BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Có nên đối thoại với Cộng Sản hay không ?

28 Tháng Tám 200712:00 SA(Xem: 959)
Có nên đối thoại với Cộng Sản hay không ?
58Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
58


Cách đây hơn hai tháng, trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu đầy sóng gió của ông Nguyễn Minh Triết, có một chi tiết có ý nghĩa đặc biệt nhưng ít được chú ý tới : đó là lần đầu tiên một giới chức lãnh đạo cộng sản tại chức đề nghị -dù chỉ là trong bàn tiệc vào ngày cuối và trong tư thế bị la ó phản đối bên ngoài- có đối thoại giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và đảng, Nhà nước Việt Nam. Đối thoại không thành kiến với những khác biệt về quan điểm, ý kiến. Đối thoại để giải quyết những khác biệt này.

Có một số ý nghĩa tích cực trong lời đề nghị đó. Trước hết, ông đã không dùng từ Việt kiều hoàn toàn không đúng (chữ kiều chỉ dùng để chỉ người dân nước khác sinh sống trên đất nước mình) và gây phản cảm đối với người về thăm nhà. Ông cũng nói tới đối thoại không thành kiến về quan điểm, ý kiến. Bởi vì đã có nhiều thành kiến trong lề lối tuyên truyền của đảng cho rằng: những người Việt hải ngoại đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền là nói xấu đất nước, là ôm hận thù và mong lật đổ chế độ bằng bạo lực để về làm vương, làm tướng... Ông Triết hẳn đã có dịp chứng kiến trong chuyến viễn du hàng ngàn thanh, thiếu niên tràn đầy sức sống đứng đón chào ông với những biểu ngữ, tiếng hô vang kêu gọi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Trong một ý kiến gửi cho đài BBC, cô Nhật Cúc cho biết:

“Không nhất thiết phải sinh ra trong cuộc chiến thì mới tha thiết với dân chủ tại VN”. “Tôi qua Hoa Kỳ năm 12 tuổi, tôi thấy các giá trị của nhân quyền, tự do báo chí, đây là quyền căn bản mà tất cả mọi người trên thế giới đều được hưởng”.

“Ở Việt Nam không có tự do, không có dân chủ, và Việt Nam là quê hương tôi, cho nên tôi có quyền hy vọng mong muốn người dân của mình sống trong một nước tự do và giàu mạnh".

Lòng nhiệt tâm của họ đã gây xúc động cho cả những du sinh đang theo học tại Mỹ và đánh tan thành kiến nêu trên. Về điểm bất đồng chính kiến, ông đã gián tiếp cho thấy những người như ông Kỳ không đại diện cho cộng đồng như ông ta nói. Nó cũng cho thấy lý do thất bại của những chuyến đi «giải thích chính sách của đảng » như bà Tôn Nữ Thị Ninh đã làm.

Trong ý hướng tích cực nêu trên, có những nhân vật trong cộng đồng như luật sư Nguyễn Quốc Lân, chủ tịch Hội đồng giáo dục học khu Garden Grove ở bang California, nói với BBC rằng đã đến lúc người Việt ở Hoa Kỳ và chính phủ Hà Nội nên ngồi xuống nói chuyện với nhau để tận dụng khả năng, tài nguyên, phương tiện của khối người Việt tại Hoa Kỳ nhằm xây dựng đất nước phú cường. Ông tin rằng một cuộc nói chuyện bình đẳng, công khai đặt trên căn bản quyền lợi chung của đất nước giữa hai phía sẽ giúp ích cho quá trình làm việc và giải quyết các bất đồng về sau này, đặc biệt là vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền. Ông cũng cho rằng, nói chuyện với cộng sản không phải là xấu, nói chuyện mà làm theo ý người cộng sản mới là xấu.

Theo nhận định của tôi, nếu thực sự có những điều kiện trên, cuộc đối thoại sẽ hiệu quả. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, có một số yếu tố khiến cho chúng ta nghi ngờ thiện chí đối thoại của cộng sản:

- Tại sao giới lãnh đạo cộng sản không khởi sự đối thoại với những những người bất đồng chính kiến trong nước mà lại khởi sự đối thoại với cộng đồng người Việt hải ngoại ?

Vào tháng 4/2007, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC, ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng đã phát biểu: «Theo tôi thì tôi nghĩ rằng nên mở rộng đối thoại. Và tôi cũng có ý kiến chánh thức với những người lãnh đạo. Tất cả những chánh kiến khác nhau, khác nhau là chuyện thường, điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau, mà nói chuyện một cách sòng phẳng. Tức là phải nghe những lời phê phán, hay có thể nghe những quan điểm của người ta. Người ta có quyền trình bày những quan điểm của người ta, nhưng mình cũng có quyền phê phán lại những quan điểm ấy. Quá trình đối thoại là quá trình thuyết phục. Tôi cho là cần phải làm như vậy hơn là dùng biện pháp hành chính».

Rất tiếc là giới lãnh đạo cộng sản đã dùng biện pháp đàn áp thô bạo thay cho đối thoại với những nhà tranh đấu ôn hoà như LM Nguyễn Văn Lý, luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài... với lý do vi phạm luật pháp (!). Luật sư Trần Lâm đã có một bài nhận định tính cách phi pháp trong vụ xử luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài và cho rằng họ phải được tha bổng (1). Còn vụ xử LM Nguyễn văn Lý thì phiên toà «bịt miệng» đã đi vào lịch sử của nền tư pháp Việt Nam !

-Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII theo nguyên tắc đảng cử, dân bầu mà ông Triết vẫn khoe khoang là dân chủ với 99,9% cử tri đi bầu thì chúng ta không biết đảng quan niệm dân chủ ra sao ?

-Vụ đàn áp hàng ngàn nông dân biểu tình khiếu kiện đất đai tại TP Hồ Chí Minh kéo dài 27 ngày và tiếp sau đó vẫn liên tục xảy ra ở Hà Nội, ..và rồi trở lại TP Hồ Chí Minh thực chất đã được báo chí trong nước (Thanh niên chẳng hạn) mới đây mô tả chủ yếu là đòi lại đất đai và bồi thường thoả đáng nhưng báo Nhân Dân vẫn tìm cách đổ cho giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và lực lượng phản động ở nước ngoài xúi dục chính là những yếu tố khiến cho chúng ta chưa thể tin vào thực tâm đối thoại của giới lãnh đạo cộng sản với cộng đồng người Việt hải ngoại.

-Ông Triết cho là không cần cải thiện vấn đề nhân quyền.

-Trong cơ cấu lãnh đạo của đảng hiện nay, nhân vật số 2 Lê Hồng Anh là bộ trưởng bộ Công an đứng cao hơn ông chủ tịch Triết và ngay cả ông Thủ tướng Dũng là một điều chưa từng có trong bất cứ cơ cấu quyền hành một nước nào dù là theo chế độ độc đảng. Tính cách này cho thấy đảng cộng sản chỉ đặt ưu tiên là củng cố chế độ đảng trị bất chấp quyền lợi nhân dân.

Cuối tháng 9 này, ông thủ tướng Dũng sẽ sang Hoa Kỳ được ước tính từ 21 đến 25/8/07 để dự phiên họp tại Liên Hiệp Quốc với hy vọng được ủng hộ để vào Hội Đồng Bảo An và thăm một vài nơi khác. Không biết ông Dũng - người được coi là trách nhiệm chính trong vụ đàn áp dân chủ vừa qua- có muốn đối thoại với cộng đồng người Việt như ông Triết không ? Trong điều kiện hiện nay, khả năng này chắc là khó thực hiện.

Rennes 28/8/07
Tiến Hồng
(1) Xem bài «Ghi vội những suy nghĩ sau vụ án Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân» đăng trên Thông Luận ngày 18/8/07.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn