hậu. Nó chỉ dựa trên tinh thần quốc gia, và có thời gian, một thời gian khá lâu, tinh thần giai cấp. Đừng nói chi xa; cứ nhìn vào cái gọi là “Năm điều Bác Hồ dạy” thì thấy ngay:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”

Đó là những lời “dạy” của Hồ Chí Minh vào năm 1961, được bổ sung vào năm 1965. Ở cả hai thời điểm, Việt Nam đều nằm trong chiến tranh nên nội dung “yêu tổ quốc, yêu đồng bào” được đặt lên đầu cũng có thể hiểu được. Nhưng chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1975. Suốt gần 40 năm qua, sống trong hòa bình (trừ quãng thời gian ngắn có tranh chấp với Cam Bốt và Trung Quốc), dường như ở Việt Nam không có ai có ý định thay đổi nội dung những lời “dạy” ấy. Sự thay đổi càng trở thành khẩn thiết khi Việt Nam cũng bị cuốn vào cơn lốc toàn cầu hóa, phải thường xuyên tiếp xúc với các dân tộc khác và các nền văn hóa khác cũng như phải chấp nhận những bảng giá trị chung của cả nhân loại.

Một bảng giá trị phổ quát, muốn có hệ thống, phải đi liền với hệ thống giáo dục. Nền giáo dục Việt Nam đã bị phê phán rất nhiều. Từ mọi phía. Về phương diện đạo đức, hai khuyết điểm lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam là: một, nó chỉ dừng lại ở những khái niệm trừu tượng chung chung và mơ hồ; và hai, nó không được sự hỗ trợ từ xã hội: trong lớp, người ta dạy một đàng; ngoài đời người ta làm một nẻo.

Ở đây, chỉ xin nói về khuyết điểm thứ nhất.

Đơn giản nhất là so sánh “Năm điều Bác Hồ dạy” ở trên – vốn được treo đầy trên các bức tường ở mọi trường và mọi lớp ở Việt Nam – và mấy điều dạy trẻ con ở một lớp học ở Mỹ mà Trịnh Hội ghi nhận được và tường thuật trong bài viết “Chúng ta hãy cùng nhau hòa hợp

Nội dung của những lời dạy ấy rất đơn giản và cụ thể:

Dùng những lời lẽ tử tế.

Mau sớm tha thứ.

Lắng nghe.
Chia sẻ.
Khuyến khích những người khác.
Đợi đến phiên mình.
Suy nghĩ trước khi hành động.
Nói chuyện lại sau đó.


Rất đơn giản và cũng rất cụ thể. Nhờ đơn giản và cụ thể như thế, trẻ em mới học và tập được những điều lớn lao và cao cả, qua đó, thúc đẩy được sự tiến bộ về đạo đức. Chứ tụng đi tụng lại mãi những “yêu tổ quốc, yêu đồng bào” thì được ích gì? Thế nào là “yêu tổ quốc” và “yêu đồng bào”? Yêu thì phải làm gì? Nhất là trong cương vị của một đứa nhỏ? Rồi những “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” cũng vậy. Chúng không có một nội dung nào rõ ràng và cụ thể cả. Chúng chỉ là những khẩu hiệu sáo mòn và trống rỗng.

Cuối cùng, thứ ba, ngoài hệ thống giáo dục, những bảng giá trị phổ quát ấy phải được gắn liền với một thiết chế tương hợp. Không được thiết chế hóa, mọi bảng giá trị đều vô ích. Càng tai hại hơn nữa, khi các thiết chế không những không ủng hộ mà còn đi ngược hẳn lại các bảng giá trị được đề cao: Lúc ấy, các bảng giá trị sẽ hiện hữu như một sự chế giễu.

Có thể nói, chúng ta sẽ không thể nào trở thành nhân đạo hơn nếu chúng ta, trước hết, không xây dựng một bảng giá trị mang tính nhân văn phổ quát được sự hỗ trợ của cả hệ thống giáo dục và thiết chế chính trị cũng như xã hội.

Có được ba điều ấy, dĩ nhiên, chúng ta không loại trừ được hết cái xấu và cái ác. Cũng như, hiện nay, đâu đó trên thế giới, ngay ở những nơi được xem là bình an và nhân đạo nhất, vẫn còn những kẻ sẵn sàng trở thành ác quỷ khi có cơ hội.

Nhưng nói đến xã hội, chúng ta nói đến cái chung. Đến đa số. Và chấp nhận các ngoại lệ. Bởi chúng không phải là…quy luật.

Nguyễn Hưng Quốc

13-02-2012

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn