BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Suy nghĩ về bức thư của ông Christian Marchant và số phận nguy hiểm, gian nan của các nhà báo quốc tế hoạt động tại Việt Nam

09 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 964)
Suy nghĩ về bức thư của ông Christian Marchant và số phận nguy hiểm, gian nan của các nhà báo quốc tế hoạt động tại Việt Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Chụp ảnh kỷ niệm khi cuộc trao đổi vừa kết thúc giữa nhà báo Nguyễn Khắc Toàn và ông Christian Marchant trong tiệm Café tại số 3 phố Nguyễn Khắc Cần, Hà Nội chiều 08/9/2008

Tôi đã có ý định viết bài báo này để tường trình những diễn biến, nêu các nội dung cuộc trao đổi của mình với viên chức chính trị toà đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam để dư luận tỏ tường ngay sau khi cuộc gặp giữa tôi và ông diễn ra ít hôm. Vì tôi luôn luôn coi các cuộc gặp gỡ quan khách quốc tế của các cơ quan ngoại giao tại thủ đô Hà Nội, hoặc các đoàn khách các nước bạn bè trên thế giới quan tâm đến công cuộc tranh đấu giành lại các quyền Con người cơ bản trong nước hiện nay không còn nằm trong phạm vi của riêng cá nhân tôi nữa. Trái lại, nó thuộc về lợi ích của cả khối dân tộc Việt Nam, và là trách nhiệm nhỏ bé của mình trước hàng chục triệu nhân dân khốn khổ của đất nước này đang dưới vị thế bị cai trị mà cá nhân tôi chỉ là một đại diện trong những tiếng nói đang vang lên khắp cả nước này mà thôi. Chính vì thế, tôi luôn luôn viết thuật lại mọi diễn tiến các nội dung những cuộc tiếp xúc với các vị khách đến từ mọi nơi trên địa cầu mà không hề có dụng ý riêng tư gì hay ngần ngại bất cứ điều gì. Ngoài ra theo thiển nghĩ của tôi, đây còn là bổn phận cần thiết của mình với tất cả đồng bào ta nói chung và với anh chị em trong Phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam nói riêng. Đây cũng còn là dịp để tôi báo cáo lại cho nhân dân trong và ngoài nước biết đến sự quan tâm của cộng đồng nhân loại văn minh trên thế giới về thực trạng đời sống của nhân dân Việt Nam trên các phương diện Nhân quyền, Tự do, Dân chủ, sinh hoạt Dân sự trong xã hội trên đất nước ta hiện nay ra sao ?

Thế nhưng, do có một bức thư của chính ông Christian Marchant viết cho Ban biên tập wesite Đối Thoại trên internet góp ý về bản tin cuộc gặp giữa viên chức ngoại giao của Tòa sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và tôi chiều ngày 08/9/2008, trong đó có nêu tên anh Đào Công Đức. Qua bức thư viết bằng tiếng Anh gửi kèm với bản dịch ra tiếng Việt được trang Đối Thoại gửi lại cho tôi thì được biết khá cụ thể nỗi băn khoăn, lo lắng xen lẫn tâm trạng khá hài lòng của vị khách này. Ông ấy rất hoan nghênh việc đưa tin nhanh chóng và lấy làm vui mừng, hân hạnh được gặp trực tiếp tôi để được nghe trao đổi những hiểu biết về nhân quyền, dân chủ, về hòa giải, hòa hợp dân tộc, về Phong trào dân chủ Việt Nam, về đảng CSVN và nhà nước XHCN độc tài của họ. Cũng như việc ông được cùng chia sẻ các khó khăn, nguy hiểm đang rình rập xung quanh, khắp nơi mà bản thân tôi và các anh chị em trong cả Phong trào đối kháng quốc nội đang phải chịu đựng hàng ngày, hàng giờ ra sao…

Tuy nhiên, theo bức thư ông viết vì muốn để mối quan hệ có thể được duy trì lâu dài không gặp phải những trở ngại không cần thiết không đáng có xảy ra. Nhất là để các cuộc tiếp xúc sẽ thường được diễn ra trong tương lai vì lợi ích quan trọng về nhân quyền, dân chủ của người dân Việt Nam. Điều quan trọng nữa trứơc mắt là, đồng thời để sao cho đảm bảo an toàn tốt nhất cho anh Đào Công Đức nên ông đã đề nghị bản tin đó hãy gỡ bỏ tên người phiên dịch này nhằm tránh việc lực lượng an ninh của đảng CSVN và nhà nước gây phiền hà, sách nhiễu ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí tính mạng của anh. Chấp nhận đề nghị đó của ông, nên ngay sau đấy website Đối Thoại đã gỡ bỏ danh tính nhân viên người Việt này khỏi Bản tin nhanh đã được đăng tải chính xác, trung thực trước đó ít ngày. Do sự kiện ngoài dự tính như vậy nảy sinh, nên tôi cũng đã tạm dừng lại để đắn đo suy xét chưa vội công bố bài viết xung quanh cuộc tiếp xúc giữa 2 bên trước công luận mà lẽ ra bạn đọc có thể cập nhật được thông tin mang tính thời sự nóng hổi và đáp ứng nhanh chóng được sự trông chờ của dư luận nói chung.

Đọc xong thư của ông Christian Marchant rất nhiều lần, tôi thấy rằng cần phải sửa lại đôi chút bài viết đã gần xong nói về cuộc tiếp xúc chiều 08/9/2008. Nhưng để đảm bảo an ninh cho anh Đào Công Đức - một thông dịch kiêm viên chức chính trị đang công tác tại toà đại sứ tại Hà Nội và cũng là thể theo ý kiến lưu ý được nêu trong bức thư của ngài tùy viên chính trị Hoa Kỳ kia. Nên tôi cần thấy phải có một bài kèm theo có tính chất lý giải trước để trần tình trước công chúng, hầu mong sự cảm thông chia sẻ rộng rãi của tất cả bạn đọc gần xa trước khi công bố bài tường trình về cuộc gặp chính thức. Dù sao đi nữa, theo ý kiến của riêng tôi thì anh Đức, người đã hướng dẫn các vị khách ngoại giao Hoa Kỳ đến tư gia của gia đình tôi cả lần trước và lần này cũng chỉ với tư cách là người phiên dịch chuyên nghiệp của tòa sứ quán mà thôi, ngoài ra không có chức phận nào khác !

Anh ta càng không liên quan đến các hoạt động đấu tranh đối kháng của Phong trào dân chủ tại Việt Nam mà những người như chúng tôi đang ở trong cuộc. Địa vị của riêng cá nhân anh cũng không có trách nhiệm trực tiếp đến các hoạt động của một cơ quan ngoại giao đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ đặt tại Hà Nội, đầu não của nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Về phía Hoa Kỳ, nhà nước của họ hoàn toàn khác biệt, trái ngược với nhà nước XHCN của ĐCSVN về bản chất chế độ chính trị, cấu trúc tổ chức và hệ thống vận hành. Nhà nước của họ thực sự là “của dân, do dân và vì dân” đúng như tuyên bố của vị Tổng thống Hoa Kỳ từ rất lâu rồi đã khẳng định và họ nỗ lực xây dựng theo xu hướng tiến bộ đó từ hàng trăm năm nay kể từ ngày lập quốc. Toàn bộ hệ thống chính quyền của quốc gia này từ cơ sở đến trung ương tối cao thực sự là kết quả được toàn thể nhân dân xây dựng lên bằng lá phiếu dân chủ, công bằng, minh bạch. Đó là một quốc gia phú cường, dân chủ, văn minh, có cơ cấu hệ thống chính quyền là một nhà nước pháp quyền thực sự. Chính phủ của họ vốn có truyền thống rất quan tâm đến các lĩnh vực rất nhạy cảm mang tính chính trị, các giá trị về nhân quyền, tự do tôn giáo, hệ thống pháp luật, các lĩnh vực liên quan đến quyền của người lao động….tại tất cả các quốc gia chưa có dân chủ, còn lạc hậu, nghèo đói và kém phát triển về mọi mặt trên khắp thế giới. Hoa Kỳ cũng là nước hàng năm có báo cáo cụ thể về tình trạng thực thi tiêu chuẩn về các quyền Con người của tất cả các nước trên toàn cầu mà họ theo dõi rất sát sao, chính xác, khách quan và công bằng. Họ không bàng quang hay thờ ơ trước các hành vi chà đạp quyền con người, sự vi phạm tự do tôn giáo tín ngưỡng và không bỏ qua cho các thể chế độc tài hành xử bằng bạo quyền độc đoán, tùy tiện để tước đoạt, hoặc hạn chế các quyền tự do dân chủ trong xã hội của bất cứ chế độ nào trên toàn thế giới. Vì thế những quốc gia còn duy trì hệ thống chính trị mang bản chất độc đoán, kém tiến bộ văn minh, phản dân chủ như Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Bêlarut, Iran, Việt Nam, Lào, Miến Điện, ….thì đương nhiên phải nằm trong sự theo dõi chặt chẽ của không riêng gì chính phủ Hoa Kỳ mà còn của cả cộng đồng các quốc gia dân chủ, văn minh trên thế giới là lẽ rất dễ hiểu.

Nước Mỹ ngoài việc chăm lo phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân nước mình được coi trọng là ưu tiên quan trọng hàng đầu, họ còn thường hành động hoặc lên tiếng mạnh mẽ nhằm thúc đẩy dân chủ, tự do, nhân quyền, đạo lý và công bằng ở khắp mọi nơi trên địa cầu trong khả năng có thể của mình. Họ luôn nêu tấm gương về dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền và họ có trách nhiệm với sự phát triển chung của toàn nhân loại. Vì vậy không thể ngụy biện một cách dối trá, lọc lừa dư luận, rằng đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ vào quốc gia khác…

Thật ra, trong suy nghĩ của tôi thì luôn luôn đánh giá rằng, phía các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ của tòa đại sứ tại thủ đô Hà Nội - Việt Nam chưa nhận thấy được đôi chút thay đổi có thể được xem là “tích cực, cởi mở và tiến bộ” của bộ máy chính quyền Việt Nam hiện nay so với những năm đen tối, ẫu trĩ, cực đoan và cực tả trước kia, mặc dầu nhà nước của họ cơ bản vẫn là một thể chế độc tài cộng sản toàn trị…

Bởi vì chính quyền và bộ máy công an, an ninh, cảnh sát của họ vẫn ra sức sách nhiễu, đàn áp khốc liệt các đòi hỏi về cải tổ chính trị, về dân chủ, tự do, nhân quyền, công lý và công bằng xã hội của các tầng lớp quần chúng nhân dân trong toàn xã hội, mặc dù cách thể hiện các nguyện vọng đó của dân chúng bị trị chỉ theo những phương cách ôn hòa, bất bạo động và mang tính văn hóa !

Về việc này, tôi có thể nêu vài trường hợp cụ thể gần đây nhất thôi để minh chứng.

Đó là các sự kiện bộ máy quyền lực của nhà nước đã trấn áp các cuộc cầu nguyện đòi đất của đồng bào giáo dân ở Tòa Khâm Sứ cũ, ở Giáo Xứ Thái Hà giữa lòng Hà Nội, ở Giáo Xứ An bằng – TP Huế mới đây…

Đó còn là chiến dịch công an đã ra tay trấn áp các cuộc biểu tình của sinh viên, thanh niên chống Trung Quốc đòi Hoàng Sa, Trường Sa, và chống Ngọn đuốc Olempic Bắc Kinh - 2008 ô nhục giữa thủ đô và Sài Gòn hồi cuối năm 2007 và 2008.

Đó là các vụ bắt giữ nhiều người tham gia treo biểu ngữ, rải truyền đơn ở một số địa phương phía Bắc và các vụ bắt giữ, răn đe, khủng bố, đánh đập, đấu tố những nhân vật bất đồng chính kiến đã sử dụng ngòi bút và kỹ thuật internet hoặc tiếng nói để đấu tranh.

Đó là các vụ công an, mật vụ an ninh bắt bớ, hành hung, ngăn cản, bỏ tù nhiều đồng bào dân oan tập trung khiếu kiện biểu tình đòi quyền lợi của mình bị tước đoạt phi pháp, và chống tham nhũng bất công ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trong những năm 2006, 2007, 2008… vv…và… vv…

Những phương thức đàn áp, sách nhiễu, bắt bớ nhân dân trong các sự kiện phản kháng hòa bình như trên được bộ máy thực thi công quyền của đảng và nhà nước thực hiện hoặc là kín đáo, hoặc là công khai lộ liễu trắng trợn với nhiều kiểu cách “sáng tạo”, biến hóa khôn lường đến không ngờ và bất chấp tất cả !

Thế nhưng, nếu chúng ta đứng lùi lại thời gian đôi chút để so sánh với những năm đen tối trước kia và nhất là trong thời gian mấy năm trở lại đây, thì thấy rằng đảng CSVN và nhà nước XHCN của họ đã buộc phải lùi bước khá nhiều để cởi nới một số các quyền con người cho công dân trong nước trước bối cảnh và tình thế đã có nhìều đổi thay. Họ bắt buộc phải có một số những bước nhượng bộ nhằm để thích nghi hơn với hoàn cảnh mới trước những áp lực mạnh mẽ của phong trào đấu tranh trong nước, hải ngoại cũng như dư luận của cộng đồng các quốc gia dân chủ trên khắp thế giới nói chung !

Việc viên chức ngoại giao Hoa Kỳ ông Christian Marchant đã tiếp xúc với tôi có đi cùng một phiên dịch là người Việt Nam thật, nhưng anh ta không hề có tham gia phát biểu quan điểm cá nhân của mình về đời sống chính trị, xã hội, về công cuộc tranh đấu dân chủ và các quyền Con người cho người dân Việt Nam trong cuộc gặp gỡ giữa hai chúng tôi. Mặc dù, anh hoàn toàn có quyền bình đẳng được quyền phát biểu như những công dân Việt Nam trong cả nước đã và đang công khai bầy tỏ chính kiến đối lập với đảng CSVN đương quyền hiện nay mà không có gì là vi phạm luật pháp hiện hành….

Qua các cuộc gặp cả lần trước trong năm 2007 và lần này với các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, tôi nhận thấy anh có thái độ trung lập chỉ lo làm bổn phận của mình để cố gắng chuyển ngữ tất cả nội dung do tôi trình bày, trao đổi với phái đoàn hay với các nhà ngoại giao. Anh đã tập trung cống hiến sức lao động trí tuệ của mình cho những sứ giả hoà bình của đất nước hùng cường và tự do dân chủ một cách trung thực, chính xác nhất, hoàn hảo nhất mà thôi. Qua mấy lần gặp gỡ, làm việc tôi nhận thấy anh là một thông dịch viên theo rất đúng nghĩa, anh không hề can dự vào việc thảo luận giữa đôi bên dù chỉ là một từ, một câu nói. Anh là người làm việc có trách nhiệm và hiểu biết chức trách cũng như vị trí hiện có của cá nhân mình rất rõ ràng. Bởi vậy, anh là người ngoài cuộc và với thái độ cũng như vị thế đó của cá nhân anh, bộ máy theo dõi và trấn áp của phía an ninh nhà nước Việt Nam không thể gây khó dễ, hay trả thù bất cứ điều gì cho anh ta được. Do đó, việc ông Christian Marchant tỏ ra quá thận trọng lo lắng cho anh là điều hơi dư thừa, không cần thiết, đó là điều chắc chắn rõ ràng ít ra là trong lúc này và không thể nói khác hơn được nữa...

Trong cả lần đi theo đoàn quan chức của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ do tiến sĩ Michael Orôna phó giám đốc Phòng lao động, nhân quyền và dân chủ dẫn đầu đến gặp gỡ và làm việc với tôi khá lâu vào ngày 16/7/2007 năm ngoái thì vai trò của anh Đào Công Đức vẫn như vậy.

Nhưng dù sao đi nữa, qua đây cho công luận chúng ta thấy được hình ảnh nhà nước độc đoán, toàn trị của ĐCSVN trong con mắt bạn bè quốc tế thật thảm thương và ghê rợn làm sao !!!

Bởi vì thật đơn giản với câu hỏi được đặt ra lúc này, là bộ máy nắm quyền lực sức mạnh ở Việt Nam đã làm gì, đã hành xử ra sao trong quá khứ, trong hiện tại để đến nỗi trong thời đại văn minh của nhân loại ngày hôm nay mà trong cái nhìn của bạn bè trên thế giới sao vẫn chưa gột rửa được cho sạch hình ảnh hoen ố không mấy thân thiện, đẹp đẽ hay hữu nghị, hữu hảo mà cỗ máy nghiền kinh khủng đó đã vận hành suốt mấy mươi năm qua gây ra và để lại hậu quả nặng nề đến như thế ???!!!

Tôi nghĩ đó cũng là những vấn nạn đặt ra rất cần những trí não văn minh, tiến bộ và tỉnh táo hành xử ngay từ lúc này trở đi sao cho thật đúng đắn nhằm xây dựng lại hình ảnh Việt Nam tốt hơn, đẹp hơn, có tình người, trọng đạo lý và lẽ phải hơn trước mắt bạn bè trên toàn cầu. Trong sự việc này nổi lên các câu hỏi được nêu ra để tất cả chúng ta, nhất là để các nhà lãnh đạo đảng CSVN và nhà nước của họ hãy mau mau giúp giải đáp cho thật sáng tỏ trước công chúng !

Dân tộc Việt Nam ta có truỳên thống, vốn có tiếng là dân tộc hiền hòa, chịu thương chịu khó, chăm chỉ cần cù, nhân hậu và hoà hiếu mến khách… chắc chắn không đồng nghĩa với những hành xử thô bạo, vô luân mãi như vậy được.

Viết đến đây tôi xin có mấy liên hệ dưới đây rất sinh động và gần gũi với nội dung được đề cập trên, từ đó tất cả những ai theo sát tình hình thời sự liên quan đến Việt Nam sẽ giúp chúng ta hiểu sâu thêm vấn đề uẩn khúc rất gai góc và nhạy cảm này, nên càng cảm thông hơn cho nỗi lo lắng không yên lòng của nhà ngoại giao Hoa Kỳ kia….

Chẳng là khi tôi đặt tay trên bàn phím của máy tính để viết bài này thì đã và đang diễn ra sự kiện chấn động tòan cầu. Ấy là vào sáng ngày 19/9/2008, chính quyền thành phố Hà Nội phát lệnh khởi công xây dựng vườn hoa trên mảnh đất Toà Khâm Sứ cũ tại số 42 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cũng buổi sáng hôm đó đã xảy ra việc động trời, là việc 1 nhân viên an ninh cao lớn mặc áo pun đen cộc tay đóng giả là ký giả với đủ đồ nghề máy ảnh ống kính tele dài thượt chạy lăng xăng hết chỗ này đến chỗ kia để tìm cách ngăn cản cánh phóng viên, nhà báo quốc tế đến săn tin, săn ảnh tại nơi đang diễn ra cuộc phản kháng của đông đảo các linh mục, cùng đồng bào giáo dân đang cầu nguyện trên lòng con phố nhỏ trước hàng rào dây thép gai trùng điệp và dầy đặc lớp lớp cảnh sát cơ động được trang bị đủ loại khí cụ sẵn sàng ra tay...

Tại đây đã xảy ra việc người phóng viên - trưởng đại diện của hãng tin Mỹ AP tại Hà Nội, anh Ben Stocking bị gã mật vụ an ninh kia bắt giữ, ngăn cản anh tác nghiệp, thu giữ máy ảnh, xóa hết phim đã chụp, rồi bị câu lưu hơn 2 giờ trong trụ sở công an quận Hoàn Kiếm. Nghiêm trọng nhất họ đã đánh trọng thương anh với các vết tích bầm máu đầy trên cổ, gáy và rách da đầu phải khâu nhiều mũi. Hình ảnh nhà báo Mỹ này bị các vết thương do hành hung gây nên đã được công bố thật mau lẹ ngay trong đêm cùng ngày. Nó tràn ngập khắp trên các website của BBC, RFA, RSF… cùng rất nhiều website của hải ngoại khác nữa trên Mạng làm phẫn nộ và gây xúc động trước hàng tỷ con người đủ các mầu da…

Thế nên, qua sự kiện đáng xấu hổ trên đây đã xảy ra, khiến chúng ta lại càng phải cảm thông, chia sẻ hơn nữa với viên chức ngoại giao nước bạn càng nhiều khi ông quá lo lắng cho người phiên dịch của tòa đại sứ nước mình đặt trên một đất nước mà cỗ máy quyền lực vẫn nhuốm đậm mầu độc tài chuyên chế, hung bạo là không phải không có căn cứ !

Cũng nhân đây tôi xin nhấn mạnh với quý vị, là chính nhân viên an ninh của công an quận Hoàn Kiếm thuộc sở công an Hà Nội này cùng với gã nhân viên an ninh có tên Minh, là kẻ đã trực tiếp bắt giữ, rồi bóp cổ thanh niên Nguyễn Tiến Nam trong cuộc biểu tình trước cửa chợ Đồng Xuân sáng ngày 29/4/2008. Hai gã sĩ quan an ninh này đã trực tiếp ngồi kẹp 2 bên cạnh rồi xốc nách buộc tôi đứng dậy, nhưng đã bị tôi kiên quyết phản đối để nghe chủ tịch phường Trần Hoàng Hội đọc “bản luận tội” dài nhiều trang do cơ quan A – 42, tổng cục an ninh, bộ công an sọan thảo sẵn trong buổi đấu tố chính trị chiều ngày 31/8/2007 tại hội trường tầng 3 của đồn công an phường Tràng Tiền.

Về bức hình nổi tiếng đầy ấn tượng và rất xúc động đã chụp được cảnh nhân viên mật vụ có tên Minh kia đang chẹt kẹp cổ cháu Nam hôm đó, thì theo lời Nguyễn Tiến Nam cho tôi biết, cũng do chính tay người phóng viên nhiếp ảnh quả cảm, rất xông xáo Ben Stocking chộp được trong khoẳnh khắc quý giá có một không hai. Ngay sau đó, bức ảnh này đã nhanh chóng bay đi khắp thế giới và nó chỉ đứng sau bức ảnh lịch sử rất có giá trị chụp được cảnh tượng công an TP - Huế lấy tay bịt miệng Lm Nguyễn Văn Lý trong phiên toà ngày 30/3/2007 mà thôi !!!

Một sự kiện tiếp theo nữa cũng xin nhắc lại để công luận biết, là vào khoảng tháng 9/2006, anh Matthew Steinglas đặc phái viên đài phát thanh VOA của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã liên lạc được với với tôi qua internet. Nội dung trao đổi anh rất muốn gặp gỡ chỉ riêng cá nhân tôi tại địa điểm gần nhà, vì anh biết hoàn cảnh tôi đang bị quản chế tại phường chặt chẽ. Tôi hoàn toàn đồng ý sắn sàng cuộc gặp này, nhưng ngay lúc ấy tôi đã thông tin cho anh biết, là nên gặp luôn cả thể một số anh chị em trong đội ngũ trí thức trẻ bất đồng chính kiến đòi nhân quyền, dân chủ nữa thì cuộc tiếp xúc sẽ càng thếm có ý nghĩa và tăng giá trị cho bài báo của anh. Người ký giả Mỹ này rất vui mừng khi qua nữ phiên dịch người Việt được thông tin biết như vậy. Ngay hôm sau tôi đã bí mật thông tin mời thêm được các bạn trẻ sẽ cùng tham dự, như các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, các trí thức trẻ khác gồm có Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Trung Lĩnh, Lương Duy Phương và Phương Anh. Nhưng đến phút chót Lê Thị Công Nhân do bận rộn phải đến cơ quan làm việc nên rất tiếc phải cáo từ xin lỗi hẹn không đến tham gia cuộc tiếp xúc này được.

Cuộc gặp gỡ và thực hiện phỏng vấn tại giữa thủ đô Hà Nội này thật quá bất ngờ đối vơí anh - một nhà báo ngoại quốc của một đài phát thanh lớn rất có uy tín, vì cùng một lúc anh được gặp tất cả 6 người tại tiệm Café của Câu lại bộ Nhà báo quốc tế đặt tại số 59 A phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, nơi cách Nhà hát lớn thành phố gần 150 mét. Tất nhiên đến lúc đó phía công an Hà Nội đã biết nên bao vây xung quanh rất đông nhưng họ không có hành vi nào thô bạo đáng lên án. Họ chỉ quan sát, ghi chép và bí mật quay Camera từ xa cuộc nói chuyện này của chúng tôi.

Trong cuộc tiếp xúc này, tất cả anh em dân chủ lần lượt nêu các ý kiến suy nghĩ của mình về mô hình nhà nước và xã hội dân chủ, về cảnh ngộ gian nan, nguy hiểm của tất cả đang chịu đựng và gặp phải…Trong cuộc gặp này chúng tôi đã trả lời phỏng vấn trước máy ghi âm nhiều câu hỏi do phóng viên đài VOA này đưa ra xoay quanh những đòi hỏi về cải cách chính trị, nhân quyền, thể chế dân chủ tự do, hệ thống luật pháp, … nhằm xây dựng xã hội công dân, thiết lập cấu trúc dân chủ đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam.

Sau hơn 1 giờ trao đổi cuộc gặp kết thúc, tôi có đề nghị chụp chung một bức ảnh kỷ niệm với anh Matthwe Steinglas và nêu ý kiến sẽ phân công Bạch Ngọc Dương viết bài tường thuật nội dung giống như buổi gặp đại diện Ủy ban nhân quyền của Đảng bảo thủ Anh quốc tại văn phòng luật sư Nguyễn Văn Đài ở số 10 phố Đoàn Trần Nghiệp, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hồi tháng 7 /2006. Thế nhưng, khi được nghe nữ phiên dịch xong thì phản ứng của anh là dứt khoát từ chối, khước từ không đồng ý cả 2 dự kiến của tôi đưa ra. Trong khi đó, anh lại đề nghị tôi ở lại để được chụp ảnh riêng cá nhân tôi trước Nhà hát lớn thành phố và bức ảnh này sau đó gần 1 năm có thấy đăng trên website của đài VOA nhân dịp tôi trả lời phỏng vấn anh tại Hà Nội qua điện thoại với đài phát thanh này ngay sau cuộc đấu tố chính trị chiều 31/8/2007 mà dư luận đã biết.

Hôm đó các anh em cùng dự cuộc gặp về hết, chỉ còn mình tôi, anh ta và nữ phiên dịch viên đi cùng. Anh ta chỉ đồng ý chụp ảnh kỷ niệm với tôi 1-2 bức trên sân thượng câu lạc này rất chiếu lệ không mấy nhiệt tình và còn yêu cầu không công bố công khai khi anh còn công tác tại Việt Nam ! Vì thế đến bây giờ không thấy xuất hiện bức ảnh về cuộc gặp này dù là chỉ 2 chúng tôi và bài báo về cuộc gặp giữa hai bên do chúng tôi viết. Tôi chỉ thấy sau đó ít lâu ký giả Mỹ này đã có một bài báo ngắn về phong trào đối lập với ĐCSVN đang nắm quyền trong nước được phát trên đài VOA và có đang lại trên Mạng toàn cầu…

Ngay lúc đó, anh em trí thức trong số đã tham gia cuộc gặp cho rằng, nhà báo người Mỹ đó rất lo ngại công an Việt Nam sách nhiễu, đàn áp và rất có thể sẽ bị trục xuất lập tức anh ra khỏi lãnh thổ quốc gia này với lý do vu vơ hoặc bị quy chụp bừa bãi sự vi phạm nào đấy chỉ vì có liên quan đến sự kiện đã tiếp xúc với anh chị em chúng tôi dù sự kiện này chỉ đơn thuần là hoạt động báo chí của một phóng viên. Sở dĩ như vậy, vì tại Việt Nam đã có rất nhiều phóng viên ngoại quốc khi đến công tác trên đất nước này đã phải chịu hậu quả khốn khổ như vậy rồi, chứ không phải chưa từng có bao giờ.

Cũng tại buổi gặp này, anh rất phàn nàn về việc thanh niên Phạm Hùng Vĩ đã tùy tiện viết 1 bài báo ngắn có nhắc đến tên anh. Đặc biệt trong đó có vài nội dung, chi tiết không trung thực trong cuộc gặp giữa anh và người thanh niên kia rồi sau đó bài viết đó đã được phổ biến trên Mạng internet mà anh hoàn toàn không muốn tường thuật công khai lại buổi tiếp xúc giữa đôi bên như vậy…Nỗi lo âu thấp thoáng thường trực trong suy nghĩ đêm ngày của một ký giả Mỹ đang làm việc ở Hà Nội là như thế đấy !

Một sự kiện nữa là, quãng năm 1995-1996, tức sau sự kiện cháy chợ Đồng Xuân có vụ hàng trăm tiểu thương chợ này đã tập trung biểu tình căng biểu ngữ phản đối trước tòa nhà UBND thành phố Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyên nhân cuộc nổi giận của giới thương buôn là do việc ban quản lý chợ này có biểu hiện tiêu cực khi sắp xếp lại chỗ ngồi bán hàng thiếu công bằng, minh bạch cho bà con tại chợ mới được xây dựng sau vụ hỏa hoạn. Khi thấy có cuộc biểu tình nổ ra như vậy (lúc đó sự kiện này là còn khá hiếm), người phóng viên ảnh của hãng tin Reuter đã chụp được vài bức ảnh cảnh tượng có tính nhạy cảm đang diễn ra tại đây. Lập tức ngay lúc ấy, anh ta đã bị hàng chục an ninh mật vụ Hà Nội xông tới bắt giữ, hành hung và giật máy ảnh, rồi tạm giữ trong công an quận Hoàn Kiếm nhiều giờ. Và chỉ đến khi đại diện hãng tin này, rồi phát ngôn nhân của tòa đại sứ Anh quốc tại Việt Nam và cả tổ chức phóng viên quốc tế RFS đồng loạt lên án, tố cáo mạnh mẽ hành vi thô bạo trên của công an Hà Nội… Rồi tiếp đó người phát ngôn bộ ngoại giao Hà Nội chính thức có lời xin lỗi lấy làm tiếc sự việc đã xảy ra thì vụ việc của ngưòi phóng viên đến từ xứ xở sương mù Anh quốc kia mới tạm được giải quyết ổn thỏa.

Một trường hợp khác mà dư luận chưa thể quên, đó là sự kiện vào khoảng năm 1998 -2000, có nữ nhà báo Pháp của một tờ báo bên quốc gia này sang Việt Nam công tác. Bà ta có tìm đến thăm bác sĩ Nguyễn Đan Quế tại tư gia của ông trong Sài Gòn với dự định phỏng vấn nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng này để đưa lên tờ báo mà bà đang làm việc. Khi bị toán mật vụ an ninh canh gác quanh nhà bác sĩ Quế phát hiện, ngăn cản, tiếp sau đó bà đã bị bắt giữ đưa về tạm giam giữ tại trụ sở công an quận 5 cả ngày lẫn đêm. Tệ hại hơn nữa là, trong khi tra hỏi thẩm vấn nữ nhà báo này, nhân viên và sĩ quan an ninh tại đây đã công khai đe dọa nếu cần sẽ hình sự hóa vụ việc để bắt giam bỏ tù thì chỉ cần bỏ vào hành lý cá nhân của bà một chút ma túy là xong làm nữ ký giả rất lo sợ. Cuối cùng, bà đã bị công an áp giải ra sân bay Tân Sơn Nhất để trục xuất khỏi Việt Nam ngay sau đấy. vv….và…vv…

Các vụ chà đạp, xâm phạm hoạt động tự do báo chí của các nhà báo quốc tế khi đến xứ xở này tác nghiệp là như vậy đấy. Tôi tin rằng còn rất nhiều không thể thống kê hết trong khuôn khổ bài báo này…

Trong khi đó, tôi cũng như người xem Tivi trong nước thấy hàng đoàn nườm nượp đủ các loại phóng viên báo chí, truyền hình cả trung ương lẫn địa phương của đảng và nhà nước này thoải mái đến Pháp, Mỹ, Châu Âu, Úc châu, Nhật Bản…hoạt động mà đâu có thấy ai ngăn cản, đàn áp bắt bớ gì. Một việc chưa quên là, lúc còn trong tù ở trại giam Ba Sao – Nam Hà, tôi còn thấy các nhà báo Việt Nam của đài truyền hình “nhà nước ta” công khai đến tư dinh của ông Nguyễn Cao Kỳ cựu phó Tổng thống VNCH thực hiện phỏng vấn để ông ta được thoải mái phát biểu ủng hộ nhà nước VN XHCN, ca ngợi ĐCSVN và lớn tiếng phê phán một số người Việt chống cộng tại ngay chính nước Mỹ mà cùng ông đang tị nạn tại đây kể từ sau ngày 30/4/1975…

Một chuyện nữa là, gần mười năm trước đây tại Hà Nội, tôi cùng cả gia đình còn được xem trên Tivi - VTV1 của đài truyền hình trung ương Việt Nam cho công chiếu loạt phim phóng sự do các phóng viên trong nước đã được đến quay tận nơi định cư cảnh sống, mọi sinh hoạt của những gia đình thân nhân những người Việt có cha, chồng trước đây đã đi lính cho Pháp trong cuộc chiến Đông Dương trước kia mà sau khi kết thúc cuộc chiến tranh vào năm 1954, họ đã theo chân những người lính viễn chinh trở về cố quốc, còn nay thì họ đã, đang bị chính phủ nước này bỏ rơi tàn nhẫn ra sao ? Tôi đã theo dõi rất chăm chú mấy buổi liền các cuốn phim phóng sự như vậy trên truyền hình với nội dung mang tính tố cáo chính phủ Pháp đương quyền và nhiều thế hệ cầm quyền nối tiếp nhau ở xứ sở “cựu mẫu quốc” này đã vong ơn bội nghĩa quên lãng công lao, quên lãng máu xương và mồ hôi nước mắt của những người có chồng, cha, anh họ đã phục vụ chính phủ thực dân Pháp trước kia ra sao. Tôi còn nhớ, hình như bộ phim này gây tiếng vang lớn tại quốc nội lúc ấy và đã dấy lên nỗi bức xức về nỗi bất công mà những người cùng giòng máu Việt Nam với chúng ta phải sống lưu lạc bên trời Tây có tựa đề là “Cuộc sống của những người Việt Nam bị bỏ rơi giữa nước Pháp !!! ”…

Khi viết xong những dòng này chúng ta còn được biết thêm, là vừa qua Tổ chức quốc tế “Phóng viên không biên giới - RFS” đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 169/173 các quốc gia có thành tích tồi tệ về tự do báo chí. Chúng ta còn chưa quên việc dư luận khắp nơi từ Hoa Kỳ đến Nghị viện Châu Âu – EU cùng nhiều tổ chức bênh vực cho nhân quyền khác nữa trên toàn thế giới đã đồng loạt lên án nhà nước CS Việt Nam đàn áp bỏ tù các nhà báo như Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải…chỉ vì viết bài tố cáo các quan chức CSVN tham nhũng, ăn chơi sa đọa lấy từ tiền bạc ăn cắp trong công quỹ, nổi bật đình đám là vụ án PMU 18 !!!

Nếu đem so sánh giữa các sự kiện trên đây về số phận nguy hiểm, khó khăn của các phóng viên ngoại quốc khi đến Việt Nam hoạt động với các nhà báo quốc doanh của đảng và nhà nước được cử sang các nước văn minh tác nghiệp sẽ cho chúng ta thấy sự bất công, vô lý và tệ bạc làm sao…

Câu hỏi được đặt ra là, vậy thì văn minh, bình đẳng, công bằng giữa các nhà báo của ta và Tây ở chỗ nào ? Tính ưu việt, tính hơn hẳn của thể chế mang danh chủ nghĩa xã hội với các nước “tư bản chủ nghĩa” hay “đế quốc chủ nghĩa” kia là ở chỗ nào ? …vv và vv….

Thế đấy, chỉ qua 3 - 4 ví dụ trên cho ta thấy hình ảnh nhà nước Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới thật đáng buồn tủi làm sao ? Chúng ta thấy được những ví dụ trên thì nên đáng vui mừng tự hào hoặc ngược lại ? Có lẽ câu hỏi này tôi dành để cho tất cả quý bạn biết được bài viết này của tôi. Tôi thiển nghĩ, tại sao một nước Mỹ, hay nước Anh, nước Pháp hùng mạnh, văn minh, dân chủ, phú cường vào hàng bậc nhất trên địa cầu này lại phải khiếp sợ hãi hùng trước bộ máy công lực của một quốc gia nhỏ bé, nhược tiểu, độc tài, phản dân chủ và lạc hậu đến thế nhỉ ???

Phải chăng, họ sợ hãi cái man rợ, rừng rú, sợ hãi các chiến thuật du kích, đánh lén, họ khiếp sợ các đòn xã hội đen, đòn hội đồng vô luật pháp của bộ máy cảnh sát đất nước này…hay họ khiếp sợ một Việt Nam “anh hùng cao thượng” “đã đánh thắng 2 đế quốc to” ( trích di chúc CT - Hồ Chí Minh), hay là họ lo sợ ở đất nước này khi “ra ngõ cũng gặp anh hùng” như báo chí quốc doanh của “đảng ta” vẫn tuyên truyền rao giảng ??? Tôi tin chắc trong chúng ta đã có rất nhiều người đã rút ra câu trả lời chính xác và đúng đắn nhất rồi.

Đọc xong bài viết mở đầu có tính giới thiệu và biện minh này, thì đến đây chắc trong chúng ta lại phải càng phải thông cảm để thấu hiểu cho nỗi lo lắng của ông Christian Marchant đã phải bớt chút thời gian quý báu viết đôi dòng bày tỏ sự lo ngại cho sinh mệnh một nhân viên thuộc cấp của mình đương nhiệm tại một quốc gia tự luôn luôn cho mình là “nhà nước pháp quyền XHCN”, một xã hội có “nhân quyền kiểu CHXH, và nền dân chủ tập trung theo nguyên lý Mác-Lê nin ” là như thế nào !!!

Trên tinh thần đó tiếp theo đây, tôi sẽ công bố bài báo viết lại nội dung buổi gặp gỡ, trao đổi với viên chức chính trị đại diện toà đại sứ quán Hoa Kỳ để mọi người cùng tỏ tường. Và trước hết cá nhân người viết cũng có đôi lời trần tình cùng nhà ngoại giao Christian Marchant của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và cá nhân anh Đào Công Đức để chia sẻ cảm thông hiểu cho những suy nghĩ mộc mạc của tôi.

Cuối cùng, có điều gì chưa đúng, chưa chính xác xin đựơc lượng thứ và tôi thành thật cám ơn tất cả, xiết chặt tay tất cả các quý vị !!!

Hà nội ngày 09/11/2008
Nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn
Số nhà 11 Ngõ Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn