BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31171)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ Trường Sa đến Tự do, Dân chủ

14 Tháng Mười Hai 200712:00 SA(Xem: 1178)
Từ Trường Sa đến Tự do, Dân chủ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Sự kiện Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định thiết lập thành phố cấp huyện Tam Sa bao gồm ba quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa), Trường Sa (Nam Sa) và Trung Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam vào đầu tháng 12/2007 là một bước leo thang mới trong âm mưu xác lập chủ quyền thực sự và kiểm soát toàn bộ biển Đông.

Nó đặt giới lãnh đạo Việt Nam vào một tình trạng ngày càng khó khăn. Không những phải đối phó với Bắc Kinh mà còn đối với nhân dân Việt Nam. Bởi vì khí thế của hai cuộc biểu tình tự phát «chống Trung Quốc xâm lược» của sinh viên (SV), thanh niên trước toà đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội và toà lãnh sự thành phố Sài-gòn mặc dù số lượng chưa cao (khoảng 300) nhưng mang nhiều ý nghĩa và có dấu hiệu sẽ tiếp tục với quy mô lớn hơn. Không kể những cuộc biểu tình liên tục của dân oan khiếu kiện, đây là lần thứ hai kể từ tháng 4/75 mà một cuộc biểu tình tự phát như vậy có thể xảy ra. Qua cuộc trao đổi ngay sau khi biểu tình tại Nhà Văn hoá thanh niên thành phố Sài-gòn, nhiều lúc gay gắt, giữa đại diện Thành đoàn và Thành phố (ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP), chúng ta có thể ghi nhận:

-Biểu tình thể hiện lòng yêu nước một cách ôn hoà không thể bị công an ngăn cản, bị coi là sai trái. Đại diện thành đoàn bị la ó nhiều lần.

-Cần phải có hành động cụ thể đối với dã tâm bành trướng của Trung Quốc. Không chấp nhận lối phản ứng bài bản, chiếu lệ của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Dũng. Ông Tài cho là nên đưa vấn đề ra hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và đồng ý cho SV, thanh niên tổ chức biểu tình tuần hành vào một ngày sẽ xác định sau.

-Không chấp nhận chính sách «bịt thông tin» (chỉ có một bài của tờ Tuổi Trẻ, mà sau đó bị lột xuống). Ngoài ra, ngay cả đại diện thành đoàn đã từng ra thăm chiến sĩ Trường Sa lẫn ông Tài không ai biết Trường Sa có bao nhiêu đảo, hiện nay Việt Nam kiểm soát bao nhiêu...

Từ một câu tuyên bố của Tần Cương đến há miệng mắc quai...

Từ trước tới nay, mỗi lần có tranh chấp về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Lê Dũng, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam và ông Tần Cương, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc sau những câu xác định chủ quyền thường hay nhắc đến câu «trái với nhận thức chung giữa hai nước về vấn đề trên biển». Tuy nhiên, giá trị và ý nghĩa thực sự của nó thì hoàn toàn khác nhau.

Cách đây không lâu, khi phản đối Việt Nam hợp tác với công ty BP của Anh để lắp đặt đường ống khí đốt tại Trường Sa (trị giá 2 tỉ đô la), ông Tần Cương sau màn trình diễn thường lệ đã kết luận: "Trung Quốc hết sức quan tâm việc này và̀ đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam». Đúng là thái độ của một quan thái thú, và hậu quả là công ty BP phải lui bước, bỏ giao kèo. Lần này, sau hai cuộc biểu tình rất ôn hoà, ông Tần Cương đã lớn giọng lên án những diễn biến «làm tổn hại quan hệ giữa hai nước và hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ có thái độ trách nhiệm đồng thời có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những sự việc làm tổn hại đến quan hệ song phương như vậy", và kết luận: «Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi nhận thấy các tuyên bố khác nhau của Việt Nam trong các thời điểm lịch sử khác nhau và Trung Quốc hiểu rõ chuyện đó». Đây đúng là «lá bài lật hé ngửa» và chính là chỗ yếu mà giới lãnh đạo cộng sản hiện nay muốn che giấu với nhân dân trong khi thương lượng với Trung Quốc.

Những lời tuyên bố khác nhau ở đây là gì ? Là lời tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm vào tháng 6/1956 xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc theo dữ liệu của Việt Nam. Là công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm văn Đồng « tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1959 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc», theo đó lãnh hải 12 hải lý áp dụng cho từ bất kỳ mốc lãnh thổ nào của Trung Quốc, trong đó tính gồm cả các đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa). Sau này ông Nguyễn Mạnh Cầm có giải thích trong cuộc họp báo ngày 2/12/1992 tại Hà Nội là việc nhận trên là do cần sự hỗ trợ to lớn và giá trị của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Mỹ và chỉ là tạm (sic !), không có ảnh hưởng pháp lý, bởi theo hiệp định Genève, lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam kể cả hai quần đảo này. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, không có vấn đề «công nhận tạm», vì chính quyền Việt Nam hiện nay và chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1956, 1958 vẫn là một ! Giá là một chính quyền khác thì dễ ăn, dễ nói hơn.

Thật ra, đây chỉ là một cái cớ để dễ bắt chẹt trong âm mưu bá quyền của Trung Quốc. Chúng ta phải minh định rõ: việc công nhận này là cái giá mà chính quyền miền Bắc phải trả cho cuộc chiến tranh chống Pháp trước đó rồi mới nói tới cuộc chiến chống Mỹ sau này. Và Trung Quốc đã có cớ để đòi nợ ! Tuy nhiện, đứng về phương diện pháp lý, chúng ta đồng ý là Trung Quốc không thể đưa ra luận điểm này trước Toà án quốc tế mà chúng ta sẽ bàn sau.

Hiện trạng Trường Sa và sự cần thiết một chọn lựa chiến lược

Quần đảo Hoàng Sa (gần Đà Nẵng) đã bị Trung Quốc chiếm đóng sau trận hải chiến đẫm máu nhưng rất oanh liệt năm 1974 giữa hải quân Việt Nam Cộng Hoà và Trung Quốc. Quần đảo Trường Sa (gần Cam Ranh) gồm khoảng 100 đảo nổi và chìm, mà theo bài viết của tác giả Thuỷ Tinh Lang Nha đăng trên web Hoa ngữ ngày 5/5/07 (« Trung Quốc nên to gan ăn cua một lần, không phải Đài Loan mà là Việt Nam, là Nam Hải»):
Việt Nam: 29 đảo (chủ yếu do Việt Nam thực hiện cưối năm 1975 khi chính thức thừa nhận Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam)

Trung Quốc: 6 đảo (chiếm giữ vào năm 1988 sau trận hải chiến đẫm máu giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc tại đảo chìm Johnson)

Đài Loan: chiếm đảo lớn nhất Ba Bình (tác giả quên đề cập !).

Philippines: 7 đảo trong đó có Vành Khăn.

Mã Lai: 3 đảo.

Inđônêsia: 2 đảo.

Trong 6 nước trên có 3 nước tuyên bố chủ quyền toàn phần là: Việt Nam, Trung Quốc và Philippines (Philippines đưa ra luận cứ 200 dặm theo luật biển UNCLOS 1982), các nước còn lại chỉ đòi chủ quyền một phần.

Về phương diện giải quyết tranh chấp, sau những xung đột lẻ tẻ có chiều hướng gia tăng nhất là khi ASEAN bác bỏ đề nghị của Trung Quốc «Chủ quyền là của Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác» , hai bên đã đi đến quyết định giữ nguyên trạng theo Tuyên bố về cách ứng xử đối với biển Đông (Declaration of conduct-COD) tháng 11/2002.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra sau đó chỉ thể hiện rõ nét sự lấn tới trong tham vọng hầu như không che dấu của Trung Quốc muốn làm chủ Nam Hải. Năm 2004, Trung Quốc có hoạt động quân sự quanh đảo Vành Khăn. Philippines không chống trả được, cuối cùng phải ký kết hợp tác thăm dò với Trung Quốc và cả Việt Nam ngày 4/7/2005 ! Đây là một hành vi hoàn toàn trái với luật quốc tế (chỉ có một chủ quyền quốc gia duy nhất) và DOC. Việt Nam với chủ quyền chính đáng về pháp lý và lịch sử và kiểm soát thực tế 29 đảo so 6 đảo của Trung Quốc không thể đi theo vết xe này nếu không muốn làm trò cười cho Trung Quốc mà rồi trước sau cũng mất cả chì lẫn chài vì hành động tuỳ tiện như vậy.

Ở đây cần nhìn rõ quan điểm chiến lược của Trung Quốc để tìm chiến lược thích nghi. Cần phân tích 10 luận điểm mà Thuỷ Tinh Lang Nha đã nêu ra trong bài viết mặc dù đây không phải là quan điểm chính thức của Bắc Kinh. Bài viết nhận định tầm quan trọng chiến lược của Nam Hải thông qua eo Malacca, sự sống còn của hạm đội tầu ngầm, sự cấp thiết phải hành động sớm để giải quyết vấn đề... và kết luận: «Việt Nam chiếm lĩnh Nam Hải trên mặt pháp lý không trụ được (phá hoại hiệp định 1958 trên bản đồ ghi rằng Nam Hải là của Trung Quốc) + hải quân Việt Nam yếu nhỏ + Việt Nam tiếp giáp biên giới với Trung Quốc sợ rằng khi có chiến tranh bùng nổ, kinh tế suy sụp ngay lập tức + không có Mỹ Nhật thực sự can thiệp giúp đỡ + khối ASEAN phản ứng yếu, lại có bộ phận ủng hộ chúng ta = Việt Nam không dám cùng Trung Quốc khai chiến cũng như không có thực lực để khai chiến (họ phải lo lắng về phần lục địa). Cho nên, có đánh nhau là không đứng lên được. Phía chúng ta cũng cần tự hỏi, tại sao Nam Hải lại quan trọng như vậy (tất chiến) và chúng ta có khả năng thu phục Nam Hải (khả chiến) mà chúng ta lại không đi đánh, vậy thì sao lại vất đi cơ hội đó, để vấn đề Nam Hải tiến tới ác hóa, quốc tế hóa".

Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay luôn tỏ ra thiếu bản lãnh, quá lệ thuộc trong việc đối phó với Trung Quốc, nên đã để xảy hai hiệp định hoàn toàn bất lợi với Trung Quốc về đất liền (1999) và biển (2000) mà người dân không được biết nội dung. Giờ đây, đáng lý ra giới lãnh đạo cộng sản phải nương vào những biểu lộ tình yêu nước chính đáng của giới sinh viên, thanh niên để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy là dân Việt Nam không hèn, không sẵn sàng để Trung Quốc muốn làm gì thì làm, thì ông Lê Dũng lại trơ trẽn cho là «tụ tập trái phép». Nếu không biết điều chỉnh, sẽ có thể đưa tới chỗ giới lãnh đạo đảng cộng sản tự ở trong tư thế không yêu nước mà chỉ lo bảo vệ mình, bất chấp quyền lợi của Tổ quốc. Bởi vì thái độ thần phục, dễ dãi sẽ chỉ làm kẻ có mộng bá quyền thích thú.

Trong hiện trạng, thực ra Việt Nam vẫn có khả năng đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc, nhất là khi đã là thành viên không thường trực. Ở đây tôi muốn trích dẫn một bài tham luận rất công phu của tiến sĩ luật Sorbonne Từ Đặng Minh Thu vào năm 1988 và đăng trên Thời Đại Mới (số tháng 7/2007), nhan đề «Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc». Sau khi phân tích kỹ lập trường hai bên về ba phương diện liên quan đến chủ quyền lãnh thổ vô chủ (quyền khám phá, quyền chiếm hữu lâu dài và khía cạnh pháp lý lịch sử), giáo sư Thu cho rắng Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để thắng trong một vụ kiện trước Toà án quốc tế. Ông đưa ra một số khả năng:

«Trung Quốc cho đến nay chỉ chấp nhận thương thuyết song phương. Trung Quốc muốn thương thuyết song phương để buộc quốc gia đối phương phải thương thuyết theo chiều mà Trung Quốc muốn. Nếu không Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực. Đây chỉ là một chiến thuật để Trung Quốc tranh thủ thời gian để củng cố thêm thế của mình đối với hai quần đảo. Thời gian càng kéo dài thì càng có lợi cho Trung Quốc.

Giải pháp khai thác chung mà Trung Quốc đề nghị không thể thực hiện được khi mà vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết. Như vậy, thời gian càng kéo dài thì lại càng củng cố được những sự chiếm hữu bất hợp pháp, và quốc gia nào có chủ quyền pháp lý vững vàng sẽ bị thiệt thòi.

Giải pháp đưa ra Toà án Quốc tế hoặc Trọng tài Quốc tế có lẽ công bằng nhất, nhưng Trung Hoa ngày xưa đã hơn một lần phủ nhận giải pháp này, khi Pháp đề nghị vào năm 1932 và năm 1947. Đối với Trung Quốc bây giờ thì lại càng khó hơn nữa.

Giải pháp hiện thời, thực tiễn nhất là đem ra khối ASEAN hoặc Liên hợp quốc để giải quyết. Liên hợp quốc là giải pháp có thể hữu hiệu hơn, vì đem ra cơ quan này có tính cách khoáng đại, cho phép Mỹ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác tham dự vào. Hơn nữa, trường hợp Liên hợp quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong việc giải quyết, Liên hợp quốc vẫn có quyền đem vấn đề ra Toà án quốc tế và yêu cầu Toà cho ý kiến (avis consultatif) mà không cần sự đồng ý của bất cứ quốc gia nào. “Thủ tục cho ý kiến” của Toà án Quốc tế không có hiệu lực quyết định như một bản án thực sự, nhưng nó vẫn có một tác động mạnh mẽ trong dư luận thế giới. Vụ tranh chấp vùng Tây Sahara đã được Toà cho ý kiến trong những hoàn cảnh như trên (nghĩa là thể theo yêu cầu của Liên hợp quốc).

Cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Để càng lâu, nó càng đe dọa hòa bình ở Đông Nam Á và có thể là hoà bình thế giới».

Việt Nam có dám đưa vấn ra Liên Hiệp Quốc hay không ? Đó là câu hỏi mà giới lãnh đạo cộng sản nên suy nghĩ trả lời. Trong trường hợp một quốc gia có tư thế độc lập thực sự thì dù là một nước nhỏ hơn, chúng ta vẫn phải có can đảm làm không bắt buộc là phải sợ sứt mẻ mối quan hệ song phương. Cũng không phải quá lo về việc tính toán sự ủng hộ nếu chúng ta biết ứng xử và dù Trung Quốc có quyền phủ quyết.

Trong mọi trường hợp, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải ý thức được là mình đang đứng trước một Trung Quốc không khoan nhượng trong âm mưu thực hiện bá quyền của mình. Người ta thường nói: Đi với Trung Quốc thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng. Nhưng thực ra, đi với Mỹ đâu có mất đảng nếu sớm thực hiện những tự do, dân chủ để tạo dựng một xã hội không có đàn áp những nhân quyền cơ bản, không có tham nhũng tự tung tự tác, và người dân có thể coi mình là chủ đất nước của mình. Chỉ có sự đoàn kết một lòng một dạ giữa trong và ngoài mới có thể đập tan mộng bành trướng đó mà thôi.

Rennes 14/12/2007
Tiến Hồng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn