BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72625)
(Xem: 62053)
(Xem: 39148)
(Xem: 31015)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khổ đau hai chữ xin-cho

11 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 895)
Khổ đau hai chữ xin-cho
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Nếu hỏi đặc trưng của cơ chế quan liêu bao cấp là gì, chắc chắn ai cũng nhắc đến hai chữ xin- cho, nói như gs Trần Phương: “Xin – cho là sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thậm chí đồng nhất với cơ chế này”. Nói cho nhanh, cơ chế quan liêu bao cấp, cơ chế một thời gây ra không biết bao nhiêu khổ đau và trì trệ, đó là cơ chế xin- cho.



 Thời ông Trần Phương làm phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng, thì hai chữ xin- cho tràn ngập khắp nơi, người dân không có quyền gì sất, tất tần tật đều phải xin và chờ cho. Đến nỗi tiền mình gửi tiết kiệm mà muốn rút tiền thì phải làm đơn xin, ngân hàng cho rút mới được rút. Đúng là thời khổ đau.

Cứ tưởng sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp thì hai chữ xin cho cũng bị xóa sạch, hóa ra nó vẫn còn, ở góc nào trong xã hội cũng thấy sờ sờ hai chữ xin- cho. Ngay trong bản Hiến pháp năm 1992, hiến pháp ra đời trong thời kì Đổi mới, hai chữ xin- cho vẫn ấn náu ở trong rất nhiều điều khoản, dưới các cụm từ Nhà nước tạo điều kiện, Nhà nước khuyến khích, v. v *

Đúng như ông Võ Trí Hảo đã nhận xét: “Mặc dù chế độ bao cấp đã bị bãi bỏ, “nhà nước chuyên chính vô sản” trong Hiến pháp 1980 được thay bằng “nhà nước của dân do dân vì dân” trong Hiến pháp 1992, nhưng tư duy bao cấp trộn lẫn với tâm lý “quan phụ mẫu” theo nếp nghĩ Nho giáo vẫn còn xuất hiện nhiều trong Hiến pháp 1992, đặc biệt ngôn ngữ ban ơn vẫn được sử dụng trong nhiều đoạn của hiến pháp.”

Dân ta lắm người vẫn nhầm lẫn công dân với thần dân, coi nhà nước như trời, nói gì nghe nấy, cho gì được nấy , cấm cãi. Lâu ngày rồi các nhà quản lý cũng nhầm tưởng mình là trời thật, cứ thế là ban cho dân, khỏi cần phải hỏi ai. Vì thế ông Nguyễn Trần Bạt mới kêu rằng: “ Có nhiều việc chúng ta làm một chiều, chúng ta nói là nói theo ý chí của nhà quản lý, không tham khảo ý kiến của xã hội.” Bây giờ mới hiểu vì sao nhiều việc lớn ở đời không có trưng cầu dân ý, ngay cả luật trưng cầu dân ý nói mãi rồi, bàn mãi rồi đến nay có được Quốc hội thông qua đâu.

“ Đã đến lúc ta nên loại bỏ ngôn ngữ xin- cho ra khỏi các văn bản pháp luật”- Đề xuất của ông Phùng Nguyên rất đúng: “Ngôn ngữ xin-cho trong các văn bản pháp luật còn rất nặng nề, từ pháp luật cho đến hệ thống chính sách. Nhà nước giữ quyền cho và do đó phản ứng đương nhiên của xã hội là giữ quyền xin.”

Ba mươi năm hô hào đổi mới tư duy, cho đến nay hai chữ xin- cho vẫn còn chế ngự trong tư duy của chúng ta, vẫn con nhiều người đinh ninh Hiến pháp là do Nhà nước ban cho dân. Không. “Hiến pháp là khế ước xã hội giữa nhân dân với nhau, nhưng sau khi nhân dân đã cùng nhau thỏa thuận trao quyền cho nhà nước thì nhân dân trở thành một khối thống nhất đại diện cho bên trao quyền, còn nhà nước trong quan hệ mới này sẽ đóng vai trò là người được ủy quyền.” ( Võ Trí Hảo). Đúng vậy đó, phải hiểu đúng như vậy.

 Chừng nào các nhà quản lý hiểu đúng như vậy thì hai chữ xin- cho tự khắc sẽ biến mất. Khi đó người dân mới mong có hai chữ hạnh phúc.

Nguyễn Quang Lập

11-11-2011

Theo Quê Choa

 …………………………

* Điều 31 quy định “Nhà nước tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện”. Điều 34 quy định “Nhà nước… tạo điều kiện để mọi người được chăm sóc sức khỏe”. Điều 41 quy định “Nhà nước… tạo các điều kiện để không ngừng mở rộng các hoạt động thể dục, thể thao quyền chúng”. Điều 59 quy định “Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng” và “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phụ hợp”. Điều 63 quy định “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Điều 66 quy định Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí”. Điều 75 quy định “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam…”. ( Liệt kê của Võ Trí Hảo)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn