BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73346)
(Xem: 62243)
(Xem: 39428)
(Xem: 31175)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chính sách triệt sản

18 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 943)
Chính sách triệt sản
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Ngay sau khi đắc cử Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình trả lời báo chí: Ở chính sách tiền tệ, khẳng định là chúng ta tiếp tục duy trì chính sách này không phải là thắt chặt, mà chặt chẽ.

Không hẹn mà gặp, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng nói ông "không thích dùng từ “thắt chặt"".

"Để đảm bảo kìm chế lạm phát. Nhưng cũng đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý vì đất nước ta, lực lượng lao động lớn, nếu không tăng trưởng hợp lý sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội”- Thống đốc Bình nói. Còn Bộ trưởng Vương Đình Huệ thì lý luận: Tài chính như mạch máu của nền kinh tế, ta phải đảm bảo cho nó lưu thông theo đúng quy luật kinh tế khách quan".

Không thấy lý giải "chặt chẽ", khác với "thắt chặt" thế nào, hay đơn giản chỉ là cách gọi, tuy nhiên có thể thấy chí ít về mặt hình thức, đã có sự thống nhất cao giữa tư lệnh tài chính- tiền tệ, hai ngành then chốt nhất của nền kinh tế. Ưu tiên của Chính phủ là chống lạm phát, tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt chặt, hay chặt chẽ, vẫn không thể không tính đến phát triển, không thể không ưu tiên cho khu vực sản xuất là quan trọng nhất.

Nhưng đồng thời với những phát biểu, cơn hấp hối trên diện rộng đối với các doanh nghiệp sản xuất đang đồng loạt xảy ra. 400 doanh nghiệp nhựa, chiếm 20% tổng số DN cùng ngành đang phải đóng cửa. Các DN chế biến gỗ nơi phải tạm ngưng hoạt động vì có hàng mà không dám xuất, nơi đóng cửa nhà máy vì không có đơn hàng để sản xuất. “Hàng loạt DN bất động sản đang ngồi chờ chết. Có DN chết rồi nhưng chưa nói ra thôi”. Các DN thép, xây dựng thì khỏi nói, đã ngắc ngoải tỷ lệ thuận với sự bắt chuồn chuồn của thị trường bất động sản từ đầu năm. Đến ngay cả các DN may mặc, khu vực ổn định nhất trong cả thập kỷ qua, top tỷ đô, cũng đang cầm cự, thoi thóp, tự thu hẹp, và méo mặt với đợt tăng lương từ 1-10 tới đây.

Một đánh giá của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy: số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động sáu tháng đầu năm 2011 đã gấp đôi so với cùng kỳ 2010.

Và nạn nhân đầu tiên trong cơn bão thắt- chặt có tên là An Khang, một doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu.

Trên báo Dân Việt, tình trạng của An Khang được mô tả cực kỳ bi thảm: Dư nợ hơn 300 tỷ đồng. Nợ mua cá tra của nông dân 27 tỷ đồng. Nợ lương công nhân đã 2 tháng nay. Giám đốc An Khang giờ còn mỗi việc ngồi nhà ký các thỏa thuận với những người siết nợ rằng khi số cá còn lại trong kho được xuất bán, các chủ nợ sẽ thu tiền trực tiếp. Tình trạng vỡ nợ của An Khang, một doanh nghiệp thu mua cá của nông dân và chế biến xuát khẩu, bắt đầu và chỉ có từ một nguyên nhân: Lãi suất.

Nhưng có vẻ, An Khang chỉ là nạn nhân đầu tiên, hoặc nạn nhân đầu tiên công khai cái chết của mình.

Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, bà Đỗ Thị Loan phát biểu trên SGTT: Mặt bằng lãi suất ở những nước lân cận trong khu vực chỉ nằm ở mức 4%/năm, trong khi lãi suất của Việt Nam hiện ở mức 8,5%/năm cho ngoại tệ và 24%/năm đối với tiền đồng. “Với lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp làm chỉ đủ nuôi ngân hàng?”.

Trong buổi tọa đàm đánh giá tác động của lạm phát và việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, một doanh nghiệp đã thẳng thắn phát biểu (và sau đó Thời báo kinh tế Việt Nam, cũng công khai đăng lại): "Chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay gần như “triệt sản” đồng loạt, từ cụ ông 90 tuổi cho đến thanh niên, mà không có sự phân loại cần thiết". Cũng tại chính cái tọa đàm đánh giá tác động của nghị quyết 11 này, lần đầu tiên đã xuất hiện từ "thít", một dạng thức khác của thắt chặt, hay chặt chẽ.

Biểu hiện của chính sách thắt chặt- hay chặt chẽ- hay thít chính là mức lãi suất cắt cổ đã tồn tại vắt ngang qua hai đời thống đốc. Một sự tồn tại bất bình thường nếu so với tỷ lệ lạm phát- cao cũng không kém gì mức lãi suất. Và giữa những đỉnh cao lãi suất đó, có thể đợt tăng lương "đột xuất trước hạn" trong khối doanh nghiệp từ 1-10 tới đây sẽ là cái khăn cuối cùng vắt lên lưng con lừa doanh nghiệp.

Khi Quốc hội thông qua việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, đã có rất ít nụ cười. Nguyên nhân rất đơn giản, bởi việc giảm thuế thu nhập giống như một loại thuốc đi ngoài chữa cho những con bệnh đang lên cơn sốt. Vay không dám vay vì lãi suất thít cổ. Làm không dám làm vì càng làm càng lỗ thì lấy đâu ra thuế thu nhập mà mong được giảm.

Ngay trong hôm đắc cử, thống đốc Nguyễn Văn Bình xác định áp lực lãi suất cao là "trách nhiệm lớn mà Ngân hàng nhà nước đang phải gánh vác". Ông hứa từ tháng 9 lãi suất sẽ giảm.

Mong sao Thống đốc thực hiện lời hứa. Mong sao An Khang sẽ là nạn nhân cuối cùng. Và mong sao những con lừa doanh nghiệp chịu được đến "tháng 9".

 Đào Tuấn

18-08-2011

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn