BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi có phải là nhân dân không nhỉ?

27 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 898)
Tôi có phải là nhân dân không nhỉ?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Lâu nay tôi cứ ngỡ tôi hiểu rõ nghĩa của từ nhân dân. Thì từ này ai mà chả hiểu, nhân là người mà dân tức không phải là quan.

Nay đọc được bài viết của TS Nguyễn Văn Quang trên báo QĐND mới giật mình vỡ lẽ ra rằng từ nhân dân tưởng là đơn giản mà hóa ra phức tạp ra phết. Ai không tin thì hỏi ông xã tôi xem (học tập bác Ba Phi ấy mà!).

Còn nếu không muốn hỏi ông xã tôi, thì cứ tìm đọc kỹ bài của TS Quang trên báo QĐND cũng được. Nhưng tôi phải báo trước là bài ấy sâu sắc lắm, khó đọc lắm đấy nhé.

Là một người làm nghề đi dạy học, lại luôn tự hào là công dân tốt, nên tôi đã bỏ công ra đọc đi đọc lại bài viết này xem chính mình có nhầm lẫn gì không. Hóa ra là có, các bạn ạ.

Nhầm lẫn lớn nhất của tôi là ở chỗ này: Vì lâu nay hiểu nghĩa của từ nhân dân một cách đơn giản nên tôi cứ đinh ninh mình là nhân dân, nói nôm na là người dân. Tức không phải là quan. Nói cách khác, tôi là người được (Đảng) lãnh đạo, không phải là giai cấp đi lãnh đạo người khác.

Nhưng sau khi nghiền ngẫm bài viết rất sâu sắc của TS Quang – một vị đại tá quân đội – thì tôi mới biết là vấn đề không đơn giản thế, mà phức tạp hơn rất nhiều. Nên mới có cái câu hỏi mà tôi đưa lên làm tựa của entry này, là như thế.

Phức tạp như thế nào? Này nhé, trước hết là câu này, trích từ bài viết (đoạn số 2):

Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước và là người thực hiện cuối cùng các quyết sách chính trị do chính mình định ra.

Chiếu theo nghĩa của câu này thì rõ ràng tôi không phải là nhân dân. Vì tôi không phải là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã từng định ra bất kỳ quyết sách chính trị nào cả, mặc dù có lẽ cũng đang (phải) thực hiện nhiều quyết sách chính trị do người khác định ra.

Nhưng nếu không là dân, thì tôi là ai? Chẳng lẽ là … quan? Gì chứ quan hay là giới lãnh đạo thì tôi biết chắc chắn không phải là tôi. Thử đọc thêm một chút nữa để hiểu rõ hơn.

Đoạn 3 của bài viết là đoạn nêu rõ nhất định nghĩa nhân dân của tác giả bài viết. Có 3 câu viết liên tiếp cạnh nhau, khẳng định rất rõ ràng bản chất sâu sắc nhất của từ nhân dân. Xin xét từng câu.

Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định.

Theo câu này, thì hình như theo nghĩa rộng, nghĩa phổ thông, có thể xem tôi là nhân dân vì tôi là một trong khối người đông đảo làm nền tảng cho nước VN trong giai đoạn lịch sử hiện nay. May quá, vậy là lâu nay tôi cũng hiểu đúng. Nhưng tất nhiên đây chỉ mới là một cách hiểu, cách thô thiển, tầm thường, phổ thông, đơn giản nhất.

Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định.

Câu trên đây cho thấy một nghĩa khác, nghĩa không phổ thông, nghĩa đặc thù, sâu sắc của từ nhân dân (chắc cái nghĩa nhân dân này chỉ có ở mấy nước XHCN ưu việt mới có). Theo nghĩa này thì nhân dân chỉ là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho cả quốc gia VN, dân tộc VN trong Nhà nước VN hiện nay.

Nếu hiểu theo nghĩa này, thì hẳn tôi không thể là nhân dân, vì (chắc là) tôi không có tư cách gì để có thể đại diện cho cả quốc gia, cả dân tộc VN trong Nhà nước XHCN hiện nay.

Thực ra thì tác giả cũng không nói rõ tầng lớp nào, giai cấp nào mới là đại diện trong số các giai cấp hiện có ở VN như giai cấp công - nông , giai cấp tiểu tư sản, giai cấp vô sản, giai cấp lãnh đạo, nên biết đâu cái giai cấp mà tôi đang ở trong (hình như là giai cấp tiểu tư sản) cũng có thể là nhân dân thì sao nhỉ? Nhưng chỉ chọn một giai cấp, một tầng lớp để đại diện cho cả quốc gia, dân tộc VN hiện nay trong NN xã hội chủ nghĩa, thì tôi e rằng tiểu tư sản chắc là không xứng đáng. Chắc là giai cấp khác, không có giai cấp của tôi.

Nhân dân là chủ thể quyền lực của một chế độ xã hội nhất định. Nhân dân luôn mang tính cộng đồng dân tộc, song cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc.

Câu này nhắc lại ý “chủ thể quyền lực” mà tôi đã nêu hồi nãy, và nhấn mạnh nó thuộc về “một chế độ xã hội nhất định”. Trong xã hội VN XHCN hiện nay thì tôi – và rất nhiều người khác quanh tôi – không phải là chủ thể quyền lực. Thì đó, ngay cả việc biểu lộ tình cảm yêu nước cũng phải chờ định hướng của NN, chứ không có định hướng thì lớ ngớ là rơi vào bẫy của bọn thế lực thù địch ngay.

Không chỉ là chủ thế quyền lực. Theo câu này thì nhân dân vừa có tính cộng đồng dân tộc (cái này thì tôi có), nhưng lại cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc (cái này thì còn tùy cái giai cấp đó là giai cấp nào đã, xin xem lại phần trên).

Tóm lại, câu này có 3 ý (chủ thể quyền lực, tính dân tộc, tính giai cấp), có một ý tôi đạt (tính dân tộc), một ý không đạt (chủ thể quyền lực), còn ý thứ ba thì có lẽ không đạt. Như vậy là 50-50. Vẫn chưa ngã ngũ, phải đọc thêm nữa.

Ở đoạn 4, mọi việc dường như có rõ ràng, cụ thể hơn, ít lý luận trừu tượng như 3 câu ở đoạn 3 mới nêu. Chúng ta thử đọc ở dưới đây. Cũng có mấy ý, xin phân tích từng ý.

Rõ ràng, nhân dân là những người lao động, nông dân, công nhân, trí thức, binh sĩ, nhân sĩ, tiểu thương yêu nước đã bị thực dân, phong kiến bóc lột, áp bức tù đày, tước đoạt đi mọi quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do phát triển của một dân tộc.

Cái phần rõ ràng này thực ra chẳng rõ ràng gì hết. Tôi tự xét thấy mình thuộc vế đầu tiên của câu này, tức những người lao động, …, trí thức (ừ thì cũng có đi học, có bằng cấp, làm giảng viên, nên tôi tạm nhận mình là trí thức) yêu nước. Nhưng tôi lại không may, chẳng bị thực dân, phong kiến bóc lột áp bức tù đày gì cả. Vậy tôi có thể được xem là nhân dân không nhỉ? Gay quá.

Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”… nhưng dứt khoát không thể là những kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân hay quan lại phong kiến, phản động Việt gian và tước đi các quyền cơ bản đó của đồng bào, dân tộc.

Đến câu này thì hình như có chút ánh sáng le lói. Tôi chắc chắn phải là một phần của toàn dân, không phân biệt … tôn giáo (gia đình tôi gốc đạo Công giáo), và, ơn trên phù hộ, tôi không phải là kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân quan lại phong kiến hay phản động Việt gian gì hết. Vậy có lẽ tôi cũng là nhân dân? Đỡ quá, có thế chứ, lâu nay tôi vẫn tin mình là nhân dân mà.

Nhưng bài viết chưa hết, mà vẫn còn một đoạn nữa, hơi khó hiểu, và … hơi có giọng đe dọa, làm tôi cũng hơi run run, chẳng biết nếu mình tự nhận là nhân dân thì có đúng không, hay là tôi đang nhầm lẫn, hoặc thậm chí lợi dụng từ “nhân dân”. Đây này:

[N]hân dân Việt Nam […] có quyền đòi hỏi không một nước nào, một thế lực nào, một cá nhân nào được can thiệp vào quyền tự quyết lập hiến của nhân dân Việt Nam; càng không được cả gan nhận mình là “nhân dân” để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Chao ơi, tôi đau đầu quá. Chẳng hiểu có phải tôi đang cả gan nhận mình là nhân dân để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân VN không? Chả là vì lâu lâu tôi cũng hay có chút thắc mắc về tình hình biển đảo của VN ấy mà, mặc dù ngoan lắm, cứ toàn phải đợi Đảng và nhà nước định hướng rồi mới dám biểu lộ.

Có ai bảo giúp cho tôi biết xem tôi có phải là nhân dân không nhé? Cái này có lẽ phải nhờ đến TS Quang thôi.
Được đăng bởi Vũ Thị Phương Anh vào lúc Thứ ba, tháng mười 25, 2011 8 nhận xét Các liên kết với bài này


Nhãn:




Phản ứng: 



 


Thứ bảy, ngày 22 tháng mười năm 2011

Thương anh Gaddafi


Không, xin thề có trời đất, tôi thực lòng khi viết cái tựa của entry này, chứ không hề nói mỉa mai, châm biếm một chút nào hết. (Mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng hay … nói móc, thành tính mất rồi, hic!)

Nhưng nếu thực lòng, thì tại sao tôi lại thương Gaddafi, một kẻ độc tài mà (hầu hết, trừ một vài nước nào đó, hình như nghe đâu có cả … VN thì phải?) cả thế giới lên án, và nhân dân Lybia thì vui mừng khi chế độ mà anh ta đứng đầu bị lật đổ? Chẳng phải là việc anh ta đi đến kết cục thê thảm của ngày hôm nay gần như đã được báo trước rồi hay chăng? Vì lịch sử đã từng cho thấy mọi chế độ độc tài rồi cũng có ngày sụp đổ mà – dù kẻ độc tài đó là Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa thời xưa, hay Hitler hoặc Sadam Hussein thời nay.

(Thực ra trong đầu tôi cũng còn một vài cái tên của những kẻ bị thế giới lên án là độc tài khác nữa. Nhưng vì tôi không phải là nhà sử học cách mạng, cũng chẳng phải là nhà chính trị học cách mạng, càng không phải là đảng viên để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng - Đảng viết hoa, tức là ĐCSVN ấy các bạn ạ, nên tôi không dám nêu ra ở đây, vì mất quan điểm! Bởi vì thế giới lúc này hỗn loạn quá, đổi thay nhanh qua, nên thoắt một cái thù thành bạn, bạn thành thù, chẳng biết đường nào mà lần, thôi thì để Đảng và Nhà nước định hướng dư luận cái đã rồi hãy nói cho nó đúng đường lối).

Quay trở lại vụ Gaddafi. Tôi, cũng như tất cả mọi người, vẫn biết là độc tài thì trước sau gì cũng sụp đổ thôi. Mặc dù trước khi sụp đổ, tất cả mọi kẻ độc tài đều rất mạnh, đến nỗi ai cũng cảm thấy dường như họ sẽ mãi mãi đứng trên tuyệt đỉnh của vinh quang và của quyền lực tuyệt đối. Và xung quanh thì dường như chỉ có những người yêu kính, quý trọng, thán phục, ngưỡng mộ họ, với một ước nguyện duy nhất là suốt đời được họ cai trị để được hạnh phúc, ấm no.

Và họ cứ thế mà mê man, chìm đắm trong những lời ca tụng triền miên, say sưa với sự cao cả, tuyệt mỹ, tuyệt hảo của chính mình và của chế độ mà mình tạo ra. Như những con đà điểu rúc đầu trong cát, chẳng nhìn thấy hoặc cảm nhận được gì đang xảy xung quanh mình. Đến nỗi không thể thấy được cái chết được báo trước của chính mình, để đến khi nó đến thì không còn cách nào vãn hồi được tình thế nữa.

Biết thế, nên mới thấy thương Gaddafi. Thương, vì trước hết là anh ấy chết thảm quá. Ai chưa thấy hình ảnh về cái chết thê thảm của Gaddafi thì chỉ cần google là ra hết. Kinh khủng lắm các bạn ạ. Nào là sợ hãi chui vào ống cống (sao mà giống Thoát Hoan quá nhỉ, hồi nhỏ tôi học Sử thì có đoạn “Thoát Hoan chui vào ống cống chạy về Tàu”, thích lắm, đến giờ vẫn còn thuộc). Nào là van xin tha chết, nhưng tất nhiên là vô ích, vì người dân đã quá căm ghét anh rổi. Tôi đã thấy đoạn video clip lúc người dân Lybia gào thét và bắt anh, lôi anh (đã bị thương nặng) trên đường phố để rồi sau đó bị ai đó bắn chết. Rất man rợ, và với tư cách một con người nhìn thấy cái chết thê thảm của một người đồng loại, tôi không thể không có cảm xúc gì.

Rồi hình ảnh cuối cùng về anh mà cả thế giới được nhìn thấy là khuôn mặt bê bết máu của anh lúc chết. Nó cho thấy anh đã bị giết rất dã man. Hẳn là những người lính nào đó khi bắt được anh phải hận thù anh ghê lắm. Mà suốt 42 năm qua, họ là dân của anh. Những người lính bắn anh, có lẽ họ trẻ hơn tuổi 42. Tức là họ được sinh ra, lớn lên hoàn toàn trong chế độ của anh. Được chế độ của anh giáo dục, trước hết là giáo dục nhân cách. Sao họ ác thế, và man rợ thế nhỉ?

Nhưng sự man rợ không dừng lại ở việc bắn chết anh. Theo những mẩu tin của tôi đọc được, thì dân chúng của anh họ thù anh đến nỗi còn lôi xác chết của anh và con trai anh ra trưng bày trên đường phố cho mọi người ngắm, cho thỏa chí. Rồi họ chụp hình xác chết của anh và con anh để làm kỷ niệm chiến thắng. Kinh khủng quá, và thương cho anh quá, Gaddafi ơi.

Cho đến nay, anh đã chết hai ngày rồi, nhưng việc chôn cất của anh vẫn còn chưa biết chừng nào mới được thực hiện. Hiện xác của anh đang được cất giữ ở trong … kho lạnh của một cửa hàng bán thịt (!) để chờ được chôn cất, báo chí nước ngoài đưa tin thế. (Tin ở đây này: http://www.ndtv.com/article/world/new-videos-help-piece-together-gaddafi-s-last-minutes-143368). Mỉa mai thay, và cũng xót xa thay, một kiếp người.

Sao mà đến nỗi như thế này, anh Gaddfi ơi? Anh không chỉ là một người bình thường như tôi, mà là lãnh tụ tối cao, lãnh tụ vĩ đại, người hùng (một thời?) của dân tộc Lybia nữa chứ? Suốt 42 năm qua, anh đã làm gì, để đến nỗi dân chúng của anh căm ghét anh đến như thế này. Mà con dân của anh, những người lẽ ra phải chịu ơn anh không biết để đâu cho hết, sao họ lại tệ hại như thế này, căm thù và man rợ, tàn ác và nhẫn tâm, để không run tay nã súng vào đầu anh, tiễn anh về thế giới bên kia trong sự cuồng loạn và kích động như vậy. Tại sao, hả anh Gaddafi?

Thương anh, tôi lên mạng tìm hiểu về thân thế sự nghiệp anh, và càng thương anh hơn nữa. Tôi thấy hình ảnh của anh khi mới 27 tuổi, đẹp trai ngời ngời, thật xứng đáng là một vị anh hùng của dân tộc. Khi ấy, anh mới lật đổ chính quyền của vua Ìdris vào năm 1969, đưa đất nước của thoát khỏi chế độ phong kiến với cách cai trị cha truyền con nối đời đời kiếp kiếp để xây dựng một quốc gia hiện đại. Mà đáng nói là cuộc lật đổ của anh hoàn toàn không đổ máu; lúc ấy phe của anh chắc là đâu có đối xử với người thua cuộc (vua Idris) như người dân của anh đối xử với anh vào lúc này, Gaddafi nhỉ?

Anh đã chọn con đường XHCN (mang màu sắc Hồi giáo) để xây dựng đất nước của mình. Khi anh chọn con đường XHCN vào năm 1969 thì phe xã hội chủ nghĩa của chúng ta (vâng, “chúng ta” là vì tôi là người VN, một trong những đất nước XHCN hiếm hoi còn lại trên trái đất này) đang rất mạnh, anh nhỉ. Hẳn anh đã tin rằng chủ nghĩa cộng sản trước sau gì rồi cũng thắng thế trên toàn thế giới, dù lúc ấy vẫn chưa phải là đa số. Dù là thiểu số, nhưng là xu thế của thời đại, nên với tư cách là một con người khôn ngoan có tầm nhìn xa, anh chọn con đường tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội để phát triển, để nhân dân anh không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để cho bọn tư bản nó bóc lột làm gì cho khổ.

Thật là không may cho anh, vì nếu anh chậm chậm đi một chút, ví dụ 20 năm sau, vào năm 1989, khi khối Đông Âu sụp đổ, thì có thể anh đã chọn một mô hình phát triển khác?

Hoặc nếu anh không phải là công dân Lybia, mà là … một người Mỹ (gốc Lybia), chẳng hạn, thì với tài trí như thế, và tố chất như thế, biết đâu anh chẳng làm đến tổng thống Mỹ, chưa biết chừng. Chứ gì nữa, các thử nhìn hình Gaddafi năm 27 tuổi, thậm chí 37 tuổi hoặc 47 tuổi mà xem. Anh ấy đẹp trai thế, hào hoa phong nhã thế; rồi cả những năm cuối đời của anh nữa, dù có lập dị như báo chí tư bản phản động nó nói, thì anh cũng rất sáng tạo, thực thế.

Ví dụ như chỉ riêng cái vụ sử dụng vệ sĩ nữ của anh thì cũng đủ biết là anh thông minh đến chừng nào rồi. Toàn những con người xinh đẹp, tài năng. Hình ảnh các nàng có thể xem ở đây này: http://www.funzug.com/index.php/miscellaneous/stylish-libyan-dictator-gaddafi.html. Người ta cứ nói anh kỳ dị, chứ thực là anh khôn lắm. Ai chẳng biết câu “nhi nữ tình trường, anh hùng chí đoản”, một khi các cô vệ sĩ mà đã thán phục và yêu kính anh rồi thì họ đương nhiên là thuộc về anh cả hồn lẫn xác. Khỏi cần ai nhắc nhở, họ cứ tự nguyện lăn xả ra mà bảo vệ anh thôi, như đã được chứng minh rồi đấy (một cô vệ sĩ của anh đã hy sinh khi lấy thân mình để che cho anh khi anh bị ám sát vào năm 1998).

Tất nhiên nếu làm tổng thống Mỹ thì có cái hạn chế là anh chỉ làm được tối đa có 2 nhiệm kỳ thôi. Và cũng không phải là nhiều quyền lắm, vì còn cái quốc hội ngồi chồm hổm ở trên nữa, quyết định điều gì cũng phải qua quốc hội, lằng nhằng lôi thôi quá. Rồi con cháu anh nữa, có muốn nhường quyền lại cũng không được, phải bầu bán lôi thôi, lại có thể không trúng cử. Phiền phức quá.

Nhưng nó cũng có mặt được, anh Gaddafi ạ. Anh có làm dở như ông Bush con kia kìa, làm cho nước Mỹ suýt sập tiệm đấy, thì rồi anh hết nhiệm kỳ, đẩy cục nợ sang cho Obama thì dân chúng sẽ quên anh đi, và … chửi Obama về những khó khăn mà Bush để lại cho ông ấy. Cũng … đỡ đấy chứ, anh nhỉ?

Mà quan trọng nhất là anh sẽ không có đủ thời gian để làm dân chúng oán ghét, căm giận như ngày nay. Để đến nỗi chúng giết anh, lạnh lùng, man rợ, tàn nhẫn, kích động, không một chút xót thương nào. Dân chúng gì mà tệ thế anh nhỉ. Tệ chẳng kém gì dân Do Thái bán đứng và đóng đinh vị tiên tri của mình là Jesus Christ ấy.

Càng nghĩ, càng thương anh quá, Gaddafi ạ. Thôi dù gì thì anh cũng đã chết mất rồi, mong cái chết của anh cũng là một tấm gương cho đời sau noi theo mà học hỏi.

Học cả những bài học thành công, cũng như những bài học thất bại của anh, anh Gaddafi nhỉ.

Rest in peace, anh Gaddafi ơi.
Vũ Thị Phương Anh

25-10-2011

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn