BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77519)
(Xem: 63337)
(Xem: 40784)
(Xem: 32414)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vô cảm bắt đầu từ đâu?

16 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1056)
Vô cảm bắt đầu từ đâu?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trong khi nỗi buồn về cái ác vẫn tiếp tục nằm nguyên trong trí thì sáng hôm nay vô tình vào trang báo Sài Gòn Tiếp Thị Online, một câu chuyện làm mình ấm lòng. Câu chuyện nằm khiêm nhường ở một góc khuất và chỉ sau một ngày thì nó đã lặng lẽ biến mất hay nép mình vào phía sau tờ báo để cho các tin khác sốt dẻo hơn phơi ra ở mặt tiền.

Chuyện kể lại hai sinh viên nghèo cứu một cô gái bị tai nạn nằm dọc đường trong khi những người trước đó lái xe đi ngang với sự im lặng vốn thường có trong xã hội.



Hai sinh viên được biết là Nguyễn Công Hiến, sinh viên học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM và Nguyễn Viết Sơn, sinh viên đại học Công nghệ thông tin TP.HCM. Theo SGTT vào khoảng 23 giờ đêm 9 tháng 11 trong khi chở nhau trên quốc lộ 1 A hai anh thấy dòng xe bỗng chậm lại và mọi người chạy chầm chậm ngang một người đang nằm bất động bên đường. Chiếc xe của người bị nạn nằm lăn lóc một bên và không ai dừng xe lại để nhìn xem nạn nhân ra sau.

Hai anh ngừng xe, băng ngang dòng xe cộ đang dập dìu trong ánh đèn xe hai chiều dày đặc. Người bị nạn là một cô gái vẫn còn thoi thóp và một trong hai chàng trai gọi 115 để xin cấp cứu. Tuy nhiên thấy tình trạng cô gái ngày một xấu hơn nếu chờ xe tới nơi thì cô sẽ khó mà qua khỏi.

Hai chàng sinh viên quyết định một người lái, một người bế cô gái ngồi sau xe chạy thẳng về bệnh viện đa khoa Thủ Đức. Cô gái vào tới phòng cấp cứu trong tình trạng mê man. Những tưởng đã yên nhưng một vấn đề khác khiến hai sinh viên ngẩn người khi bệnh viện cho biết không thể cứu cô gái khi không có tiền đóng trước các chi phí, nhất là tiền chụp CT do cô gái chấn thương ở đầu.

Cái giá phải trả là 800 ngàn, nhưng với hai sinh viên nghèo này thì không thể đào đâu ra. Thế mà lòng thương người đã vượt mọi thách đố. Chiếc xe gắn máy cà khổ chở nạn nhân được chủ nhân của nó quyết định mang đi cầm để lấy số tiền 800 ngàn cứu cô gái. May mắn thay, vài người bạn ở nhà được hai anh thông báo đã chạy ngay tới bệnh viện để hỗ trợ cho hai anh bằng tiền của họ. Thế là chiếc xe không phải vào tiệm cầm đồ, còn cô gái nhờ đó đã qua được cơn nguy kịch.

Một kết cục tốt đẹp dĩ nhiên dành cho hai chàng sinh viên nghèo khi cô gái tỉnh dậy và gia đình cô được thông báo đến lo cho cô. Hai chàng trả lời phóng viên tờ SGTT một câu rất giản đơn: Cứ giúp người đi, sẽ có người giúp lại!

Câu chuyện có bao nhiêu nhưng biết bao điều đọng lại trong lòng người đọc. Hình ảnh quần áo trên người dính đầy máu nạn nhân của hai sinh viên có lẽ khiến cho người ngoài ái ngại, nhưng dưới ánh mắt của thân nhân cô gái thật không gì đẹp bằng. Gia đình nạn nhân cũng rất nghèo và trong mắt họ hai chàng trai thực sự là một biểu tượng của lòng nhân ái mà hiếm hoi lắm mới có thể gặp trong đời sống này.

Người nghèo đã quen sống trong những thua thiệt nên mọi bất hạnh đến với họ chỉ giống như mảnh đất vốn dã khô cằn thì nắng có nóng thêm một chút cũng không làm họ sờn lòng. Bất quá, đói thêm một chút thì uống nước cho qua, lạnh thêm một chút thì co người tìm ấm. Dạn dày không thể làm họ quỵ ngã trước bất cứ nỗi khổ nào. Bên cạnh mơ ước có đủ tiền để sống có lẽ cái làm họ ấm lòng nhất là tình người.

Cái ác thường nảy nở trên những mảnh đất hoang vu, thiếu vắng sự cảm thông của người với người, thế nhưng điều thiện không khác gì hạt giống tốt, càng khô nó càng sống mạnh khi đến mùa gieo hạt.

Xã hội đã quá lâu ủ những hạt giống mạnh khỏe trong bóng tối và quên bẵng chúng cần phải được gieo trên cánh đồng đạo đức. Qua câu chuyện của hai sinh viên nghèo này thì có vẻ hạt giống đã nảy mầm trên chính những giọt máu của những con người cùng khổ. Điều thiện đã trở lại sau bao trở ngại do xem thường tính chất đạo đức trong xã hội hay những vật cản làm cho việc thiện không có cơ hội nảy mầm?

Cái gì là vật cản ở đây, khi việc thiện tuy hiếm khi xảy ra nhưng chưa có một ai đủ can đảm khước từ làm điều thiện?

Xin thưa: Có, và rất công khai.

Đó là hệ thống cấp cứu của bệnh viện trên toàn quốc đã và sẽ thẳng thừng từ chối cứu người khi không có tiền đóng trước các loại viện phí.

Mọi người sống ở xứ sở này đều biết như vậy, và vì do biết nên không ai dám mang một nạn nhân bất tỉnh không quen biết vào bệnh viện. Người dân không vô cảm nhưng chính sự vô cảm của hệ thống chính trị cho phép các quy định loại này của bệnh viện đã phá vỡ thô bạo hàng rào đạo đức, vốn dễ vỡ như thủy tinh, nay lại càng được dịp lan tỏa vào tất cả cộng đồng.

Nhà nước không có bất cứ một tư duy nào về tính vô cảm này đang hiển hiện trong xã hội để tìm cách sửa đổi nó. Bộ Y tế vẫn mài miệt tìm xem dung dịch mà TS Ozon Nguyễn Văn Khải có phù hợp hay không, bất kể kết quả cho thấy người dân đang nằm la liệt bỗng dưng đứng dậy về nhà sau khi được TS Khải chữa trị bằng cái chất dung dịch đơn giản mà hiệu quả của ông.

Bộ Y tế sợ sức tác động của bệnh nhân khi được ông Khải cứu do thành kiến, cũng giống như bệnh viện vì lợi nhuận sẵn sàng cho bệnh nhân chết nếu không có tiền đóng trước.

Hai việc tuy khác mà giống nhau: Giết người do thành kiến và lợi nhuận.

Báo chí cứ chạy theo phán xét tại sao thời buổi bây giờ người dân vô cảm quá. Báo chí không khai thác một góc rất lớn của người dân khiến họ phải đành lòng bỏ qua những điều phải làm của một công dân lương thiện: họ quá bận rộn mưu sinh và tự bảo vệ cho gia đình trước các biến động bên ngoài xã hội, trong đó một phần không nhỏlà các phiền hà đến từ nhà nước.

Hành động đáng ngưỡng mộ của hai sinh viên Nguyễn Công Hiến và Nguyễn Viết Sơn chỉ là hai cái phao đơn lẻ giữa đại dương mênh mông nhưng có tác dụng nhắc cho nhà nước biết rằng hệ thống y tế của mình cần phải xét lại. Lợi nhuận không phải lúc nào cũng đúng khi nó từ bỏ cả cái slogan cao quý của mình: Lương y như từ mẫu.

Xin hãy chữa trị bệnh vô cảm bắt đầu từ nơi chuyên chữa bệnh cho xã hội trước khi nói tới chuyện gì khác. Còn chữa bằng cách nào thì đó là việc của nhà nước chứ không phải việc của người dân chúng tôi.

 Cánh Cò

16-11-2011

Theo Blog Cánh Cò
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn